Siêu Thị Của Tôi Thông Kim Cổ

Chương 74



Người Dịch: Lan Thảo Hương.

Người đầu tiên phát hiện Đổng Thừa Trạch chưa có trở về là Bàng Nghị, cũng là người chứng kiến sự kiện lần trước. Trong lần phá vòng vây trước đó, anh cũng bị đạn của kẻ địch xuyên thủng, cũng may nó không phải vết thương trí mạng. Sau khi vết thương hơi chuyển biến tốt đẹp hơn, anh liền khập khễnh giúp đỡ các y bác sĩ trong bệnh viện lâm thời chiếu cố các thương binh.

Bởi vậy, sau khi Bàng Nghị phát hiện Đổng Thừa Trạch không đến ăn sáng sáng nay, anh ta đã thuận tiện nhắc tới với Tạ Anh và Chính ủy khi họ tới ăn sáng.

Tạ Anh và Chính ủy biết Đổng Thừa Trạch đã đến Thiên Bảo trại vào tối qua. Nói ra cũng là bọn họ khuyên anh đi, bây giờ nghe người còn chưa về trong lòng họ không khỏi nghĩ đến một khả năng. Hai người liếc nhau một cái, đồng thanh nói: "Không lẽ!".

Nghĩ đến khả năng đó, Tạ Anh ngay cả bữa sáng cũng không ăn, vội vã đứng lên nói: "Tôi sẽ dẫn người tới đó".

Trong lòng Chính ủy mặc dù rất kích động nhưng anh ở trong đoàn đã quen lạnh mặt ở trước các binh sĩ, nên một tay anh bưng bát cháo, tay kia cầm bánh lương khô, không chút hoang mang mà nhắc nhở: "Đưa thêm vài người lần trước qua đó đi, đi ngựa sẽ nhanh hơn".

Tạ Anh vừa gật đầu vừa đi ra ngoài. Người biết chuyện lần trước không ít, cộng hết lại cũng tới mười mấy người. Ngoài những người bị thương như Bàng Nghị, còn có bốn người cộng thêm anh đi cùng là năm.

Năm người, sáu con ngựa (thừa một con là chuẩn bị cho đồng chí Tiểu Đổng), vội vàng rời huyện thành.

Sau khi đến bên ngoài cổng thành Thiên Bảo trại, Tạ Anh dẫn đầu nhảy xuống ngựa. Nhìn cánh cổng đóng chặt trước mặt, dự đoán yếu ớt trong lòng anh càng thêm khẳng định.

Vì những tên thổ phỉ trong trại toàn bộ đã bị tiêu diệt nên các cánh cổng của Thiên Bảo trại trừ trước đó họ tới đây tránh né sự truy kích của địch thì hầu như đều được mở. Sau cùng, bộ đội bọn họ vẫn còn đang ở huyện thành nên dù có cá lọt lưới nghĩ muốn vực dậy Thiên Bảo trại thì cũng không có can đảm làm.  

Tạ Anh tiện tay nhét roi ngựa vào thắt lưng, buông ra cổ họng hét lớn vào trong trại: "Đồng chí Đổng Thừa Trạch, cậu có ở bên trong không?".

Đổng Thừa Trạch lúc này đang ngồi xổm trước núi thuốc, vừa đáng thương lại bất lực nhìn chằm chằm về phía cổng thành lớn. Bởi vì chỉ có chỗ cổng thành lớn mới có đường lớn thông hướng huyện thành, còn bên cổng thành nhỏ đều là đường nhỏ. Anh nghĩ người trong đoàn khẳng định sẽ từ bên chỗ cổng thành lớn tới.

Nên khi giọng nói của Tạ Anh vang lên từ ngoài cổng thành nhỏ, Đổng Thừa Trạch vẫn không thể tin được sửng sốt mất hai giây. Sau anh vội vàng từ dưới đất nhảy dựng lên, vừa hét lớn vừa chạy về phía cổng thành nhỏ: "Đoàn trưởng, tôi đang ở bên trong. Chúng ta lại có thuốc rồi, rất nhiều thuốc!”.

Thật sự có người trong đoàn tới! Còn là đích thân đoàn trưởng đến.

Người lính đứng bên cạnh Tạ Anh kích động lắc lắc cánh tay: "Đoàn trưởng, anh nghe thấy không? Đồng chí Đổng Thừa Trạch nói có thuốc đấy".

Tạ Anh nhìn đôi tay run rẩy của cậu ta cũng gật đầu liên tục: Anh nghe được, có thuốc! Đó là thuốc!

Có số thuốc này, anh và Chính ủy không còn phải cảm thấy áy náy với các đồng chí khác nữa. Thuốc trong trung đoàn của họ vẫn đủ, anh có thể gửi gửi số thuốc này cho những chiến sĩ khác đang anh dũng đối mặt với kẻ thù nơi tiền tuyến. Có số thuốc này, tính mạng quý giá của các chiến sĩ sẽ có thêm một tầng bảo hộ.

Cánh cửa gỗ cồng kềnh, Đổng Thừa Trạch dốc hết sức lực bú sữa của mình ra cũng chỉ kéo ra một khe hở nhỏ. Vẫn là Tạ Anh và bốn chiến sĩ khác ở bên ngoài hợp lực đẩy cửa mới thuận lợi đẩy ra cửa thành nhỏ.

Sau khi song phương gặp mặt thành công, Đổng Thừa Trạch nhanh chóng đưa Tạ Anh đi xem số thuốc lần này anh mang về.

Nhìn thấy số thuốc lần này nhiều hơn so với lần trước gấp mấy lần, Tạ Anh lập tức trở nên mất bình tĩnh. Anh nhìn núi thuốc trước mặt, không khỏi véo vào lòng bàn tay để xác định đây không phải đang mơ.

Xác nhận mình không phải nằm mơ, Tạ Anh cao hứng đến mức vỗ vai Đổng Thừa Trạch, lẩm bẩm nói: "Nhiều như vậy, nhiều như vậy, tiểu tử cậu lại lập công".

Đổng Thừa Trạch lắc đầu, trong lòng anh rất rõ ràng: "Đây đều là tâm ý của Vân tiểu thư, tôi chỉ là giúp cô ấy khuân chuyển đồ mà thôi. Điều đó không tính là công lao gì".

"Đúng, Vân tiểu thư đúng là không tiếc công sức để ủng hộ sự nghiệp chống Nhật của chúng ta. Nhưng chỉ đáng tiếc......".

Tạ Anh chưa nói đáng tiếc gì, nhưng trong lòng Đổng Thừa Trạch lại biết rõ. Chẳng qua chuyện Vân Sơ tặng thuốc tặng lương thực không muốn để cho quá nhiều người biết, bằng không chỉ bằng đại công lao này thì cô ấy nhất định xứng đáng được các chiến sĩ tán thưởng cảm kích.

Nhưng anh không hề cảm thấy tiếc nuối, thẳng thắn nói: “Không có gì đáng tiếc, cô ấy vốn không quan tâm đến những hư danh này”.

Tạ Anh lộ vẻ xấu hổ: "Đúng đúng, là tôi nói sai. Vân tiểu thư đã có thể cho chúng ta nhiều thuốc và lương thực nhưng lại không cần hồi báo đã nói lên cô ấy không phải là người có lòng ham muốn công danh lợi lộc nặng. Là tôi hẹp hòi rồi".

Nhìn khuôn mặt non nớt và ánh mắt chân thành của Đổng Thừa Trạch, trong lòng Tạ Anh đã có so đo.

Nếu đã không có cách nào hồi báo công thần lớn nhất là Vân tiểu thư, vậy công thần thứ hai vẫn có thể bồi dưỡng thật tốt.

Cứ như vậy ở lúc chính Đổng Thừa Trạch không hay biết gì, đã bị lãnh đạo của mình là Tạ Anh đã dự định trong lòng sẽ cố gắng hết sức để tài bồi anh.

Tới sau này Đổng Thừa Trạch một đường leo cao, mọi người đều nói anh thiên tư xuất chúng, là thanh niên tuấn tài hiếm có. Lại có lão lãnh đạo là Tạ Anh ở bên cạnh hộ giá hộ tống, tiền đồ tuyệt đối bất khả hạn lượng. Cứ mỗi khi nghe được người ta nói thế, ý cười trên mặt anh chưa bao giờ đạt tới đáy mát, bởi chỉ có mình anh biết rõ nó có nghĩa là gì.

- ---

Vân Sơ trông coi hai giỏ nho chờ đợi suốt năm ngày cuối cùng cũng đợi được đến khi cánh cửa gỗ lại xuất hiện.

Không lâu sau khi cánh cửa gỗ xuất hiện, Trạm Vân Tiêu đi tới với một hộp bánh ngọt trên tay. Vân Sơ nghe thấy tiếng động cũng đi xuống lầu. Sau khi nhìn thoáng qua hộp cơm cực đại đặt ở trên quầy thu ngân, cô tò mò hỏi: "Đây là cái gì thế?”.

Hôm nay cô đi ngủ sớm, cũng không biết chính mình đã lăn lộn bao nhiêu vòng ở trên giường lúc ngủ. Sau lại vội vội vàng vàng xuống lầu nên chỉ đưa tay vuốt lung tung mấy cái trên tóc.

Trạm Vân Tiêu nhìn mớ tóc bù xù trên đỉnh đầu nàng, trong lòng dâng lên một chút thỏa mãn thầm kín. Hắn giật giật ngón tay đặt ở bên hông, cưỡng chế xuống xúc động muốn thay nàng vuốt gọn lại mái tóc, sau nhanh chóng xoay người mở nắp hộp đồ ăn, nói: "Đây là điểm tâm nhẹ phòng bếp mới làm. Ta nghe Lục Ti nói ngươi thích ăn mấy món này nên mang theo một ít cho ngươi".

Trên thực tế, từ khi Trạm Vân Tiêu nghe Lục Ti kể rằng Vân Sơ thích ăn bánh ngọt này, mỗi buổi tối hắn đều dặn dò nhà bếp chuẩn bị thêm mấy phần đưa đến Kình Thương viện. Tính toán chờ khi cánh cửa gỗ xuất hiện thì sẽ mang cho Vân Sơ ăn.

Tuy nhiên, trước ngày hôm nay, hắn đã ăn hết số điểm tâm thừa mấy ngày qua.

Tuy nói bây giờ thời tiết lạnh, những điểm tâm này để đó hai ngày cũng không sợ hỏng nhưng hắn muốn để Vân Sơ ăn được điểm tâm mới mẻ.

Vân Sơ ba bước thành hai bước nhảy xuống mấy bậc cuối cùng, sải chân đi tới sau lưng Trạm Vân Tiêu, đầu đặt lên vai anh và nhón chân nhìn vào hộp thức ăn. Cái nhìn này lập tức khiến cô vui vẻ: "Bánh Như ý*, bánh ngọt táo tàu**, phô mai tươi***. Sao anh biết em thích ăn mấy thứ này?".

(*) 如意糕 - Bánh Như Ý:



(**) 枣泥酥饼 - Bánh ngọt táo tàu:



(***) 鲜奶酪 - Phô Mai Tươi:



Vân Sơ chưa từng chủ động đến gần Trạm Vân Tiêu như vậy. Cả người hắn cứng ngắc, trả lời: "Ta nghe Lục Ti nói, nàng ta nói nàng thích những loại bánh này nhất".

Khoảng cách giữa họ bây giờ có phải quá gần không? Trạm Vân Tiêu thậm chí cảm thấy chỉ cần hắn hơi quay đầu lại là có thể hôn lên mặt Vân Sơ mà không cần tốn khí lực gì.

Vân Sơ tựa ở trên vai Trạm Vân Tiêu hơi gật đầu, cảm thán nói: "Cô ấy thực sự rất cẩn thận, chỉ mới có hai ngày đã tìm ra sở thích của em rồi".  

Hài lòng khi nhìn thấy người nào đó tay chân luống cuống, Vân Sơ mới đại phát thiện tâm bỏ qua cho anh. Cô rời khỏi bờ vai anh đi qua nhìn điểm tâm trong hộp đồ ăn.

Khi sức nặng trên vai biến mất, trong lòng Trạm Vân Tiêu cảm thấy buông lỏng, rồi lại cảm thấy có chút thất lạc. Thấy Vân Sơ vươn tay cầm một cái bánh táo tàu đưa lên miệng, hắn liền vươn tay cầm lấy một chai nước khoáng từ trên kệ xuống đưa cho nàng.

Vân Sơ lắc đầu, nước khoáng không thích hợp với những món điểm tâm mỹ vị này. Sau khi ăn hết hai khối điểm tâm cho đỡ thèm, cô liền xoay người lên tầng ngâm một bình trà nóng. Sau khi rót một chén cho Trạm Vân Tiêu, cô liền một ngụm điểm tâm, một ngụm trà nóng, vừa ăn vừa sám hối: "Điểm tâm này ăn thật quá ngon. Ăn xong mấy thứ này, em chắc chắn sẽ bị tăng cân mất".

Sau sự xuất hiện của cánh cửa gỗ, nó đã phá vỡ hoàn toàn thói quen sinh hoạt của Vân Sơ trong hai mươi mấy năm trước đó. Trước đây cô sẽ không ăn gì cả sau tám giờ tối, đây cũng là lý do tại sao cô có thể giữ được vóc dáng cân đối như vậy. Nhưng bây giờ số lần ăn đêm của cô càng ngày càng nhiều, mắt thấy cân nặng đã duy trì nhiều năm có hướng tăng lên rồi.

Vân Sơ nhìn điểm tâm trong tay, rưng rưng cắn xuống một miếng lớn: Ăn xong bữa này, tối mai cô sẽ bắt đầu chạy bộ giảm cân.

Nhưng điều cô không nghĩ tới là, những đồ ăn này không phải thứ duy nhất cô đạt được hôm nay.

So với Vân Sơ ăn từng miếng từng miếng điểm tâm một cách "đau khổ", thì Trạm Vân Tiêu ngồi ở đối diện lại dùng ánh mắt nhu tình mật ý nhìn nàng ăn điểm tâm. Bầu không khí trong phòng đâu chỉ có thể dùng từ "ngọt" để hình dung, bởi người ngoài nhìn vào chắc chắn cũng thấy ê răng.

Có lẽ ngay cả cánh cửa gỗ cũng không thể chịu đựng được nữa, mà đưa tới cho Vân Sơ khách nhân mới.

Hơn nữa còn là hai người!

Quý Hòa và ấu đệ là Trọng Hòa là những đứa trẻ ở một làng chài xa xôi. Mắt thấy mùa đông sắp tới, vì để dự trữ đủ lương thực cho mùa đông này nên những người dân làng chài bất luận nam nữ lão ấu đều đổ xô như ong vỡ tổ ra biển tìm thức ăn. Quý Hòa năm nay đã mười tuổi, còn Trọng Hòa cũng đã bảy tuổi, và cả hai tự nhiên cũng là một thành viên trong đội ngũ ra biển bắt hải sản.

Nam nhân khỏe mạnh cường tráng lại trẻ tuổi đều đi thuyền ra biển bắt cá. Còn người già trẻ em sẽ tản ra khắp nơi trên bờ biển, mỗi người tìm kiếm cá biển và sò ốc có thể ăn được ở vùng nước nông.

Quý Hòa trong lúc vô tình đã phát hiện ra một hòn đảo hẻo lánh cách đây vài ngày trước. Bởi vì nó khá xa xôi nên trên đảo có rất nhiều sò hến. Ngẫu nhiên gặp vận khí tốt còn có thể vớt được nhiều tôm cá mắc cạn trên đảo vì thủy triều xuống.

Hôm nay cũng vậy, ngay sau khi rời khỏi làng, nàng liền dẫn theo tiểu đệ bơi đến hòn đảo nhỏ. Hòn đảo vô danh ít ai lui tới này đối với tỷ đệ hai người chắc chắn là một tòa bảo đảo. Mới nửa ngày, cái gùi hai người cõng trên lưng đã sắp đầy ắp.

Trọng Hòa ngẩng đầu nhìn sắc trời rồi nâng người lên nhắc nhở: "A Quý, chúng ta nên về thôi".

Quý Hòa nhìn lên bầu trời. Là một đứa trẻ lớn lên bên biển, nàng am hiểu nhất chính là quy luật lên xuống của thủy triều. Trong lòng biết rõ vẫn còn một khoảng thời gian trước khi thủy triều xuống, nên nói: "Chờ thêm lát đi, chúng ta đi tới phía sau đảo nhìn xem được không. Chỗ đó chúng ta còn chưa có đi, nói không chừng có thể nhặt được cá".

Hòn đảo nhỏ này cách làng một khoảng, muốn tới một lần cũng không dễ dàng. Do đó, Quý Hòa nghĩ muốn tận khả năng mang về càng nhiều đồ ăn càng tốt.

Quý Hòa kiên trì như vậy cũng là có nguyên nhân. A nương nàng hai ngày trước bị nhiễm phong hàn nên phải nằm nhà và không thể ra biển bắt hải sản được. Thiếu đi một sức lao động, lương thực dự trữ của nhà nàng sẽ ít hơn nhiều so với những người khác trong làng. Bởi vậy nàng mới nóng lòng nghĩ hết khả năng để mang đồ ăn về càng nhiều càng tốt.

Quý Hòa một khi đã ra chủ ý thì Trọng Hòa thường là người phụ hoạ theo đuôi nàng. Thấy nàng nói thế, hắn nén lo lắng trong lòng xuống đi theo nàng đến bên kia đảo.

Khoan hãy nói, phía sau đảo quả thật có rất nhiều tôm cá. Quý Hòa còn may mắn nhặt được một con tôm vỏ hoa to hơn hai bàn tay nàng. Nhìn con tôm bự trong tay, Quý Hòa quay lại và nói với Trọng Hòa đầy vui vẻ: "Ta trước đó nghe Bá Hành ca nói những người có tiền trong thành rất thích loại tôm bự này. Đợi lúc về ta sẽ để A đa đem con tôm bự tới trong thành bán, hẳn sẽ đổi được không ít lương thực đấy".  

"Thật sao?". Nghe A tỷ nói như vậy, Trọng Hòa cũng thật cao hứng. Ánh mắt lúc nhìn con tôm bự trong tay Quý Hòa tựa như đang nhìn thấy lương thực vàng óng.

Quý Hòa gật đầu khẳng định: “Thật đấy, chúng ta lại ở chung quanh chỗ này tìm xem. Nếu có thể tìm thêm được một con tôm bự như này nữa, vậy chuyến này xem như chúng ta tới đúng rồi".

Trọng Hòa và Quý Hòa lại ở trên bờ biển đi lòng vòng quả nhiên nhặt được thêm hai con tôm vỏ hoa nữa. Chẳng qua hai con này so với con ban đầu nhỏ hơn chút.

Cả hai cõng theo cái sọt không thể chứa được mấy con tôm dạo quanh một vòng trên đảo. Sau Quý Hòa bóc vỏ cây bện thành dây thừng và cẩn thận buộc chặt ba con tôm lớn lại rồi cầm ở trên tay. Tuy nhiên, trong bất tri bất giác họ đã bị trì hoãn do nhặt tôm. Đợi khi hai người đi đến chỗ ban đầu lúc lên đảo, nước biển do triều cường mang đến đã ngập cả tảng đá lớn mà họ dẫm để lên đảo.

Nhìn nước biển dâng cao, Trọng Hòa lập tức bị dọa đến khóc lên: "A Quý, làm sao bây giờ?".

Khi thủy triều lên là không thể xuống biển, nếu không sẽ bị biển cuốn trôi. Những lời này, bọn trẻ con làng chài đã nghe được từ lúc chúng còn nhỏ cho tới khi lớn. Đừng nói hai người Quý Hòa vẫn còn là đứa nhỏ choai choai, dù là hán tử bơi giỏi nhất trong làng cũng không dám xuống biển lúc thủy triều lên cao.

Trong chốc lát nhìn thấy nước biển dâng đến ngang bắp chân nhỏ, lại thêm sắc trời đang dần dần ảm đạm xuống, Quý Hòa nhìn bờ biển cách hòn đảo một khoảng cách, siết chặt sợi dây vỏ cây trong tay, dứt khoát nói: “Lên đỉnh đảo, chỗ đó địa thế cao, thủy triều hẳn sẽ không lên được chỗ đó".

Sau khi cả hai leo lên đến đỉnh đảo đều thở hồng hộc ôm đầu gối ngồi ở trên tảng đá nhô cao.

Nghỉ ngơi một lúc, Quý Hòa lấy một ít sò hến từ trong gùi ra và tiện tay nhặt một tảng đá gần đó đập vỡ sò rồi cùng Trọng Hòa chia thịt sò ăn. Trong bụng có đồ, Trọng Hòa vừa mệt lại sợ dựa vào vai tỷ tỷ ngủ thiếp đi.

Riêng Quý Hòa không dám ngủ. Nàng nhìn chằm chằm vào nước biển càng lúc càng cao, tùy thời đề phòng. Nàng nghĩ nếu nước biển lên đến đỉnh của hòn đảo mà vẫn chưa chịu dừng lại, vậy bọn họ cần phải tìm cách khác để cầu sinh.

Nhìn ấu đệ dựa vào vai nàng ngủ mà trên mặt vẫn còn sầu lo, Quý Hòa chưa từng thấy tự trách như bây giờ.

- ----Đều do sự tự tin mù quáng của nàng làm hại bọn họ rơi vào tình cảnh như vậy. Nếu đêm nay có cái gì vạn nhất, cả nàng và A Hòa đều gặp chuyện ở đây vậy A đa A nương sẽ khổ sở cỡ nào.

Đặc biệt là A nương còn đang bệnh, không biết có thể gánh được sự đả kích này hay không.

Bầu trời hoàn toàn tối đen, ngoại trừ tiếng thở nhẹ của Trọng Hòa thì chỉ còn lại tiếng sóng biển ầm ầm. Biển kéo dài không thấy bờ giống như một con quái vật khổng lồ, rống giận mở ra cái miệng to như bồn máu của nó tùy thời đều muốn đem hai người Quý Hòa nuốt vào miệng.

Quý Hòa tròn mắt không biết nhịn bao lâu, chỉ biết thân thể mình đã bị gió biển trong đêm   thổi tới sắp đông cứng. Khớp xương khắp người giống như bị đông cứng lại. Nàng khép lại hai tay thổi từng luồng khí lên tay rồi vươn ra ôm lấy thân thể nho nhỏ của Trọng Hòa vào trong ngực, hy vọng có thể khiến đệ đệ ấm hơn một chút trong giấc ngủ.

Mắt thấy nước biển càng ngày càng cao, Quý Hòa cảm thấy ngay cả tảng đá dưới người đã có hơi ẩm. Ngay khi nàng do dự có nên gọi tiểu đệ dậy hay không thì không khí phía trước đột nhiên ngưng trệ mấy giây, sau đó một cánh cửa gỗ hiện ra trước mặt nàng.

Cánh cửa gỗ đột nhiên xuất hiện,  còn nước biển sắp tràn tới nơi nàng ngồi. Dưới tình huống nguy cấp như vậy, Quý Hòa do dự hồi lâu, mãi sau khi nước biển tràn đến trên hòn đá họ ngồi, nàng mới quyết thử liều đưa tay ra đánh thức Trọng Hòa. Sau một tay nắm tay đệ đệ, tay kia cầm lấy con tôm bự đeo theo cái gùi trên lưng, hai người đẩy cửa ra.

Tạo hình của hai tỷ đệ quá mức kì lạ. Chỉ một cái liếc mắt đã khiến Vân Sơ ngây ngốc tại chỗ.

Cầm bánh Như Ý trên tay, cô sững sờ hỏi hai người: ".....Các em đây là?".

- -- HẾT CHƯƠNG 74 ---
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.