Sơn Nam Hải Bắc

Chương 4



"Ông gọi cậu ta đến làm gì? Người như thế sao có thể đưa về nhà chứ"

Tiết Sơn kiểm tra xong chiếc xe tải, sau khi xác định vẫn có thể lái được, liền quay về định giúp đưa bà cụ lên xe thì bất ngờ nghe được một câu như vậy.

Thím Chu đang nói chuyện, thấy anh đột nhiên đi vào, bà ta lúng túng buông tay chồng ra, cười ngượng ngập, sắc mặt vô cùng khó coi.

Tiết Sơn làm như không nghe thấy, anh thong dong bước vào, nói với chú Chu: "Xe không vấn đề gì, đi thôi chú".

"Ừ, được, được". Chú Chu gật đầu, dẫn Tiết Sơn vào căn phòng nhỏ của bà cụ. Lúc đi qua cửa, chú quay lại trừng mắt với vợ mình, ý bảo bà ta không được nói lung tung.

Bà cụ bị dập đùi phải, xương nứt u thành một cục trên da, xung quanh xanh tím một mảng.

Bà cụ đau đến xây xẩm nằm trên giường. Chú Chu đi vào định nâng bà cụ lên, Tiết Sơn liền lên tiếng ngăn lại. Anh bảo cần phải cố định chỗ gẫy để di chuyển cho an toàn.

Chú Chu không hiểu lắm về vấn đề này nhưng nghe anh nói vậy, chú cảm thấy có lý, liền đi tìm mấy thanh gỗ và ít vải theo yêu cầu của Tiết Sơn.

Tiết Sơn ngồi xổm bên giường, nẹp cố định thanh gỗ xung quanh đùi của bà cụ. Anh bảo chú Chu đỡ một tay để mình buộc dây vải.

Chú Chu nhìn động tác của anh, trong lòng có chút băn khoăn, nghĩ tới những lời vợ mình vừa nói, có lẽ đã bị anh nghe thấy cả.

Tiết Sơn đang tập trung làm việc của mình, bỗng nghe chú Chu nói: "A Sơn này, thím cháu hay nói lung tung, cháu đừng để bụng nhé".

Tiết Sơn không dừng tay, đáp: "Không sao ạ".

Nhìn động tác nhanh nhẹn thuần thục của anh, chú Chu nghi hoặc hỏi thẳng: "A Sơn, sao cháu lại biết làm những việc này?".

Trong mắt những người dân nhỏ bé thì mấy trò băng bó cố định chỉ có bác sĩ trong bệnh viện mới có thể làm được.

Thắt xong nút cuối cùng, Tiết Sơn luồn ngón trỏ vào để kiểm tra độ căng chùng, giọng điệu điềm đạm: "Trước kia cháu có học qua, làm cũng không thạo lắm, dùng đỡ thôi ạ".

Bà cụ rất gầy, chưa đến 45kg. Tiết Sơn một mình bế bà cụ lên, anh bảo chú Chu đứng bên đỡ chân, hai người hợp lực đưa bà cụ lên xe.

Ra khỏi nhà, thím Thẩm đứng ngoài từ nãy đến giờ vội vàng giơ chiếc ô che đầu cho bà cụ, theo ra tận xe, bà ta luôn miệng nhắc nhở: "Chậm một chút, chậm một chút, đừng để dính mưa".

Thu xếp cho bà cụ xong, chú Chu theo lên xe, dặn vợ lát nữa dẫn Tiểu Thiến sang nhà Tiết Sơn.

Cửa xe đóng "rầm" một tiếng, thấy bà ta không có phản ứng gì, vẻ mặt không mấy tình nguyện, chú Chu quay cửa kính xuống, quát: "Có nghe thấy không hả?".

Bà ta bĩu môi, sốt ruột trả lời: "Biết rồi biết rồi, nhắc đi nhắc lại".

Không biết vì sao, nói xong câu này, bà ta vô thức nhìn sang ghế lái, phát hiện Tiết Sơn không hề để ý đến mình, mắt nhìn chăm chăm phía trước, vẻ mặt không mấy quan tâm.

Xe rời đi, bà ta đóng cửa sân, chạy chậm vào nhà, gọi đứa cháu gái đang học bài trong phòng mình: "Thiến Thiến, đừng viết nữa, đi ra đây một lát".

Rất nhanh, một bé gái tóc ngắn ngang tai từ trong phòng đi ra, dáng dấp chừng mười ba mười bốn, mặc  bộ quần áo đơn giản màu xám.

"Làm gì vậy ạ?".

Thím Chu kéo ghế ngồi xuống, nói: "Cháu sang nhà ông chú bên cạnh đi. Bố của con nhóc vừa mới đưa cụ đi bệnh viện khám bệnh, trong nhà không có ai. Cháu sang trông chừng con bé một lúc".

Con bé tức giận hừ một tiếng: "Nhà con nhóc bị câm ấy ạ?".

"Đúng đúng, chính là nhà nó đấy. Nhưng cái gì mà bị câm chứ, ra ngoài đừng có nói lung tung, cẩn thận người khác nghe thấy".

Con bé không quan tâm, chỉ cảm thấy khó hiểu: "Chẳng phải bà không cho cháu sang đó chơi, cũng không cho cháu nói chuyện với ông chú ấy. Bà còn bảo nếu chú ấy cho cháu ăn cái gì cũng không được lấy cơ mà?".

"Là bà nói, nhưng làm sao?".

"Sao giờ bà còn bảo cháu sang đấy?". Con bé bĩu môi, tựa người vào khung cửa nghịch ngón tay.

"Đi một lát thôi, trông chừng con bé, đừng để nó chạy loạn là được". Bà ta dặn thêm: "Nhưng mà cháu phải nhớ kỹ, chớ có đụng vào đồ nhà người ta, cho cái gì cũng không được ăn, nhớ chưa?".

Đương nhiên con bé không mảy may hứng thú: "Dựa vào đâu mà bảo cháu đi. Lại còn không cho động tay động chân, ngồi không chán chết".

Nói xong, con bé bỗng nảy ra sáng kiến: "Cháu có thể dẫn nó sang nhà mình không ạ? Đồ đạc nhà nó cháu không được phép sờ vào, vậy đồ nhà ta thì có thể đúng không ạ?".

Bà ta phẩy tay: "Tùy cháu, miễn để ý đến nó là được".

Con bé nhún vai, cuối cùng cũng mỉm cười.

+++

Gần 7 giờ tối, các bác sĩ đã tan ca từ lâu, chỉ còn duy nhất nhân viên trực ca ngồi trong văn phòng tầng một xem tivi.

Bỗng nghe thấy tiếng bước chân dồn dập truyền đến, sau đó cánh cửa phòng làm việc bị ai đó đẩy ra.

Ông bác sĩ trung niên trực ca đêm giật mình, nhìn về phía cửa ra vào.

"Ôi mẹ ơi, giật hết cả người".

Trên người trên mặt chú Chu dính đầy nước mưa, chú nắm chặt tay bác sĩ, cất giọng cầu xin: "Bác sĩ, mẹ tôi bị ngã gãy chân, bác sĩ mau qua xem thế nào ạ".

Ông bác sĩ rút tay về, khôi phục lại vẻ bình tĩnh: "Bệnh nhân đâu rồi?".

Chú Chu vội đáp: "Vâng, vâng, đến ngay đây".

Nói xong chú xoay người ra ngoài, nửa phút sau, hai người một già một trẻ bế bà cụ đi vào.

Ông bác sĩ nhìn thanh nẹp trên đùi, ánh mắt chợt sáng lên, giỏi, biết cố định xương gẫy cơ đấy.

Nhưng sau khi nhìn rõ vết thương trên đùi bà cụ, ông bác sĩ lập tức lắc đầu: "Chúng tôi không chữa được cho bà cụ đâu. Bị gãy thành ra thế này phải phẫu thuật càng sớm càng tốt. Mau đưa bà cụ lên huyện đi".

Lúc trên đường đến đây, Tiết Sơn đã trao đổi với chú Chu, nói tình trạng bà cụ đến 80 - 90% là phải phẫu thuật mới khỏi được. Bây giờ, đến bác sĩ chuyên khoa cũng nói chắc như đinh đóng cột, khiến người đàn ông hơn năm mươi tuổi như chú Chu nhất thời bị kích động.

Hốc mắt ẩm ướt, chú Chu run giọng hỏi: "Mẹ tôi bị như vậy có nguy hiểm gì đến tính mạng không?".

Ông bác sĩ trả lời: "Làm phẫu thuật chắc chắn sẽ có rủi ro. Mọi người tranh thủ thời gian đi, đưa bà cụ lên huyện, đừng lề mề nữa. Gãy xương nếu không nhanh sẽ bị tổn thương mạch máu, đến lúc đó không thể xử lý được đâu".

Việc đã đến nước này, mọi người chỉ có thể tiếp tục đưa bà cụ lên bệnh viện tuyến trên.

Tiết Sơn không thốt nổi được lời an ủi nào, sau khi bế bà cụ trở lại xe, anh nhanh chóng ngồi vào ghế lái, lẳng lặng lái xe, chạy về hướng thị trấn.

Trên đường đi, anh rút điện thoại gọi cho Phương Thanh Dã. Sau khi xác nhận anh ta không uống quá nhiều, và vẫn trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo, anh dặn Phương Thanh Dã khóa kỹ cửa hàng rồi chạy sang nhà xem Đồng Đồng thế nào, anh cảm thấy hơi lo lắng.

Phương Thanh Dã vốn đang nằm co quắp trên giường xem điện thoại, nghe xong, anh ta liền nhảy dựng lên như cá quẫy, vơ vội chiếc áo khoác chạy ra ngoài.

+++

Màn đêm buông xuống, mọi vật xung quanh cực kỳ tĩnh lặng.

Hết giờ làm, Trần Dật và Tiểu Phương cùng khóa cửa đi về. Nhà của Tiểu Phương ở trên trấn, sau khi chào tạm biệt Trần Dật thì mỗi người một phương.

Trời mưa quá lâu sẽ khiến mọi người sinh ảo giác, nghe thấy âm thanh gì cũng cho là tiếng mưa rơi.

Ngoài tiếng mưa ra, không còn âm thanh nào khác.

Vì thế mà lúc Trần Dật tắm rửa xong ngồi trên giường sấy tóc, một lúc lâu vẫn không phân biệt được tiếng rầm rầm ngoài cửa kia, rốt cuộc là tiếng mưa rơi hay là tiếng gõ cửa.

Mãi cho đến khi tiếng hô to đó vang lên: "Tiểu Vu Đầu! Mau mở cửa cho mình"

Trần Dật ngạc nhiên chớp mắt một cái, tắt máy sấy đi, vội vàng đứng dậy.

Cô kéo cửa ra, gió đêm cùng bụi mưa phả vào mặt, liếc nhìn người đang xách túi lớn túi nhỏ đứng ở cửa, vẻ mặt ngỡ ngàng: "Sao cậu lại tới đây?".

Ánh mắt Dư Sanh Sanh như muốn phóng hỏa: "Sao mình không được tới hả?".

Không chờ cô kịp phản ứng, Dư Sanh Sanh đẩy Trần Dật ra cứ thế đi thẳng vào: "Đang làm gì thế? Gõ cửa mãi không thấy ra mở".

Trần Dật đóng cửa lại, đi theo vào nhà, nhắc sau lưng: "Cái ô kìa".

Dư Sanh Sanh dừng bước, ném hai chiếc túi trong tay xuống dưới đất, đưa chiếc ô còn nhỏ nước cho Trần Dật: "À, sorry, mình quên mất".

Trên nền đất đã đọng một vũng nước.

Trần Dật dựng chiếc ô bên cạnh chiếc hộp nhựa nhỏ, hứng thú đứng dựa bệ bếp, nhìn người đang nằm thẳng cẳng trên giường.

"Làm gì mà kích động thế? Đêm hôm khuya khoắt chơi trò trốn nhà đi".

Dư Sanh Sanh nhìn chằm chằm lên trần nhà màu trắng, cất giọng thều thào: "Kích động? À, cậu có biết mình đang muốn tự tử không?".

Cảm giác một bên giường trũng hẳn xuống, Dư Sanh Sanh quay sang, nhìn người ngồi ở cuối giường.

Bọn cô là bạn thời đại học, không cùng khoa nhưng vì cùng quê nên dần dần thân thiết, sau này biến thành bạn chí cốt.

Tính cách của Dư Sanh Sanh có phần đanh đá, tùy tiện, nóng nảy bốc đồng, không cẩn thận như Trần Dật. Cho nên mỗi khi xảy ra chuyện, người đầu tiên cô nghĩ đến chính là Trần Dật.

Muốn chút bầu tâm sự với cô, muốn phàn nàn với cô, muốn kể hết những chuyện vui và không vui với cô.

Biết biểu hiện của mình sớm muộn gì cũng bị bán đứng, Dư Sanh Sanh thoáng do dự, bắt đầu kể lại mọi việc.

Kể tràng dang một hồi, đến phần sau, càng lúc càng khí thế. Cô ngồi thẳng dậy, khoanh hai chân lại, khoa chân múa tay kể tội của bạn trai.

Trần Dật im lặng nghe hết, sau đó tổng kết toàn bộ ý chính: "Ý của cậu là, Chu Tử Xuyên đang tán tỉnh con gái của sếp à?".

"Đúng thế, đồ đáng khinh bỉ". Cơn bực tức bay quá giới hạn khiến cô bắt đầu ăn nói ngoa ngoắt.

Đối lập với vẻ kích động của cô, Trần Dật khẽ mỉm cười, giọng nói bình thản: "Có bằng chứng không?".

Dư Sanh Sanh nổi trận lôi đình: "Sao lại không có bằng chứng? Bọn họ nhắn tin mập mờ với nhau, làm như mình ngu lắm ấy".

Dư Sanh Sanh và Chu Tử Xuyên đến năm cuối đại học mới quen nhau.

Hai người cũng là đồng hương, lúc thực tập anh giúp chị, chị giúp anh, cứ tự nhiên như vậy mà hẹn hò.

Dư Sanh Sanh dáng người cao gầy, khuôn mặt khá xinh xắn, lại biết cách ăn mặc nên hồi đại học đã có không ít nam sinh theo đuổi, cũng từng trải qua mấy lần chết vì yêu.

Đến khi ở bên Châu Tử Xuyên, cô bị sự dịu dàng của tuýp đàn ông ấm áp như Châu Tử Xuyên trị cho trở nên ngoan ngoãn, mới yêu chưa tới nửa năm đã hoàn toàn mang dáng vẻ "Không phải anh thì không chịu gả" rồi.

Tốt nghiệp xong, hai người cùng về quê làm việc. Dư Sanh Sanh làm trợ lý hành chính cho một công ty thuốc lá. Còn Chu Tử Xuyên, ban đầu chỉ làm cho một công ty nhỏ. Sau thi đỗ công chức, liền bước chân vào Cục thuế.

Tết âm lịch nửa năm trước, phụ huynh hai bên gặp nhau. Cả hai bên đều là gia đình lao động bình thường, không quá khác biệt môn đăng hộ đối nên có thể ngồi cùng nhau, ăn một bữa cơm bàn chuyện hôn sự, định sau Tết nguyên đán sẽ tổ chức lễ cưới.

Tình cảm của hai người rất tốt, suốt ngày tình tình tứ tứ, hơn nữa tính cách của Châu Tử Xuyên cũng khá ôn hoà, nên Dư Sanh Sanh khó tránh khỏi sinh ra cảm giác "chẳng có gì phải sợ".

Nhưng mắt thấy người mình sắp lấy tự nhiên dở chứng chơi cô một vố như vậy, Dư Sanh Sanh không thể nào nghĩ thông được. 

Sau khi phát hiện ra manh mối tin nhắn, cô đã đến công ty của anh ta lạnh lùng tra hỏi, mặc cho mọi người chê cười, cô không hề quan tâm.

Về đến nhà, cô còn ầm ĩ với anh ta một trận. Tâm trạng buồn bực, cô tùy tiện thu dọn mấy bộ quần áo, giận dỗi bỏ đi, bắt xe chạy hơn hai tiếng để đến chỗ Trần Dật.

"Vu Đầu, cậu nói xem có phải Chu Tử Xuyên hết yêu mình rồi đúng không?".

Giọng điệu vừa mới giận dữ, chớp mắt đã trở nên lo lắng.

Trần Dật cũng chậm rãi nằm xuống, kề sát vai Dư Sanh Sanh: "Anh ấy còn yêu cậu hay không thì chính cậu phải là người rõ nhất chứ".

Sanh Sanh quay mặt về phía Trần Dật, một tay chống đầu, vẻ mặt nghi hoặc: "Vậy cậu nói xem, vì sao anh ấy lại nói chuyện một cách mập mờ với con gái của sếp như vậy? Đã thế, anh ấy cũng không còn nhường nhịn mình nữa, động một chút là nổi giận".

Trần nhà vốn màu trắng, nhưng vì ở góc bị rò nước mà để lại một vết loang màu vàng.

Trần Dật nhìn chằm chằm vào vết nước mờ mờ ấy.

Có phải tình yêu thoạt nhìn tưởng hoàn mỹ nhưng cuối cùng đều trở thành những đốm loang lổ lộn xộn như tổ ong không?
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.