Phiêu Miểu 3 - Quyển Thiên Chỉ

Chương 40: Người hay lừa



Phiêu Miểu 3 – Quyển Già Lam

Tác giả: Bạch Cơ Quán

Dịch: Quá khứ chậm rãi

Hồi 6: Phù Mộng Sàng

Chương 40: Người hay lừa

Mùa hè nắng gắt, tiếng ve kêu râm ran.

Trong Phiêu Miểu Các, Bạch Cơ đã rời đi đến phủ Thái Bình dự tiệc Hạ Hoa, còn Ly Nô thì ngủ quên dưới bóng cây trong vườn sau. Nguyên Diệu và Vi Ngạn ngồi bên trong, vừa nhâm nhi trà, thưởng thức vài món điểm tâm, vừa trò chuyện.

Vi Ngạn vừa từ Hứa Châu công vụ trở về Trường An. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, hắn có vài ngày rảnh rỗi nên đến Phiêu Miểu Các tìm vài món đồ quý và và Nguyên Diệu vui chơi.

Nguyên Diệu và Vi Ngạn vừa uống trà vừa nói chuyện về những điều Vi Ngạn trải qua ở Hứa Châu.

"Ngươi đã từng ăn thịt người chưa?" Vi Ngạn đột ngột hỏi, mắt chớp chớp đầy bí ẩn.

Nguyên Diệu sững sờ, lắc đầu: "Chưa. Tại sao đột nhiên lại hỏi vậy? Kỳ quái quá."

Vi Ngạn cười khẽ: "Ta đã ăn rồi. Ở Hứa Châu chỉ cần không cẩn thận là ngươi có thể ăn phải thịt người đấy."

Nguyên Diệu lại ngạc nhiên: "Năm nay mưa thuận gió hòa, ngũ cốc đầy đủ, ta đâu có nghe nói Hứa Châu gặp nạn đói. Giữa ban ngày ban mặt sao lại dám giết người lấy thịt cho người ta ăn, thếchẳng phải vô pháp vô thiên sao?"

Vi Ngạn cười: "Đừng vội, để ta kể tường tận cho ngươi nghe."

Trong một ngày rảnh rỗi khi làm công vụ ở Hứa Châu, Vi Ngạn và đồng liêu ghé vào một quán rượu. Người dân địa phương thích ăn thịt lừa, các món như lừa kho, lừa hun khói, súp lừa hay bánh nhân thịt lừa đều là đặc sản.

Vi Ngạn và đồng liêu gọi vài món thịt lừa hun khói và bánh nhân thịt lừa, vừa ăn vừa uống rượu, trò chuyện vui vẻ. Chủ quán rượu mua ba con lừa từ một người bán lừa, định giết một con để làm thịt, bèn mời thợ mổ lừa đến, đun nước, mài dao và chuẩn bị mổ lừa ở sân sau.

Một đồng liêu của Vi Ngạn cần đi nhà vệ sinh nên ra sân sau.

Vi Ngạn vẫn ngồi ăn thịt lừa chờ đợi đồng liêu quay lại. Một lát sau, đồng liêu trở về với sắc mặt tái nhợt, nhìn thấy Vi Ngạn đang ăn thịt lừa thì chẳng nói chẳng rằng, vội vàng thanh toán rồi kéo Vi Ngạn đi ngay.

Vi Ngạn chưa ăn no nên không vui chút nào. Đồng liêu cũng không giải thích gì, kéo Vi Ngạn đi thẳng về trạm dịch, rồi mặt mũi thất thần nói: "Từ nay đừng ăn thịt lừa nữa."

"Tại sao?" Vi Ngạn ngơ ngác hỏi.

Đồng liêu run rẩy, sau khi nôn thốc nôn tháo mới sợ hãi nói: "Đó không phải thịt lừa mà là thịt người! Ta tận mắt thấy họ giết người ở sân sau!"

Vi Ngạn kinh ngạc: "Giữa ban ngày ban mặt sao lại dám giết người? Thật quá táo tợn!"

Đồng liêu run giọng giải thích: "Không, thật ra là lừa, nhưng khi bị giết nó khóc lóc như con người vậy! Ta chẳng rõ là lừa hay người nữa, thật khó phân biệt!"

Đồng liêu ngập ngừng một chút rồi nói: "Là lừa biết nói tiếng người!"

"Lừa yêu à?"

"Không, là người. Ta lén quan sát thấy rõ con lừa nói rằng hắn vốn là một người đi đường, bị hắc điếm lừa gạt, chủ quán tham của giết người, dùng pháp thuật biến hắn thành lừa rồi đem bán. Điều kinh khủng hơn nữa là chủ quán rượu và tên đồ tể không hề ngạc nhiên, thản nhiên giết con lừa đó! Chỉ cần nghĩ đến chuyện ta vừa ăn thịt lừa mà thật ra là thịt người, ta..."

Đồng liêu lại nôn thốc nôn tháo, gần như nôn hết mật xanh ra ngoài.

Vi Ngạn nghe vậy, vô cùng kinh ngạc. Dù sao cũng là quan lại triều đình, hắn không thể thờ ơ trước chuyện giết người mà không can thiệp, bèn lập tức dẫn người đến quán rượu điều tra.

Vi Ngạn và đồng liêu kéo theo một nhóm lớn đến quán rượu để làm rõ vụ việc. Chủ quán rượu lớn tiếng kêu oan, còn nhóm của Vi Ngạn thì lục soát kỹ lưỡng. Nhưng ngoài một con lừa vừa bị giết thì họ không phát hiện ra gì khác.

Vi Ngạn kiểm tra xác lừa, quả thật chỉ là một con lừa đã chết, phi nhân. Hắn lại xem xét hai con lừa còn lại đang ăn cỏ trong chuồng, cũng đều là lừa, phi nhân.

Vi Ngạn bắt đầu nghi ngờ rằng đồng liêu đã uống quá chén, dẫn đến hoa mắt ở sau vườn. Đồng liêu cũng hoang mang, tự mình nghi ngờ cuộc sống. Cuối cùng, sự việc chẳng đi đến đâu cả.

Trong thời gian công tác tại Hứa Châu, Vi Ngạn vẫn tiếp tục ăn thịt lừa. Nhưng đồng liêu của hắn kể từ hôm đó chỉ ăn chay, không dám chạm đến thịt lừa nữa.

Trên đường trở về Trường An, Vi Ngạn và đồng liêu tình cờ gặp một lão bộ khoái tại trạm dịch, người này cũng kể về câu chuyện "lừa người" ở Hứa Châu. Lão bộ khoái cho hay, người trong giang hồ đều tránh không ăn thịt lừa ở Hứa Châu, vì nơi đó có thuật sĩ tham tiền, chuyên biến du khách thành lừa hoặc ngựa rồi bán cùng với lừa thật. Đa số dân thường không biết nên mua phải lừa người sau đó giết thịt mà ăn. Một số ít người biết rõ nhưng vẫn không muốn mất tiền mua lừa uổng phí, thế là vẫn giết để ăn. Dù đây chỉ là lời đồn đại, không có chứng cứ xác thực nhưng rất nhiều lữ khách khi qua Hứa Châu đều đột ngột biến mất không dấu vết.

Lúc này, đến lượt Vi Ngạn buồn nôn khi nghĩ về những lần ăn thịt lừa trước đó, trong lòng ngập tràn ghê tởm.

Nguyên Diệu nghe xong câu chuyện của Vi Ngạn thì không khỏi rùng mình.

"Thật là đáng sợ! May mắn là ngươi bình an trở về, Đan Dương."

Vi Ngạn trả lời: "Thế giới này thực sự tối tăm lắm. Chỉ cần sơ sẩy là mất tích, không biết tìm ở đâu. Không chỉ Hứa Châu, mà Trường An cũng có nhiều người mất tích hàng năm, chẳng rõ sống chết ra sao. Trước đây khi đọc hồ sơ, ta cũng không mấy để tâm, nhưng bây giờ nghĩ lại, thật sự thấy rợn người. Ai mà biết, liệu những người đó có phải cũng bị biến thành lừa ngựa và bị người khác ăn mất không? Ngươi phải cẩn thận, đừng vô cớ đi lung tung."

"Đan Dương cũng vậy." Tiểu thư sinh lo lắng nói.

Chiều hôm đó, Vi Ngạn rời đi, nhưng Nguyên Diệu vẫn mãi suy nghĩ về câu chuyện "lừa người" ở Hứa Châu, lòng mãi không yên.

Lúc Ly Nô chuẩn bị xong bữa tối, Bạch Cơ cũng vừa trở về. Ba người cùng ngồi dưới mái hiên ở sân sau dùng bữa tối.

Thấy Nguyên Diệu có vẻ lo lắng, Bạch Cơ mỉm cười hỏi: "Hiên Chi sao lại ăn uống không ngon miệng vậy?"

Nguyên Diệu trả lời: "Tiểu sinh nghe Đan Dương kể về chuyện người bị biến thành lừa ngựa ở Hứa Châu, trong lòng cảm thấy nặng nề."

Bạch Cơ cười nói: "Thế gian rộng lớn, mỗi ngày đều có vô vàn chuyện xảy ra, nếu ngươi cứ canh cánh mọi chuyện trong lòng thì làm sao sống nổi đây?"

Nguyên Diệu tiếp lời: "Đan Dương nói rằng Trường An mỗi năm cũng có người mất tích. Bạch Cơ biết chuyện này không?"

Bạch Cơ mỉm cười: "Trường An huyên náo, người và phi nhân qua lại tấp nập, người đến rồi đi, đi rồi đến. Việc mất tích vài người cũng là điều bình thường."

Nguyên Diệu hỏi: "Những người mất tích đó bị phi nhân ăn thịt hay bị thuật sĩ biến thành lừa ngựa sao?"

Bạch Cơ cười nói: "Ai mà biết được. Sống chết luôn đan xen bất chợt, không thể đoán trước."

Nguyên Diệu thở dài: "Cảm thấy việc còn sống trên đời thật không dễ dàng gì."

Bạch Cơ dịu dàng trả lời: "Hiên Chi đừng lo lắng quá, trước khi cuộc sống kết thúc hãy sống tốt là được rồi."

Ly Nô từ nãy giờ vẫn im lặng không rõ đang nghĩ gì, bỗng nhiên lên tiếng: "Chủ nhân, nếu người có thể biến thành lừa vậy ta có thể bắt vài người và biến họ thành cá được không?"

"Không được!" Bạch Cơ và Nguyên Diệu đồng thanh đáp.

"Ò." Ly Nô thất vọng tiếp tục ăn cá.

Bầu trời trong xanh như vừa được gột rửa, không một gợn mây, cũng chẳng có lấy một cơn gió.

Bạch Cơ đứng trong sân sau của Phiêu Miểu Các, bên cạnh là Nguyên Diệu, còn Ly Nô ngồi xổm một góc.

Vì lâu không ai chăm sóc nên sân chỉ toàn cỏ dại mọc um tùm và vài bụi tầm xuân tự vươn ra từ bức tường, chẳng còn loài hoa nào khác.

Sau khi tham dự buổi tiệc hoa mùa hè ở phủ Thái Bình, Bạch Cơ nảy ra ý định trồng thêm hoa trong vườn, vừa để ngắm cho thư thái vừa nuôi dưỡng tinh thần.

Bạch Cơ không biết nên trồng hoa gì và trồng thế nào, nên gọi Nguyên Diệu và Ly Nô đến bàn bạc.

Nguyên Diệu vốn chẳng rành việc trồng hoa, nhưng nhớ lại trong vườn nhà ở Tương Châu có giàn hoa tử đằng, mùa xuân hoa rủ xuống như rèm rất đẹp. Hắn nói: "Hay là dựng một cái giàn để trồng hoa tử đằng?"

Ly Nô vốn đã ghét hoa lá cỏ cây, nghe vậy thì làu bàu: "Đồ mọt sách, đến mùa xuân hoa tử đằng rụng đầy phấn, cánh hoa rơi lả tả khắp nơi. Ngươi có chịu khó quét dọn không?"

Nguyên Diệu ấp úng, không dám nói thêm.

Bạch Cơ hỏi: "Ly Nô, vậy ngươi nói nên trồng hoa gì?"

Ly Nô suy nghĩ một lúc rồi trả lời: "Chủ nhân, theo ý ta thì trong vườn đã có cây đào của A Phỉ rồi, không cần trồng thêm hoa gì nữa. Nếu người nhất định phải trồng thì chi bằng đào một cái ao nuôi sen, vừa đẹp vừa là loài hoa Phật. Ao còn có thể nuôi cá."

Nguyên Diệu vội nói: "Ly Nô, đào ao là cả một công trình lớn, sau này lại phải thường xuyên dọn dẹp, không bằng trồng hoa tử đằng cho gọn."

Ly Nô phản đối: "Nuôi cá trong ao còn có thể nuôi cá chép, cá trắm, cá chẽm, cá rô... nuôi béo tốt thì khỏi phải mua ở chợ mỗi ngày."

Nguyên Diệu nói: "Ao nuôi cá thì cũng chỉ nên nuôi cá cảnh như cá chép thôi. Ai lại nuôi cá ăn được trong ao bao giờ?"

Ly Nô bực bội trả lời: "Ngươi lắm chuyện quá, dù sao cũng là cá, nuôi loại nào cũng vậy thôi."

Bạch Cơ bèn nói: "Đào ao trồng sen thì quá phiền, dựng giàn hoa tử đằng cũng rắc rối, chẳng cái nào ổn cả."

Nguyên Diệu hỏi: "Vậy làm sao bây giờ?"

Bạch Cơ suy nghĩ rồi nói: "Hồ Thập Tam Lang rất thích hoa cỏ, lại giỏi trồng cây và thiết kế vườn. Hay là mời Thập Tam Lang đến hỏi ý kiến hắn rồi quyết định sau."

Nguyên Diệu không phản đối.

Ly Nô tuy rất muốn phản đối nhưng lại không dám.

Thế là Bạch Cơ sai Ly Nô đến núi Thúy Hoa mời Hồ Thập Tam Lang đến Phiêu Miểu Các, dặn dò Ly Nô phải lễ độ và không được đánh nhau với Hồ Thập Tam Lang.

Ly Nô đi núi Thúy Hoa mời Hồ Thập Tam Lang, mãi đến chạng vạng mới trở về. Lúc về, Ly Nô chỉ có một mình, trên người có vết cào xước, khoé miệng còn dính vài sợi lông đỏ của hồ ly.

Vừa về đến nơi, Ly Nô lập tức trốn vào bếp nấu cơm, Nguyên Diệu không dám hỏi gì. Mãi đến khi dùng bữa tối Bạch Cơ mới hỏi về Hồ Thập Tam Lang. Lúc này,Ly Nô mới ấp úng trả lời: "Chủ nhân, ta và con hồ ly thối đó đi giữa đường thì lạc nhau, chắc nó sẽ đến muộn một chút."

Nguyên Diệu vừa nghĩ cũng đoán được là Thập Tam Lang đã đánh nhau rồi nên mình mới phải chạy về trước, không biết Thập Tam Lang có bị thương nặng không. Ly Nô chắc chắn đã chạm trán với Hồ Thập Tam giữa đường rồi. Không biết Hồ Thập Tam ra sao nữa.

Bạch Cơ nghiêm mặt nói: "Ly Nô, những lúc khác ta mặc kệ nhưng bây giờ Thập Tam Lang là khách ta mời đến để trồng hoa. Ngươi không được vô lễ với hắn! Nếu hắn đến, mà ngươi lại gây sự, dù ai khơi mào trước thì ngươi sẽ bị cấm không được ăn cá khô suốt một trăm năm!"

Con mèo đen cụp tai xuống, ỉu xìu nói: "Vâng, thưa chủ nhân. Ai bảo con hồ ly đáng ghét đó biết trồng hoa còn Ly Nô thì không biết, thôi thì chịu đựng nó vài ngày vậy."

Bạch Cơ mỉm cười khen ngợi: "Phải rộng lượng mới là con mèo tốt."

Nghe được lời khen của Bạch Cơ, Ly Nô vui trở lại, bèn bắt đầu ngon lành thưởng thức món cá hấp.

Không hiểu sao, đã đợi nhiều ngày liền mà vẫn không thấy Thập Tam Lang đến.

Nguyên Diệu nói: "Ly Nô lão đệ, chẳng lẽ Thập Tam Lang giận ngươi nên không đến Phiêu Miểu Các trồng hoa nữa? Hay là ngươi thử lên núi Thúy Hoa một lần gặp hắn xin lỗi, rồi mời hắn lại lần nữa?"

Ly Nô lập tức quát: "Gia không đi đâu! Gọi con hồ ly thối đó đến Phiêu Miểu Các trồng hoa là nể mặt hắn rồi, hắn không đến thì đúng là được voi đòi tiên!"

Bạch Cơ nói: "Thập Tam Lang không phải người hẹp hòi, hắn sẽ không vì một trận ẩu đả với Ly Nô mà không chịu đến đâu. Có lẽ trên đường có chuyện gì đó làm chậm trễ, chúng ta đợi thêm vài ngày nữa xem."

Thế là Bạch Cơ, Nguyên Diệu và Ly Nô vừa sống ngày qua ngày, vừa chờ đợi Thập Tam Lang. Nhưng đã nhiều ngày trôi qua nhưng Thập Tam Lang vẫn chưa đến.

Sáng hôm đó, không có việc gì làm, Bạch Cơ nhìn ra khu vườn xanh mướt, định trồng vài khóm mẫu đơn.

Giữa ngày hè oi bức, Bạch Cơ lười ra ngoài nên sai Nguyên Diệu đi mua giống hoa.

Nguyên Diệu đành gác lại việc đọc sách ra ngoài đi mua hoa.

Chợ Tây không có bán giống hoa, chỉ có hoa ở chợ Đông. Nguyên Diệu đành phải đội nắng gắt đi bộ đến chợ Đông.

Chợ Đông cũng như chợ Tây, thương nhân tấp nập, các quán xá san sát, hàng hóa đa dạng, và rất nhộn nhịp. Tuy nhiên, chợ Đông chủ yếu phục vụ cho giới quan lại, đa phần là các cửa hàng do người Hán kinh doanh nên khá ngăn nắp. Còn chợ Tây phục vụ dân thường, nơi các thương nhân từ nhiều nước tụ họp nên hơi hỗn tạp.

Nguyên Diệu đến chợ hoa, thấy nhiều người làm vườn và nông dân bán đủ loại giống hoa, hạt giống, cũng như chậu hoa, cuốc hoa, phân bón.

Nguyên Diệu mua một cây mẫu đơn đỏ từ một người nông dân, người này còn tặng hắn một chậu đất, và cẩn thận trồng sẵn cây mẫu đơn vào chậu.

Không có việc gì làm, thời gian còn sớm, Nguyên Diệu bèn ngồi lại nói chuyện với mấy người làm vườn để học hỏi kinh nghiệm. Họ rất nhiệt tình chỉ cho hắn cách chăm sóc mẫu đơn, còn dạy hắn trồng hoa vào thời điểm nào trong năm và vị trí nào trong vườn là phù hợp.

Ngày hè dài, mọi người lại bàn về vườn nhà của các bậc quan lại trong thành Trường An, nơi nào đẹp nhất. Do thỉnh thoảng họ được thuê đến các gia đình quyền quý để sắp xếp, trồng thêm hoa cỏ, nên họ khá rành rẽ vườn nhà của những gia đình giàu có trong thành. Người thì nói vườn phủ Thái Bình, người thì bảo vườn nhà Tể tướng, có người lại khen vườn nhà Võ hầu, kẻ khác lại nói vườn nhà Thân vương đẹp nhất, ai cũng có lý riêng, khó mà phân định.

Người nông dân đã bán cho Nguyên Diệu cây mẫu đơn lên tiếng: "Nếu nói về thiết kế vườn tỉ mỉ và bày trí xa hoa thì tất nhiên là vườn nhà quý tộc đẹp nhất. Nhưng nếu nói về nhiều hoa, đẹp hoa, thì phải kể đến vườn của Hoàng tiên sinh ở phường Khúc Trì là nhất."

Nghe vậy, mọi người đều đồng tình.

Nguyên Diệu không biết Hoàng tiên sinh là ai, mọi người bèn giải thích cho hắn.

Hầu hết những người làm vườn ở thành Trường An đều biết đến Hoàng tiên sinh ở phường Khúc Trì. Ông ta rất yêu thích hoa, trong vườn nhà ông trồng rất nhiều loài hoa quý hiếm, hầu như loại nào cũng có, thậm chí còn có những giống hoa kỳ lạ mà ít ai biết tên.

Hoàng tiên sinh là một lão già trầm tính, ít nói, hầu như ngày nào cũng ở lì trong nhà, phần lớn thời gian dành để chăm sóc vườn hoa của mình. Hoa giống của ông nổi tiếng khắp nơi, ai cũng tranh mua, nhưng ông bán hay không là tùy hứng. Khi vui ông mới bán một ít, còn không thì dù có bao nhiêu tiền cũng khó mà mua được giống hoa quý của ông.

Không có nhiều người từng được vào thăm khu vườn của Hoàng tiên sinh, nhưng ai đã từng thấy đều khẳng định rằng vườn hoa ấy đẹp như tiên cảnh, đủ sắc hoa nở rộ, đẹp không tả nổi.

Nghe vậy, Nguyên Diệu cảm thấy lòng đầy mơ mộng. Hắn nghĩ nếu Thập Tam Lang không đến Phiêu Miểu Các nữa thì có thể đề nghị Bạch Cơ đi tìm Hoàng tiên sinh, mời ông đến bày biện lại khu vườn sau, tiện thể mua thêm vài giống hoa quý. Tuy nhiên, hành tung của Hoàng tiên sinh rất thất thường, khó mà mời được. Nhưng Bạch Cơ cũng không tầm thường, nếu nàng muốn thì chắc chắn sẽ có cách.

Nguyên Diệu trò chuyện vui vẻ với mấy người làm vườn, một người thấy hắn thân thiện, bèn tặng cho hắn một cây hoa nhỏ không rõ tên, trồng cạnh cây mẫu đơn.

Nguyên Diệu cúi xuống nhìn, thấy đó là một cây xanh nhỏ với những bông hoa màu xanh dương, trông giống như chiếc mũ cỏ nhỏ xinh. Kiến thức về hoa của Nguyên Diệu có hạn, nên không nhận ra đó là loài hoa gì.

"Hoa gì đây? Trông dễ thương quá." Nguyên Diệu cười hỏi.

Người làm vườn trả lời lại bằng một nụ cười: "Không rõ, sáng nay ta nhặt được bên đường ở Khúc Trì. Gốc cây này đã đứt rễ, không biết có sống nổi không, thôi thì tặng ngươi vậy."

Thì ra ngay cả người làm vườn cũng không biết tên loài hoa mũ cỏ này!

Nguyên Diệu cảm ơn rồi nhận lấy.

Thấy trời đã không còn sớm, Nguyên Diệu ôm chậu hoa rời đi.

Trên đường về Phiêu Miểu Các, đột nhiên hắn nghe thấy giọng nói của ai đó, giọng nam trầm vang lên:

"Ôi! Cuối cùng cũng thoát ra được! Nhưng với bộ dạng thế này thì chẳng biết làm sao về nhà."

Giọng nói vang ngay bên tai, Nguyên Diệu ngó quanh nhưng không thấy ai cả.

Hắn còn đang băn khoăn, thì bỗng thấy cây hoa mũ cỏ trong chậu hoa rung rinh theo gió, cố vùng vẫy ra khỏi lớp đất.

Cây hoa mũ cỏ thở dài rồi bất chợt bật khóc.

"Hu hu... Làm sao đây, chẳng thể về nhà được nữa rồi..."

Nguyên Diệu nhìn chằm chằm vào cây hoa mũ cỏ, còn cây hoa thì ngẩng bông hoa nhỏ lên, nhìn lại hắn.

"Là... ngươi đang nói chuyện sao?!" Nguyên Diệu sửng sốt hỏi.

"Chết rồi! Bị phát hiện rồi! Chắc chắn sẽ bị bắt lại!" Cây hoa mũ cỏ hoảng hốt, bèn nhảy ra khỏi chậu đất chạy thật nhanh.

Nguyên Diệu ngơ ngác nhìn theo bóng dáng cây hoa mũ cỏ đang chạy xa dần, miệng há hốc.

Chẳng lẽ đó là yêu hoa? Nhưng tại sao nó lại bỏ chạy? Nguyên Diệu từng gặp nhiều yêu hoa, yêu cây nên không thấy sợ, nhưng lần này lại cảm thấy bối rối. Hắn cúi xuống nhìn cây mẫu đơn, thấy nó không có dấu hiệu gì muốn chạy trốn, bèn thôi không nghĩ ngợi về cây hoa mũ cỏ nữa mà tiếp tục trở về Phiêu Miểu Các.

Vừa bước vào con hẻm, từ xa hắn đã thấy trước cổng Phiêu Miểu Các có một thứ gì đó bị treo lơ lửng. Lại gần nhìn kỹ, Nguyên Diệu giật mình nhận ra đó là một con hồ ly lông màu hạt dẻ. Nhìn kỹ hơn hắn nhận ra đây chính là Lật, tứ ca của Thập Tam Lang.

Lật thấy Nguyên Diệu ngước lên nhìn mình thì bèn tức tối gắt: "Nhìn cái gì mà nhìn! Chưa thấy hồ ly bao giờ à?!"

"Ơ! Lật huynh, sao huynh lại bị treo trước cổng Phiêu Miểu Các nữa rồi?!" Nguyên Diệu ngạc nhiên hỏi.

Nghe Nguyên Diệu hỏi vậy, Lật bèn cảm thấy nhói đau trong lòng, cố gắng gượng đứng dậy mà gào lên: "Tên rồng thối tha! Phiêu Miểu Các chỉ là một nơi tàn ác, giết người không gớm tay, đến cả xương hồ ly cũng không tha! Tội nghiệp Thập Tam ngốc nghếch bị các ngươi lừa gạt, giờ đã chết thảm ở đây đến xác cũng chẳng thấy, oan ức mà chẳng biết kêu ai! Nay ta đến tìm huynh đệ, ngươi lại sợ hãi, bám vào thế lực mà treo ta lên ngoài cổng! Có giỏi thì giết ta đi, nếu không khi ta trở thành Cửu Vĩ Hồ Vương, nhất định sẽ dẫn tộc hồ dẫm nát Phiêu Miểu Các, chém rồng, giết mèo, báo thù cho Thập Tam!"

Nguyên Diệu đứng ngây người, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Con mèo đen nghe Lật chửi ngoài cửa bèn phóng ra ngoài, rất giận dữ nhảy vọt lên rồi cào Lật một cái.

"Nín ngay! Còn la hét nữa ta ăn ngươi luôn bây giờ!" mèo đen gầm gừ.

Lật cố chịu đau, vẫn cứng miệng: "Chỉ là một con mèo mà dám doạ ăn ta? Ngươi không sợ nói lớn quá gió làm lật lưỡi à!"

Mèo đen tức giận, dựng đứng lông, bật bộ móng sắc bén ra, lại định nhảy lên cào.

Nguyên Diệu vội can ngăn, nói: "Ly Nô lão đệ, đừng tức giận nữa. Lật huynh, ngươi cũng nói ít lại. Ai có thể nói cho ta biết rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra không?"

Không biết từ lúc nào, Bạch Cơ đã xuất hiện, nghe Nguyên Diệu hỏi bèn trả lời: "Hiên Chi không biết đâu, con hồ ly này chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, bỗng nhiên đến Phiêu Miểu Các gây rối, buộc tội chúng ta giết Thập Tam Lang. Ta còn đang chờ Thập Tam đến để trồng hoa, mà nó không nghe cứ ầm ĩ mãi, ta đành treo nó lên. Thế nhưng treo rồi vẫn còn la hét, chẳng được yên tĩnh chút nào."

Ly Nô tức giận nói: "Chủ nhân, không cần phải khách sáo đối với những con hồ ly hoang vô lễ như thế này. Theo ý ta thì nếu nó còn tiếp tục gây sự, chi bằng ném nó vào lồng hấp, để lửa to một lúc, đảm bảo nó sẽ im lặng ngay."

Lật nghe vậy thì mặt hơi tái đi, đột nhiên im lặng.

Nguyên Diệu nói: "Lật huynh từ trước đến nay không vô duyên vô cớ đến Phiêu Miểu Các, hẳn có hiểu lầm gì đó. Chi bằng các ngươi thả Lật huynh xuống, chúng ta vào trong ngồi nói chuyện rõ ràng."

Lật trả lời: "Cuối cùng cũng có người biết nói lý lẽ, không như rồng hay mèo kia, vốn đã không phải người nên làm gì cũng chẳng ra dáng người."

"Ngươi..." Ly Nô tức giận, định xông tới cào.

Bạch Cơ nhìn Ly Nô ra ý ngăn lại.

Nguyên Diệu nói: "Lật huynh cũng phi nhân, thôi nói ít lại đi."

Bạch Cơ không vui, nói: "Vào trong rồi nói."

Sợi dây ngay lập tức đứt, con hồ ly rơi xuống đất, đau đến rên lên.

Trong căn phòng, ba người Bạch Cơ, Nguyên Diệu và Lật ngồi quanh chiếc bàn ngọc xanh, trong khi Ly Nô đứng một bên, mắt không rời khỏi Lật.

Lật kể: "Thập Tam lâu rồi không về nhà cũng chẳng có tin tức gì. Mấy ngày trước phụ thân ta mơ thấy Thập Tam đã chết, trong mơ Thập Tam đến khóc lóc tạm biệt, vô cùng đau đớn. Phụ thân ta có khả năng thông linh, những giấc mơ của ông xưa nay đều mang tính dự báo. Sau khi tỉnh dậy ông rất bất an, sai người đi dò hỏi tung tích của Thập Tam. Cuối cùng phát hiện Thập Tam đã mất tích chẳng rõ đã đi đâu. Thập Tam là đứa con hiếu thảo, dù có ham chơi rời khỏi Trường An cũng không thể không để lại lời nhắn, khiến phụ thân lo lắng. Nghĩ đi nghĩ lại, lần cuối mọi người thấy Thập Tam là khi nó rời núi Thúy Hoa với con mèo đen kia, nói là đến Phiêu Miểu Các trồng hoa. Nhưng những người điều tra không phát hiện Thập Tam có ở đây, chẳng phải rất kỳ lạ sao? Phụ thân ta xưa nay làm việc thận trọng, sợ đắc tội người khác nên không dám đến Phiêu Miểu Các hỏi thăm khi chưa có chứng cứ rõ ràng. Ta biết chuyện bèn đến hỏi trước. Thập Tam rõ ràng đã rời đi và con mèo đen này, các ngươi lại từ chối không nhận, chẳng phải rất đáng ngờ sao? Có khi Thập Tam đã bị các ngươi sát hại, xương hồ ly của nó còn đang chôn trong Phiêu Miểu Các cũng nên!"

Bạch Cơ nói: "Ta đã phái Ly Nô lên núi Thúy Hoa mời Thập Tam Lang đến Phiêu Miểu Các mấy ngày trước, nhưng mãi mà nó không đến, chúng ta cũng đang đợi. Vô duyên vô cớ sao chúng ta lại giết Thập Tam Lang chứ?"

Lật nói: "Thập Tam có bộ lông hồ ly đẹp lắm, có lẽ ngươi tham lông cáo của nó nên ra tay giết hại nó. Thập Tam ngốc nghếch tự mình đến đây dâng lông cáo cho ngươi."

Bạch Cơ không khỏi bực mình, nhưng lại cười nói: "Xem ngươi nói kìa. So với lông cáo đỏ thì ta lại thích lông cáo màu hạt dẻ hơn. Năm nay Trường An chuộng màu hạt dẻ, lông cáo màu này bán được giá cao lắm đấy."

Lật nghe mà lạnh sống lưng, không dám nói thêm.

Nguyên Diệu lo lắng nói: "Thập Tam Lang mất tích rồi, giờ phải làm sao đây? Liệu nó có gặp nguy hiểm gì không?!"

Bạch Cơ cũng có hơi lo lắng, nói: "Ta cũng thắc mắc sao Thập Tam Lang mãi không đến Phiêu Miểu Các, hóa ra là mất tích à."

Ly Nô suy nghĩ một lát rồi nói: "Không thể nào! Con hồ ly ngốc đó tuy không sánh bằng chủ nhân nhưng cũng không đến nỗi yếu đuối đến nỗi gặp nguy hiểm. Hơn nữa, ở Trường An này ai dám động đến Cửu Vĩ Hồ chứ. Có khi nào con hồ ly đó lại chạy đi đâu chơi, rồi mải chơi quên cả báo tin về nhà không?"

Lật phản bác: "Không thể nào, Thập Tam tuyệt đối không vô tâm như thế. Mất tích đã hơn nửa tháng, không một tin tức, khiến mọi người lo lắng."

Bạch Cơ nói: "Nói cho cùng Thập Tam Lang mất tích cũng là do đến Phiêu Miểu Các giúp đỡ. Nếu không biết thì thôi, giờ đã biết thì ta không thể bỏ mặc. Lật về nói với lão hồ vương rằng ta sẽ giúp tìm Thập Tam Lang. Có tin gì ta sẽ cho Ly Nô lên núi Thúy Hoa báo cho lão hồ vương."

Lật suy nghĩ một hồi, rồi đồng ý.

Lật rất ghét ở lâu tại Phiêu Miểu Các nên cáo từ rời đi.

Sau khi Lật đi, Bạch Cơ, Nguyên Diệu và Ly Nô và bàn bạc về tung tích của Thập Tam Lang.

Bạch Cơ hỏi: "Ly Nô, hôm đó ngươi và Thập Tam Lang đã xảy ra chuyện gì trên đường? Có phải ngươi đã làm gì nó không?"

Ly Nô vội trả lời: "Chủ nhân, hôm đó con hồ ly ngốc đó và Ly Nô đến Phiêu Miểu Các, như mọi khi chúng ta cãi nhau rồi đánh nhau. Ly Nô không giết nó, dù đã cắn và cào nó vài cái nhưng nó cũng cắn và cào Ly Nô lại. Xem như hòa nhau. Sau trận đánh, chúng ta không muốn đi chung, nó nói sẽ tự mình đến Phiêu Miểu Các. Ly Nô nghĩ nó đâu có lạ đường nên đã về trước. Ly Nô tuyệt đối không giết con hồ ly ngốc đó, việc nó mất tích chẳng liên quan gì đến Ly Nô cả!"

Nguyên Diệu lên tiếng: "Dù sao cũng có liên quan một chút. Nếu ngươi không đánh nhau với Thập Tam Lang, không bỏ nó mà đi thì nó đã không mất tích rồi."

Ly Nô trừng mắt nhìn Nguyên Diệu, nói: "Câm miệng!"

Nguyên Diệu cứng họng, không dám nói thêm.

Bạch Cơ nói: "Hiên Chi nói đúng. Thập Tam Lang mất tích là lỗi của ngươi. Ngươi đi tìm nó đi, từ giờ đến khi tìm thấy không được ăn khô cá thơm."

Ly Nô nhăn mặt nói: "Chủ nhân, Trường An rộng lớn thế này, Ly Nô biết tìm con hồ ly ngốc đó ở đâu? Chưa kể có khi nó bị bắt cóc rồi bị bán cho bọn giang hồ để làm trò diễn xiếc rồi cũng không chừng. Trời đất bao la, chẳng lẽ Ly Nô phải lặn lội tìm khắp chân trời góc bể sao?!"

Bạch Cơ nghiêm nghị nói: "Ly Nô, không được chối bỏ trách nhiệm! Việc tìm Thập Tam Lang, ta giao cho ngươi."

"Vâng, chủ nhân." Ly Nô uất ức nhận lệnh.

Sau bữa tối, Ly Nô bèn ra ngoài tìm Thập Tam Lang.

— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.