Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ

Chương 51: Quý cô ngược FA



Biên tập xong video làm lạp xưởng, Trình Nặc tạm thời chưa đăng ngay, tính đến bao giờ quay xong những video khác thì sẽ đăng lên trước giao thừa.

Tiếp theo, Trình Nặc bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu cần làm món cốm đường. Món này khá phức tạp, đầu tiên phải ngâm lúa mạch mấy ngày, đợi nó ra mầm mới có thể dùng để nấu đường. Nếp cũng phải ngâm trước, rồi lại hấp chín thành cơm nếp, cuối cùng phơi khô cơm thì mới rang được. Những thứ này đều phải chuẩn bị trước mấy ngày, nên Trình Nặc chuẩn bị từng bước một, mỗi ngày chụp một ít, cố dùng một ống kính chụp mấy lần, ngừa sau này chụp không đẹp, chụp lại thì phiền phức.

Nếu Trình Nặc chỉ có một mình thì phải liên tục đỡ ống kính, tìm gốc độ, qua lại liên tục. Mà lúc này, chỗ tốt của Tông Lãng được dịp thể hiện, trở thành nhiếp ảnh gia ngự dụng của Trình Nặc. Mấy ngày sau đó, anh dùng máy cơ còn thuần thục hơn Trình Nặc.

Nhân lúc làm cốm đường, Trình Nặc còn chuẩn bị làm bánh dày năm mới.

Bây giờ bánh dày bán trong chợ toàn làm bằng máy. Tông Lãng nói hồi nhỏ anh đã từng thấy ông nội làm bánh dày bằng tay. Nếp từ ngâm nước, mài bột, cho đến hấp chín giã mịn, đều là công việc đòi hỏi cả kỹ thuật lẫn sức lực. Nên đến mỗi lần làm bánh dày, đều là rất nhiều gia đình trong thôn cùng làm, hôm nay đoàn người này giúp nhà đông làm, mai lại đến nhà tây làm, cứ thay phiên luần lượt nhau. Thế nên rất náo nhiệt, bất kể đến nhà nào, cũng là một sân đầy người.

Trình Nặc nghe mà thích thú, mặc dù cô rất nghiêm túc chuẩn bị video phong tục năm mới, nhưng mấy ngày qua, cô luôn cảm thấy thiếu thứ gì đó. Nghe Tông Lãng nói mới nhớ ra, đó là thiếu không khí.

Ăn Tết mà, dĩ nhiên phải đông người sôi nổi rồi, thế mới có không khí.

Đáng tiếc nhà cô cũng chỉ có cô và Tông Lãng.

Nguyên liệu làm bánh dày đều đã được Trình Nặc chuẩn bị xong, có điều lúc giã bánh dày phải dùng đến cối đá, nhưng thứ này không mua được.

Tông Lãng ngẫm nghĩ, cối đá không dễ mua, nhưng hồi nhỏ anh thấy không ít nhà trên cù lao đều có, dù bây giờ không dùng, song nếu tìm thì nói không chừng có nhà nào đó vẫn còn giữ. Thế là dẫn theo Trình Nặc đến từng nhà hỏi.

Nghĩ thì hay, nhưng một đường hỏi thăm lại không có nhà nào giữ. Trái lại có một nhà còn, tuy nhiên bây giờ đã thành máng ăn nuôi heo rồi…

Trình Nặc thất vọng, có điều chút thất vọng này nhanh chóng bị hạnh phúc thay thế.

Lúc Tông Lãng hỏi cối đá ở từng nhà, người khác hỏi anh dùng làm gì. Đều là người lớn tuổi cả, nói video weibo gì đấy chưa chắc họ đã hiểu, nên Tông Lãng cũng không giải thích phức tạp, chỉ nói là muốn ôn lại hơi thở năm mơi hồi nhỏ, muốn làm lại những món đồ ngày Tết lúc trước.

Người càng lớn tuổi càng nhớ ngày xưa, nghe anh nói như thế, ai ai cũng hứng thú. Vừa vặn vào tháng Chạp, mọi người đều đang rảnh rỗi. Thế là được chú Lưu thích góp vui nhất dẫn đâu, ba mươi bảy hộ gia đình trên cù lao, nhà nào cũng quyết định góp một ít, cùng Tông Lãng Trình Nặc làm đồ Tết.

Lần này, nhất thời cù lao Hà Diệp náo nhiệt hẳn lên.

Trình Nặc thương lượng với chú Lưu, quyết định thế này thế kia, trước đó cô đã chuẩn bị nguyên liệu làm cốm đường với bánh dày rồi, nên giờ làm những thứ khác trước. Trong thôn có nhà muốn làm, liền vội vàng đưa nguyên liệu tới, đến lúc đó còn cùng nhau làm.

Còn về cối đá, không biết Tông Lãng tìm được ở đâu một bác thợ đá, làm một cái theo yêu cầu, làm thêm giờ, ngày hôm sau sẽ đưa tới.

Trình Nặc nhất thời vui vẻ, ngay trước mặt rất nhiều người hôn Tông Lãng một cái, chọc cho những cụ già lớn tuổi che miệng cười.

Tông Lãng tiến đến bên tai cô nói nhỏ: “Có chút như thế chưa đủ, đến tối em phải đối tốt với anh đấy.”

Trình Nặc xấu hổ lườm anh, “Được đấy, anh chờ đi.”

Vì câu này mà cả ngày hôm đó Tông Lãng hưng phấn vô cùng, tràn trề năng lượng, làm việc cũng không thấy phiền. Chỉ mong trời nhanh tối đi, nhanh tối đi.

Vất vả lắm mới chờ được trời tối, cơm nước xong, Tông Lãng liền tắm rửa sạch sẽ, nằm trên giường lớn đợi Trình Nặc lâm hạnh.

Trình Nặc có thói quen lướt weibo trước khi ngủ. Mấy ngày nay không có đăng video gì, nên cô chọn ít hình, chuẩn bị đăng lên.

Có rất nhiều ảnh. Có phong cảnh sáng sớm mùa đông, những đóa hoa ngậm sương mọc trong đồng ruộng, một mảng trắng xóa. Cũng có tấm chụp lúc mọi người trong thôn tới nhà cô bàn nhau làm bánh dày, vô cùng náo nhiệt. Còn cả Tiểu Lang nữa, nó đã mập hơn trước rất nhiều, tròn vo một cục như quả bống lông. Mà nhiều nhất chính là khi cô táy máy máy cơ, chụp từng ngọn cây cọng cỏ, thậm chí cả một cây cải xanh, cảnh gần cảnh xa của nhà cũ, con đường lát đá trên cù lao, những người già nằm sưởi nắng, mái chìa cong đổ nát nhưng vẫn đứng sừng sững…

Tông Lãng đợi cả nửa buổi vẫn chẳng thấy cô đến, anh bèn tiến tới, hỏi cô đang làm gì.

“Lựa ảnh đăng weibo.” Trình Nặc không ngẩng đầu lên mà trả lời, hiển nhiên đã quên khuấy chuyện cô đã cam kết lúc chiều.

Tông Lãng xít lại gần, phát hiện cô chọn rất nhiều ảnh, nhưng lại không có anh.

“Hai chúng ta chụp chung một tấm đi.”

Trình Nặc hỏi anh sao đột nhiên lại nghĩ đến chuyện chụp ảnh. Anh đứng đắn nói: “Chụp chung để em làm avatar, cho những người theo dõi kia biết em là hoa đã có chủ, đừng nghĩ lung tung nữa.”

Trình Nặc bật cười, thỏa mãn nguyện vọng của anh, “Được, chụp giờ luôn hả?”

Tông Lãng đáp ừ, đi rửa mặt rồi sửa lại tóc, nhưng chợt nhớ ra mình để tóc đầu đinh, vốn chẳng cần sửa. Lại nhìn quanh khắp nơi, tìm phông nền thích hợp để chụp. Nhìn tới nhìn lui, chọn được góc ghế mây cũ đặt bên bàn đọc sách.

Ghế mây khá lớn, có thể ngồi đủ hai người. Tông Lãng ôm Trình Nặc vào lòng, tựa đầu lên vai cô, giơ điện thoại lên, chỉnh góc độ trên dưới trái phải các thứ, chụp liền mấy tấm. Chụp xong mở ra xem, tấm nào cũng chưa hài lòng, không phải không đủ ánh sáng thì lại cảm thấy mình không đẹp trai. Thế là lại cầm máy cơ, đặt trên giá ba chân chụp.

Trình Nặc cười anh, “Bình thường tùy tiện là thế, mà sao hôm nay chụp chung lại so đo vậy.”

Tông Lãng nói: “Em không hiểu đâu.” Bây giờ số người theo dõi của cô rất nhiều, trong bình luận có không ít người gọi cô là nữ thần. Là người đàn ông của nữ thần, anh rất căng thẳng đấy biết không? Huống hồ còn cả tên Lâm Dĩ An kia nữa, chắc chắn cũng theo dõi weibo của cô, anh không chụp mình đẹp trai thì làm sao để tên khốn kia thấy thua kém, tự thẹn không bằng.

Anh nhìn đau đáu vào ống kính máy ảnh, nhắc nhở Trình Nặc: “Cười đi, cười đi.”

Càng cố gắng Trình Nặc càng không cười nổi, “Không được rồi, em cười không nổi nữa.”

Tông Lãng đỡ sau gáy cô, để cô nhìn mình, “Nhìn đi nào, người đàn ông đẹp trai như vậy là của em, có phải đến nằm mơ cũng cười không?”

Trình Nặc phì cười.

Hai người ngồi trên ghế mây, Trình Nặc ngồi lên đùi Tông Lãng, ngẩng đầu nhìn anh cười tít mắt. Tông Lãng cũng nhìn cô, khóe môi khẽ nhếch, trong mắt ngập tràn tình yêu không che giấu. Đằng sau bọn họ là rèm cửa sổ bay bồng bềnh, trên bàn sách đặt một chiếc hũ sành đã cũ, cắm vào đó mấy cây lau sậy, ánh đèn lờ mờ, ấm áp tĩnh lặng.

Máy ảnh đã ghi lại khoảnh khắc này.

Tông Lãng cực kỳ hài lòng với tấm ảnh chụp lần này, tải vào máy tính sửa đổi một chút, rồi thúc giục Trình Nặc đi thay avatar. Trình Nặc nghe lời thay mới, rồi lại đăng những tấm ảnh đã chọn xong lên, ngẫm nghĩ một lúc, lại đặt tấm ảnh chụp chung này vào cuối cùng, cũng đăng lên weibo luôn. Lúc viết caption, Trình Nặc ghi chú thích từng ảnh một, đến tấm cuối thì chỉ có ba chữ —— Nhà của tôi.

Nhà của tôi, có người tôi yêu, cùng người yêu tôi.

Đăng lên không được bao lâu, load lại một lần, bình luận như bùng nổ.

Nữ thần có chủ rồi!

Đẹp trai quá, rất xứng đôi với chủ weibo, đúng là Kim đồng Ngọc nữ!

Trời ơi, hạnh phúc quá, tôi cũng muốn chuyển đến cù lao Hà Diệp!

Chúc hai người trăm năm hạnh phúc, sống với nhau đên đầu bạc răng long.

Trai đẹp như thế có còn không, cho tôi một người đi!



Tông Lãng nhìn bình luận khen anh mà hớn hở, ôm Trình Nặc đi về phía giường. Trình Nặc cười bảo anh đặt xuống. Anh lại có đủ lý do để nói: “Quên ban ngày em nói gì rồi à?”

Trình Nặc quên thật, hỏi anh: “Em nói gì?”

Tông Lãng đặt cô lên giường, nghiêng người đè lên, ngọn lửa hưng phấn một ngày dấy lên hừng hực: “Em nói, muốn đối tốt với anh.” Nói rồi ôm cô trở mình, đem mình giao cho cô nắm trong tay…

Đêm tối tĩnh lặng.

Lửa tình đượm nồng.

***

Ngày hôm sau, chính thức bắt đầu giã bánh dày. Buổi sáng các nhà đều bận rộn ít việc nhà, đến chín giờ, đã hẹn trước sẽ cùng nhau làm bánh dày nên lục tục kéo đến.

Chú Lưu và thím Ngô là người đầu tiên đến. Chuẩn bị công việc trước hộ cô. Làm bánh dày phải dùng nồi lớn chưng bột gạo, chú Lưu cảm thấy lò đất trong bếp Trình Nặc hơi nhỏ, nên lúc đến còn xách theo một nồi sắt rất lớn.

Dùng gạch cũ và đất vàng đắp thành một bếp lò đơn giản ở sân trước, đặt nồi sắt lên, đổ nước vào đun sôi.

Nhiều người nên làm việc cũng nhanh. Bột gạo đã được mài sẵn ở trấn trên. Vì bột gạo làm bánh dày là được trộn từ nếp với gạo trắng*, có người thích ăn sần sật nên cho nhiều nếp. Có nhiều người răng không khỏe, lại cho nhiều gạo trắng. Nên bột gạo của các nhà đều để riêng, đánh dấu làm ký hiệu. Đợi đến khi hấp bột thì tách ra làm.

(*Đây là loại gạo thu hoạch sau tiết sương giáng.)

Dụng cụ hấp bột cũng không phải lồng hấp, mà là một thứ như thùng nước làm bằng gỗ, người trên cù lao gọi là thùng hấp. Trên to dưới nhỏ, không có đỉnh với đáy, ở giữa có một tấm hấp làm bằng gỗ, ở giữa có rất nhiều con mắt. Bên trên trải vải bông ướt, rồi từ từ trút nước bột gạo vào.

Đây là công việc cần kỹ thuật, phải cho bột vào nhanh, nhưng như thế ai không quen sẽ không làm được, còn nếu cho bột vào chậm thì sẽ hấp quá tay. Trình Nặc không làm được, nên việc này do thím Ngô cùng một bác gái khác chừng năm mươi tuổi cùng làm.

Bên này hấp bột, bên kia đã có người rửa sạch cối đá và chày gỗ, chỉ đợi bột hấp xong là sẽ bắt đầu giã bánh.

Trong sân bu đầy người, đều là những người ở cùng nhau mấy chục năm trong thôn, đều quen nhau cả, dù đang làm hay không thì vẫn ngồi chung với nhau trò chuyện rôm rả. Trình Nặc chuyển ghế trong nhà ra ngoài. Chính cô cũng không có chuyện gì làm, bởi vì không biết làm. Thế là lại cầm máy ảnh chụp khắp nơi. Cũng không cố chọn góc này nọ, chỉ là thấy thì chụp, vô cùng chân thực. Chụp xong thì cũng quay video, lúc quay thôn dân trong thôn, mọi người đều cẩn trọng lại xấu hổ, nở nụ cười với ống kín.

Nồi bột gạo đầu tiên nhanh chóng ra lò, do hai người đỡ thùng hấp đổ vào trong cối đá. Trình Nặc cầm máy chụp ảnh, vừa đi vừa chụp.

Tiếp theo chính là khâu giã bánh dày quan trọng nhất. Giã bánh cần sức, là thanh niên duy nhất trên cù lao, Tông Lãng đương nhiên không thể từ chối, anh đã sớm cởi áo khoác, chỉ mặc mỗi áo sợi màu khói, xắn tay áo, chuẩn bị làm.

Lúc giã bánh dày, phải do hai người thay phiên giã. Anh một chày tôi một chày, không gián đoạn. Người phối hợp cùng Tông Lãng đầu tiên là chú Lưu. Một thùng bột gạo phải giã chừng trăm nhát. Chú Lưu mệt rồi là lại đổi sang chú khác. Tông Lãng không cần người thay, giã từ đầu cho đến cuối.

Trình Nặc nhắm ống kính vào bột gạo trong cối đá, chụp lại khoảnh khắc chày hạ xuống. Chụp rồi chụp, ống kính di chuyển, cô chụp Tông Lãng. Tuy chày gỗ không nặng, nhưng khi giã xuống vẫn cần kha khá sức. Mỗi lần giá, cánh tay anh lại căng cơ, để lộ mỹ cảm sức mạnh.

Giã bột gạo cho tới khi mềm dẻo thì đổ ra một tấm ván đã được rửa sạch, mọi người cùng động tay, nhéo một viên bột lăn dài thành miếng rộng chừng mười lăm cm, sau đó để bác gái thuần thục dùng dao cắt thành những miếng nhỏ. Tiếp đến lại có người sửa lại hình dáng của bánh dày đã cắt, lại thêm chút màu đỏ cho có sắc ở bên trên. Vậy là coi như xong bánh dày.

Trình Nặc thòm thèm, nhân lúc nóng ngắt một miếng, chăm chút đường trắng rồi cho vào miệng. Bánh dày vừa làm xong có mùi thơm của bột gáo, vừa mềm vừa dẻo, vào miệng lại sần sật, ngon hơn mua bên ngoài gấp trăm lần.

Bên này đang ăn thì bên kia đã xong thùng bột gạo thứ hai. Một sân đầy người, kẻ cười người nói, vừa ăn vừa làm, vô cùng náo nhiệt sôi nổi. Trình Nặc chụp lại cảnh này, nụ cười nở mãi trên môi.

Một ngày náo nhiệt cứ thế qua đi, đến buổi tối, Trình Nặc ngồi bên bàn đọc sách lướt weibo. Cô định đợi tới gần giao thừa mới đăng tất cả các video lên, nên hôm nay lại tiếp tục up ảnh.

Tông Lãng lại gần, yêu cầu chụp ảnh chung tiếp. Chung xong, anh ấm ức nói: “Số lần xuất hiện của Tiểu Lang còn nhiều hơn cả anh, có phải em nên cân nhắc đến việc cho anh lộ mặt mỗi ngày không?”

Trình Nặc cười: “Anh nghiện được khen rồi đấy à?”

Tông Lãng vùi mặt vào ngực cô mà cọ cọ: “Ừ thì nghiện đấy, có được không, có được không?”

Trình Nặc bị anh cọ cho nhột, cười ha hả nói được, “Được được được, ngày nào cũng cho anh lộ mặt, được chưa!”

Thế là bắt đầu từ hôm đó, trong số ảnh đăng mỗi ngày của Trình Nặc, tấm cuối cùng nhất định là Tông Lãng, có ảnh một mình anh, nhưng phần lớn là ảnh chụp chung của hai người. Có khi thì chụp nhanh, có khi lại tự chụp, cũng không cố điều chỉnh gì, nhưng càng để lộ vẻ chân thực tự nhiên.

Không lâu sau, ngoài biệt danh ‘cao thủ bắt cá’, Trình Nặc lại có thêm một biệt danh mới: quý cô ngược FA!
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.