*** Tôi vẫn chọn đến trường theo lối đường vòng, xa hơn gần một cây số nhưng tôi không lấy đó làm phiền. So với việc phải chạm mặt Hà An, đối với tôi thì việc phải đạp xe xa hơn một đoạn xem ra còn thoải mái hơn nhiều. Sau khi quăng ba lô lên bàn, tôi đứng bên lan can cầu thang chờ đợi Ly Lùn. Tôi muốn làm cho ra lẽ. Đối với một đứa còn bỡ ngỡ trong chuyện tình cảm như tôi, lại chơi với những thằng mù tịt về tình yêu thì cách duy nhất là hỏi, hỏi và hỏi. Suốt đoạn đường đến trường sáng ngày hôm nay tôi đã suy nghĩ rất nhiều. So với những điều lạ kỳ mà tôi đã từng trải qua từ khi mới lên mười thì đối phó với một đứa con gái bằng xương bằng thịt hẳn không có gì khó. Hoặc nếu có khó thì tôi tự động viên bản thân rằng mình sẽ làm được. Từ trong sâu thẳm tâm can, tôi cũng muốn chứng minh cho Cô thần miếu - tức chị Ma - rằng nếu tôi muốn, tôi có thể thay đổi mọi thứ, kể cả người yêu mặc dù tôi chưa có cô nào.
Ly Lùn vừa mới ló đầu đến chiếu nghỉ tầng ba tôi đã nhào xuống lôi nó chạy ngược xuống tầng hai.
-Ơ, cái thằng này, có chuyện gì mà gấp gáp thế?
-Lại đây, lại đây em bảo.
-Chuyện gì?
-Hôm qua con ranh mà em viết thư đã mò xuống tận nhà em đấy. – Tôi thì thào.
-Gì? Có chuyện đó à?
Ly Lùn tròn mắt ngạc nhiên rồi vỗ vai tôi liền mấy cái, vẻ mặt tươi vui như vừa trúng số đề.
-Mày khá, mới chỉ có một lá thư mà gái đến tận nhà. Tao nhìn không nhầm người mà. Khá thật, khá thật.
-Thôi, thôi em lạy anh.
-Cái thằng! Tao đây đi mòn cả cặp lốp xe mới tán được con bé người yêu bây giờ còn mày chỉ một lá thư, bất chiến tự nhiên thành như này thì tao phục mày sát đất.
Tôi không để tâm đến lời tâng bốc của Ly Lùn, mặt tôi đanh lại.
-Hôm nọ anh chỉ cho em là con bé có mái tóc dài đến thắt lưng đúng không?
-Đúng! – Ly Lùn gật đầu.
-Thế nó học lớp nào?
-Thì lớp con người yêu tao chứ còn lớp nào.
-Vô lý. Vớ va vớ vẩn, anh có bị lòa không?
-Lòa là lòa thế đếch nào được. Trước đây tao chẳng bao giờ quan tâm đến đứa nào học chung lớp với con người yêu của tao nhưng sáng hôm ấy ở bãi gửi xe, chính mắt tao trông thấy con bé mà tao chỉ cho mày đi qua lối hàng rào vào lớp người yêu tao, lớp 11A3 đàng hoàng.
-Anh chắc chứ?
-Chắc chắn!
-Chỉ mấy thằng đần mới tuyên bố chắc chắn.
-Này, mày chửi tao đấy à?
-Chứ lại chả không à. Em hỏi anh, anh bảo là con bé Hà Anh đó học lớp 11A3 đúng chứ?
-Ừ!
-Thế con em nó học lớp nào?
-Xời, ai mà quan tâm. Bọn nó học lớp 11, mình lớp 12 khác nhau mấy dãy nhà. Năm trước bọn nó học sáng mình thì học chiều, năm nay mới học chung buổi sáng.
-Thế tên con bé em hoặc con bé chị là gì? – Tôi tiếp tục chất vấn.
-Mày rắc rối bỏ mẹ. Chị hay em làm sao tao biết được, tao chỉ quan tâm là nó đẹp và hợp với mày thôi.
-Con lạy bố! Cái con bé học lớp 11A3 tên là Hà An, còn con bé tóc dài hôm nọ anh chỉ cho em là Hà Anh. Chúng nó là chị em sinh đôi, khác nhau mái tóc ngắn dài, quần áo có khi còn mặc lẫn của nhau.
-Thế à? Ừm… có chuyện đấy thật à? Để tao hỏi con người yêu tao mới được.
-Ơ… thế lúc anh với người yêu gặp nhau nói chuyện gì? – Tôi ngạc nhiên.
-Thì chuyện đồng áng, chuyện gia đình nhưng chủ yếu vẫn là…
Ly Lùn giơ bàn tay lên, đôi mắt hấp háy. Tôi lườm nó một cái.
-Thế hôm trước anh đi đưa thư em viết thì anh đưa cho ai?
-Tao đứng ngoài cửa sổ nhờ một thằng chuyển hộ cho con bé ngồi đầu bàn. Tao còn dặn kỹ là bên trong có thư gửi cho con bé chị em sinh đôi. Tao nói mày biết, tao còn đứng nép bên cửa sổ chờ quyển vở của mày đến tận tay nó tao mới té.
-Thế tóc nó lúc đó dài hay ngắn?
-Ờ… hình như là tóc ngắn.
-Ơ…
Ly Lùn tặc lưỡi:
-Bọn gái hay cắt tóc nên tao không để ý, miễn là nhận đúng mặt nó, nhầm làm sao được mà nhầm. Mà này, nhầm thật à?
-Còn sao nữa. Con bé nhận thư tên là Hà An, là đứa em. Chẳng biết con bé chị học lớp nào.
-Mày để tao đi thám thính, một loáng là biết ngay.
-Giờ thám thính cái đếch gì nữa, muộn rồi.
Vẻ mặt Ly Lùn không chút áy náy. Nó tỉnh bơ lấy tay che miệng ngáp liền vài cái.
-Chị hay em thì cũng thế cả, hoa thơm đều cùng một khóm, hoa nào mà chẳng là hoa.
Tôi nhăn mặt nói:
-Em không hiểu vì sao anh lại có người yêu được. Anh vừa lùn, vừa học dốt lại còn có cái tính qua loa.
-Thằng ngu. Mày nghĩ con gái đứa nào cũng thích con trai cao, cũng thích con trai học giỏi à? Mày nhìn đây, mày thấy da tao trắng không?
-Da trắng thì sao? Nhìn như ái nam ái nữ.
-Ngoại trừ việc tao lùn ra thì ai cũng bảo tao đẹp trai và có nụ cười tỏa nắng. Tao chỉ cần cười một cái là cả đám con gái xin chết chứ mày đùa. Ở làng tao, tao thuộc dạng sát gái có tiếng.
Tôi bĩu môi tỏ ý không tin.
-Chỉ được cái bốc phét thành thần là tài. Người yêu của anh hiền lành, ngây thơ nên mới bị dụ dỗ thôi. – Tôi chép miệng lắc đầu.
Như thế là đã rõ, một thằng chủ quan chơi với một thằng hời hợt hẳn sẽ có hậu quả, chẳng thể nào tránh được. Nếu có trách thì tự trách bản thân mình khờ dại mà thôi.
Nhưng Ly Lùn đi dò hỏi thật, đến giờ giải lao nó đã báo cho tôi tin tức chẳng còn chút giá trị nào. Hà Anh, chị gái của Hà An, đang học lớp 11B3, chính là dãy nhà cấp bốn nằm sau dãy nhà ba tầng nơi có lớp của tôi đang học. Nghe xong tin này tôi chỉ còn cách gục đầu xuống bàn. Đúng, Hà Anh học lớp 11B3 mới đá cầu ngay trước cửa lớp vào giờ giải lao, có vậy mới hợp lý. Hà An lại học lớp 11A3 trong dãy nhà hai tầng cũ kỹ nằm cạnh bãi gửi xe đạp, nghĩa là nằm phía trước cửa lớp của tôi. Con người ta ai mà chẳng có sai lầm ở cái thời còn vụng dại. Tuy nhiên, cá nhân tôi không biện minh cho bản thân bằng lý do đấy. Kinh nghiệm vốn có được từ những sai lầm nhưng tuyệt nhiên không nên mắc hai sai lầm với cùng một nguyên nhân, bởi như thế có nghĩa là bạn chẳng rút ra được điều gì cả.
Tôi hơn mười sáu tuổi…
Tôi hiểu rằng lẩn tránh không bao giờ là một giải pháp tốt để tháo gỡ khó khăn mà chỉ có cách đối mặt rồi sau đó dần thích nghi với hoàn cảnh thực tế để tìm cách vượt qua. Tôi biết tôi là một thằng nhát gái và nếu tôi cứ tiếp tục như thế mãi rồi mọi chuyện sẽ đi đến đâu? Nếu Hà An là một ngọn núi mà tôi không đủ can đảm vượt qua, lại chọn cách đi đường vòng ắt hẳn một ngày nào đó tôi sẽ lại gặp một ngọn núi cao hơn nữa. Người xưa có câu dậu đổ bìm leo cũng có thể hiểu rằng nếu cứ lảng tránh hoặc không để tâm đến những vấn đề nho nhỏ, đến một lúc nào đó, tất cả những khó khăn, những thử thách ấy tích tụ để chờ đến thời điểm thích hợp ập đến như một cơn sóng dữ có thể xô ngã bất cứ ai.
Vài ngày sau, Hà An đột ngột xuất hiện trước cửa lớp tôi vào giờ ra chơi. Một lần nữa cả lớp im phăng phắc, tưởng chừng con ruồi bay qua có thể nghe được tiếng cánh của nó đập. Tôi vẫn ngồi tại chỗ nhưng tôi không còn là tôi của mấy ngày trước đó nữa. Thay vì cúi gằm mặt xuống bàn mân mê cây bút, vẽ lên tờ giấy trắng những đường như giun bò thì nay tôi hít nhẹ một hơi, ngả người dựa vào cái bàn sau lưng như thể đã sẵn sàng chờ đợi một cuộc nói chuyện… bình đằng.
-Mấy hôm nay vẫn không thấy ấy đi theo lối cũ. – Hà An khẽ chau mày nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi không lảng tránh, đúng hơn là cố gắng không lảng tránh ánh nhìn ấy.
-Thì có nhiều lối đi nên thi thoảng tớ đổi lộ trình thôi. – Tôi nhẹ nhàng trả lời, nhoẻn miệng cười.
Hà An đưa một ngón tay quệt ngang mũi, khụt khịt vài cái rồi chìa tay ra trước mặt tôi hất hàm hỏi:
-Vé gửi xe đạp của ấy đâu?
-Vé gửi xe? – Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
-Ừ!
-Xưa nay tớ không có thói quen lấy vé gửi xe.
-Làm gì có chuyện đấy. Nếu ấy không đưa vé gửi xe đây thì chốc nữa tớ sẽ canh me trong bãi. – Nói đoạn Hà An cúi thấp người hạ giọng thì thầm. – Đừng tưởng giở ba cái trò trẻ con ra mà tránh mặt được tớ.
-Tớ là người quang minh chính đại. Chú bảo vệ trường mình nhẵn mặt tớ, lại có họ hàng bắn ba quả tên lửa sẽ đến nên cần gì vé gửi xe. Hơn nữa trường mình chẳng ai đi cái xe dở hơi như tớ cả.
Hà An nheo mắt nhìn tôi, có lẽ để thăm dò xem trong lời nói vừa rồi của tôi có chút dối trá nào không. Nhưng cô nàng tỏ vẻ thất vọng bởi khi tôi giữ được bình tĩnh thì thật khó mà khai thác được gì ở một kẻ nói dối không chớp mắt như tôi.
-Thôi được, tớ tạm tin những gì ấy nói nhưng tớ đã nhớ ra một điều rất thú vị.
Tôi tỏ ra không quan tâm.
-Hồi tớ học lớp 8 ấy. Tớ đã gặp một đứa con trai lạ mặt ở ngoài đường. Thằng đó cũng mồm loa mép giải. Hôm ấy nếu nó không nhanh chân thì tớ đã đá cho nó nhừ đòn. Từ hôm ở nhà ấy về tớ cứ mang máng nhớ đã gặp khuôn mặt này ở đâu rồi nhưng không tài nào nhớ ra được. Tuy nhiên…
Hà An bỏ lửng câu nói nhìn tôi chằm chằm.
-Làm sao? – Tôi vẫn tỉnh bơ.
-Ấy cũng có một cái xe đạp màu đỏ, hình như là xe đạp Peugeot gì đó.
-Cái xe cũ ấy mà.
-Vừa hay đứa tớ từng gặp cũng đi cái xe ấy.
Giọng điệu của Hà An là đang tìm cách nắn gân tôi nhưng tôi không chút nao núng hoặc chí ít trên khuôn mặt của tôi không thể hiện ra điều ấy. Tôi quay sang hỏi Quân, thằng bạn ngồi cùng bàn:
-Mày có biết xe đạp Peugeot không?
-Có… có!
-Đấy đâu phải của hiếm đâu, ai mà chẳng có. Cái huyện này rộng lớn nên nhận nhầm là chuyện thường. Tớ không lấy gì làm lạ.
Nhìn nét mặt tôi đoán biết Hà An chẳng tin lời tôi nhưng hơi đâu mà tôi để tâm. Dường như chẳng biết chất vấn thêm tôi điều gì, Hà An xoay người định ra về, thấy vậy tôi nói:
-Này!
Hà An quay lại nhìn tôi, đôi mắt chớp chớp.
-Con gái con lứa đến lớp trên gặp toàn các anh, các chị lớn. Đến không chào, về cũng chẳng nói gì như thế là không được.
Hà An tròn mắt ngạc nhiên nhìn tôi. Tim tôi cũng đập thình thịch vì sợ cô nàng sẽ nổi đóa rồi tát cho mình một cái nổ đom đóm mắt. Thời gian trôi qua khoảng vài giây, nét mặt Hà An dịu xuống, có phần ửng đỏ. Cô nàng liếc nhìn sang thằng Quân đang ngồi bên cạnh tôi hơi cúi đầu rồi nói:
-Em chào anh em về!
Thằng Quân ngồi đơ ra như một pho tượng trong khi tôi thản nhiên như không nghe thấy gì. Hôm trước đến nhà tôi chơi, cô nàng cũng quên không chào bà tôi trước khi ra về, hôm nay cũng thế nên tôi đồ rằng với vị thế kẻ cả, cô ấy quen được người ta chào thay vì chào người khác. Trước khi xoay gót, bước ra về, Hà An đã tặng lại cho tôi một cái lườm còn sắc hơn dao bổ cau của bà Già khiến tôi cũng lạnh người.
-Mày… mày ăn gan hùm rồi à? Liều thế?
-Liều cái đếch gì. Nó là con gái, nếu đánh con trai giữa chốn đông người như này thì chưa biết tao xấu mặt hay nó mang tiếng. Mấy đứa con gái đỏng đảnh khó chiều và ghê gớm như này tao cũng điều trị rồi. – Tôi tranh thủ nổ với thằng bạn. – Con bé này trông vẻ bề ngoài có vẻ cứng nhưng không đâu, dù gì nó vẫn chỉ là một đứa con gái. Nó cương thì tao nhu, trị được hết.
Mấy đứa con trai bu lại hỏi chuyện nhưng tôi không nói gì thêm bởi sự thật thì chẳng có gì để mà nói. So với bà chị chủ ngôi miếu nhỏ trên đất nhà tôi thì Hà An này chẳng là cái nghĩa địa gì sất.
-“Ma mình còn không sợ, chẳng lẽ con gái còn đáng sợ hơn ma?”
Chỉ cần suy nghĩ thay đổi sẽ dẫn đến hành động thay đổi, hành động thay đổi tất nhiên sẽ dẫn đến kết quả thay đổi. Cho dù thế nào thì thay đổi vẫn tốt hơn, kể cả kết quả không giống như tôi mong muốn.