*** Như tôi đã từng kể sơ qua thì làng tôi tuy nhỏ và nằm biệt lập nhưng lại có rất nhiều miếu. Chưa có ai dành thời gian để thống kê nhưng theo trí nhớ của tôi, chí ít thì làng tôi cũng phải có hơn hai chục ngôi miếu lớn nhỏ khác nhau. Một số ngôi miếu nhỏ, cũ kỹ được xây từ vài chục, thậm chí hàng trăm năm trước. Một số ngôi miếu khác được xây cất vào những năm sau giải phóng. Ngôi miếu cũ thờ chị Ngọc Hoa nằm trên đất của nhà tôi có tự bao giờ là điều chẳng ai có thể biết. Thời điểm ông bà nội tôi về đất này thì ngôi miếu nhỏ đắp đất đã có từ lâu. Nhân tiện làm nhà nên ông tôi đã sang sửa ngôi miếu, nói là sang sửa nhưng cũng chỉ là thay vài viên ngói và đắp đất chung quanh. Năm 1971 xảy ra trận lụt lịch sử khiến ngôi miếu nhỏ chìm trong nước hơn nửa tháng trời nên hư hỏng nặng. Hai bà nội của tôi cũng tu sửa lại thêm một lần nữa cho đến cuối những năm 70, cả nhà tôi thoát ly thì ngôi miếu nhỏ dần trở nên hoang phế, cô quạnh.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy tàn tích còn lại của ngôi miếu nhỏ nằm nơi góc vườn là khi tôi tám tuổi, khi ấy ngôi miếu chỉ còn là một đống gạch ngói vụn nằm trên một nền đất nhỏ rộng khoảng chừng hai mét vuông, nhô cao hơn đất vườn chỉ độ mười phân. Tôi đã nhặt nhạnh những viên gạch vỡ, ngói vụn rải sát chân tường nhà để giúp móng nhà đỡ bị xói mòn mỗi khi mưa xuống. Tôi cũng gặp chị Ma, tức chị Ngọc Hoa, vào dịp ấy. Bởi tôi gặp chị ấy vào một đêm tối muộn, có thể có trăng và trông chị ấy chẳng khác gì một cô thôn nữ bình thường nên tôi không thể nào đoán biết được chị ấy là một hồn ma. Nếu tôi không cao số hoặc đơn giản hơn, nếu tôi không phải là một đứa trẻ ngây thơ, thảo ăn thì có lẽ tối hôm ấy tôi đã bị dẫn ra mương Khoai và ngày hôm sau kiểu gì người làng cũng tìm thấy một thằng bé, là tôi, nổi lềnh phềnh dưới con mương hiền hòa chạy qua làng.
Các cụ xưa thường bảo chết hụt thường sống dai, tôi thì chết hụt mấy lần rồi nên tôi hy vọng mình sẽ chết vì già.
Ngôi miếu thường ngày bà Già hay hương khói vào mỗi buổi chiều tà nằm nơi góc vườn chỉ mới được xây cất vào cuối năm ngoái sau một biến cố lớn trong gia đình. Tôi là người có công vẽ vời, chọn hướng, giám sát quá trình xây nên tôi được… chị Ma ưu ái trả công.
Từ tấm bé, tôi là một đứa thích tiền. Điều này cũng chẳng lạ khi tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống buôn bán từ nhiều đời trước. Mới lên tám tôi đã biết kiếm tiền bằng cách vặt ớt trong vườn nhà bê ra chợ ngồi bán. Cũng ở tuổi lên tám, tôi cũng đã biết chơi trò chẵn lẻ. Lớn hơn một chút, ở độ tuổi lên mười thì tôi đã tự biết kiếm tiền bằng cách làm bánh kẹo bán cho người khác để dành tiền mua xe đạp, đến khi mười một tuổi, tôi đã có thể giúp mẹ tôi bán hàng một cách thành thục vào dịp hè. Và như thế, sau mỗi mùa hè thì tôi trở thành một đứa trẻ có rất nhiều tiền so với chúng bạn cùng trang lứa. Tôi là một đứa láu cá thế nên việc tôi nói láo mua cái xe đạp hết bốn chỉ vàng với chị Ma cũng là một việc quá đỗi bình thường. Và vào độ tuổi mười bảy này, tôi đã có một số của chìm được chôn giấu ở nhiều nơi trong vườn nhà mà không ai hay biết.
Mẹ tôi, người phụ nữ xinh đẹp và có thể chửi như hát hay ở chợ Nam Đồng, cũng sinh ra ở làng này. Mẹ tôi là con thứ tư trong một gia đình có chín người con. Nhà bà ngoại của tôi cũng ở trong làng. Sau khi cậu Út của tôi lập gia đình rồi thoát ly thì bà ngoại ở nhà một mình. Bà ngoại tôi mới ngoài sáu mươi, bà còn rất khỏe. Những phiên chợ Chằm hay một số phiên chợ khác, bà ngoại tôi vẫn thường dùng cái xe đạp chở hai cái sọt lớn ở đằng sau, lúc thì chở bưởi, khi thì chở thóc đem đi bán. Bởi cậu Út đã không còn ở cùng bà nên bà đã cho người khác thuê ruộng, chỉ giữ lại mấy sào ruộng gần nhà để cày cấy. Bà ngoại tôi là nông dân, bà bảo nông dân cần phải có ruộng nên nhất quyết tự làm tự ăn mặc dù con cái muốn bà nghỉ ngơi.
Nhà bà ngoại tôi cũng ở rìa làng và đất của bà rất rộng, rộng gấp ba lần đất của nhà tôi hoặc hơn thế nữa. Điều trùng hợp là trong phần đất của nhà bà ngoại tôi cũng có một ngôi miếu và ngôi miếu này có một lai lịch rõ ràng hơn ngôi miếu nằm trên đất nhà tôi.
Từ khi mẹ tôi hãy còn nhỏ đã thấy một ngôi miếu cũ nằm trên gò đất cao gần bụi tre, mẹ tôi không biết ngôi miếu ấy có từ bao giờ. Bà ngoại tôi cũng không biết, bà chỉ biết rằng ngôi miếu hiện tại là được xây lại, sửa sang lần cuối cùng vào khoảng năm 1980. Mỗi ngày rằm hay mùng Một đầu tháng, tôi thường hay lên nhà bà chơi và thắp hương ở ngôi miếu này. Tôi thì không phải đứa chăm chỉ mà ngược lại, tôi lười chảy thây, kể cả việc cúng bái tôi cũng lười nhưng có nhiều lý do khiến tôi chăm chỉ với việc hương khói này.
Ngôi miếu nhỏ nằm trên gò đất cao gần bụi tre, cây cối mọc um tùm, buổi trưa nắng mà ngồi trên gò sẽ rất mát nhưng mỗi khi mặt trời tắt nắng thì chẳng ai muốn bước chân ra khu vực ấy nữa. Đây là một ngôi miếu thiêng!
Chủ nhân của ngôi miếu này, nghĩa là người được thờ cúng, là một cô gái tuổi chừng mười tám đôi mươi, xinh đẹp nhưng khó gần. Mấy năm trước khi mới về quê sống một thời gian, trong một buổi chiều tà tôi đã vạch quần định tè cạnh bụi tre thì một người con gái bỗng từ đâu xuất hiện và quát mắng, đòi xẻo con giống của tôi. Tôi đã sợ đến nỗi nước tiểu văng tung tóe vào ống quần. Như tôi đã từng nhiều lần khẳng định thì tôi không đẹp trai nếu không nói là… đẹp trai dưới mức trung bình nhưng bù lại tôi có một cái miệng rất khéo. Trong lúc sợ hãi tột độ vì bị bắt quả tang thì tôi lại khen người con gái ấy… đẹp!
Phụ nữ ai cũng thích đẹp cả, điều này tôi biết rất rõ.
Chính bởi vì tôi khen cô gái ấy đẹp nên đã thoát một kiếp nạn, không phải trở thành thái giám, ngược lại, thấy tôi nhanh mồm nhanh miệng nên cô gái lạ mặt đó muốn nhận tôi làm kẻ hầu người hạ nhưng tôi đã tìm mọi cách thoái thác. Do tôi đã từng gặp chị Ma, mơ thấy chị Ma nhiều lần, ít nhiều cũng có chút kinh nghiệm nên tôi đoán biết được cô gái cứ một mực đòi xẻo con giống của mình cũng là một hồn ma, một hồn ma xinh đẹp! Kể từ khi có cơ duyên gặp được hồn ma xinh đẹp này, mỗi khi mua vàng mã thì tôi đều phải mua hai phần như nhau, chỉ khác màu sắc để phân biệt. Màu đỏ dành cho chị Ma còn màu xanh dành cho chị Đẹp.
Tôi không dám gọi tên húy nên đã tự đặt tên Đẹp cho chị ấy vì chị ấy đẹp thật. Gốc gác của chị Đẹp này tôi sẽ kể vào một dịp khác bởi đó là một câu chuyện dài.
Mấy tháng trước, trước khi tôi rời làng để đi Hà Nội vào dịp hè, chị Ma đã báo mộng cho tôi là chị ấy muốn tôi đốt thật nhiều giấy trắng cho chị. Tôi lấy làm lạ nhưng cũng lười hỏi. Tôi đã mua rất nhiều giấy A4 ở cửa hàng Tụ Sâm trên phố Hồ rồi mang về hóa ở trong vườn nhà. Sau khi hóa xong đống giấy A4 mới tinh đó chừng một tuần, chị Ma lại báo mộng cho tôi đi mua mười cuộn chỉ và kim khâu, tôi cũng làm theo và chẳng thắc mắc gì bởi việc này đối với tôi quá đỗi bình thường.
Tôi, một đứa luôn tự nhận bản thân mình là thông minh, rách trời rơi xuống, làm sao có thể ngờ được rằng những xấp giấy A4 trắng tinh cùng với kim, chỉ mà tôi đã cất công đi mua rồi hóa trong vườn nhà lại phục vụ mục đích viết lách của một hồn ma cơ chứ, tôi cũng là một kẻ có trí tưởng tượng bay cao, bay xa nhưng dù có giỏi tưởng tượng đến mức nào thì tôi cũng không thể nào nghĩ đến khả năng một hồn ma có thể viết lách!
Ở đời, ai mà học được chữ ngờ cơ chứ. Đúng là khôn ngoan không lại với… ma!