Đã trăm năm trôi qua kể từ ngày kiếp nạn gần như huỷ diệt thế giới ấy xảy ra.
Hơn trăm năm, người phàm đã trải hai kiếp, mấy bận đổi thay, cõi tu chân rốt đã sóng êm biển lặng, lại phồn hoa sầm uất tựa thuở nào.
Ngày ấy tử giới xâm thực, Ma chủ tiền nhiệm Đàm Lưu suýt đã giết sạch đệ tử các tông môn lớn để mở cửa Vạn Ma, tuy không thành công nhưng hậu quả để lại vẫn khiến cõi tu chân sứt đầu mẻ trán.
Cửa Vạn Ma không được mở ra, song đám “ma” được triệu đến thế giới này bằng huyết tế cũng chẳng quay về. Mới đầu chỉ có bọn ma quỷ cấp thấp không có trí khôn, chỉ biết giết chóc, sau này bọn ma cấp trung và cấp cao có thể hoá thành người cũng tới cả đây. Cõi tu chân lại nhiều thêm một loài sinh vật mới, được gọi là ma.
Khác với “ma” đối địch với “thần” được miêu tả trong các quyển sách cổ, ma vật giống yêu quái hơn. Có điều ma vật khát máu hơn yêu quái nhiều, khi đến với cõi tu chân đang trên bờ nguy cấp, chủng loài mới này đã giáng không ít đòn vào cư dân nơi đây.
Về sau, bằng sự nỗ lực không ngừng, đệ tử lứa sau của cõi tu chân đã đẩy lùi được cả thảy ma vật mưu đồ đánh chiếm vùng đất này, bấy giờ thế giới mới có thời gian nghỉ ngơi hồi sức. Bọn ma vật này phân rất rõ cấp bậc, ma vật cấp cao có thể điều khiển ma vật cấp thấp, song bọn cấp cao lại chẳng ai chịu ai, ít khi nào bắt tay hợp tác. Bởi thế, cõi tu chân mới thoát khỏi sự xâu xé của chúng.
Vì phải cùng kháng địch, cõi tu chân gần như lâm vào khủng hoảng năm xưa mới đoàn kết lại được, ép bọn ma vật lui vào bốn vùng tử giới, song phương vạch rõ lãnh thổ.
Sau kiếp nạn kia, tử giới khắp nơi dần dà tiêu biến, cuối cùng còn thừa bốn mảng với diện tích khổng lồ. Chẳng những không biến mất, chúng còn là ổ của rất nhiều loài sinh vật kỳ lạ không thuộc về thế giới này, đậm đặc ma khí, bất ngờ thay lại cực hợp với ma vật, trở thành địa bàn của chúng.
Bao nhiêu năm trôi qua, sau khi gây chiến mấy mươi trận đủ khắp các quy mô, bè lũ ma tu ở Ma Vực khiêm tốn hơn nhiều. Thuở ấy không chỉ tu sĩ cõi tu chân phải hy sinh, bọn ma tu cũng đã lìa đời vô số, qua hồi đại nạn, Ma Vực chừng như bị quét sạch phân nửa. Ma chủ đương nhiệm Ngỗi Hư lại khử bớt một phần, giết gần toàn bộ các con cờ mà Đàm Lưu để lại nhân lúc y mất tích.
Ma Vực được thay máu, an bình hơn nhiều, Ma chủ trẻ Ngỗi Hư tuy không xảo quyệt bằng nhưng thủ đoạn lại tàn nhẫn chẳng kém gì Đàm Lưu, dần dà khống chế được Ma Vực đang tổn thương nguyên khí. Lần xử lý toàn diện này khiến Ma Vực yên ắng hẳn, trong khi tu sĩ chính đạo đại chiến ma vật thì ma tu im hơi lặng tiếng, chuyên tâm xây dựng lại Ma Vực.
Cuối cùng hình thành cục diện ma vật và tu sĩ chính đạo kềm chế lẫn nhau, ma tu giữ thế cân bằng kỳ lạ này.
Về phần tu sĩ chính đạo, cục diện một chùa một đạo quán đứng đầu, năm môn phái lớn bằng vai gánh gồng cả cõi tu chân năm ấy đã không còn.
Thuở nọ Thượng Vân tự và Vô Cực đạo quán chỉ thiệt hại số ít đệ tử, thậm chí chẳng bằng lượng nhân thủ đã hy sinh trong các cuộc đại chiến kéo dài với bọn ma vật sau này, cho nên uy tín chẳng những không giảm mà còn hơn xưa.
Song Ngũ đại môn phái thì khác. Xuất Trần diệt môn sớm nhất, cũng gọn ghẽ nhất. Mảng tử giới trên đất Xuất Trần không biến mất mà còn bành trướng thêm, xoá sạch vết tích của tông môn này, nay đã trở thành một trong bốn hang ổ của bọn ma vật.
Vạn Thành sơn môn là môn phái gặp nạn thứ hai, số người chết cũng khá nhiều, bị sát nhập vào một môn phái hạng ưu nhưng kém vai vế hơn, không còn huy hoàng như xưa.
Phất Kiếm và Phủ Hoa tông không tổn thất là bao, song lại mất khá nhiều đệ tử trong trận chiến với ma vật, sau cùng hợp thành một môn phái mới, đặt tên là Phất Hoa Kiếm tông.
Dung Trần sơn phái hẳn là tông môn duy nhất còn giữ được cái danh Ngũ đại tông môn của mình.
Năm tông môn lớn nay chỉ sót bốn. Lần lượt là Phất Hoa Kiếm tông, Dung Trần sơn phái, Vạn Thương môn – tông môn từng là bầy tôi của Vạn Thành, đã sát nhập đệ tử sót lại của Vạn Thành vào môn phái mình, cuối cùng là Bích Khê đảo – tông môn nổi lên trong vòng trăm năm nay, dạo trước cũng chẳng kém cạnh Ngũ đại tông môn là bao.
Dưới họ là vô vàn các tông môn lớn nhỏ chuyển dời thay đổi, khó mà kể hết được. Nghe rồi chỉ biết than rằng thời gian như nước xuôi dòng, sự suy thịnh của tông môn tựa cỏ cây tàn rồi lại mọc, không ngừng giao thoa.
Dung Trần là tông môn thiệt hại ít nhất năm ấy, thuở trước đã trở thành cái đích chỉ trích của hằng hà sa số người. Bởi Ma chủ tiền nhiệm Đàm Lưu – kẻ đã gây nên cái chết của vô vàn tu sĩ, triệu hồi ma vật đến cõi tu chân đã đội lốt Tạ Xuân Hoài – đệ tử dãy Bạch Linh thuộc môn phái này. Những tu sĩ đã mất đi người thân bạn bè dẫu biết chuyện không can hệ gì đến đệ tử Dung Trần, song về mặt cảm tính vẫn không dằn được cơn trách móc.
Con người là giống loài bầy đàn, gã đầu sỏ Đàm Lưu chưa rõ sống chết nay đang mất tích, quần chúng cần xả giận ắt phải nhằm vào Dung Trần – tông môn trông có vẻ may mắn nhất trong số xui xẻo.
Khoảng thời gian ấy, Dung Trần sơn phái, nhất là dãy Bạch Linh cực kỳ loạn lạc, thất thoát đệ tử, kẻ chết người đi, suýt thì tuyệt diệt. Mạch chủ Bạch Nhiễm Đông qua đời, đại đồ đệ Bạch Linh mất tích. Nhị đồ đệ Yến Phù Tô về một chuyến bái biệt tông môn rồi đi đâu không rõ, tiểu đồ đệ Giang Trừng bỏ mạng, đệ tử trực hệ Mạch chủ chỉ còn mỗi tam đệ tử Trình Dao.
Tất cả đệ tử núi Thanh Minh của Tạ Xuân Hoài khăn gói rời môn phái sớm hơn cả, không ai dám dính dáng gì đến ông ta, chỉ mỗi Hứa Thanh Sương lê tấm thân đầy thương tích về đấy ít lâu, trầm tính hơn nhiều. Người cuối cùng có thể đứng ra nắm quyền là đại sư bá Liên Vị Hành và Chu Uyển, ba chị em họ Chân – bốn đệ tử của ông.
Sau rốt vẫn nhờ tin tức mà các lão tổ mang về mới dần dà dẹp được điều tiếng ồn ào kia. Nghe bảo năm ấy cột chống trời đã đổ, thế giới sắp tàn, cuối cùng chính Giang tu sĩ của Dung Trần sơn phái đã đem mình làm giá đỡ, gánh cả cõi này, tất cả mới có đường sống.
Nghe đồn vị Giang tu sĩ hoá thân thành cột chống trời ấy là Thần Quân cõi Trời xuống trần lịch kiếp. Chính bởi sự kính sợ dành cho thần linh này, Dung Trần sơn phái mới thoát khỏi bờ vực bị mọi người mắng chửi.
Lại nhờ có cái uy của Vô Cực Tử Hạc Kinh Hàn của Vô Cực đạo quán – tu sĩ đầu tiên của cõi này đạt được thành tựu huy hoàng qua đại chiến ma vật, mọi người đều biết cháu gái Giang Thiền của vị kiếm tu lạnh lùng vô tình, chúa bao che ấy là đệ tử của sơn phái Dung Trần, ai dám làm khó Giang Thiền thì cứ chờ bị hắn đâm phát chết tươi đi.
Vì là máu mủ ruột rà với người cậu Hạc Kinh Hàn của mình, Giang Thiền cũng ưa bao che người thân như hắn, nàng là người đầu tiên sẽ nhảy ra tính sổ kẻ dám động chạm đến sư huynh sư tỷ sư thúc sư bá của mình.
Thêm cả Phong Hữu Chỉ – người tình của Cung chủ Thế Ngoại Tiên Cung từng là đồ đệ của Giang tu sĩ nữa, sau lưng hắn là cả cái Thế Ngoại Tiên Cung trên lý thuyết thì không nhúng tay vào việc của cõi tu chân, song Cung chủ Thế Ngoại Tiên Cung lại là “hôn quân” chẳng thiết giang sơn chỉ yêu mỹ nhơn, thuở ấy từng vì một câu nói của người tình mà can dự cả vào kiếp nạn diệt thế, là một ngọn núi dựa khá chắc chắn.
Xa có Thế Ngoại Tiên Cung uy hiếp, gần có Hạc Kinh Hàn của Vô Cực đạo quán lom lom quan sát, lại cả lão tổ Xích Hàn Y – yêu tu điên có tiếng của đảo Ngân Hoàn quản lý dãy Bạch Linh cùng nhị đệ tử Giang Nguyệt của Giang Trừng nữa, dần dà chẳng ai còn dám gây sự.
Về phần Giang Thiền ngày càng nổi danh trong vòng trăm năm trăm nay, thân phận của nàng cũng gây xôn xao vô cùng. Là con gái của Thần Quân lịch kiếp hoá cột chống trời, nàng có thân phận cực kỳ đặc biệt. Lời đồn đình đám nhất trong hằng hà sa số các phiên bản khác nhau chính là Giang Thiền là con gái của Giang Trừng và Thượng Vân Phật Tử Thanh Đăng đại sư năm ấy.
Thuở ấy không rõ vì sao cửa Vạn Ma chẳng những không mở ra mà từ từ tiêu biến, đầu sỏ Đàm Lưu mất tích, biến mất cùng ông ta còn có hai người là Thượng Vân Phật Tử Thanh Đăng đại sư và Giang Trừng. Không ai rõ chuyện gì đã xảy ra, chỉ biết Thanh Đăng đại sư và Giang Trừng đã hy sinh.
Hãy còn một nguyên nhân khiến mọi người phỏng đoán Thanh Đăng đại sư chính là cha đẻ của Giang Thiền. Đấy chính là việc đồ đệ Thù Vọng của Thanh Đăng đại sư hằng năm sẽ đến Dung Trần thăm nàng.
Trong khi ai nấy cho rằng Thù Vọng – đồ đệ duy nhất của Thanh Đăng đại sư sẽ trở thành Thượng Vân Phật Tử đời tiếp theo, y lại lặng lẽ rời chùa, không rõ tung tích, sau này vẫn chỉ hoạt động trong âm thầm, chính vì y đến thăm Giang Thiền hằng năm mà mọi người mới nhớ có nhân vật này tồn tại
Càng khỏi kể đến các tin đồn lẻ tẻ, ví như trụ trì Thượng Vân tự hãy còn gửi quà thành niên cho Giang Thiền. Không thân thuộc thì tặng quà làm gì? Trụ trì Thù Ấn chưa từng tặng quà cho ai đâu.
Cuộc sống ngày càng êm đềm, người ta ngày càng ưa hóng chuyện, thói đời mưa thuận gió hoà, tu sĩ hay người phàm đều sẽ đàn đúm bạn bè, bàn tán các câu chuyện mình biết giết thời gian. Năm tháng đằng đẵng máu tanh và loạn lạc ấy đã xa xưa lắm rồi.
Cõi tu chân phồn thịnh, cuộc sống của người phàm cũng dần dà yên ổn, lớp các ông các bà từng chứng kiến tai kiếp thuở ấy đã qua đời cả, dẫu được truyền miệng qua lời kể của cha anh, giới trẻ ngày nay vẫn không mường tượng được cái cảm giác khốn cùng tuyệt vọng khi ấy.
Như quyển sách sang trang, gió xuân đã cuốn phăng đi mọi đau thương ngày nào, dành chỗ cho mầm non đâm chồi, không còn lá cành héo úa năm cũ.
Trần thế nay đã đổi khác hoàn toàn. Như cánh bướm phá kén mà ra, trước khi kiếp nạn ập tới, cõi tu chân đã dần suy tàn, linh khí đất trời ngày ít, tu sĩ tu luyện kham khổ hơn, sau hồi tai ương suýt thì diệt thế ấy, đất lành phân tách, linh khí từ từ tích tụ ngập tràn, nhiều miền đất lành dồi dào linh khí xuất hiện.
Đa số đã gác lại quá khứ đầy đau thương ấy, song có một vài người không tài nào quên được.
Dòng sông máu trăm năm trước đã được đệ tử Thượng Vân tạm thời phong ấn lại, đất Táng vốn nổi danh xúi quẩy, nay lại càng không ai dám đến gần. Đồn rằng dưới dòng sông ấy có vô số oan hồn, đến gần sẽ nghe tiếng quỷ khóc than, sơ sẩy tý chút thôi sẽ bị chúng đoạt mất thần trí.
Sông máu bao năm chẳng ai ghé, nhưng cứ cách một khoảng thời gian sẽ lại đón tiếp một người. Người này đứng trên bờ sỏi đã bị máu nhuộm thành màu đỏ thẫm dõi về phía sông, liền một ngày đêm như thế.
Người này xinh đẹp vô ngần, tóc đen như thác, dáng vóc yêu kiều, mặt mày lạnh lùng cao ngạo, không thiết gần ai, hàng mày sắc sảo điểm tô thêm vài phần đĩnh đạc, đôi mắt vốn dịu dàng nay lại rét căm, khoanh tay mà đứng, vừa trông đã biết tính tình ác liệt. Bên eo giắt hai thanh kiếm đen đơn giản một ngắn một dài, mặc áo đen, đeo chiếc vòng hình rồng sống động nơi cổ tay.
Người này là Giang Thiền, là cô bé vẫn luôn xị mặt trong lòng Giang Trừng năm ấy.
“Hạch Đào Nhỏ.”
Người đứng bên bờ sông máu nghe tiếng ngoảnh lại, thấy người đến là ai, khuôn miệng nhoẻn cười: “Cậu.”
Người đàn ông mặc đạo bào hai màu đen trắng, lưng đeo hai thanh kiếm trắng đen, tướng mạo vẫn như ngày trước, khí thế càng thêm oai hùng. Song dáng vẻ ấy là dành cho người ngoài, đến gặp cháu yêu, Hạc Kinh Hàn luôn dịu dàng hơn chút đỉnh.
“Con lại đến đây rồi.”
“Vâng, từ Ma Vực về ngang qua đất Táng, bèn sang xem thử.” Giang Thiền lại nhìn sông máu, rồi ngước mắt lên tầng mây nặng nề lửng lơ trên trời.
Hạc Kinh Hàn xoa đầu Giang Thiền, “Có người bảo gặp nhị sư bá Yến Phù Tô của con ở Vân Châu.”
“Vân Châu?” Giang Thiền đăm chiêu, “Vừa khéo hay tin có ma vật cấp trung đang làm loạn ở Vân Châu, con đi một chuyến vậy, tiện đường xử lý ma vật luôn.”
Hạc Kinh Hàn: “Ta đi cùng con.”
Giang Thiền: “Không cần đâu ạ, con đã đến hậu kỳ Nguyên Anh rồi, cậu lo lắng chi nữa.”
Hạc Kinh Hàn làm thinh, Giang Thiền gãi đầu, thở dài: “Thôi được, con biết rồi. Thù Vọng ca ca có việc ở Ma Vực, phải ở lại đấy xử lý, không đi theo con đâu, cậu yên tâm, đừng quản nghiêm như vậy.”
Hạc Kinh Hàn hừ lạnh.
Hai cậu cháu vừa nói vừa rời khỏi đấy. Dòng sông máu cuồn cuộn sau lưng chừng như nổi gió.