Tây Sơn Hành Trình Vượt Thời Gian

Chương 100: Quân tiếp viện




Hạ được thành Phú Yên, Huệ bèn triệu tập các tướng lĩnh từ các nơi trở về bàn luận, Một tấm bản đồ lớn được treo ở trên, Huệ nhìn lướt qua tất cả các tướng lĩnh rồi bắt đầu nói:
''Thành Phú Yên thất thất thủ, tin này ắt sẽ nhanh chóng lan truyền đi, hai cánh quân trấn giữ ở Bình Khang và Diên Khánh tất mang quân ra ứng cứu, quân ta tốc chiến tốc thắng nên bọn chúng không ngờ được rằng quân của Tống Phúc Hiệp đã hoàn toàn đại bại chỉ trong mấy ngày. Nay ta triệu tập các ngươi chính là để bàn kế sách chặn đánh hai cánh quân này''

Nguyễn Văn Danh lên tiếng nói:
''Tướng chỉ huy quân Nguyễn ở Bình Khang là Bùi Công Kế, quân số chỉ độ hai ngàn quân, bọn chúng nếu như cứu viện thì không thể đi theo hướng đại lộ chính mà sẽ đi theo đường núi để bất ngờ đánh úp chúng ta, do đó quân ta chỉ cần mang binh đi phục kích ở đường núi là có thể phá tan được chúng''.

Mọi người cho đó là phải, nếu như binh lực ít thì chỉ có thể phục kích hoặc đánh úp chứ không thể đường hoàng mà kéo quân thẳng đến thành Phú Yên.

Huệ gật đầu đồng ý với Danh:

''Quân sư nói rất đúng, ta cũng có suy nghĩ như vậy. Nếu như phục kích đánh nhau ở vùng núi thì phải dựa thế mà đánh. Quân ta chia làm xung trận, tiện chỗ quân đóng, súng ống, cung nỏ ở ngoài, mộc giáo ở trong, chặt phá cây cối cho rộng đường, để tiện nơi đánh, dựng cờ xí ở cao, hiệu lệnh cho ba quân không được cho người biết tình hình của ta. Đó gọi là lâm chiến.

Rừng nhiều hiểm trở, phải đặt xung trận để phòng trước sau. Ba quân đánh mau, quân địch dẫu nhiều mà có thể đánh cho chạy. Vừa đánh vừa nghỉ, cứ theo từng bộ mà thay đổi nhau, đó là kỷ luật đánh rừng.

Phép đánh rừng, ban ngày thì bày cờ xí, ban đêm thì đốt lửa đánh trống, lợi dụng đoản binh, khéo đặt quân phục, hoặc đánh ở trước, hoặc đánh ở sau. Phép đánh ở bụi rậm thì lợi dụng súng, giáo dài và cây lớn. Nếu muốn đánh thì trước phải mở rộng đường sá, mười dặm làm một trường, năm dặm làm một xích hậu, ngả dẹp cờ xí, nghiêm giữ trống chiêng.

Cỏ cây rậm rạp thì lợi cho sự di động, rừng núi chồng chập thì lợi cho sự đánh không ngờ. Trời sáng rõ ràng thì lợi cho sự dùng sức mạnh, đường hẹp cỏ sâu thì lợi cho sự ngầm phục, lấy ít đánh nhiều thì lợi ở lúc buổi chiểu, lấy nhiều đánh ít thì lợi sự thắng mau, qua vực cách sông, gió to mù tối, thì lợi ở sự đánh trước bắt sau.

Người đánh giỏi đời xưa, như chuyển gỗ đá, theo tính của gỗ đá, tròn thì đi, vuông thì đứng, đi không phải là hay đi mà đi, thế không thể không đi thôi, đứng không phải là hay đứng mà đứng, thế không thể không đứng thôi. Người đánh giỏi, đấu ở nơi sinh địa thì tản ra, gieo vào nơi tử địa thì đánh.

Tản ra không phải là hay tản mà tản, thế không thể không tản thôi, đánh không phải là hay đánh mà đánh, thế không thể không đánh thôi. Đi hay đứng chẳng phải ở gỗ đá, mà do người không chế. Tản hay đánh không phải ở người, mà là ở thế''.

Lý Tài ngồi dưới như vịt nghe sấm, trong bụng thầm chửi [Thằng oát con này nói cái gì mà như một mớ hỗn độn, đi không không phải đi, rồi đứng không phải đứng, thiệt là con bà nó rối rắm, ba hoa]

''Đô đốc Ngô Văn Sở, đô đốc Võ Văn Dũng, đô đốc Đặng Văn Long tiếp lệnh''

Sở, Dũng, Long đứng ra chắp tay: ''Có mạc tướng''

''Hai vị nhanh chóng mang quân đi mai phục, chờ khi chúng lọt qua thì cho quân đánh gấp, tùy cơ mà ứng biến như kế sách ta đã nói''

''Đô đốc Trần Quang Diệu, đại tổng lý Bùi Thị Xuân tiếp lệnh''

Diệu, Xuân đứng ra chắp tay:
''Có mạc tướng''

''Hai vị sẽ phục binh phía sau, chặn đường tháo chạy của quân Nguyễn, hoặc tiếp ứng khi cần, hai đạo binh lấy pháo làm hiệu để liên lạc với nhau''

Cả năm người khom lưng chắp tay nhận lệnh, lập tức triệu tập binh mã lên đường ngay.

Lúc này Huệ mới chỉ lên bản đồ nói tiếp:
''Cánh quân ở Diên Khánh do Tống Văn Khôi chỉ huy cũng sẽ nhanh chóng tiến quân ra, ta sẽ phục binh ở Ba Ngòi gần ải Vân Phong, đợi cho chúng đi qua ải thì lập tức xua quân đánh ngay, giáp công ở hai mặt, mặt trước đông mặt sau ít. Địa thế ở nơi này đồi núi hiểm trở nên khi lọt qua rồi sẽ rất khó quay lại, do đó quân chặn phía sau chỉ cần 500 quân là có thể chặn được.

Hai quân gặp nhau ở nơi núi hiểm, binh ta cả quân tiến lên, nếu giặc giữ đầu núi chia đội mà đến, ta mới đầu vội vàng khó thấy, khi giặc đến gần mới nhận rõ, ta phải một lúc chia quân, không những không dễ dàng, mà lại bốn bề toàn núi, thực khó giàn bày.

Giặc đã giữ nơi cao đổ xuống, dễ đến áp bức, ta không khỏi không có sự lo trở tay không kịp. Từ nay về sau, nếu đánh nhau ở núi, trừ khi đón đại quân của giặc thì cứ theo đại thế mà đón trước, bằng như bốn bề có núi, có thể đánh đường đến của giặc, thì trước hết theo thế núi chia đường mà tiến. Nếu quân giặc phân đội mà lại, thì tự có thể hai bên đối đầu nhau, nếu giặc chưa thành đội mà đến, thì ta nhân nó không phòng bị, bốn mặt đánh lại thì có thể khiến sở đoản của giặc đều hoá làm sở trường của ta.

Lại trừ việc chia đường ra, đại tướng phải lên trên núi rất cao, đem binh tự vệ chia ra làm mấy đội, mỗi đội giao cho một tướng giỏi, bày quân nghiêm chỉnh, xa trông tình hình quân ta gặp giặc ở trên đường nào. Nếu như hàng ngũ thảnh thơi, chí khí hăng hái, thì biết đường ấy ắt thắng. Hoặc thấy đường kia đi chạy vội vàng, đội ngũ lộn xộn, thì biết đường ấy hẳn kém, tức thì tỳ tướng giỏi dưới trướng đem quân giúp đỡ.

Nhưng trong lúc chia đường đón giặc cũng phải có phép mới được. Tỉ như quân ta vừa đến đầu núi mà giặc đã đến dưới núi, thì ta giữ núi không xuống, đợi giặc lên đến nửa núi thì quân ta tức đem gỗ đá lên núi lao xuống mà đánh, chẳng những quân trên núi đỡ sức, mà gỗ đá lăn xuống làm bị thương nhiều''

Chặn đánh cánh quân từ Diên Khánh sẽ do hai tướng Nguyễn Văn Lộc và Lê Văn Hưng chỉ huy, các vị còn lại theo ta trấn giữ thành Phú Yên.

Lộc và Hưng đứng ra chắp tay: ''Mạc tướng lĩnh mệnh''

Cánh quân ở Bình Khang do Bùi Công Kế chỉ huy men theo đường rừng, ngày đêm hành quân ráo riết để kịp ra ứng cứu. Nhưng quân vừa mới đi gần tới thành Phú Yên, còn cách hơn 70 dặm thì bị quân quân Tây Sơn phục kích đánh cho tan tác, Bùi Công Kế dẫn tàn quân tháo chạy, giữa đường gặp cánh quân của Bùi Thị Xuân chỉ huy voi chiến giày xéo, Bùi Công Kế bị bắt sống.

Sau đó Tống Văn Khôi lại đem quân từ Diên Khánh ra cứu viện. bị quân của Nguyễn Văn Lộc phục kích, Lộc dựa theo kế sách của Huệ đề ra, cho quân đóng trên núi, đợi cho quân của Khôi lọt qua một nửa thì cho quân lăn đá, bắn súng vào quân địch. Quân của Khôi bị tập kích bất ngờ thì náo loạn, tiền quân hậu quân bị chia cắt, không thể tiếp ứng nhau được.

Lộc cho quân tràn xuống đánh gấp, tiền quân tan vỡ. Khôi cho nổi chiên lui quân trở về thì gặp phải cánh quân do Lê Văn Hưng chỉ huy đánh ập tới. Trước sau đều có địch tấn công, Khôi buộc phải mở đường máu rút lui, nhưng đường hẹp lại hiểm trở, bị quân của Hưng chặn ngang, không tài nào vượt qua được.

Khôi vác đại đao tiến lên mở đường, Hưng cũng thúc ngựa chạy lên giao chiến. Qua hơn mấy mươi chiêu, đại đao của Khôi bị đánh bay đi, Hưng đập một côn trúng vào giữa ngực của Khôi, xương lồng ngực gãy nát, miệng trào máu tươi. Khôi gục chết tại chỗ.

Trong vòng không đầy mười ngày, Huệ đã chiếm lại toàn phủ Phú Yên. Chiến công lẫy lừng đó lần đầu tiên làm chấn động trong Nam ngoài Bắc, xác nhận tài năng của một viên tướng Tây Sơn trẻ tuổi vừa mới hai mươi hai. Những viên tướng Tây Sơn từng vào sinh ra tử ở mặt trận phía Bắc như Tập Đình, Lý Tài, Nguyễn Thung, Huyền Khê…chỉ còn là những bóng mờ.

Tin thắng trận nhanh chóng truyền về thành Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc sau khi nghe qua lời tâu trình của thám mã thì vỗ tay vui mừng hét to:
''Nhị đệ thật đúng là tướng tài, lời sư phụ nói không sai, em ta là bậc kỳ tài trăm năm khó gặp, ha ha ha. Nhanh…nhanh trọng thưởng cho thám mã báo tin''

Nhạc bèn cho người gửi thư gấp ra Mỹ Thị, lệnh cho Phạm Văn Tham làm sứ giả đến xin với Hoàng Ngũ Phúc phong tước cho Nguyễn Huệ.

Nguyễn Huệ chiếm được Phú Yên bèn hạ lệnh chiêu an bá tánh kêu gọi quân Nguyễn còn đang lẩn trốn ra đầu thú, giao việc phòng thủ Phú Yên cho Lê Văn Hưng và Nguyễn Văn Lộc rồi kéo binh về Quy Nhơn.

Trên đường trở về, trong số các tù binh có một người luôn miệng mắng chửi ầm vang
''Bọn cẩu tặc, quân khốn kiếp, bọn giặc các ngươi tạo phản sẽ bị trời đánh, thánh vật, chết xuống dưới mười tám tầng địa ngục, mãi mãi không siêu sinh''

''Biện Nhạc, tên tiểu nhân vô lại, biển thủ tiền của triều đình, nay lại làm giặc phản loạn, cái gì mà nghĩa sĩ, anh hùng, ta nhổ vào, ta nguyền rủa mười tám đời tổ tông các ngươi…''

Việc truyền đến tai Nguyễn Huệ, Huệ đùng đùng nổi giận
''Khốn kiếp…nếu đã muốn chết thì để ta thành toàn cho''


Truyện bạn đọc đã hết rồi, nhưng đừng bỏ qua bộ truyện về bóng đá Việt Nam hot nhất hiện nay, với những cung bậc cảm xúc khác nhau, những sự kiện lịch sử, những con người huyền thoại, và hơn hết, là tình yêu bóng đá mãnh liệt được hun đúc thông qua những bước tiến của nhân vật chính. Xin mời các bạn cùng đến với
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.