Tuy Lan Hà và Tống Phù Đàn đã thành người yêu nhưng tối qua Hồ Bảy Chín nói thế làm anh hết biết nói gì, cũng phát ngượng nhìn Tống Phù Đàn.
Tống Phù Đàn thì lại thấy con hồ ly này ăn nói lẻo mép đến lạ. Nhìn lại chả giống dây tơ hồng à, nhưng dĩ nhiên hắn phải nói đỡ thay Lan Hà rồi: "Chắc cô ít thấy nên bảo lạ thôi."
Hồ Bảy Chín: "Ta ít thấy nên bảo lạ ư! Ngươi thử tìm ra một người trên đời này dùng xích câu hồn như vậy đi?"
Lan Hà: "Ờm... Tó FA như họ thì liên quan quái gì đến ta?"
Hồ Bảy Chín: "..."
Lẽ nào họ hết độc thân sẽ nảy sáng kiến như ngươi à? Làm gì có chuyện đó! Hồ Bảy Chín tặc lưỡi: "Vậy tôn gia nghĩ mai sau dùng xích câu hồn như nào coi nào."
Tâm trạng Lan Hà đang rối bời, lúc tháo xích câu hồn xuống đâu có nghĩ đến hậu quả, thậm chí anh còn không biết âm ty có phạt vì phá hỏng của công không nữa là. Anh mạnh miệng: "Ta luồn cái móc câu vào lại chả ổn áp à. Cái này gọi là cần câu quỷ của ngài Đến, người chết mắc câu..."
Hồ Bảy Chín: "..."
Tống Phù Đàn đã khởi động xe.
"Lái chậm chậm thôi, hiếm lắm ta mới được thấy chùa chiền mà..." Hồ Bảy Chín thốt. Cô ta không thể tùy tiện đi một mình vào mấy nơi như chùa miếu này. Giờ trong chùa đang ngân tiếng chuông liên tục, du khách lui tới, Hồ Bảy Chín thích những nơi tấp nập, đương nhiên là lưu luyến rồi.
Lan Hà bèn nói: "Thế anh dạo một vòng đi, chùa Giác Tuệ đang vào lúc nhộn nhịp nhất mà."
Trong ca dao Bắc Kinh xưa có tám hội chùa Âm lịch nổi tiếng nhất: Mượn đĩnh vàng ở miếu Thần Tài, đánh chuông tại chùa Giác Tuệ, quấn búp bê trong miếu Đông Nhạc, sờ hầu tinh trong Bạch Vân quán, xem Hỏa Phán* trong miếu Thành Hoàng, ngắm hoa đăng ở Sùng Nguyên quán, hội bày bảo vật trong miếu Hỏa Thần, hội chùa Xưởng Điện giáp kinh đô.
(*Hỏa Phán: Tên một vở kịch truyền thống.)
Tuy rằng hiện nay chuông cổ chùa Giác Tuệ mỗi năm chỉ đánh một lần thì vẫn còn rất nhiều chuông khác phục vụ khách du lịch đến đánh cầu phúc.
Lan Hà quấn kín mít đi xuống xe. Kể cả đã như vậy, anh vẫn có cảm giác có người nhìn chằm chằm vào mình, nhìn quanh mà chỉ có mấy nhà sư.
"Họ nhìn em làm gì, hay là nhận ra em?" Lan Hà hốt cả hền, "Đệt, 'Truy đuổi' nổi dữ vậy á?"
Tống Phù Đàn cười khẽ: "E là đang nhìn em đó."
Vậy có gì khác nhau? Lan Hà nhận ra ánh mắt hắn, cúi đầu nhìn. Mình đang cầm gậy pháp sư Bất Động cho...
Lan Hà không biết rằng cây gậy gỗ phục cổ của pháp sư Bất Động rất nổi tiếng, đương nhiên người ta sẽ thắc mắc tại sao lại ở trong tay anh rồi.
"Mém tí thì quên béng mất, em cứ nghĩ sao mà thấy không thuận tay ý." Lan Hà toát mồ hôi hột, bỏ gậy trên xe rồi xuất hiện lần nữa, quả nhiên lần này chả ai chú ý đến anh.
Ngày nay, phàm là chùa miếu, đạo quán, ai ai cũng thích ném tiền xu cầu vận may. Thực chất nổi tiếng nhất lên Bạch Vân quán ném tiền đồng vào Kim Tiền Nhãn*, nhưng dần dà ở những nơi khác cũng lục tục phát triển hoạt động này.
Hoạt động nổi nhất tại chùa Giác Tuệ là đánh chuông, dù vậy vẫn có khách du lịch ném tiền đồng lên tượng Phật trong ao trời, mười tệ là có thể đổi được ba mươi tiền đồng, dĩ nhiên là để ném lên người tượng Phật đặng cầu may.
Lan Hà thấy nhiều người ném bèn đổi mười tệ, cho Tống Phù Đàn mười cái, chen trong đám đông mà ném. Tống Phù Đàn trượt mất vài cái, kể cả trúng cũng không đúng chỗ đẹp.
"Đến lượt em." Lan Hà xoa tay. Anh từng đến đây với bạn bè một lần, hồi đó không trúng cái nào, giờ đã có kĩ năng của Vô Thường sống nên ném năm cái thì cả năm đều rơi xuống lòng bàn tay xòe ra của tượng Phật.
Hiện trường chợt lặng đi trong thoáng chốc. Một bức tượng cao ngất ngưởng, đa số người ném được đến cái bệ là thôi, thi thoảng có ai ném trúng nếp gấp áo là đã giỏi lắm rồi, đa phần là rơi xuống ao, ném trúng tay Phật là rất rất hiếm.
Hơn nữa, một lần ném trúng cả năm, trúng rõ mười mươi, có người sốt ruột: "Sao mình không ném trúng chứ..."
Cái bệnh cuồng leo top của Hồ Bảy Chín lại tái phát, hét lên từ ba lô: "Ném tiếp đi! Ta chống mắt lên xem ai chuẩn hơn tôn gia bọn ta nào!"
Lan Hà: "..."
Lan Hà quấn khăn che mặt, ném hết mười lăm đồng tiền còn lại, cái này nối tiếp cái kia, tất cả đều rơi xuống tay Phật.
Bên ao du khách đông nghìn nghịt nhất thời im phăng phắc. Nhiều người không ném mà chỉ nhìn chòng chọc tay Phật, còn có tiếng người đếm: "Mười, mười một, mười hai,..."
Đếm xong, hai mươi cái, có người ném liên tục hai mươi tiền đồng trúng tay Phật!
"Đỉnh quá!" Do đông quá nên đa số không biết ai ném tiền đồng, chỉ ngờ ngợ là từ cùng một hướng, mà dựa vào tần suất ném thì chắc là của cùng một người.
Sự chính xác này, đừng bảo là dân trong ngành đến nhé.
Lan Hà ném xong bèn lủi mình trong đám đông, giấu tên tuổi mình.
Anh dạo chơi trong chùa Giác Tệ, chuông to chuông nhỏ thi nhau ngân. Lan Hà chợt trông thấy một người đứng cạnh nhà sư trông mặt quen quen, đầu quấn băng gạc, bèn kéo Tống Phù Đàn xoay người lại.
Tống Phù Đàn: "Sao vậy?"
Lan Hà: "Em thấy cái tên hương thịt tối qua..."
Tối qua họ chẳng những đi báo cảnh sát mà hôm nay còn lên chùa Giác Tuệ cầu phúc. Lan Hà thấy tò mò, bảo Tống Phù Đàn cầm ba lô đứng xa xa còn mình thì tỏ vẻ lơ đãng đi ngắm cảnh đến cạnh bọn họ — Đằng nào cũng đông người, cũng có khách hành hương khác đang nghe cuộc đối thoại của họ.
Gương mặt "hương thịt" hãy còn hoảng sợ: "... Cho nên lúc tôi bừng tỉnh dậy bèn phát hiện chuyện như thế này: Đầu có cái lỗ, bên người còn có Bạch Vô Thường. Sau đó cảnh sát vào xem xét, tượng thần trong miếu Thành Hoàng đã vỡ tan tành!"
Các khách hàng hương xôn xao, có lẽ đây là cách các truyền thuyết đô thị được truyền lưu.
Hương thịt nam khẳng định: "Tôi không hề nói láo, trên mũ Bạch Vô Thường đó còn viết 'Đến Cũng Đến Rồi'..."
Các khách hành hương: "Cái gì đến cũng đến rồi cơ, anh bịa chuyện chứ gì."
Hương thịt nam: "Chỗ tôi có biên bản báo cảnh sát đây này, không tin thì mọi người nhìn coi tượng thần ở miếu Thành Hoàng có bể không, mà chả lẽ tôi lại tự đục lỗ trên đầu mình à?"
Nhà sư cất giọng nghiêm túc: "Nếu trên mũ Bạch Vô Thường có viết Đến Cũng Đến Rồi thì anh ta đang nói thật đấy. Có lẽ các vị vẫn chưa biết rằng Hắc Bạch Vô Thường cũng tách bạch với nhau: Có Bạch Vô Thường viết Thiên Hạ Thái Bình lên mũ, có người cục tính hơn thì viết Đến Cũng Đến Rồi..."
Còn có người phụ họa theo: "Đúng đó đúng đó, hình như tôi có nghe người ta kể rồi!"
Lan Hà: "......"
Đã bảo người xuất gia không nói dối mà? Mình cục tính khi nào???
Anh hết nghe nổi bèn quay về. "Thôi xong, tiếng xấu đồn xa rồi, một phong tục mới sắp xuất hiện. Tôi nghe người ta thông tin là những Vô Thường cục tính sẽ viết 'Đến Cũng Đến Rồi' trên mũ."
"Nghe hợp lí đấy." Hồ Bảy Chín nói, "Các Vô Thường ngưỡng mộ Phạm gia và Tạ gia nên mới học theo họ viết chữ lên mũ. Sau khi ngươi nổi tiếng, chắc sẽ có người học theo ngươi. Học theo câu từ của ngươi, học theo tính tình của ngươi, dần dà sẽ hình thành nên một trường phái mới thật đó. Hì hì hì."
Lan Hà: "..."
Hồ Bảy Chín: "Trừ phi mọi người đều biết ngươi là Vô Thường sống thì đám đạo sĩ kia mới không đi phổ cập bừa bãi."
Lan Hà than thở: "Không có chuyện lòi đuôi đâu, cả đời này cũng vậy. Ta phải đi cảnh cáo Ứng Thiều mới được."
...
Khi sắp đến nhà Lan Hà, cậu của Tống Phù Đàn gọi điện cho hắn, hình như là để bàn chuyện bộ phim mới đang bắt đầu được thu xếp, nhưng hắn không thể xa anh quá bèn hẹn cậu hắn đến tiệm cà phê gần nhà anh để bàn bạc.
Cúp máy xong, hắn nói với Lan Hà: "Phải mấy ngày nữa chùa Nam Vân mới đưa bảo vật trấn chùa tới, đến lúc đó anh sẽ đưa Bối Vân đi... Mà với cả, anh sẽ thuê cùng một tòa chung cư với em."
Thật ra Tống Phù Đàn thấy sống chung với nhau còn tuyệt vời hơn, hắn muốn sang ở phòng Lan Hà, nhưng tối qua mới hôn mà anh đã hoảng rồi, nếu nói lời hắn muốn ra chắc sẽ dọa anh mất...
"Ừ, chúng mình giữ khoảng cách ở mọi lúc đi. Em từng chứng kiến anh Nghiêm Tam truy bắt quỷ rồi, có thể kéo ra dài lắm, để ý tí chắc không sao đâu." Lan Hà đáp.
Tống Phù Đàn hiểu ý, hắn phải đến cuộc hẹn ở tiệm cà phê rồi. Hắn bình tĩnh suy nghĩ, tuy mình quyết định phải kiềm chế, nhưng trước kia tạm biệt nhau thì hôn người yêu chả phải bình thường lắm sao?
Lan Hà toan xuống xe rồi mà thấy tay Tống Phù Đàn vẫn đang cầm vô-lăng, mặt lạnh tanh mà vẫn đẹp trai, chẳng biết đang nghĩ gì, chắc là vụ phim ảnh sẽ bàn lát nữa chăng, "Bái bai thầy Huyền Quang nh..."
Còn chưa nói xong thì đã bị hắn kéo lại hôn mấy hơi liền, nụ hôn cuối cùng là ở trên mũi. Hôn xong mới nhoài người vòng qua anh, mở cửa xe giúp anh.
Lan Hà: "... #@%¥#"
Anh bước xuống mà suýt ngã khuỵ, tưởng như hôn sắp xỉu tới nơi...
"Im, hồ ly không được nói." Lan Hà xoa đầu, quát Hồ Bảy Chín trước rồi mới đi vào chung cư. Anh vừa mới đi vào thang máy nhấn đóng cửa thì nghe có người hô khoan đã bèn vội nhấn mở cửa.
Ba người xách túi to lỉnh kỉnh chạy hì hục tới. Anh ngước đầu lên, hóa ra là hàng xóm và hai sư đệ của gã. Anh gật đầu một cách lịch sự: "Về rồi à?"
Ứng Thiều nghe được giọng anh bèn ngẩng phắt đầu lên, sau đó lùi một bước dài theo phản xạ, vừa khéo bị thang máy kẹp.
"Ơ, sao thế?" Động tác lùi nom nghiêm túc quá. Lan Hà nhanh tay nhấn giữ thang máy, hỏi bằng giọng ân cần, "Anh nhớ ra quên cái gì à?"
Anh đang muốn đi cảnh cáo Ứng Thiều mà giờ thấy diễn xuất của gã tệ quá, chưa gì vừa gặp đã hoảng đến nông nỗi đó.
Sư đệ của Ứng Thiều vội chặn tay ngang cửa, "Sao thế sư ca!"
Ứng Thiều: "... Không, không có gì. Anh nhớ lầm thôi, cứ tưởng quên đồ. Ha ha ha!"
Gã bật cười hai tiếng vô hồn.
Lan Hà: "Thế thì may."
Một sư đệ của Ứng Thiều nhanh tay lấy giấy bút ra muốn xin Lan Hà kí tên cho. Ha ha, hồi trước không nghĩ đến, dạo này có xem "Truy đuổi" nên mới muốn chữ kí của Lan Hà.
"Sư ca, anh kể nhanh cái coi, chả phải tối qua anh đi bắt hồn sao? Sao rồi?" Một sư đệ khác lắc tay gã, "Kiếm được bộn tiền chưa anh?"
Ứng Thiều: "..."
Kiếm thì kiếm được... Nhưng còn giúp cố chủ đốt luôn ba triệu...
Tối qua sau khi đưa ông Dư về, Dư Hàng Gia biết rồi cứ khóc rấm rứt mãi, khóc đến nỗi ông Dư tỉnh dậy thấy cảm động khôn xiết, không ngờ hắn ta là một đứa con rất có hiếu. Dư Hàng Gia xót hết cả ruột nhưng vẫn trả tiền lên đài cho gã, thành ra hôm nay gã mua cả đống đồ ăn vặt và hoa quả mà khi xưa không nỡ ăn để xơi cho thỏa.
Sư đệ tưởng gã đang cố kị Lan Hà bèn mỉm cười nói: "Là hàng xóm với nhau lâu rồi, dù chúng mình có là bọn lừa đảo hay cao nhân thì anh Lan cũng chả bận tâm đâu."
Lan Hà nhoẻn miệng cười: "Đúng đó."
Ứng Thiều: "..."
Nếu tối qua không tận mắt chứng kiến cùng với Qua Nhị chân nhân thì gã sẽ nghĩ đó là một giấc mơ.
Bạn nói coi, vì sao ngày xưa anh diễn viên này không nổi chứ, đúng là mai một nhân tài!
Thang máy đến nơi, các sư đệ của Ứng Thiều đi ra trước, Lan Hà bước về phía gã muốn bắt chuyện.
Gã áp lực quá, người run bần bật, bất giác nép mình vào một góc, còn ôm khư khư đồ ăn vặt vào lòng mình.
Tui ngửi mùi mì căn ngấy lắm rồi đó...
Lan Hà: "..."
... Đồ keo kiệt!
Lan Hà hạn hán lời, nhỏ giọng nói với Ứng Thiều: "Hai ngày nữa đừng đi đâu cả, đuổi cả sư đệ luôn, tôi chia đồ cho anh với Qua Nhị."
Cô Long ở đây nên bất tiện nhiều chuyện, hẹn hai ngày nữa mới chia tàn hương.
Ứng Thiều nhìn anh khoác gương mặt này đi nói lời thoại của ngài Đến mà phát hoảng, run rẩy gật đầu.
Vừa đi ra khỏi thang máy thì nhận được tin nhắn wechat của người trong nghề: Lão Ứng ới lão Ứng ới, nghe nói tối qua mày gọi ngài Đến đến đánh hả? Đỉnh thế, kể lại chi tiết coi nào! thì rơi nước mắt.
Sau đó lại nghe Lan Hà mở cửa, mẹ anh gọi với từ bên trong: "Mẹ vẫn muốn tắm cho nhím của con."
Ứng Thiều: "..."
... Là con nhím mà mình đang nghĩ đến ư?
.
.
"Truy đuổi" bán vé cực kì thành công, chiếu phim hai tuần lập kỉ lục mới. Tuy Dư Hàng vừa mới đốt mấy triệu nhưng vẫn giữ lời tổ chức tiệc mừng cho đoàn phim, bao cả phòng tiệc ở khách sạn xa hoa tại Bắc Kinh.
Cô Long đang ở Bắc Kinh nên Lan Hà dẫn bà đi cùng, nhờ vậy mà có thể để Hồ Bảy Chín và Bạch Ngũ ở nhà dưỡng thương. Cô Long tưởng Tống Phù Đàn tiện đường tới đón cả hai mẹ con, ai ngờ Tiểu Tống đã cấp tốc chuyển đến ở cùng một tòa chung cư rồi...
Lan Hà ôm cảm giác chột dạ khi yêu sớm dưới sự dòm ngó của chủ nhiệm. Đến nơi, anh lấp liếm: "Thầy Huyền Quang có ý tới chúc mừng đạo diễn Liễu phải không. Anh xem xem đạo diễn Liễu đang ở đâu đi."
Tống Phù Đàn cũng rất phối hợp đi về phía Liễu Thuần Dương đang đứng nói chuyện giữa đám người Dư Hàng Gia. Bên cạnh hắn ta không có Qua Nhị chân nhân, chả biết là đang dưỡng thương hay gì. Hắn nói đều đều: "Đạo diễn Liễu, chúc mừng chú."
"Hở????" Đạo diễn Liễu nghệt mặt ra, "... Cảm ơn cậu nhé?"
Vì sao Huyền Quang lại xuất hiện ở đây chứ? Đã không phải người đoàn phim mình thì chớ, lại còn không đuổi về được.
Dư Hàng Gia phản ứng nhanh, "Huyền Quang à, tôi nghe nói cậu đang chuẩn bị cho bộ phim mới, liệu bên lão Đậu có đủ vốn không..."
Thế là mọi người cứ tưởng hắn được Dư Hàng Gia mời đến, hơn nữa có người nghe hắn đang thu xếp bộ phim mới thì rục rịch.
...
Lan Hà nhìn khắp xung quanh một lượt. Buổi tiệc mừng được tổ chức với quy mô rất lớn, ai trong đoàn phim có thể tới được đều có mặt, kể cả Trình Hải Đông lâu lắm chưa gặp. Đương nhiên đó là lâu đối với anh ta, chứ lần trước xuất hồn anh từng gặp anh ta với thân phận Vô Thường rồi.
"Mẹ ơi, đây là anh quay phim trong đoàn con, là bạn con, còn là đồng hương tỉnh Hồ Nam mình nữa." Lan Hà giới thiệu cho cô Long.
"Dì ạ." Trình Hải Đông bắt tay với cô Long. Là đồng hương nên dễ thân hơn hẳn, dù không sống cùng một thành phố nhưng mồm lưỡi dẻo queo, anh ta khen lấy khen để một lúc là cô Long hài lòng ngay.
"Anh vừa mới xong kèo khác à?" Lan Hà đưa cô Long đi ăn bánh trái, hỏi Trình Hải Đông. Nhìn là biết vừa mới chạy đôn chạy đáo, nhếch nhác khôn cùng.
Trình Hải Đông lắc cổ: "Lại chả. Anh vừa xong việc hai ngày trước thôi, ba mươi Tết còn mệt chết lên chết xuống, trưa nay uống tí với đám bạn... Đúng rồi, chú nhìn cái này đi."
Anh ta sực nhớ ra cái gì bèn lấy một cái hộp ra từ trong túi, trong đó là một lọ sứ bụng phình to bằng hai bàn tay, nhỏ nhắn cũ kĩ, "Thấy sao?"
Lan Hà không hiểu về đồ sứ cho lắm, "Gì vậy, bình hoa à?"
"Hầy... Hôm nay đi uống, trong đám có một đứa bạn nợ anh mười nghìn tệ, đang Tết nhất đi đòi nợ cũng không hay. Nó bảo anh nó thu được một lọ bảo bình* thời dân quốc, đưa cho anh để thế chấp, thế là anh đồng ý, là lọ của một công ty đồ sứ nào đó. Anh đi tra thì công ty này ngày xưa là ngự xưởng diêu* thời Minh – Thanh, chất lượng cao, đồ từ đây ra đáng tiền lắm. Anh định đưa đi giám định xem bán được bao nhiêu."
(*Bảo bình: Là một trong tám tịnh bình đem lại may mắn, đồng thời cũng là pháp khí Mật Tông dùng cho nghi thức xối nước xuống đầu. Nó cũng là vật cầm của Phật A-di-đà, tượng trưng cho việc linh hồn sống mãi không chết.
*Ngự xưởng diêu: Nghĩa là xưởng làm đồ sứ cho vua chúa ngày xưa.)
Trình Hải Đông không khỏi quan sát, "Thật ra anh cũng chả hiểu về đồ sứ là mấy, nhưng anh biết ông bà nhà nó đúng là có sở thích và mắt nhìn về lĩnh vực này. Anh thấy nó cũng thật phết, trông cũng cũ nhờ?"
Lan Hà cũng không am hiểu lắm, "Nếu là thật thì anh khoan đừng bán, cứ từ từ xem có tăng giá lên không."
"Anh sợ đêm dài lắm mộng, bỏ vào túi là an tâm nhất." Trình Hải Đông dứt lời thì mọi người bắt đầu chúc rượu, anh ta cuống quýt cất cái lọ, giơ chén lên hô, "Dô!"
Đi tiệc kiểu này sẽ khó tránh việc uống rượu. Vì có mang cả mẹ đến cùng nên Lan Hà chẳng uống mấy. Tống Phù Đàn bị Dư Hàng Gia bám dai như đỉa, tạm thời không thể thoát thân. Ban đầu hắn ôm lòng lãng mạn muốn đi kè kè cạnh Lan Hà, giờ không biết có hối hận không.
Trình Hải Đông mới chạy kèo trước xong, ăn uống ngấu nghiến, chẳng mấy mà bơ phờ, "No quá... Thôi xong, anh muốn đi vệ sinh..."
"Em cầm túi hộ anh cho." Lan Hà nói.
"Không được không được, an toàn..." Trình Hải Đông ôm túi, chân nọ xọ chân kia đi về nhà vệ sinh, Lan Hà phì cười sau lưng anh ta, nói anh ta nhặt được bảo vật thật rồi.
Trình Hải Đông bám tường đi vệ sinh. Đi tiểu xong, rửa tay rửa mặt, vừa cúi người xuống bèn thấy bụng khó chịu, ăn không tiêu, có cảm giác buồn nôn, chống gương muốn ọe.
Thế nhưng lúc anh ta cúi đầu xuống lại phát hiện chả biết lọ sứ xuất hiện trên bồn rửa tay tự bao giờ, hơn nữa trong đó toàn là món ngon trong bữa tiệc.
Thơm quá đi thôi...
Trình Hải Đông đang say bét nhè nên chẳng thấy việc cái lọ vốn đang ở trong túi xuất hiện trên bồn là không bình thường. Thậm chí anh ta còn cầm lòng không đậu vươn tay ra, bốc một cái sủi cảo cho vào miệng.
Ngon hết sảy.
Nhưng thức ăn và rượu trong bụng vốn đã đầy sắp chặn họng rồi...
"No quá, no quá." Song, dù nói vậy thì Trình Hải Đông vẫn nhét thức ăn vào miệng.
...
Lan Hà ngồi tán dóc với cô Long một lát mà thấy Trình Hải Đông vẫn chưa về, sợ anh ta uống say quá ngã trong nhà vệ sinh bèn nói với mẹ đi xem thử, lúc đứng dậy còn liếc sang chỗ Tống Phù Đàn, hắn vẫn đang bị Dư Hàng Gia lôi kéo buôn chuyện.
Tống Phù Đàn thấy anh đứng dậy, còn liếc mình một cái thì nghĩ bụng chắc kèo là tín hiệu rồi. Bởi vậy, hắn nói nhanh với Dư Hàng Gia: "Tôi... đi vệ sinh đây."
"À à." Dư Hàng Gia mừng như điên. Hôm nay Huyền Quang lạ thật, không rời tiệc trước, xem ra có hi vọng hợp tác rồi.
Tống Phù Đàn mới đi ra cửa đã nghe Lan Hà hỏi: "Anh cũng đi vệ sinh hả?"
Tống Phù Đàn: "..."
"Em đi tìm Trình Hải Đông. Anh ấy uống nhiều quá, mãi chưa thấy về, em sợ anh ấy gục trong nhà vệ sinh rồi." Lan Hà chả nghĩ nhiều, giải thích một chút, "Đúng lúc quá, anh đi với em đi, lỡ không khiêng anh ấy xuể."
Lan Hà vào nhà vệ sinh thì có người mới rửa tay xong đi ra ngoài. Anh gọi Trình Hải Đông hai tiếng mà chẳng thấy ai đáp.
Nơi đây có hai ba dãy buồng, anh đi đến dãy trong cùng thì thấy một cái túi đeo vai quen mắt nằm trên đất, bên cạnh là một cái buồng đang đóng cửa.
Lan Hà cẩn thận đẩy ra thì thấy Trình Hải Đông đang ngồi trên bồn cầu, ôm lọ sứ của anh ta vào lòng. Do phòng ấm nên cởi áo khoác ra, có thể thấy bụng rất rõ, phình lên như mang thai được bảy, tám tháng.
"... Sao bụng lại như vậy?" Lan Hà biến sắc, kiểm tra thì thấy Trình Hải Đông đã tắt thở. Người vẫn ấm nhưng hồn đã không còn trong cơ thể.
"Bị tóm làm người chết thay ư? Hay cái số anh ấy là chết vì quá say?" Lan Hà nghĩ, không thấy đồng nghiệp mình qua đây, hơn nữa bụng của anh ta và cái cách ôm lọ sứ mà chết cũng kì quặc, đoạn nói với Tống Phù Đàn, "Anh thử làm anh ấy nôn ra xem, em đi tìm linh hồn anh ấy, chắc vẫn hoàn hồn được!"
Lan Hà chạy đến một buồng trống, khóa cửa xuất hồn.
Anh vừa đi ra khỏi nhà vệ sinh là đi tìm bóng dáng Trình Hải Đông ngay. Cái tên này, không biết nên nói anh ta xui rủi hay may mắn nữa. Đang tháng Giêng mà lại gặp quỷ, cũng may gặp được Vô Thường là anh.
Lan Hà tìm khắp một vòng thì thấy một con quỷ già mặc áo liệm bên cửa sổ đang tóm hồn của Trình Hải Đông, miệng lải nhải: "Xơi chết mày, xơi chết mày..."
Trình Hải Đông say túy lúy, vẫn đang cằn nhà cằn nhằn, ôm khư khư cửa sổ, chả chịu phối hợp.
"Này!" Lan Hà gọi, "Lão làm gì thế?"
Quỷ già thấy đồng phục và dây xích dài dằng dặc dưới thân của Lan Hà thì vèo một cái, chuồn mất từ cửa sổ.
Lan Hà bay tới, Trình Hải Đông vẫn dựa người bên cửa sổ. Anh lay anh ta mà anh ta vẫn chả chịu tỉnh.
"Rốt cuộc là đã thu thứ gì vào tay chứ." Lan Hà bó tay, cái số của Trình Hải Đông đúng là xui tận mạng, xích câu hồn của anh đã chia một thành hai, dây quấn lên tay làm dây tơ hồng, móc câu dắt bên hông.
Bị Hồ Bảy Chín nói trúng rồi, lúc cần thiết nên dùng xích câu hồn ra sao đây...
Chỉ biết cố gắng mà dùng thôi. Bàn tay không quấn xích của Lan Hà cầm cái móc móc vào gáy Trình Hải Đông rồi kéo, chưa gì đã nhấc được lên. Anh ta cũng không phản kháng, tay chân đều rủ xuống.
Lan Hà hí hửng. Ừm, chỉ là không gian thực hiện không còn rộng nữa, sau này có thể suy xét đến việc dùng xích giấy tạm thời.
Lúc này, Trình Hải Đông mới thấy xương sống mình lạnh toát, cả người chết lặng, mở mắt ra, thấy là Lan Hà bèn sửng sốt, "Ngài, ngài Lam, sao lại là ngài..."
Lan Hà phát bực dọa anh ta: "Anh còn nhận ra ta à? Anh thử nói xem, sao lại là ta? Vì anh chết rồi!"
Kể ra thì khi anh làm Vô Thường, việc đầu tiên anh làm là đưa Trình Hải Đông về với thân xác. Giờ quyết tâm tiếp tục làm Vô Thường, việc đầu tiên anh làm cũng là hồi hồn cho Trình Hải Đông. Đây là duyên phận quái gì cơ chứ.
"Khụ khụ..." Trình Hải Đông vẫn chưa tỉnh táo hẳn, chẳng mảy may thấy sợ. Anh ta cười khờ hai tiếng, mắt nhìn theo cánh tay anh ra sau lưng mình. Từ góc nhìn của anh ta chỉ thấy hình như dưới lớp áo bào rộng thùng thình của Vô Thường này không có tay, cũng chả thấy dây xích đâu mà chỉ có mỗi cái móc câu đang móc cổ áo mình.
"Vãi!" Trình Hải Đông ợ một hơi, "Ngài còn kêu âm phủ không có hải quân, trong khi ngài lại phản bội đi làm hải tặc..."