“Trời **.” Cô văng tục, im lặng nhìn chăm chú bức tường.
Tường là tường gạch đỏ, bên phải có một cánh cửa sắt rất lớn.
Mà ở bên cạnh có thêm một tấm biển kim loại. Màu sắc xưa cũ, còn có vết gỉ, trên đó viết “Đơn vị tài trợ công trình Hi Vọng thành phố An Ninh”.
Cô không biết đã xảy ra chuyện gì, chậm chạp dời tầm mắt, ngay sau lại nhìn thấy càng nhiều biển hiệu.
Biển hiệu có trắng có vàng, có cũ có mới.
Có cái viết “Trung tâm thực tập xã hội trực thuộc Đại học”, cũng có cái viết “Đơn vị thí điểm hỗ trợ Tương Thân Tương Ái”.
Cái biển treo ở cuối cùng là to nhất, nền trắng chữ đen, trên đó viết “Viện trẻ mồ côi Sao Đỏ thành phố An Ninh”.
Kể ra đúng là kì quặc, tuy nhiên so với việc trở về quá khứ thì chút kì quặc này cũng chẳng tính là gì… Trong nháy mắt ấy, Lâm Triều Tịch ý thức được rất rõ ràng cô vẫn là cô, chỉ là cô đã trở lại năm lớp 5 tiểu học.
Giống như có người búng nhẹ lên ấn đường của cô, sau đó thông tin ùa ra, trở thành một bộ phận trong trí não, cô tiếp nhận mọi thứ một cách hết sức tự nhiên.
Thậm chí cô còn biết rất rõ ràng làng trẻ phía sau cánh cổng sắt này tên là Sao Đỏ, là nơi cô sống suốt mười hai năm nay.
Cô bị bỏ rơi ở nơi này, không cha không mẹ, tính cách quái gở. May mà cô học hành khá tốt, Viện trưởng rất thích cô, còn nghĩ cách cho cô đi học ở trường tiểu học bình thường.
Tuy rằng cuộc đời khác biệt hoàn toàn so với trước kia, nhưng cô thực sự vẫn là Lâm Triều Tịch ấy.
Khác ở chỗ lần này không chỉ không có mẹ, cô còn không có bố.
Biến hóa đột ngột này quá lớn, dù có được trí óc của người trưởng thành thì cô vẫn cảm thấy sự chới với và bất lực trước nay chưa từng có.
Chân cẳng nhũn ra, tim đập kịch liệt, cô phải ngồi tạm xuống bậc thang trước cổng trại trẻ.
Ngồi xuống, bình tĩnh lại một lúc. Cô đột nhiên thông suốt, cuối cùng cũng tìm được một câu nói từng nghe để miêu tả tình cảnh hiện tại.
… Mỗi lựa chọn của mỗi người, sẽ tạo ra một thế giới khác.
Cũng giống như khi đứng trong tiệm bánh kem, phân vân không biết nên chọn vị dâu tây hay vị phô mai.
Cô của trước kia luôn sống trong lựa chọn vị dâu tây, mà bây giờ, rất hiển nhiên, thế giới này của cô là vị phô mai.
Không biết đã xảy ra sai sót chỗ nào mà ở đây cô và Lão Lâm không hề có duyên phận cha con, khác xa hoàn toàn với cốt truyện hai người sống nương tựa nhau từ nhỏ đến lớn ở bên kia.
Nói một cách dân dã hơn, cô đi đến một thế giới song song, chẳng biết vì sao mà ở thế giới này Lão Lâm không hề nuôi nấng cô, cô là trẻ mồ côi.
Rất đơn giản để xác định điều này.
Lâm Triều Tịch đứng lên, tìm một biển hiệu màu trắng bạc có độ phản quang tương đối tốt trong vô số biển hiệu, soi mặt vào.
Ừm…
Mặt tròn, mắt to, tai to, mũi tròn tròn…
Nhìn giống cô hồi bé y như đúc.
Trời vào hè, thời tiết nóng bức.
Lâm Triều Tịch xác định điều này xong đã thấy nhẹ nhõm hơn. Cô tặc lưỡi, dựa người ra sau, nhâm nhi kí ức của cô ở thế giới này.
Giây tiếp theo, cặp sách bỗng đổ uỳnh xuống bậc thang, hộp bút và chai nước phát ra tiếng loảng xoảng.
Cô giật thót vội vàng túm lấy cái quai, ôm cặp sách vào lòng, sợ chẳng may hỏng mất thứ gì.
Lâm Triều Tịch sửng sốt.
Đây không phải cô, một loạt động tác này đều là phản ứng bản năng của Lâm Triều Tịch nhỏ.
Không thể làm hỏng đồ đạc, cho dù chỉ là một cái cặp sách hay bình nước bình thường cũng rất đáng quý, cô không mua nổi cái thứ hai.
Lâm Triều Tịch xách cặp, cúi đầu nhìn.
Cặp bị giặt nhiều đến nỗi bạc phếch, khi đeo lên sẽ rất dễ làm đứt những chỗ bị rách được mối lại.
Sau đó cô phát hiện cách miêu tả của cô có vấn đề, đối với cô mà nói, thế giới này chẳng hề mềm mịn như phô mai chút nào, từ đầu chí cuối chỉ toàn thấy nghèo khổ.
Giống như mọi đứa trẻ mồ côi khác, tâm nguyện lớn nhất kể từ khi biết suy nghĩ của cô chính là mong được bố mẹ quay về đón.
Nhưng suốt mười hai năm, cô chưa bao giờ đợi được bố mẹ.
Ở thế giới này Lâm Triều Tịch rất hung hãn, lên lớp cãi cô, tan học đánh bạn, bướng bỉnh ngỗ nghịch không chịu nghe ai. Thành tích oai hùng gần đây nhất là vật ngửa con trai của giáo viên chủ nhiệm ra đất mà đánh.
Bây giờ là giữa trưa, cô về ăn cơm, giáo viên chủ nhiệm bảo cô thông báo phụ huynh chiều nay đến trường. Nhưng cô căn bản không dám để Viện trưởng biết, đành lần khần đứng trước cổng trại trẻ.
Hình ảnh lúc ấy hẳn là rất đơn giản.
Ở thế giới này cô lùi khỏi cổng trại trẻ một bước, ở thế giới kia cô bước vào cửa nhà một bước.
Một tiến một lùi, Lâm Triều Tịch lớp 5 và Lâm Triều Tịch 22 tuổi thế chỗ cho nhau.
Hiện tại, tuy Lâm Triều Tịch của thời lớp 5 sẽ không còn trái tính trái nết vì thiếu tình thương, cũng sẽ không lo âu bồn chồn vì sợ bị Viện trưởng trách cứ.
Thế nhưng một thứ cảm xúc nặng nề khác cứ cuồn cuộn dâng lên.
Cô ngẩng đầu, xuyên qua những mái nhà lô nhô, chỉ có thể trông thấy mảnh trời vời vợi.
Lão Lâm ơi, bố đang ở đâu?
Không có con, liệu cuộc đời bố có còn bị đảo lộn nữa không?
…
Lâm Triều Tịch đã suy nghĩ rất lâu.
Cuối cùng cô phủi quần đứng dậy trước cổng cô nhi viện. Đằng nào cũng đến đây rồi, tóm lại vẫn phải đi tìm Lão Lâm xem sao.
Đi ra khỏi ngõ, quang cảnh thành phố mở ra như bức họa.
Ở thời này thành phố An Ninh vẫn chưa trải qua công cuộc kiến thiết. Nhà cửa thâm thấp be bé, cửa hàng chen chúc nhau, nào là hàng gà nướng, hàng mì, hàng quần áo các kiểu… Người phục vụ mặc tạp dề bận bịu chạy tới chạy lui, ông già cầm cái chổi lông gà phủi bụi trên kệ kính. Dù chẳng có ánh đèn bắt mắt đẹp đẽ như sau này, vậy mà vẫn thấy thân thiết khó tả.
Lâm Triều Tịch đi trên đường cái, nhìn đông nhìn tây.
Sống ở thành phố An Ninh từng bấy năm, đương nhiên cô cũng từng nghe nói về trại trẻ Sao Đỏ, nhưng nó nằm chính xác ở đâu thì cô không rõ.
Mùi hương quen thuộc bay trong không khí, cô bước nhanh hơn, trông thấy quán mực nướng đang bày hàng, thế là mọi khái niệm đang mơ hồ đã trở nên cụ thể hơn hẳn. Hóa ra trại trẻ Sao Đỏ cách nơi cô và Lão Lâm từng sống không xa. Cô sẽ không cần đi bộ hết cả một thành phố.
Quán mực nước treo một cái cờ lớn viết ba chữ “Lửa Lớn Ông Trần”, về sau đài truyền hình quay một chương trình ẩm thực, tôn ông Trần chủ quán lên làm “thần mực”.
Nhưng ở thời này, mỗi lần các học sinh tiểu học rửa bát xong chỉ được thưởng có 1 xu, cho nên một xiên mực nướng 3 xu vẫn rất là xa xỉ.
Cái sạp bị đám học sinh bâu kín, Lâm Triều Tịch cũng chen vào ngó nghiêng.
Có bạn nhỏ hình như mới được ăn lần đầu, kéo tay bà nội.
Chủ quán hỏi muốn ăn nước chấm gì, bà nội lập tức nói không ăn tương ớt, trẻ con không ăn được cay.
Lâm Triều Tịch nhìn ba cốc nước sốt về sau được truyền thông khen ngợi hết lời, kéo áo bạn nhỏ lặng lẽ nói: “Tương ớt ngọt ăn ngon cực, cậu thử mà xem.”
Bà lão trừng mắt nguýt cô một cái, nhận đĩa mực rồi kéo tay bạn nhỏ đi thẳng.
Bạn nhỏ lưu luyến ngoái đầu nhìn theo.
Lâm Triều Tịch chỉ vào tương ớt ngọt, nói ba chữ “ăn siêu ngon” bằng khẩu hình cực kì khoa trương.
Ông chủ bật cười, chắc là khoái chí lắm, nhất quyết dí cho cô một xiên mực nướng.
“Không cần đâu ạ! Lần sau cháu dẫn bố cháu đến đây mua!” Lâm Triều Tịch vẫy tay với ông chủ, tay xách cặp tiếp tục hành trình.
Cuối đường cái lại là một con phố nữa.
Xung quanh trại trẻ Sao Đỏ có hai trường tiểu học, những đứa trẻ nhà gần về ăn cơm trưa đang lục tục trở lại trường.
Trên đường tấp nập trẻ con mặc những bộ đồng phục khác nhau.
Hầu hết chúng đều có phụ huynh đưa đón.
Lâm Triều Tịch đi một mình, càng đi càng cô đơn.
Nguyên nhân cô cảm thấy cô độc hoàn toàn không phải vì Lão Lâm. Mà là khi cô đi qua hàng tạp chí quen thuộc, đi qua hàng đồ ăn vặt quen thuộc, cô cảm nhận được cảm xúc côi cút bơ vơ thuộc về thế giới phô mai, thuộc về Lâm Triều Tịch nhỏ.
Mỗi ngày đi học, cái bóng lẻ loi của Lâm Triều Tịch nhỏ luôn nghĩ đến người cha người mẹ chưa từng biết mặt, cô bé hi vọng có ai đó nắm tay mình, mua cho cô bé bộ sách tập viết và cây bút máy mà cô bé ao ước đã lâu.
Cô sẽ gọi người đó là bố hoặc mẹ, sẽ làm nũng, cũng sẽ thật hiếu thảo.
Nguyện vọng bé nhỏ là thế, mắt Lâm Triều Tịch vẫn đỏ lên.
Cô sụt sịt mũi: Bé con à, nhóc dễ dỗ quá.
Tác giả có lời muốn nói:
Kinh tế, bảo vệ môi trường, màu xanh lục, giảm thiểu CO2… Thế giới song song… Trở về 3 khoảng quá khứ… Sao có thể không có Bùi Chi và Lão Lâm? Tôi là người Mary Sue thế đấy (a lô)