Lưỡng Đô Ký Sự

Chương 2: Hồi I



(*): Trích 'Kinh Thi' - Đông có Khải Minh, Tây có Trường Canh, ý rằng Phía Đông có Sao Mai, phía Tây có Sao Hôm, ám chỉ sự đối lập giữa rạng đông và chiều tà.

CHƯƠNG 1: CÔ TÔ

Kim Lăng Nhan thị căn cơ vững chắc,

thế gia vọng tộc, quan bái cửu khanh

Đêm, đêm thâu.

Tuyết, tuyết lớn.

Đèn Khổng Minh bay lên không trung, nom như hạt đậu giữa nền trời.

Tuyết lớn sắp tới, Kỳ Lân chỉ vàng trên nền giấy dầu lập lòe trước ánh nến, đi mây về gió, giương nanh múa vuốt, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, ngay sau đó dần bị gió tuyết vùi lấp, bẻ gãy sống lưng, không còn sự sống.

Dù sao, cũng đã bay xa.

Trong cung uyển, nữ tử trường thân ngọc lập[1], ánh mắt gắt gao dõi theo đèn Khổng Minh, cho đến khi đèn đã khuất khỏi tầm mắt, lúc ấy mới không nhanh không chậm rũ mắt liễm mi. Dưới tấm áo choàng lông chồn một màu trắng tuyết, tay phải vẫn còn đang nắm chặt một mồi lửa, ánh lửa chập chờn yếu ớt. Đầu ngón tay nàng chạm vào, lại chỉ thấy lạnh lẽo thấu xương.

[1]: Sau này bị biến đổi dùng để tả nam tử, nhưng ở đây dùng nghĩa gốc, ý là để chỉ dáng người của nữ tử thon gầy, mảnh mai.

Tuyết đọng Nguyệt Lượng môn, có cung nga đi tới. Bước chân nhẹ nhàng đặt trên nền tuyết, mi tâm nhíu lại, hẳn là có chuyện cấp bách. Đến khi tới gần nữ tử kia, thần sắc nàng dịu xuống, như thể cuối cùng đã tìm được nơi đặt chân an ổn: "Điện hạ, Trương Hiển Chiêu quả đúng là người Tả Tướng đại nhân đã tiến cử với Bệ hạ, sáng sớm hôm trước đã lặng lẽ nhập kinh."

Năm ấy, Tấn triều, Tái Hữu năm thứ Mười ba. Tái Hữu đế đăng cơ năm bốn tuổi, Hoàng thái hậu và các trọng thần được Tiên đế giữ lại gửi gắm cùng nhau nỗ lực ngự thần, phò tá tiểu Hoàng đế. Vì thế, lao lực quá độ, Hoàng thái hậu suy kiệt, triền miên giường bệnh. Năm Tái Hữu đế mười lăm tuổi, bắt đầu tự mình chấp chính, Hoàng thái hậu lúc này giá hạc về tây. Theo lời của cung nhân lớn tuổi, khi Hoàng thái hậu nhắm mắt tạ thế trong lòng đã không còn vương vấn, chẳng có ăn năn. Lại không ngờ rằng nàng thông tuệ một đời mà hồ đồ nhất thời, sắp xếp định đoạt cho nhi tử một mối hôn sự vì lợi ích của dòng dõi tôn thất, kết quả lại thành một vở kịch không có hồi kết.

Tổ tiên của Kim Lăng Nhan thị năm ấy, vào đời Thành Tổ[3], thi đâu đậu đó, quan bái cửu khanh. Vốn là vì chính biến cửu long đoạt đích năm Đinh Dậu mà bất mãn với triều đình, quy ẩn không màng đến quan trường, sau lại vì có Nguyên Sóc đế mà lần nữa xuất sĩ làm quan, cho tới nay đã qua hơn hai trăm năm, Kim Lăng Nhan thị dòng dõi cao quý, căn cơ vững chắc.

[3]: Đời Thành Tổ triều Tấn, bối cảnh và sự kiện này nằm trong phần trước, tức 'Quy Tự Dao'.

Trước kia Tiên đế gửi gắm vài vị trọng thần, trong đó có Trưởng tộc Nhan thị, Nhan Hoài Tín. Hoàng thái hậu biết dưới gối hắn có chính nữ, tuổi tác xấp xỉ với Tái Hữu đế, tri thư đạt lễ, dịu dàng hiền hậu, lại xuất thân thế gia vọng tộc, vậy là định sẵn cung vị. Nhan Hoài Tín trợ lực Tái Hữu đế bình định Bát Vương chi loạn[4], lại phò tá Hoàng đế tới cả khi Hoàng đế tự mình chấp chính triều cương.

[4] Bát Vương chi loạn (hay Loạn Bát Vương) – phản loạn do 8 vị vương họ Tư Mã thuộc hoàng tộc nhà Tây Tấn gây ra thời Tấn Huệ đế Tư Mã Trung, diễn ra cả trong cung đình lẫn ngoài chiến trường. Gọi là Bát Vương, nhưng thực tế số vương hầu tham chiến còn nhiều hơn.

Vốn, thực là một đôi châu liên bích hợp[5], một mối lương duyên trời ban – thế nhưng nếu Hoàng thái hậu lúc này đang nằm trong Hoàng lăng Phúc Sơn, ở nơi suối vàng mà biết được bụng dạ lang sói của Nhan Hoài Tín, chắc chắn sẽ giận sôi. Chính nữ của Nhan Hoài Tín, khuê danh Nhan Kỳ, thuở nhỏ thể chất yếu ớt, lớn lên không có khả năng mang thai. Mà Tái Hữu đế nặng tình, trừ người này ra, quyết không lâm hạnh ai khác, ngay cả sau này khi thân muội của Nhan Kỳ nhập cung cũng không phải là ngoại lệ. Nhan Kỳ hồng nhan bạc mệnh, không đợi được tới lúc danh y Tái Hữu đế đã tốn vạn lượng hoàng kim mời về đến Đế kinh. Nàng buông tay trần thế, hậu cung đổi chủ trong một cái chớp mắt.

[5]: Hạt châu liền thành chuỗi, ngọc bích hợp thành đôi. Chỉ trai gái tốt lành kết đôi, hòa hợp với nhau.

Có tỷ tỷ từng là Hoàng hậu, thế nhân châm chọc, thầm gọi Nhan Y là Tiểu Nhan hậu.

Nhan Kỳ tạ thế, Tái Hữu đế thành một cái xác không hồn, đâu ra tâm tư mà lâm hạnh ai khác. Quần thần nhìn Quân thượng tiều tụy, lại nhớ đến Tiên đế băng sớm, không thể không vì đại thống ngàn năm mà lo lắng, ai nấy thay nhau can gián, mong Tái Hữu đế mau chóng chọn ra một người chi lan ngọc thụ[6] trong dòng dõi Tôn thất, lập ngôi Trữ quân[7]. Chuyện đáng chê cười chính là, ngôi Trữ quân này lập một chết một, lập hai chết hai, khiến cho vương công hầu tước chỉ mong con cái mình không nổi bật xuất chúng, tránh cho bị Hoàng đế chọn trúng bắt nhập cung.

[6] Câu nói có nguồn gốc từ đời nhà Tấn, chỉ tôn tử ưu tú, con em tài giỏi song toàn.

[7] Trữ quân khác với Thái tử, Thái tử chỉ chỉ con của Hoàng đế, còn Trữ quân có thể là bất kỳ ai trong tôn thất được chọn nối ngôi (có thể là con của Đế - Vương – Công – Hầu). Sau khi lập lên rồi cũng có thể gọi bằng danh hiệu Thái Tử.

Vừa mấy ngày trước, Thái tử Hoằng, bảy tuổi, đột nhiên nhiễm bệnh đậu mùa mà tạ thế, khi ấy cũng là lúc lời đồn đại nổi lên càng rõ rệt – mũi dùi hướng thẳng vào Tiểu Nhan hậu và huynh trưởng của nàng, Hữu tướng Nhan Tốn. Lại thêm Tú tài Trương Hiển Chiêu chấp bút viết một bản tấu như hịch văn, kích động thanh lưu danh sĩ, dùng ngòi bút làm vũ khí, khiến cho lòng người bất an chỉ với hai câu: Ngoại thích loạn chính, đế nghiệp lung lay.

Có dấu hiệu báo một thời loạn thế.

Cung nga kia tên Nhẫn Đông, tùy hầu Nhan Y từ nhỏ, quen với bản tính trầm ổn cẩn trọng của nàng, thấy nàng sau khi nghe xong thanh sắc vẫn y nguyên như cũ, tâm tư cũng dần an. Thu tay trước người, theo sau Nhan Y nửa bước, đi tới đứng dưới một tán Hải Đường. Tán Hải Đường phủ tuyết trắng xóa như sương, trên thân cây có một vết khắc, còn như mới.

Nhan Y khẽ xoay người, đầu ngón tay vuốt ve vết khắc ấy, từng cử động đều nhẹ nhàng. Ngũ quan như ngọc, hàng mi khẽ buông, che khuất hết thần sắc nơi đáy mắt, chỉ để lại cách mà thế nhân nhìn nàng – Trông thì thanh lãnh cao ngạo, kỳ thực tâm cơ rắn rết, câu kết ngoại tộc, ý đồ từng bước chiếm lấy ngôi Đế vương!

"Hắn đến lúc này cũng là đúng thời điểm. Hịch văn viết ra sao tạm chưa tính đến, chỉ nói đến chuyện hắn dám mượn hành động này để sánh vai với Lạc Lâm Hải, thực ra ta cũng muốn gặp hắn."

Tháng Chạp trời đông giá rét, khi Nhan Y hé môi nói chuyện, có một làn khói mỏng tỏa ra, đôi môi nàng phủ một tầng sương. Nhẫn Đông nhìn, lại xoa khóe mắt ươn ướt của mình, chua xót trong lòng. Tuy nàng không đọc nhiều sách vở, nhưng sao nàng không biết ở nơi cung tường này mỗi một lời nói cũng đều có thể nhấn chìm người ta, sao nàng lại không biết Điện hạ của nàng những năm này đã chịu biết bao nhiêu lời chỉ trích oan sai. Giả như, thật sự là tâm địa rắn rết, há lại vẫn nhớ đến tâm nguyện của Hoằng điện hạ mà thả đèn Khổng Minh tự tay mình làm vào Trừ Tịch[8], mỗi ngày sẽ tới nơi này, vuốt ve vết khắc trên thân Hải Đường khi ấy dùng để đánh dấu chiều cao của hài tử... như thế này hay sao?

[8]: Cổ văn, tên chính thức để gọi 'đêm Giao thừa'.

Nhẫn Đông chần chờ hồi lâu, dùng giọng địa phương mà nói: "Nô tỳ vừa trở về từ Cẩn Thân điện, nghe cung nhân Ngự tiền nói... Bệ hạ quyết tâm phế Hậu."

Phế hậu các đời từ xưa đến nay, kết cục không gì khác ngoài lãnh cung dịch đình, một thân cô độc với một chén trà lạnh, cứ vậy, suốt đời.

Nhan Y đứng thẳng lưng, dời ánh mắt khỏi vết khắc trên thân cây, lại trao mồi lửa cho Nhẫn Đông: "Không cần lo lắng chuyện này. Tả Tướng đã trình người được đề cử vào ngôi Trữ quân lên Ngự án chưa?"

Người đời chỉ nhìn thấy Nhan Tốn nắm chức Hữu Tướng, thế nhưng Tả Tướng ngang hàng – trung thần Tiêu Thận, lại không thấy. Cũng bởi, sau lưng Nhan Tốn còn có tư quân, còn có Kim Lăng Nhan thị, còn sau lưng Tiêu Thận chỉ còn Tái Hữu đế, một vị Đế vương ngày càng suy yếu bất lực mà thôi.

Phế Hậu? Nói dễ, làm khó. Trưởng tộc Nhan thị Nhan Hoài Tín từ nhỏ đã mài giũa hun đúc nữ nhi mình đạt đến đến trình độ thông hiểu sâu sắc đủ kinh thư điển tịch, bây giờ mất đi Nhan Kỳ, chỉ còn có Nhan Y – phóng mắt nhìn xa cũng chưa thấy có người nào khác có bậc này năng lực và bản lĩnh đảm đương. Trừ phi Nhan Tốn có thể tìm ra một nữ tử Nhan thị thứ hai thích hợp hơn, bằng không hắn tất sẽ bảo vệ Nhan Y chu toàn an ổn.

Trong điện, nội thất cung phòng thanh nhã, đốt than trong chậu, đóng kín cửa sổ, bỏ lại cái giá rét ngày giữa đông bên ngoài cửa.

Nhẫn Đông vừa hầu hạ Nhan Y cởi áo choàng lông chồn, vừa nói: "Mấy ngày nay tin tức từ Ngự tiền không dễ thám thính, đã trình lên Ngự án hay chưa nô tỳ cũng chưa thể biết được, bất quá... Thân Vệ quân Lưu Thống lĩnh, từ lúc mặt trời vừa lặn đã từ Nam Môn đi về hướng Cô Tô, nhìn thời tiết thế này, không rõ như thế nào."

Cô Tô?

Ánh mắt Nhan Y hòa hoãn, trầm xuống mấy phần, nàng ngồi xuống sau bàn nhỏ, dáng bộ đoan chính tú mỹ, khi khí lạnh phảng phất quanh người đã tản đi hết, lại càng toát ra cái khí chất cao quý điềm nhiên của nữ tử nhà thế gia. Nhẫn Đông nâng chân đèn, ánh đèn nến tỏa khắp điện, đêm tối mà như ban ngày. Nhẫn Đông chống cằm nhìn Nhan Y viết chữ, nét chữ khi xưa còn ở Kim Lăng đã được Nhan Hoài Tín khen ngợi không dứt.

Xem một lúc, Nhẫn Đông không ngăn được cơn buồn ngủ ập tới, mí mắt nhíu lại, đầu gục xuống càng lúc càng thấp, muốn va phải cạnh bàn.

Nhưng ngay ở lúc ấy, Nhan Y đưa tay đỡ lấy đầu Nhẫn Đông, rồi lại giúp nàng tựa an ổn, lúc này mới tiếp tục chép kinh Phật. Đàn tràng Thủy Lục của Báo Quốc tự là do chính nàng xin về cho Thái tử Hoằng, Tái Hữu đế còn lo triều chính, hiển nhiên không quản đến chuyện thần Phật. Kinh Phật mà lại giao cho người khác xin, giao cho người khác chép, như thế không đủ thành tâm.

Cô Tô.

Từ khi Tấn triều khai triều tới nay đã là gần ba trăm năm. Mặc dù năm xưa Nguyên Sóc đế[9] làm chuyện cả thiên hạ không ai tán thành, sửa đổi pháp chế sửa đổi triều cương, Tôn thất nữ có thể kế Đế vị, Nữ đế có thể nạp Thị quân, cũng có thể thể lập Hậu, thế nhưng các đời qua vẫn là lập Tôn thất tử. Nguyên Sóc đế và đích thê, tức, Thuần Nguyên Hoàng hậu[10], vốn có ý muốn lập Tôn thất nữ, nào ngờ về sau Tôn thất nữ không bỏ ngoài tai lời tiểu nhân, ý đồ mưu phản, đành phải phế vị. Khi Tiên đế băng hà đã để lại di chiếu, thế nhưng Tái Hữu đế cũng không tránh được đám Vương Hầu mang dã tâm với Đế vị. Sau khi bình định được Bát Vương chi loạn thì lớn bé xử như nhau, kẻ chủ mưu không hủy bỏ tông tịch thì ắt là ban chết; kẻ đồng mưu, vài người chạy thoát không chết, thế nhưng cả đời không được trở lại đế kinh, hoặc, phân đất lưu đày.

[9], [10]: Tức hai nhân vật chính của 'Quy Tự Dao', Đường Từ và Quận chúa Nhu Kha, sau này lên ngôi, lập Hậu.

Một trong những phần đất ấy có Cô Tô. Cô Tô – nơi Đoan Vương an phận chịu kiếp lưu đày.

Rồng xuống nước cạn bị tôm chọc, hổ xuống đồng bằng bị chó khinh. Lúc gặp hoạn nạn thì có phượng tử long tôn cũng chỉ lo đến làm sao bảo toàn được tính mạng, sau đó lo đến mỗi ngày cơm áo ấm no, vậy là đã đủ để thắp nhang thơm tạ Tam Thanh thượng đế.

Một canh giờ trước, Đoan Vương, một thân khôi giáp xanh lục, trèo lên mái nhà tự mình sửa lại nếp ngói, tránh cho tuyết rơi vào từ kẽ hở. Lại nhìn thấy ở con đường nhỏ phía xa kia, ánh đuốc rạng cành thông, vó ngựa nện đường mòn, đao kiếm vang thành tiếng. Án cũ của năm ấy vẫn còn, tưởng rằng chuyện xưa lại tra lại, hai chân Đoan Vương bất giác mềm đi, thiếu chút nữa không trụ vững.

Hắn leo xuống từ thang gỗ, nhanh chóng chạy vào trong. Đoan Vương phi nhìn sắc mặt hắn khác thường, chưa kịp mở miệng hỏi, cửa gỗ đã bị một bàn tay to lớn đập vang, ngay sau đó, một nam nhân cao to bước vào.

Ánh đuốc tỏa khắp sân, tràn vào trong đây. Đoan Vương phi nhìn người trước mắt, nhận ra người trước mắt đây chính là Đại Thống lĩnh Thân Vệ quân Lưu Đạc, người Bát Vương chi loạn năm xưa phụng mệnh tróc nã bọn họ. Vương phi hiểu rõ từ lâu mình không còn mang thân phận tôn quý như xưa nữa, bây giờ thấy thế, cũng định quỳ xuống. Một đầu gối vừa chạm xuống sàn, Lưu Đạc đã tiến tới đỡ lấy khuỷu tay nàng, mặt mày ôn hòa: "Xin Vương phi chớ làm ti chức khó xử."

Đoan Vương và Vương phi nhìn nhau, càng thêm lo sợ, không rõ nguyên do. Bốn phía tường đất, nội thất chỉ có một chiếc giường, một chiếc phản, một bộ bàn ghế, một chiếc ghế dựa, gian bếp cũng chỉ là lò đất. Trong phòng ngoài Đoan Vương và Vương phi đang đứng đây, góc kia còn có một bà vú lớn tuổi, còn có một đứa bé đang ngồi trên phản, vô tư hồn nhiên, chưa nhận ra không khí quanh mình thay đổi. Ăn uống no đủ, mắt to đen lánh chuyển hướng nhìn về phía Lưu Đạc, tựa như rất bạo gan, lảo đảo run rẩy đứng lên, đá văng thứ gì đó dưới chân, từng bước từng bước đi về phía Lưu Đạc.

Lưu Đạc lo đứa trẻ sẽ ngã xuống, lại nghĩ rằng đứa bé này có ý muốn làm quen thân cận với mình, cũng tiến tới định đỡ lấy. Ai ngờ, đứa bé tới lại gần đây, dùng sức nhấc chân, đá Lưu Đạc một cái.

Lưu Đạc lui về một bước, thầm nghĩ – Hay cho tiểu chủ tử mang thù từ ngay từ khi hoài thai!

Đứa bé đứng không vững, nghiêng ngả lui về sau, lập tức bị nhũ mẫu đỡ lấy, giữ yên không cho làm loạn nữa.

Lưu Đạc nhìn nhìn, lại không để ý tới mình đang đứng ngay dưới miếng ngói chưa sửa xong, chợt, 'ào' một tiếng, tuyết trên mái nhà rơi xuống, dội thẳng từ trên đỉnh đầu hắn xuống, vừa bất ngờ vừa lạnh đến rùng mình, nét mặt hắn vặn vẹo.

Đứa bé đã bị nhũ mẫu giữ trong ngực, lúc này vui vẻ, vỗ tay cười thành tiếng. Gương mặt Đoan Vương tái xanh, làm bộ muốn ra tay đánh đứa con này.

Lưu Đạc lập tức ngăn hắn lại, mắt nhìn mấy thứ đồ trên bàn, lại khen một câu trái lòng mình: "Tiểu Quận chúa thiên tính hiếu động, sau này hẳn là sẽ khỏe mạnh an khang, thân cường thể kiện. Vẫn nói con trẻ biết chọn vật đoán tương lai, không biết tiểu Quận chúa thích thứ gì?"

Đoan Vương chưa kịp phản ứng, Vương phi đã lập tức lên tiếng trả lời: "Phấn son! Phấn son nữ nhi gia mà thôi!" Đoan Vương phi tham sống sợ chết, trên đời này không có thứ gì hợp với nữ nhi nhà mình hơn là những thứ phấn son nữ nhi gia tầm thường. Nhớ Nguyên Sóc đế khi ấy vừa tròn một tuổi đã cấm bút, vừa cầm bút đã viết một chữ 'Nhất', sau này quả thực là thống nhất giang sơn. Nhưng thống nhất giang sơn rồi thì thế nào? Khuôn mặt bị tổn hại, còn lập Hậu, không có Hoàng tự. Không nói đến nữ nhi gia, cho dù là nam nhi gia cũng không thể để đặt chân vào vòng quyền mưu chính trị, cũng như nàng đây, từ Đoan Vương phủ đệ rực rỡ huy hoàng, xuống tới một căn phòng thiếu thốn tạm bợ như thế này.

Nghe thế, Lưu Đạc nương theo ánh đuốc nheo mắt đánh giá gương mặt đứa nhỏ, tựa như cũng nhìn thấy vết son lem bên khóe môi, mà hắn cũng chẳng truy cứu vết ấy là do đứa trẻ này nghịch ngợm hay cố ý mà có được. Lưu Đạc nắm lấy chuôi đao bên hông, mỉm cười, "Nếu đã như vậy, son phấn ở Yến Kinh vô cùng tuyệt hảo, nếu tiểu Quận chúa không ngại, xin hãy đi theo ti chức."

Đoan Vương và Vương phi trợn mắt há miệng.

—- Hết chương 1 —-

Editor mạn đàm khai mạc (nên đọc):

1. Vốn là định edit trên bản QT có sẵn trôi nổi trên mạng, thế nhưng văn này văn phong đặc thù, cách hành văn cổ điển, điển tích điển cố, cổ ngôn nhiều, bản QT lại có chỗ thiếu chính xác, cuối cùng mình quyết dùng đến bản Raw để vừa dịch vừa tra khảo, giữ cho trọn văn phong, cho sát từ ngữ. Lí do không để TRANS mà vẫn để EDIT là vì mình phần nhiều vẫn dựa vào phần mềm dịch.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.