Ở nhà trước, Cao Phỉ và Nguyễn Thị Quý thì ngồi, Dạ Lý lại đứng khoanh tay ở một bên, quỳ sau lưng ả là Nam Sa, còn bé ba, đứa nhỏ tội nghiệp rốt cuộc đã được ra nhà sau nằm để mấy chị gia nhân bôi thuốc, coi như cũng vừa thoát qua một ải.
Cao Phỉ giọng điệu đanh thép, vẻ mặt lại lạnh lùng đến rợn người. Ban nãy, ông đem tờ báo vứt lên mặt bàn, hỏi mà như chất vấn ả.
Nguyễn Thị Quý nheo mắt khó hiểu, bà cầm lên tờ báo, ngay ở trang đầu chăm chú đọc. Suốt khoảng thời gian này Dạ Lý chỉ lặng lẽ khoanh tay, ả biết thế nào cũng đến lúc này nhưng không ngờ lại nhanh đến vậy, nhanh chóng và đột ngột làm ả còn chưa kịp trở tay chuẩn bị.
Đuổi hết đám gia nhân đi khỏi xem ra ông hội đồng vẫn còn muốn giữ mặt mũi cho ả lắm, dù sao ả cũng là cô hai nhà họ Cao kia mà, dù có phải hứng chịu trách phạt phẫn nộ từ cha má thì cũng không tới phiên bọn cùng đinh mạc vận đứng xem xỉa xói.
Người tức giận nhất khi biết được tin tức không đáng mong chờ này chẳng phải là Cao Phỉ, mà đó là Nguyễn Thị Quý, bà hội đồng vợ ông. Quả nhiên, đọc xong mấy dòng chữ bằng mực đen trên tờ giấy báo ngả vàng, xem luôn cả cái hình ảnh trắng đen của cô con gái rượu nhà mình được in chễm chệ trên mặt đầu...bà tái xanh mặt mũi, giận đến nỗi nhịp tim dường như ngưng đọng.
Cầm tờ báo, tay bà run lẩy bẩy, gằng giọng thành từng chữ cố nén cơn lôi đình.
"Con, làm cái gì vậy hả, Lý?..."
Thái độ Dạ Lý tỉnh bơ đến lạ, ả đáp.
"Con đi hát."
"Hỗn láo!"
Nguyễn Thị Quý bật dậy, ném thẳng tờ báo vào mặt ả, trong mắt bà giờ đây ngập tràn thịnh nộ, cái cơn thịnh nộ hình như chẳng hoàn toàn sinh ra bởi ả, mà là do một ký ức xa xưa hận sầu lắm gợi về.
"Tại sao, tại sao con dám làm điều khốn hại như vậy trong cái gia trang này hả, Dạ Lý!?"
Giọng bà nghẹn đi.
Cao Phỉ ở bên cạnh kéo tay vợ mình ngồi xuống, ông hít lấy một hơi sâu kín, giữ gìn bình tĩnh thường nhật.
"Nói cho cha nghe, một trong những luật lệ ở gia đình này, một luật lệ mà cha má đã dạy con phải tuân theo từ khi còn nhỏ dại, con bây giờ còn nhớ hay đã quên?"
Cánh tay Dạ Lý khoanh trước ngực vô thức siết chặt vào, ả biết mình đã phạm luật nhưng không muốn thừa nhận, càng không muốn chấp nhận cái luật lệ vô lý này.
"Thưa cha thưa má, cha má đã dạy, trong gia trang này không được đàn ca hát xướng, không được mướn gánh hát về coi tuồng, và con cũng không được phép trở thành đào hát."
Cao Phỉ gật đầu, ông nắm lấy bàn tay đang lạnh toát của vợ mình, giữ nguyên điềm đạm, lại hỏi.
"Vậy sao bây giờ hình con xuất hiện trên mặt báo với cái danh-nữ ca sĩ Dạ Lý thế hửm?"
Ả im lìm, không đáp.
"Nói!"
Nguyễn Thị Quý quát.
"...Con bị gã phóng viên đó chụp lén."
"Haha, hahahaha, vậy nếu không chụp lén thì con định giấu cha má tới chừng nào? Con định lừa gạt cha má thêm bao lâu?"
Bà cay đắng.
Đến lúc này, ả đã chịu đựng không nổi nữa cái cách cha má mình thổi phồng lên sự việc, rõ ràng cũng chẳng phải chuyện gì quá to tát, ả cũng đâu làm gì tới mức lụng bại gia môn, vậy mà...
"Được rồi! Con phạm luật, con giấu giếm cha má, lỗi con. Nhưng cha má không thấy điều luật này là vô lý sao? Từ nhỏ cha má đã biết con thích hát rồi, nghe hồ quảng thì cấm đoán, hát hồ quảng thì đay nghiến. Còn bây giờ con là nghe và hát nhạc Tây Dương, không phải hồ quảng, không chạm vào sự ghét bỏ của má, sao vẫn mắng nhiếc con chứ!? Con đã lớn rồi, con phải được quyền làm điều mình thích, cha má đang hủy hoại mơ ước của con và cả cái giọng hát trời phú này của con đó!!!"
Ả tuôn ra một tràng những lời lẽ ấm ức chất chứa đã từ lâu trước sự ngỡ ngàng của ông bà hội đồng, xong xuôi cũng không cần ai cho phép, Dạ Lý chạy thẳng một mạch trở về buồng, bỏ lại Nguyễn Thị Quý ngồi yên chết lặng trên ghế giữa cơn phẫn tức của chính mình.
...
Trong buồng, Dạ Lý nằm dài trên giường úp mặt vào gối khóc nức nở, ả uất ức lắm, uất ức khi phải gánh chịu cái luật lệ vô lý này, vì nó mà mình không thể đường đường chính chính đứng trên sân khấu.
Ban nãy thấy ả chạy đi thì Nam Sa cũng lật đật chạy theo, nay ở một bên thấy ả khóc đến chan hoà châu lệ, nàng thấy thương lắm đỗi.
Thì ra cô hai Dạ Lý cũng biết rơi nước mắt như một người con gái yếu mềm, điều đó ắt ả đã giấu nhẹm đi vào sâu trong lớp vỏ bọc cô hai nhà địa chủ kiêu căng.
"Cô hai đừng khóc nữa, sưng mắt hết rồi nè! Ông bà giận thì rầy rà như vậy, chớ chi mình là phận con cái, nhịn nhường một chút cũng không mất mát gì. Mai chiều ông bà sẽ hết giận cô thôi, đừng khóc nữa mà."
Nam Sa hết lời an ủi nhủ khuyên, sát bên cạnh lau nước mắt cho ả, làm gối tựa cho ả, nghe ả kể lễ ỉ ôi. Suốt cả buổi, nàng đều nghiêm túc chia sẻ cùng Dạ Lý, không hề có nửa điểm thờ ơ.
Là do tính nàng vốn rất thương người? Có lẽ là vậy...
Đợi chừng khi Dạ Lý trút cạn niềm tâm sự rồi, nước mắt nước mũi đã lau sạch sẽ rồi ả mới lấy lại dáng vẻ thường ngày. Dù mặt mày còn xanh xao lắm do cơn sốt chưa khỏi hẳn, thân thể suy yếu là điều dĩ nhiên nhưng ả đã có cho mình một kế hoạch và ả muốn thực hiện nó ngay luôn!
"Hả!? Đi..đi Sài Thành? Bây giờ?"
Nam Sa giật mình chưng hửng trước lời đề nghị đột ngột của ả.
"Ừ, mày về soạn đồ đi, tao với mày lên Sài Thành ngay chiều nay, ông Chơn tài xế sẽ chở mình."
"K..không được đâu cô hai ơi, mình chưa xin phép ông bà mà? Vả lại, má của con ở nhà đơn chiếc, con không thể đi xa được, hay là..."
Dạ Lý đập vỡ tách trà, mảnh sứ hoà cùng nước trà nóng vương vãi loang ra.
"Hay là sao? Mày cãi lời tao hả Sa!? Mày không muốn đi với tao chứ gì? Không muốn thì nói thẳng tao nghe."
Tội nghiệp, Nam Sa vì thái độ của ả mà luống cuống cả lên.
"Không phải con không muốn đi với cô hai, mà là con đi không được, và con...con cũng không muốn cô hai đi Sài Thành vào lúc này, cô nên ở nhà chờ ông bà nguôi giận thì sẽ tốt hơn."
"Tao không cần biết, tao muốn đi khuất xa khỏi cái nhà giả tạm này ngay bây giờ! Mày không thể đi chứ gì? Vậy tao càng bắt mày phải đi, dám cãi lời, tao đốt nhà má con mày!"
Dạ Lý ngang ngược đó là lẽ dĩ nhiên, lần này cũng vậy, ả ngang ngược ép bức Nam Sa phải đi cùng mình, đi đến một nơi phố thị phồn hoa mà nàng chưa bao giờ đặt chân tới.
Mặc kệ nàng đang rưng rưng nhìn ả bằng cặp mắt rất đỗi thống thiết, ả quay đi, ngó lơ không thèm nhìn nữa.
Không nhìn vào cặp mắt xanh biếc ấy nữa liệu có phải là cách để giữ vững kiên định?
...
"Cái cảm giác kỳ lạ gì đây nhỉ? Nó lắc lư chao đảo quá, đầu lại rất nhói nữa, tầm nhìn mờ mịt, mình đang ở đâu thế này?" Bụng dạ Nam Sa thầm kêu lên.
Nàng cảm tưởng như có thứ gì dán chặt mi mắt, mất vài phút gắng gượng mới mở ra được nhìn xung quanh.
Cảnh tượng trước mắt âu đã khiến nàng bàng hoàng.
Hoá ra cảm giác lắc lư là do đang ngồi trong xe Huê Kỳ, còn tầm nhìn mờ mịt là bởi vì ngoài trời đương tối mịt.
Chuyện gì xảy ra với nàng thế này!?
Nam Sa hét lên.
"Câm miệng."
Giọng nói quen thuộc nào đây? Nó sát cạnh bên tai.
"C..cô hai?"
"Chỉ khi mày ngủ thì mới ngưng ồn ào nhỉ?"
Nam Sa tròn xoe mắt ngó nghiêng.
"Không cần ngạc nhiên, chúng ta là đang trên đường đi Sài Thành."
Dạ Lý mặc áo dài trắng, vai choàng khăn voan, lười nhác chống cằm nhìn ra khung cửa.
"Sao chúng ta lại đi Sài Thành? Chuyện gì xảy ra vậy? Con nhớ là mình đã...mình đã..."
Nam Sa cố lục tìm trong trí nhớ về sự việc đã xảy ra, nhưng không cần thiết, ả đã chủ động kể lại với nàng rồi.
"Tách cà phê sữa tao ngán đưa mày uống dùm có bỏ thuốc mê, sau khi mày ngủ thì ông Chơn bồng mày ra xe."
Đoạn, ả dừng lại ngẫm nghĩ vài giây rồi mới tiếp.
"Chuyện Cao Dạ Lý này muốn, trước nay chưa từng không làm được."
Cứ ngỡ Nam Sa lại ồn ào lắm lời, nhưng không, không có gì cả, nàng chỉ lặng im.
Khó hiểu, Dạ Lý đảo mắt nhìn sang.
"Ê con kia, mày câm à...ơ này...?"
Ả lúng túng, bởi vì Nam Sa đang cúi gằm mặt và...khóc.
Bờ vai nàng run run, giữa cái không gian chập choạng buổi đêm, ả trông thấy từng giọt nước mắt của nàng lóng lánh như ngọc rơi xuống, nhỏ lên vạt áo nâu sờn cũ.
Ông Chơn tài xế nghe tiếng thút thít bèn liếc mắt nhìn lên kính hậu, rồi khẽ lắc đầu thở dài, không biết mang ý nghĩa gì.
"Sao, sao tự dưng mày khóc vậy? Tao có làm gì mày đâu?"
Dạ Lý có phần ngô nghê, bối rối hỏi.
Nam Sa nghe hỏi tới, không đáp mà chỉ bưng mặt khóc còn lớn hơn.
"Cái con này mày khóc lóc cái gì? Có gì thì nói chứ khóc kiểu đó ai biết đâu mà lần."
Vốn là ngồi sát bên nhau, Nam Sa khóc trông thê thảm như vậy, Dạ Lý lại rất bất lực chỉ biết nhìn.
Rốt cuộc nàng cũng chịu lên tiếng, bằng giọng uất nghẹn tủi thân, Nam Sa nức nở.
"Sao cô hai chơi gì ác nhơn vậy? Chuốc thuốc bắt con đi, rồi giờ con biết tính sao? Má con...má con sẽ lo lắng biết chừng nào!?"
"Tưởng gì, ôi dào tao đã biên thư để lại cho cha má rồi, cũng biểu con Hạnh chạy qua báo với má mày rồi. Bả lớn chớ có phải con nít đâu mà mày lo như phỏng?"
Vừa nói, Dạ Lý vừa rút khăn tay đưa cho Nam Sa.
"Nhưng, nhưng con sợ, con muốn về nhà, cô hai cho con về nhà đi."
Nàng lại khóc.
Bất đắc dĩ, ả phải nâng lên gương mặt nàng đang cúi thấp, tự mình dùng khăn lụa cẩn trọng lau khô dòng lệ nhạt nhòa.
"Thôi, xe đã chạy từ hồi chiều tới giờ, sắp tới Sài Thành luôn rồi còn về cái gì nữa? Đừng sợ, có tao mà, mình đi chơi khuây khoả vài hôm hẵng về, má của mày tao biểu con Hạnh coi sóc rồi, yên tâm."
Ả ân cần thuyết phục Nam Sa, rõ ràng điều này là rất không cần thiết đối với một con hầu. Điều gì khiến cho Nam Sa trở nên ngoại lệ trong mắt ả? Vì cái vẻ ngoài Tây Dương khác biệt kia hay sao?
Không hẳn, chắc lẽ vì...nàng đẹp!
Phải, nghe đơn giản quá nhỉ? Nhưng ở bất cứ nơi nào cũng vậy, người đẹp luôn sẽ được một số đãi ngộ ưu tiên, dù cho đó có là trong sự vô thức.
Ở Nam Sa, dẫu thước vóc nàng cao ráo, ngó qua không mấy 'liễu rũ buông mành' như Dạ Lý, thế nhưng từ nàng toát lên cảm giác ngây thơ trong trắng quá đỗi, một gương mặt ngỡ tựa búp bê, một đôi mắt biếc xanh ngân ngấn nước. Mọi điều ở nàng đều khiến cho người ta muốn dang tay che chở, đẹp đến mức không nỡ làm tổn thương.
Ví như con búp bê làm bằng gốm sứ, mình phải giữ gìn nó thật cẩn thận, nâng niu trong vòng tay và lồng vào khung kính để ngắm nhìn, chẳng thể để nó va đập làm vỡ toang đi men gốm mịn màng.
Nam Sa cũng vậy, nàng là con búp bê bằng gốm sứ đang nằm trong khung kính của Dạ Lý.
Nghe như món đồ chơi của ả, thú cưng của ả.
"Không thể về được sao?"
Nam Sa mếu máo.
"Không về được, đi chơi với tao, chỉ vài ngày thôi, sẽ có nhiều điều vui thú lắm, tao chắc chắn!"
...Và quả nhiên có nhiều điều 'vui thú' thật, nhưng chỉ vài ngày thôi thì chưa chắc.
...
Tối đó, dù Hạnh ra sức trấn an thế nào cũng không ngăn được bà Lệ tìm tới tận cửa nhà Cao gia trang. Tại đây, Nguyễn Thị Quý mời bà Lệ vào nhà cùng mình tiếp chuyện, vẫn là cái vẻ ăn trên ngồi trước thường ngày, Nguyễn Thị Quý dùng nửa con mắt khinh thường bà Lệ ra mặt mà nói.
"Bà to gan lắm, dám xông tới tận nhà tôi, muốn gì?"
Bà Lệ bụng dạ rất giận nhưng vẫn giữ thái độ ôn hòa đáp lại, có điều vẫn không tránh khỏi cảm ngộ trong câu từ có phần trách móc.
"Cô hai tự ý đưa con gái tôi lên tận Sài Thành như vậy hình như hơi tùy tiện rồi, tôi qua đây mong bà hội đồng thương tình nhắn lại với cô hai đưa con tôi về. Nam Sa nó còn nhỏ dại, chưa đi xa tay mẹ bao giờ, tôi rất bất an."
Nguyễn Thị Quý ngó qua thấy ống quần bà Lệ lấm lem hết cả thì lòng tự biết bà ấy đã phải lội ruộng một quãng khá xa không ngừng nghỉ và rất gấp gáp để đến tận đây. Quả nhiên hai má con nhà này nương tựa và thương yêu nhau như vậy, không khỏi sinh ra bực dọc về Dạ Lý, đứa con gái rượu được chiều chuộng đến hư thân của mình.
"Nó là con hầu của con tôi, chủ đi đâu thì phải theo đó, lẽ thường tình, bà bớt làm quá lên đi.'
"Vẫn là nhờ bà hội đồng nhắn với cô hai cho con tôi về, cô hai thiếu chi kẻ ăn người ở, đâu nhất thiết phải là Nam Sa?"
Nguyễn Thị Quý nhún vai, ra chiều lơ đãng.
"Biết sao được? Con tôi nó thích con bà đi theo vậy đó, người khác nó không ưng."
Đến đây, bà Lệ khẽ nhíu mày, trân trân nhìn vào Nguyễn Thị Quý đang vắt chân ngồi chễm chệ trên ghế.
"Bà nhìn tôi làm gì? Dù bà có nhìn lâu thêm nữa cũng không thể làm gì tôi."
Bà Lệ vẫn không dời ánh mắt đi.
Bất đắc dĩ, và hẳn cũng vì không đủ kiên nhẫn đôi co, Nguyễn Thị Quý bèn nói rõ.
"Chúng nó chắc giờ đang trên đường rồi, cũng không có cách nào kêu về nữa, trên Sài Gòn tôi cũng không biết địa chỉ con Lý ở để đánh điện. Kệ nó đi, tôi biết tánh ý con mình, để con Sa theo hầu nó đi chơi vài ngày rồi sẽ về thôi."
Bà Lệ đăm chiêu, định nói gì đó nhưng lại thôi, bà ấy biết sự tình đã vậy, ở đây dây dưa thêm cũng không ích lợi gì.
"Làm phiền bà khi nào cô hai về thì cho Nam Sa về gặp tôi ngay, chào bà hội đồng, tôi đi."
Dứt lời, bà Lệ liền trở gót ra về, dáng hình bà gầy gò đạm bạc, mái tóc búi lên đã điểm bạc phong sương càng làm cho hình ảnh thêm cơ khổ.
Nguyễn Thị Quý nhìn theo, tâm tư phức tạp khó diễn tả.
"...Hồng Lệ!"
Chợt, bước chân Hồng Lệ, chính là bà Lệ khựng lại theo tiếng gọi, ngập ngừng trước ngạch cửa nhưng vẫn chẳng đặng quay lại nhìn.
"Bà đã già rồi, chúng ta đều đã già rồi."
Không nghe ra được ý tứ trong lời này của Nguyễn Thị Quý là câu hỏi hay là câu cảm thán cho chính mình.
"Bà vẫn còn đẹp lắm."
Nhàn nhạt bỏ lại một câu lững lơ như vậy rồi Hồng Lệ vội vàng cất bước. Đợi khi Nguyễn Thị Quý đương ngẩn ngơ tỉnh ra thì bóng người đã khuất dạng.
...
Đến khuya, nằm trong buồng trằn trọc, Nguyễn Thị Quý ngó lên nóc mùng mà tâm trạng vẩn vơ.
Cao Phỉ bỏ guốc, chui vào mùng, cẩn thận tấn lại kĩ càng rồi mới nằm xuống nghiêng qua nhìn vợ.
"Mình sao vậy? Sắc mặt nhợt nhạt quá."
Nguyễn Thị Quý cười cười, xoay qua mặt đối mặt chồng, giữa đêm thanh vắng thỏ thẻ đáp.
"Có gì đâu, em buồn phiền chuyện con mình chút thôi, nó hư quá mà."
Ngẫm nghĩ, Cao Phỉ gật đầu tán đồng.
"Ừm, nó hư thật, con gái gì mà tự tung tự tác, bỏ lại có bức thư cho cha má rồi trốn biệt đi chơi..."
Chần chừ giây lát, ông mới tiếp.
"Nhưng mình không giận, không ghét được nó phải không?"
"Con với cái, chỉ giỏi chọc tức em, nhưng mà...làm sao em ghét được con hở mình? Em là mẹ mà."
Nói ra lời này, Nguyễn Thị Quý cũng có chút bất lực.
Cao Phỉ choàng tay ôm vợ, thì thầm.
"Chuyện kia cũng qua lâu rồi, mình nên buông bỏ, bám chấp chỉ khiến nặng lòng."
Nguyễn Thị Quý nghe vậy bèn đẩy Cao Phỉ, bực tức ra mặt.
"Con đào hát hồ ly tinh đó từ đâu chui lên rù quến anh rể, để chị của em chết oan chết ức ngậm ngùi nơi chín suối, mình còn kêu em buông bỏ!? Nếu mình không ngăn cản thì em đã xẻo thịt lột da con đê tiện đó lâu rồi!!"
"Tôi biết chị hai chết tức tưởi, nhưng nhân quả có trả vay nên tôi mới ngăn mình. Và quả thật, mình xem, con trai cô ta sanh ra khờ khạo đần độn, đó là báo ứng rồi, không cần tức giận hại thân."
Nguyễn Thị Quý quay lưng lại Cao Phỉ, xem chừng đang giận lắm, ông lại lần nữa choàng tay qua ôm bà dỗ dành.
"Thôi mà, cô ta độc ác lợi dụng đứa con trai, rốt cuộc trời phạt cho con cô ta là một thằng đần, đáng tội rồi mà."
"Bấy nhiêu chưa đủ, em còn muốn con hồ ly tinh Diệu Khanh đó chết thảm thương kìa! Như chị em đã phải chịu đựng, ra đi trong uất ức..."
Hoá ra là vậy, nguyên nhân khiến cho Nguyễn Thị Quý ghét cay ghét đắng đàn ca hát xướng khởi nguồn từ một ả đào tên gọi Diệu Khanh đã giật chồng chị gái của mình để rồi chị ấy phải đau buồn thành bệnh, ra đi trong ấm ức.
Vậy thì cái niềm đam mê ca cầm bị cấm cản của Dạ Lý xem chừng cũng thật oan uổng biết bao.
...
Lại nói về Dạ Lý và Nam Sa.
Chừng gần tản sáng, cả hai lên tới Sài Thành, vào một khách sạn ngay ở đại lộ trung tâm rồi chọn căn phòng thượng hạng nhất.