Nguyện Làm Nữ Nhân Như Ngọc

Chương 4: Đám cưới linh đình



Thoáng cái đã đến ngày cử hành hôn lễ. Đầu tháng bảy nắng gió ôn hòa, tiết trời mát mẻ rất thích hợp cho việc cưới hỏi.

Tới giờ Mẹo, đoàn rước dâu đã kèn trống linh đình trải dài hai con phố, khắp nơi đều rộn ràng tiếng pháo nổ.

Bên trong Trần gia, các bức tường được quét dọn sạch sẽ và treo đầy những đèn lồng rực rỡ. Nơi nơi ngập tràn trong không khí hoan hỉ vui tươi. Từ lúc trời còn tờ mờ sáng, Như Ngọc đã bị mẹ gọi dậy chuẩn bị. Trên đầu nàng vấn khăn búi tóc gọn gàng, cổ đeo một chiếc kiềng vàng, toàn thân mặc bộ hỉ phục bằng gấm, vạt áo thêu hoa mẫu đơn bằng chỉ bạc. Hai tay đeo một cặp vòng phỉ thúy uyên ương, nhìn vào gương một cái sẽ thấy gương mặt trắng trẻo, ngũ quan đoan chính. Người hầu tất bất đi tới đi lui chuẩn bị mà nàng vẫn điềm nhiên như thể chẳng mảy may quan tâm đến chuyện gì đang xảy ra. Nói thế cũng không đúng, suy cho cùng nàng đã chấp nhận số mệnh của mình. Một khi đã như vậy hà tất phải hoảng hốt, cứ bình thản đón nhận những gì sắp xảy ra.

Kế đấy, hai chị dâu của nàng là chị Tú và chị Cát Anh dắt theo các con nhỏ mặc trang phục báo hỉ đến chúc mừng. Mấy đứa nhóc choai choai, dùng giọng nói non nớt của mình lần lướt đứng lên chúc phúc cô ruột. Tất cả xong xuôi, mẹ Dung liền cùng mọi người ra khỏi khuê phòng, để lại nàng ngồi bên trong chờ tới giờ rước dâu.

Là cháu trai của Quận công nên xét về độ hoành tráng, hôn lễ này không thua kém bất kỳ vương công quý tộc trong thành. Bên ngoài đã có không ít khách nhân qua lại, không khí rộn ràng vô cùng. Hòa vào dòng người, mẹ Dung dẫn theo hai con dâu và các cháu đi tiếp khách. Mấy vị phu nhân bắt gặp đám trẻ nhỏ mặc y phục đỏ thắm ánh lên khuôn mặt bé bé mềm mại thì tấm tắc không thôi, người này đưa tay sờ má, người kia thì hỏi han đủ chuyện.

Ở nhà chính, cha Hưng cùng hai người con trai là anh Minh và anh Mẫn đang tất bật chào hỏi đồng liêu. Tuy chức quan của cha Hưng không cao nhưng nhiều năm làm quan chưa từng làm ra chuyện gì xấu xa, tính tình lại ôn hòa nên được nhiều người quý mến. Nói đi rồi nói lại, nếu không phải do Thánh Thượng ban hôn thì khách khứa đến chung vui chưa chắc đã đông như vậy.

Đoàn rước dâu cuối cùng đã đến. Tân lang năm nay hai mươi tám tuổi, thuộc vào hàng kết hôn muộn. Trước đây, chàng từng đính hôn một lần nhưng không biết vì lý do gì đó mà đã hủy hôn. Thân thể tráng kiện, tướng mạo đứng đắn, mái tóc đen nhánh được búi gọn lộ ra khuôn mặt góc cạnh trang nghiêm, Vĩ Văn có con ngươi rất đẹp, sâu thẳm như giếng cổ, tựa hồ có thể nhìn thấu mọi thứ xung quanh. Trên người mặc bộ hỉ phục bằng gấm đắt tiền, cử chỉ đĩnh đạc, toàn thân chàng tỏa khí chất lạnh lùng của con nhà quyền quý.

Giờ lành đã điểm, Như Ngọc được mẹ dẫn từ trong phòng ra ngoài đại sảnh. Sau khi làm lễ trước cha mẹ và bàn thờ gia tiên, nàng được đưa lên võng hoa tiến về nhà chồng. Đi đến cổng nhà, anh Mẫn nói nhỏ vào tai nàng: "Không cần nhẫn nhục chịu thiệt, gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc cho em."

Trái tim vốn bình tĩnh của Như Ngọc nảy lên một nhịp. Như Ngọc vùi đầu vào tấm lưng rộng lớn của anh hai, kìm nén cảm xúc nức nở vào trong. Nàng không dám nghĩ nhiều vì sợ bản thân sẽ hối hận với quyết định này của mình. Bà mai hô lên một tiếng, đoàn rước dâu bắt đầu khởi hành. Mẹ Dung đứng ở cổng chính nhìn dòng người đang từ từ đi xa, không kìm được nước mắt mà xà vào người cha Hưng khóc nấc lên.

Qua một hồi đung đưa trên võng, đi qua mấy con phố cuối cùng cũng đến nơi. Như Ngọc được người hầu đỡ xuống và khi bước vào cửa phủ Quận công, Kế đấy, nàng được bà mai nhắc bước qua chậu than đang cháy đỏ rực. Lửa hồng sẽ đốt hết những tà ma theo quấy phá và sẽ đốt vía của tất cả những kẻ độc mồm độc miệng đã chê trách, quở mắng tân nương ở dọc đường.

Sau khi cẩn thận bước qua chậu than, hai người được bà mai dẫn vào bên trong. Thềm cửa chạm khắc tinh sảo, trên mặt đất trải thảm hoa thật dài dẫn vào hỉ đường. Tân lang đi trước, Như Ngọc theo sau, hai người đi qua mấy đường hành lang mới tới nơi. Những lúc vô tình chạm mắt nhau khi làm lễ, Như Ngọc cảm thấy chàng thật tuấn tú rồi lại nhớ đến khuôn mặt của mình, đúng là hoa nhài cắm bãi phân trâu mà.

Khi đã hoàn thành các nghi lễ ở hỉ đường, tân lang và tân nương được đưa vào tân phòng. Trái ngược với không khí náo nhiệt ngoài kia, bên trong này có phần yên ắng hơn nhiều. Hai bà thím khuôn mặt phúc hậu đã ở trong đấy từ trước, thấy đôi phu thê vừa vào thì vui cười niềm nở hướng dẫn hai người uống rượu giao bôi và mốt số việc khác. Xong xuôi, hai thím nói những lời chúc phúc hoan hỉ và nhanh nhẹn đi ra khỏi phòng.

Bầu không khí dường như lắng đọng đi, Như Ngọc và Vĩ Văn ngồi thẳng lưng nhìn về phía trước. Nói vui chứ nhìn dáng vẻ nghiêm túc của Vĩ Văn cùng với khuôn mặt được dặm lớp phấn trắng dày cộm của Như Ngọc, trông không khác gì hai bức tượng ông Tơ bà Nguyệt ở trong đình.

Tiếng ồn ào của quan khách từ bên ngoài vọng vào. Như Ngọc hơi nghiêng đầu nhìn sang Vĩ Văn, đưa tay xoa xoa bụng đói của mình, quyết định là người mở lời trước: "Em tên là Như Ngọc. Từ giờ sẽ là thê tử của chàng."

Vĩ Văn mặt không biểu cảm nói: "Ừ."

Như Ngọc hơi chớp mắt, khoẻ miệng cong cong hỏi lại: "Vậy còn chàng?"

Vĩ Văn cảm thấy hơi khó hiểu nhìn nàng: "Không phải nàng biết tên tôi rồi sao?"

Ánh mắt nàng trong suốt nhìn thẳng vào người ngồi bên cạnh, trong câu nói chứa đầy hàm ý: "Đúng là vậy. Nhưng em tự hỏi chàng là Khuất Nguyên hay là phu quân của em?"

Ở góc phòng, chị Lan nghe thấy câu hỏi của tiểu thư nhà mình thì tim nảy lên một nhịp, len lén ngẩng đầu nhìn sắc mặc của tân lang, hy vọng chàng sẽ không khó chịu vì câu hỏi ngớ ngẩn của nàng.

Lần này Vĩ Văn mới nghiêng đầu sang nhìn cô vợ nhỏ của mình. Như Ngọc có chút mệt mỏi, nàng dựa lưng vào thành giường để mặc cho chàng quan sát. Nhìn nàng một lát, Vĩ Văn nhếch miệng: "Là phu quân của nàng."

Sau đấy chàng đứng dậy, chỉnh trang lại y phục toan cất bước ra ngoài: "Nàng nghỉ ngơi đi, tôi ra ngoài tiếp khách."

Như Ngọc nghe thấy câu trả lời mình mong muốn, ôn nhu nói: "Vâng, em chờ chàng quay lại."



Nghe thấy nàng nói, bước chân của Vĩ Văn thoáng khựng lại một nhịp rồi thẳng lưng đi tiếp.

Sau khi Vĩ Văn rời đi, chị Lan cùng hai nữ hầu khác là thị Lựu và thị Mận tiến vào. Cả ba đều là người hầu Như Ngọc dẫn theo từ nhà mẹ, ngoài ra còn một người khác tên thị Cam.

Chị Lan đau lòng nhìn Như Ngọc cực khổ cả ngày trời: "Em có đói bụng không, ăn một chút cháo lót dạ trước nhé?"

Như Ngọc gật đầu, giọng nói có hơi khàn đi vì mệt mỏi: "Cũng được, nhưng em muốn rửa mặt trước."

Cả ngày đi tới đi lui cộng thêm lớp trang điểm dày cộm trên mặt như muốn lấy mạng của nàng vậy.

Trong khi chờ chị Lan phân phó mọi việc, Như Ngọc để ý đến hai nữ hầu lạ mặt đang đứng ở góc phòng, vẫy tay hướng họ nói chuyện: "Hai cô tên là gì?"

Hai người nọ nghe thấy nàng hỏi liền cung kính bước lên một bước, nữ hầu có vẻ lớn tuổi hơn cúi thấp đầu nói: "Thưa cô, tôi tên Kim Xuân, đây là Kim Hạ. Chúng tôi được ông phân phó đến hầu hạ cô ạ."

Dưới sự dạy dỗ của mẹ Dung, Như Ngọc nhìn một cái liền nhận ra hai nữ hầu này đã qua quá trình dạy dỗ nghiêm khắc. Thực tế mà nói, nữ hầu trong các gia đình giàu có đôi khi còn cao quý hơn dân thường. Phần lớn bọn họ đều được giáo dục từ nhỏ, từng cử chỉ, ánh mắt thậm chí các tài lẻ như đánh đàn, chơi cờ đều được học bài bản. Nên dù mang phận tôi tớ nhưng trong tâm vẫn luôn có một tia kiêu ngạo, không xem người khác ra gì. Cái này gọi là chó cậy mặt chủ.

Kim Hạ thấy Như Ngọc không nói gì, rụt rè ngẩng đầu nhìn rồi vội vàng cúi xuống.

Như Ngọc thấy thế khẽ cười, nói: "Tên hay thật đấy, là ai đặt?"

Kim Xuân liếc nhìn em gái một cái, thấp giọng trả lời: "Thưa, là cô cả đặt lại ạ."

Như Ngọc thắc mắc hỏi: "Cô cả nào? Là chị chồng của tôi đấy hả?"

Kim Xuân vẫn cúi thấp đầu, cung kính đáp: "Vâng."

Như Ngọc âm thầm nhắc nhở bản thân phải chú ý người chị chồng này. Trong khi nàng tán ngẫu câu được câu chăng với hai chị em họ, chị Lan đã đem theo nước nóng tới. Sau đấy, chị Lan đặt chậu nước xuống mặt bàn và cầm một chiếc khăn sạch trên tay, chuẩn bị nhúng khăn xuống nước thì nghe tiếng Như Ngọc gọi: "Chị Lan, hai cô đây từ giờ sẽ hầu hạ bên cạnh em. Còn đây là chị Lan, sau này có bất cứ chuyện gì đều phải nghe theo chị ấy."

Chị Lan nghiêng đầu nhìn Như Ngọc, thấy nàng gật đầu với mình liền đứng thẳng người, hướng về phía Kim Xuân - Kim Hạ lên tiếng: "Trong phủ còn nhiều chuyện tôi chưa rõ, mong hai cô chỉ dạy nhiều hơn."

Hai chị em Xuân, Hạ bối rối trước cái cúi đầu của chị Lan, liền nhanh chóng gập người đáp lễ: "Vâng, đó là bổn phận của chúng em, xin chị đừng khách sáo như vậy."

Như Ngọc hài lòng nhìn màn chào hỏi qua lại của ba người bọn họ. Kế đấy chị Lan tiếp tục công việc dở dang của mình. Chị cầm nhúng chiếc khăn mềm vào nước ấm, vắt khô rồi nhẹ nhàng lau đi lớp phấn dày cộm trên mặt nàng. Phải đổi hết ba chậu nước mới lau đi hết. Sau đó, chị Lan mở cái rương nhỏ, lấy ra một bình sứ và dùng đầu ngón tay chấm một ít sáp thơm thấm đều lên mặt, cổ và tay của Như Ngọc. Tiếp theo, chị Lan cầm lên một cái lược tinh xảo, bắt đầu chải tóc cho nàng, và cuối cùng là hầu hạ nàng thay bộ y phục mới.

Dù chỉ có hai người, một chủ một tớ nhưng động tác vô cùng trôi chảy, thành thục. Kim Xuân và Kim Hạ khẽ ngạc nhiên, thầm nghĩ không ngờ con gái nhà quan tứ phẩm lại có nề nếp phong thái như vậy. Đúng là không thể trông mặt mà bắt hình dong.

Một lát sau, thị Lựu và thị Mận dẫn theo vài người hầu khác bưng đồ ăn nhẹ đến. Kim Xuân và Kim Hạ có ý muốn hầu cơm nhưng bị Như Ngọc đuổi về: "Cả hai lui xuống nhận tiền mừng đi, nếu có người hỏi chỉ cần nói là tôi ra lệnh như thế."

Kim Xuân và Kim Hạ không phản ứng gì nhiều, cả hai nhanh chóng vâng dạ rồi lui xuống. Thấy người đã đi khỏi, Như Ngọc thở hắt ra một hơi và vươn vai đầy sảng khoái. Không đợi chị Lan hầu hạ, nàng tự múc cho mình một bát cháo đầy, ăn đến ngon lành. Chị Lan hiểu ý, không nói gì rồi đi đến sau lưng, nhẹ nhàng đấm vai cho nàng.

Trong lúc đấy, tiếng trẻ con rộn ràng đọc thơ vang vọng vào:

"Mơn mởn đào non,

Rực rỡ nở hoa.



Cô ấy lấy chồng,

Ấm êm cửa nhà.

Mơn mởn đào non,

Lúc lỉu sai quả.

Cô ấy lấy chồng,

Êm ấm nhà ai.

Mơn mởn đào non,

Lá xanh rườm rà.

Cô ấy lấy chồng,

Thuận với người nhà. [*]

[*] Bài" Đào yêu "của Khổng tử, bản dịch của Lê Văn Hòe.

Như Ngọc cầm khăn, lau vết cháo dính trên khóe miệng:" Không biết là con cái nhà ai nhỉ? "

Chị Lan nhìn sắc mặt của nàng rồi tăng giảm lực tay để nàng được thoải mái nhất:" Có lẽ là con của khách đến chung vui chăng? "

Như Ngọc gắp một miếng thịt bỏ vào bát:" Ừ, cũng có thể. Thuận với người nhà, thuận với người nhà. Em chỉ mong là vậy. "

Ăn uống no đủ, Như Ngọc ngồi xuống giường chờ đợi. Nàng nhìn cặp nến long phụng đã cháy hơn quá nửa mà từ từ nhắm mắt, trong đầu nghĩ ngợi lung tung. Không biết qua bao lâu, đột nhiên trước mặt tối sầm, Như Ngọc mở mắt liền thấy Vĩ Văn đang đứng đối diện mình.

Nàng uể oải, ngẩng đầu nhìn chàng đáp một tiếng:" Chàng về rồi. "

Toàn thân Vĩ Văn tỏa ra hơi rượu nhàn nhạt nhưng ánh mắt ngay thẳng, chàng gật đầu:" Ừ. Tôi ra phía sau thay đồ. "

Vĩ Văn nói xong liền xoay người đi ra phía sau bình phong.

Nghe thấy tiếng áo quần sột soạt, nàng đoán có lẽ chàng sắp xong rồi nên đứng dậy chỉnh lại y phục. Lát sau Vĩ Văn quay lại, chàng mặc thường phục bằng gấm trắng, tóc còn hơi ướt. Thân thể cao lớn ngồi xuống giường, giương đôi mắt đẹp nhìn Như Ngọc và không nói gì. Nến đỏ long phượng vẫn sáng rực rỡ, chiếu vào làm ánh mắt chàng càng thêm tỏa sáng. Như Ngọc bị ánh mắt cháy bỏng nhìn đến cả người cũng nóng ran.

Nàng ho khan hai tiếng:" Để em đi tắt đèn."

Vĩ Văn cụp mắt xuống, đưa tay vân vê tấm chăn hỉ trên giường, không nói gì.

Như Ngọc nhỏ nhẹ đi đến thổi tắt hết đèn trong phòng, chỉ để lại cặp nến long phượng. Nàng từng bước mò mẫm trong bóng tối về phía giường. Đột nhiên cánh tay chàng nhấc lên, Như Ngọc chỉ cảm thấy cả người nhẹ bẫng, ngay sau đó, nàng được đặt xuống tấm nệm mềm mại. Vĩ Văn kéo chăn, tháo tầng vải màn xuống, làm lộ ra hoa văn cây lựu bách tử được thêu bên trên. Chàng quay đầu nhìn khuôn mặt trắng nõn dưới thân, cảm thấy hết sức mãn nguyện.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.