Nàng Gia Sư Siêu Ngầu

Chương 1



Két… Két…

Tiếng xe ô tô phanh gấp, người tài xế hết hồn nhìn cảnh trước mặt, thiếu chút nữa anh ta tông trúng người rồi. Vừa sợ vừa bực anh ta ngó đầu ra mắng cô gái đang ôm đứa bé vào vỉa hè:

– Có con nhỏ thì phải để mắt trông chừng chứ, muốn hại người à?

– Xin lỗi anh! Thành thật xin lỗi anh!

Anh ta cau có quát nạt thêm mấy câu nữa rồi chạy đi, Thùy Dung lúc này mới hoàn hồn sau mấy câu xin lỗi vội vàng đó. Thật lòng cô cũng có biết đứa bé này là ai đâu, chỉ là vô tình đi qua thấy con bé khóc mếu một mình băng qua đường thì cô mới nhanh chân chạy lại giúp đỡ thôi, ai ngờ bị mắng oan nhưng may đứa bé không sao là tốt rồi.

Cô vỗ về, dỗ dành con bé vì nó bị tiếng quát của người tài xế lúc nãy và những người đi đường lúc này vây quanh khiến nó sợ hãi. Nhưng hình như con bé không biết nói thì phải vì cô hỏi gì nó cũng không nói mà chỉ khóc với lắc đầu, nhìn con bé thương lắm nhưng cũng đành ngồi đợi cùng xem có người nhà đến tìm không…

Thùy Dung chờ con bé nín hẳn thì cố gắng hỏi han xem con bé có biết nhà ở đâu không để cô đưa về chứ trời nắng nóng mà ngồi đây thì con bé ốm mất. Cô vẫn nhẹ nhàng kiên trì hỏi thăm thì bất ngờ có mấy người vội vàng chạy đến, trong đó có một người đàn ông mặt mày như đi đòi nợ, không cần biết sự việc ra sao đã giằng con bé từ tay cô rồi nói lớn:

– Cô! Cô dám bắt cóc con gái tôi hả?

Thùy Dung nghe câu này thì ngơ ngác luôn, cô đứng đực mặt ra chưa kịp bào chữa cho mình thì người đàn ông đó lại nói tiếp:

– Tôi sẽ báo công an gô cổ cô lại! Giữa ban ngày ban mặt mà dám bắt cóc trẻ con!

– Anh bị làm sao đấy? Chưa hiểu rõ chuyện gì đã nói tôi bắt cóc, bắt cóc mà tôi còn đứng đây để anh đến tìm đến à?

– Cô đừng có già mồm!

Thùy Dung điên lắm, định cãi nhau tiếp nhưng lời Kiên vừa mới thốt ra gợi cho cô nhớ đến mấy vụ giàn cảnh cướp trẻ con thật thì cô đã nhanh tay giằng lại đứa bé về bên mình, biết đâu anh ta với hai người phụ nữ kia mới là kẻ trộm.

Trung Kiên trợn mắt, há miệng đầy bất ngờ khi bị cô gái trước mặt cướp trắng con gái lại thì điên tiết quát lên:

– Cô không thả con bé ra thì tôi tống cô vào tù thật đấy!

– Trước khi anh tống tôi vào tù thì anh hãy chứng mình bản thân là bố của đứa bé đi!

Mấy người dân chứng kiến vụ việc thấy vậy cũng xúm lại nói anh chứng minh khiến Trung Kiên đang ở phía người thân thật cũng trở lên rối rắm, anh nhìn Thùy Dung với ánh mắt giận dữ nhưng lúc này cũng không dám sừng cồ nữa mà từ từ nói với cô:

– Thả con bé xuống, nó không biết nói nhưng nó tự nguyện theo tôi thì là được phải không?

Có điều sự thay đổi thái độ này của Kiên chỉ làm Thùy Dung thêm nghi ngờ nên cô kiên quyết không thỏa hiệp mà bảo đưa con bé đến đồn công an:

– Đến đồn công an tôi mới chắc chắn! Mấy hành động thất thường vừa rồi của anh khiến tôi không tin được!

– Cô…

Thùy Dung không thèm tiếp lời Trung Kiên nói nữa mà quay qua mấy người dân đứng bên cạnh nhờ họ giúp đỡ:

– Trong đây có bác nào không vội về thì đi cùng tôi lên công an được không ạ? Giúp người thì giúp cho trót được không các bác?

Có một cô lớn tuổi và một cậu thanh niên có xe riêng lên tiếng:

– Chúng tôi đi lên làm chứng cùng với cô, thời đại bây giờ không biết ai là giả ai là thật đâu, chúng ta sơ suất một chút lại làm khổ đời con bé thì tội lắm! Vừa nãy nó đã suýt bị xe tông rồi!

Trung Kiên nghe nói con gái suýt bị xe tông trúng thì lo lắng, anh muốn hỏi han nhưng chẳng ai cho động vào con bé, mà lạ là con gái anh hôm hay không hề sợ người lạ mà cứ ôm rịt lấy cô gái trước mặt này. Nó thấy mọi người giằng co nãy giờ cũng không chịu giơ tay về phía anh gì cả, mà nghe cô gái kia bảo đi với cô để xem bác này có phải là bố của cháu không thì nó cũng gật…Ôi… Anh chỉ biết ôm đầu cảm thán, không còn lựa chọn nào nữa mà phải đi theo bọn họ đi nhưng để chắc chắn anh ngồi cùng xe với họ còn trợ lý thì chở hai chị giúp việc gia đình theo sau.

Lên tới đồn công an làm việc, chứng thực rõ ràng anh là bố đứa bé thì Thùy Dung mới tin tưởng mà giao cho. Trung Kiên nhận được con gái rồi nhưng lại không muốn để cho cô đi dễ dàng mà gây khó khăn:

– Tôi muốn kiện cô tội bắt cóc trẻ con!

Cũng vì khi nãy Thùy Dung chỉ yêu cầu Trung Kiên chứng minh bản thân là bố của đứa trẻ nên cô cũng chưa kịp kể lại đầu đuôi câu chuyện đã cứu giúp con bé mà chỉ bảo mình vô tình gặp con bé trên đường đi nên Trung Kiên mới nói câu khó nghe kia nhưng chính vì sự hiểu lầm này mà hai người bắt đầu lại đấu khẩu hết công suất:

– Anh đúng là kẻ bị rơi não!

– Cô…Cô nói ai rơi não hả?

– Anh có thấy kẻ bắt cóc nào mà lại muốn cùng anh đi vào đồn công an không hả?

– Ai biết cô trót bị tôi bắt gặp rồi nên mới tùy cơ ứng biến giả làm người tốt?

– Đúng là người nhiều tuổi nên khéo tưởng tượng nhưng tôi vừa mới khai thông tin rõ ràng, lý lịch trong sạch chứ không giống loại người cục mịch, ăn cháo đá bát như anh. Giúp con anh khỏi bị xe tông giờ lại bị anh nghi là bắt cóc, anh đúng là đồ mặt dày vô sỉ!

– Cô…

Hai người dân đi cùng làm chứng thấy tình hình căng thẳng thì vội giải vây, cô lớn tuổi kể lại hết sự tình cho Kiên nghe thì anh mới bỏ hết thái độ bực tức xuống mà thay vì lời xin lỗi với cô nhưng lúc này Thùy Dung bị tổn thương lòng tự trọng nên cô không chấp nhận lời xin lỗi muộn màng kia và càng bất ngờ hơn là giờ này chính cô muốn kiện lại anh về tội vu khống.

Mấy người xúm lại, cả anh công an cũng lên tiếng giảng hòa nhưng Thùy Dung vẫn một mực không đồng ý thì Trung Kiên xuống nước hỏi ý cô ra sao:

– Vậy giờ cô muốn như thế nào? Cô muốn đền bù tiền phải không?

Nghe câu này thì cơn giận của Thùy Dung sôi lên, cô đứng bật dậy chỉ thẳng mặt anh nói:

– Tôi nghèo thật nhưng không thèm tiền tới mức đó! Anh thừa tiền thì nên thuê người về mà dạy lại nhân cách của mình đi!

Trợ lý của Trung Kiên nghe câu này định đứng ra nói với cô không được vô lễ với anh nhưng Kiên là người biết sai sẽ nhận nên ngay lập tức anh cản trợ lý của mình lại, có điều anh chưa kịp hỏi xem rốt cuộc là cô muốn như nào mới chịu bỏ qua thì Thùy Dung lại nói tiếp:

– Tôi biết trái đất hình tròn nhưng rất mong sau này sẽ không phải gặp lại cái bản mặt đáng ghét của anh, hôm nay anh phải cảm ơn con gái của mình nếu không tôi sẽ kiện anh đến cùng!

– …!!!

Thùy Dung nói rồi rời đi nhưng cô mới đi được vài bước thì Bảo An chạy lại ôm lấy chân của cô, Thùy Dung cố gắng bỏ tay con bé ra nhưng nó cứ ôm chặt khiến cô không đi được. Kiên bị ngạc nhiên với cảnh tượng này nhưng anh cũng nhanh chân tiến lại gỡ tay con gái ra, có điều con bé không chịu mà khóc ầm lên. Dung sững sờ, Kiên càng bất ngờ hơn nhưng cả hai tránh ánh mắt nhìn nhau mà tập trung dỗ dành con bé…

– Bé con ngoan, theo bố về nhé! Cô có việc nên phải đi bây giờ rồi!

– …

– Con gái ngoan! Theo bố về nhà nhé! Bố dẫn con đi mua nhiều đồ chơi nha!

Mặc cho cả Thùy Dung và Kiên mỏi miệng dỗ dành thì con bé vẫn cứ bám chặt lấy chân của Dung, cô hết cách đành thì thầm vào tai con bé lời hứa vội:

– Bé yêu ngoan nhé! Giờ con về với bố rồi mai cô tìm qua nhà con được không?

Nó nghe cô nói câu này thì ngẩng mặt lên nhìn như kiểu hỏi lại cô có chắc chắn không thì cô gật đầu cái rụp. Bảo An nhận được lời hứa hẹn thì mới chịu buông tay ra, Thùy Dung cũng chỉ nói vậy xem có cải thiện tình hình không ai ngờ lại rất hữu hiệu. Cô cũng không nghĩ rằng con bé mới gặp cô có một lúc mà lại thích cô ngay được, mọi người vẫn thường bảo cô rất dễ gây thiện cảm với đối phương nhất là đối với trẻ con, ấy vậy mà đúng thật. Tuy nhiên cô nghĩ trẻ con thường rất chóng quên, hôm nay thích chưa chắc ngày mai còn thích nữa, có lẽ bé con này cũng vậy nên cô cứ hứa đại vậy rồi rời đi…

Trung Kiên đưa con gái nhỏ về nhà, còn chưa kịp chất vấn xem hôm nay ở nhà hai người lớn trông một đứa trẻ mà tại sao lại để nó chạy ra khỏi nhà một mình khiến chút xíu nữa bị xe tông thì lại nhận được cuộc gọi từ số quen thuộc gọi tới…

Nhìn thấy số của cô giáo chủ nhiệm con gái thứ hai thì Trung Kiên đoán chắc là có điều chẳng lành, anh thở dài đi ra bên ngoài nghe máy:

– Vâng. Chào cô giáo!

– Dạ. Chào anh! Thực sự tôi rất lấy làm phiền anh giờ này nhưng chuyện bé Ngọc Anh trong giờ ra chơi vừa rồi đã đánh nhau với mấy bạn lớp bên cạnh. Hiện tại các con đang tập trung ở phòng giám hiệu rồi nên tôi gọi điện trước hết là thông báo với anh, sau là mời anh lên làm việc cùng với nhà trường ạ!

– Vâng. Tôi sẽ thu xếp rồi tới trường ngay!

– Vâng. Cảm ơn anh đã hợp tác cùng chúng tôi ạ!

Mới tuần trước là con trai lớn Tuấn Anh gây gổ với bạn học, sự việc còn chưa kịp lắng xuống thì giờ lại đến Ngọc Anh con gái thứ hai của anh. Trung Kiên mệt mỏi, đưa tay nới lỏng chiếc cà vạt rồi chỉ kịp dặn chị Lành tắm rửa thay đồ cho Bảo An rồi nhanh chóng lái xe tới trường của con gái thứ hai.

Ở vào địa vị của Trung Kiên thực ra anh có thể để người khác đi thay mình đến xử lý mấy việc này nhưng anh khác với một số phụ huynh quan chức, có quyền hành khác. Không lấy lí do mình bận trăm công nghìn việc mà chểnh mảng việc học tập của các con hay việc quán xuyến con cái. Dù bận gì thì việc học tập của các con cũng được đặt lên hàng đầu, anh không ngại nhận những cuộc gọi của cô giáo từ việc trao đổi kết quả học tập hàng ngày cho đến những cuộc gọi báo tin các con phạm lỗi, anh cũng chưa từng bỏ qua bất cứ một cuộc họp phụ huynh nào của các con kể từ ngày vợ anh ra đi.

Bản thân luôn cố gắng, nỗ lực vì lời hứa với vợ nhưng hơn tất cả là trách nhiệm và tình yêu thương của người làm bố vì tương lai của các con nhưng cho tới thời điểm này, đã ba năm kể từ ngày vợ anh ra đi thì anh vẫn luẩn quẩn trong một mối tơ vò với hai đứa con lớn ngỗ nghịch là Tuấn Anh năm nay đang học lớp 9 và con gái thứ hai là Ngọc Anh học lớp 7, còn cô con gái út còi cọc Bảo An mặc dù đã 4 tuổi nhưng cho đến thời điểm này vẫn không chịu nói chuyện với mọi người.

Có lẽ sự ra đi đột ngột của vợ anh đã khiến các con bị sốc rồi dẫn đến thay tâm đổi tính, mà ngay bản thân anh dù đã qua ba năm rồi vẫn còn thương nhớ tới người vợ quá cố ấy rất nhiều.

Anh mất một năm không làm được việc gì chỉ có ngày ngày ôm tấm di ảnh của vợ khóc thầm trong đau khổ, thương cho tình yêu của vợ chồng còn đang mặn nồng mà đã phải chia cắt âm dương, thương cho số phận của cô phải xa lìa trần thế sớm khi các con còn ngây thơ nhỏ dại… Nhưng rồi dù có thương xót thế nào cũng đành kìm nén lại tất cả để gồng gánh bổn phận làm mẹ thay vợ, có điều chức trách ấy không hề đơn giản chút nào bởi bằng chứng là hai đứa con lớn của anh vẫn ngày ngày gây ra chuyện và càng khổ tâm hơn khi đứa con út lên bốn tuổi mà không chịu nói chuyện.

Những kí ức đau lòng vẫn luôn hiện hữu trong anh nhưng bản thân là người đàn ông mạnh mẽ Trung Kiên vẫn phải đứng vững tiếp tục đồng hành cùng các con của mình.

Bước vào phòng làm việc với phía nhà trường và các phụ huynh, liếc thấy con gái cũng nhếch nhác không kém các bạn nhưng Trung Kiên vẫn tỏ vẻ bình thường mà chào hỏi mọi người trước và sau đó là ngồi nghiêm túc nghe các con trình bày lại sự việc.

Hóa ra không phải là con gái anh gây sự trước mà là bị các bạn nói khích nhưng vì Ngọc Anh nóng tính nên là người ra tay đánh bạn. Mặc dù chỉ có một mình nhưng Ngọc Anh lại không hề ngán ngẩm mà sẵn sàng đánh lại ba bạn và kết cục là cả bốn người đều xa xẩm mặt mày.

Hai bên đều có lỗi, nhà Trường trước vụ việc của các con chỉ muốn phối hợp cùng với phụ huynh răn đe, cảnh cáo để các con nhận ra sự sai phạm của mình mà rút kinh nghiệm nhưng mấy phụ huynh kia cậy có quyền chức trong xã hội lại không muốn kết quả hòa giải như vậy, họ muốn bố con Ngọc Anh nhận sai về phía mình và phải chính thức xin lỗi họ.

Đầu tiên là họ muốn Trung Kiên phải nhận trách nhiệm về bản thân vì không biết bảo ban để con gái tuổi còn nhỏ mà đã như côn đồ đánh các bạn thương tích đầy mình. Thứ hai bắt Ngọc Anh phải xin lỗi các bạn và xin lỗi phụ huynh vì đã làm mất thời gian quý báu của họ.

Ngọc Anh mắt đỏ ngầu trước những lời lẽ, yêu cầu vô lý của người lớn, cô bé uất ức đứng lên định phản bác lại thì ngay lập tức Trung Kiên cản lại con gái, ánh mắt anh lúc này nửa nghiêm nghị nửa như trấn an con rồi từ tốn đứng lên có ý kiến:

– Thưa các thầy cô cùng các bác phụ huynh! Trước tiên tôi xin nhận trách nhiệm thiếu sót về việc dạy bảo con gái mình, thực sự cảm thấy rất phiền hà vì con bé gây chuyện không nên có trong độ tuổi của này và thật lòng rất xin lỗi về sự việc đã xảy ra. Tuy nhiên chúng ta phải công bằng với tất cả các con, tôi nói như vậy không phải có ý bênh vực cho cái sai của con gái mình vì tôi khẳng định là cháu có sai, có điều “Không có lửa làm sao có khói” đúng không ạ?

Trung Kiên mới nói tới đây thì một vị phụ huynh nam đập mạnh tay xuống bàn nói:

– Cậu nói thế rõ là có ý bệnh vực rồi còn gì nữa, con gái mới nứt mắt ra đã gây gổ, đánh nhau, không còn ra cái thể thống gì!

Một phụ huynh nữ cũng gay gắt nêu ý kiến phản đối tiếp:

– Chúng tôi đã nhân nhượng đưa ra yêu cầu chỉ cần xin lỗi và nhận trách nhiệm là ổn thỏa rồi bây giờ lại còn tỏ vẻ ta đây lý lẽ, bênh vực con nữa bảo sao nó không láo, không trở thành du côn chứ!

Ban Giám Hiệu thấy sự việc trở nên ồn ào thì lựa lời phân tích nhưng mấy phụ huynh kia không nghe lọt tai câu nào mà tiếp tục dùng những lời lẽ thô thiển hướng ánh mắt khinh bỉ với bố con Trung Kiên thì anh vẫn bình tĩnh mà đối đáp với họ:

– Xin lỗi các bác phụ huynh! Tôi chỉ là đưa ra những lập luận công bằng đối với các con nhưng nếu các bác không đồng thuận xem xét mà chỉ tiêu cực nghĩ một hướng thì tôi cũng phải chấp nhận thôi vì đó là suy nghĩ riêng của các bác.

– Đúng là bố nào con đó!

– Trước câu nói này của bác tôi xin đáp lại một câu thế này: “Bố mẹ sinh con trời sinh tính” bởi thế nên chúng ta mới có cuộc gặp mặt ngày hôm nay nhưng xem ra nếu không thành khẩn xin lỗi các vị phụ huynh có lẽ bố con tôi khó rời khỏi đây rồi!

– Nên biết thức thời từ đầu thì sự việc xong rồi!

Trung Kiên chẳng để tâm tới mấy lời nói vô nghĩa đó mà anh vì không muốn gây phiền hà cho nhà Trường nên chịu khó nhường một bước:

– Tôi thành thật xin lỗi Quý thầy cô cùng các vị phụ huynh về vụ việc không hay vừa xảy ra! Hy vọng sẽ Quý thầy cô sẽ cho các con cơ hội để sửa sai, để rút kinh nghiệm sau này!

Ban Giám hiệu cũng cô chủ nhiệm hướng ánh mắt thông cảm nhìn anh gật đầu còn mấy vị phụ huynh kia thì chỉ thể hiện sự vênh váo, đắc ý nhưng Trung Kiên không để tâm họ có thái độ ra sao mà quay qua con gái nghiêm nghị hỏi:

– Ngọc Anh! Con đã nhận ra lỗi sai của mình chưa?

– Con không phục!

– Bố hỏi thì trả lời đúng trọng tâm!

– Con…

– Nếu đã có gan đánh bạn thì phải có gan nhận lỗi!

– Chúng nó đáng bị đánh!

Trung Kiên nghe câu này thì quắc mắt nhìn khiến con gái chỉ có thể ngậm ngùi quay qua phía mọi người nói:

– Em xin lỗi thầy cô, cháu xin lỗi các bác là cháu sai khi đánh bạn ạ! Cháu hứa lần sau không tái phạm nữa ạ!

– Được rồi! Cô mong sẽ không có lần sau nhé! Các em tập trung học giỏi, đoàn kết với nhau đó mới là điều mà thầy cô và bố mẹ vui mừng nhất.

– Vâng ạ!

Trung Kiên vẫn nhìn tiếp con gái thì Ngọc Anh hiểu phải làm gì tiếp theo, dù trong lòng tức tối nhưng cô bé vẫn phải che giấu cảm xúc mà nói tiếng xin lỗi với các bạn:

– Tớ xin lỗi các cậu!

Nhận được đầy đủ lời xin lỗi của bố con Trung Kiên rồi thì mấy vị phụ huynh cùng mấy học sinh kia hả hê, đắc ý lắm, họ đứng dậy cũng chẳng thèm nói với ban Giám Hiệu và cô chủ nhiệm lời nào mà định cùng các con của mình rời đi nhưng Trung Kiên lúc này mới phản bác:

– Các bác phụ huynh xin dừng bước! Chúng ta còn chưa xong chuyện đâu ạ!

– Sao thế? Cậu lại muốn gì nữa đây? Hài hòa kiểu nội bộ không thích lại thích hổ báo à?

– Mong các bác giữ lời lẽ của mình trước các con vì chúng còn nhỏ!

Trung Kiên nghiêm túc nêu rõ vấn đề với vị phụ huynh kia khiến chị ta nóng mắt nhưng anh không vì thái độ đó mà muốn cho qua chuyện:

– Tôi và con gái tôi có lỗi thì chúng tôi đã xin lỗi rồi, vậy còn các phụ huynh đây không nhận thấy mình có lỗi sao?

– Cậu nói vậy là ý gì? Con gái cậu ra tay đánh người trước thì đương nhiên là con bé sai và cậu cũng sai là vì không biết bảo ban con mà còn dám hỏi chúng tôi câu đó à?

– Các bác phụ huynh trách tôi không biết bảo ban con để con gái ra tay đánh bạn, vậy còn các bác biết cách giáo dục con thì tại sao lại để chúng đi nói khích bác bạn bè?

– …!!!

Trước câu hỏi chất vấn này mấy người họ nhìn nhau nhưng xem ra không có ý nhận lỗi thì Trung Kiên nói tiếp:

– Nếu như hôm nay con các bác không động chạm đến con bé thì tôi chắc chắn sẽ không có sự việc trên xảy ra nhưng giờ có trách hay nói gì thì sự việc cũng đã xảy ra rồi vậy thì các bác cũng nên hướng các con ý thức nhận lỗi lầm của mình bằng cách bản thân phải gương mẫu.

– Muốn chúng tôi xin lỗi ư? Cậu có nhầm không?

– Đây không phải là tôi muốn hay không mà con gái tôi cần được đối xử công bằng! Nó sai thì đã phải nhận sai rồi nhưng việc nó không làm sai thì các bạn phải nhận lỗi với nó!

Mấy người kia cay cú vì bị Trung Kiên nói thẳng mặt nhưng xem ra không để con xin lỗi cũng không được với thái độ sắc lẹm của anh. Một người trong số họ dù bực bội lắm nhưng đành lên tiếng quát nhẹ mấy đứa nhỏ:

– Mấy đứa mau xin lỗi bạn đi!

Nhận được lời xin lỗi của bạn học nhưng Ngọc Anh vẫn chưa hài lòng, con bé nhìn bố rồi lại quay qua hướng mấy phụ huynh nói dõng dạc:

– Các bác cũng phải xin lỗi bố cháu thì mới công bằng!

– Tại mày đánh nhau mà còn to mồm nói người lớn xin lỗi à?

– Bác…

Trung Kiên không cần mấy lời xin lỗi giả tạo đó liền ngăn con gái lại rồi anh lịch sự quay qua nói vài lời mong nhà trường thông cảm về sự việc đáng tiếc này. Ban Giám Hiệu thấy sự việc đã được giải quyết ổn thỏa thì chỉ bảo các em học sinh về viết bản kiểm điểm, nếu lần sau còn tái phạm thì sẽ có biện pháp xử nặng hơn.

Cô Thanh chủ nhiệm tiễn hai bố con Trung Kiên ra tới ngoài, đợi Ngọc Anh lên xe ngồi hẳn thì cô tính trao đổi riêng với anh mấy vấn đề. Kiên là người nhạy bén, biết ý cô giáo chủ nhiệm của con nên anh liền mở lời trước:

– Thật sự ngại với cô quá!

– Dạ, là việc không ai mong muốn anh ạ! Nhưng tôi có vấn đề này muốn trao đổi với anh một chút!

– Vâng, cô cứ nói đi!

Hai người đứng cách xa chiếc xe một đoạn thì cô Thanh lên tiếng:

– Bé Ngọc Anh đã tới tuổi dạy thì rồi nên tôi rất mong anh dành cho con nhiều thời gian để tâm sự với con, giúp con chuẩn bị tốt hơn, nhất là đến những ngày đặc biệt của con bé!

Trung Kiên nghe được lời này thì thấy bản thân đúng là còn thiếu sót nhiều quá! Cảm thấy ái ngại với cô giáo nhưng hơn hết là sự áy náy với con gái mà chưa biết mở lời ra sao thì cô Thanh nhẹ nhàng nói tiếp:

– Mẹ mất sớm là một thiệt thòi lớn nhất của con, cô ở trên lớp đôi khi vẫn tâm sự với con đấy nhưng có lẽ sự tâm lý của bố dành cho con gái mới là hữu hiệu nên anh hãy mạnh dạn hỏi han con để con mở lòng ra với mình hơn anh ạ!

– Ngọc Anh quả thật rất may mắn vì có cô giáo chủ nhiệm tâm lý như này! Thực lòng tôi cảm ơn cô nhiều lắm!

– Dạ không có gì anh ạ! Các con cứ ngoan ngoãn, chăm học là chúng ta vui rồi! Giờ này con cũng không thể tiếp tục vào tiết được nữa nên anh đưa con về trước rồi ngày mai lại đến trường, buổi tối cô sẽ gửi bài vào nhóm lớp cho con sau ạ!

– Vâng. Cảm ơn cô! Xin phép bố con tôi về trước!

– Vâng. Chào anh!

Trên đường về nhà Kiên không nhắc tới chuyện đánh nhau của con, cũng không tỏ thái độ không hài lòng như mọi lần con gây chuyện mà chỉ từ tốn hỏi:

– Con có đau chỗ nào không?

– Không ạ!

– Đau ở đâu thì cứ nói với bố, không được giấu diếm!

– Con không đau ở đâu ạ!

– Nếu ngại nói với bố thì con có thể nói với bác Thái hoặc bác Lành nghe chưa?

– Vâng.

Kiên dặn con vậy rồi nhưng vẫn chưa yên tâm, nghĩ tới cảnh một mình cân ba đứa thì cũng đâu phải đơn giản. Bọn trẻ bây giờ đánh nhau có như cái thời trẻ trâu của các anh ngày xưa đâu, nghĩ tới đó là anh hơi rùng mình rồi nên khi về đến nhà anh lại dặn chị Thái giúp việc nói chuyện với con gái xem thế nào.

Cũng không còn tâm trạng mà đến công ty làm việc tiếp, với cơ bản là vẫn còn lo lắng cho các con nên anh ở nhà luôn. Gác công chuyện lại một buổi, anh vào phòng của bé út Bảo An, con bé cũng vừa mới trải qua sự sợ hãi nên nó có vẻ khép nép hơn thường ngày, cứ ngồi im ôm con búp bê cũ kĩ khiến lòng anh trùng xuống. Kiên thương con gái lắm nhưng chỉ biết ôm con bé, thơm lên hai má gầy gò của con rồi kiên nhẫn hỏi những câu mà ngày thường anh vẫn nói:

– Bảo An của bố uống hết sữa chưa?

Con bé không trả lời mà chỉ gật đầu rồi lại tiếp tục ôm đồ chơi thì Kiên vẫn nhẫn nại vỗ về con ân cần…

– Con gái của bố giỏi thế thì muốn bố thưởng gì nào?

– …!!!

– Búp bê Elsa hay là bộ đồ chơi bác sĩ hay là…

Bảo An không chịu nói nhưng vẻ mặt giờ này đã giãn ra đôi chút, nó với cái Ipad lướt lướt rồi chỉ vào bộ đồ vẽ trên đó thì Trung Kiên cười gật đầu với con:

– Vậy chiều bố đưa ba anh em đi mua nhé?

Con bé nghe được đi với anh chị thì gật đầu cái rụp, Trung Kiên cười nhẹ, anh thơm lên trán con rồi bế con bé ra khỏi phòng. Hai bố con ra vườn đi dạo, nhìn ngắm vườn hoa nhỏ xinh mà trước đây vợ anh còn sống vẫn thường chăm sóc, đến giờ này đã qua ba năm dù không còn bàn tay chăm chút tỉ mẩn của vợ thì anh vẫn có thể giúp chúng phát triển mỗi ngày nhưng cớ sao đối với ba đứa con đến giờ này anh vẫn chưa thể đảm đương tốt được như cô đã từng làm được trước đó…

– Hòa ơi! Anh phải làm gì để các con ngoan ngoãn như khi có em bên cạnh? Anh phải làm sao khiến cho con gái út của chúng ta chịu nói chuyện… Anh phải làm sao mới tốt được đây???
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.