Ở Rể

Chương 30: Đàm tiếu



Xe ngựa rời khỏi Tô phủ, Tống Mậu vén rèm lên nhìn gió tuyết bên ngoài, sau đó quay đầu bảo Tống Khai kiểm tra lại tặng phẩm lần nữa cho kỹ.

- Viên nhân sâm lần trước mua được... tiếp đó là bức tranh chữ của bậc thầy Lâm Phủ Đồng viết.... À, nhân sâm để qua một bên, không cần quá để ý. Tần sư phụ thích nhất là tranh chữ nên chắc chắn sẽ ưa thích bức tranh này...

Tống Khai đi theo Tống Mậu đã nhiều năm, là một người cẩn thận chu đáo, những việc này đã được phân phó từ trước nên khó mà có sai sót gì. Sở dĩ Tống Mậu bảo hắn kiểm tra lại là vì rảnh không có việc gì làm. Nghĩ tới cuộc đối thoại cùng Tô Văn Hưng vừa rồi làm y có chút cảm khái. Người cháu ngoại này năng lực không đủ, tầm nhìn hạn hẹp làm y ngán ngẩm. Hiện tại cũng chẳng có chút hy vọng gì.

Mặc dù Tống Mậu và Tô gia qua lại khá gần gũi, nhưng y đối với người cháu ngoại này không có bao nhiêu tình cảm máu mủ ruột thịt. Bản thân y và cô em họ đang làm nhị phu nhân Tô phủ cũng chẳng qua lại nhiều. Trước đây lúc trở mình, Tô gia đầu tư lượng lớn tiền của giúp đỡ y trong lúc khó khăn, ơn nghĩa này vẫn luôn ghi nhớ ở trong lòng, nhưng đó chỉ là đối với Tô thái công và Tô gia nói chung mà thôi.

Thời gian qua đi, bây giờ y đã là tri phủ Tri Châu. Tô phủ ngày trước xem như là trợ lực quan trọng sau lưng y, nhưng hiện tại cũng chỉ là thêu hoa dệt gấm mà thôi. Tương lai nếu chi thứ Tô gia có thể lên nắm quyền, việc này sẽ mang lại cho y ít nhiều lợi ích, nhưng kỳ thật cũng chẳng có bao nhiêu ý nghĩa. Dù sao Tô Văn Hưng và y là bà con thân thích, nếu Tô Văn Hưng có thể nắm giữ Tô gia, lợi ích của mọi người sẽ cùng tăng lên một chút. Mặc dù trên thực tế, với tư chất của người cháu trai này, ai biết hắn có thể quản được Tô gia hay không. Ngày sau nói không chừng còn làm liên luỵ đến chính mình.

Nếu như Tô Đàn Nhi nắm giữ Tô Gia, cô bé này vừa có năng lực lại hiểu được thời thế, với thân phận ở Tri Châu của y, đối phương nhất định sẽ cố gắng nịnh bợ. Cho nên trên thực tế nguồn trợ lực này cũng không có nhiều thay đổi. Mà bởi vì sự hiện hữu của mình, nếu không lấy được quyền quản lý Tô gia thì muội muội và cháu trai vẫn giữ được thân phận, có chút quyền hành, không lo chuyện cơm áo vì mối quan hệ giữa mình và Tô gia. Việc này đối với người không đủ năng lực như Tô Văn Hưng chưa hẳn đã là không tốt.

Trong đầu y đang do dự không biết nên lựa chọn như thế nào. Đương nhiên hiện tại Tô lão thái công còn khỏe mạnh nên luôn quan tâm giữ gìn quan hệ trong gia tộc, thân thiết gần gũi với muội muội và cháu trai.

Danh tiếng của khúc Thủy Điệu Ca Đầu kia y đã sớm nghe qua, tuy nhiên tin tức gần đây nghe được lại có chút kỳ lạ. Nếu thật là loại mua danh chuộc tiếng, Tống Mậu sẽ vì thỉnh cầu của cháu trai, thuận tay đem việc này vạch trần. Chuyện này để buổi tối rồi tính, y xem qua quà tặng một chút, lắc lắc đầu, ném chuyện này qua một bên.

Nhìn vẻ mặt của y, Tống Khai bên cạnh cười đưa danh sách quà tặng qua:

- Lão gia, Tần Công từ quan đã nhiều năm, nhưng gần đây nghe nói thế cuộc phương Bắc rất phức tạp, Kim Liêu giao tranh không ngừng. Nghe phong phanh Triều đình muốn mời Tần Công phục chức, lão gia thấy Tần công có đồng ý không ?

Tống Mậu lắc đầu, ngừng một lát rồi nói :

- Sợ là rất khó. Việc ngày đó Tần sư phụ rời đi còn có nhiều uẩn khuất. Chuyện hòa ước Hắc Thủy (1), tất cả tội danh đều do một mình ông gánh chịu, mà thực ra là chịu tội thay cho người khác. Nếu bình thường có lẽ còn có thể, nhưng với tình thế hiện nay việc phục chức lại e rằng rất khó...

Mấy trăm năm gần đây, quốc lực Vũ triều suy yếu. Người Liêu liên tục xâm phạm biên giới, Vũ triều đã lần lượt cầu hòa hai lần. Ký hiệp ước khiến cho người người phẫn nộ. Sáu mươi năm trước hòa ước Thiền Uyên(2) trao lại chủ quyền một cách nhục nhã, việc này hầu như chặt đứt ý chí và khả năng thu hồi mười sáu Châu U Vân của Vũ triều. Rồi sáu năm trước với hòa ước Hắc Thủy, cống phẩm đáng ra phải bị loại bỏ thì ngược lại tăng lên gấp hai lần, việc này giống như đâm một nhát thật sâu vào trái tim của bao nhiêu nhân sĩ yêu nước.

Ngày đó Liêu quân nam hạ. Lúc bấy giờ, Lại bộ thượng thư là Tần Tự Nguyên kiên quyết chủ chiến, thậm chí ông còn đích thân ra tiền tuyến để đốc chiến. Nhưng sau đó chiến trận ở tiền tuyến liên tiếp lâm vào thế bất lợi, phái chủ hòa chiếm lợi thế. Sau khi Triều Đình quyết định nghị hòa, Tần Tự Nguyên vốn đã nản lòng thối chí, từ tiền tuyến rong ngựa suốt đêm chạy về kinh tiếp nhận sứ mạng đi nghị hòa.

Nghe nói, ngày hôm đó lúc ông đi lên Kim Loan điện, chiến bào trên người vẫn chưa cởi, râu tóc rối loạn, dáng vẻ phong trần, giáp trụ tàn tạ, trên tay còn thụ thương trông cực kỳ bi tráng. Mọi người tưởng rằng ông sẽ lấy cái chết để can gián, một vị quan mới nhậm chức khi đó vội vàng bảo người giữ ông ấy lại, ai ngờ ông không hề phản ứng mà lại xin gánh vác trách nhiệm nghị hòa– cái việc cầu xin đáng xấu hổ này.

Trong triều tất nhiên cũng có người lên tiếng phản đối, nói ông ở tiền tuyến đốc chiến không tốt, sao có thể gánh vác trọng trách nghị hòa. Đây rõ ràng là muốn phá rối từ bên trong, phá vỡ kế hoạch nghị hòa. Nhưng chỉ cần là người hơi hiểu biết đều hiểu, mấy trận chiến thất bại đó đều không hoàn toàn do vị thượng thư này. Sau khi thảo luận hai ngày, triều đình thật sự giao trách nhiệm nghị hòa cho ông.

Sau đó tổng động viên toàn Hắc Thủy đóng góp, vì cống phẩm hằng năm gần như lại tăng lên gấp bội. Thế nhưng suy xét đến tình cảnh của Vũ Triều, người Liêu đồng ý nếu tiền bạc vải vóc không đủ có thể thay thế bằng gốm sứ, trân châu. Giờ đây hòa ước Thiền Uyên đã được mười hai năm, Liêu quốc trở nên hưng thịnh, nhu cầu đối với những vật phẩm này cũng nhiều hơn. Sau khi đàm phán đạt thành, tuy lúc ấy các quan viên khác không có ý truy tội ông, nhưng Tần Tự Nguyên đã tâm tàn ý lạnh, nhận hết tránh nhiệm về thất bại trong trận chiến và trách nhiệm nghị hòa. Sau khi ngồi xong một tháng trong thiên lao, ông buồn bã từ quan ra đi, cũng không trở về quê cũ mà chỉ nói : "Ta đã mang tiếng xấu ngàn đời, không còn mặt mũi về quê quán gặp mọi người." Rồi ẩn cư ở Giang Ninh. Cho đến hôm nay vẫn chưa rời khỏi.

-... Cho dù triều đình có thật sự mời sư phụ nhận lại chức, nhưng với tâm tính của người trong mấy năm gần đây…chắc sẽ không xuất thế đâu.

Tống Mậu nghĩ đến rồi lắc đầu, trong xe yên lặng chốc lát, Tống Khai bỗng nghĩ ra điều gì, nhỏ giọng nói :

- Lão gia, nghe nói Tần công năm đó rất có khả năng, nhiều lúc làm việc không câu nệ tiểu tiết, nhưng xưa này chưa ai dám dùng việc đó để phê bình ông ấy. Những năm gần đây, Kim Liêu tranh đấu không ngừng, tiểu nhân nghe một vài người nói : chuyện hòa ước Hắc Thủy là do năm đó triều đình nhìn thấy Kim quốc ngày càng hưng thịnh, lại nhiều lần xin được buôn bán với Liêu quốc không thành, vậy nên trù tính lấy một lượng lớn hàng quý hiếm làm mồi nhử, dẫn động hai nước tranh đấu. Trước hòa ước Hắc Thủy vài năm, giữa hai nướcTống Kim đều ngầm có trao đổi hàng hóa. Sau hiệp định Hắc Thủy sáu năm trước, triều đình không chỉ tiến cống Liêu quốc mà còn lén lút đưa đi một lượng lớn đồ sứ quý báu, thậm chí là son phấn đến Kim quốc. Có người nói, triều đình còn tuyển chọn một số đồ vật trong cung để tặng ra ngoài. Đến năm thứ hai, phân nửa.."

Tống Mậu nhíu mày:

- Việc này ngươi nghe ai nói?

- Trong nhà Tứ thiếu gia từng có lần đàm luận với người ta về việc này, đây là suy đoán của riêng bản thân Tứ thiếu gia...

- Lão tứ!

Tống Mậu thở dài.

- Lấy nguồn lực của cả quốc gia để châm ngòi một canh bạc lớn . Cách nghĩ này thực sự quá hoang đường, không lo làm việc đàng hoàng, cả ngày chỉ biết ngồi đoán mò... Nhưng dù việc này là đúng hay sai cũng không được nói với người khác đấy

- Tiểu nhân hiểu rõ.

Trong lúc nói chuyện, xe ngựa cũng đã đến nơi. Thật ra Tống Mậu và Tần Tự Nguyên không phải là quan hệ thầy trò. Chỉ là năm đó Tần Tự Nguyên quản lý Bộ Lại, có ít quan hệ với Tống Mậu. Sau khi đối phương từ chức, vì hòa ước Hắc Thủy nên không nhiều người tiếp tục qua lại với Tần Tự Nguyên, nhưng chỉ cần tới Giang Ninh Tống Mậu đều luôn lấy thân phận đệ tử đến đây một chuyến.

Theo quan niệm sống của y, mấy thứ thêu hoa dệt gấm không bằng giúp người khi hoạn nạn. Hai người con trai Tần Tự Nguyên hiện nay ở trong quan trường, tuy chức nhỏ hơn tứ phẩm nhưng Tần Tự Nguyên ngày đó đã gánh tội thay cả một nhóm người. Có ông sau lưng, tương lai bọn họ nhất định sẽ được trọng dụng, đặc biệt trong tình huống hiện nay, vài năm nữa việc Tần Tự Nguyên phục chức cũng không phải là chuyện không có khả năng.

Sau khi ẩn cư GiangNinh, Tần Tự Nguyên sống đạm bạc trong một cái thư hương tiểu viện đơn sơ. Tống Mậu dùng thân phận đệ tử đưa danh thiếp, sau một lát liền được mời vào. Khi y tiến vào mới nhận ra trong này đang có một vị khách khác. Người này ăn mặc cầu kỳ, tuy Tống Mậu chưa bao giờ gặp qua nhưng y đoán thân phận của người này chắc không tầm thường. Sau khi Tần Tự Nguyên giới thiệu, Tống Mậu mới biết được thận phận của đối phương.

Thành Quốc phò mã công chúa - Khang Hiền, Khang Minh Doãn. Người này mặc dù trong triều đình không lớn, nhưng ông là dượng của đương kim thánh thượng, ở trong giới nhà nho lại rất có danh tiếng. Nếu có thể làm quen, đối với con đường làm quan của Tống Mậu tất nhiêu là có nhiều trợ giúp. Tống Mậu liền vội vàng lấy lễ học trò chào hỏi.

Trước đây Tần lão và người học trò này cũng không có nhiều quan hệ, nhưng mấy năm gần đây Tống mậu đều đến thăm, đương nhiên cũng thân thiết hơn một chút. Tần Tự Nguyên và Khang Hiền đang thưởng thức tranh chữ, vừa lúc gặp Tống Mậu tới liền kéo vào xem cùng. Tống Mậu được sủng ái mà lo(3), tuy y có chút tài hoa nhưng so với hai người này vẫn còn kém rất nhiều, không dám nói xen vào, chỉ đứng một bên kính cẩn nghe hai người đàm đạo, thỉnh thoảng được hỏi đến Tống Mậu mới mở miệng trả lời. Trong lòng y lúc này đang suy nghĩ :

“Qua mấy ngày nữa có lẽ nên đến thăm phủ thành quốc Công Chúa một chuyến .”

Đang lúc này, có tiếng bước chân ở ngoài truyền vào, sau đó lại nghe thấy giọng tiểu thiếp của Tần công là Vân Nương vang lên:

- Bọn họ đang ở thư phòng xem tranh, công tử lúc này đi vào là thấy... A, đây là...

Tần lão và Khang Hiền đang nghiên cứu một cuộn tranh dài, Khang Hiền vừa chăm chú nhìn vừa thuận miệng nói:

- Hắn tới rồi, không biết có vật nào đáng để lão phu giật mình không …

Tần lão cười cười. Tiếp đó, có người đẩy ra cửa phòng đang khép hờ đi vào.

Người này và khang, Tần hai người rất quen thuộc, y mặc trường bào màu xanh, trên tay mang theo một cái hũ. Điều làm Tống Mậu giật mình chính là, dáng vẻ người này chỉ khoảng hai mươi tuổi. Người ấy tiến tới, tươi cười đang muốn lên tiếng nói chuyện thì thấy Tống Mậu nên cũng hơi ngẩn người. Tống Mậu đoán người này chắc là con cháu của hai người khang, Tần. Y đang muốn tự giới thiệu, Tần lão đã mở miệng :

- Ha ha, Lập Hằng tới rồi, làm quen với nhau một chút, vị này là đệ tử của lão phu trước đây, Tống Mậu - Tống Dư Phồn...

Người trẻ tuổi kia vừa cười vừa chắp tay:

- Tống huynh, rất hân hạnh.

Sau đó Tống Mậu nghe Tần lão nói:

- Dư Phồn, đây là người bạn trẻ của ta và Minh công...

- Ninh Nghị, Ninh Lập Hằng.

khóe mắt Tống Mậu hơi giật, lập tức nở nụ cười chất phác:

- Ninh công tử... Chẳng lẽ là người sáng tác bài “Minh Nguyệt khi nào có” Ninh Nghị, Ninh Lập Hằng? Ha ha, nghe danh đã lâu.

Hàn huyên vài câu, sau đó Khang Hiền tự nhiên hướng Ninh Nghị mở lời.

- Vừa rồi nói có đồ vật tốt đem tới, chẳng lẽ là đồ bên trong cái hũ này?

- Ha ha, dĩ nhiên.

Ninh Nghị đem cái hũ đó đặt trên bàn :

- Đúng lúc có Tống huynh ở đây, hôm nay chúng ta cùng nếm thử trứng muối này nhé.

Khang Hiền hơi sững sờ, sau đó tựa hồ có chút dở khóc dở cười, lắc đầu nói :

- Vừa rồi lão phu còn tưởng sẽ gặp được cái gì kỳ vật, không ngờ chỉ là chút thức ăn. Ninh Nghị tiểu tử này, không phải lão phu khoe khoang, nhưng thiên hạ ngày nay những món điểm tâm lão phu chưa từng nếm qua thật không nhiều, ngươi hôm nay sợ là muốn xấu mặt rồi... Ồ, nhìn hình như là trứng vịt muối, tuy hơi khác nhưng đem nó bóc ra thì vẫn là trứng vịt muối mà thôi, chẳng lẽ lại có thể bóc ra đóa hoa hay sao.

Ninh Nghị cười phá lên :

- Vậy bóc ra đóa hoa cho ông xem...

Tống Mậu đối với trứng ngọt trứng mặn không có nhiều hứng thú, hiện nay y nắm giữ Tri châu, nhưng trước mặt hai người này vẫn luôn giữ ý tứ. Lúc này nhìn thấy mấy người nói cười, lại thấy vị tiểu thiếp Vân nương từ bên ngoài bưng vào một bồn nước sạch và mấy bộ bát đũa. Nhìn có vẻ rất quen thuộc đối với Ninh Nghị. Nghĩ đến cảnh hôm nay chứng kiến ở tàng thư lâu, trong lòng vẫn còn chấn động không ngừng...

-----------------------------------

(1) Hòa ước Hắc Thủy: chưa tìm được chú thích.

(2)Hòa ước Thiền Uyên: Mùa đông năm 1004, quân Liêu xâm phạm bờ cõi Đại Tống, bao vây Doanh Châu ở Hà Bắc rồi mau chóng tiến quân tới tấn công Biện Châu, Thiền Châu, triều đình kinh hãi, phái chủ hòa là bọn Vương Khâm Nhược, Trần Nghiêu Sưu chủ trương thiên đô, riêng Khấu Chuẩn lại chủ trương Chân Tông lâm trận nghênh chiến, phản đối dời đô về phía nam. Tháng 11, Chân Tông tới ngự giá thân chinh ở Thiền Châu (nay là Bộc Dương, Hà Nam). Khấu Chuẩn dùng kế rước vua đứng trên cửa lầu bắc thành Thiền Châu dùng lời lẽ khích lệ đốc chiến, binh sĩ xa gần hô vang như sấm, khí thế gấp bội.Tướng Tống Trương Hoàn Xạ giết chết Chủ Soái quân Liêu là Thát Lãm. Sau đó hai bên thỏa thuận ký minh ước Tống - Liêu ở Thiền Uyên mà sử gọi là Hòa ước Thiền Uyên, buộc quân Khiết Đan

phải lui về phương bắc.

(3) Nguyên văn là thụ sủng nhược kinh: Nôm na là được yêu quá mà sợ.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.