Siêu Năng Thời Đại

Chương 33: Đường Viễn





Khu biệt thự cán bộ thủ đô.


Nơi này được quy hoạch từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, mục đích là cung cấp nơi ăn chốn ở cho các cán bộ cao cấp cùng gia đình sống và làm việc tại đây.


Tiêu chuẩn được cấp nhà ở khu này cũng rất cao, phải là cán bộ có thâm niên công tác, cộng với đảm nhiệm chức vụ từ hàm thứ trưởng trở lên.


Bởi vậy không khó lý giải khi ở thủ đô, chỉ cần nhắc tới khu biệt thự này, là người ta nghĩ ngay đến các nhân vật có máu mặt, những người thuộc tầng lớp lãnh đạo đang ngày ngày phụng sự tổ quốc, chèo lái đất nước.


Mà Đường Viễn cũng không phải là ngoại lệ.


Lão cha này của Đường Yên hiện đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính, đồng thời cũng là chủ tịch danh dự của Diễn đàn doanh nghiệp trẻ thủ đô.


Không thể không nói quan lộ của Đường Viễn thực sự khá gập ghềnh nếu so sánh với tài năng cùng gia thế của ông ta.


Thời còn trẻ Đường Viễn cũng là sinh viên đại học Thủ đô giống như Đường Yên bây giờ.
Đường Viễn khi đó là thủ khoa toàn trường, không những điểm số cực kỳ vượt trội, mà còn đầy đủ tiêu chuẩn để được cử đi du học nước ngoài.


Tuy vậy Đường Viễn vẫn chọn ở lại, theo học tại đại học thủ đô, đồng thời cũng trở thành một thành viên nòng cốt của đoàn trường.


Nhưng khi ông mới học tới năm thứ hai thì sóng gió ập tới.


Thời kỳ bất ổn bắt đầu, ông cụ Đường im hơi lặng tiếng rời Thủ đô để xuống phía Nam dưỡng bệnh, mà cha của Đường Viễn - Đường lão gia tử - cũng bị điều chuyển công tác tới tỉnh Hoàng Sơn phía cực Bắc đất nước.


Bản thân Đường Viễn lúc này là Phó bí thư đoàn trường, bị buộc tạm ngưng học tập, phải trở về nông thôn lãnh đạo đội ngũ sinh viên lao động tại hợp tác xã.



Cứ như vậy không chỉ con đường học tập của Đường Viễn bị đứt gãy, mà hậu quả của chế độ lao động nặng nhọc cùng thiếu dinh dưỡng ở nông thôn khiến sức khỏe của ông ta cũng sa sút nghiêm trọng.


Phải biết Đường Viễn năm đó hai mươi mốt tuổi, cao gần 1m80 mà chỉ nặng chưa đầy bốn mươi lăm ký, như vậy đủ hiểu tình trạng thân thể của Đường Viễn tệ hại tới mức nào.


Chưa kể tới di chứng của căn bệnh lao ông ta mắc phải khi ở nông thôn, cùng với đó là việc không được chữa trị kịp thời khiến phổi của Đường Viễn rất yếu, không những không thể làm được những việc nặng nhọc, mà ngay cả đi bộ nhanh một lúc lâu cũng khiến Đường Viễn có chút kiệt sức.


Thời kỳ bất ổn này bây giờ vẫn còn được nhắc đến với cái tên “8 năm loạn lạc” hay “8 năm đen tối.”

Tuy vậy Đường Viễn vẫn còn tự cảm thấy bản thân mình may mắn hơn những người khác nhiều, bởi mặc dù ông ta mắc trọng bệnh, nhưng vẫn kiên cường sống qua tám năm đen tối đó.


Và còn cả Đường gia, mặc dù bị cuốn vào trong vòng xoáy hỗn loạn, thế nhưng cuối cùng vẫn bảo toàn được căn cơ nhất định, cuối cùng chờ được ngày Đông sơn tái khởi.


Điều này một phần rất lớn là nhờ động thái nhanh nhạy của ông cụ Đường - người tới bây giờ được xem như một trong các nguyên lão quốc gia.


Khi ấy tuy rằng ông cụ Đường đã trên bát tuần, không còn trực tiếp đảm nhiệm trọng trách trong cơ quan đảng chính, nhưng vẫn là Chủ tịch Ủy ban cố vấn Trung Ương.
Sức ảnh hưởng chính trị của ông cụ vào thời điểm đó thậm chí không thua kém gì khi còn tại vị, người người kính trọng nể sợ.


Thế nhưng thời kỳ bất ổn chỉ vừa chớm nở, ông cụ Đường ngay lập tức từ nhiệm chức vụ tại Ủy ban cố vấn Trung Ương, đồng thời xin lui về dưỡng bệnh.


Động thái này khiến những người xung quanh cảm thấy cực kỳ khó hiểu, bởi lẽ vị thế của Đường gia lúc ấy giống như mặt trời ban trưa, không những môn sinh trải khắp thiên hạ, mà bản thân ông cụ Đường còn là một cây đại thụ có thể che trời.


Chỉ có một số rất ít người cực kỳ tinh tường mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của hành động này.


Thoạt nhìn thì giống như ông cụ Đường đang từ bỏ trung tâm quyền lực, tự hạ thấp bản thân mình, nhưng mục đích thực sự lại chỉ có một: Tránh khỏi nơi nước đục.


Cần biết trước đó không lâu, trong nội bộ đã có những sự tranh chấp kịch liệt, mặc dù không hoàn toàn lộ rõ ra bên ngoài, nhưng sóng ngầm vẫn luôn cuồn cuộn.


Đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc phía Bắc, cùng với chiến tranh chống độc tài Tây Nam, hiện tại là thời điểm cần gấp rút cải tổ bộ máy để phục hồi nền kinh tế đang đứng trên bờ vực sụp đổ.


Cái giá cho hai lần chiến thắng vẻ vang, không chỉ có máu, mồ hôi và nước mắt, mà kèm theo đó còn là sự đánh đổi một lượng lớn tài nguyên, của cải vật chất.


Mà lãnh đạo thứ nhất khi đó cho rằng, muốn đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nguy cấp, tiến lên nhanh và mạnh hơn, thì cần có một sự tập trung và đồng thuận cực kỳ cao trong nội bộ.



Cho nên ông cụ Đường mơ hồ nhận ra, lãnh đạo thứ nhất có ý củng cố quyền lực của trung ương, giảm bớt sự tự chủ trương của địa phương.


Cùng với đó là hành động bài xích các cán bộ đã nghỉ hưu tiếp tục tham chính, việc này về lý mà nói sẽ giúp giảm bớt sự phân tán quyền lực vào tay các gia tộc vốn có gốc rễ sâu xa bắt nguồn từ những người này.


Tiếp sau đó không lâu, thời kỳ bất ổn bắt đầu, lúc này ông cụ Đường đã rời xa trung tâm quyền lực, đồng thời các con cháu trực hệ Đường gia hầu hết cũng được điều về địa phương, tránh nơi đầu sóng ngọn gió.


Kết quả trải qua 8 năm có đủ thăng trầm, Đường gia lại một lần nữa gột rửa bùn đen, vung lên chói lóa, trở thành một trong năm đại gia tộc thủ đô.
Ông cụ Đường được trung ương mời về thủ đô, tái thành lập Ủy ban cố vấn cấp cao.


Mà lúc đó Đường Viễn vừa tròn 27 tuổi, lại tiếp tục con đường học vấn đang dang dở của mình.


...


Sáng sớm ngày hôm đó, ở một căn nhà bên trong khu biệt thự cán bộ Thủ đô.


Lẽ ra giờ này hàng ngày Đường Viễn đã trên đường tới cơ quan, phải biết rằng ở nơi làm việc Đường Viễn mặc dù được coi là lãnh đạo cấp cao, thế nhưng ông ta luôn là người tới sớm nhất nhì.


Thói quen đó có lẽ bắt đầu từ khi Đường Viễn còn công tác ở hợp tác xã nông thôn.
Thời điểm ấy những sinh viên, tri thức được đưa về nông thôn lao động đều phải dậy từ khi trời chưa sáng, và lao động tới tối mịt mới được nghỉ ngơi.


Nhưng hôm nay thì khác, lúc này Đường Viễn vẫn đang ngồi trên chiếc ghế sô pha giữa phòng khách, tay chầm chậm buông xuống chiếc điện thoại, trong ánh mắt không dấu được vẻ đăm chiêu.


Vừa mới đây thôi Đường Viễn đã nhận một cuộc gọi từ trợ lý của ông ta, mà nội dung của cuộc gọi này khiến Đường Viễn không thể vui vẻ nổi.


Con gái ông ta - Đường Yên - sẽ gặp mặt người đàn ông đã từng được gọi dưới cái tên Long Vương kia.


Đường Viễn không cần nghĩ cũng hiểu mục đích của cuộc gặp mặt này không gì khác ngoài vấn đề liên quan tới cái chết của con trai ông ta - Đường Uy Vũ.


Từ nhỏ Đường Yên và Đường Uy Vũ đã cực kỳ thân thiết với nhau, thậm chí còn gần gũi hơn cả quan hệ với Đường Viễn và Dương Dung.


Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, dù sao Đường Viễn là người trong thể chế, lịch làm việc của ông ta cực kỳ dày đặc, ở cơ quan còn nhiều hơn ở nhà.

Điều đó khiến cho Đường Viễn có rất ít thời gian dành cho con cái, mặc dù ông ta cũng không phải kẻ lạnh nhạt, mà ngược lại rất yêu thương hai người con của mình.


Bởi vậy, khi nghe tin Đường Uy Vũ gặp chuyện chẳng lành, Đường Viễn ngay lập tức yêu cầu những người xung quanh giữ kín việc này, không để lọt đến tai Đường Yên.


Mặc dù làm như vậy có thể khiến Đường Yên sau này sẽ oán hận ông ta đi chăng nữa, nhưng Đường Viễn vẫn như cũ không mảy may do dự.


Bởi vì hơn ai hết, Đường Viễn biết với tình anh em giữa Đường Uy Vũ và Đường Yên, ngoài việc cái chết của Đường Uy Vũ sẽ khiến nàng không khỏi đau khổ một thời gian dài, thì không ai dám chắc Đường Yên sẽ làm ra những chuyện gì để báo thù cho anh trai mình.


Tuy vậy cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, dù rằng toàn thể Đường gia từ trên xuống dưới thủ khẩu như bình, không để lộ ra một chữ, nhưng cuối cùng Đường Yên vẫn biết được Đường Uy Vũ đã gặp nạn.


Mà người nói cho nàng biết chân tướng sự việc, không ai khác ngoài Long Vương - Ngô Kiến Quốc.


Điều này khiến Đường Viễn vô cùng tức giận, mặc dù biết rằng giấy không gói được lửa, nhưng khi Đường Yên tới tìm mình tra hỏi, Đường Viễn vẫn bất giác đem rắc rối này quy tội lên đầu Ngô Kiến Quốc.


Nếu không phải ngươi nhiều chuyện, vậy con gái ta vẫn là một cô bé hoạt bát vui vẻ, chứ không phải làm loạn lên cãi nhau với cha mình, rồi suốt ngày sống trong ủ ê buồn bã.


Lúc đó Đường Viễn đã định ra tay trừng trị Ngô Kiến Quốc một trận rồi, nhưng nghĩ đi nghĩ lại cuối cùng ông ta vẫn lựa chọn không làm gì hắn.


Bởi cho dù trong lòng Đường Viễn vô cùng khó chịu, nhưng ông ta không phải là người để cho cảm xúc lấn át lý trí.
Ngô Kiến Quốc không phải là kẻ tầm thường, hắn có năng lực cực mạnh và mạng lưới quan hệ riêng.


Mà nói đi cũng phải nói lại, dù rằng bởi vì Ngô Kiến Quốc mà cả Đường Viễn lẫn Đường Yên phải khổ tâm một phen, nhưng hắn cũng không phải nguyên nhân chính gây ra chuyện này.
Nếu không phải Ngô Kiến Quốc, thì rồi cũng sẽ có lúc Trịnh Kiến Quốc, Lâm Kiến Quốc gì đó làm lộ ra mà thôi.


Vả lại hắn ta cũng không làm gì bất lợi cho Đường Yên, mặc dù giữa hai người có một chút xung đột nhỏ ở Yến Kinh, nhưng sau khi điều tra Đường Viễn cũng nhận định người sai là con gái của mình.


Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là Đường Viễn hoàn toàn bỏ qua cho Ngô Kiến Quốc.Chí ít ông ta vẫn còn hơi nghi ngờ, việc Ngô Kiến Quốc và Đường Yên gặp gỡ tại Yến Kinh có hoàn toàn là trùng hợp, hay đó là một âm mưu đã chuẩn bị tỉ mỉ?

Trên đời đương nhiên có những chuyện xảy ra vô cùng xảo hợp, nhưng càng nhiều hơn là sự dàn dựng đội lốt ‘‘Duyên phận’’.
Bởi vậy Đường Viễn vẫn tiếp tục để ý Ngô Kiến Quốc, nếu quả thực hắn trong sạch, thì có thể bỏ qua.


Ngược lại nếu phát hiện ra Ngô Kiến Quốc là mối nguy hiểm tiềm tàng uy hiếp con gái mình, thì Đường Viễn cũng không ngại đưa hắn đi gặp Diêm vương.


Mà cuộc điện thoại ông ta vừa nhận từ trợ lý, khiến cho Đường Viễn ngửi thấy mùi bất ổn.



Ngô Kiến Quốc đang trên đường tới thủ đô, hắn sẽ cùng Đường Yên đi thăm mộ Đường Uy Vũ.


Càng đáng lưu tâm hơn, đó là Ngô Kiến Quốc không hề yêu cầu Đường Yên đi chung, mà chính Đường Yên mới là người đề xuất đồng hành cùng hắn.


Thân là cha của Đường Yên, Đường Viễn quá thừa hiểu tính cách của con bé này.


Đừng nghĩ nó còn nhỏ tuổi, thế nhưng sự kiên định cùng quyết tâm không hề nhỏ, lần trước Đường Yên đã trực tiếp yêu cầu ông ta nói ra thông tin về kẻ đã sát hại Đường Uy Vũ, lần này nàng cất công đi gặp Ngô Kiến Quốc chắc chắn cũng không ngoài việc này.


Ngẫm nghĩ một hồi, Đường Viễn vẫn cảm thấy mình cần làm gì đó.
Ông ta lại nhấc điện thoại lên, bấm một dãy số.


‘‘Chào buổi sáng, thứ trưởng Đường.’’

Đầu dây bên kia nhấc máy, một giọng đàn ông hơi khàn vang lên.


Đường Viễn cũng không có thời gian chào hỏi dông dài, mà chỉ nói vô cùng ngắn gọn::

‘‘Bây giờ cậu cho vài người tới biệt thự Đông Hồ của con gái tôi.
Nhớ kỹ, nó đi đâu các cậu theo đó, nhưng đừng để nó phát hiện ra.’’

‘‘Đã hiểu, chúng tôi sẽ làm ngay.’’

Đường Viễn ngẫm nghĩ vài giây, lại dặn dò thêm:

‘‘Chọn lấy mấy người tinh nhuệ một chút, lần này tình huống hơi đặc biệt.’’

‘‘Tôi biết rồi.’’

Ở phía đầu dây bên kia, một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi đang nghiêm túc nhận chỉ thị.
Chỉ sau khi những tiếng tút tút dài vang lên, hắn mới buông điện thoại xuống, bước ra ngoài.


Nơi hắn đang đứng đối với người bình thường mà nói thì thực sự rất xa lạ, thậm chí nhiều người còn không biết nó có tồn tại.


Nhưng những người ở tầng lớp cao như Đường Viễn lại rất thường xuyên tiếp xúc với thành viên của cơ quan này.


Nơi này là Phòng bảo vệ 319, trực thuộc Cục cảnh vệ Trung Ương.
Nhiệm vụ của nó chỉ có một, đó là bảo vệ các lãnh đạo mọi lúc, mọi nơi.



Mà người đàn ông vừa tiếp điện thoại của Đường Viễn đây cũng chính là một thành viên của Phòng 319, tên hắn là Lương Đức Hoa, trước đây từng làm cận vệ cho Đường lão gia tử khi ông còn đang công tác.


Sau này khi Đường lão gia tử hưu trí, Lương Đức Hoa được điều về Phòng 319, tuy vậy hắn vẫn giữ quan hệ thân mật với nhà họ Đường, đặc biệt là với con trai của Đường lão gia tử - Đường Viễn.



.


— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.