Nhân vật phản diện biến thành bạch nguyệt quang

Chương 65



Bà chủ làm việc rất mau lẹ, vừa châm trà cho bọn họ vừa nói: “Ngày trước một mình ông cụ ở trong làng cổ, giờ bên kia cũng chẳng còn ai nữa. Chính phủ bảo đó là di sản văn hóa phải được bảo vệ, không cho nhà dì sửa sang lại.”

Đỗ Yến thấy bà chủ có khuynh hướng thích buôn chuyện cho nên bèn tỉnh bơ, khách sáo tiếp lời: “Ông sống một mình trong làng cũng hơi bất tiện dì nhỉ?”

Bà chủ giống như đã tìm được tri âm tri kỉ, thao thao bất tuyệt đáp: “Đúng vậy. Thật ra nhà dì vẫn luôn khuyên ông cụ dọn đến ở chung để tiện thể chăm sóc lẫn nhau. Nhưng ông cụ không thích, vì thế nhà dì mới phải thường xuyên qua đó thăm nom.”

Đỗ Yến nương theo câu chuyện: “Ông ấy chắc là người hoài cổ, sống nơi đó đã quen nên không muốn chuyển đi nữa dì ạ.”

“Cháu nói không sai, ngôi nhà cũ trong làng kia được truyền từ đời tổ tiên nhà chồng dì xuống, nghe đâu đã cổ lắm rồi.” Bà chủ nói, “Ban đầu chồng dì cũng chẳng muốn dọn đi nhưng sau này con cái lớn lên, kêu la không có internet rất bất tiện nên cả nhà dì mới chuyển tới đây đấy chứ.”

Lương Phi xen vào: “Bây giờ mà vẫn không có mạng ấy hả dì?”

“Đừng nói là internet, ngay cả dây điện trong làng cũng hỏng, mất điện từ sáng đến tối lại không thể tùy tiện sửa chữa di sản văn hóa. Muốn uống nước thì phải đi xin nước giếng để đun vì không có nước máy. Bởi vậy chỉ những ai lớn tuổi mới tiếp tục sống tại đó thôi.”

Bà chủ ngừng công việc trên tay, thở dài: “Bố chồng dì cũng thế đấy, khuyên can đủ đường mà vẫn chẳng chịu chuyển khỏi làng cổ. Nhà dì bận rộn việc bày bán quán ăn, thường liên tục hai ba ngày không thể tới để chăm sóc ông cụ nên mới xảy ra chuyện.”

“Chuyện gì vậy ạ?”

Cuối cùng Đỗ Yến cũng nghe thấy vấn đề mấu chốt. Theo đạo lý mà nói, nếu như ông cụ sống thọ rồi chết tại nhà thì sẽ trực tiếp đi vào luân hồi chuyển thế, không thể xuất hiện trong mộng được.

“Bồ chồng dì sống rất máy móc, tính tình còn hay cậy mạnh không thích tìm người ta giúp đỡ. Lần đó bóng đèn trong nhà bị hỏng, hai vợ chồng dì bận bán hàng nên hai ngày rồi không vào làng, ông cụ cũng chẳng gọi vợ chồng dì một tiếng mà tự trèo lên ghế thay bóng đèn, cái ghế gãy, người ngã xuống đất, đưa đến bệnh viện thì khoảng mấy ngày sau là đi rồi.”

Nói tới đây, bà chủ ngừng một chút: “Chiếc ghế kia là bảo vật gia truyền do tổ tiên làm quan để lại. Lúc trước có người trả giá cao mà ông cụ cũng chẳng nỡ bán.”

“Ghế có thể làm đồ gia truyền thì chắc hẳn phải làm bằng gỗ tử đàn đúng không ạ?” Đỗ Yến hỏi.

“Ừ, kiểu ghế bành gọi là ghế Thái Sư ấy, dì nghe người mua họ nói thế.” Bà chủ trả lời, “Ông cụ nâng niu chiếc ghế lắm, lúc nào cũng chăm sóc thật cẩn thận, nhưng mà dù gì cũng lâu như vậy rồi, hỏng cũng là chuyện bình thường thôi.”

“Ông cụ nằm trên giường bệnh vẫn còn nhớ mãi không quên cái ghế bảo bối, còn bảo phải thiêu xác mình chung với nó nữa… Ơi, đến đây đến đây!”

Bà chủ còn chưa dứt câu đã thấy ông chủ lớn tiếng gọi qua giúp đỡ.

Đỗ Yến cười nói: “Dì mau đi đi ạ.”

Vừa nãy lúc Đỗ Yến và bà chủ đang nói chuyện, tất cả mọi người đều yên tĩnh nghe. Cũng không biết tại sao lại chẳng có ai muốn mở miệng nói gì hết.

Chờ bà chủ rời đi, bầu không khí trên bàn mới bắt đầu sôi nổi hơn.

Tiếu Lang hỏi Đỗ Yến: “Cậu thích mấy câu chuyện xưa này à?”

Đỗ Yến thuận miệng đáp: “Tôi tới đây cốt là để vẽ kí họa, nếu đằng sau mỗi bức tranh lại ẩn chứa một câu chuyện thì mới càng thêm sinh động.”

Chuyện ông cụ và chiếc ghế bảo bối của ông ta cũng không khiến những người đã quên hết nội dung giấc mơ cảm thấy bất thường.

Sự tình cứ bỏ qua như vậy. Mọi người dùng cơm nước xong xuôi bèn dựa theo bảng hướng dẫn để đi về phía làng cổ.

Đến gần cổng làng, con đường nhỏ trước mặt được dựng rào chắn, bên cạnh đặt quầy bán vé. Giá vé cũng không đắt lắm, khoảng vài chục tệ.

Tiếu Lang bước tới mua vé, người bán đưa vé cho hắn qua một khung cửa nhỏ, sau đó máy móc nói: “Phải đi ra trước năm giờ chiều, muộn hơn thì chỗ này đóng cửa rồi.”

Tiếu Lang lấy mấy quyển sách giới thiệu trên giá, sau đó bọn họ bắt đầu tiến vào làng cổ.

Càng đi vào sâu bên trong thì kiến trúc hiện đại lại càng ít. Sau khi băng qua cầu đá lại giống như vừa mới xuyên đến một thế giới khác vậy.

Bên kia cây cầu là một đền thờ rất cao có hai từ “trinh tiết” viết bằng chữ phồn thể. Đền thờ vốn phải được xây bằng đá cẩm thạch trắng nhưng bởi vì năm tháng bào mòn mà lại hiện ra màu xám đen đầy tang thương.

Tác phẩm điêu khắc tinh xảo phía trên đền thờ cũng bị tổn hại rất nhiều, hàng chữ biểu dương trinh tiết liệt phụ bên dưới đã mờ đi, chỉ có thể mơ hồ trông thấy hai từ “Phạm Thị”.

Chu Điềm là nữ thanh niên văn nghệ điển hình, vô cùng hứng thú với lối kiến trúc đặc biệt có tuổi đời lâu dài này.

Cô nàng chạy đến chỗ đền thờ, cầm điện thoại di động chụp liên tục, còn đưa máy cho Ngụy Tử Triết, giục bạn trai chụp cho mình mấy tấm.

Đỗ Yến đứng cách đó không xa, chăm chú nhìn lên đỉnh của đền thờ trinh tiết, trong lòng không khỏi cười khẩy.

Đền thờ này có vẻ không vẻ vang, đẹp đẽ giống như bề ngoài của nó cho lắm.

Cậu lật qua lật lại quyển sách giới thiệu trên tay, ngay trang đầu đã viết rất rõ về nguồn gốc của đền thờ. Đại khái là biểu dương một trinh tiết liệt phụ hai trăm năm trước: bà Phạm Thị để tang chồng khi còn trẻ, nhọc nhằn khổ sở nuôi dưỡng con trai mồ côi cha từ lúc còn trong bụng mẹ lớn lên, thấy con trai đã tài giỏi hơn người rồi liền đi theo người chồng đã mất, dùng mảnh lụa trắng treo cổ ở trong nhà.

Chu Điềm chụp ảnh xong thì mọi người bèn tiếp tục tham quan. Tiếu Lang chợt phát hiện Đỗ Yến vẫn đứng im tại chỗ.

Hắn quay đầu lại, thấy Đỗ Yến đang rất nghiêm túc nhìn lên đỉnh đền thờ: “Đỗ Yến, cái đền này có vấn đề gì à?”

Đỗ Yến hoàn hồn, cậu thu hồi ánh mắt rồi bước tới: “Không có gì, chẳng qua tôi vừa thấy một thứ rất thú vị thôi.”

Đỗ Yến sóng vai với Tiếu Lang, mới đi được mấy bước, cậu liền ngoảnh đầu nhìn về phía đền thờ.

Trên đỉnh đền thờ xám đen đứng lẳng lặng ở cổng làng bỗng xuất hiện món đồ không hề ăn nhập với hoàn cảnh. Đó là một đôi giày thêu tinh xảo màu đỏ thẫm mà các cô gái thời xưa thường xỏ khi lấy chồng.

Bọn họ càng đi càng cảm thấy ngôi làng cổ này quả thực vô cùng đặc sắc, con đường dưới chân đều được lát đá xanh. Qua thời gian, khe hở giữa từng phiến đá đã mọc rêu xanh, gập gềnh nhấp nhô.

Mỗi một bước chân đều như có thể nghe thấy tiếng vọng của năm tháng.

Con đường nhỏ vừa dài vừa sâu, chỉ đủ để hai người cùng đi. Nhà cũ ở hai bên đường không cao, chẳng biết vì sao mà ánh mắt trời rực rỡ bên ngoài lại không thể chiếu lên trên con đường ấy.

Cả con đường nhỏ hoàn toàn tách biệt với mùa hè, vô cùng mát mẻ.

Đại đa số đều là nhà cũ được xây dựng bằng đá xanh, giữa khe hở mọc đầy rêu. Tuy đây là di sản văn hóa được bảo vệ, thế nhưng Thuận Bình chỉ là một thành phố nhỏ, kinh tế không quá phát triển. Chính phủ cũng không dành nhiều tài chính để tu sửa làng cổ, ngoại trừ vài kiến trúc mang tính đại biểu ở ngoài thì có không ít căn nhà đã sụp một nửa, chỉ còn lại mấy bức tường đá xanh.

Đoàn người đi dọc theo con đường, bắt đầu cảm thấy có gì đó không đúng. Dù sao làng cổ cũng là địa điểm dụ lịch, tuy hiện tại không quá đông nhưng từ nãy đến giờ bọn họ vẫn chưa gặp bất kì khách du lịch nào cả.

Chu Điềm dừng lại chà xát cánh tay, nói: “Các anh có thấy kỳ lạ không? Tại sao ngoại trừ mấy người chúng ta ra thì chẳng còn ai vậy?”

Tiếu Lang lên tiếng: “Thật ra làng cổ đã từng rất hot, song trước đây đường hầm bị sạt lở, rất nhiều người chưa biết chuyện được thông xe cho nên khách du lịch mới ít như thế.”

Ngụy Tử Triết cười cô nàng: “Em bảo ghét nhất đi du lịch mà phải chen lấn, chẳng có tí không khí nào còn gì? Giờ thỏa mãn yêu cầu của em rồi đấy.”

Chu Điềm buồn thiu: “Nói thì nói chứ, như thế này thì quá vắng rồi.”

Bọn họ vừa trò chuyện vừa đi đến cuối, tầm nhìn trước mắt trở nên rộng rãi, đập vào mắt là một nơi vô cùng trang nghiêm.

Từ đường.

So với nhà dân có phần lụp xụp thì từ đường này cực kì mới, xem ra hàng năm đều có người gìn giữ và tu sửa. Tranh sơn mài ở cửa có màu sắc rất tươi tắn, cửa lớn màu đỏ đóng chặt.

Lương Phi cảm thấy vô cùng hứng thú, đi đi lại lại trước cửa vài vòng rồi quay đầu hỏi: “Sao lại đóng cửa hả mày?”

Tiếu Lang giải thích: “Từ đường trong làng không cho người ngoài vào nên mới khóa như thế đấy.”

“Vậy à?” Lương Phi vẫn chưa từ bỏ ý định, khẽ đẩy cửa, “Tao muốn xem quá.”

Đỗ Yến bỗng lên tiếng: “Tốt nhất là cậu đừng nên bước chân vào đó.”

“Hả?” Chẳng hiểu tại sao Lương Phi lại giật mình, vội rụt tay về.

Nhưng cũng đã quá muộn, cửa lớn kia chưa được khóa, chỉ đẩy một cái cũng mở. Cánh cửa thoạt nhìn rất nặng thế nhưng khi mở ra lại vô không hề có tiếng kêu.

Lương Phi hoảng hốt lo sợ, liên tục xua tay: “Tao, tao không cố ý, tao có dùng lực đâu, mới đụng nhẹ một cái thôi mà?”

Tình huống hiện tại quả thực có hơi quỷ dị. Tất cả mọi người đồng loạt nín thở, chỉ sợ sẽ nhìn thấy cảnh tượng không nên nhìn nào đó.

Thế nhưng, đằng sau cánh cửa lại trống rỗng, chẳng có thứ gì cả.

Lương Phi vỗ ngực: “Làm tao sợ muốn chết, với lại sao trong này trống huơ trống hoác thế nhỉ?”

Tiếu Lang đáp: “Bình thường thôi mà, từ đường chỉ được dùng khi có chuyện trọng đại. Ví dụ như thờ cúng tổ tiên, hoặc sau khi người già sống thọ chết tại nhà thì đặt linh cữu ở đây mấy ngày.”

Lương Phi bám lấy cửa lớn, ngó dáo dác: “Các bức tranh sơn mài này đẹp thật đấy, đúng là cao thủ dân gian.”

Mọi người nghe thấy vậy bèn nhìn vào những vật trang trí trong từ đường.

Tiếu Lang cũng không ngăn cản bọn họ, chỉ nói: “Chúng mày đứng ngoài cửa nhìn là được, đừng nên mạo phạm từ đường nhà người ta.”

Ánh mắt Đỗ Yến rơi trên mặt đất. Lối vào từ đường có một cái giếng trời, ánh nắng chiếu xuống hắt lên một bóng dáng lờ mờ nào đó, có lẽ là cây đại thụ ở bên ngoài.

Cũng có lẽ là thứ gì khác.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.