Xa xa trông thấy trên lầu chuông có tăng nhân vai khiêng vồ gỗ đánh chuông, tiếng chuông trầm bổng khoáng đạt, vang khắp tòa thành:
“Coong… Coong… Coong…”
Tháo binh khí xuống trước cửa cung, đoàn người nối đuôi nhau vào.
Trong cung treo đèn kết hoa, rực rỡ phồn thịnh, trên mặt người lại chẳng có mấy phần hoan hỉ. Lời của Khâm thiên giám khiến người ta thấp thỏm lo âu, nếu trời sinh dị tượng vào ngày sinh nhật hoàng đế, vũng nước Lạc Dương chỉ e càng khuấy càng đục. Mưa dông sắp tới, tâm trạng hoàng đế không tốt, người hầu bên cạnh liên tiếp gặp xúi quẩy, ai nấy đều bất an.
Mặt trời sắp lặn, ráng chiều kín trời, vầng dương mọc đằng đông lặn đằng tây, xưa nay vẫn vậy.
Có câu: Cửu trùng mở rộng cổng cung điện, cân đai vạn nước lạy miện vua. Nhạc sư tấu nhạc, dây pháo nổ vang, Nghi lễ ty mời hoàng đế ngồi lên ngai rồng đã trải sẵn cờ vàng, sau đó là thái tử dẫn đầu, hoàng thân quốc thích theo thứ tự lên điện, quan viên văn võ tứ phẩm trở lên chia làm hai hàng đông tây vào điện, ngũ phẩm trở xuống đứng chầu ngoài điện.
Bách quan hành lễ, tiếng phất tay áo hạ xuống, trong ngoài cung điện nguy nga đen kịt đầu người, im thin thít tựa một bầy quạ đen miệng ngậm đá.
Tiếng nhạc lại cất lên, tiệc mở màn.
Cung nữ yểu điệu tay bưng rượu và thức ăn qua lại giữa bàn tiệc, ao rượu rừng thịt, ngợp trong vàng son, cao lương mỹ vị như nước chảy. Nhạc khúc thay đổi, từng tốp ả đào vừa múa vừa hát, tư thái thướt tha, dáng múa uyển chuyển. Nghệ nhân tạp kĩ trình diễn nhảy thừng, đá bình, lộn nhào, muôn dạng xiếc, bách quan kiến thức uyên bác, chẳng mấy hứng thú, trái lại giữa chừng có nghệ nhân tạp kĩ nổi danh lỡ chân trượt ngã thì lại rước được một tràng cười.
Tiệc mừng thọ được một nửa, thái giám xướng tên lễ vật dâng lên.
Đa phần đều hợp với quy phạm, dù sao cũng chỉ là kỳ trân dị bảo, thư họa đồ cổ. Mấy năm nay hoàng đế một lòng hướng phật, thái tử dâng lên một bộ kinh phật tự sao, hoàng đế khen “Tấm lòng hiếu thảo đáng khen”.
Kinh phật thu xuống, thái giám xướng giọng nhọn hoắt: “Lễ vật Giang Đô vương hiến, một thanh bảo đao…”
Hộp đao được trình lên, bên trong đựng một thanh đao lá liễu dài ba thước, mặt chính thân đao trang trí hoa văn mây vẽ vàng, mặt trái khắc du long lên trời. Đao nặng chín cân, thái giám trình lễ vật đứng chưa được bao lâu đùi đã run lên như cầy sấy.
Hoàng đế yên lặng hồi lâu, cất tiếng: “Đao này có tên không?”
“Lúc ở Giang Đô, nhi thần tình cờ gặp được một kỳ nhân, đại ẩn ẩn vu thị, người này là một người lái đò, tuổi đã hơn năm mươi, lại là một hảo thủ rèn đao.” Giang Đô vương đáp, “Khi ấy nhi thần đang buồn rầu vì lễ mừng thọ, kỳ nhân nói: Cha ngài duy ngã độc tôn, chỉ có bảo đao mới xứng hợp. Hai tháng sau tặng cho nhi thần thanh bảo đao vô song, chém sắt như chém bùn, thổi tóc vào ắt đứt.”
Hoàng đế hỏi: “Kỳ nhân ấy hiện đang ở đâu?”
Giang Đô vương tỏ vẻ bi ai: “Không bao lâu sau chết trong tranh đấu giang hồ, bảo đao vô song là di tác tuyệt thế của ông ấy.”
Thiên tài mất sớm khiến người ta tiếc thương, câu chuyện thoáng ngừng lại càng thêm thần bí, còn mang vỏ bọc liên hệ đến “Chân mệnh thiên tử”. Hoàng đế nổi hứng, sai người trình bảo đao lên, đích thân thưởng lãm.
Giang Đô vương phất tay áo uốn gối quỳ xuống: “Lúc ở Giang Đô, nhi thần thường xuyên đêm không ngủ được, trằn trọc trở mình, có câu con muốn báo hiếu song thân chẳng đợi, trong lòng bất an vừa thẹn vừa sợ. Từ ngày rời khỏi Lạc Dương, nhi thần nhiều năm chưa từng múa đao dâng phụ hoàng, chẳng biết hôm nay liệu có cơ hội tận hiếu với người hay không?”
Mắt hoàng đế lộ vẻ xúc động: “Được.”
Thái giám ngự tiền mang hộp đao tới cạnh Giang Đô vương, y một tay nắm chuôi đao, sải bước đứng tấn, hạ bàn ổn định, hít sâu một hơi, vững vàng nhấc bảo đao Vô Song lên.
Thời niên thiếu, vì làm hoàng đế vui mà khắc khổ luyện đao, tới Giang Đô rồi bỏ hoang hơn nửa, cũng may hãy còn căn cơ. Mời Tô Ngạo làm thầy mấy ngày, bộ đao pháp Hình Ý múa rất đẹp, bước chân khí phách, bảo đao quơ múa “vù vù” vang dội.
Hoàng đế và quần thần xem không chớp mắt, khác hẳn khi xem xem tạp kĩ lúc trước.
Chín chín tám mươi mốt thức đao pháp đến thức thứ bảy mươi sáu, mấy thức khó khăn nhất hữu kinh vô hiểm, sợi dây căng chặt trong lòng Giang Đô vương thoáng thả lỏng, lòng bàn tay rỉ mồ hôi lạnh, suýt nữa tuột tay, y nắm chặt chuôi đao.
Thức thứ bảy mươi bảy, mũi đao vọt lên đỉnh đầu, chém xéo xuống bên phải tới trước đầu gối, xoay cổ tay, gập cùi chỏ khua lên ngang tai.
Thức thứ bảy mươi tám, chân trái cong, mũi chân phải vẽ nửa vòng tròn trên đất, hai tay cầm đao, vung đao chém xuống bên trái.
Thức thứ bảy mươi chín, thu chân đứng tấn, thét lớn một tiếng, mũi đao đâm thẳng về phía trước. Thân đao bỗng rụng rời, bay về phía trước hơn ba trượng, đâm xuống gạch vàng lát mặt đất, bị bật ra nảy lên, rơi xuống cách ghế ngự của hoàng đế ba thước, phát ra tiếng giòn tan.
Hoàng đế xua lui ngự tiền thị vệ chắn trước ngai rồng, sắc mặt tái xanh: “Giang Đô vương, đây chính là bảo đao Vô Song chém sắt như chém bùn mà con nói sao?”
Đao là đao tốt, Tô Ngạo sờ thử cũng khen không dứt miệng…
Bị người thay mận đổi đào, treo đầu dê bán thịt chó rồi.
Trong tay Giang Đô vương hãy còn nắm chuôi đao trơ trụi, bị hoa văn rồng khắc trên đó cấn đau lòng bàn tay.
Quần thần cả điện đâm ánh mắt tới, y chợt nhớ đến nghệ nhân tạp kĩ trượt chân ngã xuống kia và tràng cười rộ khắp sảnh đường, lúc ấy y cũng cười.
Trước khi lui xuống, Giang Đô viên nháy mắt với quan viên đại náo thọ yến đã bố trí từ trước. Vốn là thời cơ tốt nhất trình chứng cứ phạm tội của thái tử lên, khiến y thân bại danh liệt, trước mắt lại thành một bước bất đắc dĩ dùng làm quân bỏ dẫn họa sang đông.
Một khúc kết thúc, đào múa buông thủy tụ lui xuống, đang là thời điểm giao thoa chưa tấu khúc mới, quan viên rời chỗ bước ra khỏi hàng.
Hắn là quan ngũ phẩm, vừa vặn được vào điện dự thính, nhìn lên chẳng bằng ai nhìn xuống không ai bằng, nhưng lòng tham không đáy, có công theo rồng ắt sẽ một bước lên trời.
“Khởi bẩm bệ hạ, thần tình cờ biết được thái tử điện hạ dùng tiền triều đình xây đập nước vào việc tư, lấy dân làm rễ, rễ vững nước an, thần băn khoăn bất an.” Quan ngũ phẩm lấy tấu chương trong túi tay áo ra, “Thỉnh bệ hạ xem qua.”
Cả điện xôn xao.
Hoàng đế sai thái giám ngự tiền: “Trình lên.”
Trong điện lặng bặt, chỉ nghe có tiếng giở xem tấu chương lúc nhẹ lúc vang, rào, rào.
Không bao lâu sau, hoàng đế khép lại tấu chương, trên mặt chẳng có vẻ gì là giận dữ: “Chuyện ái khanh bẩm trẫm đã biết, năm ngày trước thái tử đã đến nhận tội với trẫm, quan viên dưới tướng thấy lợi tối mắt, thái tử quản lí không nghiêm, trẫm đã phạt nó nửa năm bổng lộc.”
Dừng một chút, hoàng đế hỏi: “Chẳng lẽ ái khanh cho rằng trẫm phạt còn chưa đủ?”
Quan viên ngũ phẩm tái xám mặt, quỳ “phịch” xuống: “Thần không dám.”
Cuối giờ Dậu, tiệc tan.
Bảo đao bị đổi, đòn sát thủ bị tiết lộ, kẻ phản bội không nghĩ cũng ra. Giang Đô vương xanh mặt ra khỏi cung, rảo bước về phía người hầu đợi bên ngoài cung: “Tiết A Ất đâu rồi?”
Nhìn trái nhìn phải không thấy bóng người, Tô Ngạo ngẩn người, quay đầu nhìn sư đệ.
“Vừa ra khỏi cung,” Thạch Lãng đáp, “Chưa trở về.”
Người đương nhiên là sẽ không trở về, Giang Đô vương dẫn người xông tới căn nhà ban cho Tiết A Ất, đã sớm lầu không nhà trống. Khóe mắt có trừng rách chuyện cũng chẳng thể cứu vãn, chỉ đành tính sổ sau, chuyện khẩn cấp trước mắt là nghĩ xem nước cờ kế tiếp nên đi thế nào. Tiệc mừng thọ bất ngờ bị bại lộ đầy rẫy, hoàng đế rất nhanh sẽ tra ra ai gây rối ở trong.
Phụ tá môn khách ai nấy đều kinh hoàng, Thôi Thanh Giang dè dặt mở miệng: “Vương gia, ngài đã có quyết định phải làm thế nào chưa ạ?”
Muôn vàn tính toán, nào hay đến cuối lại lấy đá đập chân, lấy dây tự trói.
Gương vỡ khó lành, tên đã lên dây, không bắn không được.
Giang Đô vương vuốt ve vết chai dày do luyện đao mà nên, nhắm mắt: “Phản.
***
Sáng sớm ngày mồng ba tháng Bảy, Thúy Thúy mở mắt, vô thức sờ sang vị trí cách nửa cánh tay, chăn đệm trải sẵn vẫn phẳng phiu như mới, lạnh lẽo như nước.
Đêm qua ngủ không ngon, ác mộng liên tiếp, đầu đau như búa bổ. Cô day thái dương, chống tay nhỏm người, từ từ ngồi dậy.
A hoàn hầu hạ nghe thấy động tĩnh bèn đi vào vén màn giường lên.
Thúy Thúy hỏi: “Đêm qua phu quân không về phủ à?”
“Hôm qua là đại thọ của hoàng thượng, nghe nói Giang Đô vương phủ chong đèn cả đêm, hẳn là chính vụ bận rộn.” A hoàn trấn an, “Phu nhân yên tâm, chờ lão gia xong việc nhất định sẽ về phủ với người.”
Thúy Thúy xuống giường rửa mặt chải đầu, a hoàn cúi người sửa sang lại giường, bỗng “ô” một tiếng, vui vẻ nhướng mày…
Trên đệm có vết máu to bằng ngón tay.
Chợt nhớ đến đêm qua lão gia không về, là phu nhân tới quý thủy, khóe miệng vừa nhếch lên đã lại rủ xuống. Còn tưởng rốt cuộc lão gia phu nhân cũng viên phòng, không dưng mừng hụt.
Thúy Thúy thấy vẻ mặt a hoàn thay đổi, mím môi: “Làm phiền em chuẩn bị đai kinh nguyệt.”
Cô không quen làm chủ tử, sai bảo người hầu làm việc đều dùng giọng thương lượng, người dưới rủ rỉ với nhau đây là trời sinh không có số làm chủ.
A hoàn “vâng” một tiếng: “Phu nhân yên tâm.”
Rửa ráy xong, Thúy Thúy ra sảnh trước hầu mẹ chồng dùng bữa.
Trong nhà vọng ra tiếng cười nói vui vẻ, đứa cháu vừa tròn ba tuổi chính là thời điểm được người ta yêu mến, nằm trên đầu gối mẹ chồng bập bẹ tập nói, chọc mẹ chồng và chị dâu cười tươi như hoa. Thúy Thúy dừng trước ngưỡng cửa, tiến thoái lưỡng nan.
Hồi lâu sau mới chú ý ngoài cửa có người đứng bất động, nụ cười trên mặt mẹ chồng nhạt bớt: “Sao không vào đi?”
Bữa sáng trước sau như một là cơm bát bảo, bánh xuân và dồi nhồi gạo nếp, Thúy Thúy được gả đến đây đã hơn một tháng mà vẫn ăn không quen thức ăn Triều Sán, trong miệng mặn đến chát chúa, nhai như nhai sáp, dứt khoát gác đũa gắp thức ăn cho mẹ chồng.
Thấy cô bận rộn, mẹ chồng do dự một lúc, đắn đo cất lời: “Tiết thị, chớ trách mẹ độc ác, cho con thêm một tháng, nếu vẫn không thể động phòng, mẹ sẽ xem xét tìm thiếp hiền cho nhị lang.”
Động tác gắp thức ăn của Thúy Thúy khựng lại, siết chặt đũa trong tay, đốt ngón tay trắng bệch.
Mẹ chồng vỗ nhẹ mu bàn tay cô: “Làm vợ chồng phải có người chủ động, đã về làm dâu người ta rồi, có gì đâu mà phải ngượng ngùng.”
Ba tội bất hiếu, vô hậu lớn nhất.
Thúy Thúy cúi đầu đáp vâng.
Ăn xong bữa sáng về phòng, bụng bỗng đau như kim đâm. Hai chân mềm oặt như sợi mì, nàng co quắp ngã ngồi trên ghế, ù tai chóng mặt, lưng mướt mồ hôi, chân cũng không bước nổi nữa.
Đêm qua lúc ngủ đá chăn, sợ là bị lạnh.
A hoàn đang tán dóc với bạn bè ngoài cửa viện, huyên thuyên hăng say, gọi khàn giọng cũng không nghe thấy. Thúy Thúy gắng đứng dậy, rót mấy cốc nước nóng xuống bụng, cơn đau thuyên giảm, nằm co ro trên giường một hồi thì lại bắt đầu mắc tiểu.
Đi nhà xí phải qua sân mẹ chồng, Thúy Thúy vốn định đi vòng bên ngoài nhưng hôm nay đau đớn khó nhịn, bèn chọn đường gần băng qua một bên cửa sổ.
“Nếu cô nương khi trước vẫn còn thì tốt rồi.” Giọng mẹ chồng vọng ra ngoài cửa sổ, “Đáng tiếc xấu số, chưa qua cửa đã ốm nặng chết mất.”
Chị dâu hỏi: “Nghe nói nhị đệ rất vừa ý cô nương kia ạ?”
“Nhị lang thích nó, bằng không đã chẳng vội vàng đính hôn.” Mẹ chồng thở dài, “Mà con bé này… Thôi, nhị lang theo Giang Đô vương gia, cũng là chuyện chẳng có cách nào.”
Cát Sinh đang cho ngựa ăn ở chuồng ngựa.
Thôi Thanh Giang ghét bỏ cậu thô bỉ, không cho ở trong nội viện, sức lực Cát Sinh không lớn, chẳng biết chút công phu quyền cước gì nên cũng không làm gác cổng được. Vừa may đúng dịp có người chăn ngựa cáo lão về quên, quản sự bèn điều cậu tới mã phòng.
Chuồng ngựa nóng nực, chưa kể phân ngựa còn hôi thối nồng nặc, khiến người ta buồn nôn.
Cát Sinh khom người đi nhặt cỏ ngựa buộc thành bó trong thùng, đứng dậy mới phát hiện ra Thúy Thúy đứng sau lưng không xa, hai tay ôm chặt bụng, mặt trắng như tờ giấy.
Cậu ngớ người: “Thúy Thúy?”
Bất giác tiến lên, lại đứng lại ngoài ba bước: “Em… sao thế?”
Thúy Thúy cười với cậu, như bông hoa nở nơi xó xỉnh góc tường: “Ra ngoài xem được không? Tới lâu như vậy mà chưa thăm thú Lạc Dương tử tế được bận nào.”
Cô nghĩ ngợi, giơ tay chỉ vào con ngựa cao lớn mũi thở phì phì trước mặt: “Cưỡi con ngựa này ra ngoài, được không?”
Ngựa này nuôi là để Thôi Thanh Giang dùng.
Cát Sinh đáp: “Được.”
Ngựa nhận biết Cát Sinh nên không quẫy, bị lặng lẽ dắt ra cửa hông.
Ra khỏi nhà họ Tiết, Thúy Thúy thuận tay chỉ lên ngọn núi cao mấy chục trượng gần đó: “Em muốn lên đó.”
Ngựa tốt ngàn dặm chọn một, phóng không bao lâu đã tới nơi, núi không cao cũng không dốc, lên núi khá nhẹ nhàng.
Tới đỉnh núi, Cát Sinh đỡ Thúy Thúy xuống ngựa, cô ôm cái bụng hãy còn đau, chậm rãi đi men theo vách đá. Hôm nay nắng tỏa rực rỡ, trời cao mây nhạt, hơn nửa thành trì rơi vào mắt, nhìn từ đỉnh núi, thành Lạc Dương rộng lớn cũng chỉ có vậy.
Thúy Thúy vươn cánh tay ra quờ quạng về phía thành trì như trẻ con.
Cát Sinh bật cười: “Chẳng chạm được gì hết.”
Thúy Thúy cười theo: “Phải, chẳng chạm được gì hết.”
Hồi lâu sau thu cánh tay nhức mỏi lại: “Về thôi.”
Kĩ năng cưỡi ngựa của Cát Sinh còn chưa lưu loát, dắt dây cương xuống núi.
Đến sườn núi thì chạm trán bốn tên thợ săn trong núi, lưng hùm vai gấu, cơ bắp cuồn cuộn, hông đeo đao săn, thân đeo cung tên. Ngựa nhà họ Thôi nuôi béo tốt tráng kiện, da lông bóng loáng, lại thêm Thúy Thúy xinh đẹp lẻ loi lọt vào mắt. Cát Sinh khi còn nhỏ bữa đói bữa no, gầy yếu hơn đàn ông bình thường, thợ săn nảy lòng tham.
Cát Sinh chỉ mang theo đao cùn chém cỏ ngựa, một chọi bốn, cậu bị đao săn đâm thành nhím, máu tươi ròng ròng.
Thúy Thúy hét lên, không chạy được hai bước tóc đã bị một gã tóm lại, giật mạnh ra sau, một túm tóc dính cả máu da rụng mất. Cô bị quật mạnh xuống đất, gáy đập vào đá, đầu váng mắt hoa. Áo váy nhanh chóng bị bọn đàn ông xé rách, đếm không xuể bao nhiêu bàn tay sờ lên người, bị ép không thở nổi. Thúy Thúy chỉ cảm thấy đau…
Đau đau đau, đau quá!
“Chao, hãy còn là chim non à?”
Mặt trời chói mắt như tối đi đôi chút, Thúy Thúy gắng mở to mắt, chỉ thấy vầng thái dương trên đầu thiếu mất một miếng, càng lúc càng nhiều.
Lúc mặt trời thiếu mất hơn nửa, bọn đàn ông bò sấp trên người cô rốt cuộc cũng cảm nhận được khác thường, ngẩng đầu lên.
Sắc mặt kinh hoàng: “Thiên, thiên cẩu nuốt mặt trời rồi!”
Trên người nhẹ đi, chung quanh nhanh chóng yên lặng.
Thúy Thúy ngửa mặt nằm trên đất bùn, thân mình trần truồng. Mặt trời đã hoàn toàn bị nuốt mất, càn khôn như một ngọn đèn bị thổi tắt, trời đất chìm vào đen kịt, tựa như chưa từng thấy ánh sáng.