Một Đời Vấn Vương

Chương 30: "Đợi Anh"





Anh bỗng dừng lại, dịu dàng hôn lên trán tôi:

"Có một chuyện hôm nay anh nhất định phải nói rõ."

Tôi ngước mắt, khóe môi đã đông cứng. Tịch Đông kiên định:

"Không một ai có thể ngăn cản anh yêu em, dù em có chấp nhận hay không anh vẫn sẽ yêu em."

Dung mạo người con trai tuấn tú trước mặt tôi dần mờ nước, sống mũi cay sè. Tôi mím chặt môi, không để bật ra thành tiếng khóc.

Tịch Đông thở dài, ngón tay ve vuốt chiếc má tôi:

"Anh biết mấy ngày qua em đi sớm về muộn là vì muốn trốn tránh anh. Phù Vân, sau này em đừng làm thế nữa."

Tịch Đông cong môi hiện lên nụ cười mờ nhạt:

"Tình cảm là của anh, trái tim là của anh. Em có thể không đáp lại, nhưng không được quyền bắt ép người khác ngừng yêu em."

Tận cùng vực thẳm là gì, bóng tối bên trong chiếc lồng giam đáng sợ bao nhiêu? Có bằng nỗi đau cắt da xé thịt khi yêu mà không thể giữ?

Tôi rũ mắt, lệ lấp lánh rơi, cơ thể như hóa đá lắng nghe từng bước chân anh mỗi lúc càng xa dần.

Cho tới khi âm thanh cài chốt cửa vang lên một tiếng "tách", tâm trí đóng băng mới kịp hồi tỉnh.

Tôi xông ra bậc thềm:

"Tịch Đông."

Anh khựng lại, chậm rãi ngoảnh đầu quyến luyến nhìn tôi.

Tại nơi sâu thẳm nhất cõi lòng, tôi nghe thấy giọng nói của nội tâm mình thúc giục: "Hãy giữ anh ở lại, chạy đến và ôm chặt anh đi, đừng để sau này trở thành điều tiếc nuối."

Thềm nhà có bao nhiêu bậc, tất cả đều nhòe nhoẹt trong mắt tôi, răng lưỡi cứ dính chặt vào nhau, thật khó để mở lời.

Lý trí tôi liền lên tiếng nhắc nhở: "Đừng nghe theo sự ích kỷ của bản thân, hãy để Tịch Đông rời khỏi, hai người mãi mãi chỉ có thể làm hai đường thẳng song song."

Một gói quà bị trả lại, một vết sẹo lớn trên bả vai, những ánh nhìn lạnh nhạt giữa đám đông trong bãi cắm trại, và từng cử chỉ dịu dàng của anh bao ngày qua. Chúng như vô số mảnh vụn lần lượt tái hiện ngay trước mắt đan xen và hỗn loạn, cũng chẳng được tô màu.

Đèn ô tô chiếu xuyên qua giàn hoa hồng nhung rũ nhánh trước cổng, tiếng động cơ xe dừng hẳn. Tịch Đông mỉm cười:

"Taxi tới rồi, anh đi đây."

Anh dặn dò:

"Trời đã trở lạnh, em nên mau chóng vào nhà, phải nhớ mặc thêm áo."

Nói xong anh quay lưng lại, tiến dần đến cửa xe. Từng sợi cơ trong tim tôi siết chặt, nó đang cố vắt kiệt những giọt máu cuối cùng, giọng đã run run:

"Tịch Đông, nếu cần giúp đỡ, hãy gọi cho em."

Dường như anh không nghe thấy, lạnh lùng ngồi vào trong xe.

Tôi tự chất vấn mình: "có chắc đây là tất cả những gì bản thân muốn nói?" Nhưng hơn ai hết tôi biết rõ nếu cố chấp giành lấy, nhất định sau này Tịch Đông sẽ hận tôi đến thấu xương.

Khi cánh cửa đóng sập, có sự mất mát nào đó vô cùng to lớn ập tới quấn lấy tâm trí tôi. Vừa sợ hãi, vừa lưu luyến, linh cảm cho tôi biết lần này từ biệt sẽ chẳng còn cơ hội trùng phùng.

Xe đã lăn bánh, tiếng động cơ mất hút sau màn sương tĩnh mịch, tôi vẫn đứng lặng lẽ trên thềm nghe từng âm thanh đổ vỡ ở đáy lòng, nhìn theo chiếc bóng trắng loang loáng tít xa, một lúc sau mới bần thần đến ngồi trên chiếc xích đu đặt trước sân.

Chẳng nhớ bản thân đã ngồi ở đấy bao lâu, khi cảm giác mỏi mệt muốn về phòng thì trời cũng đã hừng sáng.

Anh đi rồi, ánh đèn bên trong nhà đặc biệt hắt hiu, mọi thứ trở lại với dáng vẻ quạnh quẽ như trước kia.

Có lẽ Tịch Đông đã hiện diện trong ngôi nhà này quá lâu, nên khi anh rời khỏi mới khiến tôi có cảm giác thiếu vắng.

Để bản thân không chết đuối trong dòng thác nhớ mong, tôi bất kể đêm ngày lao đầu vào công việc, tích cực tăng ca, dùng toàn bộ quỹ thời gian cho những con số trên bản kế hoạch.

Giang Niệm lo sốt vó khi thấy tôi ôm đồm quá nhiều việc, cô ấy liên tục gặn hỏi, nhưng lần nào tôi cũng chỉ trả lời một cách qua loa, không đầu không cuối.

Một chiều, tôi ghé qua cửa hàng tiện lợi gần nhà mua ít đồ.

Cô bé Mỹ An niềm nở chào vị khách mới vào, rồi nhìn xa nhìn gần sau lưng tôi, ánh mắt đầy ý tò mò.

Mỹ An đến huých nhẹ vào người tôi, lúng liếng hỏi:

"Anh chàng đẹp trai mọi khi đi cùng chị đâu rồi?"

Tôi giả vờ không hiểu:

"Ai cơ?"

"Là anh chàng lần trước ghé qua mua keo dán cá nhân cho chị đấy."

Tôi vờ như sực nhớ:

"Ý em là Tịch Đông?"

Mỹ An mở to đôi mắt bồ câu, gật đầu lia lịa:

"Đúng rồi."

Cô ấy ngó nghiêng ra cửa, chắp tay sau lưng hệt một chú chim Vàng Anh xinh xắn:

"Sao hôm nay người đó không cùng đến?"

Tôi phì cười trước sự dễ thương của Mỹ An, khẽ lắc đầu. Lấy vài lon nước cho vào giỏ hàng, tất cả đều là nước khoáng.

"Em hỏi anh ấy làm gì? Để ý người ta rồi ư?"

Bị tôi trêu Mỹ An liền bĩu môi, đôi má phụng phịu tròn như quả đào:

"Hoa đã có chủ em nào phải loại người thích đập chậu cướp hoa chứ, huống hồ còn là hoa của chị."

Tôi cười xòa:

"Ôi trời, của chị cái gì chứ?"

Mỹ An rất ngạc nhiên:

"Anh ấy không phải bạn trai chị?"

Tôi chỉ mỉm cười nhạt nhòa và lắc đầu.

"Hai người đang giận nhau sao?"

Mỹ An gặn hỏi, thấy tôi im lặng cô ấy không cố vặn vẹo, tiếp tục nói:

"Em nhớ có lần anh ấy đến cửa hàng vào lúc trời đang mưa lất phất, bộ dạng hơi gấp gáp, đứng rất lâu ở kệ băng vệ sinh."

Tôi khựng lại, mắt vẫn chăm chăm nhìn vật trong tay mình, bảng thành phần dinh dưỡng trên hộp thực phẩm không dài, nhưng đọc mãi cũng chẳng xong một chữ.

Nhớ lại, ngày Mỹ An vừa nhắc tới là hôm tôi bị hành kinh đau bụng sống chết, Tịch Đông chẳng hề e ngại luôn bên cạnh chăm sóc chu đáo.

"Đàn ông vào đây mua băng vệ sinh cho bạn gái em đã gặp nhiều rồi, kẻ nào kẻ nấy gấp gáp như bị ma rượt, có khi còn mang cả khẩu trang, trùm đầu kín mít sợ người khác tò mò, chế nhạo, chỉ chọn bừa loại nào đó trên kệ rồi mau mau tính tiền."

Mỹ An đi vòng ra sau tôi, dựa lưng lên thùng hàng rỗng, hai tay khoanh trước ngực, giọng nói bỗng dưng vui vẻ hẳn:

"Nhưng anh ấy lại chủ động hỏi em nên dùng loại băng vệ sinh nào thì tốt nhất, thoải mái nhất. Phụ nữ trong những ngày này nên ăn gì, uống gì? Kiên nhẫn lắng nghe em tư vấn, chẳng hề quan tâm đến ánh mắt của những người xung quanh."

Tôi bùi ngùi, ngón tay vô thức tì miết hộp thực phẩm.

Hôm đó tôi thắc mắc vì sao Tịch Đông lại giỏi chăm sóc phụ nữ trong ngày đèn đỏ, hóa ra là anh gạt bỏ chút sĩ diện của mình để hỏi Mỹ An, chứ không phải tìm kiếm trên mạng như anh nói.

Cô ấy đến ghé vào tai tôi:

"Chị Phù Vân, đàn ông tâm lý như vậy biết đi đâu tìm? Nếu là em, em sẽ bám chặt anh ấy, giành lấy cho riêng mình."

Mỹ An lém lỉnh nheo mắt với tôi, rồi bước nhanh đến quầy thanh toán:

"Em đi làm việc đây."

Trở về nhà, lúc đi ngang qua phòng Tịch Đông, tôi chợt dừng chân.

Bên trong không có ánh đèn, vầng nguyệt nhập nhoạng chiếu luồn sáng trắng xuyên qua tấm rèm voan, mọi thứ được trả lại như ban đầu, trống rỗng và lạnh lẽo.

Khi Tịch Đông còn ở đây, chỉ cần tôi vẫn thức ánh đèn căn phòng này sẽ không bao giờ tắt. Khép cửa lại, tôi muốn nhốt toàn bộ những nỗi bận tâm đeo đẳng vào chỗ này.

Mang thực phẩm vừa mua xuống nhà bếp, tôi bất ngờ nhìn thấy trên bàn bày dọn rất nhiều món ăn. Bên cạnh có một tờ giấy ghi chú, nét chữ là của Tịch Đông: "Dạ dày em không tốt, nhớ đừng bỏ bữa, anh sẽ rất lo."

Tôi rưng rưng siết chặt lời nhắn nhủ, chạy loạn khắp nhà tìm anh, nhưng cả dấu chân cũng chẳng nhìn thấy. Vậy mà tôi cứ ngỡ anh đã quay về.

Kể từ hôm ấy cho đến những ngày sau chúng tôi gần như không liên lạc với nhau.

Trong lúc dọn dẹp nhà, tôi phát hiện mình vẫn còn giữ chiếc nhẫn của Tịch Đông, bèn điện thoại bảo anh đến lấy. Nhưng dù chuông có đổ bao nhiêu hồi, cũng chẳng có ai bắt máy.

Tôi lập tức gọi cho Thời Mộng, cô ấy hết sức ngạc nhiên khi nghe tôi hỏi địa chỉ mới của anh:

"Không phải Tịch Đông vẫn đang ở nhà cậu ư?"

Tôi hơi hốt hoảng:

"Anh ấy đã chuyển đến chỗ thuê mới được mấy hôm rồi."

"Không thể nào."

Thời Mộng nhấn mạnh:

"Chủ căn nhà đó đột nhiên đổi ý vì có người trả giá cao hơn, tớ không chấp nhận mức giá mới khá đắt đỏ mà ông ta đưa ra, nên đã từ chối thuê từ lâu rồi."

Tôi sững sờ:

"Vậy Tịch Đông đi đâu?"

"Làm sao tớ biết được."

Nghe thái độ trong giọng nói, có lẽ Thời Mộng thật sự không gạt tôi. Lần này gọi vào số di động của Tịch Đông đường truyền thông báo không có tín hiệu.

Tôi bắt đầu lo lắng, chạy khắp nơi tìm, cả quán ăn anh đang làm việc cũng ghé qua, ông chủ cho hay thời gian trước Tịch Đông đã xin nghỉ hẳn.

Một lần nữa hi vọng le lói bị nhấn chìm xuống đáy bùn, tôi như ngồi trên đống lửa, đêm ngày chẳng yên.

Tôi thật sự nhớ anh rồi, rất rất nhớ anh.

Đêm xuống, tôi thẫn thờ như kẻ mất hồn ngồi cuộn tròn dưới chân sô pha, mung lung nhìn nhánh hoa đong đưa bên sông cửa sổ, trong lòng ôm chặt búp bê thạch cao nữ, món quà bị anh trả lại.

Tại vị trí này, anh từng ngồi rất gần, vỗ về tâm trạng tôi đang lúc buồn bã, bế tắc, cho tôi sự tin tưởng tuyệt đối.

Nếu Trịnh Yên Chi không mềm lòng nói ra, có lẽ mãi mãi tôi cũng không biết được anh đã âm thầm bảo vệ và che chở.

Trong ngôi nhà này, từng ngõ ngách, từng lối đi, tất cả mọi thứ đều lưu giữ bóng hình anh, làm sao tôi có thể quên một cách dễ dàng.

"Tịch Đông, anh đang ở đâu?" Xung quanh vắng lặng như tờ, chỉ có tiếng gió lạnh lẽo đáp lại, làm tê liệt trái tim mềm yếu.

Thành phố A nhỏ bé là thế, sao cả sợi tóc cũng chẳng tìm ra. Tôi buộc phải thừa nhận dòng suy nghĩ bi đát nhất trong đầu: "Có lẽ anh đã gặp lại người nhà, không biết chừng Tịch Đông giờ này đang đứng dưới bầu trời nước Mỹ."

Giữa màn đêm, đôi vai tôi run lên bần bật.

Búp bê thạch cao nữ rơi xuống sàn, tôi uể oải nhoài người nhặt lấy. Vô tình nghe được bên trong như có vật gì đó đang phát ra âm thanh.

Câu chuyện Thẩm Dịch và Mặc Liên Hoa đột nhiên chớp nhoáng qua trí nhớ, tôi hoài nghi nhìn chằm chằm vào con búp bê.

Dẫu biết là hoang đường nhưng bản thân vẫn không ngừng hi vọng, hi vọng anh cũng như nam sinh Thẩm Dịch, cho tôi một câu trả lời thật rõ ràng.

Tôi quan sát khắp nơi, cuối cùng tìm thấy dưới chân búp bê có một mảng thạch cao đã nứt theo hình tròn, không giống như rơi vỡ, mà giống bị đục khoét hơn.

Cẩn thận cạy mảng thạch cao đó ra, quả thật bên trong còn có khoảng trống, không lớn. Từ đó rơi xuống một tờ giấy được gấp lại tỉ mỉ, đã ngả màu trông hơi cũ kĩ.

Tôi nín thở mở từng nếp gấp, xuất hiện nét bút uyển chuyển dứt khoát. Nhận ra là chữ của Tịch Đông thời còn đi học, tim tôi đánh thình thịch, nước mắt đầm đìa: "Đợi anh"
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.