Thích Ông Rồi, Làm Sao Đây!

Chương 31



==>==

Từ ngày hùng hồn tuyên bố thi trường Chuyên với bố mẹ, tôi bắt đầu đâm đầu vào học như điên. Đơn giản một điều, với một đứa không giỏi không dốt như tôi thì trường Chuyên là một sự lựa chọn khó khăn, nó quá cao so với tôi. Với cả đầu vào trường Chuyên rất khắc nghiệt, một chọi mười cũng là lẽ thường. Nếu như các thí sinh có cùng một điểm số, thì sẽ xét đến học bạ, mà điểm số về tự nhiên của tôi thì hơi bị đẹt. Biện pháp bây giờ là phải cày cho các cuộc kiểm tra sắp đến, cả kì thi học kì nữa, nhất định phải vớt được chúng, không cho chúng chết chìm. Điển hình là môn Hóa với Hình học.

Môn thi chuyên thì tôi không lo cho lắm, mặc dù không biết học Địa rồi mai sau ra làm cái nghề gì.

Mỗi sáng, hắn vẫn đến đón tôi đi học như thường, ba mẹ có thấy nhưng cũng nhắm mắt mở mắt cho qua. Tôi không nói cho hắn biết và cũng không có ý định nói, nói rồi hắn sẽ làm um lên cho xem. Với cả biện pháp duy nhất hiện giờ là: Tôi phải đỗ trường Chuyên, nói ra rồi hắn sẽ thi giùm tôi chắc. Lâu lâu lợi dụng cái đầu to của hắn để giải bài tập với giảng bài giúp tôi thì được.

Nhóc Thiên đôi khi rảnh cũng giúp tôi học thêm Tiếng Anh, đừng nhìn nó nhỏ mà tưởng nó không biết gì, ba mẹ cho nó đi học Tiếng Anh ở Trung tâm Quốc Tế từ nhỏ đến giờ đâu phải để chơi. Nhưng mà để thằng em lớp 7 bày cho mình, một đứa lớp 9, thì mặt tôi cũng không phải loại dày bình thường. Biết vậy, hồi nhỏ nghe lời ba mẹ đi học thì giờ có phải đỡ hơn không.

Trong khi tôi chăm chỉ học như thế thì mấy đứa đồng trang lứa lại tất bật chuẩn bị cho trại. Và bạn biết đấy, cuộc vui của tụi nó không bao giờ có chữ “học hành”, thế nào thì cũng chơi xong rồi tính tiếp, câu cửa miệng “Ba mươi chưa phải là Tết”. Tôi mà không cù lần thì cũng chả phải cần cù làm gì.

Cái trại này còn không phải bắt nguồn từ việc trường tôi xếp thứ hai toàn đoàn trong kì thi HSG vừa rồi, chỉ sau trường Chuyên An Hải. Vì năm nay kì thi tổ chức muộn nên đáng lẽ sẽ không có trại nhưng với cái lòng tha thiết của đám học sinh năm cuối cấp thì thầy Hiệu Trưởng cũng phải ngậm ngùi đồng ý. Nhưng với điều kiện, chơi xong là phải nghiêm túc học, học để đỗ tốt nghiệp, học để vào trường nguyện vọng.

Chiều nay cả lớp tôi tập trung làm cổng trại, rồi thêm ba cái đồ trang trí này nọ. Cả đám con gái tập trung nhà “chị” Minh – đơn giản vì nhà cô có sân rộng, đủ chỗ chứa 30 cái thây – cả nửa tiếng mà vẫn chưa thấy thằng con trai nào vác xác tới. Con trai lớp này rất ham học hỏi, nhất là với bộ môn Tin học nên chắc giờ đang chôn xác trong cái tiệm Net nào rồi và cuộc hẹn lúc hai giờ khi vào đầu các chàng sẽ thành ba giờ có lẻ.

Tụi con trai ngộ nhở, 100% thì hết 90% đều thích chơi game, và đề tài về game đối với tụi nó không bao giờ là cạn. Tụi nó thích thú thảo luận hàng giờ đồng hồ và không biết mệt là gì. Tin tôi đi, nếu học ở một lớp đông con trai thì dù không muốn nghe những điều ấy cũng sẽ chui vào lỗ tai bạn. Con trai ghiền game cũng như con gái ghiền mua sắm vậy đấy.

Tụi con gái tự dưng hôm nay hiền đột xuất, không gọi, không càu nhàu, không mắng chửi nửa lời, không chờ đám con trai mà bắt tay vào công việc ngay lập tức. Cái này chẳng lẽ là di chứng hậu 8/3 lần trước? Cả đám cùng “chị” Minh lên hết ý tưởng này nọ rồi phân công ra đứa làm cái này, đứa làm cái kia. Tre, nứa, lá dừa, dây thừng,… các loại đã được tìm và đem đến nhà “chị” Minh ngày hôm qua nên giờ chỉ có việc làm rồi trang trí thôi.

Nhưng không có con trai cũng có cái bất lợi:

Thứ nhất, con gái không đủ mạnh.

Thứ hai, con gái không biết cầm búa, rựa,…

….

Thứ n, vô số điều con gái không làm được, hay nói cách khác là lần đầu làm khi vắng con trai.

Ban đầu cũng có tiếng la, tiếng rên nhưng cũng dần dần đi vào quỹ đạo, mặc dù có đứa chảy cả máu tay mà miệng vẫn cười toe toét.

Hơn 3h, cái đám “trời đánh” ấy mới ồn ào đi tới, nhìn cảnh tượng trước mắt cứ như sắp lòi trong đến nơi. Con trai dường như cảm thấy có lỗi, tranh nhau làm việc này đến việc khác mà không hé răng một lời.

Và hình như, con trai thấy thương con gái.

– Mấy bà nghỉ hết đi, để tụi tui làm cho!

– Không cần, tụi này làm được.

– Vậy vào trong nhà vẽ vời trang trí gì đó đi, tụi tui làm cổng trại cho. Nhìn mấy bà làm mà xót cả ruột.

Hôm đó, cả lớp làm trong yên bình lặng lẽ, đứa này làm cái này thì đứa kia làm cái khác, không có đến một tiếng cãi nhau.

Chiều về, cả đám con gái rủ nhau đi chơi và điều tất nhiên là tụi con trai không được tham gia. Sau một hồi kẻ đi trước người đi sau cả một đoạn đường dài thì con gái cũng xiêu lòng, không nỡ đuổi con trai về. Cho đi nhưng với điều kiện tụi con trai trả chầu này.

Ăn uống chỗ này, đập phá chỗ kia cùng nhau thế là hòa, hết giận.

Ông Huy, ông Phong, và một vài chàng khác sớm có “mẹ trẻ” thế là bị nhéo tai, cắn tay gặm chân suốt cả đoạn đường. Số thành phần F.A còn lại trong lớp đứng thổi thêm gió mát, nhìn người ta bị hành mà mình cười toét cả mồm.

Ông Lâm nói với hắn:

– Tao thấy mình thật may mắn khi chưa phải lòng nhỏ nào lớp này.

– Chuyện “mẹ dạy con” thế này thì một lúc nào đó mày cũng sẽ trải qua thôi. – Hắn cười.

Sau lại quay sang tôi hớn hở:

– Này, không có chuyện gì để nói à?

Tôi đang xem cảnh lộn xộn trong lớp nên đáp bừa:

– Chuyện gì?

– Hôm nay tui đến trễ.

– Thì sao?

– Tại vì tui đi chơi net.

– Sao nữa?

– Này…

Tôi nghĩ ngợi một lúc rồi bảo hắn:

– Chơi gì thì chơi nhưng nhớ đến đúng giờ là được.

Mặt tên nào đó lập tức xịu xuống. Hắn còn bị ông Lâm cười cho một trận.

– Cái thằng điên, bình thường không muốn lại cứ thích bị ngược.

– Mày không biết đâu? Tao khổ tâm lắm.

Kẻ nào đó dựa vào người tên Lâm làm nũng, nói ba cái tào lao gì đó. Đầu tôi đầy vạch đen, vậy hắn muốn bị chửi mới cảm thấy vui hay sao?

——

Năm nay địa điểm cắm trại là Công viên Biển Đông, một công viên ven biển. Nó không quá rộng, nhưng lại kéo dài theo biển. Bao phủ toàn bộ công viên là một màu xanh của cây dừa, bên dưới là một bãi cỏ xanh mướt. Ở đây để rất nhiều tượng đá này nọ với các kiểu hình thù khác nhau, đây còn là chỗ nuôi bồ câu. Nó không quá đẹp, không xây dựng quá cầu kì như các công viên khác nhưng lại là một nơi thu hút giới trẻ. Nếu có dịp đến đây vào các buổi tối cuối tuần, bạn sẽ biết nơi này nhộn nhịp như thế nào, có sinh hoạt câu lạc bộ, có nhảy múa đường phố, tổ chức những buổi gặp mặt,… Thỉnh thoảng tôi ra đây, lang thang theo biển, nghe người ta hát hò, tham gia một vài hoạt động.

Chúng tôi phải tập trung ở công viên từ sớm để dựng trại. Bởi vậy mới 6h hắn đã lò dò xách xe qua nhà tôi. Khi đó tôi còn đang chuẩn bị trên lầu, người ra mở cửa là ba. Tôi đã suýt thót tim khi nhìn từ trên lầu xuống. Ba tôi nhìn hắn một hồi, như đang đánh giá gì đó, tôi không nhìn được mặt ông nên chẳng biết ông có khó chịu hay không. Hắn chào ba tôi xong cũng đứng yên không dám ho he gì. Hai người đàn ông một già một trẻ đứng cạnh nhau cả buổi mà không nói nửa lời, không khí như đặc quánh lại.

Lúc tôi kéo hắn ra khỏi nhà, tôi thấy ba nhăn mặt nhíu mày, lầm bầm cái gì đó rồi bỏ vào nhà.

Hắn kéo tôi đến một quán phở ven đường, nằng nặc bắt tôi vào cho bằng được mặc dù tôi bảo mình không đói.

– Nếu không ăn thì bà phải chịu đói từ giờ đến trưa đó. Người ta dư thịt, bà thì dư xương mà còn muốn nhịn sao!?

Đứng trước quán người ta mà chần chờ mãi không chịu vào cũng kì, thôi thì đành vào vậy. Với cả, tên nào đó hôm nay quá bảnh, quá chói lóa, quá thu hút người đi đường khiến tôi đứng cạnh cũng bị vạ lây. Quần jean đen kết hợp với áo phông cùng áo sơ mi khoác ngoài, nhưng mấy tuổi rồi hắn còn mang quần sắn gấu chứ, nhìn nhây nhây như con nít.

Hắn gọi hai tôi phở bò cỡ lớn. Trong khi chờ người ta mang phở ra, hắn như bà già ngồi lèm bèm đủ thứ, còn tiện tay lấy mọi thứ trong balo ra kiểm tra. Thế là, trong một quán phở, có một bàn dành cho bốn người ngồi phủ la liệt đồ, một thằng con trai cao ráo tay kiểm tra cái này, tay sờ sờ cái khác, miệng thì liên mồm không ngừng.

– Không xong rồi, tui quên mang khăn với bàn chải, cả kem đánh răng nữa.

– Lo quá hóa rồ.

Tôi tặc lưỡi nhìn hắn. Mấy cái cần nhớ thì không nhớ, mấy cái không cần thì lại chất đầy balo. Tôi nhìn đống sữa hộp không cũng muốn chóng mặt, hắn là chê balo nhẹ quá nên thêm đống đó vào cho nặng hay sao.

Tôi sờ sờ bên túi bên cạnh balo. Thế nào lại không có? Mở ra xem thì… chết, lúc nãy hấp tấp quá nên bỏ quên luôn cái khăn với cái bàn chải trên bàn.

Tôi đành bảo hắn:

– Thôi ăn đi, chút nữa tui ghé chợ mua! Dù sao tui cũng quên rồi.

Hắn lau sạch muỗng, lau sạch đũa, rồi tỉ mỉ nêm nếm gia vị cẩn thận cho hai tô phở, xong đẩy một tô về phía tôi.

– Thế mà nói như mình giỏi lắm!

– Còn không phải do ông…

Tôi theo quán tính nói ra, may mà ngừng lại kịp. Tôi cúi đầu ăn, tránh ánh mắt dò xét của hắn.

Hắn nhìn tôi ngập ngừng một chút rồi hỏi:

– Bà có điều gì giấu tui sao? Hồi sáng, ba Dương nhìn tui cũng rất lạ.

– Ông đẹp thì nhiều người nhìn chứ đâu phải mình tui.

– Tâm.

Mỗi lần nói gọi tôi nghiêm túc thế này là tim tôi lại thót lên.

Tôi ngẩng đầu nhìn hắn, hắn cũng nhìn lại tôi. Tôi nhận thấy trong mắt hắn có điều gì đó khó chịu lắm. Cả hình ảnh phản chiếu của tôi trong mắt hắn cũng rất rõ ràng.

– Bà giấu tui chuyện gì à? – Hắn hỏi lại tôi một lần nữa.

– Không có, thật!

Tôi cứng miệng đáp.

– Chuyện tui với bà, gia đình bà…

– Ba mẹ tui biết rồi. – Nói thật.

– Không phản đối?

– Không phản đối. – Ít nhất là từ đây cho đến lúc thi, còn sau đó thì… đợi kết quả rồi nói tiếp.

Hắn nhìn tôi thở nhẹ ra, còn vươn tay vò rối tóc tôi.

– Có chuyện gì thì phải nói đấy, đừng có giấu! Tui không thích.

Mỗi lần hắn nói “Tui không thích” thì chắc chắn một điều: hắn cực kì ghét.

Lúc tính tiền, hắn lại là kẻ chuồn đi trả tiền trước. Hồi trước chưa quen nhau, mọi chi phí khi đi chơi đều chia đều rất sòng phẳng. Nhưng từ lúc quen nhau, bất kể là lúc đi hai đứa hay đi chơi với bạn bè, hắn đều giành phần trả tiền cho cả tôi. Tiền bạc là vấn đề nhạy cảm, tôi không muốn nói thẳng nhưng cứ thế này thì thế nào ấy. Tôi thấy mình như kí sinh trùng bu bám theo hắn mà không biết ngượng là gì, nói toẹt ra là, tự dưng thấy hắn như cái máy rút tiền lúc cần. Nhiều đứa có thể bảo là bình thường, quen nhau thì chuyện đó có đáng gì, nhưng tôi lại cảm thấy chả bình thường tẹo nào, thà như trước kia mỗi đứa một nửa đỡ phải khó xử.

Chúng tôi ghé chợ mua một ít vật dụng. Vì mới sáng sớm nên chợ cũng không đông lắm, các hàng quán đang bày hàng ra. Tôi dặn hắn đứng ở ngoài, còn mình vào trong mua đồ. Hắn có gọi tôi lại định nói gì đó nhưng tôi cứ cắm đầu đi thẳng.

Tôi mua hai cái khăn lau mặt màu trắng, hai cái bàn chải màu trắng nốt, thêm một tuýp kem. Đi ngang qua hàng bán mũ, tôi nghĩ ngợi một lúc rồi quyết định mua một cái mũ lưỡi trai.

Đi trên đường, tôi sắp xếp lại mọi thứ rồi bỏ vào balo cho hắn, xếp luôn cái mũ lưỡi trai vào. Hắn chuyên gia quên mang mũ, nhiều hôm trời nắng chang chang cứ đưa cái đầu trần đi về. Lần này trong đám đồ cần thiết trong balo hắn cũng chẳng có mũ, mà trời trên biển thì vừa nắng gắt vừa oi bức.

Gió buổi sáng nhè nhẹ lướt qua da mặt, man mát. Trời hôm nay chắc đẹp lắm, trong xanh không một gợn mây, nhìn trời tự dưng thấy cao và xa quá. Tôi dựa đầu vào balo hắn, ngắm nhìn cảnh vật lướt qua tầm mắt. Miệng nghêu ngao hát, tôi cảm nhận vị gió biển đang đến gần.

.

.

“Loa loa, 1 2 3, loa loa! THÔNG BÁO TẤT CẢ CÁC LỚP NHANH CHÓNG TẬP TRUNG!!!”

Khoảng 8h thì việc dựng lều trại cũng xong, chúng tôi kéo nhau ra tập trung giữa sân.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh cũng như tránh việc có kẻ lạ đột nhập với mục đích xấu, trường đã cho người làm hàng rào vây lại khu vực cắm trại. Theo tôi thì nó không được đảm bảo cho lắm, nhưng đành vậy, có còn hơn không. 10 lớp chín được chia thành 2 dãy đối diện nhau, còn hai đầu một cái là cổng trại chính, một cái là lều trại giáo viên, ở giữa rất rộng dùng làm nơi sinh hoạt chung.

Lần trại lần này không chỉ chỉ có GVCN các lớp mà ngay cả thầy Hiệu trưởng cũng như thầy Giám thị tham gia. Hiệu trưởng “bụng bự” đầu đội mũ lá rộng vành, mặt đeo kính mát, balo mang ngược càng khiến cho thân hình thầy có phần đồ sộ hơn, thầy cứ liên tục hét vào loa tỏ vẻ hào hứng lắm. Còn thầy Giám thị thì vẫn một thân đen, vẫn… u ám như thường.

Mười lớp 9 dàn hàng ngang đối diện với lều trại thầy cô. Mỗi lớp, mỗi tập thể, một màu áo riêng biệt. Qua cái trại này, không biết đến bao giờ mới được mang lại cái áo lớp, được đứng lại trong cùng một tập thể thân thương.

Thầy Hiệu trưởng là người khai mạc trại. Giọng thầy ấm và nhẹ đến lạ.

– Như các em đã biết, cái trại 3 ngày 2 đêm này có được là do sự cố gắng của tất cả các em trong thời gian vừa qua, không chỉ một năm lớp 9 mà cả bốn năm học. Đây chỉ là lúc tụi em nghiệm thu thành quả.

Mấy trăm đứa học sinh trầm mình vào giọng nói của thầy, vào từng câu chữ. Tôi nghĩ tụi nó cũng giống như tôi, trong lòng có cái gì đó gọi là tự hào, nhưng cũng cảm thấy chút gì đó tiếc nuối cho những thời gian đã qua.

Không có một kịch bản dựng sẵn, không có một tờ giấy nào để xem, thầy cứ nói theo ý thầy và lũ học sinh chúng tôi im lặng ngồi nghe.

– Thời gian vô tâm lắm, nó cứ trôi và chẳng bao giờ đợi con người bắt kịp. Chỉ vài tháng nữa thôi, các em ngồi đây sẽ rời trường, mỗi em sẽ chọn cho mình một hướng đi riêng, một con đường mới. Thế nên, thầy mong các em trân trọng những giây phút này, 3 ngày 2 đêm, nói ngắn không ngắn, nói dài không dài nhưng đủ để con người ngồi lại bên nhau, lắng nghe nhau và hiểu nhau hơn. Hãy cùng những người xung quanh tạo nên những kí ức thật đẹp, cùng thầy cô và các bạn tạo nên những khoảnh khắc đáng quý. Để một mai nào đó nhìn lại, các em sẽ thấy mình đã có một thời học sinh đáng trân trọng dưới ngôi trường THCS Đông Du này. Thầy xin hết!

Kết thúc bài phát biểu, thầy cười nhưng chúng tôi buồn, một vài đứa lặng khóc. Chúng tôi đã cùng nhau đi một đoạn đường dài, và đã gần đến cuối con đường, chúng tôi… sắp phải xa nhau.

Tự dưng muốn thời gian ngừng trôi để chúng tôi ở bên nhau lâu hơn.

Không khí đang trầm xuống thì một giọng nói vui vẻ cất lên.

– Nào nào, có vẻ thầy Hiệu trưởng đã lấy đi không khí của buổi trại cũng như lấy đi một lít nước mắt của các bạn nữ rồi nhỉ?

Một thằng con trai mang áo phông trắng của lớp tôi, mặc quần sắn gấu, đội mũ lưỡi trai ngược đang cố tình lấy lại không khí vốn có của buổi trại. Hình như tôi đã quên mất, hắn là Liên đội trưởng của Đông Du, nói cho dễ hiểu là kẻ cầm đầu mọi hoạt động, công tác của trường này, cũng là người đại diện cho học sinh của toàn trường. Tôi nghe mọi người nói hắn là Liên đội trưởng nam đầu tiên của Đông Du, tất cả các niên khóa trước đều là nữ làm, con trai hay ngại việc rắc rối lắm. Tôi cũng nghe thầy cô nói, hắn không những làm được mà còn làm tất cả mọi việc rất tốt, đến nỗi, mỗi lần họp Liên đội, cô Tổng phụ trách chỉ cần ngồi nghe, mọi việc từ đầu đến cuối đều do hắn chỉ đạo. Hắn đối xử với đàn em cũng tốt, chỉ là… hắn rất nghiêm túc khi làm việc, nên đôi khi cũng khiến kẻ khác mất lòng.

Xuất hiện bên cạnh hắn là Liên đội phó, là con gái, không sai. Mái tóc xoăn buộc lệch, nụ cười còn tươi hơn cả ánh mặt trời, nếu bạn nghĩ đến người đó thì không sai đâu, Liên đội phó là Uyển Nhi. Hai người này đứng cạnh nhau thật chói mắt, át cả nắng.

– Để thay đổi không khí, có bạn nào muốn tham gia văn nghệ không? Ai nghĩ mình đẹp trai, đẹp gái thì xin giơ tay!

Không khí im lìm một lúc, bỗng có một cánh tay giơ lên, một bạn nữ ngồi hàng đầu.

– Hai bạn có thể bắt đầu trước không?

Câu hỏi vừa mới đặt ra liền nhận được sự đồng tình của tất cả mọi người, tất cả cùng hô vang: “Hát đi, hát đi!”.

Hai người quản trò bối rối nhìn nhau một chút. Hắn tự dưng đưa mắt nhìn xuống tôi, kiểu như muốn hỏi gì đó. Chẳng lẽ, hắn nghĩ tôi sẽ không thích? Đùa gì chứ, tôi đâu có con nít đến mức đó, mặc dù nói thích cũng không phải.

Tôi nhìn hắn cười.

– Vậy được, mình với Uyển Nhi sẽ hát trước.

Hắn đi vào vào lều trại, sau đó đem ra cây ghi-ta gỗ. Không chỉ Uyển Nhi mặt đỏ mà cả mấy nhỏ con gái dưới này tim cũng thình thịch đến nơi.

“Một ngày vui tươi ngập tràn tiếng ca.

Một ngày bình minh chan hòa khắp thế gian.

Một ngày với tóc rối bời.

Một ngày riêng của tôi.

Nằm vươn vai nghe đài FM.

Nhịp nhịp đôi chân theo điệu nhạc rất quen.

Và bờ môi khẽ hát vang lên câu ca,

Một ngày thật đáng yêu!

……

Một sáng quá yêu đời,

Khi bình minh sáng tươi.

Cảm giác rất tuyệt vời,

Theo bạn đi khắp nơi.

Một ngày không lo lắng,

Thật tự tin trong nắng!

Để nghe những tiếng cười luôn ngập tràn mỗi ngày.

Bạn ơi hãy vui lên khi bạn luôn có tôi.

Nào cùng nhau ta hát!

Hoà nhịp trong tiếng gió…”

(Một ngày mới – Quốc Minh ft. Thái Trinh.)

Tiếng gió đưa tiếng hát lên cao, không còn là bài hát riêng của hai người mà là bài hát chung của một tập thể lớn. Nhờ hắn mà mọi người nhanh chóng lấy lại tinh thần, hòa nhập vào cuộc vui. Tức cười một điều là bạn nữ nào xung phong lên hát cũng bắt hắn đệm ghita cho, hắn đánh mệt muốn xỉu nhưng mặt vẫn ráng cười lịch sự.

Ai bảo bày trò!

.

.

Cả buổi sáng, hắn chạy đi hết chỗ này đến chỗ khác, làm hết việc này lại lăng xăng việc kia. Trong khi đó tôi lại đi theo đám bạn cùng lớp cổ vũ cho chúng nó thi đấu. Hò hét muốn khan cả giọng, thắng thua không quan trọng nhưng cỗ vũ cho có tinh thần tập thể.

Mỗi đứa một nơi, một việc thành ra tôi không gặp hắn nhiều, tôi cũng không quan tâm. Mãi đến gần trưa, lúc tôi đang sung sức cổ vũ cho lớp thi nhảy bao bố thì người nào đó hiện ra, cầm tay lôi tôi đi mất. Tôi cố nấn ná ở lại để biết kết quả thì bị hắn nạt.

Đôi khi hắn hành động rất khó hiểu, kiểu như làm trước rồi nói sau, cũng không biết người ta có đồng ý hay không. Hắn lôi tôi xềnh xệch trên cát, đi về hướng ngược lại của khu cắm trại.

– Này này, bỏ tay tui ra, đau quá!

Hắn đột nhiên dừng lại, quay phắt lại nhìn tôi. Cổ tay tôi bị hắn nắm đến hằn lên vệt đỏ.

– Nói đi!

Tôi xoa xoa cổ tay, khó chịu đáp:

– Nói gì chứ?

– Tại sao lại nói dối tui? Việc ba mẹ bà không đồng ý.

Hắn tức giận thực sự. Môi mím chặt nhìn tôi.

Dương Nhất Thiên, thằng em đáng chết! Tại sao tôi lại quên bịt miệng nó chứ? Nó đúng là mầm mống của rắc rối.

– Ba mẹ tui đâu phải không đồng ý.

– Vậy nếu bà rớt Chuyên thì sẽ chia tay với tui phải không?

Hắn bỗng nhiên lớn giọng làm tôi giật mình rụt cổ lại. Tôi giờ đây còn không dám ngẩng đầu lên nhìn hắn. Đừng trách tôi vì sao lại không can đảm được như mấy chị nữ chính trong truyện, mọi hoàn cảnh dù đúng hay sai đều nghênh ngang ngẩng đầu mà cãi lại. Tôi tự nhận mình hèn nhát, tôi không đủ tự tin để đảm bảo rằng “Tôi có thể làm được”. Ngay cả chính bản thân mình cũng không tin được mình thì làm sao khiến kẻ khác tin được chứ. Tôi mà cãi lại chỉ càng khiến bản thân thêm ngu ngốc thôi.

Hắn ra lệnh:

– Tâm, ngẩng đầu lên!

– Thằng Thiên nói rồi, có sai nên biết nhận sai, biết sai thì nên cúi đầu nhận tội.

Tôi vẫn cúi đầu đá đá đống cát dưới chân. Chân tôi hình như va phải vật gì đó, có cám giác đau đau.

– Tui không đùa, ngẩng đầu lên!

Tôi méo mặt nhìn hắn. Máu nhỏ từng giọt xuống cát làm cho tôi biết cảm giác mình không sai. Cái tôi đá vào là vỏ ốc, còn có nó đầy gai trên mình. Sao mà xui thế không biết?

Hắn cũng chú ý đến chân của tôi. Mặt hắn lúc đầu đã nhăn, giờ còn nhăn hơn, hai hàng lông mày cứ như dính sát lại với nhau.

– Giày đâu không mang?

– Xuống biển thì mang giày làm gì?

Trời hôm nay mát nên mọi hoạt động đều tổ chức trên bãi biển, đâu ai xuống biển mà mang giày dép làm gì.

– Bà…

Hắn hít vào một hơi sâu, muốn nói gì đó nhưng lại thôi. Nhìn mặt hắn thế này thì có vẻ muốn chửi tôi lắm nhưng cố kìm nén lại.

Hắn bất đắc dĩ đưa lưng về phía tôi, bảo:

– Lên đi!

Không phải giả vờ tốt bụng rồi quăng tôi xuống biển chứ?

– Còn không mau? – Lại nạt. Ăn gì hôm nay cau có thế không biết?

– Ông đừng có chửi tui đó.

– Vậy bà nghĩ mà không đáng bị mắng sao? Còn không lên là tui cho đi bộ về.

– Lên đây, lên đây!

Tôi lò dò một chân về phía hắn, công nhận là đau thật.

Ở nhà, tôi đè đầu cưỡi cổ nhóc Thiên cũng nhiều, được ba cõng cũng nhiều. Nhưng lần này ở trên lưng hắn không biết vì sao lại thấy ngượng. Lưng hắn rộng hơn lưng tôi nhiều lắm. Không biết có phải do tôi nặng hay không mà tôi có cảm giác hắn đang gồng lên, người hắn cũng hơi cứng đờ. Tôi vòng tay qua cổ hắn giữ thăng bằng, vô tình chạm đến ngực trái. Ở đó, tim hắn đập rất mạnh.

– Đừng có lung tung!

Hắn lạnh giọng cảnh báo, tai không đỏ, mặt không hồng. Tự dưng tôi muốn chọc hắn ghê.

– Đưa đầu lại đây!

– Hử? Oái, đau!

Hắn lấy đầu hắn cụng mạnh vào đầu tôi, đau đến thấy trời sao.

– Cho đầu tôi truyền cho đầu bà chút chất xám, ngu như lợn.

Tôi xoa xoa đầu, tiện tay vò rối tóc hắn, cố ý bứt một ít tóc cho hắn đau chơi.

– Việc như thế mà dám nói dối tui. Bà làm tui có cảm giác mình chẳng đáng làm một thằng con trai.

Hắn nói cứ như trách tôi thì ít mà tự trách bản thân thì nhiều.

Tôi tựa đầu vào vai hắn. Mùi của con trai cộng với mùi mồi hôi quanh quẩn nơi cánh mũi, nhưng tôi không thấy ghét chút nào.

– Có thể sẽ không thành công nhưng tui sẽ thử, tui muốn cố gắng một lần vì… ông.

Tôi muốn mình cố gắng từng chút, từng chút một để có thể xứng với hắn. Một ngày nào đó, tôi có thể tự tin đứng cạnh hắn, sánh bước cùng hắn.

– Vậy lỡ bà rớt thì sao?

Tôi im lặng.

Nếu rớt thì có thể tôi phải xa hắn, điều dù có nghĩ tôi cũng không muốn nghĩ.

– Tui sẽ cùng bà cố gắng, vì để bà một mình tui không yên tâm chút nào.

Tôi cười, vì biết rằng mình không hề cô đơn. Nếu tôi cười, sẽ có hắn cười cùng tôi. Nếu tôi khóc, hắn sẽ tình nguyện làm khăn giấy. Nếu tôi cố gắng, hắn sẽ ở bên vừa làm người cổ vũ vừa cố gắng cùng tôi.

Hắn không bao giờ để tôi một mình.

– Nghiêm cấm mai sau không được nói dối tui nữa, rõ chưa?

– Yes, sir.

Đi được một quãng, tôi lại hỏi:

– Nếu một mai ông bỏ tui lại một mình thì tui biết làm sao đây?

Hắn cười nói:

– Nếu bà còn thích tui thì chẳng có lý do gì để tui phải đi cả.

Tôi cười đến tít cả mắt, lấy má cọ cọ vào mặt hắn bảo:

– Tui lại thích ông thêm chút nữa.

—–…—–
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.