Mãi Không Nhắm Mắt

Chương 6



Buổi chiều, Âu Khánh Xuân gọi điện cho một người bạn học cũ đang công tác tại Cục Dự thẩm thành phố, nhờ tìm giúp tài liệu thẩm vấn về mấy vụ án buôn ma túy lớn mấy năm trước đó. Người bạn này hỏi cô tìm những tài liệu đó để làm gì, cô nói lấp liếm rằng trong tay mình đang có một vụ án, muốn tìm một ít tài liệu có liên quan. Người bạn trả lời rằng, những tài liệu thẩm vấn ấy là chứng cứ nên đã kẹp vào trong hồ sơ của phạm nhân và đã chuyển cho Viện Kiểm sát trước khi khởi tố. Sau khi tuyên án, những hồ sơ ấy lại được chuyển đến nơi phạm nhân lao động cải tạo, muốn xem thì phải tìm đến nơi ấy.

- Cậu có quen với ai ở trại cải tạo không?

- Cậu xin một tấm giấy giới thiệu, trực tiếp đến đó là được thôi.

- Những người ở chỗ mình không coi trọng vụ án này, do vậy tự mình sẽ đến đó.

- Ôi chao! Cậu định lập công một mình à?

- Giúp nhau một tí đi, nhất định cậu có người quen ở đó.

- Chỗ mình có qua lại rất thân thiết với trại cải tạo, mình sẽ giúp cậu hỏi thử xem sao.

Sau hơn một giờ đồng hồ, người bạn gọi điện đến thông báo rằng, muốn xem hồ sơ vụ án cũng lắm điều phiền phức, buộc lòng phải qua một số thủ tục, chi bằng cứ tìm mấy phạm nhân đang thi hành án mà hỏi, muốn biết điều gì thì hỏi trực tiếp.

Quả là một gợi ý không tồi, so với chuyện lục lọi trong hồ sơ thì nhanh gọn hơn nhiều. Sáng sớm hôm sau, Khánh Xuân căn cứ vào địa chỉ người bạn đã cung cấp, đi xe gần hai tiếng đồng hồ ra tận nông trường cải tạo lao động Đoàn Hà ở ngoại ô. Giữa đường, trời bắt đầu đổ mưa. Khánh Xuân không mang áo đi mưa theo nên khi xe dừng, cô vội vã chạy dưới mưa nấp vào một cửa hiệu tạp hóa nhỏ. Chỉ có mấy chục mét nhưng quần áo của cô gần như ướt nhèm. Đứng dưới mái hiên của hiệu tạp hóa, cô buồn bã chờ đợi trời tạnh mưa. Mưa lúc to lúc nhỏ kéo dài đến gần trưa mới ngớt. Lội trong bùn đất đặc sệt, cô lần dò hỏi đường đến nông trường. Rõ ràng là vị cán bộ quản giáo ở đây có quan hệ rất tốt với người bạn học của Khánh Xuân nên không chờ cô trình bày lý do đã chủ động đưa cô đến phòng giam. Thậm chí khi ngồi trong phòng làm việc của nhà giam, anh ta còn gọi đến một hộp cơm mời cô, sau đó thì gọi lần lượt những phạm nhân đến cho cô gặp.

Phạm nhân đầu tiên là một gã thanh niên khoảng hơn hai mươi tuổi, gầy như một que củi, đi đứng cứ xiêu xiêu vẹo vẹo như một ngọn cỏ khô gặp phải gió đông. Khánh Xuân yêu cầu gã ngồi xuống ghế, hỏi chiếu lệ vài câu về nguyên nhân phạm pháp, thời gian chấp hành án... rồi trực tiếp đi thẳng vào vấn đề mà cô quan tâm:

- Cậu có nghe qua cái tên “La Trường Thoái” bao giờ chưa?

- Có nghe nói!

- Hắn làm gì?

- Không biết làm gì, chỉ nghe qua cái tên ấy mà thôi. Ở vùng này, cái tên ấy xứng đáng để mọi người phải biết, rất nổi tiếng!

- Thế thì, cậu đã từng nghe nói đến một thuộc hạ của hắn có tên là Hồ Đại Khánh? Hồ Đại Khánh, cậu có nghe ai nhắc đến cái tên này chưa?

Khuôn mặt còm nhom của phạm nhân lộ vẻ suy nghĩ. Khánh Xuân căng thẳng nhìn vào cái miệng của gã. Lâu lắm, cái miệng ấy mới nhấp nháy:

- Không biết!

- Có nghe nói đến cái tên này bao giờ chưa?

- Chưa hề nghe!

Khánh Xuân lấy tấm ảnh không mấy rõ ràng của Hồ Đại Khánh ra đưa cho gã. Phạm nhân vươn chiếc cổ dài ngoẳng ra nhìn thật chăm chú rồi cuối cùng cái miệng ấy cũng mấp máy:

- Không nhận ra!

Sau hai mươi phút, cuộc nói chuyện không mang lại kết quả gì với phạm nhân thứ nhất kết thúc một cách thật đơn giản. Phạm nhân kế tiếp trên dưới bốn mươi tuổi, cũng gầy quắt và có vẻ bệnh tật, ngồi trước mặt Khánh Xuân mà run bắn lên từng hồi. Đầu tiên cô cũng hỏi về “La Trường Thoái”, phạm nhân trả lời là có nghe nói nhưng chưa hề gặp mặt. Hỏi về Hồ Đại Khánh, gã lại nói là không hề nghe nói và cũng không hề quen biết. Khi đưa tấm ảnh Hồ Đại Khánh ra, phạm nhân run rẩy xem thật kỹ, xem xong thì nhè nhẹ lắc đầu. Khánh Xuân đã bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng.

Phạm nhân thứ ba bước vào phòng lại là một gã đàn ông rất khôi ngô và cường tráng, đôi chân lấm lem bùn. Viên cán bộ quản giáo đứng trước mặt phạm nhân, cười và nói với Khánh Xuân:

- Hai thằng vừa rồi là hai con nghiện ma túy, vừa bán vừa hút. Còn tay này chỉ bán mà không hút, cô xem, thân xác của bọn chúng hoàn toàn khác nhau!

Khánh Xuân đưa mắt quan sát thân hình lực lưỡng của phạm nhân, gã cũng nhìn thẳng vào mặt cô, hình như những lời bình phẩm vừa rồi của cán bộ quản giáo không làm cho gã chú ý. Khánh Xuân không bắt đầu hỏi như với hai gã trước mà cô đưa ngay tấm ảnh Hồ Đại Khánh cho gã này xem.

- Có biết người này không?

Phạm nhân liếc nhìn tấm ảnh, chậm rãi nói:

- Người này có phải họ Triệu không?

Tim Khánh Xuân đập mạnh:

- Họ Triệu, tên gì?

Phạm nhân nhíu mày:

- Có phải là Triệu Hổ không nhỉ?

- Triệu Hổ? Làm sao mà anh biết hắn?

- Gặp nhau ở nhà một người bạn.

- Nhà ai?

- Nhà Hầu Lão Bát!

- Hầu Lão Bát là ai? Làm gì?

- Cũng là một con nghiện.

- Hai người bọn họ quan hệ với nhau như thế nào? Ý tôi là Triệu Hổ và Hầu Lão Bát?

- Ai mà biết được họ quan hệ với nhau ra làm sao. Hầu Lão Bát bảo hắn là xưởng trưởng tại một nhà máy ở huyện Đông Dương tỉnh Quảng Tây, đại khái là lão Hầu có quan hệ buôn bán gì đó với hắn.

- Ngoài ra anh còn biết thêm gì về Triệu Hổ không?

- Chỉ có vậy. Chúng tôi gặp nhau nhưng hoàn toàn im lặng trong khoảng thời gian hút xong điếu thuốc.

- Lão Hầu bây giờ ở đâu, có phải cũng đã vào trại giam rồi không?

- Không! Gã đàn ông cười - Lão cũng đã muốn vào đây, nhưng lại không có phúc phận ấy!

Viên cán bộ quản giáo gõ cốc cốc lên mặt bàn, cảnh cáo:

- Đừng có mà bẻm mép! Hỏi gì thì trả lời nấy!

Đôi mắt phạm nhân trợn trừng, lâu lắm mới lên tiếng:

- Bị các ông bắn chết rồi!

Nét mặt cán bộ quản giáo vụt sa sầm:

- Ai bắn? Mày có biết mày đang nói gì không?

Dáng điệu của phạm nhân có vẻ ngang ngạnh bất cần nhưng giọng nói thì đã dịu đi phần nào:

- Bị chính quyền bắn chết. Năm ngoái, ở Đức Hoằng tỉnh Vân Nam. Khi vượt biên giới, lão đã đụng phải cảnh sát vũ trang!

Khánh Xuân thấy đã bình tĩnh hơn, hỏi tiếp:

- Anh có nghe nói đến cái tên “La Trường Thoái” bao giờ chưa?

- Có nghe qua.

- Triệu Hổ làm gì cho hắn?

- Điều này thì tôi không biết!

- Anh còn biết ai có quan hệ với Triệu Hổ không?

- Tôi không biết. Thực ra thì tôi cũng không hề quen biết gì với tên Triệu Hổ này, chẳng qua là nhìn ảnh thấy quen, hình như có gặp qua một lần mà thôi.

Khánh Xuân nín bặt vì không tìm ra câu nào để mà hỏi nữa. Sau khi đưa phạm nhân về phòng giam xong, cán bộ quản giáo quay lại, cười với Khánh Xuân:

- Tức một nỗi là không bắn chết được mấy thằng nhóc đáng ghét này! Cô xem, bọn chúng chẳng còn chút đạo đức nào cả. Mấy năm gần đây, chỗ chúng tôi chỉ có ba thằng này đến, đơn giản chỉ vì mười thằng buôn ma túy bị bắt thì đã có tám thằng phải nhận án tử hình. Có thể trong nhà tù số một của thành phố và ở nông trường Thanh Hà, số tội phạm ma túy nhiều hơn chỗ chúng tôi. Cũng vì quen thân với tôi nên cậu bạn của cô đã giới thiệu đến đây mà thôi.

Khánh Xuân lịch sự nói những lời cám ơn và những câu trao đổi mang tính xã giao rồi đứng dậy cáo từ. Sau mấy lần chuyển xe, khi về đến nhà thì đã gần tám giờ đêm, với cơ thể rã rời, cô chạy sang nhà bố để kiếm miếng cơm lót dạ. Khi bước vào nhà, cô thoáng sững sờ vì nhận ra Lý Xuân Cường đang ngồi nói chuyện phiếm với bố.

Thấy Khánh Xuân xuất hiện trước cửa, Xuân Cường đứng dậy. Bố cô là người đầu tiên lên tiếng:

- Khánh Xuân, bữa nay con đi đâu mà không đến làm việc?

Ánh mắt đầy nghi ngờ của Xuân Cường lướt qua toàn thân Khánh Xuân. Chiếc quần của cô dính đấy bùn đất. Cô lạnh nhạt lên tiếng chào Xuân Cường rồi quay sang bố nói:

- Con đi câu cá!

- Không đi làm mà lại đi câu cá sao? Hình như ông đã phát hiện ra Khánh Xuân nói dối nên hỏi tiếp - Cá đâu?

- Không câu được con nào!

Không biết nói gì hơn, ông bèn quay về phía Xuân Cường nói:

- Cậu xem đấy, lớn tướng như thế rồi mà chẳng biết làm chủ mình, không biết thể kiềm chế được nỗi buồn gì cả.

- Con buồn về điều gì? Con chẳng có điều gì buồn cả - Khánh Xuân cự nự.

Hình như bố còn muốn nói thêm điều gì đó nhưng đã bị Xuân Cường chen ngang:

- Bác à, Khánh Xuân bực bội vì sự có mặt của cháu, bác đừng trách cô ấy.

Bố liếc nhìn Xuân Cường, nói:

- Thôi được, có chuyện gì hai đứa cứ nói với nhau. Cơm ở dưới bếp, nguội thì tự hâm nóng lên mà ăn, bố sang bên ấy xem ti vi vậy.

Nói xong, bố cầm lấy bình trà và gọng kính, bước ra khỏi cửa. Khánh Xuân vào bếp bật điện hâm nóng nồi cơm. Xuân Cường đi theo, dừng ở ngoài cửa lên tiếng hỏi:

- Bữa nay em đi đâu? Sao lại không báo cho đơn vị một tiếng?

- Không phải là anh đã nói là cho em nghỉ mấy ngày để ổn định tinh thần sao? - Khánh Xuân nói mà không quay đầu nhìn lại.

- Đúng là em đã đi câu cá chứ? - Giọng Xuân Cường đầy vẻ nghi ngờ.

Chầm chậm quay người lại nhìn vào Xuân Cường, cô rất muốn nói một tiếng “Đúng” nhưng cuối cùng cô lại không nói ra tiếng ấy:

- Em đến nông trường Đoàn Hà để gặp và nói chuyện với ba phạm nhân mua bán ma túy.

Nét mặt Xuân Cường hầu như không biểu hiện nét ngạc nhiên nào, anh vẫn bình thản đứng tựa lưng vào cửa, nói:

- Có kết quả gì không?

- Có một phạm nhân đã gặp hắn, cho biết hắn tên là Triệu Hổ.

- Thế à? Còn gì nữa không? - Xuân Cường vẫn không có bất kỳ biểu hiện nào.

- Gã còn nói, hắn là xưởng trưởng trong một nhà máy ở Đông Dương, Quảng Tây.

Lý Xuân Cường cười nhạt:

- Thế sao? Lại là một cán bộ lãnh đạo cơ đấy. Em có tin chuyện này không?

- Lại còn có một gã có biệt danh là Hầu Lão Bát biết hắn, nhưng đáng tiếc là gã này đã chết.

Gương mặt Xuân Cường biểu lộ vẻ cười cợt rất khó nhận ra, có điều nó không lọt khỏi đôi mắt của Khánh Xuân.

- Nói như vậy em chẳng thu được gì trong cả ngày hôm nay.

- Chí ít thì em cũng biết được hắn có một cái tên - Giọng Khánh Xuân lạnh tanh đầy chất tranh luận - Cho dù đó là thật hay giả thì đó cũng là cái tên mà hắn đã từng dùng. Em còn biết hắn đã từng qua lại với một tên mua bán ma túy mang biệt danh Hầu Lão Bát, lại tự nhận mình là xưởng trưởng ở Đông Dương. Cứ cho rằng những thông tin này chẳng có giá trị gì đối với anh nhưng với em, nó lại có ý nghĩa rất lớn.

Tuy Xuân Cường đã là đội trưởng hơn một năm nay nhưng thái độ của Khánh Xuân đối với anh lúc này chẳng khác gì so với những ngày còn học ở trường, giọng nói lại pha một chút đanh đá vốn có của một người con gái vốn được yêu chiều. Lý Xuân Cường vốn là một người nóng tính nhưng trước mặt Khánh Xuân, từ lúc cùng học cho đến khi về đội, anh chưa bao giờ đỏ mặt với cô. Do vậy, anh không nói thêm gì nữa vì biết rằng, có nói thêm nữa cũng vô ích, hơn nữa, thi thể của Tân Dân vẫn chưa kịp lạnh.

Anh yên lặng nhìn Khánh Xuân hâm cơm khá lâu rồi nói:

- Em ăn cơm xong thì nên nghỉ sớm nhé, anh phải về đây.

Khánh Xuân quay người lại. Ánh mắt hai người gặp nhau trong thoáng chốc.

- Đội trưởng, đừng giận em!

Nụ cười trên mặt Xuân Cường sao mà khoan dung độ lượng:

- Không giận. Anh chỉ lo lắng cho tinh thần và sức khỏe của em mà thôi.

Khánh Xuân không nói gì thêm nữa, Xuân Cường nói lời tạm biệt rồi đi xuống lầu. Khi lấy được chiếc xe đạp ra khỏi hàng xe dài dằng dặc, chưa kịp ngồi lên thì Khánh Xuân đã đuổi theo:

- Đội trưởng!

Chạy đến trước mặt Xuân Cường, trong hơi thở gấp gáp cô đưa cho anh một chiếc hộp nhỏ. Thoạt nhìn, anh đã nhận ra đó chính là món quà cưới mà anh đã tặng cho cô mấy ngày trước đây - một con trâu nhỏ bằng vàng. Gương mặt Xuân Cường lộ vẻ khó xử, không đưa tay nhận lấy chiếc hộp.

- Đội trưởng, anh hãy nhận lại vật này!

Da mặt Xuân Cường giật giật. Hình như tình cảm của anh đã bị Khánh Xuân làm cho tổn thương:

- Khánh Xuân, đây là món quà mà anh đã thành tâm thành ý tặng em, nếu không thích nó, em cứ vất đi!

- Xuân Cường, anh đừng giận. Em rất thích món quà này - Gương mặt Khánh Xuân tỏ vẻ chân thành - Có điều đó là món quà cưới anh tặng cho em và Tân Dân. Giờ thì bọn em không thể thành vợ chồng được nữa, em nên gửi lại cho anh.

Vẻ chân thành của Khánh Xuân khiến tâm tình Xuân Cường như được an ủi đôi phần. Anh nói:

- Thôi thì cứ cho là anh tặng cho riêng em vậy. Nó cũng chẳng to tát gì, cứ xem đó là tình cảm thân thiết giữa anh và em.

Lời Xuân Cường không lay động được Khánh Xuân. Cô đặt chiếc hộp vào trong lòng anh, lắc đầu nói:

- Không! Nếu không phải là quà cưới thì giữa đồng nghiệp với nhau, lấy lý do nào để tặng quà. Hơn nữa, món quà này rất có giá trị, tự thâm tâm em thấy không thể nhận được.

Ánh mắt Xuân Cường tập trung nhìn vào chiếc hộp màu đỏ, buồn bã nói:

- Em thực sự không muốn thì anh cũng chẳng ép - Ngước đầu lên, anh nhìn thẳng vào mặt Khánh Xuân, cười cay đắng - Cứ cho là anh vô duyên vậy.

Không hiểu sao, tự nhiên Khánh Xuân lại chợt nhớ đến Tân Dân. Trong đầu cô lúc này chỉ có hình ảnh nụ cười đầy ấm áp của anh khiến đôi mắt cô như nhòa đi. Nhưng cô đã kịp trấn tĩnh, dằn lòng như không có chuyện gì xảy ra.

- Anh đã từng giúp đỡ em, quan tâm em. Trong thâm tâm em biết điều này nên nói thật lòng, em vô cùng cám ơn anh. Em cũng thay mặt cho Tân Dân cảm ơn anh nữa. Nhưng anh cũng biết rằng, Tân Dân vừa mới ra đi, tâm trạng của em lúc này đang rối bời. Em nói gì và làm gì, anh đừng để tâm.

Xuân Cường gật đầu như rất thông cảm cho tình cảm của cô lúc này. Anh ngồi lên xe, đạp mạnh. Nhưng được mấy thước, anh lại xuống xe ngoáy đầu nhìn lại. Khánh Xuân vẫn đứng nguyên vị trí cũ, dưới bóng đèn đường. Anh nói:

- Ngày mai đến đơn vị, chúng ta sẽ thảo luận lại vụ án này.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.