Hoá ra đó là Hoài Nhân Vương Quốc Kiện, người này chỉ tầm tuổi Quốc Toản.
Sau khi cậu ta chết, tôi cũng như bừng tỉnh lập tức cùng ba quân ngăn cản bọn giặc Thát vượt sông. Trong trận này quân Thát rơi xuống sông chết chìm quá nửa, xác chết như muốn lấp đầy sông Như Nguyệt. Thoát Hoan vẫn chạy trốn được cùng đám tàn quân, anh ta quay đầu lại nhìn tôi, ánh mắt như rắn độc.
Lúc ấy cầu phao cũng đứt lìa kéo theo ngàn vạn quân Nguyên chìm xuống lòng sông.
Sau này tôi lại nghe nói Thoát Hoan cùng đám tàn quân chạy tới Vĩnh Bình đã bị các anh tôi phục kích. Mưa tên đổ xuống, Thoát Hoan đã phải nằm trong ống đồng để binh lính khiêng về Nguyên quốc.
Lúc nghe tới đó tôi từ trên giường nhổm dậy, có chút không thể tin.
Còn nhớ năm xưa Thoát Hoan lần đầu xuất hiện ở Thăng Long, kiêu căng ngạo mạn chẳng khác gì con của trời, khí thế đến mức chẳng ai dám nhìn thẳng. Vậy mà hôm nay sa cơ lỡ vận chạy trốn như loài chuột lang.
Sau này tôi mới nghe Trần Khâm kể về loại tên độc mà ngay cả kẻ tự mãn như Thoát Hoan cũng hoảng hốt.
Thời thế thay đổi, bất cứ ai cũng không thể chống lại vận mệnh của trời, đội quân hung hăng tàn bạo nhất cuối cùng cũng thất bại trên đất Đại Việt.
Sau trận đánh ấy tôi lại đưa quân đi họp mặt với quân của Trần Khâm ở Thiên Trường. Ngày nhớ đêm mong khiến tôi có chút gấp gáp, ngựa phi nước đại vượt cả non cao núi thẳm khiến Hoài Văn quân phía sau thở không ra hơi.
Trần Quốc Toản bị bỏ xa một đoạn, hét lên với tôi:
"Còn như vậy nữa thì ngựa không chịu nổi mất!"
Tôi nghe tiếng được tiếng không, ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, trong lòng khẩn trương đến toát cả mồ hôi tay.
Đại quân dừng trước doanh trại, tôi vừa thắng yên ngựa đã thấy Trần Khâm đứng đó từ lúc nào. Người ấy trông thấy tôi đã nở nụ cười như nắng ấm giống như đã sớm biết trước được tôi sẽ đến đây.
Trần Khâm giơ tay ra trước mặt tôi, nhẹ giọng nói:
"Tôi biết chắc em sẽ thắng mà!"
Tôi nở nụ cười tươi rói với anh, đặt tay vào lòng bàn tay anh thuận thế nhoài người xuống ngựa. Sau đấy khuỵu một gối trước mặt anh, hô lớn:
"Bẩm quan gia, thần đưa quân tiếp viện đến rồi!"
Phía sau tôi, toàn quân cũng một loạt quỳ xuống cùng hô vang khắp một vùng:
"Chúng thần đến trễ!"
Trần Khâm bật cười đỡ tôi dậy, dịu dàng nói:
"Trông tôi chật vật lắm hay sao?"
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh!" – Tôi nói.
Tôi vô thức quét mắt qua Trần Quốc Toản, thấy biểu hiện của cậu ta như sắp nôn oẹ đến nơi.
Năm ngày sau chúng tôi nghe tin Toa Đô đã đưa quân trở lại Tây Kết, bèn dẫn quân đi chặn đầu đội quân của ông ta.
Bằng một cách nào đó mà một đội quân đói khát như Toa Đô đã tồn tại một cách thần kỳ lại còn dẫn quân ngược ra Bắc để gặp Thoát Hoan sau bao ngày lênh đênh tìm kiếm, đáng tiếc chủ tướng của ông ta đã bỏ rơi toán quân này rồi trở về phương Bắc từ lâu.
Toa Đô làm người trung liệt nhưng cấp dưới của ông ta lại không được như thế. Trên đường tiến quân ra Tây Kết, tổng binh Trương Hiển đã đầu hàng quân ta, sau đấy dựa vào sự dẫn đường của Trương Hiển thì đội quân của Toa Đô ở Tây Kết bị diệt mà không tốn chút sức lực.
Chỉ trong vài ngày toàn bộ quân Nguyên ở Tây Kết đã tan rã, Toa Đô bị chém chết tại trận, tàn quân trốn chạy ra vùng Hải Đông bị giết nhiều không kể xiết, bắt sống đến hơn năm vạn tù binh.
Lúc Trần Khâm nhìn thấy thủ cấp của Toa Đô, anh cởi áo choàng phủ lên rồi bất chợt nói:
"Người làm tôi phải nên như thế này!"
Nói xong anh ta sai người khâm liệm tử tế cho Toa Đô. Tôi đứng bên cạnh anh bỗng dưng cảm thấy có lẽ Toa Đô cũng sẽ được an ủi phần nào. Vậy là kết thúc một cuộc đời vừa oanh liệt vừa bi thảm của một vị tướng.
Lúc này chúng tôi cũng nhận được tin của Chiêu Minh vương báo rằng kinh thành đã ổn thỏa, dân chúng đều từ những vùng di tản trở về kinh.
Tuy nói là đại thắng nhưng chém giết vẫn xảy ra trên đất nước ta, bao nhiêu hoa màu và nhà cửa bị hủy hoại, lúc này chính là thời điểm để Trần Khâm thể hiện được khả năng của mình.
Chiến tranh xảy ra gần như là trên khắp cả nước Việt, nơi nào có dấu chân của bọn giặc Thát lướt ngang cỏ không mọc nổi, nhưng cuối cùng cũng có ngày đuổi được hết chúng ra khỏi lãnh thổ Đại Việt ta.
Chiêu Minh vương đưa đại quân đến Tây Kết rước vua, lá cờ Đại Việt có thêu chữ Trần bay phấp phới kiêu hùng trong gió, tiếng hò reo vang trời làm tôi xúc động đến ngộp thở. Một ngày trời ban nắng đẹp, trả lại niềm tươi sáng cho non sông gấm vóc này.
Hiệu lệnh dở trại đã cất lên, quân lính cũng chấn chỉnh lại, sẵn sàng hộ tống vua và áp giải tù binh về triều. Trần Khâm ngồi trên con ngựa chiến màu đen, mái tóc vẫn cột gọn trên đỉnh đầu, trên người vẫn mặc giáp minh quang sáng choang màu bạc. Và dù mang vẻ tiều tụy nhưng đôi mắt vẫn có hồn, đôi lông mày đã thôi không còn nhíu chặt lại như những ngày phải cân nhắc đắn đo, bày mưu tính kế.
Trần Quốc Toản ở bên cạnh tôi lại bắt đầu giở giọng châm chọc:
"Đột nhiên cảm thấy người ấy ở khoảng cách rất xa à? Nhìn đôi mắt tình ý dạt dào như mưa ngâu rơi hoài không dứt của chị kìa."
Tôi lườm cậu ta, thấy cậu ta nở nụ cười nham hiểm. Tôi hừ một tiếng, mắng:
"Đồ con nít quỷ!"
Trần Quốc Toản lại cười ha ha:
"Ngày mai trở về hầu gia đây sẽ xin quan gia ban hôn, tới lúc đó tôi đã là người trưởng thành, cũng được thoải mái nói lời trăng gió!"
Tôi bất lực lắc đầu. Đúng là thời đại thay đổi, lớp trẻ càng ngày càng táo bạo.
Trên đường về kinh, đột nhiên ba quân đọc vang một bài thơ, rằng:
"Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san"
Hóa ra đấy là bài thơ do Chiêu Minh Vương khởi xướng, cả Trần Khâm và Thượng hoàng nghe xong đều vô cùng tán thưởng.
Lúc trời còn tờ mờ sáng bỗng cảm giác có một lực mạnh mẽ xốc tôi dậy, mở choàng mắt thì thấy mình đã ngồi trên con ngựa đen của Trần Khâm, đầu tựa vào ngực anh còn eo thì được anh ta dùng một tay giữ lại. Tôi hốt hoảng xoay người ôm lấy anh rồi nhìn anh phi nước đại trên cánh đồng hoang tít tắp đến tận chân trời.
Đã là tháng nóng nhất trong năm, tuy lúc tinh mơ mặt trời còn chưa mọc nhưng không khí cũng không mấy lạnh lẽo. Gió thốc vào người tôi man mát, trên đôi gò má cũng thấy âm ẩm vì hơi sương.
Tôi mơ màng trông thấy sao Mai đã mọc trên đỉnh đầu, vạn vật lúc này như đứng bất động, chỉ có con ngựa của Trần Khâm là vẫn miệt mài chạy trên cánh đồng cỏ mênh mông.
Tôi ngồi sát vào người anh nghe được tiếng tim đập mạnh mẽ trong lồng ngực và hơi thở nhè nhẹ phả lên tóc tôi vừa chân thực vừa hư ảo, cảm giác giống như một giấc mơ đẹp mà trước đây tôi đã từng mơ về. Tôi lặng lẽ xiết chặt lấy áo anh, âm thầm hít mùi hương thanh thanh từ thảo mộc trên ngực áo.
Trong cảnh khói lửa liên miên, chẳng biết bao nhiêu lần tôi đã từng ước ao điều đơn giản như thế này.
Tôi không hỏi anh sẽ đưa mình đi đâu, vì dù lúc này có đến nơi chân trời góc bể tôi vẫn sẽ không chút do dự.
"Em ước gì sau này ta đừng rời xa thêm lần nào nữa!"
Trần Khâm không đáp, anh bất thình lình thắng ngựa lại khiến con ngựa như lồng lên, hai chi trước giơ cao làm cả hai chúng tôi ngã nhào xuống đồng cỏ. Tôi thuận thế ngã lên người anh.
Quả tim tôi từ trên lưng ngựa rơi xuống, quát nhẹ:
"Tại sao chàng luôn thích chơi mấy trò cảm giác mạnh thế này hả?"
Trần Khâm ấy vậy mà lại xót xa nói:
"Nửa năm theo tôi chịu khổ, giờ cả người chỉ còn có một nắm thịt."
Từ góc độ gần như thế nhìn xuống là đôi mắt phượng dài cười tươi đến mức híp lại, nhưng giữa mi tâm của người nam nhi chỉ mới hai mươi bảy tuổi lại ẩn hiện những vết nhăn mới tinh. Tôi có thể tưởng tượng ra được những lúc anh phải thức thâu đêm suốt sáng, vắt óc suy nghĩ đến mức tiều tụy như thế nào.
Trần Khâm rướn người lên định hôn tôi, tôi lập tức lăn khỏi người anh nhưng lại bị đảo khách thành chủ, rốt cuộc nhìn thấy gương mặt của anh ngày càng gần.
Tiếng gà rừng ở đâu gáy vang khắp trời đất, lúc này cả tôi và anh đều lặng người nhìn vầng dương dần ló dạng phía chân trời, những giọt sương còn đọng trên lá cỏ trở nên lung linh như một loại hổ phách. Hóa ra Trần Khâm đưa tôi đến đây là vì muốn tôi xem được khung cảnh tráng lệ này.
Trần Khâm vuốt nhẹ khuôn mặt tôi, dịu dàng nói:
"Lần trước ở đây nhìn thấy mặt trời mọc lúc quân địch đuổi sau lưng, tôi đã nghĩ giá như có một ngày cùng em bình yên ngắm mặt trời mọc thì tốt quá."
"Chúng ta đã thắng rồi!" – Tôi đáp lời anh.
Mặt trời mọc lên rạng rỡ ở giang sơn Đại Việt, như một khởi đầu mới.