Đôi giày quan kia vải đen đế trắng, trên mặt vải không thêu hoa văn gì, là kiểu dáng công sai nha dịch không có phẩm cấp thường đi.
Mộ Thanh nhớ rõ đêm đó cha đi rất vội.
Ngày ấy ngoài thành xảy ra án mạng, khi ông ấy đi khám nghiệm tử thi trở về thì trời đã tối, còn chưa thay quần áo, công sai phủ Thứ Sử đã đến nhà. Người đó cầm công văn đến thúc giục, cha vội vàng đi theo. Lúc đi trên mũi đôi giày quan kia còn nhiễm đất đỏ.
Giờ phút này, trước mắt, đất đỏ trên mũi đôi giày quan lộ ra dưới chiếu kia đã ngấm vào trong vải, nhìn cũng thấy đã vài ngày.
Mộ Thanh nhìn thẳng mũi giày kia, chợt không thể nhúc nhích.
Ông lão lưng còng đứng ở bậc thang, xoay người thấy thiếu niên đứng ở trong viện, hai mắt đăm đăm nhìn chằm chằm chiếu trên mặt đất thì cười khẩy một tiếng: “Mới khen cậu to gan, vậy mà lúc này đã không nhúc nhích nổi rồi. Thôi! Nếu sợ thì cậu cũng không cần xốc chiếu này lên nhìn đâu. Ta đi tìm cho cậu sợi dây thừng, cậu cõng đi thôi.”
“Xốc lên.” Thiếu niên chợt lên tiếng.
Ông lão kia xoay người muốn đi lấy dây thừng, chợt nghe thiếu niên lên tiếng thì có phần không phản ứng kịp, xoay người hỏi: “Cậu nhóc nói gì?”
Thiếu niên lại không nói nữa, nhấc chân bước tới. Thân hình “hắn” gầy yếu, góc áo đã bị giặt đến trắng bệch lại mang theo gió sắc bén trong bóng đêm, bước chân bước ra nặng như đá, nhưng không hề dừng lại. Lên bậc thang, đi vào phòng, ngồi xổm xuống, giơ tay tạo ra một hình cung trong vầng sáng ít ỏi, như trường kiếm cắt qua đêm dài, cắt ra một đường máu tươi đầm đìa.
Hành động của “hắn” quá kiên quyết, quá quyết đoán khiến ông lão nhìn mà ngơ ngẩn, ánh mắt ông lão kỳ lạ, không hiểu rốt cuộc lá gan của hắn lớn hay nhỏ nữa. Chẳng qua ngay giây phút xốc chiếu lên, lão ngửi thấy một mùi hôi thối ập vào trước mặt, lúc này mới hoàn hồn, kêu một tiếng: “Ôi chao! Ta nói thằng nhóc cậu, đúng là đồ lỗ mãng! Tuy ở đây đốt thương truật (*) bồ kết, nhưng cậu lỗ mãng tiến lên như vậy, hít phải hơi người chết sẽ bị nhiễm bệnh đấy! Chờ đó! Ta đi lấy cho cậu một cái khẩu trang.”
(*) Thương truật: Vị thuốc Đông y. Cây lâu năm, hoa trắng hoặc hồng nhạt, rễ làm thuốc.
Thứ khẩu trang này mới có vào khoảng mười mấy năm trước trong nghề Ngỗ Tác. Nghe nói là nữ nhi của Mộ lão phát triển, ở giữa là một cái khăn vuông, hai đầu có dây buộc vào tai, khi đeo thì treo lên hai bên tai có thể che lại miệng mũi, tiện hơn lấy khăn buộc ra sau đầu khi khám nghiệm tử thi lúc đầu nhiều. Mà nguyên vật liệu làm thứ này lại rẻ, chỉ cần vải là dùng được. Trước khi sử dụng thì huân thương truật bồ kết, che miệng mũi lại là có thể chặn hơi người chết, bởi vậy rất nhanh được lưu truyền rộng rãi.
Nói đến nữ nhi của Mộ lão, quan nha các châu huyện Giang Nam không nơi nào không biết. Cô nương này có thể nói là kỳ tài trong nghề, đáng tiếc cha nàng mất sớm như vậy, mà chung quy lại nàng cũng là nữ tử, không thể nhậm chức ở huyện nha, không lĩnh bổng lộc triều đình. Sau này, nữ tử như nàng phải sống sao đây?
Ông lão thở dài, ngồi xổm xuống đặt đèn lồng trắng cầm trong tay xuống đất, để lại ánh sáng thiếu niên, lúc này mới xoay người đi ra thính viện.
Trong viện nổi gió, mang theo hơi ẩm sau cơn mưa xẹt qua ngọn cây, ánh trăng lay động quỷ ảnh. Đại sảnh, ánh đèn lờ mờ, một tấm chiếu, một ngọn đèn trắng, một xác chết, một thiếu niên, hình ảnh yên tĩnh mang vài phần quỷ khí.
Không biết qua bao lâu, hình ảnh yên tĩnh bị âm thanh nhỏ bé yếu ớt phá vỡ.
Âm thanh kia yếu ớt run rẩy trong tiếng gió ào ào, yếu đến không thể nghe thấy, lại đau đớn cùng cực.
“Cha...”
-
Ông lão đi nửa nén hương, lúc về ngoài ôm khẩu trang trong ngực, trong tay còn bưng một chậu than, cầm theo vại dấm, định chờ lát nữa trước khi thiếu niên đi thì hắt dấm vào than, để cậu nhóc bước qua, vừa khử mùi hôi trên người lại miễn nhiễm bệnh trên xác chết.
Đây là phương pháp mà Ngỗ Tác làm sau khi khám nghiệm tử thi, nghĩa trang cũng chuẩn bị để cho người nhận thi thể dùng.
Lão bưng đồ lên bậc thang, vừa ngẩng đầu đã sửng sốt.
Đại sảnh, chiếu, đèn trắng, xác chết đều ở đây, thiếu niên lại không thấy bóng dáng.
“Người đâu?” Lão bỏ đồ xuống, cong lưng đi vào đại sảnh, nhìn xung quanh lẩm bẩm: “Chẳng lẽ là sợ người chết nên chạy mất rồi?”
Vừa dứt lời, lão chợt thấy cổ hơi lạnh, một con dao dí vào người lão. Trong bóng tối, có người đứng ở phía sau lão, giọng lạnh lẽo: “Cha ta chết thế nào?”
Ông lão kinh hãi, lúc nghe ra giọng này là của thiếu niên thì ngơ ngẩn.
Thiếu niên vòng đến trước mặt lão, mắt chìm trong bóng tối, ánh mắt lại làm người ta lạnh thấu tim gan: “Trả lời câu hỏi của ta.”
Ông lão vẫn chưa hoàn hồn, chỉ trợn tròn mắt nhìn thiếu niên, khóe mắt liếc thấy dao giải phẫu trong tay hắn, “hít” một tiếng nhìn thẳng vào hắn: “Thằng nhóc cậu... là Ngỗ Tác?”
Người ngoài nghề không biết dao này, Ngỗ Tác Giang Nam lại không thể không biết. Đây là dao giải phẫu, cũng là một thứ đồ mới trong ngành này, là mấy năm trước Mộ lão cầm một bộ đến nghĩa trang khám nghiệm tử thi, dần dần truyền ra. Nghe nói bộ dao này cũng là nữ nhi của ông ấy vẽ ra rồi bảo thợ rèn làm, chuôi dài, lưỡi mỏng. Chuôi dao có dài có ngắn, lưỡi dao có tròn có nhọn, lột da cắt thịt di chuyển xương cốt, rất sắc bén! Dùng tốt hơn bộ dao cùn đục cũ mà Ngỗ Tác làm khi xưa nhiều. Chẳng qua thân thể tóc da đến từ cha mẹ, người chết là nhất, trừ khi có lệnh quan hoặc là khổ chủ cho phép thì không thể động dao vào xác người chết. Bởi vậy tình huống dùng đến bộ dao này rất ít, truyền ra cũng không rộng rãi như khẩu trang. Nhưng phần lớn Ngỗ Tác đều yêu thích bộ dao này không buông tay, cho dù tình huống dùng đến cực nhỏ, cũng có không ít người lén lút làm một bộ về cất giữ.
Nhưng ngoài Ngỗ Tác thì rất ít người nhìn thấy bộ dao này. Trong tay thiếu niên có thứ này, vậy rất có khả năng hắn là Ngỗ Tác. Khó trách hắn dám đến nghĩa trang vào buổi tối.
“Cha ta chết như thế nào?” Thiếu niên không trả lời lão, chỉ lặp lại câu hỏi vừa rồi.
Lúc này ông lão mới chú ý đến lời hắn nói: “Cha ngươi? Ngươi nói Mộ lão? Chỉ nghe nói Mộ lão có nữ nhi, không nghe nói ông ấy có nhi tử...”
“Không muốn chết thì đừng dong dài.” Dao mỏng trong tay thiếu niên đưa ngang một cái, trăng sáng phản chiếu ánh dao làm tôn lên đôi mắt rét căm căm.
Ông lão nhìn ánh dao, không những không sợ, mà còn nổi giận. Lão trừng mắt, cao giọng: “Chết như thế nào? Chết như thế nào á? Ngươi là Ngỗ Tác mà ngươi còn hỏi ta? Cả người xác chết xanh tím, người mù cũng nhìn ra được là bị độc chết! Ngươi còn hỏi ta?”
Thằng nhóc này nhìn thì khí thế dọa người, thật ra không phải người tàn nhẫn độc ác. Nếu hắn thật sự muốn giết lão thì từ nãy đến giờ, dao kia sẽ không đặt mãi ở trước yết hầu lão ba tấc, không vào gần một ly.
“Ta biết là độc chết. Ta hỏi là ngươi có biết ai độc chết không?” Giọng thiếu niên vô cùng bình tĩnh, từng câu từng chữ lại như lạnh băng.
Xác của cha đã bắt đầu thối rữa, với khí hậu tháng sáu ở Giang Nam thì đã chết khoảng 4-5 ngày, thi ban (*) đã hơi hiện màu xanh lục, màu sắc gần như dung hòa với xác chết, chỉ dựa vào màu sắc thi ban thì khó có thể phán đoán là trúng độc gì bỏ mình. Nhưng trong chốc lát nàng quỳ trước xác chết kia, đã ngửi thấy mùi đắng nhàn nhạt của hạnh nhân, nghi ngờ là trúng độc xyanua.
(*) Thi ban: hay gọi là mảng lục. Ðiểm xuất phát của mảng lục là ở hố chậu phải sau đó lan ra hố chậu trái lên khắp bụng, ngực, mặt lưng và tứ chi. Mảng lục hình thành là do vi khuẩn yếm khí sinh ra khí hydrogen sulfur (H2S) đẩy vào trong máu lên gần mặt da và kết hợp với huyết sắc tố (Hemoglobin) tạo nên sulfhemoglobin có màu lục. Màu lục sẽ dần dần biến thành màu nâu lục, nâu tím rồi đen.
Kỹ thuật chiết xuất độc tố ở cổ đại rất thô sơ, phần lớn độc đến từ động thực vật. Mà thực vật chứa xyanua dễ tìm được nhất là cây sắn và hạnh nhân đắng. Nhưng phải ăn hai loại đồ ăn này với số lượng lớn hoặc là ăn mà chưa qua xử lý mới có thể trúng độc. Cha thân là Ngỗ Tác, khá thông thạo độc lý, không thể nào ăn hai loại đồ ăn này với số lượng lớn.
Nếu không phải ngộ độc vì tham ăn, vậy tức là có người hạ độc.
Vẫn là câu nói kia, kỹ thuật chiết xuất độc tố ở cổ đại rất thô sơ, người có thể có bản lĩnh lấy ra xyanua, chắc chắn là cao thủ chế độc. Mà người có thể có độc bực này trong tay, không phú cũng quý!
Cha bị người ta hạ độc chết, hung thủ rất có thể là quyền quý.