Tái Sinh

Chương 2: Hoa Tử Khiết



Trong khuôn viên tráng lệ của Ninh Dương điện, một nam nhân anh tuấn đang tì tay lên cằm, ánh mắt mơ màng lắng nghe khúc nhạc du dương được tấu bởi một nữ tử xinh đẹp tuyệt trần. Ai không biết còn cho rằng đó là một mỹ cảnh đáng tán thưởng: một đôi tiên đồng ngọc nữ, bên nhau sớm tối, tình cảm mặn nồng. Thế nhưng nam nhân ngồi kia lại là Hoa Tử Khiết, con trai của Thiên đế, Thái tử của Thiên giới. Thân phận cao quý là thế, nhưng lại ham chơi phóng đãng. Nữ tử đang ngồi cạnh kia, e rằng chỉ là một trong hàng ngàn tiên nữ có "diễm phúc" được mời đến hầu hạ.

Hồ Hạnh Ngân, nữ tử đang tấu đàn kia, muốn nhan sắc có nhan sắc, muốn tài năng có tài năng, ấy vậy nhưng vẫn chẳng thể lọt nổi vào mắt xanh của Tử Khiết. Vị Thái tử điện hạ này, cùng lắm chỉ yêu thích nàng hơn những tiên nữ còn lại một chút. Còn nếu nói yêu thương thật lòng, có lẽ phải đợi đến khi mặt trời mọc đằng tây.

Hạnh Ngân bỗng dưng ngưng gảy đàn, chạy đến trước mặt Tử Khiết, huơ huơ tay rồi hỏi:

- Tử Khiết, chàng đang ngủ sao?

Tử Khiết mở mắt, đồng tử trong veo như nước hồ thu, tưởng chừng như không thấy đáy. Đôi mắt màu xanh ngọc bích hiếm thấy trong thiên hạ. Đã có không biết bao nhiêu thiếu nữ vì đôi mắt ấy mà đổ gục dưới chân chàng. Nhìn cảnh đó, Hạnh Ngân chợt giật mình một cái. Dù đã gặp chàng không dưới mười lần, nàng vẫn không ngừng cảm thấy bồi hồi mỗi khi Tử Khiết nhìn mình.

- Sao lại không đàn nữa? - Tử Khiết lên tiếng.

Hạnh Ngân bỗng dưng bối rối:

- Thật ngại quá. Thiếp tưởng là chàng đã ngủ rồi, nên mới dừng lại. Nếu chàng thích, thiếp lại tiếp tục đàn.

Nàng định nhấc đàn lên thì Tử Khiết khoát tay:

- Thôi được rồi, hôm nay đến đây thôi. Nàng mau về đi.

- Vậy... khi nào thần có thể đến gặp chàng nữa? - Hạnh Ngân nắm chặt gấu váy, hồi hộp chờ đợi câu trả lời. Hiển nhiên nàng rất muốn sớm được diện kiến Tử Khiết lần nữa.

Tử Khiết vẫn dửng dưng:

- Ta cũng chẳng biết nữa. Khi nào cần ta sẽ cho người đến báo.

Hạnh Ngân chưng hửng. Khỏi phải nói nàng thất vọng đến cỡ nào. Nàng hành lễ từ biệt Tử Khiết rồi bước ra cửa, ánh mắt tràn đầy sự lưu luyến ngoái nhìn lại. Trong khi đó, Tử Khiết đứng dậy vươn vai, ngáp ngắn ngáp dài rồi ngả người ra tràng kỷ ngủ ngon lành, chẳng màng đoái hoài đến nữ tử vừa rời khỏi.

Hạnh Ngân chưa kịp ra khỏi cổng thì một nữ nhân khác đã đến cầu kiến. Người hầu rón rén tiến vào phòng Tử Khiết để bẩm báo. Thấy Thái tử đang ngủ, y không dám quấy rầy mà chỉ lặng lẽ đóng cửa rồi trở ra từ chối nữ tử kia. Nàng ta nghe vậy thì chợt òa khóc. Nghe bảo đây là lần đầu tiên nàng được Tử Khiết triệu đến, ấy vậy mà đến cơ hội gặp cũng chẳng có.

Tên tiên đốc thấy nàng khóc lóc thảm thương đành mở lời an ủi:

- Tiên tử người đừng lo, cứ trở về trước đã. Hôm sau thần sẽ lựa lời bảo Thái tử triệu người đến.

Tiên nữ kia dụi dụi mắt:

- Có thật không?

- Thật. Người cứ an tâm. Hay là... người để lại họ tên, hôm sau thần sẽ cử người đến thông báo.

Nữ tử kia đột nhiên ấp úng, phải mất một phút sau mới đáp lại:

- Không được. Thân phận ta cao quý như vậy, sao có thể tùy tiện nói tên cho ngươi nghe. Như vầy đi, lúc nào trong điện không có ai, ngươi treo một chiếc khăn tay lên cành cây thông kia. Ta nhìn thấy sẽ lập tức đến diện kiến.

- Cái này... - Tên người hầu cảm thấy khó nghĩ, không biết phải trả lời sao.

Nữ tử kia lên tiếng chặn lời:

- Cứ quyết định như vậy đi!

Nói đoạn nàng ta quay gót rời khỏi, nhanh như một cơn gió.

Bẵng đi một thời gian, tên tiên đốc cũng quên mất lời dặn dò của nữ tử kia. Mà cho dù có nhớ, thì hắn cũng lực bất tòng tâm. Mỗi ngày có tới chục tiên nữ ra vào Ninh Dương điện, chẳng phút nào nghỉ ngơi. Tử Khiết nếu không bắt bọn họ tấu đàn thì cũng là múa hát. Thiên đế và Thiên hậu thấy nhiều người ra vào trong cung cũng dần thấy không hợp mắt.

Một ngày nọ, Thiên hậu triệu tử Khiết đến, rầy la một trận. Thế nhưng những lời giảng giải đạo lý cứ như có phép thần chui thẳng từ lỗ tai này sang lỗ tai kia bay đi mất. Vị Thái tử cao cao tại thượng vẫn tiếp tục chứng nào tật nấy, không màng đến những lời dị nghị. Thiên hậu hết cách đành phải ban mệnh lệnh cấm tiệt nữ nhân ra vào Thiên cung, đồng thời giam lỏng Tử Khiết trong Ninh Dương điện. Tuy vậy trên đời này quả thực không có gì làm khó được Tử Khiết. Chàng chẳng hề tốn bao nhiêu sức lực đã có thể lẻn ra ngoài, chủ động đi khắp nơi tìm kiếm nữ nhân, tiếp tục vui chơi trụy lạc, khiến cho Thiên đế cùng Thiên Hậu tức đỏ cả mắt.

Vậy cũng chẳng hề gì. Tử Khiết nhận thức rõ vị trí của bản thân, cho nên mới có thể tự tin bê tha hoang tàn mà không nghĩ đến hậu quả. Chân thân của Tử Khiết vốn là một con rồng trắng, đôi mắt màu xanh ngọc bích của chàng là sự kết hợp hài hòa giữa màu xanh nhạt của bầu trời và sắc lục tinh tế của cỏ cây. Sinh ra vốn đã mang thân phận cao quý ngút trời, lại là đứa con duy nhất của Thiên đế, Tử Khiết sớm được sắc phong thành Thái tử, thừa hưởng tu vi cao ngang ngửa cha mình.

Cũng bởi vì lý do đó mà Tử Khiết từ nhỏ đã vô cùng phách lối, nghịch ngợm. Tuy rằng chàng thiên phú thông minh, nhưng vì lười biếng nên vốn hiểu biết rất chi là hạn hẹp. Ngoài gương mặt vô cùng say đắm lòng người ra thì không còn ưu điểm nào khác.

Sau khi rời khỏi Thiên cung, Tử Khiết gửi lời mời đến tất cả những tiên tử mình từng gặp, hẹn họ đến hồ Tuyền Lâm thưởng nguyệt. Bên bờ hồ hôm ấy, một nam nhân say khướt lả lơi trò chuyện cùng với cả trăm tiên nữ, khung cảnh tuy có phần nên thơ nhưng làm người ta không khỏi sởn gai ốc. Những nàng tiên nữ xinh đẹp tuyệt trần tranh nhau nhảy múa, đàn hát, cốt chỉ để khiến cho Tử Khiết vui lòng. Đây là chuyện đáng ngưỡng mộ hay chê trách, e rằng một lời khó mà nói hết.

Sau khi uống rượu say khướt, Tử Khiết nằm gục xuống bàn. Các vị tiên tử thấy vậy thì vội xúm lại đánh thức chàng để tiếp tục cuộc vui. Bỗng từ trong không trung một nữ nhân đột nhiên lao tới, nhằm hướng ngực trái Tử Khiết đâm vào. Y phục nàng mặc trên người toàn một màu đỏ thẫm, ánh mắt tà mị nhuốm đầy giận giữ. Nữ tử đó không ai khác, là người đã đến triệu kiến Tử Khiết trên Thiên cung hôm nọ nhưng bất thành. Sau đó dù nàng đã dặn người hầu treo vải đỏ làm hiệu nhưng cũng chẳng ai màng để tâm.

Có lẽ nàng đã chờ đợi khoảnh khắc này từ rất lâu, cơ hội ngàn năm có một để tiêu diệt Tử Khiết, kẻ mà nàng hận thấu xương. Bị đâm một nhát khá sâu nên Tử Khiết choàng tỉnh dậy. Chàng dùng nội lực hất bay thanh gươm đang cắm ở ngực mình ra, rồi một chiêu trói chặt nữ tử áo đỏ kia. Cũng may thanh kiếm này không hề có tiên khí, nên chẳng thể làm gì chàng. Tử Khiết vừa huơ tay một cái, miệng vết thương đã liền lại.

Nữ tử này cũng thật quá ngây thơ. Đối phó với một người có tu vi cao như thế, lại chỉ dùng một thanh kiếm bình thường. Là nàng đánh giá thấp đối thủ, hay là nàng không nỡ ra tay với hắn? Dù là vì lý do gì đi chăng nữa, bây giờ nàng đã hoàn toàn thất thủ. Tử Khiết nhấc cằm nàng lên, hỏi với một giọng bỡn cợt:

- Tiểu mỹ nhân, sao lại muốn giết ta? Nàng có biết, trên thế gian này có bao nhiêu nữ tử nguyện vì ta mà lên rừng xuống biển không? Bọn họ muốn nịnh bợ ta còn chẳng kịp, vậy mà nàng lại muốn ra tay với ta.

Nữ tử kia hất cằm ra khỏi tay Tử Khiết, đoạn đáp lại:

- Những kẻ nịnh bợ dưới chân ngươi, chỉ toàn một lũ ngu dốt. Mà ta, lại từng là một trong những kẻ ngu dốt đó.

Ánh mắt Tử Khiết chợt khựng lại trong giây lát. Nữ tử này chẳng phải hàm ý muốn nói, nàng đã từng là một kẻ sùng bái chàng sao?

Nữ tử kia lại tiếp lời:

- Nhưng ta không thể ngờ rằng, ngươi lại là một kẻ bỉ ổi vô liêm sỉ như thế. Chính ngươi đã sai người đặt bẫy, đưa ta vào tròng. Ta bị người khác hãm hại, là bởi vì ngươi!

Tử Khiết vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chàng trước nay tuy tính tình phóng đãng, thích gì làm nấy, nhưng không phải là người không hiểu chuyện. Những việc hãm hại người khác, chàng chắc chắn không động tay vào. Chưa kịp phân trần thì từ trên trời một tia sét giáng xuống đánh thẳng vào đầu Tử Khiết, khiến chàng toàn thân bất động. Chưa đầy một giây sau, Tử Khiết ngã khuỵu xuống bất tỉnh. Người vừa tấn công chàng, không ai khác chính là Sấm thần.

Từ trên không trung, một nam nhân cao lớn xuất hiện. Ông ta tuy nhìn diện mạo chỉ như thiếu niên đôi mươi, nhưng thật ra đã mấy chục nghìn năm tuổi. Gần cả trăm tiên tử nhìn thấy cảnh đó thì sợ hãi bỏ chạy dáo dác. Mỹ nhân dù nhiều nhưng chẳng có một ai màng đoái hoài sự sống chết của Hoa Tử Khiết. Lúc này, Sấm thần mới mở dây trói cho nữ tử áo đỏ kia:

- Ái Trâm, con không sao chứ?

Nữ tử kia lắc đầu, tỏ ý vẫn ổn. Sấm thần một tay nâng Tử Khiết lên, một tay dắt Ái Trâm tiến về Thiên cung. Tới nơi, ông ta ném Tử Khiết ra giữa đại điện, rồi khẩn cầu được gặp Thiên đế. Cả Thiên đế lẫn Thiên hậu nghe bẩm báo thì hoảng hốt chạy ngay đến. Trong khi Thiên hậu khóc lóc ai oán, thì Thiên đế tỏ vẻ tức giận, cao giọng hỏi tội Sấm thần:

- Chuyện này là thế nào?

Sấm thần không hề nao núng sợ hãi. Hắn trả lời dõng dạc:

- Hôm nay thần đến đây, là để đòi lại công bằng cho con gái mình.

Thiên đế mặt tái mét, nhưng vẫn phải cố tỏ ra như không có gì. Đây chẳng phải lần một lần hai Tử Khiết gây họa ở bên ngoài. Thiên đế cùng Thiên hậu cũng cơ hồ hiểu được chuyện gì sắp diễn ra.

Bốn người bọn họ ở bên trong đại điện nói chuyện rất lâu. Toàn bộ cung nhân đều bị đuổi ra ngoài hết. Bởi vậy ai nấy cũng đều vô cùng sững sốt khi nghe được chiếu chỉ vừa ban ra: Tử Khiết bị phế chức Thái tử, thu hồi toàn bộ tu vi, đày xuống Hạ giới làm dân thường. Tuy rằng không biết Sấm thần đã kể chuyện gì cho Thiên đế nhưng chắc chắn Tử Khiết đã gây nên một tội tày đình. Nếu không Thiên hậu há có thể dễ dàng chấp nhận để con trai mình đi đến chỗ xa xôi, chịu khổ sai, đày đọa.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.