Sấm Động Trời Nam

Chương 24: Đường vào Mai hoa cốc



Kiếm hội quả thực là một sự kiện lớn mà đã lâu võ lâm Lĩnh Nam mới có. Sau nửa năm để tang hoàng đế theo chiếu chỉ của triều đình, nhân sỹ khắp nơi càng háo hức được tham dự. Trăm ngả thủy bộ đều hướng về đất Phú Lương, ngàn lộ anh hùng đều đổ về Mai Hoa cốc. Càng đến gần ngày chính hội, dòng người càng đông đúc, khiến cảnh núi rừng nơi này tấp nập, huyên náo khác hẳn thường nhật. Phúc cùng Thu Lệ và cha con Phùng Trí sau năm ngày rong ruổi lưng ngựa, cũng đã đến được chân núi, cửa ngõ dẫn vào trong cốc. Cả bốn tạm dừng lại tại một trạm nghỉ đã được người của Hồ thị dựng lên sẵn. Tình cờ Phúc bắt gặp lão Kiếm Tặc.

- Này nhóc, nhà ngươi cũng đến tranh kiếm à?

- Không. Được rủ đi cùng nên cũng đến xem cho vui.

Vừa nói, chàng vừa hướng mắt đến Thu Lệ. Thu Lệ và cha con Phùng Trí đang ngồi ở phía xa. Trông nàng có vẻ mệt mỏi, bởi đây là lần đầu vị tiểu thư họ Hoàng rời khỏi gia trang, việc cưỡi ngựa cũng chỉ mới quen trước đó không lâu. Lão Kiếm Tặc nghển cổ nhìn theo, hất hàm:

- Của ngươi à. Được đó.

Phúc dù thích vẫn chối:

- Không phải. Nàng ấy là tiểu thư nhà quyền quý, chớ có nói bừa.

Rồi giả đò hỏi:

- Này lão, trông giống lắm à?

Lão Kiếm Tặc biết thừa, nhưng cũng giả bộ trả lời:

- Giống mà. Kệ người ta quyền quý thì có sao, nhà ngươi cũng là hậu nhân của bậc võ giả, kém gì đâu.

Lão cố ý nói to, cốt để tất cả cùng nghe được. Phúc vội ngăn lại, rồi thì thầm:

- Lão nói gì thế. Ta thì võ giả nào ở đây?

Lão Kiếm Tặc lại nghển cổ lên, nói to:

- Thằng nhóc này, ngươi được Nhất Cuồng Hoàng Cái chân truyền tuyệt học, không phải hậu nhân của võ giả thì là gì.

Phúc phải vít cổ lão xuống, rồi đánh trống lảng sang chuyện khác:

- Thế còn lão, lão đến Kiếm hội làm gì? Có phải cũng để tranh kiếm với anh hùng trong thiên hạ đấy chứ?

Lão Kiếm Tặc lập tức dựng lên, phủ nhận:

- Tranh cái gì. Ta mà phải sân si vì thanh kiếm à. Mà cái đám võ lâm ô hợp tụ họp về đây như họp chợ ấy, sao có thể gọi là anh hùng được.

- Ý lão là sao?

- Thì là thế. Nhà ngươi đừng cứ nhìn thấy ai đi lại trên giang hồ, tay mang theo đao kiếm thì nghĩ là anh hùng nhé. Toàn một phường hề cả. Kẻ có thực lực thì lo vun vén thế lực cho gia môn, kẻ có danh vọng thì lo trục lợi, kiếm trác, còn những kẻ thấp bé thì luồn cúi, cơ hội. Miệng gọi nhau là quân tử mà lòng dạ hẹp hòi tiểu nhân. À, vẫn còn một số tên ôm mộng anh hùng thật, nhưng sức lực lại chẳng tới đâu, nhìn lại không khác gì thằng đần.

Nghe lão Kiếm Tặc dè bỉu, Phùng Trí cảm thấy có hứng thú, liền lân la:

- Vậy theo cao kiến của lão, trong võ lâm Lĩnh Nam hiện nay, ai xứng đáng với hai chữ anh hùng.

Bất ngờ bị xen ngang, lão Kiếm Tặc ngoái lại nhìn, khinh khỉnh đáp:

- Chẳng có mấy. Nói chung là được một vài tay đáng mặt anh hùng, tàm tạm, không nhiều nhặn gì.

Phùng Trí bật cười, nói:

- Nhân sỹ võ lâm nhiều vô số kể, môn phái nhỏ không tính, to cũng phải đếm được ngoài hai bàn tay, vậy mà không nhặt nổi được mấy tay đáng mặt anh hùng. Có phải lão đã quá khắt khe không?

Lão Kiếm Tặc xùy một tiếng, đáp:

- Không hề nhé. Đây đánh giá như vậy vẫn là còn rộng rãi chán. Ngươi có vẻ cũng hiểu biết chuyện giang hồ, nếu không phục thì cứ việc kể tên ra, để ta xem thử thứ anh hùng ấy là như thế nào.

Vậy là hai người kéo nhau vào cuộc bình xét.

- Ba vị tam kỳ, võ học chí cao vô thượng.

- Ẩn tích hết rồi, không tính.

- Khúc Vĩnh Lâm, trưởng hộ của núi Tản Viên, võ đức đều đáng để noi theo?



- Con cháu họ Khúc, cũng tàm tạm, nhưng so với cha ông thì vẫn chưa có thành tựu gì.

- Ngô Thiết, Cửu Thương Chấn Hải, thành chủ Hoan Châu Thành, một mình tung hoành mấy lộ xứ Hoan Diễn.

- Có chí khí, cũng có thể coi là anh hùng. Tiếc là dao sắc không gọt được chuôi.

- Lưu Nhất, thủ lĩnh Bắc Sơn phái thì sao?

- Tài lực có hạn, khó mà thành được.

- Vậy còn Dương Vinh, đường chủ Dương gia đường, thủ lĩnh Phong Châu vận, thủy bộ các đường, xuôi thượng các miền đều có thể hộ tiêu tới được.

- An phận thủ thường, chỉ lo miếng cơm manh áo.

- Người cuối trong ngũ hổ, Thanh chủ Thanh Sơn môn Lương Thành Nghiệp.

Nhắc đến Lương Thành Nghiệp, lão Kiếm Tặc có chút đắn đo, rồi đáp:

- Con người này... để xem nào. Có chí có dũng, tay trắng gây dựng cơ đồ, đáng kể nhất trong đám võ lâm. Khoái Lộ Hùng đao, Anh Hùng kiếm, nhà này được cả cha lẫn con.

Nghe lão Kiếm Tặc luận giải, Phùng Trí dù có chỗ không đồng tình, nhưng vẫn bẩy phần thán phục. Những đánh giá đó chẳng thể là của một kẻ nông cạn, càng không phải dạng người bị gắn với chữ tặc. Thấy y thần mặt ra, lão Kiếm Tặc nói:

- Thế còn ngươi, thuộc môn phái nào. Chắc không phải trong số đã kể trên chứ?

Phùng Trí muốn nhân cơ hội để được nghe những đánh giá, liền không giấu diếm mà đáp:

- Ta là Phùng Trí, người của Hoàng gia trang.

Lão Kiếm Tặc có chút nhớ lại, rồi chầm chậm nói:

- Hoàng gia trang à, đã lâu rồi không nghe đến cái tên này. Kể ra Hoàng Huy Nhân năm xưa cũng đáng mặt anh hùng lắm. Tài đức, danh tiếng đều hội đủ. Trước tuổi ba mươi đã đứng đầu ngũ hổ, không thế không lực mà tiếng nói có thể hiệu triệu võ lâm. Sau khi tam kì thoái ẩn, hắn được hi vọng nhất có thể trở thành một kì tiếp theo. Tiếc thay, chỉ một lần bại trận đã lấy đi tất cả.

Những nhận xét khiến Phùng Trí không khỏi bồi hồi, còn trong Phúc là sự nghi ngờ. Thực sự vị anh hùng mà lão Kiếm Tặc mô tả quá khác lạ so với người cha mà Thu Lệ thường kể.

Trong lúc mỗi người một suy tư, lão Kiếm Tặc trông xuống bên dưới, rồi nói gấp gáp:

- Thôi nhé. Các ngươi cứ ở đây, ta phải đi trước đây.

Phúc vội hỏi:

- Vì sao vậy?

Chàng trông xuống phía xa con đường dẫn lên trạm nghỉ, có một tốp người ngựa đang phi lên. Lão Kiếm Tặc giải thích:

- Bọn chúng là Long Biên phái ở ngoại thành Thăng Long. Tháng trước ta có trộm lấy bảo đao trấn phái của chúng.

Lão vừa nhắc thì Phúc cũng nhớ ra, mượn những bực tức ấm ức xưa mà nói:

- Cái lão c·hết tiệt này, ra là lão trộm đao của chúng, làm ta bị một phen khốn đốn.

Lão Kiếm Tặc thản nhiên:

- Thì sao, can hệ gì tới ngươi mà kêu.

Phúc liền giải thích:

- Thì tại lão trộm đao bắt chúng đi tìm. Chúng tưởng ta là đệ tử của lão nên bắt về tra hỏi. Mà lão cũng biết thủ bộ của lão Hoàng Cái à.

Lão Kiếm Tặc "ờ" một tiếng. Phúc lại hỏi:

- Rốt cuộc lão trộm đao của chúng để làm gì?

Lão Kiếm Tặc tỉnh bơ trả lời:



- Chỉ là tò mò xem đao có sắc đúng như lời đồn không thôi. Ai dè cũng chỉ đến vậy. Sau khi bổ thử mấy quả dừa, ta đã vứt giả bọn chúng ở phía sau chuồng lợn.

- Lại còn thế nữa. Bảo đao trấn phái của người ta mà lão xem như con dao cùn bỏ đi vậy.

- Thì nó cùn thật mà. Thôi thế nhé, ta đi đây không lại phiền phức đến nhà ngươi. À mà ở phía trên ngay ngoài cửa cốc đang có lắm trò náo nhiệt, nhà ngươi cũng nên đến đó xem cho vui.

Lão Kiếm Tặc nhắn lại, rồi lập tức tung mình biến mất trên các ngọn cây, vừa kịp lúc người của Long Biên phái phóng ngựa lướt qua. Phúc cũng nhanh chóng tránh mặt đi. Việc nghỉ ngơi đã xong, chàng cùng người của Hoàng Gia trang lại tiếp tục hướng đến Mai Hoa cốc, tiện thể cũng muốn xem thử sự náo nhiệt mà lão Kiếm Tặc nhắc tới.

Mất hai canh giờ băng rừng, lội suối, bốn người đã đến được đích. Trái với những gian nan, gập ghềnh trên đường đi, khung cảnh cửa cốc thật khiến con người phải choáng ngợp. Hai vách đá cao muôn trượng dựng song song, đỉnh lẩn khuất vào mây trắng, phía dưới tạo thành một lối đi nhỏ, sâu hun hút vào trong. Trước cửa cốc, một khu rừng lim rộng lớn, xanh thăm thẳm. Những thân cây cổ thụ cao trăm thước, thẳng tắp, sừng sững lao lên chống đỡ cả tầng mái lá phía trên. Xuyên qua mái lá, ánh mặt trời chắt lọc thành những vệt sáng lung linh, tươi tắn chiếu xuống khoảng không khoáng đạt.

Ngày mai mới diễn ra Kiếm hội, nhưng anh hùng thiên hạ đã tề tựu trước về đây, lên tới cả ngàn người. Chỉ những ai có thiệp mời mới được vào cốc, số còn lại sẽ phải đợi ở rừng lim. Để thể hiện sự chu đáo của chủ nhà, Hồ thị đã cho dựng hơn trăm lán trại, tập trung thành các cụm nhỏ, phân bổ khắp khu rừng. Hai bận sáng tối, người từ trong cốc chở ra đồ ăn và nước uống, cung cấp cho tất cả. Tuy chưa diễn ra Kiếm hội, nhưng danh tiếng của Hồ thị và Mai Hoa cốc đã được phô trương một cách hoàn hảo. Những lời tán dương về vị thế của một gia tộc lớn được lan truyền rộng rãi.

Vừa đặt chân đến cửa cốc, Phúc cùng mọi người đã bị thu hút bởi sự náo nhiệt. Đám đông đang tụ tập, vây quanh một võ đài được cất ở giữa các lán trại. Thượng trên đài, người đàn ông to lớn, tay cầm cây búa sắt không lồ, liên tục hô lên:

- Nào, lên đây, đánh với ta.

Gã chính là Hồ Tứ. Sau lưng gã, các binh khí đủ loại được bày ra. Để tô điểm cho sự kiện trọng đại của Hồ thị, Hồ Tứ đã cho mở võ đài này, tự mình làm chủ đấu. Bất cứ ai cũng có thể lên đài, được tùy ý chọn lựa binh khí sẵn có. Nếu đấu thắng, binh khí sẽ thuộc về kẻ đó. Tuy không phải hàng tuyệt phẩm, nhưng những bình khí này đều được đúc rèn từ nguồn sắt quý trong cốc, chế tác công phu. Ngày thường không dễ tìm mua được, nay lấy làm treo thưởng, vì vậy nhân sỹ trong thiên hạ, đặc biệt là tầng lớp dưới đều nhiệt liệt thượng đài. Còn về phần Hồ Tứ, trải qua mười năm nhốt mình rèn Bất Diệt kiếm, thực sự cũng bí bách, đối với chuyện đấu võ vô cùng thích thú. Chỉ một cây búa trong tay, gã thợ cả của Mai Hoa cốc đã đánh bại hàng loạt đối thủ, tỏ ra võ nghệ không phải dạng thường. Mỗi trận đấu, mỗi loại binh khí, gã đều có những kiến giải:

- Đao này nặng, sức không đủ không dùng được..... Tiếp theo nào.... Thương này nhẹ, lấy nhanh hiểm làm chủ pháp, không được cậy sức... Kiếm này cốt ở sắc bén, người quá cứng nhắc, không hợp.

Những lời kiến giải thể hiện sự am hiểu sâu sắc, nói lên được hồn cốt của binh khí. Đám đông nghe thấy đều gật gù cho phải, lại lần lữa khen cho tài nghệ của Mai Hoa cốc.

Phùng Trí nói với Thu Lệ:

- Mai Hoa cốc quả nhiên là chốn rèn khí đứng đầu đất Việt, có thể hi vọng việc đúc lại kiếm gãy của họ Hoàng. Đợi sau đợt Kiếm hội này, ta sẽ đến đặt vấn đề với họ.

Thấy nàng đang chú tâm theo dõi đấu võ, y gợi ý:

- Tiểu thư, hay là cũng lên đài đi? Dù sao tiểu thư cũng chưa có một cây kiếm tốt cho riêng mình.

Thu Lệ vẫn hướng mắt lên võ đài, đáp:

- Chẳng phải ta đến đây để đoạt Bất Diệt kiếm sao, còn chưa đến lúc mà.

Lúc này, một thanh niên với tướng mạo tuấn tú xuất hiện trên võ đài:

- Lão thợ rèn, để công tử ta chơi với ngươi.

Hồ Tứ hào hứng:

- Hay lắm. Mấy trận vừa rồi lão đây đánh chưa có đã. Nào, hãy mau khai báo danh tính, để lão đây được biết!

Vị công tử trẻ phe phẩy cây quạt trong tay, dõng dạc tự giới thiệu:

- Ngô Cương, thiếu chủ của Hoan Châu thành.

Dưới võ đài, một số đã nhận ra, số khác chưa, nhưng sau khi nghe danh tính thì đều nhất loạt ồ lên, xôn xao:

- Là thiên hạ đệ nhất mỹ nam!

- Nghe nói văn võ song toàn, không biết thực hư ra sao?

Phùng Trí cũng lên tiếng:

- Là người của Hoan Châu thành. Họ đã đến rồi.

Đối diện với Ngô Cương, Hồ Tứ không giấu nổi sự bất ngờ. Võ đài này chỉ là sân khấu nhỏ, dánh cho đám nhân sỹ ít tên tuổi. Hoan Châu thành là khách quý của cốc, có địa vị và danh tiếng. Vậy mà thiếu chủ của họ lại xuất hiện tại đây, quả thực khiến cho bầu không khí vốn sôi nổi lại càng náo nhiệt. Hồ Tứ suy đoán:

- Hoan Châu thành, vậy là chọn thương rồi!

Nhưng lập tức bị phủ định:

- Không phải. Ta muốn chọn kiếm!



- Kiếm ư? Họ Ngô ở Hoan Châu thành, chẳng phải nổi tiếng với Ngô gia thương. Vì sao lại chọn kiếm?

Ngô Cương cười đáp:

- Thương tốt đã có, không cần phải lấy thêm. Ta chọn kiếm là vì muốn tặng một người.

Trong lúc đám đông còn chưa kịp đoán định, vị công tử họ Ngô đã hướng đến chỗ của Thu Lệ, nói tiếp:

- Ta muốn tặng kiếm cho vị tiểu thư xinh đẹp đây.

Cả võ đài lập tức bị kéo sự chú ý đổ dồn về phía Thu Lệ, xôn xao:

- Là ai vậy?

- Xinh đẹp quá, không khác gì tiên nữ cả.

- Thế gian lại có người xinh đẹp đến vậy sao? Không phải vợ tương lai của ta đấy chứ?

Phúc quay sang Phùng Trí, khẽ hỏi:

- Người quen à chú?

Phùng Trí lắc đầu, đáp:

- Không có. Thu Lệ từ nhỏ không rời khỏi gia trang, trừ cậu ra chưng từng tiếp xúc với người ngoài.

Quả thực, Hoàng gia trang với Hoan Châu thành trước nay không có qua lại, giữa Ngô Cương và Thu Lệ lại càng không quen biết. Chỉ là thiếu chủ Hoan Châu thành vốn tính phong lưu, thấy Thu Lệ nhan sắc xinh đẹp nên nghĩ ra chuyện thượng đài tặng kiếm để làm quen. Ngay cách xưng hô "tiểu thư" cũng là một cách nói văn vẻ, vô tình lại đúng hoàn cảnh. Còn việc tặng kiếm đơn giản là phỏng đoán dựa trên cây kiếm trên tay nàng.

Trên võ đài, Hồ Tứ cười sảng khoái, nói:

- Thương cũng được, kiếm cũng được. Miễn sao ta có thêm người để đấu là được. Nào, Công tử chọn kiếm đi.

Ngô Cương chọn lấy một thanh kiếm với đường nét thanh nhã, rất thích hợp dùng cho con gái, nói:

- Lão thợ rèn, xem thử Ngô gia kiếm pháp của ta đây.

Rồi đâm kiếm tới. Đường kiếm mạnh bạo, quãng đâm dài, đi cùng đó là một khí thế áp bức, khiến cho Hồ Tứ với cây búa nặng trăm cân trong tay phải vất vả chống đỡ. Chứng kiến thiếu chủ thành Hoan Châu trổ tài, đám đông nhân sỹ lại được dịp tấm tắc khen ngợi. Phúc dù không ưa cái chủ đích thượng đài của y, nhưng đối với đấu võ vẫn cảm thấy thích thú:

- Võ nghệ của gã công tử này xem ra không phải dạng vừa.

Phùng Trí chú ý hơn vào kiếm pháp, nói:

- Hoan Châu thành nổi tiếng với Ngô gia thương. Lộ kiếm này lấy đâm và quét làm chính, rất có dáng dấp của thương pháp. Thương dài, kiếm ngắn, liệu có thể kết hợp được không?

Phúc thì không quan tâm đến thương hay kiếm, đáp:

- Là thương hay kiếm cũng không quan trọng, nhưng cứ tiếp tục như thế này thì lão thợ rèn không chống nổi mười chiêu nữa đâu.

Quả nhiên, đúng sau mười kiếm, Hồ Tứ đã phải chịu thua. Ngô Cương với cây kiếm trên tay, tiến tới Thu Lệ:

- Tiểu thư xinh đẹp, sẽ thật là vinh dự cho ta nếu được gửi tặng tiểu thư cây kiếm này.

Vị thiếu chủ thành Hoan Châu cất lời văn hoa, có lẽ rất trông đợi vào cái gật đầu của Thu Lệ. Đương nhiên, Ngô Cương có sự tự tin của mình . Y là thiên hạ đệ nhất mỹ nam, một trang tuấn kiệt văn võ song toàn mà bất kỳ cô gái nào cũng phải rung động. Đã có không ít tiểu thư lá ngọc cành vàng, con nhà quyền quý ôm ấp giấc mộng được kết duyên, trở thành người của thành Hoan Châu. Nhưng với Thu Lệ thì lại khác. Nàng không đáp lời, ngược lại còn tỏ rõ sự thờ ơ, lãnh đạm. Ngô Cương dù có chút hụt hẫng, nhưng với bản chất phong lưu đa tình vốn có, vẫn mỉm cười, nói:

- Kiếm tốt phải tìm được đúng chủ. Cây kiếm này ôn nhu mỹ miều tựa như thiếu nữ, nếu không phải là nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn như tiểu thư đây, Ngô Cương ta thật nghĩ không ra còn có ai xứng đáng hơn nữa.

Lại tiếp tục là những lời bay bướm. Đám đông nhân sỹ phàm tục được dịp kiểm chứng danh xưng văn võ song toàn. Còn với Thu Lệ, nàng không hề đoái hoài tới những lời mật ngọt đó, cứ thế quay mặt bỏ đi. Ngô Cương thực sự hụt hẫng. Lần đầu tiên vị thiếu chủ bị từ chối một cách phũ phàng như vậy. Hành động có phần thất lễ của Thu Lệ khiến Phùng Trí cũng cảm thấy ái ngại, vội ra mặt, nói đỡ:

- Ngô công tử, cảm phiền cậu thứ lỗi cho. Tiểu thư nhà ta, chỉ là... chỉ là không có thói quen nhận quà của người lạ mà thôi.

Ngô Cương không để ý đến những lời của Phùng Trí, bởi y còn đang mải trông theo dáng hình của Thu Lệ. Rõ ràng y đã bị hút hồn bời vẻ đẹp thanh cao thoát tục của nàng. Sự lạnh lùng, thờ ơ đúng là có khiến vị thiếu chủ danh tiếng bị bẽ mặt trước đám đông nhân sỹ thiên hạ, nhưng nó cũng vừa hay là sự kiêu kỳ, thanh cao cần có của một mỹ nhân trong mắt kẻ si tình, lại càng kích thích ý chí theo đuổi. Riêng với Phúc, nhìn cái cách Ngô Cương bị phớt lờ, chàng nhoẻn miệng cười đầy khoái chí.

Lúc này, từ phía xa, có tiếng người gọi tới:

- Cương, đi thôi, chúng ta cần phải vào cốc cho sớm.

Ngô thành chủ cùng vợ và các đệ tử đang đợi trên lưngngựa. Ngô Cương liền lại trả kiếm cho Hồ Tứ, rồi cùng cha mẹ tiến vào trongcốc.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.