Nhật Kí Nữ Pháp Y: Để Người Chết Được Nhắm Mắt

Chương 44



Một tuần sau, tôi bắt gặp Thẩm Thư đang làm án, vô tình kể cho cậu ấy nghe về câu chuyện đi đấu giá vừa rồi. Thẩm Thư lắng nghe có vẻ rất hứng thú, nói: “Máu bắn lên hoa mai, hoa mai phản chiếu trên nền tuyết trắng, thật là một bức họa mỹ miều.”

Tôi đáp: “Thôi bỏ đi, bức họa là kiệt tác truyền thế đó, vậy mà lại bị hỏng. Anh không biết lúc đó chú hai tôi đã ủ rũ như thế nào đâu.”

Thẩm Thư đột nhiên nghĩ ra điều gì, hỏi: “Cô nói chủ nhân trước đây của bức họa này bị một công nhân đến đòi tiền giết, ông ta có phải tên là Vương Thủ Tài? Và người công nhân đó tên là Hồ Trường Vĩ?”

Tôi đáp: “Hình như là cái tên Vương Thủ Tài đó, còn tên người công nhân kia thì tôi không biết, chú ấy không nhắc đến.”

Thẩm Thư thở dài, nói: “Vụ án này tôi biết, hung thủ vụ đó bị bắt tại trận, vụ án do cục trưởng Mã của chúng ta xử lý, lúc đó ông ta làm phó cục trưởng điều tra hình sự. Nhân chứng vật chứng đều có, tội ác rành rành. Hồ Trường Vĩ bị tuyên án tử hình treo, nhưng anh ta luôn miệng kêu oan, không ngừng kháng án. Sau khi nhậm chức, vụ án này cũng qua tay tôi, tuy nhiên hồ sơ vụ án cũng như nhân chứng vật chứng đều không thể lật lại, vụ án bị gác lại đến hơn chục năm, mọi chứng cứ hiện giờ đều không thể truy tìm được. Có lẽ Hồ Trường Vĩ sẽ phải sống nửa quãng đời còn lại trong tù mà thôi.”

Tôi đáp: “Mười mấy năm không ngừng kháng án, con người này cũng thật là cố chấp.”

Thẩm Thư nói: “Không thiếu những phạm nhân không phục phán quyết của tòa, nhưng sau một vài nỗ lực kháng cáo mà không thành công, thường thì họ sẽ từ bỏ hi vọng. Còn những người kiên trì kháng án như Hồ Trường Vĩ thì rất hiếm gặp. Không chừng anh ta bị oan, nhưng quả thực vụ án này thật khó để lật lại, cũng không có lí do gì để điều tra lại từ đầu.”

Tôi hỏi: “Anh có thể kể chi tiết cho tôi nghe về vụ án được không?”

Thẩm Thư đáp: “Hồi đó, nạn nhân Vương Thủ Tài là một chủ thầu xây dựng, còn Hồ Trường Vĩ là thợ mộc làm thuê cho ông ta. Vụ án xảy ra vào khoảng hơn 7 giờ tối, lúc đó cô vợ Minh Đệ và cậu con trai của Vương Thủ Tài đi ra ngoài chưa về. Người báo án là Thường Hữu Công, hàng xóm của Vương Thủ Tài, do lúc đó cửa nhà ông Vương không đóng, nghe thấy bên trong phát ra tiếng xô xát nên đã báo cho cảnh sát. Khi cảnh sát đến nơi, Vương Thủ Tài và Hồ Trường Vĩ đều nằm ra sàn, Vương Thủ Tài đã tử vong, trên đầu có vết thương do bị đánh đập mạnh, trên người có 7 vết dao đâm, trong tay nạn nhân có nắm một bức tượng bằng đồng. Còn Hồ Trường Vĩ trên tay cầm cái đục mà anh ta dùng khi lao động, cũng bị ngất sau khi bị đánh vào đầu. Kết quả giám định xác minh tượng phật và cái đục là hung khí được hai người sử dụng để ẩu đả, những vết đâm trên người Vương Thủ Tài trùng khớp với kích thước và hình dạng của cái đục, còn vết thương trên đầu hai người được gây ra bởi bức tượng phật bằng đồng.”

Đây chính là Thẩm Thư, đội trưởng đội hình sự thành phố Sở Nguyên. Một vụ án mười mấy năm về trước, chỉ cần xem qua hồ sơ là có thể tường thuật lại một cách rõ ràng, chi tiết như thể chính tay mình đã xử lý vậy.

Tôi hỏi: “Vậy làm sao để lý giải vết thương trên đầu Vương Thủ Tài? Chẳng phải bức tượng nằm trong tay ông ta sao.”

Thẩm Thư đáp: “Theo lời khai của Hồ Trường Vĩ được ghi chép trong hồ sơ, anh ta và Vương Thủ Tài do tranh chấp về tiền công mà xảy ra xô sát. Trong lúc nóng giận, anh ta đã vớ bức tượng phật bằng đồng trên tủ trưng bày để đánh vào đầu Vương Thủ Tài, sau đó hai người lao vào đánh nhau, Vương Thủ Tài đoạt lại được bức tượng, còn Hồ Trường Vĩ rút ra cái đục mang theo bên người, đâm liên tiếp vào người Vương Thủ Tài. Sau khi bị trọng thương, Vương Thủ Tài vẫn cố trả đòn, dùng tượng phật đập vào đầu Hồ Trường Vĩ, kết quả là một người chết một người bị thương, cả hai ngã lăn ra sàn. Về sau, cô vợ Thu Bình của Hồ Trường Vĩ cũng đã làm chứng, rằng đêm đó trước khi Hồ Trường Vĩ rời đi, anh ta đã mang theo chiếc dùi mà anh dùng khi làm việc, đồng thời nói nếu không đòi được tiền, anh ta sẽ gi3t ch3t Vương Thủ Tài.”

Tôi hỏi: “Nếu đã rõ ràng như thế, tại sao Hồ Trường Vĩ lại vẫn đòi kháng cáo?”

Thẩm Thư đáp: “Sau này Hồ Trường Vĩ rút lại toàn bộ lời khai, nói rằng tất cả những gì anh ta khai trong quá trình thẩm vấn là do bị bức cung, thực tế anh ta không hề giết Vương Thủ Tài, khi anh ta bước vào nhà đã thấy Vương Thủ Tài nằm ra sàn, đột nhiên anh ta bị ai đó đánh bất tỉnh, những việc diễn ra sau đó anh ta không hề hay biết.”

Tôi hỏi: “Vậy hiện trường có vết tích của người thứ ba không?”

Thẩm Thư đáp: “Theo ghi chép trong hồ sơ, tại hiện trường không phát hiện bất cứ dấu vết nào của người thứ ba, kể cả vân tay, dấu giày, vết máu, đều là của nạn nhân và Hồ Trường Vĩ để lại. Vì thế đơn khiếu nại của Hồ Trường Vĩ không được chấp nhận. Đã nhiều năm trôi qua rồi, không thể thẩm tra lại hiện trường được nữa. Dù cho Hồ Trường Vĩ có oan tình, e rằng cũng chỉ biết chìm sâu dưới đáy biển mà thôi.”

Tôi nói: “Lời khai trước và sau của Hồ Trường Vĩ nghe đều rất hợp lý, thế nhưng thời gian đã trôi qua quá lâu, ngoài việc tin vào kết luận điều tra khi đó, chúng ta cũng không còn cách nào khác tốt hơn.”

Thẩm Thư cười nói: “Cô không phải đã cung cấp manh mối mới rồi sao?”

Tôi hỏi một cách khó hiểu: “Ý anh là sao?”

Thẩm Thư đáp: “Cô và chú của mình lần này đến tham giự buổi đấu giá của bức họa “Bảo Cầm lập tuyết”, bức tranh đó từng được treo tại phòng khác của Vương Thủ Tài, vừa hay nó lại bị dính máu lên, nếu chứng minh được vết máu đó không phải của Vương Thủ Tài hay Hồ Trường Vĩ, không phải sẽ chứng minh được hiện trường vụ án từng xuất hiện người thứ ba sao?”

Tôi đáp: “Thẩm đội trưởng, thế thì cũng hơi mơ hồ. Đã nhiều năm trôi qua, trên tranh lại có vết máu, hơn nữa vết máu đó lại là của người thứ ba, cũng không thể chứng minh rằng nó được bắn lên tranh khi mà vụ án xảy ra.”

Thẩm Thư nói: “Quả thực là vậy, nhưng việc Hồ Trường Vĩ kiên trì kháng cáo như này, dường như phải có uẩn khúc đằng sau. Nghĩ đến việc anh ta bị mười mấy năm tù oan, ai mà không đồng cảm. Không biết chừng, ông trời có khi đang dùng bức họa này để giúp anh ta giải oan.”

Tôi lắc đầu nói: “Thẩm đội trưởng, không giống anh chút nào, đến những câu nói vu vơ này mà anh cũng nói ra.”

Ánh mắt Thẩm Thư bỗng ánh lên một cảm giác bất lực, nói: “Cũng có lúc năng lực chúng ta có hạn, giương mắt nhìn người vô tội phải chịu oan, còn hung thủ thực sự lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, nhưng vẫn không biết phải làm cách nào.”

Tôi đáp: “Nếu chỉ nghe từ một phía của Hồ Trường Vĩ, cũng không thể khẳng định anh ta bị oan?”

Thẩm Thư nói: “Tôi không nói anh ta, chỉ là đang than thở với đời vậy thôi. Bác sĩ bắt sai bệnh, cảnh sát bắt lầm người, những việc làm đó nếu nhìn theo góc độ tiêu cực, thì khác gì những kẻ tội phạm giết người?”

Tôi dường như cũng bị nhiễm bởi cậu ta, thở một hơi dài, trầm tư không nói gì cả.

Đột nhiên điện thoại rung, bắt máy lên, hóa ra là Lưu Viễn Chinh gọi đến từ công ty đấu giá. Ông ta nói: “Thục Tâm, tôi có việc cần cô giúp.”

Tôi đáp: “Có việc gì ông cứ nói.”

Lưu Viễn Chinh nói: “Người ủy thác của bức tranh đó hiện đang ở đây, nằng nặc bảo vết máu là do chúng tôi làm vấy lên, tôi muốn cô đến làm chứng. Tôi gọi mãi mà không được chú hai cô, còn Hứa Điềm Điềm hiện nay không ở tỉnh, cô có thể đến đây một chuyến được không?” Tôi ra hiệu bằng mắt với Thẩm Thư, rồi trả lời: “Được thôi, tôi sẽ đến đó ngay.”

Thẩm Thư có vẻ rất quan tâm đến vụ việc này, chủ động để xuất đi cùng tôi đến đó. Lưu Viễn Chinh đã sớm được nghe danh Thẩm Thư, tuy không biết mục đích anh ta đến đây làm gì, song vẫn nhiệt tình bắt tay hỏi han. Người ủy thác đấu giá bức “Bảo Cầm lập tuyết” chính là cô vợ Minh Đệ của Vương Thủ Tài. Cô ta hùng hồn nói: “Cảnh sát hình sự là cái thá gì chứ, định dọa con này à, không có cửa.”

Tôi đáp: “Tại sao cô lại ăn nói thiếu cẩn trọng vậy, ai dọa cô chứ? Cảnh sát hình sự động chạm gì tới cô à?”

Minh Đệ đáp: “Tôi không quan tâm mấy người là ai, bức tranh này lúc mang đến như thế nào thì các người phải đem trả đúng như vậy. Để làm hỏng thì các người phải chịu bồi thường, trên tay tôi còn giữ hợp đồng được kí đàng hoàng đây, giấy trắng mực đen, nếu kiện ra tòa, thì tôi là người có lợi.”

Tôi nói: “Cô đừng nằm mơ giữa ban ngày nữa. Trên bản hợp đồng có ghi rõ, bên B, tức là công ty đấu giá có trách nhiệm phải bảo quản bức quốc họa “Bảo Cầm lập tuyết” cho bên A, cũng chính là cô. Nếu không có ai mua sản phẩm được đem ra đấu giá, thì sản phẩm đó phải được đem trả lại. Có phải trên hợp đồng ghi như vậy không?”

Minh Đệ đáp: “Bên dưới vẫn còn một điều khoản, trong quá trình bên B bảo quản bức quốc họa “Bảo Cầm lập tuyết”, nếu phát sinh bất kì tổn thất nào, bên B sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm.”

Tôi nói: “Đúng là có nói như vậy, thế bây giờ cô muốn bên B phải chịu trách nhiệm như nào?”

Minh Đệ đáp: “Bên B đã để vấy máu lên tranh, làm hỏng bức họa này, cứ theo giá thị trường mà đền, 30 vạn, không thiếu một xu.”

Tôi nói: “Cô cũng thật biết nói thách, 30 vạn, sao không hét lên 300 vạn đi?”

Minh Đệ đáp: “300 vạn cũng được.”

Tôi nói: “Cô nằm mơ giữa ban ngày à.”

Tôi rút từ trong túi khoác ra tấm thẻ ngành để đưa cô ta xem: “Tôi là Thục Tâm bên pháp y của cục công an thành phố.”

Minh Đệ tấm tắc mỉa mai: “Pháp y cơ à, cũng đáng nể đấy, làm tôi hết hồn. Bao giờ cô thất nghiệp thì cứ đến nhà tôi, tôi sẽ không để cô phải chết đói đâu.”

Tôi cười đáp: “Yên tâm, tôi có xin cơm cũng không đến lượt cô. Tôi là pháp y của cục công an thành phố, những kết luận mà tôi đưa ra được pháp luật công nhận. Bây giờ tôi có thể lấy trách nhiệm của mình ra để báo với cô rằng, những vết máu trên bức họa này, không cần kiểm định cũng biết là vết máu lâu năm, tuyệt đối không phải máu vừa mới bắn lên.”

Minh Đệ bĩu môi nói: “Cô đừng có nghĩ mình là thần tiên đi, tôi không thể tin được người như cô. Sau khi chồng tôi chết, bức tranh này được bảo quản trong két sắt của ngân hàng, mười mấy năm nay không ai động vào nó, vậy ai có thể vấy máu lên được? Chắc chắn là do công ty đấu giá làm.”

Tôi nghe xong bỗng chột dạ, ra hiệu bằng mắt với Thẩm Thư rồi nói: “Nếu cô thực sự muốn làm rõ trách nhiệm, thì cô phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời nói của mình, có đúng là bức tranh này mười mấy năm nay không ai động vào nó?”

Mình Đệ đáp: “Các cô nghĩ tôi đang lừa à? Bức họa này trước giờ chưa ai động vào cả, không tin thì các cô đến mà hỏi ngân hàng ấy.”

Tôi cười: “Cô nói đúng ý tôi rồi, đúng là tôi muốn xem bằng chứng của cô.”

Minh Đệ đáp: “Vụ việc này dù có đi đến đâu, thì tôi vẫn là người có lợi.”

Tôi liếc nhìn Thẩm Thư đang đứng trầm tư không nói gì, nói: “Vụ việc ngày càng phức tạp, bức tranh này không thể giữ lại đây, càng không thể để anh đem đi, chúng ta hãy đem nó về cục công an để làm giám định.”

Minh Đệ vừa nghe đã nhảy cẫng lên, nói: “Các người định tiêu hủy chứng cứ à? Đây là tranh chấp dân sự, cục công an không được can dự vào.”

Sau một hồi lâu đứng im bất động, cuối cùng Thẩm Thư cũng chịu mở miệng: “Tôi là Thẩm Thư, đội trưởng đội hình sự của thành phố Sở Nguyên. Tôi chính thức thông báo cho cô, bức tranh này có liên quan đến một vụ án mạng, là vật chứng của vụ án. Tạm thời nó sẽ được quản lý bởi cơ quan công an, đợi sau khi vụ việc được làm sáng tỏ, chúng tôi sẽ trả nó lại cho chủ nhân.” Minh Đệ trợn tròn mắt, nói: “Các anh có ý gì?”

Thẩm Thư đáp: “Tôi đã nói rất rõ ràng rồi. Còn về vết máu trên bức tranh này, chúng tôi sẽ gửi cho cô báo cáo kiểm định sau, chứng minh đây là vết máu của mười mấy năm trước, không có bất kì liên quan gì giữa cô và công ty đấu giá.”

Minh Đệ đơ ra một lúc, điên cuồng lao tới bức tranh, định giật nó về. Tôi đưa tay ra cản cô ta lại, nói một cách nghiêm túc: “Tôi không phải hù dọa cô, nhưng bức tranh này, chúng tôi bắt buộc phải đem nó về. Chúng tôi tuy không phải cơ quan kiểm định uy tín nhất tỉnh Tùng Giang, nhưng ít nhất cũng là một trong những cơ quan kiểm định uy tín. Thẩm Thư và tôi, lấy danh nghĩa của nhân viên công an để thông báo cho cô, mong cô không cản trở quá trình điều tra, nhất là khi đang điều tra về một vụ án mạng.”

Minh Đệ thấy nét mặt nghiêm túc của tôi, có vẻ cũng đôi chút sợ hãi, bắt đầu ăn nói mềm mỏng hơn: “Vậy các cô phải để lại cho tôi một tờ giấy biên nhận.”

Thẩm Thư đáp: “Chúng tôi sẽ lấy danh nghĩa cơ quan công an để đưa cho cô một tờ giấy biên nhận. Cô yên tâm, chúng tôi sẽ có trách nhiệm bảo quản bức tranh này, nếu có bất cứ tổn hại nào, bộ công an sẽ chịu trách nhiệm bồi thường.”

Minh Đệ trợn mắt nhìn Thẩm Thư mấy giây rồi nói: “Tôi tạm tin anh một lần này.”

Thẩm Thư đáp: “Cảm ơn sự tin tưởng của cô. Sau này có thể chúng ta sẽ lại phải gặp nhau, nếu trong quá trình phá án yêu cầu, rất mong cô sẽ hợp tác.”

Thẩm Thư không tiết lộ cho cô ta biết mục đích sử dụng bức tranh này, càng không để cô ta hay sự hoài nghi trong lòng mình. Dù sao đây cũng chỉ là một tia sáng lẻ loi, yếu ớt trong một vụ án đã bị chôn vùi cả chục năm, hơn nữa tia sáng ấy lại rất xa vời, không thể chạm tay vào nó.

Đây là chỉ là phán đoán xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của một nhân viên cảnh sát. Những uẩn khúc đằng sau vụ án này, như báo trước những bước đi khó nhằn trong tương lai. Hơn nữa vụ án đó từng do đích thân cục trưởng Mã Chiêm Tào đảm nhận, nếu giờ vụ án được lật lại, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến Thẩm Thư. Còn nếu không lật được vụ án, thì những danh vọng tích lũy bao lâu nay trên con đường quan lộ của Thẩm Thư sẽ đổ sông đổ biển.

Đó cũng chính là điểm tôi kính phục ở Thẩm Thư. Anh ta vì dân hành sự, tuyệt đối không hám danh mà làm những việc trái với đạo lý. Anh ta luôn biết nghĩ cho người khác khi làm bất cứ một việc gì. Trong thâm tâm anh ta luôn có một cán cân, cái nào nên nhẹ, cái nào nên nặng, việc nào có thể quanh co, việc nào phải giữ đúng nguyên tắc, việc nào nên buông, anh ta đều hiểu rõ.

Vụ án đầy mạo hiểm lần này, chỉ có Thẩm Thư mới muốn làm, dám làm và sẽ làm đến cùng. Anh ta không phải loại người vì ham mê mũ quan mà sợ đắc tội với cấp trên, bởi anh ta luôn tin vào công lý và chính nghĩa.



- -----oOo------
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.