Nhật Ký Xuyên Thanh

Chương 39: Tiểu bạch hoa 2



Vài ngày sau, Lý Vi bỗng nghe nói phúc tấn đi cầu phúc cho Tứ a ca, tự móc tiền túi thắp ba ngọn đèn trường minh* tại chùa Hoàng Giác ở ngoại ô. Một ngọn đèn cho Tứ a ca, hai ngọn đèn khác lần lượt cho Đại cách cách và Nhị cách cách. Nghe đâu thắp một ngọn đèn trong một năm sẽ phải trả bốn trăm đồng.

*Đèn trường minh: đèn này thường được thắp trong các gia đình vào đêm giao thừa. Một khi đèn được thắp sáng thì sẽ không thổi tắt được trừ phi dầu hết, đèn sẽ tự tắt. Tương truyền, những chiếc đèn này thường được đặt trong lăng mộ của các vị vua Trung Quốc với hy vọng sẽ thắp sáng cả lăng mộ như đã từng thắp sáng cung điện của họ lúc sinh thời.

chapter content



Dù là Lý Vi, cũng hiểu đây là chuyện tốt. Như ở hiện đại, bạn bè leo núi lớn, lội sông dài đi thắp hương bái Phật, lúc về bảo đã thắp ba nén hương hộ bạn rồi, bạn sẽ chỉ cho rằng người bạn này nghĩ cho bạn, và cũng sẽ không chửi người ta mê tín. Chửi thế là ngu.

Phủ Tứ a ca đã được ngày tháng yên bình mà trước nay chưa từng có. Tất cả cứ như ai về chỗ ấy, không còn ai thấy hào quang của Lý cách cách làm lu mờ phúc tấn, khiến địa vị phúc tấn lung lay nữa. Đứa nhỏ này chẳng khác nào Định Hải Thần Châm, thành công ổn định lại tình thế vốn xao động, rối ren của Tứ a ca phủ.

Cuối tháng năm, năm vị a ca gồm Tam, Tứ, Ngũ, Thất, Bát quay về trước. Họ về song không về luôn phủ, mà đều ở lại đại doanh ngoài ngoại ô. Tháng bảy, hoàng thượng về triều, Đại a ca thúc ngựa chạy vội về kinh báo tin trước, thái tử ra ngoại ô đón, cung nghinh đức Thánh quân.

Trong kinh thành, niềm vui khi đại quân trở về hãy chưa dịu xuống, đã phải nghe một tin sét đánh ngang tai: Chuyến này đi hoàng thượng muốn bắt Cát Nhĩ Đan, nhưng lại để kẻ này bỏ chạy mất rồi.

Vậy là, ai nấy đều rụt cổ cụp đuôi.

Mấy a ca ở đại doanh theo hoàng thượng hồi cung, khi về phải đứng ngoài Võ Anh điện suốt từ lúc mặt trời treo cao tới tận khi trời tối hẳn.

Có lẽ hoàng thượng ức chế thật, vừa về một cái không buồn nghỉ ngơi, đã cho gọi thái tử và vài vị đại thần cấp cao trong kinh đến, hỏi một lượt toàn bộ mọi chuyện to nhỏ ở kinh trong những ngày đại quân đi vắng.

Tứ a ca và các huynh đệ khác đứng bên nhau, người mặc giáp trụ, không nói năng gì. Trên đầu mặt trời rọi nắng chang chang, nướng toàn thân thiếu điều chín đỏ. Khi mặt trời lặn, ngoài Võ Anh điện lại bắt đầu có gió rít vù vù, thổi cho lớp mồ hôi khắp người khô rang, sau đó là một cơn rét run chạy dọc.

Tháng bảy đấy!

Tứ a ca thấy mặt Tam a ca ban đầu đỏ phừng vì phơi nắng, nay lại vì hứng gió mà trắng bệch cả ra. Chàng đưa tay đỡ, nhỏ giọng bảo: "Tam ca? Huynh sao rồi?"

Tam a ca không dám mở miệng, chỉ cố sức trợn mắt thật to để cho thấy mình vẫn còn rất tỉnh táo. Ban nãy y cũng sắp bị bộ giáp trụ trên người đè ngã rạp ra mất. Loại giáp trụ mà hoàng tử mặc được chế tạo từ đồng thau và vàng, khảm trên lớp da bò hồ cứng, bao phủ cả tấm áo choàng từ trước ra sau. Cộng thêm nữa là thắt lưng, hai con dao giắt ở eo, và mũ giáp của y đều làm từ vàng và đá quý... Mẹ ơi... nặng quá...

Trước đó còn nghe thấy tiểu thái giám ở hậu cung chạy tới xem khi nào họ sẽ xong, đoán chừng những phi tử có con trai cũng muốn xem liệu có được gặp mặt con một lần không. Màn đêm vừa buông, chẳng thấy tiểu thái giám sang nữa, có lẽ vì biết hôm nay không phải dịp rồi.

Hoàng thượng hãy chưa nói chuyện xong với đại thần và thái tử, Tứ a ca thấy sắp tám giờ, bên trong mới có một tiểu thái giám đi ra mời các a ca về trước, mấy ngày tới sẽ chuẩn bị vào yết kiến ngài ngự.

Nhóm Tứ a ca quỳ xuống dập đầu trước cửa Võ Anh điện, sau đó giải tán ra về.

Vừa ra khỏi cửa cung, Tam a ca đã phải vịn tường, nói: "Lão Tứ này, xem xem có xe của phủ ta không. Ông đi hết nổi rồi."

Ngũ a ca dìu Tam a ca, Tứ a ca hỏi thăm các xe đứng đợi người ở ngoài, quả đúng có xe của phủ Tam a ca. Giờ này các đại thần vẫn chưa về nhà, số xe đón người ngoài cổng cung sắp vượt qua cả số xe chở tú nữ vào cung mất.

Phúc tấn của Tam a ca quả rất hiểu gia nhà họ, đã sắp một cỗ xe rộng rãi, hai người điều khiển xe dìu Tam a ca lên, liền có một tiểu thái giám trong xe cởi bộ giáp trên người Tam a ca xuống. Tam a ca đổ ập vào xe như người không xương, khoát tay với hai đứa em đứng ngoài: "Khi nào lại đến tìm các đệ trò chuyện, ta về trước đây."

Xe chở Tam a ca đi khuất, xe của phủ Tứ a ca và Ngũ a ca cũng vượt ngàn trắc trở chạy đến được đây. Nhưng Tứ a ca ưa sĩ diện, không muốn vừa ra ngoài đã leo tót lên xe ngồi giống Tam a ca, Ngũ a ca thì vốn chẳng mệt, hai người bèn cưỡi ngựa, xe đi đằng sau theo về phủ.

Trên đường, hai người không ai nói câu gì.

Lần này hoàng thượng phải chịu sự nhục nhã nặng nề, tuy vẫn có giữ người ở ngoài tiếp tục truy bắt Cát Nhĩ Đan, song hoàng thượng dẫn cả đàn con trai đi cốt phô bày danh tiếng Đại Thanh, để rồi lại trắng tay trở về... Cục tức này biết xả xuống đầu ai đây? Ai chịu đứng ra tìm lại thể diện này cho hoàng thượng đây?

Tâm trạng Tứ a ca phức tạp hơn cả. Năm nay về kinh rồi chàng mới biết hoàng thượng muốn xuất chinh, mới hiểu nguyên nhân vì sao hoàng thượng sai phái chàng đi điều tra mà lại không cho chàng xử bọn tham quan ấy. Chẳng phải bởi lo sợ hậu phương chấp chới đấy sao? Chàng nuốt giận quay về, tưởng như mặt mũi của một a ca đã mất sạch, bị một đám quan nhốn nháo lường gạt. Ấy thì hoàng thượng còn phải nhẫn nhục vất vả hơn nữa, vậy mà kết quả lại thế này.

Lần trước, chàng nhận ra a ca đối với hoàng thượng chẳng đáng là gì cả. Đến uy tín của thái tử mà hoàng thượng còn thích dẹp là dẹp, thái tử dẫu đã hai mươi mấy, song vẫn không thể quang minh chính đại tham gia vào chính sự; bắt y đi theo dõi việc học của các tiểu a ca là y phải đi, và không được buông một câu trách hờn nào.

Vậy đám a ca mười bảy, mười tám như họ đây, cũng chỉ biết đi theo sau đuôi làm đứa con nít.

Nhưng nhìn ra kia mà xem, giờ con trai con đứa nhà ai mười bảy, mười tám rồi mà không phải người lớn nữa, lại để người ta chăm nuôi như là con nít?

Nhưng hoàng thượng muốn họ làm con nít, thì họ phải làm con nít, chứ không được nhảy dựng lên la lối: Hoàng a mã, chúng con lớn rồi, cho chúng con làm việc đi.

Lần này, chàng phát hiện hoàng thượng cũng có những lúc vô giá trị.

Hiện giờ hoàng thượng đang thể hiện sự cần kiệm, liêm chính của mình, có thể sẽ còn giận cá chém thớt với một vài quan viên. Nhưng thể diện đã mất thì vẫn cứ là mất rồi.

Chia tay Ngũ a ca, Tứ a ca về phủ. Chàng vào thư phòng, thay đồ rửa mặt, nghĩ nên đi thăm phúc tấn, lại mệt chẳng muốn đi đâu.

Thú thực, chàng đang lo cho thái tử. Ngoài thái tử, đám người chịu trách nhiệm khoản hậu cần, lương thảo và quân giới sẽ bị kéo ra chịu trận. Quan viên đầy ra đấy, có giết bao nhiêu cũng vẫn có người lên thay, nhưng còn thái tử...

Tứ a ca nằm trên sạp trong thư phòng trằn trọc mãi không ngủ được.



Hoàng thượng thực sự sẽ lại thêm một lần đẩy thái tử vào cảnh điếm nhục ư?

Càng nghĩ càng phiền lòng, Tứ a ca trở mình ngồi bật dậy. Tô Bồi Thịnh hầu ở gian ngoài không dám ngủ, vội nói: "Gia, người muốn dùng trà à?" Nghe tiếng Tứ a ca xuống giường, hắn vào hầu ngay.

Tứ a ca mặc áo, nói: "Sang chỗ Lý chủ tử của ngươi xem."

Đi thăm Lý thị và Nhị cách cách đổi gió vậy.

Đoàn người lẳng lặng xách lồng đèn đi trước mở đường, đi qua cửa nhỏ sẽ là tiểu viện của Lý cách cách.

Ở góc mái hiên tiểu viện có treo một chiếc đèn lồng giấy*, tỏa những ánh lập lòe chớp nháy trong đêm.

*Gốc là 气死风灯 (灯 - đèn, 气死风 - gió tức chớt), một loại đèn lồng giấy mà gió cũng không dập tắt nổi, làm gió tức chớt.

chapter content



Trong viện, Triệu Toàn Bảo theo vào cùng, không mật báo kịp; đám Ngọc Bình khoác áo chạy ra mở cửa. Tứ a ca đi thẳng sang chái Tây, vì chàng nhớ lần trước Lý thị nói giờ nàng ở lại chái Tây. Vào rồi, lại phát hiện chái Tây chẳng một bóng người?

Bấy giờ, Lý Vi choàng áo chui từ phòng ngủ ra, mặt mũi nom đỏ phơn phớt.

Tứ a ca tưởng Nhị cách cách đã được chuyển ra ngoài, bèn ôm vai nàng quay gót, đoạn nói: "Sao ngủ sớm thế? Chẳng đợi gia sang thăm nàng."

Lý Vi thầm kêu hỏng bét, toét miệng cười ha ha.

Vào trong phòng, vừa vén màn lên, Tứ a ca đã trông thấy Nhị cách cách nằm trên giường, tay chân dang rộng ngủ say sưa tít mít. Thế cũng chưa là gì, nhìn xuống cuối giường, lại thấy Bách Phúc đương quẫy đuôi với chàng.

Từ nãy Tứ a ca đã nhận ra nét mặt ngập ngừng của Lý thị, bụng biết ngay có gì mờ ám, mà đâu ngờ rằng nàng lại để Bách Phúc và Nhị cách cách ngủ chung trên một chiếc giường.

Bách Phúc là giống chó cái tính nết hiền dịu, nhưng vậy cũng không được!

Chàng quay sang nhìn chằm chằm Lý thị, lần đầu tiên nói chuyện với nàng bằng một giọng đanh trầm: "Nàng to gan."

Lý Vi quỳ sụp xuống.

Đúng thực là thời gian qua nàng sống thư thái quá. Tính ra, cũng gần hai năm Tứ a ca không về nhà, thật tình nàng đã dần quen với việc gạt phắt chàng ra khỏi tâm trí cho nhẹ đầu. Hôm nay tám giờ hơn Tứ a ca mới về, nghe nói hết phải đón hoàng thượng, rồi thì lại vật vã trong cung cả ngày trời. Nàng tưởng chàng sẽ về thẳng thư phòng mà ngủ, ai ngờ tự dưng chàng chạy luôn sang đây.

Chẳng phải phúc tấn có con rồi à? Anh sang chỗ chị ấy mới đúng chứ?

Tứ a ca ngồi ở mép giường, đăm đăm nhìn Lý thị quỳ dưới. Chàng đương nghĩ không biết phải răn dạy nàng thế nào. Ẵm Nhị cách cách đi à? Phúc tấn vừa mang thai, làm vậy không ổn. Ôm Bách Phúc đi à? Về sau chàng sẽ càng lúc càng bận bịu, ôm sang thư phòng cũng chưa chắc có thì giờ dành cho nó. Đưa sang chỗ phúc tấn à? Hình như phúc tấn không thích chó.

Phạt nàng à? Phạt kiểu gì? Phạt bạc à? Lý thị vốn không bận tâm gì mấy đồng bạc, thời mới vào A Ca Sở, hễ thưởng cho ai là nàng toàn thưởng bạc. Lúc biết chuyện ấy, chàng cứ ngỡ kẻ nào ăn hiếp nàng, có ngờ đâu là tại nàng chơi sang quá. Vả chăng, ở chỗ chàng còn nguyên cả rương bạc của nàng, cũng làm gì thấy nàng than nghèo với ai khi nào.

Phạt roi à? Đánh bằng roi đánh hạ nhân thì ắt hẳn không được, hay là, sai người chế ra một tấm ván tre mỏng một tí? Nhưng để ai đánh đây?

Tứ a ca tưởng tượng ra cảnh cởi quần Lý thị, bắt nàng nằm một chỗ mà đánh, cổ họng bỗng khô khốc.

Chàng đánh. Khỏi cần ván tre gì hết.

Vừa thò tay kéo Lý thị lại, thình lình chỗ eo bị cái chân nhỏ đạp mạnh một cú, chàng ngoái nhìn, thấy Nhị cách cách lúc này đã xoay ngang người, hai cái chân ngắn tũn đương ra sức đạp lên eo chàng.

Thấy vậy, Lý Vi giải thích: "Chắc con đang mơ thấy mình đi đường đấy." Nàng cũng bị nhóc con này đạp mấy cú đau điếng, trên đùi trên lưng toàn vết bầm đen.

Tứ a ca nhìn con gái, đến khi sực hoàn hồn, mọi cơn giận đã bay biến đi hết. Chàng lại sầm mặt, kéo Lý thị vào lòng, nhỏ giọng răn nàng: "Sao nàng để Bách Phúc ngủ chung với cách cách?" Sợ đánh thức con gái, chàng hạ giọng cực thấp, hai người chụm vào nhau sát sạt.

Xem chàng không còn hùng hùng hổ hổ nữa, Lý Vi hết sợ, cũng thầm thà thầm thì: "Bách Phúc không bẩn đâu, trước khi lên giường sẽ được rửa sạch móng và mông."

"Thế cũng không được!" Tứ a ca vỗ mạnh vào mông nàng, làm eo nàng ưỡn hẳn về trước: "Bách Phúc có ngoan mấy cũng là chó thôi, cách cách bé như thế, chưa biết kiểm soát tay chân, lỡ chó nổi điên cắn cách cách thì sao?"

Lý Vi nói: "Thiếp cũng ngủ chung mà."

Tứ a ca: "Thế càng không được! Phải để Bách Phúc ngủ ở phòng của nó, không có nàng ôm, sao Bách Phúc trèo lên giường được."

Cái này thì đúng, lúc đầu ôm lên, Bách Phúc luôn bất an nhảy xuống. Giờ nó quen giường luôn rồi.

"Hôm nay thiếp quên mất." Lý Vi nói. Thực ra sau khi nàng ngủ, Bách Phúc sẽ tự nhảy khỏi giường. "Nó chỉ đang bảo vệ thiếp thôi." Nàng thực sự có cảm giác đó. Từ khi có Nhị cách cách, Bách Phúc chưa bao giờ rời Nhị cách cách nửa bước, dù có là nhũ mẫu, cũng bị con mắt trợn trừng của nó nhìn chòng chọc. Buổi tối Bách Phúc nhảy xuống giường rồi cũng ngủ ngay cạnh cửa.



"Nó hiểu tính người lắm, thiếp xem nó như người nhà luôn đấy." Lý Vi vuốt ve Bách Phúc.

Có lẽ Bách Phúc biết chủ đang nói mình, nó thôi quẫy đuôi, ngồi trước mặt Tứ a ca, làm vẻ như thể xin chấp nhận mọi hình phạt.

Tứ a ca biết Bách Phúc trung thành, cũng không nỡ lòng phạt nó. Vậy nên lỗi vẫn ở Lý thị! Chó tốt đấy, nhưng nàng là chủ mà không ra dáng chủ, dạy hư thân chó.

Chàng bèn kéo nàng chui ra sau bình phong, Bách Phúc khôn lắm, không đi theo cùng, mà nằm nhoài ra bên giường nhìn Nhị cách cách.

Sau bình phong, Tứ a ca: "Đụng vào đâu đây?" Sao đùi toàn vết bầm thế này?

"Nhị cách cách đá đấy, chân con khỏe đáo để!" Bàn tay to lành lạnh của chàng chạm vào Lý Vi, làm nàng hít hà một hơi.

Bốp!

Tứ a ca phát nàng một cú.

"Á!" Lý Vi toan trốn, liền bị chàng đè lại tét cho mười mấy cái liền.

"Lần sau còn để ta thấy nàng vô phép tắc như thế nữa thì không đơn giản vậy đâu." Tứ a ca nói.

Một lúc sau, sau bình phong vang lên tiếng thở dốc.

"Sao lại ở chỗ này..."

"Lát nữa sẽ qua chái Tây." Tứ a ca quẳng một câu, rồi chuyên tâm hành sự.

Sau đó hai người vòng ra khỏi bình phong, nhẹ tay nhẹ chân mặc quần áo đi sang chái Tây. Lý Vi không quên dặn nhũ mẫu trông chừng Nhị cách cách.

Tứ a ca vào chái Tây lại vui vẻ thêm một nháy nữa, xong xuôi nằm ôm Lý Vi trên sạp, thấy mình mẩy sảng khoái dễ chịu, mạch não cũng thông suốt hơn. Nay hoàng thượng chịu phen muối mặt, ắt phải có người nhận gánh tội. Ngài trút giận lên đầu đại thần thì không sao, nhưng nếu làm vậy với thái tử, chàng sẽ đứng lên nói đỡ cho thái tử.

Dẫu sao, ngay đến hoàng thượng cũng hiểu rõ rằng mình chỉ đang giận chó đánh mèo với thái tử thôi. Lúc này chàng bước ra, chẳng những thái tử sẽ mang ơn chàng, mà hoàng thượng cũng sẽ có ấn tượng tốt về chàng.

Chàng vuốt bờ vai nuột nà của Lý thị, nhớ tới chuyện phúc tấn có thai.

"Phúc tấn dạo này sao rồi?" Chàng hỏi.

"Thiếp không hay gặp phúc tấn, chỉ nghe người ta bảo vẫn khỏe lắm." Lý Vi đáp.

Tứ a ca nghe nàng nói lấp lửng mơ hồ, nhưng giọng điệu không có vẻ gì là ghen tuông, thoạt trông khí sắc khá hơn, thanh thản hơn hồi tết nhiều. Lý thị quả nhiên vẫn tốt, thấu hiểu mọi chuyện, không phải hạng người hẹp hòi chi li. Phúc tấn có thai là chuyện tốt cho tất cả, đặc biệt là với nàng. Nàng hiểu được điều này đã là quý lắm rồi.

Tứ a ca có ý dỗ nàng, cũng muốn thưởng cho nàng, bèn nói: "Ta nhớ con gái mười lăm là đặt tên tự được rồi nhỉ?"

Lý Vi: "Lấy chồng là đặt được rồi." Không thì sao gọi là "đãi tự khuê trung"* được? Tiếc rằng đời này của nàng coi như đã được gả phắt cho chàng, còn chàng thì lại chẳng phải là cưới nàng.

*Đãi tự khuê trung: "Khuê trung" nghĩa là ở trong khuê các, "đãi tự" nghĩa là đợi lấy chồng. Mà "tự" ở đây ý chỉ con gái khi đến tuổi làm lễ cài trâm thì sẽ đặt tên tự (lễ cài trâm được cử hành sau khi đính hôn, trước lúc xuất giá). Sau lễ cài trâm là thành niên rồi, chỉ còn đợi gả chồng nữa thôi, lúc này con gái sẽ được đặt tên tự luôn.

"Ta đặt cho nàng một tự, gọi là Tố Hinh." Tứ a ca vuốt suối tóc nàng. Trên đường xuất chinh, thường hay bắt gặp những khóm hoa năm cánh nhỏ, mang màu trắng hồng đáng yêu, mùi thơm ngào ngạt, ngửi vào chợt thấy quên hết mọi phiền ưu. Nhóm quân y đi cùng sai những đứa cu li đi hái hoa làm thuốc, sắc ra cho các binh sĩ bị đau dạ dày và lở loét miệng uống vì ăn món thịt nướng lạ.

Chàng cũng từng hái một túi đặt trong lều, làn hương nồng nàn mãi chẳng phai.

Tố Hinh... nghe thấy như thể già đi chục tuổi... như tên a đầu vậy...

Một cách sâu sắc, Lý Vi cho rằng tên mình vẫn lọt tai hơn, hoa tường vi đẹp biết mấy, nở kín bức tường mỹ lệ xiết bao. Nhưng Tứ a ca đương mê say, nàng cũng chỉ đành thuyết phục mình rằng Tố Hinh cũng được lắm rồi.

Hôm sau, Tứ a ca đi khỏi, Lý Vi mới tra ra Tố Hinh là tên hoa, bèn sai Triệu Toàn Bảo tìm hỏi thợ chăm hoa ngoài vườn xem có thể nào chuyển một gốc hoa tố hinh sang cho nàng được không.

Hai hôm sau, thợ hoa đưa hoa tới, hoa được nuôi trong chiếc chậu sứ nhỏ cỡ hai bàn tay, hoa đương độ nở, năm cánh be bé tuyết trắng hứng gió "say hi" với nàng.

Tiểu - bạch - hoa.

Mặt Lý Vi xanh mét.

*Hoa tố hinh là hoa nhài, hoa nhài màu trắng nên Lý Vi mới gọi là "tiểu bạch hoa". Mà "tiểu bạch hoa" còn có một ẩn ý đó là chỉ mấy cô gái mưu mô, bề ngoài yếu đuối đáng thương, bề trong thâm hiểm nham độc, thường lợi dụng bề ngoài của mình để lấy được cảm tình từ người khác.

(còn tiếp)
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.