Tầng không buổi chập choạng dần về trong cao, Khương Nghê cảm giác cơn đau nhức đang dần thuyên giảm. Cô ngó gã đàn ông ở góc nghiêng đằng trước, bất chợt nghĩ đến điều gì, hỏi: “Anh biết nấu ăn?”
Biết chắc cô đang hỏi mình, Trịnh Đạc nén giọng đáp lại: “Ừ.”
Khương Nghê nghĩ tới tô mì canh suông nước nhạt mình ăn dở nọ.
Cô nói: “Lát nữa anh đi mua ít đồ ăn, về nấu cơm.”
Trịnh Đạc ngó cô một cái thật nhanh qua kính chiếu hậu, nói “được”, tức thì lại hỏi: “Cô muốn ăn gì?”
Khương Nghê nghẹo đầu, ngẫm ngợi một lát, thực sự không nghĩ ra thứ gì muốn ăn: “Làm món sở trường của anh là được.”
Trịnh Đạc gật đầu, tiếp tục tập trung lái xe.
Trịnh Đạc đưa Khương Nghê về chung cư, tự đi mua đồ ăn một mình. Khi về, Khương Nghê đã nằm thiếp đi trên sô pha, cổ áo lộ ra một khoảng trắng ngần.
Trịnh Đạc hơi buồn cười. Cô nàng này đúng là giỏi ngủ, tựa hồ nhắm mắt là có thể lập tức vào giấc, bất kể lúc nào bất kể nơi đâu. Nhưng rồi nhớ tới trạng thái và những việc cô đã trải qua mấy hôm nay, nhớ cái khó khăn bất lực của cô, gã thôi cười, đắp chăn lên cho cô, nghe được tiếng ậm ờ qua khoang mũi vì nhận thấy hành động lạ của cô. Rồi gã đi vào bếp, chuẩn bị nấu cơm cho cô.
Sự sụt giảm nhiệt độ kéo theo đêm đen lan dài.
Trịnh Đạc nấu cơm xong, chiều tà chỉ sót tia nắng lạc cuối cùng len qua rèm sa mỏng chiếu vào căn hộ, biến không gian trong bếp thành một khoảng vàng mờ bóng bẩy.
Gã bước tới sô pha, ngắm Khương Nghê trong thinh lặng.
Dưới lần soi rọi của nắng chiều, gương mặt cô trong suốt như lòng trắng trứng, lông tơ trên mặt mồn một thấy rõ bằng mắt thường; hàng mày thưa rậm vừa độ tỏ tường từng gốc, mạch máu trên lớp da mỏng phủ mắt hiện rõ, rèm mi mảnh dài lên xuống khẽ khàng theo từng nhịp thở.
Gã trông mà thất thần.
Thình lình Khương Nghê quay đi, mái tóc ngắn tủn mủn đáp trên gò má, chọc cọ vào mũi. Cô bật ra một tiếng rì rầm, đầu mày nhíu chặt.
Trịnh Đạc chậm rãi ngồi xuống bên cô, ma xui quỷ khiến thế nào lại vươn tay, muốn tách tóc cô dắt về sau tai. Đúng khoảnh khắc ngón tay sắp sửa chạm vào má cô, Khương Nghê bỗng bừng mở mắt.
Cô ngước con mắt bình tĩnh nhìn Trịnh Đạc, tròng mắt rạch ròi đen trắng hệt vừa được cơn mưa to xối gột.
Trịnh Đạc và cô mắt đối mắt nhìn nhau, thời gian tưởng chừng khựng đứng giữa hai con người. Tim gã đập gia tốc, tai nóng như thiêu, muốn tránh khỏi mắt cô nhưng đôi mắt ấy lại hệt viên nam châm, giam cầm, hấp dẫn gã, khiến gã quên cả việc rút bàn tay đặt một cách gượng gạo giữa lưng chừng không kia về.
“Cơm… cơm xong rồi…”
Gã dồn trí giải thích, giọng điệu phập phồng bất ổn.
Khương Nghê nhìn Trịnh Đạc bị ánh vàng bao phủ. Mái tóc cứng khỏe của gã thoạt trông còn đầy xúc cảm hơn, là thứ cô luôn muốn được chạm tới.
Trong trí cô đột ngột lướt qua vô số hình ảnh, gã ôm vòng eo cô, gã cầm gậy bóng chày, gã giúp cô băng bó vết thương, gã mua tampon cho cô, gã nấu cơm cho cô, gã đưa nước mật ong cho cô lúc nửa đêm, gã chuẩn bị cốc giữ nhiệt cho cô… Những hình ảnh ấy không ngừng trùng lặp, chồng chéo, biến chuyển, hòa vào nhau rồi nổ tung trong đầu.
Cô nhận thấy buồng tim căng phình, kêu gào đòi thoát.
Gã đàn ông y hệt khúc gỗ ấy, giờ khắc này đang nhìn cô bằng ánh mắt dịu dàng tình tứ không gì sánh nổi.
Nắng tà bọc trọn hai con người, nhen lên từng cụm mầm lửa, dùng xao động nồng cháy phá bỏ cái vô vị và dài dẵng của ban ngày.
Cô cảm nhận được nỗi khiếp sợ và chất trẻ trai của gã. Cô bắt đầu nhấm nháp, từng bước khều cạy cái mềm mại của gã.
Nhưng cơn căng cứng của gã cho cô biết, gã đang chối từ.
Cô mặc kệ, cái hôn của cô ngang bướng và bức ép, bắt đầu xâm chiếm từng tấc từng li, nhử gã hé hàm răng khép chặt.
Trịnh Đạc bừng tỉnh sau cơn bàng hoàng, đôi tay dồn sức tách cô ra một khoảng. Hành động của gã dùng sức rất lớn, Khương Nghê không thể đối sức lại. Đầu gối gã nén lực vùng thoát, đứng dậy.
Cái bỏng rẫy giữa môi răng lan dài khắp mình mẩy gã. Gã khát vọng được nguội đi, nhưng có thế nào cũng không nguội bớt nổi.
Bóng thân thở dồn chặn đứng nắng chiều. Trong bóng râm, Khương Nghê có thể thấy hai con ngươi đen nhỏ tí của gã.
Khương Nghê tìm về sự bình tĩnh nhất quán xưa nay, nhìn thẳng vào mắt gã không lảng tránh.
Sự im lặng giữa hai con người bị giọng nói của Trịnh Đạc phá vỡ.
Gã nói: “Ăn cơm thôi.”
Trịnh Đạc làm cơm rất thịnh soạn, sườn non kho tàu, bông cải xào, khoai tây hầm đậu ve, thêm một bát canh cải bó xôi nấu trứng, sắc hương vị đủ cả, trông thôi đã thấy thèm. Khương Nghê ăn hai miếng, mùi vị còn ngon hơn cô tưởng tượng.
Cô nhấc đầu ngó Trịnh Đạc. Gã đang gằm đầu và cơm, cái đầu như cắm cả vào bát.
Nhìn hạt gạo trong bát, Khương Nghê thấy lòng bực dọc khó nói. Sức gã đẩy cô ra ban nãy hệt một cái tay vô hình, đè nghiến tim cô.
Xêu thêm mấy xêu, cô vứt xoạch đôi đũa xuống bàn. Đũa rơi trên đất, dẫu tiếng không to nhưng vang vọng lạ lùng giữa hai con người đang im lặng, khiến Trịnh Đạc nhấc mắt nhìn.
“Tôi không có khẩu vị, no rồi.”
Nói đoạn, cô đứng dậy quay gót về phòng mình.
Khương Nghê nằm ngửa trên giường lớn, mắt trân trân vào trần nhà, trong óc tua đi tua lại cảnh vừa rồi, không xua đi nổi.
Cô nhắm mắt, đầu như mớ bòng bong, chừng nghĩ rất nhiều lại như không hề nghĩ ngợi.
Lâu lắm sau, cô mở mắt, ngó cảnh vật vẹn nguyên chẳng đổi ngoài cửa sổ. Cô hơi thất vọng, mong mỏi sắc đêm đậm hơn nữa, vì cô muốn thấy những vì sao như mình từng thấy hôm qua.
Mấy hôm sau đấy, Khương Nghê phải tới Biên Thành quay một show giải trí tên “Nhật ký chốn đào nguyên”. Khi nghe thông báo này, cô đã nhận trong vui sướng. Hai năm trước, cô từng tham gia mùa đầu tiên của chương trình này. Để phù hợp với chính sách xóa nghèo tỉnh táo minh bạch của chính phủ, các minh tinh nhận việc xuống các trường tiểu học vùng quê dạy học. Lần trước cô đi đã gặp một cô bé đáng yêu thực sự rất có năng khiếu, đúng lúc có thể nhân cơ hội này tới thăm.
Dù sao thì trong xã hội “Giải trí đến chết”(1) này, một chương trình tương đối thực tế như vậy đã là rất hiếm.
Nhưng khi gọi điện tới, đồng thời Jessie cũng cho cô biết một tin. Ban lãnh đạo của RJ đã quyết định thay máu quản lý nghệ sĩ quy mô lớn, cô ấy không thể theo cô đi ghi hình, còn hỏi một mình Trịnh Đạc có được không, có cần tìm thêm người nữa không.
Nghĩ ngợi một lát, Khương Nghê nói, được.
(1) Tên gốc: Amusing Ourselves to Death, một cuốn sách của Neil Postman, ý chỉ xã hội coi trọng giải trí trên hết, khi mà cái hài hước, cách trình bày, truyền tải sẽ quan trọng hơn nội dung được truyền tải.