Mùa Xuân Của Công Tử Bột

Chương 19



Cuộc thi cuối kỳ đã gần kề, lần này Diêu Viễn lo sốt vó, nó sợ hãi viễn cảnh mình không lọt nổi vào top 10 năm nay, nếu điều đó thực sự xảy ra thì đời nó coi như tiêu tùng, nói không chừng cuộc đời cấp ba của nó không bao giờ có thể hồi sinh được.

Càng lo càng hỏng, đến khi chỉ còn vài ngày nữa là thi nó đã hơi hơi tinh thần phân liệt.

May mà còn có Đàm Duệ Khang bên cạnh nó, không ngừng động viên không sao đâu không sao đâu, cứ cố gắng hết sức là được. Sau cùng còn hứa cả chuyện gian dối, rằng nếu đề quá hóc búa thì sẽ chuyền phao cho nó, Diêu Viễn mới thấy nhẹ nhõm.

Đã có bảo hiểm kép, ắt phòng được họa.

Chiến trường học tập của hai đứa chuyển từ phòng riêng của mỗi người ra bàn ăn, buổi tối mỗi đứa thủ một ly sữa, cắm cúi trên bàn ăn ôn bài. Mệt thì đứng lên ăn tý quà vặt hoặc nói chuyện phiếm.

Diêu Viễn đang mải miết xoay bút giải đề, bỗng nhiên lòng nó khẽ rục rịch, ngẩng đầu lên trông thấy Đàm Duệ Khang đang học từ vựng được một nửa thì ngơ mặt ra nhìn nó, trông có vẻ hơi thảng thốt.

"Sao vậy?" Diêu Viễn tháo tai nghe xuống, khó hiểu hỏi.

Đàm Duệ Khang lắc đầu cười cười, tiếp tục học từ vựng Anh văn.

Các môn thi cuối kì bắt đầu, Diêu Viễn không lần nào xin phao của Đàm Duệ Khang, lòng tự tôn không cho phép nó làm thế, chỉ lo cắm đầu làm bài.

Phần lớn kiến thức trong đề thi đều đã được ôn trong bài tập, điểm các môn tự nhiên khá lên hẳn, lúc ra điểm bất ngờ ở chỗ môn Anh văn của nó hơi ẹ, nhưng không sao, cuối cùng thì nó đã thấy được sự nỗ lực của mình không hề uổng phí rồi.

Lần này Đàm Duệ Khang đứng thứ chín toàn khối, còn Diêu Viễn được thứ 28.

Con đường tiến vào top 10 cấp ba còn rất gian nan, Diêu Viễn ý thức được rằng trong ba năm kế tiếp, nó không được phép lơi lỏng một giây nào. Mùa xuân lại về với miền nam, trên đường nó và Đàm Duệ Khang về nhà, bỗng nhiên Đàm Duệ Khang nói, "Tiểu Viễn."

"Ừa?" Diêu Viễn đáp.

Đàm Duệ Khang nói, "Sau này chúng ta đi làm, kết hôn, sinh con, hai nhà vẫn tiếp tục sống chung một nơi hén, để bọn mình có thể chăm sóc lẫn nhau."

Diêu Viễn khẽ cười, trước giờ chỉ có Đàm Duệ Khang lo cho nó, chứ nó đã lo được gì cho Đàm Duệ Khang đâu, đang nghĩ ngợi thì thấy Đàm Duệ Khang cầm

ly trà sữa lắc lắc, ly trà sữa này là hồi trưa Diêu Viễn mua cho anh.

Đàm Duệ Khang cười nói tiếp, "Sau này mình đi làm về, lại đi mua trà sữa uống"

"Được." Diêu Viễn bảo, "Còn ba em nữa, mình sẽ cùng nhau ở căn nhà hiện tại. À có lẽ không đủ đâu... phải mua một căn lớn hơn, cỡ biệt thự ở khu Hồ Bạc ấy, còn phải kêu ba em mua xe cho chúng mình nữa."

Đàm Duệ Khang suy nghĩ trong giây lát, song cũng không nói gì thêm, chỉ gật đầu.

Mùa xuân lướt nhanh như chong chóng, cánh hoa ngọc lan bị gió cuốn bay lơ thơ, Diêu Viễn đã hiểu sâu sắc là mình không lọt nổi vô top 10, nhân tài cấp ba nhiều như mây, mà đứa nào cũng cày hùng hục như trâu.

Diêu Viễn thật không hiểu bọn đó lấy đâu ra ngần ấy thời gian, lẽ nào không ngủ sao?

Hơn nữa tại sao thành tích đứa nào cũng tốt đều vậy? Tâm thái của Diêu Viễn đột nhiên có sự biến đổi, nó bắt đầu cảm thấy khó hiểu với thành tích môn toán của Đàm Duệ Khang, tại sao Đàm Duệ Khang có thể làm đúng hết toàn bộ đề toán chứ?

Rõ ràng nó làm bài một lần, Đàm Duệ Khang cũng chỉ làm bài một lần.

Nhưng đến khi đối mặt với đề thi cũng tương tự như vậy, điểm cao nhất là 100 thì Diêu Viễn cũng chỉ được từ 80 đến 90, tại sao Đàm Duệ Khang lại có thể được điểm tối đa?

Sau cùng Diêu Viễn chỉ có thể kết luận sự khác biệt này đến từ cái gọi là thiên phú, phải thừa nhận hiện thực như vậy khiến nó khá chán nản, nó không có khiếu với các môn tự nhiên. Trước giờ nó vẫn luôn có suy nghĩ chú trọng các môn xã hội coi nhẹ các môn tự nhiên để giành điểm cao, nhưng thân là con trai mà phải thừa nhận mình không có khiếu môn tự nhiên, Diêu Viễn vẫn cảm thấy khó nuốt trôi.

Sau khi trải qua đả kích tích tụ hằng tháng trời và đứng dưới ánh hào quang của Đàm Duệ Khang, Diêu Viễn bắt đầu học cách chấp nhận, chấp nhận rằng mình không phải đứa thông minh nhất thiên hạ, chấp nhận rằng mình không phải đứa bảnh trai nhất quả đất.

Năm 2000 lặng lẽ qua đi giữa mớ bài tập và đề thi, cả năm lớp 10 Diêu Viễn cũng nhẹ nhàng trôi cái vèo như thế, ngoảnh đầu nhìn lại, cả bản thân nó cũng thấy hơi ngỡ ngàng. Mùa hè năm lớp 10, Diêu Viễn đưa cho Đàm Duệ Khang cuốn "Những câu chuyện hội họa qua lời kể của Sơ Wendy".

Đàm Duệ Khang lại đi đăng ký một khóa mỹ thuật cho mình và Diêu Viễn, hai đứa cùng nhau học vẽ.

Diêu Viễn hoàn toàn không ngờ Đàm Duệ Khang vẫn còn nhớ câu chuyện về ước mơ bên bờ biển hôm nọ. Vụ muốn làm họa sĩ nó chỉ nói chơi thôi, chứ chẳng hứng thú gì mấy với việc vẽ vời, song Đàm Duệ Khang đã vì nó đăng ký lớp thì nó phải đi thôi.

Thế là tháng bảy hai đứa bắt đầu đến nhà văn hóa thanh thiếu niên học vẽ, Đàm Duệ Khang rất nghiêm túc với vụ này, anh đăng ký lớp của một cô dạy vẽ nổi tiếng ở thành phố, hai đứa bắt đầu học từ lớp căn bản nhất.

Những người tham gia lớp này chủ yếu để học thi vào trường đại học mỹ thuật, đi học để lấy cái nghề, còn cô giáo thì lại khá có tiếng tăm, học phí không hề rẻ. Cô từng dạy cho nhiều sinh viên đại học Mỹ Thuật Trung Quốc, Quảng Châu, Tứ Xuyên, Diêu Viễn đương nhiên không có ý theo đuổi việc vẽ vời, một là nó không có năng khiếu, hai là nó chẳng hề thực sự muốn làm họa sĩ.

Nhưng dù sao cũng không cần phải đi học tối ngày sáng đêm, nhân tiện học thêm vài thứ mới lạ cũng hay, sau này cũng có cái vốn khoe với thiên hạ.

Cô giáo dạy rất kỹ, từ phác họa đến ký họa, rồi về mảng màu, Diêu Viễn biết thêm được nhiều thứ, bản thân cũng cảm thấy thú vị. Nó còn khoái đối chiếu học theo cách đi nét từ mấy cuốn sách hội họa theo trường phái ấn tượng mình mua về, Đàm Duệ Khang thì trời sinh chẳng có chút năng khiếu hội họa gì, dù là vẽ phác thảo hay sử dụng màu nước, bức nào bức nấy đều hoang dại như dã thú.

Cô giáo rất khuyến khích sự cạnh tranh giữa các học viên, một tuần học vẽ ba buổi tối, đến khi hoàn thành xong bức tranh cô giáo sẽ lấy toàn bộ tranh của mười một đứa ra, lần lượt nhận xét ưu khuyết điểm của tranh xếp từ trái qua phải, bức sau cùng bên trái chính là bức cô thấy đẹp nhất, còn bức ngoài cùng bên phải là bức ẹ nhất.

Hồi mới vô học tranh của Đàm Duệ Khang và Diêu Viễn dĩ nhiên xếp hạng bét, nhưng dần dà tranh của Diêu Viễn bắt đầu vươn lên về thứ hạng, trong khi mấy bức tranh hoang dại của Đàm Duệ Khang vẫn dậm chân tại chỗ thì Diêu Viễn đã chui vào top 3.

Buổi tối, hết giờ học, Diêu Viễn nhâm nhi trà sữa, nói, "Em thấy tranh của anh được mà! Chả hiểu hôm nay bà cô nói cái quái gì nữa! Hay là bả muốn lấy anh ra làm giáo trình tương phản!!"

Đàm Duệ Khang mới bị cả lớp cười một trận thúi mũi xong cũng phẫn nộ nói, "Anh cũng thấy tranh của anh đẹp mà! Em xem! Rất là có phong cách của họa sĩ lớn!"

Diêu Viễn vuốt đuôi, "Tranh của anh ẩn chứa sự hoang dại tiềm tàng giống như tranh của Cézanne, em thích lắm á, anh đừng có nhụt chí nhé."

Đàm Duệ Khang khiêm tốn đáp, "Không dám đâu, Tiểu Viễn, tranh màu nước của em mới gọi là đẹp, y như Van Goth."

Hai đứa lên xe quẹt thẻ, ra hàng chót ngồi, Diêu Viễn bảo, "Thôi được rồi, Van Goth lúc còn sống chỉ bán được có một bức, mà còn là anh của ổng mua nữa chứ."

Đàm Duệ Khang mỉm cười, "Nghệ thuật là vậy, khó gặp được tri âm. Sau này tranh của em anh sẽ thầu hết."

Kết thúc hai khóa học kéo dài bốn tháng, tuy chưa đạt đến cảnh giới gì thâm sâu, song Diêu Viễn thấy thế là đủ rồi, trời sinh nó tính năng động, nó cảm thấy mình không đủ khả năng ngồi trước giá vẽ cả ngày trời chỉ để vẽ tranh. Triệu Quốc Cương xem tranh của hai đứa nhỏ xong, ông nói thẳng thừng là sau này có thể dùng làm nguồn cảm hứng, nhưng đừng nghĩ đến chuyện thi đại học, ngoan ngoãn lo mà học các môn văn hóa đi, lớp 11 rất quan trọng, là mấu chốt của ba năm cấp ba, phải học hành nghiêm chỉnh.

Thu muộn năm nay, Diêu Viễn trải qua một ngày sinh nhật vui vẻ, ăn uống hát hò với một đám bạn chúc mừng tuổi mới, rồi nó và Đàm Duệ Khang về nhà sớm, nó biết Đàm Duệ Khang chắc chắn không bao giờ quên sinh nhật của nó.

"Em, quà của em đây, sinh nhật vui vẻ." Đàm Duệ Khang cười lấy một cuốn kí họa trong túi ra.

Diêu Viễn nghĩ thầm trong bụng cái trò đối diện tặng quà này thật sến như con hến, nhưng không rõ vì sao, nụ cười của Đàm Duệ Khang lại có tác dụng thần kỳ chuyển hóa sến súa thành yêu thương.

Diêu Viễn cố gắng trấn định, không để cho mình cười lộ quá, nó vuốt vuốt chóp mũi của mình, đáp, "Ừm, cám ơn anh."

Nó mở cuốn kí họa ra xem, người trên trang giấy là nó hồi bé, nét vẽ của Đàm Duệ Khang trước sau vẫn đứt gãy hoang dại, khuôn mặt Diêu Viễn ở những trang đầu không mấy rõ ràng.

Trong cuốn kí họa có con chó, sân nhà, cây cối, hoa lá, là mùa hè tụi nó đã từng vui chơi ở dưới quê.

Lần lượt từng trang một, ghi lại những ký ức đã phai nhạt, rồi đến khoảng thời gian Diêu Viễn lớn lên không có Đàm Duệ Khang, chỉ có thể tự mường tượng ra.

Song lật tới những trang về sau, bức vẽ Diêu Viễn tuổi mười lăm cực kỳ sống động, Đàm Duệ Khang còn vẽ thêm cảnh nền là sô pha và bể cá, đây là ngày đầu tiên anh đến nhà Diêu Viễn.

Bức vẽ mười sáu tuổi sử dụng kỹ thuật vẽ tranh lập thể, bối cảnh là con đường giờ tan lớp, lá cây bay bay giữa trời, Diêu Viễn lưng đeo cặp sách một mình đi trên con đường.

Bức vẽ mười bảy tuổi lấy bối cảnh trạm xe, sử dụng bút chì phác nên khung cảnh mờ ảo cũ kỹ, Diêu Viễn và Đàm Duệ Khang đang đứng đợi xe.

Bức cuối cùng là tranh màu, không biết Đàm Duệ Khang kiếm bút màu Diêu Viễn chơi hồi nhỏ ở đâu ra, anh tô màu thật tỉ mẩn cẩn thận, khuôn mặt nó được vẽ rất sống động.

Trong tranh Diêu Viễn một tay chống đầu, tai đeo headphone, ngồi ở bàn ăn làm bài tập, bên cạnh là chữ ký uốn lượn của Đàm Duệ Khang cùng với dòng chữ "Sinh nhật vui vẻ".

Diêu Viễn lại nhận được một món quà sinh nhật vô cùng có ý nghĩa, nó coi như báu vật, cẩn thận cất giữ, để chung với xấp báo cũ và hộp giấy.

Bước sang năm 2001, năm lớp 11 tương đối êm đềm cho đến nửa học kỳ sau mới xảy ra một bước ngoặt cuộc đời với Diêu Viễn - phân môn. Thành phố muốn mở rộng tuyển sinh thi đại học, tiến hành thí điểm cải cách giáo dục, bắt đầu bỏ việc chọn khối tự nhiên và xã hội, đổi sang phổ biến hình thức 3+1+X môn, tức là lấy điểm bài thi ba môn Toán Văn Anh, cộng thêm điểm bài thi một môn thí sinh tự chọn và điểm bài thi năng lực tổng hợp.

Điểm Toán, Văn Anh, điểm môn X, điểm môn tổng hợp.

Thời điểm xuân hè giao mùa luôn khiến người ta bứt rứt khó chịu, Diêu Viễn và Đàm Duệ Khang nhận phiếu về, Đàm Duệ Khang vốn giỏi môn tự nhiên, Hóa học và Vật lý hầu như lúc nào cũng điểm cao chót vót, Sinh học cũng ổn, chắc chắn là chọn một trong những môn đó rồi.

Diêu Viễn mới gọi là khổ sở, đối với nó tự nhiên hay xã hội cũng xêm xêm nhau, nếu không muốn nói là nó khá hơn về môn Lịch sử, Chính trị, nhưng Diêu Viễn tuyệt đối không muốn học môn xã hội, phải học những môn này nó cảm thấy khó chịu vô cùng.

Môn xã hội thì có gì không tốt chứ! Diêu Viễn rủa xả bản thân, nhưng nó không buông xuống được, dường như có cái gì nghẹn trong ngực.

Năm 2001 với nó là năm quan trọng nhất trong cuộc đời, vậy mà lại xảy ra đủ thứ chuyện. Đàm Duệ Khang hỏi, "Tiểu Viễn, em định chọn môn nào?"

Diêu Viễn cũng đau đầu hết sức, xét theo ưu thế thì nó nên chọn môn Chính trị, trong khối xã hội thì môn chính trị có tương lai nhất, có thể thi vào chuyên ngành pháp luật, tài chính, quản lý vân vân. Vấn đề ở chỗ nó vừa nhìn thấy Chính trị là chán, không muốn học tẹo nào.

Đàm Duệ Khang thì đã sớm chọn xong môn Vật lý, Diêu Viễn nghĩ ngợi một hồi, bảo, "Hay em cũng học Vật lý, Vật lý hoặc Hóa học gì đó."

"Quan trọng là con muốn học cái gì." Triệu Quốc Cương cũng tham gia giúp Diêu Viễn chọn môn, nói, "Tiếng Anh của con tốt, nếu thi vào đại học chuyên ngành Anh văn, ra trường rồi có thể xin vào công ty nước ngoài, hoặc làm thư ký văn phòng, chẳng phải bác Tạ đã hứa chừng nào con tốt nghiệp thì đi làm thư ký cho bác à?"

Diêu Viễn đáp, "Ờ."

Triệu Quốc Cương nhìn Diêu Viễn, Diêu Viễn nói, "Con cũng học Vật lý." Triệu Quốc Cương, "..."

Diêu Viễn nói thêm, "Con học với Đàm Duệ Khang."

Lần này đúng là Diêu Viễn dùng Đàm Duệ Khang làm bình phong, nó đã muốn học chung với Đàm Duệ Khang, Triệu Quốc Cương cũng đành phải bó tay, chiều theo nó.

"Ê nè! Trung Quốc được cho vô Tổ chức thương mại thế giới rồi đó bây!" Cả lớp bắt đầu rần rần với tin này, "Trung Quốc sắp vô WTO rồi!"

Diêu Viễn nghe mà phát khùng, môn tổng hợp với môn Chính trị vừa táng cho một cái đề luận vừa nhiều vừa nhức đầu muốn chết! Vô WTO thì liên quan khỉ gì đến nó chứ!

Một ngày tháng bảy nào đó, một buổi tối sau khi tan học, trên tivi vang lên tuyên bố của Samaranch - Bắc Kinh đăng cai tổ chức Olympic thành công.

Trong một khoảnh khắc dường như cả thành phố đều dậy sóng, lần đầu tiên Diêu Viễn thấy tình cảnh đó, khi ấy nó đang uống sữa nóng, đột nhiên giống như từ trong hẻm ra đến ngoài đường ai nấy đều hoan hô ầm ĩ.

"Sao thế, sao thế?" Diêu Viễn tưởng có chuyện gì tới rồi chứ, vội vàng phi ra phòng khách. "Đăng cai Olympic thành công rồi!" Đàm Duệ Khang cầm remote hưng phấn hét to, "Năm 2008 Trung Quốc sẽ tổ chức Thế vận hội Olympic!"

Diêu Viễn kêu trời, "Thôi tha cho em đi! Điểm tổng hợp thi thế nào đây!"

Y như rằng, đề thi cuối kỳ kiểu gì cũng có dính dáng đến Olympic, môn Văn thì dính Olympic phần bài đọc, môn Toán thì dính mảng ứng dụng, môn Lý thì tính về cơ học trong xây dựng công trình Olympic Center, Địa lý thì bàn về ưu điểm của Olympic Bắc Kinh, Chính trị thì phân tích về sức mạnh quốc gia của Trung Quốc... vậy đó, cả Lịch sử với Hóa học cũng nhào vào góp vui.

"Tổ chức thế vận hội thì có ảnh hưởng gì chứ?" Diêu Viễn cầm đề Chính trị hỏi, "Ba, đừng có gác chân lên bàn trà chứ."

Triệu Quốc Cương vừa bấm điều khiển vừa chỉ bài, "Giảm thuế xuất nhập khẩu, ngành công nghiệp tăng trưởng, Made in China, giá thành sản xuất giảm xuống, cơ hội kinh doanh làm giàu khắp mọi nơi, đồng Nhân dân tệ tăng tỷ giá, kinh tế toàn cầu hóa..."

Diêu Viễn hỏi, "Vậy là tốt à?"

Triệu Quốc Cương trầm ngâm một thoáng, rồi đáp, "Chuyện này đã được định sắn từ ngày Đặng Tiểu Bình cải cách mở cửa, thành lập đặc khu kinh tế rồi."

"Trong ngắn hạn con sẽ không nhìn thấy được những thay đổi, nhưng có thể trong vòng 8 đến 10 năm, ảnh hưởng sẽ từng bước hiện ra. Cuộc sống của các

con sẽ có những đổi thay dữ dội, thị trường nhà đất, thị trường chứng khoán, vật giá, dân sinh, giá trị đạo đức, quan điểm tiêu dùng. Những thứ này sẽ dần dần thay đổi, có thể trở nên tốt hơn, cũng có thể trở nên tệ hơn. Truyền thống Nho giáo của Trung Quốc sẽ nảy sinh xung đột với hệ thống kinh tế văn hóa toàn cầu, cũng giống như buổi đầu cải cách mở cửa vậy, nhà đất tăng giá ảo, bong bóng bất động sản, thị trường chứng khoán chỉ là một mớ bọt biển, lúc xảy ra khủng hoảng kinh tế Châu Á, những ai chạy không kịp thì sẽ mất cả chì lẫn chài."

"Quá trình phát triển của Thâm Quyến chính là hình ảnh thu nhỏ của quốc gia." Triệu Quốc Cương nói, "Không biết cơn sóng thị trường chứng khoán tiếp theo bao giờ sẽ ập tới, hẳn cũng nhanh thôi. Sau lần Soros gây ra khủng hoảng kinh tế tài chính Châu Á, giờ Hồng Kông vẫn chưa vực dậy hoàn toàn, hiện nay nhà nước đang chuẩn bị mở cửa tự do để giúp đỡ kinh tế Hồng Kông"

Đàm Duệ Khang không hiểu những dự đoán này sẽ dẫn đến điều gì, bèn hỏi, "Dượng, vậy đời sống có trở nên tốt hơn không?"

Triệu Quốc Cương trả lời, "Khó nói lắm, tùy thuộc vận mệnh thôi con. Qua vài năm nữa, cấp lãnh đạo nhà nước sẽ chuyển sang nhiệm kỳ mới, ai có thể nói trước tương lai sẽ như thế nào? Của cải vật chất tăng vọt là điều chắc chắn, song nếu đời sống tinh thần không kịp chuẩn bị để đón nhận, thì sẽ tạo nên bất ổn và rối ren đối với toàn bộ quốc gia. Giống như triều Tống, GDP chiếm 65% thế giới, nhưng phỏng có ích gì? Con còn nhớ đoạn mở đầu trong "Chuyện hai thành phố" của Charles Dickens không? Tiểu Viễn?"

Diêu Viễn đọc lào lào, "Đây là kỷ nguyên huy hoàng nhất, và cũng là kỷ nguyên tệ hại nhất; Đây là thời đại của thông thái, song cũng là thời đại của đốt nát; Đây là thời kỳ của niềm tin, nhwng cũng đầy hoài nghi..."

"Là mùa của ánh sáng, là mùa của tăm tối."

"Là mùa xuân tràn ng¾p hi vọng, là mùa đông chìm trong tuyệt vọng."

"Con ngwời có hết thảy mọi thú trên đời, ho¾c chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng."

"Chúng ta tiến thẳng lên thiên đàng, ho¾c trực chỉ xuống địa ngục."

"Em thuộc hết trơn hả!" Đàm Duệ Khang phục sát đất.

Diêu Viễn nói, "Hồi đó em thích đoạn này lắm, học thuộc cả bản tiếng Anh"

Triệu Quốc Cương vội nói, "Đi thi không được viết như vậy đâu, các con viết sao đọc cho xuôi là được."

Triệu Quốc Cương ký tên lên phiếu đăng ký của tụi nhỏ, Đàm Duệ Khang đem đi nộp, chuẩn bị thi cuối kỳ để phân lớp rồi. Thành tích của Diêu Viễn đã tiến vào top 30, còn Đàm Duệ Khang thì cứ luẩn quẩn đâu đó ở hạng 7 hạng 8.

Với thành tích này, vô đại học Thanh Hoa hay Bắc Kinh thì không có cửa, nhưng khoa chính quy của một đại học trọng điểm thì không thành vấn đề.

Hè năm ấy, sau khi thi cuối kỳ xong, giáo viên Anh văn gọi mấy người vào trong văn phòng.

"Dạ?" Diêu Viễn nói, "Em không đi được rồi, cô nhường cơ hội này cho những bạn khác đi ạ."

Giáo viên Anh văn sững sờ, "Em là cán sự Anh văn, em nói gì lạ vậy? Em là đại biểu cho trường mình đi dự thi, sao có thể không đi được?"

Diêu Viễn nghĩ đến cảnh cả mùa hè đã phải ôn tập bù đầu, thi thố càng thêm phiền, chưa kể nếu thi đậu còn phải tham dự trại hè Anh văn, mất cả tháng chứ ít ỏi gì, nó bèn kiếm cớ, "Môn Anh văn của Đàm Duệ Khang cũng tốt mà, sao cô không chọn ảnh? Ảnh đi thì em cũng đi, ảnh không đi thì hè này bọn em phải về thăm ông bà, không thi được đâu."

Lúc trước quả thực nó với Đàm Duệ Khang đã bàn với nhau, hè năm nay sẽ về quê thăm bà ngoại, mỗi mùa xuân sang con người lại già đi một tuổi, biết còn có thể gặp mặt nhau mấy lần chứ.

Cô giáo hỏi vặn, "Thăm ông bà khi nào mà không thể về thi chứ? Mà nhất định phải đi trong năm nay à?"

Diêu Viễn nói gọn lỏn, "Bà em năm nay tám mươi bảy tuổi rồi."

Cô giáo suýt nổi điên trước cái cớ quá ư hợp lý của Diêu Viễn, mặt cô đằng đằng sát khí, ném danh sách xuống bàn, "Không đi thì thôi, nhường chỗ cho bạn khác."

Diêu Viễn từ hồi cấp hai đã không sợ trời không sợ đất, mềm cứng gì cũng không ăn thua, chỉ tao nhã quý phái phun ra một chữ, "Dạ."

Giáo viên, "..."

Diêu Viễn lễ phép chào cô, quay về lớp dọn cặp vở, rồi đi chơi bóng rổ, đợi Đàm Duệ Khang hết giờ về nhà.

"Tiểu Viễn!" Đàm Duệ Khang bước vào sân bóng rổ, Diêu Viễn mồ hôi đầm đìa đáp lời, "Gì thế?"

"Sao em không đi thi Anh văn!?" Đàm Duệ Khang hỏi, "Được cộng điểm thi đại học đó!"

Diêu Viễn nói, "Thi xong top 3 còn phải tham dự trại hè, đâu có rảnh."

Diêu Viễn mua nước ngọt ở quầy hàng, Đàm Duệ Khang đi tò tò phía sau nói, "Cô bị em chọc tức chết rồi."

Diêu Viễn đưa một lon Tỉnh Mục cho Đàm Duệ Khang, ra khỏi cửa trường mới nói, "Bả kêu anh đi à?"

Đàm Duệ Khang giật nắp lon ra, "Cô kêu anh đi khuyên em, phiếu ở chỗ anh đây này. Hai đứa mình ít nhất phải có một đứa đi."

Diêu Viễn nói ngang, "Vậy anh đi đi." Đàm Duệ Khang nói, "Được, vậy anh đi."

Diêu Viễn sa sầm mặt, lẫy luôn Đàm Duệ Khang, hai đứa đi dọc theo con đường nhỏ ngoài cổng trường, Đàm Duệ Khang hỏi, "Sao em không chịu đi?"

Mặt Diêu Viễn hằm hằm nhìn Đàm Duệ Khang, bỗng nhiên mặt anh giãn ra, cười bảo, "Em muốn nghỉ hè chung với anh hả?"

"Ai nói là muốn nghỉ hè với anh!" Diêu Viễn đến chịu thua cái ông này, nói, "Em muốn về thăm bà! Thi thố rồi tập trung cho trại hè đi tong hết ba tháng rồi, làm gì còn thời gian về thăm?"

Đàm Duệ Khang thuyết phục, "Đi thi là việc quan trọng, bà cả nhất định ủng hộ em đi mà."

Diêu Viễn vùng vằng, "Không đi, em nói không đi là không đi."

Diêu Viễn vắt cái quai cặp trước trán đi trước, Đàm Duệ Khang bước theo sau, hai gã thiếu niên non choẹt đi qua ánh hoàng hôn mùa hạ, Đàm Duệ Khang nói, "Hay vầy đi, Tiểu Viễn, ngày 25 tháng 8 anh ở Trường Sa đợi em, đón em về? Tụi mình ở nhà bà sáu ngày, rồi cùng quay về trường."

Diêu Viễn đứng ở trạm xe bus nhìn Đàm Duệ Khang, Đàm Duệ Khang phán, "Quyết định vậy nhé."

"Bộ anh quyết là được hả!?" Diêu Viễn xù lông nhím, "Đừng có quyết định vớ vẩn thay em, không đi là không đi! Anh muốn đi thì tự mà đi!"

Đàm Duệ Khang cũng chẳng nổi nóng, anh chỉ cười, hai đứa đứng đối mặt nhìn nhau.

"Anh nói quyết là quyết." Đàm Duệ Khang bảo.

Giọng nói của Đàm Duệ Khang biến đổi là lạ, trở nên trầm khàn truyền cảm và thoảng nhạt một cảm giác chân thật đáng tin cậy, nước da anh ngăm đen, hàng ria mép lún phún trên môi, anh cao hơn Diêu Viễn nửa cái đầu, anh quàng tay qua vai nó, hai người đứng sóng vai bên trạm đợi xe bus.

Cũng trong ngày hôm đó, giáo viên Anh văn gọi điện tới, báo là đã xin thêm được một suất dự thi một cách diệu kỳ.

Đàm Duệ Khang sửng sốt, Diêu Viễn ngồi vô bàn làm bài tập, nói tỉnh khô, "Ba em quen người bên Bộ giáo dục, bà ấy muốn một suất dự thi nữa dễ ẹc, anh hiểu chửa?"

Một lần nữa Đàm Duệ Khang lại được chứng kiến trò mánh mung của Diêu Viễn, hôm sau hai đứa đi photocopy phiếu dự thi, rồi cùng đăng ký thi Anh văn. Diêu Viễn cứ đinh ninh thể nào Đàm Duệ Khang cũng kiếm được một thứ hạng

ngon nghẻ, ai mà ngờ sau một kỳ hè học hành, Đàm Duệ Khang chẳng chui nổi vào top 30 toàn thành phố.

"Sao lại như vậy?" Diêu Viễn nhận điện thoại của cô giáo xong, nói, "Tiếng Anh của anh cũng tốt mà!"

Đàm Duệ Khang cười cười xin lỗi, bảo, "Anh không giỏi vậy đâu, toàn học gạo. Chỉ biết giải đề không phải như em thường xuyên đọc sách văn học tiếng Anh, thi rồi mới nhận ra chính xác trình độ của mình."

Ba vị trí đầu trước khi có thông báo khen thưởng phải tham gia diễn đàn Anh văn thanh thiếu niên Tam Á, rồi phải đến Hải Nam sắn làm một cuộc tập huấn tiếng Anh hai mươi ngày. Lúc biết Đàm Duệ Khang không được hạng nào, Diêu Viễn đơ toàn tập.

Vậy nghĩa là chỉ có mình nó đi trại hè?

Đây là lần đầu tiên trong đời Diêu Viễn nó phải rời xa gia đình tham gia cuộc sống tập thể, không có ba nó, không có Đàm Duệ Khang... khoan, từ hồi nào mà Đàm Duệ Khang trở nên quan trọng dữ vậy nè?

"Em không đi." Diêu Viễn lại giở chứng nói vô điện thoại, "Em muốn về quê."

"Đừng có đùa!" Đàm Duệ Khang lập tức giật ngay cái điện thoại, nói với cô dạy Anh văn, "Diêu Viễn sẽ đi, cô giúp em nó báo danh giùm ạ."

"Anh mới đừng có đùa ấy!" Diêu Viễn gào toáng lên, giành lại điện thoại.

"Làm sao không đi cho được!" Đàm Duệ Khang lại giật điện thoại, nói, "Đi! Nhất định đi! Cảm ơn cô! Chào cô ạ!" Xong gác máy cấp tốc.

Diêu Viễn rốt cuộc cũng nói ra lời chân thật từ đáy lòng, "Anh đi chết đi! Anh không đi lấy ai giặt đồ cho em!"

Đàm Duệ Khang, "..."

Diêu Viễn, "..."

Bài hát của Stefania Sun trôi ra từ dàn loa, cô ca sĩ này vừa vào nghề đã nổi như cồn, âm thanh trầm nhẹ quanh quẩn phòng khách.

"Ngày tôi còn bé, tôi hay nghịch ngợm qu¾y phá, bà tôi thwờng hát cho tôi nghe, dỗ dành tôi..."

Diêu Viễn sực nhớ ra mùa hè năm ấy ở nhà ông bà, hôm ấy trời kéo đầy mây, đúng là bà đã hát bài gì đó, nghe như dân ca Hồ Nam, ông ngoại mắc chứng phong thấp, những ngày mưa tính tình rất khó chịu, vác gậy đánh Đàm Duệ Khang.

Lâu lâu Đàm Duệ Khang lại ngồi chồm hổm dưới mái hiên như con khỉ nhỏ, ôm bé con Diêu Viễn nhìn nước mưa đan dài từ mái hiên xuống, nhỏ tí ta tí tách.

"Chà như thế này này." Đàm Duệ Khang cầm bàn chải, hai đứa chen chúc trong phòng tắm, anh chỉ Diêu Viễn cách giặt đồ, nói, "Em chà mấy lần là sạch. Nè, em đang nghĩ gì vậy?"

"Ờ!" Diêu Viễn vờ như không có gì.

Tiếng đàn piano thánh thót như nước chảy từ phòng khách băng qua cánh cửa, đưa Diêu Viễn trôi ngược dòng hồi ức.

"Anh à." Diêu Viễn gọi. Đàm Duệ Khang, "?"

Diêu Viễn nhìn gương mặt Đàm Duệ Khang phản chiếu qua tấm gương treo trên bồn rửa mặt, hỏi, "Lúc em ở nhà ông bà, anh có biết tin mẹ em bệnh nặng không?"

Đàm Duệ Khang đáp, "Ài, chuyện cũ qua lâu rồi, sao em còn nhớ kỹ thế." Diêu Viễn cười cười nói, "Hồi đó anh cũng biết mà phải không."

Đàm Duệ Khang gật đầu, mặt hơi thẹn, quả thực anh có biết nhờ nghe ba anh và ông ngoại nói chuyện với nhau, anh cũng không dám hé cho Diêu Viễn biết, khi ấy bọn họ đều còn nhỏ. Anh chỉ đơn giản là thấy Diêu Viễn rất tội nghiệp, lúc nào anh cũng muốn ôm nó vào lòng, truyền cho nó một chút sức mạnh.

Lúc nhỏ Diêu Viễn không hiểu chuyện gì, cho đến tận bây giờ, những gì liên quan đến ba nó, nó đều không biết.

Đàm Duệ Khang nhìn ánh mắt của Diêu Viễn mang theo cảm xúc khó nói thành lời, anh nghĩ ngợi một lúc rồi bảo, "Em biết ở Bác Ngao có nhà trọ nào không? Hay để anh đi với em? Mình ở nhà trọ, anh giặt giũ quần áo cho em?"

Mặt Diêu Viễn đỏ phừng phừng, đùng đùng nói, "Anh muốn em mất mặt với giáo viên nước ngoài à!"

Đàm Duệ Khang phá ra cười ha ha, Triệu Quốc Cương vừa về nhìn thoáng là biết chuyện gì đã xảy ra, hỏi, "Tiểu Viễn đậu còn Đàm Duệ Khang không à?"

Đàm Duệ Khang lau khô tay đi ra, tiếc nuối nói, "Dạ không ạ."

Triệu Quốc Cương hạ quyết định cái một, "Để nó tự lo, không giặt đồ thì cứ mặc đồ dơ. Duệ Khang không đi cũng không sao, ở nhà lo học cái bằng lái xe."

Lần đầu tiên trong đời Diêu Viễn xa gia đình, cả nhà đều lo lắng, ngay cả Triệu Quốc Cương tuy không nói ra, nhưng ông cũng thấy lo lo, Đàm Duệ Khang thì lo chuẩn bị đồ đạc cho Diêu Viễn, đồ ăn đồ uống, thuốc cảm, thuốc tiêu chảy, dầu Vạn Kim... chuẩn bị đủ hết.

Triệu Quốc Cương thì dặn dò tới lui, hôm sau hai người họ chở Diêu Viễn đến cổng trường Nhất Trung, Đàm Duệ Khang xách túi đi theo Diêu Viễn vào trong.

Đứa nào đứa nấy đều là con một, phụ huynh đứng đặc kín cổng trường còn đông hơn cả học sinh, các bậc cha mẹ trao đổi kinh nghiệm dạy con, Triệu Quốc Cương thì trao đổi với giáo viên Anh văn của Diêu Viễn, Đàm Duệ Khang ngồi trên bậc thang nhìn Diêu Viễn nghịch phần thưởng của nó, máy chơi game Psone mới mua từ Hồng Kông về.

Diêu Viễn trông đã rất nổi bật rồi, đồ đạc của nó cũng ngầu, trong cả dàn đi trại hè nó là đứa đẹp trai nhất, máy chơi game oách nhất, di động xịn nhất, bên cạnh còn kè kè ông anh họ mang kính mát trông như người mẫu, đúng thật là tâm điểm của trường, hào quang chói lòa.

Tuy Diêu Viễn chẳng còn tha thiết lắm đến mấy chuyện này, nhưng nổi được thì cứ cho nổi đi, có cơ hội không nên bỏ lỡ.

Đám học sinh lục tục lên xe buýt chở ra sân bay, Đàm Duệ Khang xếp hành lý ổn thỏa cho Diêu Viễn, đứng ngoài cửa sổ xe vẫy tay với nó.

Diêu Viễn nói lớn, "Ba! Con đi nha!"

Triệu Quốc Cương đang chuyện trò dang dở với cô giáo khoát tay với nó, ý bảo đi đi.

Chỉ một tiếng gọi, đã có không ít ánh mắt của học sinh bị Triệu Quốc Cương hấp dẫn nhìn qua, thế là lại càng thêm oách.

Xe buýt khởi hành, di động trong túi rung lên, có tin nhắn của Đàm Duệ Khang. [Em trai, đi chơi vui nhé, em là niềm tự hào của anh.]

Khóe miệng Diêu Viễn khe khẽ nhích lên, cất di động đi, tiếp tục chơi PSP.

Đến Bác Ngao, đám học sinh lại đổi xe đi Tam Á, nơi tràn ngập nắng vàng, cát trắng, biển xanh, cả trại tập luyện đều dùng tiếng Anh để giao tiếp. Trình độ Anh văn của Diêu Viễn không phải dạng vừa, từ lâu Triệu Quốc Cương đã biết tầm quan trọng của ngoại ngữ, muốn dốc lòng bồi dưỡng cho con trai, siết chặt việc học Anh văn, hồi nó tám tuổi đã được nghe 900 câu Anh ngữ.

Lúc mười hai tuổi Diêu Viễn đã tự học hết bốn cuốn New Concept, cộng thêm một bộ Travel America, ngoài ra Triệu Quốc Cương còn mua nguyên tác của Shakespeare và cuốn "Chuyện hai thành phố" bản Anh về cho nó đọc, từ hồi lên lớp chín nó bắt đầu chây lười, lên cấp ba cũng không chăm chỉ gì cho cam, thế nhưng khả năng phát âm chuẩn giọng người Anh cũng đủ khiến giáo viên nước ngoài đi theo đoàn nhìn nó bằng ánh mắt khác biệt.

Trại hè khép kín hóa ra không kinh dị như nó nghĩ, ngày nào giáo viên nước ngoài cũng dắt ra quán cà phê ở Tam Á học, nhâm nhi một ly cà phê, sử dụng phương pháp học theo kiểu bàn tròn thảo luận để giao lưu trao đổi, buổi chiều các học sinh còn được cho đi bơi.

Diêu Viễn vui chơi thỏa thuê hết chỗ này đến chỗ khác, bụng thầm nghĩ sau này sẽ dẫn Đàm Duệ Khang đến biển Đông và vịnh Á Long đi lặn.

Hướng dẫn viên dắt cả bọn đến một quán KFC mới khai trương ở bến cảng, mua dừa xanh và dưa hấu cho bọn nó, dưa hấu chỉ có ba tệ một quả, đủ ăn thay cơm.

Cái đau đầu duy nhất là quần áo, bị nước dưa hấu bắn tùm lum không cách chi giặt sạch được, đành phải nhét vô balo đợi về nhà xử lý sau.

Diêu Viễn nhắn cho Đàm Duệ Khang mấy tin, hầu hết đều bảo nó khoẻ lắm, còn Đàm Duệ Khang đang học lấy bằng lái, anh đã đủ mười tám tuổi, chừng nào Triệu Quốc Cương bận có thể đảm nhiệm chức tài xế cho Diêu Viễn.

Đến ngày thứ tám ở Tam Á, Diêu Viễn bị đám bạn mới quen ném xuống biển, di động nhét trong túi quần bị vô nước, không khởi động được, chẳng biết đã ngỏm luôn hay chưa.

Diêu Viễn lúc ấy suýt lên cơn chửi cho một tăng, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì mọi người đang đùa vui vẻ, di động có hư đám bạn cũng đền không nổi, mà cũng chẳng kiếm được người để bắt đền, đành đợi chừng nào về sửa sau vậy.

Trại hè ngày thứ mười một, cũng sắp đến lúc về nhà rồi, đồ của Diêu Viễn cái nào cũng nhăn đùm, nó mới biết khách sạn có dịch vụ giặt ủi, đang kêu rên như bọng thì bỗng có người gọi, "Triệu Diêu Viễn, có người kiếm em kìa."

Diêu Viễn ngớ ra, ai lại đến tận đây tìm nhỉ?

Nó thay cái quần đi biển và áo hoa hòe hoa sói mới mua vào, đi xuống lầu, thì thấy Đàm Duệ Khang mồ hôi nhễ nhại, lưng đeo balo đứng đó.

"Sao anh chạy tới đây kiếm em vậy?" Diêu Viễn mừng rỡ hỏi. Vẻ mặt Đàm Duệ Khang rất xấu, trông vô cùng mệt mỏi, anh nói, "Tiểu Viễn, sao em tắt di động thể? Dượng bảo anh đến đây đón em."

Diêu Viễn hỏi, "Có chuyện gì vậy?" Đàm Duệ Khang đáp, "Bà cả mất rồi."
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.