Mạn Thiên Hoa Vũ - Thường Yên

Chương 65: "Địch" vây bốn bề



Tôi còn chưa kịp chạy tới bám lấy tay áo Trần Thuyên mà kêu oan thì anh đã hừ một tiếng, không nhanh không chậm ngồi xuống chõng tre.

Hai tay nắm hờ đặt trên đầu gối, Trần Thuyên im lặng nhìn tôi chốc lát rồi lên tiếng: "Nếu đã diễn thì phải diễn cho trót, đến một giọt nước mắt cũng không có."

Tôi lập tức vứt vẻ mặt mếu máo của mình ra xa ngàn dặm, bĩu môi tỏ vẻ không phục: "Có gì mà phải khóc ạ?"

Trần Thuyên chẳng thèm chấp thái độ của tôi, khẽ quét mắt xuống dưới vò rượu đã vơi đi non nửa, tỏ ra không hài lòng.

Tôi kêu to: "Đông Ly!"

Đáp lại tôi chỉ là tiếng gió thổi lá rơi, Đông Ly hoàn toàn không xuất hiện. Tôi thở dài một cái, đoán chừng con bé lại chạy ra ngoài gặp Thành An rồi.

Tư tưởng trọng sắc khinh bạn đã có từ xưa, không thể chối bỏ.

"Chàng chờ em một lát." Nói rồi tôi chạy nhanh vào trong, tìm mãi mới thấy hai vò rượu Đông Ly đặt ở góc phòng rồi quay trở ra.

Tôi khựng lại ở bậc cửa, ngẩn người nhìn Trần Thuyên đang đăm chiêu suy nghĩ điều gì đó.

Có cơn gió nhẹ nhàng vờn qua, dải lụa thắt trên búi tóc anh khẽ khàng bay theo. Ánh trăng như rót mật xuống tán cây, gương mặt Trần Thuyên nửa ẩn trong bóng tối, nửa còn lại mờ ảo trong ánh đèn.

Không biết đã qua bao lâu, tôi định thần lại, vội vã chạy về phía anh.

Trần Thuyên nhanh nhẹn đón lấy vò rượu từ tay tôi, thở dài nhắc nhở: "Nàng cứ từ từ, cẩn thận kẻo ngã."

Tôi đổ bát rượu uống dở của Trần Quốc Chẩn xuống gốc gây rồi đặt sang một bên, cười hì hì giải thích: "Em xin thề, tất cả chỗ rượu này là em chuẩn bị riêng cho chàng! Huệ Vũ vương vô duyên xuất hiện, tự mình rót rượu, em chưa được ngụm nào đâu!"

Trần Thuyên chăm chú nhìn tôi: "Vậy tất cả là lỗi của Huệ Vũ rồi."

"Rõ ràng!" Tôi gật đầu khẳng định.

Anh phì cười, bảo: "Được rồi, Huệ Vũ đến gặp nàng cũng là do ta dặn dò. Chỉ không ngờ cậu ta lại chọn đúng hôm nay."

Tôi há hốc miệng: "Ơ... có chuyện gì mà Huệ Vũ vương phải cất công đến Đoàn phủ thế ạ?"

Trần Thuyên nhún vai: "Đợi sau này gặp Huệ Vũ thì nàng sẽ biết."

Được rồi, hoàng đế đã nói vậy thì tôi phải chấp nhận chờ đợi rồi.

Anh thay tôi rót rượu ra bát, đổi chủ đề: "Duyên cớ nào lại có ngày hôm nay?"

Tôi gãi gãi tai, ngại ngùng đáp lời: "Lâu lắm rồi em chưa có một bữa nhậu ra trò với chàng nên là... Mà thật ra... em cũng có mấy lời muốn hỏi chàng..."

Càng nói, tôi lại càng hồi hộp. Mặc dù tôi vốn là một đứa có thể chém gió thành thần, bịa chuyện một hơi mà mặt vẫn không đổi sắc... nhưng chẳng hiểu vì sao đối diện với Trần Thuyên, tôi không tài nào nói dối nổi.

Nếu nghĩ kỹ, một phần lý do hẳn là bởi Trần Thuyên là người rất tinh ý, khả năng quan sát người khác còn vượt bậc hơn tôi, và lý do còn lại rất đơn giản: Tôi không thể.

Giải thích theo cách tâm linh thì chắc là vì Trần Thuyên "át vía" tôi rồi.

Lần này hẹn anh cốt là để hỏi thăm về Triêu Lộ, tôi không có gan dối trá nên chỉ còn cách chuốc anh uống say. Rượu vào lời ra, tôi có bảy phần tự tin mình có thể dỗ cho Trần Thuyên phải tiết lộ chút ít những gì anh biết về Thành An và mối tình mười năm của y.

Nhưng nói gì thì nói, cái này không thể thẳng thắn được, cứ phải đi đường vòng mới an toàn.

Tôi uống cạn với Trần Thuyên bát rượu đầu tiên, mở đầu câu chuyện bằng cách kể về Đoàn Nhữ Hài và Vân Phi.

Đương nhiên tôi không dám nói trắng ra rằng em trai Nhữ Hài lấy Vân Phi vì mục đích riêng, chỉ bảo mối quan hệ vợ chồng của hai đứa có khúc mắc, chính tôi đã giúp em trai và em dâu hoá giải.

"Lần đầu tiên trong cuộc đời hai mươi... lăm năm, Tham tri Nhữ Hài không cãi nổi em câu nào. Em nói với Nhữ Hài rằng người ở cạnh cậu ta đến cuối đời không ai khác ngoài Vân Phi, nhắc nhở cậu ta chăm sóc thật tốt cho con bé. Chàng thấy lời của em có đúng không?" Tôi tỏ ra kiêu ngạo hỏi Trần Thuyên.

Anh nhấp một ngụm rượu, gật đầu: "Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng, Vân Phi có được chị chồng như nàng quả là may mắn." 

Tôi hạ giọng: "Tìm được người yêu thương mình thật lòng là chuyện không dễ dàng. Nhữ Hài và Vân Phi nên duyên vợ chồng nhưng lại chưa biết cách quan tâm nhau, Đỗ Chi và thái y Bân phải trải qua bao sóng gió mới có được ngày hôm nay. Thậm chí... đến Nhất đẳng Thị vệ Đỗ Quân của hiện tại cũng đã nhận đủ đau thương rồi..."

Trần Thuyên chỉ chuyên tâm lắng nghe, không lên tiếng, không bày tỏ thái độ.

Một hơi uống cạn thêm bát rượu thứ hai, tôi nghiêng đầu nhìn anh: "Vậy còn Quan gia, ngài thích cô dân nữ này từ lúc nào thế?"

Có đánh chết tôi cũng không ngờ mình lại có đủ dũng khí để hỏi Trần Thuyên như thế này.

Đáng sợ hơn nữa, anh không hề ngạc nhiên trước câu hỏi của tôi, cẩn thận suy nghĩ rồi đáp: "Dù ngẫm kỹ cũng không thể cho nàng một đáp án chính xác, nhưng nếu phải chọn một thời điểm thì có lẽ là đêm chúng ta xuôi dòng về lộ Bắc Giang."

Trần Thuyên ngưng lại giây lát, sóng mắt dịu dàng: "Nàng một thân đứng giữa mây trời, xung quanh mặt sông dát bạc, trên cao vạn vì tinh tú. Khi ấy ta đã nghĩ gì nhỉ? Phải rồi, cảnh đẹp nhân gian... cũng chỉ đến thế mà thôi."

Trái tim như được phủ trong lớp đường ngọt ngào, tôi ngẩn người nhìn Trần Thuyên rồi không do dự mà chống tay xuống chõng tre, rướn người lên, nhanh chóng đặt một nụ hôn phớt nhẹ bên gò má mát lạnh của anh.

Mọi thứ diễn ra rất vội vàng, khi tôi quay trở về ngồi khoanh chân tại chỗ, tự rót cho mình bát rượu thứ ba thì Trần Thuyên vẫn sững người, không khép nổi miệng.

Anh bối rối: "Nàng... nàng như vậy..."

Tôi giấu sự rối loạn trong lòng mình bằng một nụ cười: "Trong mười lần chàng chủ động, ít ra phải nhường lại một lần cho em chứ."

Trần Thuyên đưa tay lên đỡ trán, chỉ biết gật gù cười một cách bất lực.

Đừng thấy tôi tỏ vẻ trước mặt Trần Thuyên mà hiểu lầm, thâm tâm tôi đang kêu gào thảm thiết, loạn như tơ vò đây. Rốt cuộc là do rượu hay bởi lời "tỏ tình" quá đỗi dịu ngọt của anh đã khiến tôi không biết trời cao đất dày mà "hành động" đi quá giới hạn như thế nhỉ?

Anh như biết tôi đang ngại, khéo léo dẫn dắt cả hai quay lại câu chuyện đang dang dở, giọng nhẹ nhàng: "Sau đó thì nàng cũng biết rồi, sóng dữ ập đến, cả thuyền chao đảo. Ta như thấy bóng dáng của Niệm Tâm hơn mười năm trước giữa cơn sóng cả, bởi vậy..."

... Bởi vậy, anh mới không chần chừ mà lao đến ôm chầm lấy tôi, lo sợ một lần nữa sẽ phải trơ mắt nhìn tôi ngã xuống lòng sông rồi biến mất.

Trần Thuyên khẽ hắng giọng, nhấp một ngụm rượu rồi hướng mắt lên cao, giả bộ ngắm trăng che giấu tâm trạng của mình. Trông rõ lồng ng.ực phập phồng đối diện, tôi biết rằng anh cũng đang ngượng ngùng không kém bản thân mình là bao.

Tôi nhẹ nhàng vỗ ngực mấy cái, cốt để trái tim không yên phận có thể ngoan ngoãn trở lại.

Thật mừng vì Trần Thuyên đã không hỏi ngược rằng tôi có tình cảm với anh từ khi nào, bởi chính tôi cũng chẳng biết tìm đâu câu trả lời hợp lý dành cho anh.

Tâm lý phải cân bằng cho-nhận luôn tồn tại trong mỗi con người, dù ít dù nhiều. Ví dụ, nếu tôi là Trần Thuyên thì nhất định cũng sẽ phải hỏi lại đối phương một câu tương tự, nhưng thực tế đã rõ, anh không làm như vậy.

Có lẽ đối với tôi, cái Trần Thuyên muốn nhận lại chỉ là tình cảm, còn lại anh có thể cho đi mọi thứ mà không do dự.

Vò rượu gần cạn đáy, trước mắt thấy Trần Thuyên không còn tỉnh táo như ban đầu, tôi dần suy tính đến việc nhắc tới Thành An và Đông Ly.

Như đã phân tích từ trước, việc nói dối Trần Thuyên là không nên và tôi cũng không làm nổi, tốt nhất cứ bảy phần thật ba phần giấu đi. Trần Thuyên có thể không trả lời, nhưng đống rượu xương bồ đã nuốt vào bụng kia cũng sẽ khiến anh buông bỏ cảnh giác phần nào, từ đó tôi cũng sẽ nhận được đáp án cho riêng mình.

"Quan gia... ừm... dạo này em có hơi lo lắng cho Đông Ly một chút." Tôi nhích lại gần Trần Thuyên, nhỏ giọng.

"Hử?" Cả người anh khẽ chao đảo.

Tôi hít một hơi dài, nói thật nhanh: "Em vô tình gặp được một cô gái ở trấn Thiên Hưng, về sau gặp lại nàng ở kinh đô mới biết đó chính là người trong lòng của Thành An."

Chỉ một giây trước đó Trần Thuyên vẫn đang khép hờ đôi mắt, còn không rõ anh có nghe lọt câu nào của tôi không thì lúc này, anh mở bừng hai mắt nhìn tôi, gương mặt khẽ đanh lại.

Không ổn!

Tôi đánh liều tiếp tục: "Em thấy... Triêu Lộ là một người đáng thương..."

"Triêu Lộ? Là tên của cô gái ấy?" Giọng Trần Thuyên trầm xuống.

Bỗng chốc xung quanh yên lặng tới rợn cả tóc gáy, tôi nghe rõ tiếng tim mình đập từng hồi, chỉ thiếu điều muốn nhảy lên cổ họng.

"Vâng... Triêu Lộ kể với em là bị hôn phu lợi dụng, sau đó..."

Trần Thuyên bật cười, trên mặt không có lấy một tia vui vẻ: "Nàng ta đã nói vậy sao?"

Vậy là... anh không chỉ quen biết Triêu Lộ, thậm chí... còn có mối quan hệ rất gần gũi?

Cả người tôi như đóng băng, một cảm giác buốt giá chạy dọc sống lưng, lời đã ra tới ngoài môi cứ thế nuốt lại vào trong.

Nụ cười lạnh lùng của Trần Thuyên khiến tôi chỉ muốn quay người bỏ chạy.

Lần đầu tiên trong suốt nhiều năm quen biết, người con trai trước mặt mang đến cho tôi một thứ áp lực vô hình, như muốn rút cạn không khí khiến tôi không thể hít thở như bình thường.

Xưa nay, tôi chưa từng tự nhận rằng mình hiểu Trần Thuyên. Thậm chí, tôi còn chưa bao giờ được thấy anh mặc bạch bào thêu rồng, đầu đội mũ phù dung... Hay chính xác hơn, Trần Thuyên cũng chưa bao giờ mang thân phận hoàng đế khi ở cạnh tôi cả (dù không ít lần Trần Thuyên xưng "trẫm" để doạ dẫm).

Trần Thuyên luôn chiều chuộng tôi, bỏ qua những lần tôi vô lễ một cách rất dễ dàng. Có lẽ cũng vì vậy mà hình tượng anh trong mắt tôi là một người nhàn nhã dễ chịu, luôn mang nụ cười trên môi.

Tôi gần như đã quên mất rằng cái anh phải đối diện mỗi ngày là gánh nặng chèo chống đất nước, thù trong giặc ngoài rình rập.

Tóm gọn lại một câu: Trần Thuyên mà tôi thân thuộc... hoàn toàn không phải là Anh Hoàng, không phải Hưng Long đế.

Chỉ trong chốc lát, dáng vẻ lười nhác chuếnh choáng mất tăm mất tích, Trần Thuyên cúi đầu, phủi đi chiếc lá rơi trên vạt áo rồi ngẩng lên, giọng tỉnh táo vô cùng: "Khuya rồi, nàng về phòng nghỉ đi."

Tôi giật mình, tựa mới thoát khỏi chiêm bao: "Ấy, mới được một lúc mà..."

Trần Thuyên từ tốn đứng dậy, tay chắp sau lưng: "Nghe lời trẫm."

"Quan gia..."

Dáng đứng uy nghi của Trần Thuyên khiến lòng tôi hốt hoảng, nhận ra đây là Anh Hoàng, không phải chàng thiếu niên hay đùa giỡn với tôi nữa.

Cứ như vậy, dưới chân vô thức lùi lại vài bước.

Trần Thuyên thở dài, giọng dịu đi đôi phần: "Thấy nàng khép cửa rồi trẫm sẽ đi."

Tôi không dùng dằng thêm, gật đầu tạm biệt Trần Thuyên rồi một đường đi thẳng vào trong phòng.

Phía ngoài vẫn là sự im ắng, khi tôi hé cửa sổ ra nhìn thì không còn thấy Trần Thuyên đứng dưới tán cây nữa.

...

Trời sắp vào thu, nhà họ Đoàn chúng tôi có tin vui. Vân Phi mang thai lần thứ hai, đỏ mặt cảm ơn sự giúp đỡ của người chị chồng là tôi đây.

Tôi không dám mặt dày nhận công, nhưng thấy được em trai Nhữ Hài chăm vợ tới luống cuống chân tay, chẳng còn tỏ vẻ khó gần như những năm đầu mới rước dâu về thì cũng yên lòng.

Lần mang thai này không suôn sẻ như xưa, tâm trạng Vân Phi thất thường, dễ buồn dễ tủi khiến em trai Nhữ Hài rất lo lắng. Cậu ta nghiêm túc đề nghị tôi thay Vân Phi ra ngoài xã giao, doạ tôi sợ mất mật.

Chuyện là mấy năm gần đây, em dâu tôi và Đỗ Chi đã trở thành bạn bè thân thiết do ở cùng độ tuổi, đều là mẹ bỉm sữa và đặc biệt, hai bà mẹ trẻ cho rằng sự gần gũi này giúp hai nhà Đoàn - Đỗ khăng khít hơn; Phạm Huệ và Đoàn Lâm Vũ cháu tôi có thời gian vun đắp tình cảm, tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ thông gia của tương lai.

Sau này Đỗ Quân thành hôn với Diệu Hân rồi, Đỗ Chi liền nhận nhiệm vụ giúp chị dâu làm quen với hội chị em bà dì ở kinh thành... rồi cứ thế tạo nên "kiềng ba chân" gồm Vân Phi - Đỗ Chi - Diệu Hân.

Vốn là tôi cũng sẽ có mặt trong nhóm này, chỉ có điều gần như lần nào gặp mặt họ cũng dắt nhau ra phố, tụ họp cùng một đám phụ nữ tán phét. Tôi vốn lười xã giao nên kiên quyết vùi mặt trong phòng, ngủ trương thây.

Cho đến hiện tại, Đoàn Nhữ Hài lo vợ mệt mỏi quá độ nên ba phần nhờ vả bảy phần ép buộc tôi thay mặt Vân Phi đi cùng hai chị em Hân - Chi. Tôi đang sống bằng tiền bạc của em trai Nhữ Hài nên đành phải ngoan ngoãn đồng ý.  

Cô nàng Đỗ Chi tuy đã chồng con đề huề và nhận thức được danh tiếng cũng như việc mở rộng mối quan hệ rất quan trọng với chồng mình, nhưng giang sơn dễ đổi bản tính khó dời, sự nóng nảy của cô chưa hề thay đổi. Nghe Vân Phi kể nếu không có con bé ở bên can ngăn thì Đỗ Chi đã đánh nhau với người ta mấy bận rồi.

Ôi, còn Diệu Hân ấy à, tính tình nàng ta nói dễ nghe thì dịu dàng, còn khó nghe là bạc nhược, rất dễ bị bắt nạt. Đây cũng là nguyên nhân khiến không ít lần Đỗ Chi phải nổi điên.

Cả đám đàn bà con gái ngồi một chỗ tám chuyện, lời ra tiếng vào cà khịa nhau vài câu là xảy ra xung đột ngay. Quan trọng đến cuối ai mới là người sẽ chịu lùi một bước nhường nhịn không làm to chuyện mà thôi.

Địa điểm tụ tập của đám Đỗ Chi là một quán trà khá tiếng tăm tại Thăng Long, có phòng riêng dành cho "khách VIP". Điều này chứng tỏ hội bạn bè xã giao của cô nàng cũng đều là người có tiền, có quyền. Tôi trộm nghĩ nếu duy trì lâu dài thì chưa chắc việc gặp gỡ này đã là vô ích.

Hôm nay hội chị em đi rất đầy đủ, chỉ thiếu Vân Phi và thừa ra tôi. Đỗ Chi lên tiếng giới thiệu một lượt, tôi nghe tai này rồi để trôi ra hết ngoài tai kia, chốc lát đã quên sạch tên của các chị em gái trước mặt, chỉ nhớ mang máng người là vợ bé của vị quan nào đó trong triều, có kẻ lại là bà chủ của một cửa hàng bán đồ gốm trong kinh đô, đại khái không ai kém ai.

Khi biết tuổi tôi, cả đám ồ lên một tiếng, mỗi người một vẻ mặt khác nhau. Thậm chí chị gái thiếp thất nhà quan kia còn không thèm giữ ý mà phì cười, ánh nhìn có vài phần khinh bỉ.

Tôi coi như mù, không thèm để ý.

Chị ta khịt khịt mũi, giọng mảnh như chuông: "Họ ngoại nhà ta có ông cậu vừa mất vợ, cách biệt tuổi tác chỉ chừng mười lăm, hai mươi, vẫn còn phong độ lắm. Nếu cô Niệm Tâm không chê thì ta có thể làm mối giúp. Phụ nữ ấy à, vẫn nên có tấm chồng để dựa dẫm..."

Đỗ Chi bực bội cắt ngang: "Chị San ạ, chị Tâm là ruột thịt của Tham tri Chính sự, ông cậu nhà chị có gì..."

Tôi thở dài trong lòng, em gái ơi, trọng điểm không nằm ở đó. À đấy, cô nàng này tên Bội San, giờ tôi mới nhớ ra.

Bội San cười rộ lên, đáp: "Nhà ngoại ta buôn bán mấy đời, của cải tích góp đầy trong kho, chẳng lo thiếu cái ăn cái mặc đâu."

Diệu Hân lén nắm lấy tay tôi dưới gầm bàn, thể hiện sự lo lắng. Không biết trước đây nàng bị mấy người phụ nữ này xỉa xói thế nào mà như chim sợ cành cong, chẳng trách Đỗ Chi lại khùng lên muốn đánh người. Những mối quan hệ độc hại như thế này mà vẫn cứ phải giả bộ cười nói vun đắp, tôi cũng chịu.

"Cô Niệm Tâm chỉ cần ừ một tiếng thôi là xong xuôi hết!" Bội San vẫn không chịu bỏ qua, cố tình đổi chỗ cho người khác để ngồi cạnh tôi thuyết phục cho dễ.

Tôi một bên vỗ vỗ tay Diệu Hân thể hiện không việc gì phải sợ, đoạn quay sang phía Bội San cười tươi như hoa: "Chị San tốt bụng quá, em thật lòng cảm ơn chị. Chỉ tiếc là em trai Nhữ Hài nhà em làm việc cẩn thận, được Quan gia yêu mến, cả gia đình em cũng được thơm lây."

Bội San cùng cả đám phụ nữ, thêm Đỗ Chi và Diệu Hân đều ngẩn người, không biết điều này có gì mà "tiếc"?

Xoay xoay chén trà trong tay, tôi giả bộ chán nản: "Nhờ phúc của em trai, Quan gia muốn đích thân ban hôn cho em, các chị ạ. Nếu chị không phiền thì có thể đưa bát tự ông cậu lên cho Quan gia đánh giá, như thế em cũng không dám chê trách điều gì."

Cứ để Trần Thuyên biết mấy người muốn làm mối cho tôi một lão già góa vợ xem, không bị đánh gãy chân mới lạ.

Đã nhắc tới thiên tử rồi ai còn dám xen mồm vào nữa, Bội San cười khan mấy tiếng rồi đánh trống lảng sang chuyện khác.

Đỗ Chi ngồi phía bên kia nín cười gật đầu với tôi, còn Diệu Hân hai mắt long lanh, xúc động thì thầm: "Phải chi ta mạnh mẽ được một phần như cô Tâm thì tốt."

Chẳng lẽ tôi lại nói rằng tôi may mắn có em trai làm quan to, lại thêm Quan gia chống lưng nên mới dám mạnh miệng?

Diệu Hân thở dài: "Ta có phúc phận trở thành vợ của chàng, một phần nào đó cũng là nhờ cô Tâm."

Tôi trợn mắt lên nhìn Diệu Hân, không hiểu nàng ta có ý gì.

"Chi nói... nếu không phải vì một chút vướng mắc thì có lẽ cô đã trở thành chị dâu của em ấy rồi... Kể cả Quân có tình cảm với cô thì ta cũng không ngạc nhiên. Cô và Chi gần gũi đến thế, tính cách lại thân thiện dễ gần... nói thế nào cũng phù hợp là người nâng khăn sửa túi cho chàng hơn là ta..."

Trời ơi, "vướng mắc" ở đây là Trần Thuyên ấy hả?

Vạt áo Diệu Hân bị vân vê tới nhàu nhĩ, tôi nhận thấy rõ vị cay nồng của ớt hiện ra trong từng câu chữ của nàng ta.

Chậc chậc, hiện tại Đỗ Quân và tôi không còn thân thiết như những ngày tôi và Đoàn Nhữ Hài sống ở phủ họ Đỗ nữa nhưng mối quan hệ có-chút-mập-mờ giữa chúng tôi vẫn đủ khiến người vợ hiện tại của y phải ghen tuông. Tâm lý của phụ nữ đúng là đáng sợ.

Tôi mỉm cười, nhẹ nhàng nói: "Dẫu sao cô và anh Quân đã nên duyên vợ chồng rồi, còn tôi cũng chỉ là đám mây bên trời, vốn đã bay đi mất từ lâu. Cô lo lắng mấy chuyện này làm gì, tập trung chăm sóc chồng mình thì tốt hơn."

Có lẽ tôi đã nói quá thẳng thắn, Diệu Hân nghe xong liền cúi đầu, khuôn mặt nhỏ nhắn đỏ bừng.

"Ta... ta không có ý đó." Nàng lí nhí, giọng hơi nghẹn lại.

Đáp lại Diệu Hân, tôi chỉ cười một cái, không tỏ thái độ.

Đối phó với "kẻ địch", phụ nữ chúng ta có nhiều cách xử lý khác nhau. Người mạnh mẽ ba mặt một lời, kẻ ném đá giấu tay, còn như Diệu Hân - cố tình dìm bản thân xuống để nhận được sự thương hại - thì cũng không thiếu.

Chỉ là tôi không tán thành cách này, nếu đã không thể đứng lên bảo vệ cho tình yêu của mình thì tốt nhất nên lùi về sau, việc gì phải tự làm khổ mình như thế?

Hội chị em gái rôm rả trò chuyện, dù vui vẻ nhưng vẫn không quên đá xéo nhau chuyện này chuyện kia. Tôi im lặng ngồi nghe, chỉ thấy tình cảnh trước mắt thật tức cười, không khác nào:

"Chuột chù chê khỉ rằng hôi,

Khỉ lại trả lời cả họ mày thơm." (1)

...

Sau lần gặp gỡ với hội bà tám kinh thành, tôi quyết định phải để bản thân nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Quả nhiên, dù có cố gắng đến mấy thì tôi cũng không thể tham gia các hoạt động xã hội và tiếp xúc quá nhiều người, vẫn là nên hạn chế để tránh ảnh hưởng tâm trạng.

Nhưng người tính không bằng trời tính, sức khoẻ tinh thần của tôi vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, giấc ngủ rối loạn, không thể tập trung suy nghĩ bất cứ điều gì.

Đáng lý tôi phải rất thoải mái, vì những chuyện xảy ra trong nhiều tháng qua đều không liên quan trực tiếp tới tôi. Ví như Triêu Lộ, chuyện vợ chồng Ninh Thế Sơn, hay cả việc Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn trèo tường vào nhà nói năng kỳ lạ...

Và nhờ "ơn" của Thánh An, có đôi khi tôi còn nghĩ tới cả Văn Đức phu nhân nữa. Mỗi lần cô nàng theo chồng vào kinh đều tới phủ thăm tôi, không quên nhắc nhở về Văn Đức phu nhân và nhiệt tình làm mối tôi cho Quân Trì. Tôi trộm nghĩ, có lẽ nào Thánh An đẻ ba đứa con xong thì trái tính trái nết đi không? 

Thật mệt mỏi, vì sao cứ phải nói đến một người đã không còn trên cõi đời này làm gì?

"Chị hỏi em cái gì cơ?" Vân Phi đang ngồi thêu áo trên chõng lớn, lúc này đã ngừng tay, ngẩng lên nhìn tôi.

"... Hả?" Tôi từ từ mở mắt, hẵng còn ngơ ngác.

Con bé chun mũi, xoa xoa bụng mấy cái rồi gật gù: "Em từng nghe chị Nguyệt kể về phu nhân rồi, nhưng mà... cũng không nhiều lắm đâu."

Thì ra trong lúc mơ màng tôi đã buột miệng nhắc đến tên của Văn Đức phu nhân.

"Không phải... à, thế kể chị nghe đi." Tôi định từ chối nhưng lại thấy hơi tò mò, dù sao cô nàng vương phi Thánh An kia cũng chỉ nói đi nói lại được mấy câu dạng như "Văn Đức là nguyên phối", còn lại cũng không biết gì hơn.

Dẫu sao chị gái Vân Phi - Phạm Sơ Nguyệt, Văn Tĩnh Huệ phi - là phi tần của Trần Thuyên, sống nơi cung cấm lâu ngày, nắm được nhiều tin tức hơn Thánh An là cái chắc.

Vân Phi suy ngẫm một lát rồi nói: "Văn Đức phu nhân là nguyên phối của Quan gia."

Suýt chút nữa tôi đã lăn đùng ra đất vì tức.

Sau đó, nhờ Vân Phi tôi mới biết được vài thông tin quan trọng.

Văn Đức phu nhân vốn là cháu nội của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn - và cũng là chị gái Thánh Bà phu nhân, phía Vạn Kiếp đưa nàng vào cung làm thái tử phi ngay khi Trần Thuyên được sắc phong làm Hoàng thái tử, khoảng chừng hai, ba năm sau thời điểm tôi ngã sông biến mất. (2)

Tiếp theo đó chừng một năm, Trần Thuyên lên ngôi hoàng đế, tự xưng Anh Hoàng, đặt niên hiệu Hưng Long. Văn Đức là nguyên phối, được phong làm phu nhân, gần như đã nắm chắc ngôi vị hoàng hậu trong lòng bàn tay.

Không biết vì lý do gì, Trần Thuyên ban chiếu phế Văn Đức phu nhân, sau đó không lâu thì nạp em gái là Thánh Bà vào cung, nhận tước vị ngang với chị gái mình khi xưa.

Đây là những sự kiện mà ai ai cũng nắm rõ, cho đến giờ thì có cả tôi.

Phạm Sơ Nguyệt lăn lộn trong hậu cung không phải chỉ mới ngày một ngày hai, cũng đã tiết lộ cho Vân Phi ít nhiều.

Ví như, Trần Thuyên và Văn Đức vốn là "thanh mai trúc mã". Nói theo cách dân dã hơn thì hai người họ có mối quan hệ khăng khít từ thuở nhỏ, mọi thứ đều ổn thoả đến mức có người cho rằng trăm năm về sau vẫn sẽ còn nhắc về mối tình khắc cốt ghi tâm của đế hậu. 

Cho đến khi... Văn Đức bị phế, đột ngột và sững sờ.

Những người biết rõ nội tình, đếm đi đếm lại có lẽ cũng chỉ có Trần Thuyên, Thượng hoàng Trần Khâm và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Mấy người bọn họ không hé nửa lời, nào ai dám ra mặt chất vấn đây?

Phía Vạn Kiếp chẳng hề nổi giận, theo ý Trần Thuyên mà lẳng lặng sắp xếp cho Thánh Bà nhập cung thay chị gái.

Vân Phi từng nghe Sơ Nguyệt than thở rằng có tấm gương Văn Đức ở đó, hậu cung luôn duy trì một nỗi sợ hãi không tên đối với Trần Thuyên. Một phần vì anh là hoàng đế, đúng, nhưng cũng bởi mọi người đều lo lắng cho tương lai của mình.

Văn Đức phu nhân có xuất thân cao quý, cô họ là Bảo Thánh Hoàng thái hậu (sinh mẫu của Trần Thuyên, băng vào năm anh lên ngôi) - điều này cũng có nghĩa nàng có cả chi Vạn Kiếp nói chung và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nói riêng "chống lưng" cho. Ấy thế mà cuối cùng vẫn chẳng thể đi lên ngôi vị cao nhất, chỉ trong chớp mắt đã bị biếm làm thứ dân.

Không ai hay biết số phận của Văn Đức về sau như thế nào, bởi khi Thánh Bà hay Huy Tư nhập cung thì Văn Đức đã hoàn toàn biến mất. Còn Thánh An về làm dâu Vạn Kiếp, nghe được những thông tin vụn vặt nên mới biết rằng Văn Đức đã qua đời từ lâu.

Đại khái, tuy rằng không cấm cản được việc luận bàn về Văn Đức nhưng cũng chẳng kẻ nào có gan giáp mặt Trần Thuyên để hỏi cho ra nhẽ cả.

Tóm lại, mọi chuyện xoay quanh Văn Đức đã trôi vào dĩ vãng, kẻ có lòng tìm hiểu rồi cũng sẽ lạc giữa màn sương mù dày đặc, mãi mãi không tìm thấy lối thoát.

Trái tim tôi cứ thế rơi xuống vực sâu vạn trượng, tâm trí vùng vẫy, tự hỏi bản thân hàng vạn lần một câu duy nhất: Liệu Trần Thuyên mà tôi thương yêu và Anh Hoàng xa cách lạnh nhạt kia có phải là một người?

...

Tháng ngày chậm rãi trôi qua, cho đến khi tôi sắp quên mặt Trần Quốc Chẩn đến nơi thì cậu ta lại lù lù xuất hiện sau cây bưởi trĩu quả, tuy vẫn là trèo tường vào nhưng đã biết điều đến sớm hơn hôm trước. Lần gặp gỡ này còn có một tên thị vệ của Trần Quốc Chẩn đứng ở góc vườn, không tính là hẹn riêng, bớt đi một mối lo với anh trai cậu ta.

Từ trong nhà nhìn ra, trông tướng mạo Trần Quốc Chẩn tương đối giống với Trần Thuyên, chỉ là cậu trẻ hơn vài phần và dù cố tình tỏ ra nghiêm nghị thì vẫn khiến tôi cảm thấy hơi... buồn cười.

Trần Quốc Chẩn học theo anh trai hoàng đế, hai tay chắp sau lưng, mắt hướng lên khoảng không trên cao. Nay trời nhiều mây, trăng sao đều lặn mất, quá nửa là cậu ta đang cố tình làm màu.

Tôi chán nản quay vào dặn Đông Ly chuẩn bị ít trà nước, bụng bảo dạ phải ra cà khịa Trần Quốc Chẩn vài câu cho thỏa.

Chỉ nghe một tiếng "ui da" vang lên, tới khi tôi và Đông Ly chạy tới thì đã thấy Huệ Vũ Quốc Chẩn ngồi xổm dưới đất, hai tay ôm đầu xuýt xoa. Cách đó vài bước chân là một quả bưởi chín vàng đang lăn lông lốc.

Tôi lập tức đưa tay lên bịt chặt miệng, bụng dạ xoắn vào nhau vì nín cười, giọng run run hỏi thăm: "Huệ Vũ vương... ngài không... không sao chứ?"

Trần Quốc Chẩn ú ớ đáp lại gì đó.

Tên thị vệ của cậu ta lúc này mới chạy đến gần, lo lắng thưa bẩm nhưng bị Trần Quốc Chẩn phất tay đuổi về chỗ.

Cậu ta từ từ đứng dậy, trông rõ khoé mắt còn hơi ươn ướt.

"Ừm, thông thao."

Đông Ly đang đứng cạnh tôi phì cười, sau đó rất thức thời mà chạy vọt vào nhà lấy cớ đun nước pha trà.

Trần Quốc Chẩn hừ lạnh, quay sang quát tôi: "Ta cho người chặt cây bưởi nhà cô bây giờ!"

Tôi giả bộ nghiêm túc kêu to: "Xin Vương thứ tội! Quả bưởi kia thật mất nết, dám rơi trúng đầu ngài khiến ngài cắn phải lưỡi..."

"Nói linh tinh cái gì!" Cậu ta quát át cả tiếng tôi, vùng vằng đi đến chõng tre rồi ngồi xuống, đến cuối vẫn không quên lườm nguýt.

Tôi đứng một bên, chờ Đông Ly rót trà mời Huệ Vũ Quốc Chẩn xong xuôi thì nói: "Em mang quả bưởi kia vào nhà bổ cho Huệ Vũ vương hả giận."

Đông Ly vâng dạ, lát sau đã mang ra những múi bưởi mọng nước được xếp ngay ngắn trên đĩa tròn, cung kính dâng lên Trần Quốc Chẩn.

"Có thế chứ!" Cậu ta dịu giọng, nhanh chóng nhón một miếng bỏ vào miệng.

Chưa đến vài giây, mặt mũi Trần Quốc Chẩn co rúm lại, chỉ nhìn biểu cảm cũng khiến người khác phải rùng mình.

Tôi và Đông Ly không nhịn được nữa, cùng nhau phá lên cười. Cả phủ họ Đoàn tính ra chỉ có Vân Phi và mẹ Sinh là ăn được thứ bưởi chua loét này, còn tôi, Đoàn Nhữ Hài, Đông Ly, Dư Nương hay thậm chí là Dần đều tránh xa.

Không ngờ Huệ Vũ vương cũng không ăn được chua đấy!

Trần Quốc Chẩn gầm lên: "Con nhãi kia!"

Đông Ly nấp sau lưng tôi: "Đều tại cô cả! Con chỉ làm theo lời cô cả thôi ạ!"

Tôi lau nước mắt, cười giận dữ: "Đâu ra cái thứ lật lọng thế!"

"Chủ tớ nhà cô, được lắm! Ta... ta sẽ cho người chặt cây bưởi này đi!"

"Nếu ngài dám, tôi sẽ mách Quan gia!" Tôi hếch mũi, không thèm kiêng kỵ doạ dẫm Trần Quốc Chẩn.

Cậu ta uống liền tù tì mấy chén trà, hồi lâu mới xuôi được một bụng tức giận.

Bỏ qua chuyện gà bay chó sủa khi nãy, chúng tôi bắt đầu nói đến chính sự.

Tôi khoát tay: "Quan gia đã có lời rồi, xin vương cứ thẳng thắn."

Trần Quốc Chẩn gật đầu: "Được. Trước đây Thượng hoàng cũng từng dặn ta nếu gặp phải những điều kỳ lạ không thể giải đáp thì có thể đến hỏi cô."

Tôi:...

Trong mắt mấy người cha con họ Trần tôi kỳ quặc lắm sao?

Cậu ta lại nói: "Chuyện này ta chưa được tận mắt chứng kiến, là người khác kể lại nên chưa chắc đã đủ chính xác. Đại khái là như thế này. Giả dụ... một nhóm khoảng chín, mười người ngồi thành vòng tròn, còn có thêm một kẻ đứng ngoài ghi chép..."

Tôi gật đầu tiếp nhận, thông tin này Trần Quốc Chẩn đã tiết lộ buổi tối hôm trước rồi.

"Nhóm người sẽ được chia thành hai phe, mỗi người nhận một vai trò riêng, thi đấu với nhau."

Tôi giơ tay xin phát biểu: "Bẩm Vương, cụ thể là vai trò gì?"

Trần Quốc Chẩn gãi tai: "Theo ta tìm hiểu thì có chức Kiểm pháp quan, Ngân bài thị vệ và cả dân thường, họ đều thuộc một phe, tạm gọi là phe người tốt. Còn lại thì ta không biết."

"Ý ngài là... họ đều sử dụng chức vụ có thật trong triều?"

"Có thể cho là vậy. Nói tóm lại hai phe sẽ tìm cách "giết" nhau trong cuộc đấu. Nếu ta không nhầm thì đến cuối cùng, nếu số người phe tốt bằng với phe xấu thì phe xấu sẽ thắng, còn khi phe xấu bị "giết" hết thì phe xấu sẽ thua."

Tôi sửng sốt đến mức suýt chút nữa đã ngã ngửa.

Cái mà Trần Quốc Chẩn đang nói tới... không phải là trò ma sói sao?

"Vương còn biết gì nữa không?" Tôi cố gắng giữ giọng mình thật bình tĩnh.

Trần Quốc Chẩn lắc đầu, đoạn hỏi: "Cô có biết trò này không?"

Tôi do dự hồi lâu rồi mới đáp: "Có, tôi biết. Nhưng mà... những người thắng sẽ được gì?"

Câu trả lời không ngoài dự đoán: Phần thưởng cuối cùng là bạc, rất nhiều bạc. Tức là... bằng cách nào đó, một trò chơi của thế kỷ hai mốt lại xuất hiện tại Đại Việt của bảy trăm năm trước, biến tướng thành trò đỏ đen.

Mà... dưới triều Trần, hoàng đế nghiêm cấm đánh bạc, thậm chí từng có một vị quan bị xử tội chết vì tham gia đánh bạc!

Tôi lại hỏi Trần Quốc Chẩn về trò " 3que" mà cậu ta từng nhắc tới, chỉ sợ đây cũng là một trò chơi của thời hiện đại.

"Đơn giản lắm. Có ba thẻ tre giống hệt nhau, một đầu lộ ra ngoài, đầu kia giấu kín trong tay quản trò. Trong ba thẻ tre chỉ một thẻ được buộc dây nối với một đồng bạc. Người tham gia chơi sẽ phải chọn đúng thẻ tre được nối với đồng bạc, nếu chọn sai thì mất tiền." (3)

"Thế thôi á? Mà sao không gọi là ba cái thẻ, lại đi gọi 3 que Vương nhỉ?" Tôi lẩm bẩm.

Trần Quốc Chẩn lườm tôi: "Thì nó còn có tên là ba cái thẻ mà!"

Theo biểu cảm của cậu ta thì có lẽ trò 3 que đã xuất hiện từ lâu, không giống như ma sói phiên bản Đại Việt kia.

Tôi từ tốn giải thích cho Trần Quốc Chẩn cách chơi ma sói, trông cậu ta há hốc miệng ngạc nhiên thì không khỏi tức cười.

"Tìm đến cô quả là không sai. Đa tạ!" Trần Quốc Chẩn giơ ngón cái với tôi.

"Ngài học nhanh đấy!" Tôi cười ha ha, sau đó nhanh chóng tiễn cậu ta vượt tường ra ngoài.

Trong lúc Đông Ly dọn dẹp ngoài vườn, tôi ngẩn ngơ bước vào phòng với cái đầu đang ở trên mây.

Cạnh gối vẫn là chiếc hộp gỗ nhỏ mà Thượng hoàng Trần Khâm trao cho tôi ngày ấy ở hành cung Tức Mặc.

Hiện tại: 201

Vài con chữ đơn giản nhảy múa trên mặt giấy.

Tôi chợt nảy ra một ý.

"Đông Ly này, Thái An vương được nhận nuôi vào năm nào?" Tôi hỏi ngay khi Đông Ly vừa bước vào phòng.

Con bé chép miệng suy ngẫm một lúc: "Theo em nhớ thì khoảng... hơn hai mươi, hai lăm năm trước gì đó ạ."

Rất có khả năng thời điểm Thượng hoàng Trần Khâm nhận nuôi Thái An vương Trần Thừa Ân trùng với cuộc gặp gỡ với cô gái lạ năm nào.

Điều này lý giải vì sao Thái An vương chỉ mới đi lướt qua đã lập tức kéo tôi lại, hốt hoảng như gặp được người quen cũ.

Tôi sống trong thân thể của Đoàn Niệm Tâm càng lâu thì diện mạo càng giống với bản thân mình của thế kỷ hai mốt, đến mức nhiều khi mẹ Sinh hay Nhữ Hài còn phải than thở rằng "tôi" không còn nét nào của Niệm Tâm hồi nhỏ nữa.

Có thể tạm giải thích lời nhắn kia như sau:

Hiện tại chính là hiện tại của tôi.

201 - Hai, không phải là một. Trước giờ tôi luôn cho rằng việc vượt thời gian của bản thân là độc nhất vô nhị.

Và lời nhắn này muốn nói rằng: Tôi không phải là người duy nhất vượt thời gian?

Vậy...

Cũng có nghĩa là cô gái bí ẩn kia cũng đang sống ở nơi này. Thậm chí, hơn hai mươi năm về trước cô ta đã biết được sự tồn tại của tôi nên tìm cách nhờ Thượng hoàng Trần Khâm gửi tới tôi một lời nhắn nhủ.

Hay nói đúng hơn là... một lời thách thức!

—-

(1) Nguyên văn chép trong "Gương phong tục" của tác giả Đoàn Duy Bình là:

"Chuột chù chê khỉ rằng hôi

Khỉ lại giả nhời cả họ mày thơm."

(2) Toàn thư chép:

Nhâm Thìn, [Trùng Hưng] năm thứ 8 [1292];

[...]

Tháng 2, ngày mồng 3, lập Đông cung thái tử Thuyên làm Hoàng thái tử. Lấy con gái trưởng của Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng làm phi cho thái tử.

(3) Trò "3 que" hay "ba cái thẻ", được chép trong sách Tiểu luận về dân Bắc Kỳ - tác giả Gustave Dumoutier.

Tác giả sử dụng chỉ chi tiết này trong truyện Mạn Thiên Hoa Vũ, hoàn toàn không có giá trị tham khảo.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.