Mạn Thiên Hoa Vũ - Thường Yên

Chương 46: Mã Cầu





Không sớm không muộn, lại chọn đúng lúc tôi trở về từ chuyến đi chơi đầy ép buộc cùng Trần Quốc Chẩn mà cho người gọi tới gặp.

Thượng hoàng quả đúng là người họ Trần.
Tôi nhìn chăm chăm vào cô nữ quan nọ, trong đầu lục lọi trí nhớ.

Rõ ràng tôi đã từng nhìn thấy gương mặt này, chỉ không nhớ là khi nào.

Đông Ly khom người chào hỏi một hồi, thay tôi thông báo: "Phiền nữ quan chờ một lát.

Cô Tâm nhà tôi vào thay một bộ váy khác, trên người bụi bặm như vậy không dám tới diện kiến Thượng hoàng."
Nữ quan mỉm cười, má lúm đồng tiền hiện rõ: "Được."
Tôi buột miệng: "Hạnh?"
Cô ngưng cười, ánh mắt dò hỏi: "Cô Niệm Tâm biết tôi sao?"
Thì ra đúng là cô cung nữ ngày ấy từng bầu bạn với tôi tại hành cung Tức Mặc.

Mười năm trôi qua, cô không còn là một cô bé ngây thơ dễ gần nữa mà đã trở thành một nữ quan có cấp bậc cao rồi.

Tôi xua tay, tìm bừa một lý do: "Có nghe các cung nữ khác nhắc tới cô."
Hạnh mỉm cười không nói gì.

Bỗng nhiên tôi cảm thấy nơi này thân thiện hơn một chút.

Chỉ tiếc không thể sà vào nhận người quen rồi hàn huyên thật lâu.

Chúng tôi theo Hạnh lên thuyền nhẹ rời khỏi cung Chiêu Thành, chốc lát đã tới cung Trùng Quang.

Nơi đây là trung tâm của hành cung Tức Mặc, phía Đông có cung Trùng Hoa, đằng Tây là chùa Phổ Minh, tất cả cung điện đều được xây hướng về phía Nam.

Thường thì Thượng hoàng của nhà Trần sau khi truyền ngôi lại cho con đều trở về quê hương, hành cung Tức Mặc – Thiên Trường để sống.

Theo tôi thấy thì nơi này cũng được coi là kinh đô thứ hai của Đại Việt vậy.

Các vị vua thời Trần đều được truyền ngôi từ khi còn rất trẻ, như Trần Thuyên trở thành vua khi anh mới chỉ mười bảy tuổi.

Thượng hoàng tuy lui về phía sau nhưng vẫn "hỗ trợ" hoàng đế điều hành chính sự.

Việc này giúp các vị vua trẻ có thời gian rèn luyện bản thân, quen dần với việc cai trị đất nước cho đến khi thật sự trưởng thành.

Và điều ấy cũng có nghĩa là mọi quyết sách của triều đình tại kinh đô, không ít thì nhiều, cũng cần có sự nhất trí của Thượng hoàng tại hành cung Tức Mặc này.

Hạnh dẫn tôi và Đông Ly đi qua chính điện, tới thư phòng ở phía sau.

Ôi, với tôi mới chỉ là hơn một năm ngắn ngủi nhưng nơi này đã trôi qua những mười năm rồi.

Thượng hoàng Trần Khâm không còn là Hiếu Hoàng khi xưa nữa.

Tôi sớm đã quên ấn tượng ngày ấy gặp mặt Thượng hoàng, khi được dẫn vào trong liền liều mình quan sát thật nhanh.

Không ngoài tưởng tượng, Trần Khâm ngồi trên phản lớn có trải một loại chiếu lụa vàng, một tay cầm sách, phía còn lại dựa vào một chồng gối cao.

Cuối phản có một cái bàn nhỏ màu nâu, trên đặt lư hương, khói toả ra nhẹ nhàng.

Cả thư phòng được bao trùm bởi một mùi hương thực dễ chịu, hít một hơi là thư thái cả người.

Đông Ly được dặn dò đứng ngoài cửa chờ, cho nên trong phòng chỉ có tôi, Thượng hoàng cùng một thái giám một cung tỳ.

Hai cung nhân kia đứng cách xa vài thước, luôn trong trạng thái cúi đầu, mắt nhắm tai cụp.

Tôi vén áo quỳ rạp xuống đất, hô lên thật to: "Dân nữ Đoàn Niệm Tâm bái kiến Thượng hoàng.

Thượng hoàng muôn tuổi!"
"Ngươi đứng lên đi." Giọng nói gãy gọn, có chút gì đó khàn khàn.

Thượng hoàng Trần Khâm trên đầu đội mũ Phù Dung, người mặc trực lĩnh màu trắng.

Gương mặt hiền hoà như thể rất gần gũi nhưng ánh mắt lại có gì đó khó đoán, như muốn đánh giá thật kỹ người đối diện là tôi.

Trần Khâm hiện tại tuổi ngoại tứ tuần, còn tôi lại lùi đi vài năm, chưa đến hai mươi tuổi.

"Đoàn Niệm Tâm?" Thượng hoàng đặt cuốn sách lên phản, chậm rãi đứng dậy.

Tôi vội cúi đầu: "Bẩm Thượng hoàng, là chị gái của Trung tán Đoàn Nhữ Hài ạ."
"Trẫm biết, ngươi chính là Niệm Tâm mà trẫm từng gặp mười năm trước." Trần Khâm đều đều nói, đi qua lư hương còn cúi đầu ngó một cái, tựa như câu vừa rồi chẳng có ý nghĩa gì to tát.

Trong đầu tôi sét đánh "ầm" một tiếng thật to.

Trần Khâm rõ việc tôi là cô gái của mười năm trước, hẳn cũng phải biết rằng khi ấy tôi đã hai hai, còn hiện tại mới vừa qua tuổi mười chín mà thôi.

Tôi từng là một người có thân phận bí ẩn, sau đó trên đường cùng hai cha con Trần Khâm – Trần Thuyên trở về kinh đô không may bị ngã xuống sông chết mất xác.

Còn hiện tại, tôi đích xác là chị gái của Đoàn Nhữ Hài, không ai chối cãi.

Ngoài câu "mượn xác hoàn hồn" ra thì không gì có thể giải thích cho tình trạng của tôi.

Không phải là người xưa rất sợ mấy thứ quỷ thần như vậy ư?
Trần Khâm như đọc được suy nghĩ của tôi, ông chắp tay sau lưng, từng bước tiến lại gần.

"Thế gian lắm việc lạ lùng, trẫm không tin mình có thể nhìn thấu vạn vật."
Nói hay lắm!
"Hơn nữa, sự xuất hiện của ngươi ở cõi đời này...!là điều nhất định phải xảy ra."
Hử? Ý ông là sao?
Không đợi tôi thắc mắc, Thượng hoàng Trần Khâm đã tới gần, không nhanh không chậm thả vào tay tôi một quả quýt.

Tôi:?
Sau đó vội hành lễ tạ ơn vì được ban quà.

Một quả quýt chín mọng, được chính tay Thượng hoàng trực tiếp ban cho.

Đặc ân này không phải ai cũng có.


Tôi cuối cùng cũng có thể nhìn ra được điểm chung của ba cha con nhà họ Trần, đó chính là sự tuỳ hứng một cách có chừng mực.

Như Quan gia Trần Thuyên từng không ít lần trèo tường nhà dân vào nửa đêm, hay Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn vô liêm sỉ doạ dẫm kẻ dưới là tôi vậy.

Tôi rất tự nhiên mà bóc vỏ, tách từng múi quýt bỏ vào miệng.

Ngọt thật!
"Lần này trẫm gọi ngươi đến không phải để chất vấn về thân phận của ngươi...!mà là vì thứ này." Trần Khâm lấy từ đâu ra một chiếc hộp gỗ nhỏ được chạm trổ tinh tế, tuy nhiên nhìn qua cũng biết không phải là đồ mới.

Hai tay nhận lấy hộp gỗ nhỏ, tôi giương đôi mắt chứa đựng ngàn vạn câu hỏi lên nhìn Trần Khâm.

Ông chưa lên tiếng cho phép, tôi đương nhiên không dám mở ra.

Trần Khâm trở về ngồi trên phản, trên mặt như phủ một lớp sương mù, hẳn là đang hồi tưởng lại điều gì đó trong quá khứ.

"Niệm Tâm...!ngươi còn nhớ trẫm từng nói với ngươi về thiếu nữ trẫm từng gặp hai mươi năm trước chứ?"
Ngài nhắc đến thì tôi nhớ ra rồi.

Mười năm trước tôi nhận được sự ưu ái có-một-không-hai từ Hiếu Hoàng Trần Khâm cũng bởi tôi có dung mạo giống với một người bạn cũ của ông.

"Dạ bẩm, Niệm Tâm còn nhớ ạ."
"Trước khi nàng rời đi đã gửi lại trẫm vật đó." Ông nhìn thẳng vào hộp gỗ tôi đang cẩn thận ôm trong tay.

"Đến lúc thật sự buông bỏ, hãy trao lại cho người có duyên."
Rất rõ ràng, Trần Khâm đang lặp lại lời dặn dò của người bạn cũ dành cho ông.

Chỉ có điều...!"người có duyên" là tôi sao? Bởi vì tôi trông giống cô ấy? Tôi đem thắc mắc này hỏi trực tiếp Trần Khâm, ông không do dự mà lập tức gật đầu đồng tình.

"Ngươi cứ mở ra xem đi."
Tôi nghe lời Trần Khâm, cẩn thận tháo chốt, hồi hộp hé nắp chiếc hộp gỗ nhỏ.

Không phải chứ?
Trong hộp gỗ là một chiếc dây buộc tóc scrunchie đen, đã hơi bạc màu.

Hai mắt tôi muốn lồi ra ngoài, cả người dâng lên một cơn ớn lạnh, vừa buồn cười mà vừa sợ hãi.

Cô gái mà Thượng hoàng từng gặp cũng là một người vượt thời gian giống như tôi?
Mọi chuyện như dần sáng rõ trước mắt.

Thảo nào...!Trần Khâm của mười năm trước thấy tôi có những hành động kỳ quặc, nghe tôi nói những chuyện hoang đường cũng không mảy may chớp mắt một cái.

Thì ra...!đó là bởi vì người bạn ấy của ông cũng không khác gì tôi cả!
Chỉ là như Trần Khâm đã nói, duyên gặp gỡ giữa hai người vô cùng ngắn ngủi, ông chỉ gặp được nàng một lần duy nhất.

Tôi cầm chiếc scrunchie giơ lên trước mặt, trong đầu ngàn suy vạn tính cũng không đoán nổi ý nghĩa của thứ này.

Là tín vật định tình giữa Thượng hoàng và cô gái nọ? Trần Khâm không hề che giấu điều gì, ông nhàn nhạt tiết lộ bản thân đã từng cảm thấy "chuếnh choáng" vì nàng, nhưng biết rõ chuyện sẽ không đi tới đâu cả.

Hơn nữa, nàng đã nói với ông rằng đã có người thương ở quê nhà.

Vậy nên, chiếc buộc tóc màu đen này không phải món quà của cô gái dành cho Trần Khâm, mà rất có thể là...!Nàng ấy, bằng cách nào đó biết rằng sẽ có thêm một người vượt thời gian nữa là tôi xuất hiện, nên nhờ Trần Khâm giữ lại?
Đúng là hoang đường hết sức.

Tôi không rõ mình đã rời khỏi cung Trùng Quang như thế nào.

Ý nghĩ có một người cùng thời đại với mình xuất hiện ở nơi này, không rõ là phấn khích hay hoảng sợ.

Nàng ta là kẻ xấu hay người tốt, chiếc buộc tóc kia có ý gì? Trần Khâm nói đã từng cho người bí mật đi tìm kiếm nàng không chỉ một lần nhưng đều không có kết quả.

Tựa như lúc tôi ngã xuống sông rồi quay trở lại thời hiện đại, cô gái ấy cũng hoàn toàn biến mất, không dấu tích.

Mặt trời xuống núi, Hạnh lại là người dẫn đường cho tôi và Đông Ly ra ngoài "bến thuyền nhỏ" của cung Trùng Quang.

Khi lấy lại tinh thần tôi mới nhận ra chiếc thuyền ban chiều đã biến mất, thay vào đó là một chiếc thuyền lớn hơn gấp bội.

Khỏi cần nói cũng biết ai đang ở trong.

Hạnh thực hiện đúng nhiệm vụ, quay người đi mất.

Còn tôi, nếu không chịu lên thuyền thì sẽ phải đi bộ đường vòng, hơn nữa còn không có ai dẫn đường cả.

Suy nghĩ hồi lâu, tôi vén váy, để Đông Ly đỡ lên thuyền.

Bên trong đèn đuốc sáng choang, bàn lớn bày đầy thức ăn.

Trần Thuyên đang ngồi nhắm mắt dưỡng thần, Thành An đứng nghiêm cẩn phía sau, thấy tôi cơ mặt liền thả lỏng, lặng lẽ gật đầu chào hỏi một cái.

Dưới ánh đèn, gương mặt Trần Thuyên tĩnh lặng tựa như một bức tranh.

Nhận ra có người bước vào, anh mở mắt, nụ cười cũng theo đó được vẽ lên rực rỡ chói mắt.

Tôi thở dài, không để ý lễ nghi chào hỏi mà đặt mông ngồi xuống ghế đối diện với anh.

Thành An thấy vậy liền nhanh chóng ra ngoài mạn thuyền, không quên kéo theo Đông Ly.

Trong phòng chỉ còn lại tôi và Trần Thuyên.

Tôi nhìn anh, anh nhìn tôi, không biết phải mở lời như thế nào.

Tránh mặt Trần Thuyên mấy ngày liên tiếp, tôi cũng không hiểu nổi rốt cuộc là vì sao.

Trần Thuyên gắp một miếng thịt đặt vào bát tôi, nháy mắt một cái: "Mới không gặp vài hôm mà trông nàng đã gầy cả người đi rồi."
Tôi phì cười.

Tên nhóc này, rất biết phá tan bầu không khí gượng gạo.

"Tạ ơn Quan gia." Miếng thịt kho này mềm tan, mùi vị không tồi.

Anh thấy tôi không tỏ thái độ tiêu cực như trước, mạnh dạn chuyển chỗ tới gần hơn.

Thật may anh "thức thời" không truy hỏi vì sao lại giận dỗi, nếu không tôi cũng chẳng biết phải trả lời như thế nào, khéo lại tiếp tục giận cá chém thớt mà mặt nặng mày nhẹ với anh.

Kể cũng lạ.

Đứng ở nơi xa xôi nhìn thấy anh liền tức giận, nghe người khác nhắc tới anh cũng tức giận, nhưng khi đã gặp mặt rồi thì tất thảy phiền não tôi đều vứt ra sau đầu.

Ngay cả việc cá cược mà Huệ vũ Quốc Chẩn nhắc tới tôi cũng nuốt vào bụng, không muốn lôi ra tranh cãi làm gì cho mệt não.

Tôi nói: "Thượng hoàng biết tôi là Niệm Tâm của mười năm trước."
Sau đó nhìn anh thật sâu.

Trần Thuyên khựng lại, đáp: "Không lạ.

Nguyễn Tái vẫn luôn trao đổi thư từ với phụ hoàng."
Tôi mím môi, cho đến hiện tại những người biết tôi "không bình thường" đã có Thượng hoàng Trần Khâm, ông vua con Trần Thuyên, Học sĩ Nguyễn Tái và cậu em trai Đoàn Nhữ Hài.

Tất cả đều có điểm chung là chưa từng truy hỏi gì về câu chuyện phía sau thân phận của tôi.

Giống như Nhữ Hài không hỏi tôi đã khiến thân thể của chị gái cậu sống lại bằng cách nào, thì Trần Thuyên cũng không hỏi vì sao ngày ấy tôi có thể biến mất một cách hoàn toàn như vậy.

Còn lại...!tôi có cảm giác như Thượng hoàng và Nguyễn Tái đã biết được điều gì đó nhưng họ mặc kệ, bởi vì đây "là điều nhất định phải xảy ra".

Trần Thuyên thấy tôi không nói gì liền trở nên chuyên tâm gắp thức ăn vào bát tôi, nhận xét món này tốt cho tiêu hoá ra sao, món nọ giúp thanh nhiệt giải độc thế nào.

Ăn được vài miếng thì đã cập bến cung Chiêu Thành, quãng đường từ cung Trùng Quang trở về đúng là rất ngắn ngủi.

Đích thân Trần Thuyên nắm lấy tay tôi, đỡ tôi bước lên bậc đá, vốn định cùng tôi vào hóng gió một lúc nhưng nghĩ thế nào lại dừng bước.

Anh mỉm cười: "Ba ngày nữa sẽ tổ chức một trận mã cầu, giữa giờ Mão là phải ra sân rồi.

Ta dặn nàng trước, chớ ngủ quên."
"Hở?" Trong đầu tôi quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là chiếc dây buộc tóc, hoàn toàn không để tâm tới lời nói của Trần Thuyên.

Anh cong ngón tay, khẽ gõ lên trán tôi một cái: "Nhớ ngủ sớm." Sau đó chui lại vào thuyền, không chờ tôi hồi đáp.

Chúng tôi vừa vào gian chính thì trời đổ mưa.

Từng hạt nặng nề trút xuống, mùi đất sộc lên cũng dần nhạt hơn.

Tôi tắm gội xong thì tự mình lau khô tóc, đứng cạnh cửa sổ cố gắng dõi mắt ra xa.

Cơn mưa bất chợt này đã giúp đầu óc thanh tỉnh hơn đôi phần.

Tôi vứt khăn lên sạp, tranh thủ lúc Đông Ly đang ở gian sau liền cẩn thận mở hộp gỗ nhỏ.

Chiếc scrunchie vẫn nằm yên, tôi nhấc lên, sờ nắn một hồi.

Cuối cùng cũng phát hiện ra điểm kỳ lạ.

Mặt trong của chiếc scrunchie bị rạch một đường nhỏ, tôi cẩn thận tách vệt cắt ra từng chút một.

Tim đập từng hồi như gióng trống khua chiêng, tôi moi ra được một cuộn giấy bé xíu.

Xem ra thứ này mới là mấu chốt.

Bên ngoài sấm rền vang, dưới ánh đèn mờ tôi vẫn có thể nhìn rõ lời nhắn được viết bằng mực đen, trên mảnh giấy như được xé vội.

"Hiện tại: 201"
Là chữ Quốc ngữ, không còn bàn cãi gì về thân phận người hiện đại của cô gái ấy nữa.

Chỉ có điều...!chữ xấu kinh người, có lẽ là vì phải ngoáy vội ngoáy vàng để kịp gửi gắm cho Trần Khâm.

"Hiện tại" là là "hiện tại" của nàng hay của tôi?
"201" có ý nghĩa gì?
...!
Có thứ để bận rộn suy nghĩ, thời gian liền trôi qua vùn vụt.

Đông Ly dậy từ rất sớm, chân bước khẽ khàng.

Tôi choàng tỉnh, liếc nhìn ra phía cửa sổ.

Vệt hồng nhạt đã lan ra toàn bầu trời, chim hót lanh lảnh.

Con bé vén màn, cười bảo: "Mấy nay cô dậy sớm quá.

Mau chuẩn bị thôi, lát nữa chúng ta ra sân mã cầu."
Tôi đã quên béng lời dặn của Trần Thuyên từ khi nào rồi.

Suốt mấy ngày qua ngủ không yên giấc, lòng như lửa đốt, tâm trí dán chặt vào lời nhắn của cô gái bí ẩn nọ.

Tôi không nghĩ tất cả chỉ là trùng hợp.

Không biết bằng cách nào, có lẽ nàng ta biết tôi – một người vượt thời gian giống nàng – có mặt tại Đại Việt ở thời điểm này.

Nàng gửi lại chiếc dây buộc tóc ở chỗ Thượng hoàng, chắc chắn rằng tôi sẽ nhận được và cũng sẽ đọc được lời nhắn.

Bởi vậy, hiện tại mà nàng ta viết chính là hiện tại của tôi.

Nhưng còn...!201?
Mơ mơ màng màng thay quần áo, tôi và Đông Ly nhanh chóng rời khỏi phòng, lại gặp Thánh Bà phu nhân một thân áo Tứ Điên màu thiên thanh, trên mặt dù đã trang điểm nhưng cũng không che giấu nổi nét nhợt nhạt.

Còn chưa kịp quỳ thì cô ta đã phất tay, giọng nhẹ như gió: "Mau đi thôi, đến muộn lại phải chịu phạt đó."
Không còn thái độ thù địch như lần trước là tốt, nhưng không hiểu sao tôi lại cảm thấy Thánh Bà chỉ muốn tránh thật xa tôi ra mà thôi.

Sân mã cầu nằm ở cung Đệ Nhị, không rõ quy mô rộng bao nhiêu mét nhưng cũng gọi là hoành tráng.

Sân mã cầu tương tự với sân bóng đá, có cầu môn hai đầu sân, được sơn đỏ chót.

Phía ngoài dựng đài cao làm nơi xem thi đấu, được phân chia vị trí ngồi theo đúng thân phận.


Tôi rất biết điều, tự động kéo Đông Ly vào góc khuất nhất trên đài.

Chủ yếu là vì tôi buồn ngủ tới díp mắt, lo rằng mình sẽ gật gù khi ở cạnh một đám vương tôn quý tộc, điều này rất mất mặt.

Mã cầu, nghe tên là đoán được cách chơi.

Những người tham gia được chia thành hai đội, được gọi là "đấu thủ".

Các đấu thủ ngồi trên lưng ngựa, dùng côn dài chuyền bóng da cho nhau, bên nào đánh được nhiều bóng vào cầu môn của đối phương hơn thì chiến thắng.

Tôi mắt nhắm mắt mở, tựa vào người Đông Ly ngáp một cái thật dài.

Cả người cô run lên, giọng cao vút: "Quan gia...!quan gia ra sân rồi!"
Trần Thuyên diện một bộ viên lĩnh gọn gàng màu tía, tóc búi cao, nhàn nhã thúc ngựa tới giữa sân.

Phong thái này, diện mạo này...!đúng là một liều thuốc giúp tôi tỉnh táo bội phần.

Phía sau Trần Thuyên còn vài người nữa, tôi chỉ nhận ra Thành An.

Tôi dõi theo Trần Thuyên từ phía xa, chỉ thấy anh nhìn lên khán đài, hai mày nhíu chặt lại.

Trần Thuyên quét mắt một lượt, cuối cùng cũng tìm thấy tôi ngồi co rúm một góc.

Anh nở nụ cười rực rỡ, tôi liền giơ lên ngón tay cái, miệng mấp máy: "Chúc may mắn!".

Còn lại cũng chẳng cần biết anh có hiểu không.

Đội đối thủ của Trần Thuyên hôm nay do Huệ Vũ Quốc Chẩn dẫn đầu, cũng là một thiếu niên điển trai hết sức.

Đến Đông Ly ngồi cạnh tôi còn phải suýt xoa khen ngợi (đương nhiên là vẫn xếp sau Trần Thuyên và Thành An, theo lời cô trần tình).

Cậu ta cưỡi ngựa, mặc nguyên một thân áo trắng, nổi bật nhất trên sân.

Đúng là đồ đầu đất.

Mấy ngày trước cứ đến nửa đêm là mưa lớn, ngựa chạy trên sân thế nào cũng bị bắn đất bẩn lên, thế mà vẫn mặc áo trắng.

Hai đội xếp hàng đối đầu nhau, có một viên quan gì đó ôm bóng đứng giữa phát biểu.

Trước đó tôi còn quyết tâm mình phải quan sát bằng được trận đấu này, nhưng cuối cùng với tinh thần không đam mê thể thao cho lắm kết hợp với việc buồn ngủ phát điên thì cả tiếng trống cổ vũ, tiếng hò reo trên khán đài cũng không cản nổi mí mắt tôi sụp xuống.

Phải, tôi ngủ quên.

Một giấc ngủ sâu đến mức tất cả những tiếng động xung quanh cũng không thể ảnh hưởng.

Cũng may do chúng tôi tới sớm, lại ngồi trong góc nên không ai để ý cả.

Tôi dựa vào vai Đông Ly, thi thoảng trong mơ màng sẽ nghe tiếng cô nàng hô hào.

"Trời ơi đức Huệ Vũ ghi bàn rồi!"
"Anh Thành An...! Mau mau bọc hậu cho Quan gia!"
"Ối trời ơi..."
Tôi đập đập tay Đông Ly, cằn nhằn: "Nói nhỏ chút để người ta ngủ xem nào."
"Không xong rồi!" Đông Ly đứng bật dậy, tôi mất đà ngã dúi dụi xuống đất.

Cô vội vã kéo tôi lên, run rẩy: "Quan...!quan gia và đức Huệ Vũ ngã ngựa rồi!"
Tình hình loạn lạc chưa từng có.

Phía Huệ Vũ Quốc Chẩn đã nắm chắc phần thắng nhưng Trần Thuyên có vẻ không cam lòng.

Hai người giằng co một phen, cuối cùng kéo nhau ngã xuống đất.

Tôi cùng Đông Ly dắt díu nhau chạy đến, chen vào trong vòng tròn.

Đến nơi thì hai anh em Trần Thuyên đã được khiêng đi, một vị y quan già đang đứng chắp tay bẩm báo với Thượng hoàng.

"Dạ bẩm, Quan gia phúc lớn, chỉ xây xát nhẹ.

Còn đức Huệ Vũ cũng chỉ bị chấn thương phần mềm, giờ thần sẽ quay về Y cục lấy thuốc xoa bóp."
Trái với vẻ mặt nhẹ nhõm của tất cả mọi người, tôi lại chú ý tới gân xanh đang nổi trên trán Trần Khâm.

Do hai đứa con quá hiếu chiến, gây gổ nhau tới mức suýt bị thương nên ông bố già này tức giận sao?
Thượng hoàng phất áo rời đi, đám láo nháo chúng tôi cũng không còn gì hóng hớt.

Mặc dù vị quan già kia nói Trần Thuyên không có chuyện gì nhưng đương nhiên tôi không thể không đến ngó anh một cái cho yên tâm.

Nãy giờ không thấy Thánh Bà phu nhân, thì ra cô ta đã sớm chạy đến cung Trùng Hoa từ lúc nào.

Khi tôi gần đến nơi thì thấy Thánh Bà đang đứng trân trân ngoài cửa lớn, vẻ mặt gượng gạo không tự nhiên.

Tôi khom người hành lễ, sau đó tò mò hỏi: "Phu nhân không vào sao?"
"Ừ...!Thượng hoàng đang ở trong đó." Thánh Bà dở khóc dở cười đáp.

Nhằm chứng minh cho lời nói của cô ta, phía trong vọng ra tiếng quát rất dữ dội.

Hiển nhiên cơn giận khi nãy của Thượng hoàng Trần Khâm không hề tầm thường.

Ngoài ra, điều này cũng có nghĩa là Trần Thuyên thật sự không sao cả, hoàn toàn khoẻ mạnh và có thể hứng chịu được cơn thịnh nộ của cha già.

Phước Lộc từ trong chạy ra thông báo hiện tại quan gia đang có việc phải bàn bạc cùng Thượng hoàng nên không thể tiếp ai, mời chúng tôi ra về.

Tôi vốn định đi thăm Trần Quốc Chẩn, nhưng nghĩ thân phận quả thực không phù hợp nên chỉ nói Đông Ly đi hỏi thăm.

Tôi cùng Thánh Bà phu nhân quay về cung Chiêu Thành, dọc đường không nói gì với nhau.

Qua vài lần gặp mặt, tôi xác định được cô ta thật sự không có định kiến gì với tôi cả.

Thái độ của Thánh Bà rất dửng dưng, thậm chí cả những lúc có người vô tình nhắc đến Trần Thuyên.

Giống như...!cô ta chỉ làm đúng thân phận phu nhân của mình mà thôi.

Thông tin về hậu cung của Trần Thuyên tôi không nắm được nhiều.

Không phải là không tìm hiểu được, chỉ là tôi không muốn nghe.

Trần Thuyên có không ít vợ nhưng vị trí hoàng hậu vẫn bị bỏ trống từ khi anh lên ngôi và người đang quản lý hậu cung phi tần chính là Thánh Bà phu nhân.

Ngoài ra còn một vị hoàng phi tiếng tăm lừng lẫy nữa gọi là Huy Tư, nghe nói cũng là tuyệt sắc giai nhân.

Lần này Thánh Bà phu nhân được Trần Thuyên đặc biệt cho phép tới hành cung nghỉ dưỡng một thời gian là bởi sức khoẻ của cô dạo gần đây rất kém.

Thánh Bà phu nhân chính là mẫu phi của vị hoàng tử thứ ba vừa mới qua đời.

Có lẽ đây cũng là lý do mà lúc nào cô cũng mang một gương mặt buồn bã, mỏi mệt.

Tôi ngắm nhìn bản thân trong gương đồng, thở dài một cái như muốn trút hết cả nỗi niềm nhân gian.

Với dung mạo này mà muốn đấu đá trong hậu cung thì e rằng không nổi.

Hai ngày trôi qua, Quan gia nghe lời Thượng hoàng răn dạy, đóng cửa tịnh tâm.

Bởi vậy mà tôi cũng không gặp được anh, chỉ ngoan ngoãn ở trong phòng nghiên cứu lời nhắn bí ẩn của mình.

Mới qua giờ Ngọ, nắng vẫn trên đỉnh đầu.

Có tiếng gõ cửa rất khẽ.

Thành An đứng ngoài, nét mặt ngưng trọng.

"Quan gia cho mời tiểu thư." Y trầm giọng nói.

Tôi và Đông Ly vội vã theo y lên thuyền, một đường đi thẳng tới cung Trùng Hoa.

Ngày trước thì Thượng hoàng nổi giận, đến nay không biết lại xảy ra thêm chuyện gì.

Nhớ buổi tối hôm ấy Đông Ly đi dò la, kể rõ ràng tình huống khi hai anh em họ Trần kia ngã ngựa cho tôi nghe.

Do đất khá xốp nên họ không bị thương nặng, chỉ là là Trần Thuyên lại bị rách quần.

Tôi nghe đến đây thì ôm bụng cười nắc nẻ khiến Đông Ly vô cùng bức xúc.

Chuyện này không nhiều người biết, tôi đoán không ra Đông Ly đi hóng hớt được ở đâu kể lại.

Đại khái Thượng hoàng vốn rất lo lắng, nhưng khi xuống đến sân nhìn thấy Quan gia bị rách quần thì hai mắt như thét ra lửa giận.

Trần Thuyên đương nhiên cảm nhận được, vội trèo lên cáng để bọn nội quan khiêng đi thật nhanh.

Chuyện sau đó thì tôi đã biết, Thượng hoàng quát mắng Quan gia, sau đó bắt Quan gia đóng cửa suy nghĩ.

Bên cạnh đó thì sức khoẻ của Trần Quốc Chẩn cũng không có gì đáng lo ngại, nghe nói đã có thể chạy nhảy tưng tưng rồi.

Thành An dẫn tôi và Đông Ly đi qua chính điện, qua thư phòng, qua cả nội điện rồi dừng chân tại một khoảng sân nhỏ trong cung Trùng Hoa.

Nơi này cũng có một cây liễu, tán lá dài mềm mại rủ xuống.

Ở đó có một chiếc chõng tre, Trần Thuyên ngồi khoanh chân, tay gõ nhịp trên đùi.

Tôi nhìn Đông Ly, rồi lại nhìn Thành An, sau đó khom người hô lên: "Quan gia muôn tuổi!"
Trần Thuyên bật xuống đất, đỡ lấy tôi rồi cười hì hì: "Nàng đến rồi, mau ngồi xuống đây."
Trông dáng vẻ nhàn tảng này thì không có việc gì nghiêm trọng đâu ha?
Tôi quay đầu lại mới phát hiện ra Thành An đã dẫn Đông Ly đi đâu mất dạng.

"Khi nãy...!Thành An trông rất đáng sợ.

Tôi còn tưởng Quan gia đã gặp phải chuyện gì." Tôi nhận lấy chén nước từ tay Trần Thuyên, giọng có chút giận dỗi.

Anh ngẩn người, cười phá lên: "Ta chỉ dặn y rằng phải mời bằng được nàng qua đây, chắc vì vậy mà y mới giả vờ rằng có vấn đề gì đó để nàng không thể từ chối."
Một người trầm tĩnh như Thành An mà cũng biết giở trò trò gian xảo, chín phần là do Trần Thuyên xúi giục.

Vừa mới nhấp môi đã thấy vị cay xè xộc lên mũi, tôi vội đưa chén nước lên mũi ngửi, thấy hương hoa cúc thoang thoảng.

Tôi kêu lên thất thanh: "Đây...!đây là rượu mà?"
Trần Thuyên hào hứng bảo: "Đúng rồi, là Cúc Hoa Tửu, nàng nếm thử đi."
Tôi híp mắt nhìn anh, nhất quyết không chịu.

Trần Thuyên liền bày ra vẻ mặt đáng thương: "Nay ta có chuyện vui nên muốn cùng nàng uống chén rượu.

Vậy mà..."
Trước nay Trần Thuyên luôn mang trên mình dáng vẻ nghiêm cẩn, tôi lại quên mất rằng trong lịch sử có ghi lại rõ ràng anh là một tên bợm rượu.

Hoàng đế uống rượu say đến mức suýt mất ngôi, đúng là chuyện có một không hai.

Anh bĩu môi tỏ vẻ tủi thân, xoay xoay cái chén trong tay.

Tôi lườm anh một cái, ngửa đầu uống trọn chén rượu.

Rượu hoa cúc trôi xuống cổ họng, như thiêu như đốt.

Trong miệng chỉ còn đọng lại vị hoa ngọt lành, cả người tôi như bừng tỉnh, tràn đầy sức sống.

"Được rồi, có chuyện gì mà khiến Quan gia vui tới mức này?" Tôi nhăn mặt hít hà, đặt chén xuống.

Động tác của Trần Thuyên hơi ngưng lại, ánh mắt loé lên tia gian trá: "Nay Quốc Chẩn đã làm giúp ta làm một việc."
"Ồ." Quả là anh em ruột thịt, khi ganh đua tới ngã lăn trên sân bóng, lúc lại thân thiết như chưa từng có cuộc chia ly.

Tôi có nên nhân dịp này mà hỏi tội anh vụ cá cược ngày đó không nhỉ?
Trần Thuyên ngẩng đầu lên trời lẩm bẩm: "Giờ này chắc cũng xong rồi."
Tôi lại hỏi: "Xong cái gì?"
Anh quay sang nhìn tôi, chần chừ một lúc lâu rồi mới đáp: "Cái này...!thôi cứ nói cho nàng nghe trước vậy.


Chuyện là..."
Chuyện là hôm nay Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn chính thức gia nhập hội những người đàn ông hổ báo họ Trần, sau khi thực hiện một nghi lễ không mấy long trọng: Xăm mình.

Khi nghe Trần Thuyên nói đến đây, tôi lập tức lục lọi trong đầu chút kiến thức lịch sử ít ỏi mà mình đã dung nạp trước đây.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, có một lần Thượng hoàng Trần Nhân Tông ngự tại cung Trùng Quang, gọi vua Trần Anh Tông đến chầu.

Thượng hoàng vốn đã cho thợ xăm đợi ngoài điện, chuẩn bị sẵn sàng để xăm cho Trần Anh Tông.

Ai ngờ đâu vua nhân lúc Thượng hoàng không để ý liền lẻn về cung Trùng Hoa của mình.

Sau Thượng hoàng biết liền bảo: "Quan gia đã trốn rồi chăng? Thế thì xăm cho Huệ Vũ Quốc Chẩn vậy."
Nghe giống như một trò đùa.

Vậy lẽ nào việc mà Trần Quốc Chẩn giúp Trần Thuyên chính là nó?
Tôi vội giục Trần Thuyên kể tiếp, muốn biết vì sao lại gọi là "nghi lễ không mấy long trọng".

Anh uống cạn mấy chén rượu, lời ra trôi chảy hơn, tôi vì mải nghe cũng không kém phần, đã bắt đầu thấy trước mặt chao đảo rồi.

Trần Thuyên nói, mọi thứ đều bắt nguồn từ cái ngày mà tôi mất tích của mười năm trước.

Sau khi tôi ngã xuống lòng sông và biến mất, Trần Thuyên cũng cuống cuồng lao theo.

Một đám thị vệ to cao lực lưỡng nhưng không ai giữ nổi một cậu nhóc mười ba tuổi.

Trần Thuyên được vớt lên, uống no một bụng nước.

Sau đó anh vì nhiễm lạnh phát sốt, nằm mê man suốt mấy ngày trời.

Đó là những ngày tháng kinh hoàng đối với Trần Thuyên mà tôi chưa từng được nghe kể.

Vừa bị đả kích về tinh thần khi tận mắt chứng kiến một con người bằng xương bằng thịt bỗng dưng không còn dấu tích, vừa phải chịu nỗi đau thể chất - toàn thân đau đớn, thậm chí có lúc còn mê sảng gọi tên tôi.

(Riêng việc tôi "mất xác" ngay trước mắt bao nhiêu con người, Thượng hoàng đã đích thân ra tay dẹp loạn bằng cách tung tin đồn là đã tìm thấy xác tôi đâu đó ở thượng nguồn.

Tôi đoán ông xử lý tin tức tôi mất tích khá dễ dàng vì đã từng trải qua chuyện tương tự.)
Trần Thuyên sốt cao nhiều ngày không dứt, hôm nào thái y cũng phải châm cứu.

Và...!chính vì vậy mà một Trần Thuyên cao to khoẻ mạnh lại trở nên sợ ngân châm, hay trong mắt người khác là "sợ đau".

Thực tế, việc bị kim đâm vào người đã tạo nên một nỗi ám ảnh đối với anh: Là sự sợ hãi khi tôi biến mất kết hợp cùng cơn sốt nhiều ngày dai dẳng.

Theo lệ, vua nhà Trần khi tới tuổi trưởng thành sẽ phải trải qua một lễ xăm mình nho nhỏ.

Trần Thuyên không kể chi tiết, chỉ nói rằng anh tìm người vẽ lên bắp đùi, thành công qua mắt Thượng hoàng.

Chỉ không ngờ trong trận mã cầu vừa rồi lại ngã ngựa rách cả quần, lộ ra phần đùi trắng hếu.

Tuy vội vã che giấu nhưng không thoát nổi cặp mắt cú vọ của cha già.

Thượng hoàng nổi cơn thịnh nộ, phạt Trần Thuyên đóng cửa suy ngẫm đồng thời lệnh ba ngày sau sẽ gọi thợ xăm đến để anh thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.

Nếu không phải vì Trần Thuyên đang nghiêm túc kể chuyện thì chắc tôi đã lăn đùng ra cười rồi.

Và có nghĩa là "ba ngày sau" – tức hôm nay, Trần Thuyên đã làm cách nào đó lừa được Trần Quốc Chẩn đến cung Trùng Quang thế thân cho mình, và theo tính toán thời gian thì giờ "ván đã đóng thuyền".

Khi tôi hỏi lý do tại sao lại nhất quyết khiến Trần Quốc Chẩn mắc bẫy chịu xăm hộ, Trần Thuyên tỏ ra rất sung sướng.

Vốn là hai anh em rất thích cá cược với nhau, phần thưởng không có gì đặc biệt, quan trọng là danh dự của bản thân.

Hai người có thể cá cược bất cứ thứ gì, từ việc dẫn quân đánh Ai Lao sẽ bắt được bao nhiêu tù binh, và cho đến chuyện Trần Quốc Chẩn có thể khiến tâm trạng khó chịu của tôi đỡ hơn chút nào không.

Bị họ lôi ra làm trò đùa như vậy nhưng tôi lại chỉ thấy buồn cười.

Đại khái cả trận đấu mã cầu cũng là Trần Thuyên và Trần Quốc Chẩn cá với nhau.

Ai ngờ đâu Trần Thuyên lại thua liên tiếp mấy lần, có lẽ là quá cay cú nên mới lôi Trần Quốc Chẩn ra làm thế thân cho mình.

Nói cho cùng cậu nhóc mười bảy mười tám tuổi làm sao so được với anh trai đã làm hoàng đế bảy năm trời chứ.

Nghĩ đi nghĩ lại, đúng là hoàng đế của Đại Việt thì không thể "sợ đau" được.

Nguyên do ở phía sau chỉ là một nỗi sợ liên quan đến tâm lý mà thôi.

Tôi bật cười, tự tay rót một chén thật đầy cho Trần Thuyên và cả cho mình.

Việc anh sẵn sàng phơi bày tính cách của bản thân trước tôi, đã khiến mọi nỗi bất an chìm xuống.

Tôi trân trọng khoảnh khắc này, khi tôi và anh ngồi cùng ngồi dưới nhành liễu xanh, gió thổi dịu dàng.

Bốn phía yên ắng như đã được dặn dò, dưới bầu trời này chỉ có chúng tôi.

Bầu rượu đã vơi, tôi cảm nhận được hai má mình nóng rát.

Say rượu trong cung Trùng Hoa có vẻ không ổn lắm thì phải.

Trần Thuyên tuy uống nhiều hơn tôi nhưng trông vẫn khá tỉnh táo, chỉ thi thoảng há miệng cười rất ngốc nghếch.

Do tác động của rượu, tôi thấy mình khá dũng cảm.

T
ôi lao đến, hai tay bẹo má Trần Thuyên rồi nghiến răng: "Hừ, ta cấm Quan gia không được uống say trước mặt người con gái khác!"
Trần Thuyên sững sờ, quên cả kêu la vì bị tôi tấn công mà chỉ gật đầu như gà mổ thóc.

"Nàng say rồi sao?" Anh dùng hết sức lực nhưng cũng không thể thoát khỏi gọng kìm của tôi.

"Đố biết." Tôi cười hì hì.

Chẳng qua là mượn rượu nói lời trong lòng mà thôi.

"Niệm Tâm, ta..."
Thành An và Đông Ly đột ngột xông vào, không hẹn mà cùng đưa hai tay lên che mắt lại.

Tôi vội nhảy xuống đất, Trần Thuyên nghiêng người đỡ, cuối cùng cả hai đập trán vào nhau đau điếng.

Thành An nói như một cái máy: "Bẩm Quan gia, Hữu Bình vừa quay về báo tin.

Thượng hoàng đang cùng Huệ Vũ vương đi thuyền về phía cung Trùng Hoa."
Đã dám gây chuyện thì đương nhiên phải có gan chịu tội.

Trần Thuyên nhẹ nhàng đỡ tôi đứng dậy, đừng thấy trông dáng đứng thẳng tắp như tùng kia mà tưởng nhầm, tôi dám chắc anh cũng bảy, tám phần say tới nghiêng ngả.

Vẻ mặt Trần Thuyên vẫn khá bình tĩnh, chỉ hỏi: "Nhữ Hài đến chưa?"
"Dạ bẩm, Trung tán đang chờ ở thư phòng."
"Tốt lắm." Anh mỉm cười, đoạn quay sang tôi.

"Nàng quay về trước đi, mai ta tới gặp nàng."
Tôi giữ tay áo Trần Thuyên, lo lắng hỏi: "Quan gia lôi em trai tôi đến làm gì thế?"
Anh liền xoa đầu tôi: "Nhữ Hài là kẻ lắm lý lẽ, lần này ta muốn thử sức cậu ta."
Thành An lại lên tiếng giục giã, nói Thượng hoàng đã đi được nửa đường rồi.

Trần Thuyên sai người lấy một chiếc kiệu nhỏ đưa tôi về, một là vì tôi cũng không thể đi đứng bình thường được nữa và thứ hai là để tránh đụng phải thuyền của Thượng hoàng.

Không thể giằng co thêm, tôi đành dẫn Đông Ly quay về cung Chiêu Thành.

...!
Tôi ngủ tới là say sưa, bỏ cả bữa tối, khi tỉnh giấc thì nắng đã trải dài trên bậc cửa.

Đúng lúc Đông Ly đi từ bên ngoài vào, cười nói: "Quan gia đang chờ ở ngoài đó ạ."
Ôm đầu lắc lư một hồi, tôi than thở, hôm qua đúng là uống nhiều rượu quá.

Trong lúc Đông Ly chuẩn bị nước nóng để vệ sinh cá nhân, tôi rón rén đi đến gần cửa rồi ngó ra ngoài.

Đích thực là Trần Thuyên đã đến, đang trò chuyện với ai đó thì phải.

Tôi đổi góc nhìn, phát hiện ra người đang đứng cạnh anh chính là Thánh Bà phu nhân.

Thật kỳ lạ, trông thấy hai người họ đứng cạnh nhau mà tôi không hề khó chịu, chỉ cảm thấy cảnh tượng trước mắt không có chút nào ăn nhập với nhau.

Vẻ mặt Trần Thuyên không có lấy một chút cảm xúc, hoàn toàn dửng dưng.

Thánh Bà phu nhân cũng chẳng tỏ vẻ ngượng ngùng, phần lớn thời gian chỉ cụp mắt, không nhìn Trần Thuyên lấy một cái.

Khi tôi chuẩn bị xong xuôi, ra ngoài đã không thấy Thánh Bà đâu nữa.

Trần Thuyên vừa thấy tôi đã mỉm cười, bước nhanh về phía tôi ân cần hỏi: "Có bị đau đầu không?"
Tôi đáp: "Chỉ hơi đau một chút, khi về tôi đã uống canh giải rượu rồi.

À, hôm qua..."
"Chuyện đó để sau này ta sẽ kể cho nàng nghe.

Lại đây." Trần Thuyên dẫn tôi đi về phía bàn đá, tôi không nhận ra nét mặt anh đã có chút thay đổi.

"Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,
Để trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.
Cha còn cắt cỏ trên trời,
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.
Ông thì cầm bút, cầm nghiên,
Ông thì cầm tiền đi chuộc lá đa."
Trần Thuyên đọc một lèo, sau đó hắng giọng, uống cạn một chén trà.

Tôi nhíu mày: "Bài đồng dao này..."
Anh lắc đầu: "Là do hung thủ để lại.

Phủ Kiểm pháp đã tiếp nhận nạn nhân tiếp theo rồi.".


— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.