Những Cô Em Gái

Chương 5



Trong lớp chỉ có một mình Hồng Hà biết chỗ ở của tôi. Hôm đó chính nó đã cõng tôi về nhà.

Tất nhiên bác Đán vô cùng kinh hoảng khi thấy tôi nằm vặt vẻo trên vai Hồng Hà như một xác chết:

- Thằng Khoa bị sao vậy hở con?

- Dạ, không... không có gì nghiêm trọng đâu ạ. Bạn Khoa chỉ say chút... chút đỉnh thôi.

- Say? - Bác Đán như không tin vào tai mình - Thằng Khoa uống rượu?

- Dạ, nhưng uống... uống có một tí thôi bác.

- Nó uống với ai vậy hở con?

- Dạ, uống... uống một mình.

Hồng Hà giấu biến sự có mặt đông đủ của thầy trò lớp mười hai C quanh bàn nhậu.

- Thằng nhỏ hư quá!

Tôi nghe tiếng bác Đán thở dài, nhưng không đủ sức để lên tiếng. Và nếu đủ sức, tôi cũng chẳng biết phải bào chữa cho tội trạng của mình như thế nào. Chẳng lẽ tôi bảo mọi chuyện là do thầy Xuân Thu bày ra.

Khi Hồng Hà đã ra về, bác Đán lom khom xốc tôi vào giường, loay hoay thay quần áo, lấy khăn lau mình mẩy rồi lui cui xức dầu bắt gió cho tôi.

Sau bữa đó, Lý Bạch Việt Nam nằm nhà suốt ba ngày, đầu lúc nào cũng nhức như búa bổ.

Bác Đán ngày hai bữa phải mang cơm từ nhà bà Dần về cho tôi.

Hai ngày đầu bác không nói gì. Ngày thứ ba, thấy tôi hơi tỉnh tỉnh, bác mới nhỏ nhẹ khuyên:

- Rượu không giải quyết được gì con ạ. Đừng bắt chước những kẻ lụy vì tình rồi tàn phá đời mình trong men rượu nghe con.

Trời đất, tôi than thầm trong bụng, bác Đán tưởng tôi uống rượu vì thất tình con nhỏ nào. Như vậy thì oan cho tôi quá. Chắc tại mấy hôm nay bác thấy ngoài tụi bạn trai trong lớp, còn có thêm hai con nhỏ thậm thụt đến thăm tôi.

Đó là Minh Hoa và nhỏ Quyên. Cách đây gần một tháng, Minh Hoa có đến chỗ tôi. Nó gọi là đến cho biết nhà. Từ lúc đó đến nay, nó chưa tạt qua chỗ tôi ở thêm một lần nào nữa.

Hai ngày vừa qua không thấy tôi ghé thăm chị em nó, chắc nó linh cảm chuyện gì nên vội vàng đi tìm tôi.

Lần đầu Minh Hoa đến một mình.

Thấy tôi nằm liệt giường, nó lo lắng hỏi:

- Khoa ốm hở?

- Ừ.

Vừa đáp, tôi vừa hồi hộp liếc bác Đán. Bắt gặp ánh mắt năn nỉ của tôi, bác Đán hắng giọng một cái nhưng không nói gì.

- Khoa ốm nặng không? - Minh Hoa nhìn lom lom vào mặt tôi.

Tôi nhắm mắt, phều phào:

- Nặng lắm.

- Khoa bệnh gì vậy?

Tôi nhíu mày:

- Bệnh gì hở? Ờ, ờ, bệnh cúm.

Thấy Minh Hoa đưa tay định sờ trán tôi, tôi lật đật kéo mền trùm kín đầu:

- Đừng... đừng...

Minh Hoa ngạc nhiên:

- Minh Hoa định xem thử Khoa có nóng không ấy mà.

Tiếng tôi vọng ra từ trong mền:

- Không được đâu. Bệnh cúm là chúa hay lây. Minh Hoa chạm vào là nhiễm bệnh liền.

Nghe tôi hù ghê quá, Minh Hoa rụt tay lại:

- Khoa thò đầu ra đi. Minh Hoa không sờ trán Khoa nữa đâu.

Tôi thò đầu ra, thấy Minh Hoa đã buông tay xuống. Nhưng tôi vẫn chưa yên tâm, liền nhăn nhó:

- Minh Hoa lùi chiếc ghế ra xa chút nữa đi!

Minh Hoa tròn xoe mắt:

- Chi vậy?

- Ngồi xa một chút mới an toàn.

Bữa đó, Minh Hoa ngồi trên chiếc ghế tuốt dưới chân giường trò chuyện với "người bệnh". Tôi nằm thu lu trên giường, đầu xoay như chóng chóng để nghĩ cách trả lời hàng mớ những câu hỏi nhiệt tình và đầy lo âu của nó.

Cho đến khi Minh Hoa đứng dậy cáo từ, tôi mới thở phào thoát nạn.

Nhưng tôi chỉ thoát nạn được có mấy tiếng đồng hồ. Minh Hoa vừa ra về buổi trưa, đến tối nó đã nhanh chóng quay lại, lần này dắt theo nhỏ Quyên.

Tôi đành phải tiếp tục đóng vai người bệnh, giọng thều thào như sắp chết đến nơi.

Nhưng lần này, tôi không sợ "lây bệnh" cho nhỏ Quyên. Tôi mong được nó đặt tay lên trán tôi biết bao, mặc dù không hiểu tại sao tôi lại mong như thế.

Nhưng nhỏ Quyên khác Minh Hoa. Nó cũng hỏi thăm đủ thứ về bệnh tình của tôi nhưng không buồn kiểm tra xem tôi có nóng hay không.

Suốt buổi trò chuyện, hai bàn tay trắng muốt, thon dài của nó vẫn đặt trên đùi, tất nhiên là đùi nó, một cách bình thản đến đáng ghét.

Chuyện Minh hoa và nhỏ Quyên ghé thăm tôi chỉ có thế, nghĩa là quanh quẩn chỉ hỏi qua đáp lại, xen kẽ với những lời nhắc nhở chăm uống thuốc, ráng nghĩ ngơi như hỏi đáp giữa bác sĩ và bệnh nhân. Thế mà không hiểu căn cứ vào đâu bác Đán lại nghi tôi đang lụy một trong hai con nhỏ này đến mức "tàn phá đời mình trong men rượu".

Tôi nhìn bác Đán, miệng méo xệch:

- Không có chuyện đó đâu, bác ơi.

Bác Đán không tin:

- Thế sao con lại đi uống rượu?

Câu hỏi vặn của bác làm tôi tắc tị. Tôi không biết phải trả lời sao. Tôi không thể nói sự thật. Tôi không thể khai ra chuyện thầy Xuân Thu rủ học trò trốn học, dẫn học trò vào rạp xi-nê, vào quán nhậu. Tôi sợ bác Đán sẽ xỉu lăn đùng ra giữa nhà.

Thấy tôi ngặm tăm, bác Đán càng tin vào suy đoán của mình. Bác gật gù:

- Chỉ khi đau khổ lắm, con người ta mới uống rượu một mình. Người xưa độc ẩm để công phá thành sầu, con ạ.

Tôi không độc ẩm. Cũng không công phá thành sầu. Nhưng tôi buộc phải làm thinh.

Mắt bác Đán nheo nheo:

- Con bé ghé lúc trưa hôm qua là bạn con?

- Dạ.

- Còn con bé đi theo tối hôm qua là người con đem lòng thương nhớ lâu nay? Là con bé đánh đàn vẫn khiến con tối tối thức làm thơ?

- Không phải đâu, thưa bác.

- Con đừng giấu bác! - Bác Đán lắc đầu - Bác biết, chính là con bé đó.

Bác Đán nói giọng khẳng định khiến tôi ngơ ngác. Nhỏ Quyên quả có làm tôi xao xuyến nhưng đâu tới mức bắt tôi thao thức làm thơ cho nó. Xưa nay tôi chỉ làm thơ cho nàng Stéphanette, chủ nhân giấu mặt của trái tim tôi.

Chắc bác Đán thấy nhỏ Quyên xinh đẹp nên phỏng đoán thế thôi.

Khổ nỗi, bác Đán nói sai, nhưng tôi không dám thanh minh. Tôi không thể một lần nữa khai ra người con gái tôi thương là người cho đến tận hôm nay tôi vẫn chưa biết mặt. Hôm trước nói như vậy thì được. Nhưng hôm nay, thời gian đã qua lâu rồi mà tôi vẫn tiếp tục thú nhận là chưa có cơ hội diện kiến người mình đem lòng yêu thương thì đúng là kỳ khôi quá đỗi. Tôi không muốn là người kỳ khôi. Tôi không muốn bác Đán một lần nữa chê tôi là người lãng mạn, rồi bắt tôi "quên con bé đó đi". Vì vậy, rốt cuộc tôi đã chẳng nói gì.

Nhưng chẳng nói gì không phải là thượng sách. Bởi chẳng nói gì gần như là thừa nhận.

Bác Đán thở dài:

- Nhi nữ tình trường anh hùng khí đoản, rồi đời con sẽ ra sao hở con?

o O o

Dĩ nhiên nàng Stéphanette không biết người yêu nàng là ai, càng không biết người yêu nàng đang nằm liệt giường ba ngày không dậy nổi. Cho nên nàng không đến thăm tôi.

Nhưng đó là nói ban ngày. Còn ban đêm nàng vẫn đến, không phải qua con đường Bạch Đằng chạy dọc sông Hàn mà qua ngả những giấc mơ.

Trong giấc mơ, tôi không nằm trên giường mà nằm bệt trên vỉa hè đường Nguyễn Du, rên hừ hừ.

Tiếng rên của tôi có lẽ lay động tận tâm can nàng Stéphanette. Nên tiếng đàn đang thánh thót bên tai tôi chợt im bặt. Rồi từ bên trong căn phòng trên tầng hai, một bàn tay thò ra vén rèm cửa sổ. Nàng Stéphanette vén rèm bằng bàn tay trắng thuôn như làm bằng sứ của nhỏ Quyên.

Rồi nàng nhô đầu qua ô cửa, cũng bằng khuôn mặt của nhỏ Quyên. Đôi mắt đen như hai hạt nhãn nhìn xuống vỉa hè bên kia đường, chớp lia chớp lịa khi nhận ra một chàng trai đang thoi thóp.

Cũng như trong cơn mơ lần trước, nàng tức tốc chạy xuống nhà, xô cửa chạy ra. Nhưng khác cơn mơ lần trước là nàng nhận ra tôi ngay. Nàng không hỏi "Anh là ai?" mà hỏi "Khoa đấy ư?". "Tôi đây", tôi đáp. "Anh đang làm gì đó?". "Tôi sắp chết", tôi nói bằng giọng vẻ như chỉ còn năm phút nữa là tôi sẽ đi chầu trời. Nàng Stéphanette lập tức òa lên khóc "Không! Anh không thể chết". Tôi triết lý "Con người ai mà không chết, chỉ có sớm hay muộn thôi". "Nhưng anh không thể chết lúc này", nàng Stéphanette nức nở. Tôi nhếch môi, khinh bạc "Tại sao?". "Em cần anh". Nàng sờ trán tôi "Anh bị bệnh gì thế?". Tôi khụt khịt mũi "Tương tư". Môi nàng vẽ thành hình chữ O "Tương tư?". "Đúng thế", tôi nhún vai "Các nhà khoa học thừa sức tìm ra các loại thần dược trị bách bệnh, chỉ trừ bệnh tương tư". "Anh tương tư cô nào vậy?". "Còn cô nào nữa! Tôi tương tư em, tương tư tiếng đàn của em"...

Những giấc mơ của tôi thường không trọn vẹn. Bao giờ chúng cũng đứt khúc nửa chừng, thường là ở những chỗ hấp dẫn, gay cấn nhất. Hệt như cuốn sách hay bị quá nhiều người chuyền tay nên luôn bị mất những trang thú vị nhất ở phía sau.

Những lúc đó, tôi thường giật mình tỉnh giấc. Để đau khổ nhận ra rằng con người ta không ai sống bằng chiêm bao, càng không thể yêu bằng chiêm bao. Nàng Stéphanette cho đến nay vẫn ngạo nghễ ngự trên tầng hai trong tòa lâu đài của nàng, chưa hề đặt chân xuống đất để hỏi thăm sức khỏe của thần dân, dù thần dân đó là một thiên tài vĩ đại bằng cả Lý Bạch lẫn Rimbaud cộng lại.

Thức giấc nửa đêm, thiên tài cô đơn lắng nghe tiếng mưa tí tách ngoài hiên, càng thêm buồn nẫu ruột, hí hoáy trút nỗi niềm vào thơ:

Chiều nay tôi nằm bệnh

Em không buồn ghé thăm

Nhưng đêm nay trong giấc mơ tôi

Thể nào em cũng đến

Như em đã từng đến bao lần

Những lần em đến

Em chẳng mang theo nón che đầu

Chẳng có áo đi mưa

Cũng chẳng khăn quàng cổ

Nếu mưa cứ rơi vào giấc ngủ

Ướt em tôi còn gì !

Thiên tài buồn nhưng thiên tài rộng lượng:

Đêm nay mưa cứ rơi

Miễn là đừng làm em tôi ướt áo

Miễn là đừng làm em tôi ướt tóc

Miễn là đừng rơi vào giấc mơ tôi đang ngóng chờ

Còn thì mưa cứ ướt

Dù đấy là lòng tôi

Có hề gì

Giữa cơn đau, nghĩ đến em

Là lòng tôi ấm lại.

Tôi không hề đau, chỉ bị whisky cộng với Coca quật ngã. Tôi chỉ ốm giả vờ để gạt Minh Hoa và nhỏ Quyên. Nhưng không hiểu sao, khi viết những câu thơ lủi thủi kia, tôi có cảm giác tôi đang ốm thật. Tôi thấy ngực tôi nóng ran và lòng tôi quặn thắt.

o O o

Xét cho cùng, nàng Stéphanette không đến thăm tôi dù sao cũng còn châm chước được. Nhưng em gái thằng Đông Anh và em gái thằng Bội biết tôi liệt giường ba ngày ba đêm mà không thèm bén mảng đến thì đúng là vô tình vô nghĩa quá sức.

Ngày thứ tư, tôi đi học lại, bạn bè xúm vào hỏi han tíu tít. Ai hỏi tôi cũng vồn vã trả lời. Chỉ riêng Đông Anh và thằng Bội là tôi lờ tịt. Mỗi khi hai thằng này xán lại định bắt chuyện là mặt tôi lập tức lạnh như tiền.

Đông Anh và Bội có vẻ ngạc nhiên trước thái độ xa cách của tôi. Đợi đến giờ chơi, chúng hè nhau xáp lại.

- Mày làm sao vậy hở Khoa? - Đông Anh lên tiếng trước.

Bội phụ họa:

- Ừ, thằng Khoa bữa nay lạ ghê!

Tôi làm thinh ngoảnh mặt đi chỗ khác.

Đông Anh níu tay tôi:

- Mày giận tao hở?

Tôi vẫn không hé môi. Nhưng nhìn bộ mặt xụ xuống một đống của tôi, hai đứa kia biết là tôi đang giận ghê lắm.

- Tao có làm gì đâu mà mày giận! - Đông Anh nhăn nhó.

Bội hùa theo:

- Hôm đó thằng Minh Khôi khích mày uống chứ đâu phải tụi tao.

Tôi hừ mũi:

- Chuyện đó có gì đâu mà giận.

- Chứ mày giận chuyện gì?

- Tại sao không ai ghé thăm tao? - Giọng tôi đầy hờn mát.

Tất nhiên chữ "ai" trong lời trách cứ của tôi nhằm ám chỉ nhỏ Đinh Lăng và "hoa khôi" trường Sao Mai. Nhưng Đông Anh và thằng Bội ngu như bò, đâu có hiểu.

Đông Anh hăm hở kêu oan:

- Sao mày mau quên quá vậy? Hôm đó tao có đến thăm mày mà.

Bội cũng thống thiết không kém:

- Khoa ơi là Khoa! Tao đến thăm mày rõ ràng, còn lấy quần xà lỏn đưa ày thay, sao mày không nhớ gì hết vậy?

Tôi nhún vai:

- Tao không nói tụi mày!

Cả Bội lẫn Đông Anh đều há hốc miệng, ngẩn ngơ:

- Chứ mày nói tụi nào?

Tôi gầm gừ:

- Nói mấy đứa em tụi mày chứ nói tụi nào!

Hai cái miệng lại đồng thanh:

- Mấy đứa em tụi tao?

- Chứ còn ai nữa! - Tôi nghiến răng, oán trách - Tao thức khuya lơ khuya lắc làm thơ tặng từng đứa đến đỏ kè con mắt, vậy mà khi tao nằm liệt, chẳng đứa nào thèm ghé qua xem tao còn sống hay tao đã chết!

Nhìn bộ mặt đang thuỗn ra của hai đứa bạn, tôi thở dài u uất:

- Bây giờ tao mới hiểu tại sao người ta hay nói câu "tình đời đen bạc"!

Thấy tôi lên án em gái tụi nó ghê quá, Đông Anh bối rối đưa tay quẹt mũi:

- Vậy là mày trách oan nhỏ Đinh Lăng rồi.

Thằng Bội cũng chớp chớp mắt:

- Ừ, em gái tao đâu đến nỗi tệ như vậy.

Tôi quắc mắt:

- Vậy mà không tệ?

Bội gãi đầu:

- Lúc nghe tin mày ốm nằm nhà, em gái tao cứ nằng nặc đòi đi thăm...

- Xạo đi! - Tôi nhếch môi.

- Tao xạo mày làm gì. Nó đòi đi, nhưng tao đã ngăn nó.

- Tại sao? - Tôi nhìn Bội lom lom, bán tín bán nghi.

Bội nghiêm trang:

- Tao không muốn nó phát hiện mày bị rượu quật ngã. Một nhà thơ lớn không thể bỏ học ba ngày chỉ vì vài tợp rượu...

Bội chưa nói dứt, Đông Anh đã hùng hồn tiếp lời:

- Đúng thế. Thằng Minh Khôi đã coi mày như Lý Bạch. Lý Bạch Trung Hoa xem rượu như nước lã, Lý Bạch Việt Nam không thể xem rượu như thuốc độc được.

Đông Anh chém tay vào không khí:

- Cũng như thằng Bội, tao quyết liệt ngăn cản nhỏ Đinh Lăng chỉ vì giữ uy tín ày.

Bội gật gù:

- Nếu không làm thế, thần tượng trong lòng tụi nó sẽ sụp đổ.

Bội và Đông Anh kẻ tung người hứng, tôi nghe một hồi đầu óc rối tinh rối mù, chẳng rõ thực hư ra sao.

Tôi vờ cảm cúm, gạt nhỏ Quyên và Minh Hoa trót lọt, chẳng lẽ không qua mắt được em gái Đông Anh và Bội? Ờ, nhưng biết đâu bác Đán chẳng vô ý làm lộ bí mật của tôi!

Sau một lúc nghĩ tới nghĩ lui, tôi gật đầu, dịu giọng:

- Tụi mày cẩn thận thế cũng tốt!

Đông Anh mừng rỡ nắm tay tôi, lắc lắc:

- Mày hết giận nhỏ Đinh Lăng rồi chứ?

- Hết rồi.

Bội nắm tay kia của tôi, cũng lắc lắc:

- Mày hết giận em gái tao rồi chứ?

Tôi mỉm cười:

- Ừ.

— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.