Thiếu chủ của Thanh Sơn môn cùng hai môn hạ rời quán khách, đốc ngựa đi theo đường lớn. Cả ba không rẽ lên núi Tản mà phi thẳng về tây, ra đến gần bãi sông thì nhìn sang trái, thấy cách chỗ đứng chừng bốn dặm có một sải núi kéo dài ra, thúc ngang vào khúc sông. Vách núi hình năm ngón tay chụm lại, cao hơn trăm trượng, sừng sững uy nghi như bàn tay của thần phật. Nước đá đen kịt, trên đỉnh có mây trắng lảng vảng, đúng như những gì lão chủ quán đã miêu tả.
- Là vách Trấn Thủy!
Một môn hạ thốt lên. Cả ba liền đổi hướng sang trái. Đi được một lúc, thấy còn cách hơn dặm, Lương Nhất Công lệnh cho tất cả tạm dừng. Để tránh việc bị người của Tản Viên trông thấy, chàng sẽ để lại ngựa, một môn hạ sẽ trông chừng chúng. Lương Nhất Công cùng môn hạ còn lại sử dụng cước lực, băng qua cánh rừng, chẳng mấy chốc cũng đến được chân núi. Nơi đây vắng lặng, không có dấu hiệu gì là đang có người. Hai người không chút do dự, phi nhanh lên núi. Đường lên tuy có gập ghềnh trắc trở, nhưng cũng không quá trở ngại. Thứ duy nhất khiến cả hai cảm thấy rợn lòng chính là tiếng quạ. Đang độ chiều tà, nơi đây nhiều quạ một cách lạ lùng. Càng lên gần đến trên đỉnh, càng thấy nhiều quạ. Chúng tụ tập thành đàn lớn, đậu kín các vách đá, hòa mầu đen của bộ lông vào cùng màu đá. Chẳng biết những con quạ này đã ở đây từ trước, hay vì mùi tử khí mà đến? Liệu chúng có báo hiệu một điều gì xui rủi?
Lên đến đỉnh, đập vào mắt Lương Nhất Công đầu tiên chính là cảnh tưởng của cuộc huyết chiến. Những vết rạch chằng chịt, in hằn dưới chân và vách đá, những nhát chém dọc ngang, cắt bạt đám cỏ cây. Tất cả đều còn như mới. Cả thềm đá rộng hơn mười thước vuông dày đặc các dấu tích của cuộc chiến khốc liệt. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây đúng là nơi trưởng hộ của núi Tản đã bị vây sát.
Lương Nhất Công nhìn những hàng dây leo bị cắt đoạn, rồi đưa tay chạm lên những dấu tích trên vách đá. Dù dấu tích không rõ ràng như khi gây ra trên gỗ, Lương Nhất Công vẫn có thể nhận ra: