Nhân Sinh Từ Dò Mìn Bắt Đầu

Chương 354: Nâng cấp GunBound



Là một trò chơi được sản xuất và phát hành trong những năm đầu thế kỷ 21, từ hồi Dương Khoa còn là một cậu học sinh trung học cơ sở loắt choắt nên chất lượng đồ họa của “GunBound” không thể nào tốt đẹp như những người đàn em sinh sau đẻ muộn tại thế giới cũ, và càng không là gì cả nếu đem so sánh với những trò chơi điện tử cùng cấp độ tại thế giới này. Hạn chế về mặt công nghệ thời bấy giờ là tác nhân then chốt, một phần nữa thì là do bất kỳ trò chơi trực tuyến nào cũng đều đặt yếu tố trải nghiệm liền mạch của người chơi lên hàng đầu. Cho nên nội dung liên quan tới mảng đồ họa, âm thanh vân vân thường sẽ bị đơn vị phát triển trò chơi tìm cách giản lược đi, qua đó giảm áp lực lên những cỗ máy chơi trò chơi của người chơi và đôi khi là cả đường truyền internet nữa.

Với tư cách là một con mọt game chân chính đương nhiên là Dương Khoa thừa hiểu điều bất khả kháng ấy để mà cảm thông. Thêm nữa thời kỳ trò chơi trực tuyến mới du nhập vào dải đất hình chữ S khi xưa người chơi vốn cũng không có bao nhiêu lựa chọn khả quan. Có được một trò “Free to Play” để chơi đã là tốt lắm rồi, hắn nào dám đòi hỏi nhiều hơn?

Mặt khác, mảng đồ họa của “GunBound” không phải là không có điểm nhấn sáng giá. Tổng thể bối cảnh tươi sáng, phù hợp với mọi lứa tuổi kết hợp cùng những cỗ mobile được thiết kế theo phong cách ngộ nghĩnh dễ thương là một trong những yếu tố khiến dân tình khi xưa say mê trò chơi trực tuyến này như điếu đổ. Chính Dương Khoa hắn cũng không phải là ngoại lệ, thời còn thơ bé cũng vì tạo hình của mobile Mage – mobile yêu thích của hắn quá ngầu mà hắn đã bỏ ra không biết bao nhiêu đêm để đăng nhập vào trò chơi, sau đó lập phòng “Solo Mage” rồi cứ thế so tài với những người bạn mạng hết ván này đến ván khác không biết chán.

Bất quá, lấy bối cảnh thế giới mới đang sinh sống cùng với tư cách ông chủ của một công ty chế tác trò chơi đang phất lên nhanh như tên lửa ở thời điểm hiện tại Dương Khoa sẽ không dại dột tới mức giữ nguyên xi mảng đồ họa trò chơi “GunBound” không cải tiến chút nào. Đi qua cân nhắc kỹ lưỡng, hắn quyết định sẽ nâng cấp diện mạo của toàn bộ các mẫu thiết kế mobile có mặt trong trò chơi lên một tầm cao mới, sao cho chúng trông không chỉ dễ thương mà còn phải đặc biệt có thần. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc tạo hình, chuyển động của mobile cho đến những tiểu tiết ít người chú ý, hết thảy đều cần phải được chỉnh sửa thêm thắt để những cỗ máy làm nên thương hiệu “GunBound” không còn mang dáng vẻ xơ cứng thiếu tự nhiên của phiên bản nguyên thuỷ ngày xưa.

Về phần giao diện tổng thể của trò chơi và quang cảnh sân thi đấu, hai nội dung chủ chốt khác của mảng đồ hoạ trò chơi thì tất nhiên chúng cũng cần phải có những sự chỉnh sửa tương ứng. Chỉ là Dương Khoa cảm thấy không cần thiết phải vội vã lên kế hoạch thay đổi ngay từ bây giờ, thay vào đó hắn muốn hoãn lại tới khi nào dự án chế tác “GunBound” được “bật đèn xanh” rồi hẵng tiến hành cũng không muộn. Vừa là để bản thân hắn có thêm thời gian tính toán, vừa là để khi đó tham khảo thêm ý kiến của các thành viên thuộc đội ngũ thiết kế trò chơi trong công ty.

Số lượng sân thi đấu ít ỏi cùng với hệ thống vật phẩm phụ trợ tồn tại nhiều bất cập, hai “điểm đen” thuộc mảng lối chơi của “GunBound” cũng nhanh chóng bị Dương Khoa đưa vào diện cần phải được xử lý gọn gàng trước khi đem trò chơi xuất thế. Bổ sung thêm sân thi đấu thì tương đối “dễ thở”, chỉ cần dành ra nửa tiếng đồng hồ vẽ nguệch ngoạc mấy nét là hắn đã có cho mình kha khá bản phác thảo sân chơi với đủ mọi loại kiểu dáng khác nhau. Thế nhưng việc cải tổ toàn bộ hệ thống vật phẩm phụ trợ lại thực sự là một bài toán khó đối với Dương Khoa. Hắn biết rất rõ những món vật phẩm phụ trợ nào có thể loại bỏ mà không làm ảnh hưởng đến nội dung lối chơi, nhưng loại bỏ xong rồi nên làm gì tiếp theo thì mới là vấn đề hóc búa.

Để nguyên hệ thống vật phẩm phụ trợ với những món đồ ít ỏi còn sót lại rồi cứ thế tung trò chơi ra? Thế thì chắc mười ván như một người người nhà nhà ai cũng chọn ba phát Dual mất. Sáng tạo ra những món đồ mới thay thế những món đồ bị loại bỏ? Phương án này nghe hợp lý hơn phương án trên đấy nhưng lại đòi hỏi Dương Khoa phải tiêu tốn khá nhiều chất xám cho công đoạn vừa nêu, sao cho những món đồ mới xuất hiện vừa không đi vào vết xe đổ của kẻ bị đào thải vừa phải phù hợp với trò chơi và gây được ấn tượng tốt đẹp trong lòng người chơi.

Thôi không loại bỏ mấy món vật phẩm “phế thải” ấy nữa mà cứ để nguyên đấy cho đỡ nhức đầu? Làm người ai lại làm thế, đã quyết tâm cải tổ lại toàn bộ hệ thống rồi thì phải cố gắng theo đến cùng chứ? Không được nản chí! Quên phương án này ngay, chọn một trong hai phương án trên kia thôi.

Sau khi tự cổ động bản thân không được bỏ cuộc, trải qua thêm vài ba phen suy tính thiệt hơn Dương Khoa đã cắn răng lựa chọn phương án thứ hai. Và đó cũng chính là nguyên do tại sao hắn lại mất tới cả buổi nhốt mình trong phòng làm việc chỉ để cho ra đời vỏn vẹn bốn thay đổi chính yếu liên quan tới “GunBound”. Chỉ riêng hạng mục này thôi đã ngốn mất già nửa số thời gian ấy của hắn rồi, cũng may thành quả mà nó đem lại thực sự không tệ chút nào. Ít nhất trong mắt hắn nó là như vậy.

Ba món đồ phụ trợ Blood (hy sinh 8% lượng máu để gia tăng 33% sát thương), Change Wind (đảo ngược hướng gió hiện tại) và Bunge Shot (gia tăng khả năng “đục đất” lên 25%) là những món đồ chính thức nói lời tạm biệt với phiên bản trò chơi “GunBound” tại thế giới mới. Thay thế cho chúng sẽ là bốn món đồ sở hữu tính năng đáng gờm hơn hẳn những kẻ tiền nhiệm: một món đồ tăng 40% sức mạnh cho loạt đạn bắn sắp tới nhưng cái giá phải trả là sát thương phải nhận từ lúc sử dụng nó cho đến lượt đi tiếp theo cũng sẽ tăng lên một con số tương ứng, không có độ trễ khi sử dụng; một món đồ cho phép viên đạn của mobile người chơi bỏ qua tác động của gió và cơn lốc trên sân đấu trong một lượt, độ trễ khi sử dụng tương đối nhỏ; một món đồ tăng khả năng đục đất của loạt đạn mobile sắp phóng ra lên gấp đôi nhưng đi kém với đó là độ trễ khá lớn; một món đồ còn lại cho người chơi khả năng cấm đối phương sử dụng món đồ phụ trợ trong hai lượt đi tiếp theo khi sử dụng, với điều kiện người chơi phải bắn trúng đối phương ở lượt đi đó và độ trễ cũng ở mức tương đối.

Bớt đi ba, thêm lại bốn, như vậy hệ thống vật phẩm phụ trợ của phiên bản “GunBound” mới sẽ có tổng cộng mười hai món đồ tất cả. Không quá dư dả cũng không quá thiếu thốn, số lượng ấy chắc hẳn là đủ để người chơi nơi đây thoải mái xây dựng cho mình chiến thuật chọn lựa và sử dụng hợp lý cho chặng đường chinh chiến của riêng mình. Còn nếu sau này có biến cố gì xảy ra thì Dương Khoa hắn sẽ tiến hành thêm bớt hay tăng giảm sức mạnh sau, đơn giản!

Cuối cùng, thứ tàn dư mà Dương Khoa muốn triệt để xoá sổ khỏi “GunBound” chính là hệ thống trang phục cung cấp chỉ số. Cứ việc xuyên suốt cuộc hành trình mở khoá trò chơi kéo dài cả tháng qua đã có khá nhiều ván đấu hắn hưởng lợi lớn từ những bộ quần áo hay những món trang sức mạnh mẽ mặc ở trên người, thế nhưng điều đó không có nghĩa là hắn cảm thấy hài lòng với sự góp mặt của chúng. Nguyên do vì sao hắn lại tỏ vẻ không mấy thích thú như vậy thì nhiều vô biên: nào là hạng mục đồ đạc nghèo nàn chỉ có mỗi nón, áo, kính mắt, cờ đeo trên người và phông nền trang trí; tám chỉ số mà hệ thống trang phục cung cấp không thực sự ấn tượng; rồi còn cả sự phân bố chỉ số bất hợp lý giữa những món trang phục cùng loại với nhau nữa; vân vân và mây mây....

Vì bất cập còn nhiều hơn cả hệ thống vật phẩm phụ trợ nêu trên nên Dương Khoa mới muốn thay đổi triệt để mọi thứ liên quan đến hệ thống trang phục cung cấp chỉ số trong “GunBound”. Nhưng vì bao nhiêu tinh lực đều đã dùng để nghĩ ra bốn món đồ phụ trợ mới, do đó khi đến hạng mục này thứ duy nhất mà Dương Khoa có được sau một khoảng thời gian dài ngồi ngậm bút chỉ là loại bỏ chỉ số Popularity – chỉ số giúp cho người chơi kiếm được nhiều vàng hơn vào cuối mỗi trận đấu, và cũng là tác nhân khiến cho tệ nạn cày vàng diễn ra tràn lan hồi trò chơi còn làm mưa làm gió tại “Địa cầu 1.0”.

Thế rồi trong giây phút mệt mỏi quá đỗi, một ý tưởng bỗng nhiên xoẹt qua trong óc Dương Khoa. Không chút do dự, hắn vung bút múa ngay mấy chữ “tham khảo từ hệ thống trang bị của “DDTank” sau đó giản lược đi cho phù hợp” lên giấy rồi đóng bút lại quẳng sang một bên, biểu thị công tác lên kế hoạch chỉnh sửa cải tiến ngày hôm nay đến đây là chấm dứt. Kế đó, như thường lệ hắn lại tìm đến Btop để đổi lấy dữ liệu nâng cấp luôn cho nóng, và khá may mắn cho hắn là số điểm danh vọng còn lại sau khi quy đổi hai trò chơi cùng tiêu tốn cho hành trình mở khóa vẫn đủ để hắn có được những thứ mình cần.

Tiếp nhận xong xuôi dữ liệu hệ thống truyền tới, Dương Khoa trả Btop về lại chỗ cũ sau đó bớt thêm một vài phút để lên kế hoạch làm việc sơ bộ trong tương lai. Theo đó hắn sẽ là người tự tay thiết kế nên các mẫu mobile của trò chơi, bên cạnh việc xây dựng bản thảo nội dung chi tiết để cung cấp cho các thành viên thuộc đội nhóm chế tác sau này. Như thế vừa giảm tải được một khối lượng lớn công việc cho toàn đội lại vừa đảm bảo mọi thứ sẽ tiến triển thuận lợi nhờ vào khả năng ăn gian trắng trợn làm một lần là xong của bản thân. Thêm nữa, không cần phải chờ đến khi dự án “GunBound” được “bật đèn xanh” Dương Khoa quyết định sẽ triển khai mọi thứ trong âm thầm ngay từ bây giờ. Dù sao hiện tại buổi tối và các ngày cuối tuần hắn cũng rảnh rỗi, cứ túc tắc làm dần dần cho nó nhẹ gánh.

Kết thúc buổi làm việc nhọc nhằn vất vả, Dương Khoa ăn uống nghỉ ngơi một hồi rồi lại tất bật với công việc lên dây cót tinh thần như đã hứa hẹn với Thiếu Hoàng. Và quả thực đúng như những gì người anh lập dị tâm sự đêm hôm trước, trong đội ngũ nhân viên thiết kế trò chơi của Ninja Studio đã bắt đầu xuất hiện một vài cá nhân với tư tưởng không an phận. Bất quá thời điểm hiện tại là lúc cần người, cộng thêm bọn họ đã biết quá nhiều về dự án bí mật “Age of Empires” nên hắn cũng không dám làm căng mà chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở để ổn định đội ngũ. Song song với đó hắn còn gọi tất cả các thành viên nảy sinh ý tưởng làm trò chơi mới đến phòng làm việc của mình trình bày cặn kẽ mọi thứ từ A đến Z, để biểu thị rằng hắn rất sẵn lòng trong việc lắng nghe và đưa ra lời khuyên có ích đến với mọi người.

Chỉ có điều, những lời khuyên của Dương Khoa ngày hôm ấy toàn là những lời khuyên mang tính chất “cổ vũ” con người ta từ bỏ.

“... Đó, bây giờ Toản thử nhìn lại bảng phân tích chúng ta cùng nhau xây dựng nên mà xem. Ưu điểm được mỗi hai gạch đầu dòng, còn khuyết điểm lên tới bảy tám gạch đầu dòng rồi này. Cho dù những điểm nhấn của trò chơi có thú vị đến đâu đi chăng nữa thì cũng sẽ không thể nào gánh nổi từng ấy “cục tạ” được. Đúng không?” Bên tấm bảng trắng to lớn ghi chằng chịt toàn chữ là chữ, Dương Khoa vừa vung vẩy chiếc bút dạ trong tay vừa chốt lại phần trình bày ý kiến đánh giá.

“Dạ đúng ạ.” Người nhân viên tên Toản đáp lại với vẻ mặt tiu nghỉu. Được đà Dương Khoa quét mắt hỏi tiếp ý kiến của các thành viên ngồi xung quanh, sau khi có được những câu trả lời tương tự hắn mới ung dung kết luận:

“Tóm lại ý tưởng về trò chơi này của Toản nghe cũng có vẻ khá ổn đấy, thế nhưng Toản cần phải nghĩ cách khắc phục được hết những khuyết điểm có khả năng nảy sinh trên tấm bảng này thì mới có thể tính tiếp đến chuyện bắt tay vào chế tác trò chơi. Bất kỳ công đoạn thiết lập ý tưởng nào cũng đều phải được suy tính một cách kỹ lưỡng như vậy hết, có thế mới giảm thiểu được rủi ro xuống đến mức thấp nhất. Hiểu chưa?... Hiểu rồi thì tốt, trò chơi này tạm thời không được thông qua nhé. Còn ai có ý tưởng về trò chơi mới muốn trình bày không nào?... Không hả. (Nhìn đồng hồ) Vậy thôi, mọi người về phòng làm việc đi. Nhớ đem cả tấm bảng về mà bảo nhau nghiên cứu thêm cho kỹ.”
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.