Người trong họ Ái Tân Giáp La đều là những bậc mã thượng anh hùng, danh và nghiệp tạo dựng trên lưng ngựa, khi cơ đồ vững đặt, ngồi chễm chệ trên ngai vàng, bất cứ vị vua nào cũng không dành trọn thời gian trị vì thiên hạ mà tận hưởng thụ phúc lộc. Dù đang lúc thái bình, họ cũng không hề lơi lỏng tập luyện cởi ngựa bắn tên.
Văn chuyên nội trị, võ chú biên phòng, chả trách nhà Thanh thịnh và cường suốt mấy trăm năm, bờ cõi luôn luôn mở rộng.
Học võ tất phải có chỗ dùng, vào thời bình, thì làm gì có đối tượng mà thi triển hùng oai.
Giặc giã không, thì họ mở những cuộc săn đại quy mô, lấy cầm thú làm đối tượng để đua tài thử sức.
Khang Hy là một vị Hoàng đế anh minh, lên ngôi trước tám tuổi, nhờ một bọn triều thần tài trí ủng hộ, tạo thành cái thế ngoại an, nội trị, thần dân hưởng phúc thanh bình, dung hòa được hai dân tộc Mãn Hán, mang lại công bằng xã hội khắp nơi.
Khang Hy có cả thảy ba mươi lăm người con, và nhị ca tên Doãn Dận được chọn làm Thái tử, để sau này thừa kế ngai vàng.
Vào năm Khang Hy thứ bốn mươi bảy, tức là lúc nhà vua được năm mươi lăm tuổi, vì hành vi thất đức, Doãn Dận bị truất ngôi vị Thái tử, phế làm thứ dân.
Sự truất phế đó là một cơ may lớn cho ba mươi bốn người con còn lại.
Ai ai cũng hy vọng mình được chọn sau này đăng cơ tại vị nắm quyền thống trị san hà.
Họ âm thầm cấu kết đảng phái, thiết kế, định mưu, tạo thành hậu thuẫn hùng mạnh.
Họ đặt hy vọng đến ý đồ, và họ tương tranh hầu như rõ nét.
Họ mở rộng hậu thuẫn ra đến thần dân, thi ân bố đức để được tiếng nhân ái.
Sự tương tranh của họ gây nhiều phiền muộn cho Hoàng đế Khang Hy không ít.
Thừa tài nguyên vạn dặm đất đai rộng, cai trị trăm triệu dân số đông, nhà vua lại rối trí không ngăn ngừa nổi mầm tương tranh ngày càng bộc phát trong hoàng tộc.
Thế mới biết, trị quốc dễ, tề gia khó, càng khó hơn nữa là việc tu thân, bởi không tu đức khép mình vào đạo lý mà ba mươi bốn người con còn [mới] tạo hỗn loạn trong gia đình.
Bởi vậy, chữ tu đứng đầu trong bốn đạo tu, tề, trị, bình.
Một cuộc thi đua đầu tư cơ não.
Trước cuộc thi đua đầu tư cơ não của các con, Khang Hy âu sầu mãi.
Để giải cơn sầu não cho Khang Hy, vị Quốc cựu tên Long Khoa Đa thỉnh chỉ mở cuộc săn bắn đại quy mô.
Săn bắn, không phải tự nhà vua rong ngựa đuổi thú, trổ tài xạ tiễn, mà chỉ để xem hoàng tộc triều thần cùng phô diễn sở năng, nhà vua chiếu theo thành tích của mỗi người thu hoạch mà luận công ban thưởng.
Bất quá, nhà vua chỉ bắn tượng trưng một mũi tên, khai diễn cuộc săn, sau đó các vị vương tử và các vị võ tướng gắng sức tranh hùng.
Cũng có người mang theo võ sĩ vô danh tiếp trợ, hy vọng thu hoạch một số quan trọng chiến lợi phẩm.
Nhưng lần này, Khang Hy lại muốn sính tài, xem mình có còn bằng thời thanh thiếu chăng.
Cho nên cuộc săn vừa khai diễn qua mũi tên tượng trưng, Khang Hy hòm sẵn cung chờ.
Không lâu lắm, một con trĩ bay qua, nhà vua lắp tên bắn liền.
Tên lao đi vào khoảng không, chim trĩ bay luôn.
Khang Hy thở dài, quay đầu lai thốt :
- Minh Đức! Trẫm già lắm rồi! Con chim rất gần, thế mà trẫm bắn không trúng!
Nột Lan Minh Đức là tên võ sĩ thân tín của Khang Hy, tuổi nhỏ, người Mãn, được kể như cao thủ trong kiếm đạo.
Nột Lan Minh Đức mỉm cười tâu :
- Thánh thượng chưa già đâu, bất quá, vì lòng nhân, Hoàng thượng không nỡ làm tổn thương đến loài động vật vậy thôi!
Khang Hy lắc đầu :
- Không nên an ủi trẫm, Minh Đức! Già thì già, có sao đâu? Trên đời có ai lại chẳng già? Dù trẫm không thích thương tổn sinh vật, song trẫm bắn thật tình, bắn với hy vọng trúng.
Vừa lúc đó, một vệt xanh uốn cầu vồng, con chim trĩ lao mình xuống đất.
Minh Đức vội ngựa đến ngay, cầm con chim trĩ trong tay.
Đồng thời, với thủ pháp cực kỳ nhanh, y rút thanh kiếm cắm nơi thân cây, tra vào vỏ.
Đoạn y trở lại, quỳ xuống trước đầu ngựa của Khang Hy, tâu :
- Hoàng thượng trổ thánh oai, chim trĩ trúng tên, vì nhân từ, Hoàng thượng không nhắm vào chỗ nhược mà bắn, con vật chỉ bị thương nơi cánh.
Nhìn vết thương nơi cánh chim, Khang Hy mỉm cười thốt :
- Minh Đức to gan đấy nhé! Dám lừa cả trẫm nữa à! Rõ ràng tay ngươi phóng kiếm hạ con chim, ngươi tưởng đôi mắt của trẫm đã mờ rồi sao chứ?
Minh Đức chưa kịp nói gì, Khang Hy tiếp :
- Kiếm thuật của ngươi đã đạt đến giới cảnh tâm ý hợp nhất, trẫm chỉ sợ trong thiên hạ khó có người hơn ngươi!
Nột Lan Minh Đức vội nói :
- Hoàng thượng quá khen! Nô tài làm sao sánh được Hoàng thượng!
Khang Hy lắc đầu :
- Nếu là lúc thanh thiếu niên, thì trẫm có thể theo kịp ngươi, nhưng sau mấy mươi năm rồi, trẫm hầu như quên hết kiếm thuật (...).
Chúa tôi nói với nhau mấy câu nữa.
Sau đó, Khang Hy thưởng luôn con trĩ cho Nột Lan Minh Đức.
Minh Đức từ chối :
- Nô tài đâu dám nhận!
Khang Hy bảo :
- Trẫm cho cứ nhận, khiêm tốn cái gì!
Minh Đức lạy tạ, rồi đứng lên, cột con chim nơi cổ ngựa.
Khang Hy thở dài, thầm nghĩ mình có bao nhiêu con, nhưng chẳng có đứa con nào được như thanh niên này.
Khang Hy chợt thấy một thanh niên ngồi trên lưng ngựa, thần sắc nghiêm trọng.
Chừng như không hài lòng, ngài cau mày trách :
- Dận Trinh! Sao ngươi không tham gia cuộc săn với người ta?
Nột Lan Minh Đức cũng thốt :
- Phải đó! Tứ điện hạ! Công phu kỵ xạ của Điện hạ rất cao, tại kinh thành không một ai sánh bằng, về kiếm thuật thì cũng là nhất lưu cao thủ, hôm nay chính là dịp cho Điện hạ thi triển...
Tứ điện hạ Dận Trinh bình tĩnh tâu trình :
- Thần nhi ở lại đây, bảo giá!
Khang Hy hừ một tiếng :
- Trẫm ở tại đây mà ngươi bảo giá cái nỗi gì? Ngươi khéo lo xa, tỏ lộ lòng hiếu không phải thức thời! Trẫm chưa đến đỗi quá già, đâu cần đến sự bảo vệ của ngươi!
Ngài vốn không thích người con thứ tư này lắm, mặc dù y rất thông minh, ngôn và hành đều cẩn thận, từ nhỏ đến lớn chưa hề phạm một lỗi nào.
Sở dĩ thế là vì ngài am tường khoa tướng số, ngài nhận thấy Dận Trinh là một con người cực kỳ âm trầm, nham hiểm, lại rất tàn độc.
Nếu là lúc loạn ly, thì Dận Trinh là một con người rất hữu dụng với hùng tài, dũng chí, ngài có thể chọn y làm kẻ kế vị.
Nhưng hiện nay đất nước thanh bình, nếu trao đại quyền thống trị cho y, thì có thể y sẽ áp dụng một chế độ ngược lại lòng nhân từ của ngài.
Mà tôn chỉ của ngài là không chấp nhận sự ngược đãi nhân dân, dù dưới bất cứ hình thức nào.
Do đó, ngài không hề đặt giả thuyết một ngày nào đó sẽ chọn y.
Dận Trinh bị quở, vẫn cung kính nghe, không hề biện bạch.
Long Khoa Đa tiến lên, thốt :
- Để trợ giúp Hoàng thượng thêm phần hứng thú trong cuộc săn này, lão thần đã ra lịnh cho bọn cấm quân thả hai con hổ bắt từ Tân Tự Nhiệt Hà. Tứ điện hạ vốn tính nhân hiếu, sợ điều bất trắc, nên lưu lại bảo giá.
Nột Lan Minh Đức kinh hãi :
- Hổ là loài dã thú khó đối phó nhứt!
Long Khoa Đa mỉm cười :
- Các ngươi thuộc lớp thanh niên, chưa hề thấy hổ, nghe nói đến loài hổ là bạt vía kinh hồn! Mười năm trước, chính Thánh thượng tự tay hạ cùng lúc cả hai con hổ, chỉ phí một mũi tên cho mỗi con thôi!
Nghe nhắc lại việc xưa, Khang Hy cao hứng vô cùng, đáp :
- Đó là việc của mười năm trước, chứ còn bây giờ thì có chắc gì trẫm làm được!
Long Khoa Đa vội tâu :
- Nhất định Hoàng thượng làm được, huống chi đã có Nột Lan Minh Đức bên cạnh, dù cho có mười con hổ xuất hiện cũng không đương cự nổi một thanh kiếm của hắn!
Nột Lan Minh Đức toan nói mấy lời khiêm tốn, Khang Hy đã khoát tay :
- Trẫm muốn xem thử thân pháp và thủ pháp của mình như thế nào, có còn bằng trước kia hay không. Ngươi hãy lưu tâm theo dõi cử động của trẫm một chút vậy thôi. Hổ tuy hung mãnh nhưng bị nhốt lâu ngày, nó phải giảm mất oai phong, bất quá chỉ hơn một con mèo, không có đáng sợ lắm.
Ngài day qua Dận Trinh, tiếp :
- Trẫm có Minh Đức bảo vệ, cũng đủ rồi. Ngươi hãy đi săn với người ta, đừng để khi các huynh đệ của ngươi trở lại, ai ai cũng có ít nhiều chiến quả, mà ngươi thì tay không thành hổ thẹn đó! Trẫm muốn ai ai cũng được thưởng, có thế mới vui chứ.
Dận Trinh cung kính thốt :
- Thần nhi chỉ mong phụ vương hưởng phước trời vĩnh viễn, ngoài ra không còn muốn gì khác! Ban thưởng là điều nhỏ mọn, thần nhi không ham!
Long Khoa Đa tâu :
- Bảo giá là sự quan trọng, có thêm một người, có thêm một người là lợi thêm một phần, xin Hoàng thượng hiểu cho! Hơn nữa, nếu thánh giá bị kinh động, thì lão thần chịu trách nhiệm trước quốc dân không nhỏ!
Nột Lan Minh Đức cũng tâu :
- Nô tài đương nhiên phải liều chết để bảo vệ an toàn cho Hoàng thượng, song chỉ sợ sức mình không đủ đối phó với mọi bất trắc. Tứ điện hạ là tay vũ dũng phi phàm, nếu có Tứ điện hạ giúp, thì nô tài vững dạ hơn nhiều!
Khang Hy mỉm cười :
- Các ngươi khéo lo xa!
Long Khoa Đa tiếp :
- Hổ ở tại khu rừng phía trước đó!
Khang Hy vừa giật cương ngựa, vừa bảo :
- Truyền lệnh cho chúng thả thú đi!
Nột Lan Minh Đức giục ngựa theo liền.
Long Khoa Đa đưa mắt ra hiệu cho Dận Trinh, Dận Trinh cho ngựa đi chầm chậm theo sau.
Khi Khang Hy và Nột Lan Minh Đức đi được một dặm, Long Khoa Đa thổi một hồi còi.
Từ trong khu rừng, một tiếng rống vang lên, rồi hai bóng lốm đốm (...) lao vụt ra.
Khang Hy đã lắp tên vào cung sẵn sàng, vừa trông thấy hai bóng (...) liền buông dây.
Dây cung kéo thẳng, khoảng cách lại không xa, mục tiêu lại lớn, phát tên đó cầm chắc phải trúng.
Hai con vật tinh khôn quá, biết tránh tên, lạng mình qua một bên, nhường cho mũi tên bay qua rồi vọt nhanh tới.
Khang Hy không làm sao phát xuất kịp mũi tên thứ hai.
Nột Lan Minh Đức thấy thế cả kinh, biết có nguy hiểm, bạt kiếm xông lên, chặn đầu con vật chạy trước.
Con vật đó cực kỳ linh xảo, đưa chân trước lên, hất kiếm.
Minh Đức càng kinh hãi hơn, nhưng y không kỳ quái lâu, bởi y đã hiểu ẩn tình bên trong như thế nào rồi.
Y hét lên :
- Không xong! Người giả hổ! Có thích khách! Thích khách định ám sát Hoàng thượng! Xin Hoàng thượng lui lại gấp!
Ngày trước, Khang Hy từng trải qua những cơn tai biến hãi hùng, vào nguy ra tử mãi rồi thành quen, cho nên ngài rất bình tịnh, tâm tư trấn định như núi.
Nghe Minh Đức kêu lên, ngài ung dung lùi ngựa, đồng thời chuẩn bị biện pháp đối phó.
Một tay cầm cương, tay kia ấn lên đốc kiếm. Ngài sẵn sàng xuất thủ.
Hổ có đến hai con, Minh Đức chận một, còn một cứ theo đà lao mình tới.
Thanh kiếm của ngài thuộc loại cổ, rất quý, có cái tên là Cự Khuyết kiếm, sắc bén không tưởng nổi.
Kiếm chớp lên, móng hổ đứt.
Hổ rống một tiếng lớn, khoát hai chân trước, phần đầu da hổ tung ra, bày rõ một hán tử trung niên, tay hữu cầm móng hổ giả vừa bị Khang Hy chém đứt, tay tả cầm một thanh chủy thủ.
Hắn liều mạng nhào tới.
Khang Hy vung kiếm lượt nữa.
Thanh chủy thủ của hán tử chạm kiếm, bật kêu một tiếng keng. Khang Hy cảm thấy cánh tay tê dại, không kềm nổi thanh kiếm, kiếm vuột tay bay đi Hán tử không chậm trễ, vung chủy thủ đâm luôn.
Nột Lan Minh Đức thấy Khang Hy lâm nguy, đâm hoảng chẳng biết làm sao, bởi lúc đó y bị người hổ bám sát quá, không phương thoát khỏi vòng chiến để cứu giá.
Vừa lúc đó, Tứ điện hạ Dận Trinh tung mình khỏi lưng ngựa, từ phía hậu bay vụt tới như rồng thiêng lướt gió, bạt kiếm đánh bật thanh chủy thủ ra ngoài.
Chủy thủ là vật báu, tuy bị đánh bật lệch đích, song thanh kiếm của Dận Trinh là loại vũ khí thường, nên qua cái chạm đó, gãy làm đôi.
Dận Trinh cầm đoạn kiếm gãy, đập vào mông ngựa của Khang Hy.
Với đoạn kiếm gãy, Dận Trinh khai chiến với người giả hổ thứ hai.
Khang Hy dừng ngựa lại ngoài hai trượng xa, nhìn về cuộc chiến.
Minh Đức giữ được thế quân bình, còn Dận Trinh thì hết sức nguy ngập, bởi kiếm của hắn không sánh được chủy thủ, huống hồ chỉ là một đoạn.
Hắn là một tay kiếm thượng thặng, song không có vật sở trường thì tài cao cũng bằng thừa.
Thanh Cự Khuyết kiếm nằm đó, Khang Hy xuống ngựa nhặt lấy, quăng tới, thốt :
- Đón lấy kiếm! Tứ nhi!
Đại hán tung mình, đón bắt thanh trường kiếm, không để nó đến tay Dận Trinh.
Dận Trinh rùn mình thấp xuống, vươn hai tay rồi nhảy vọt lên, đấm vào mặt đại hán.
Đại hán bắt buộc phải lộn người về phía hậu.
Trong khi đó, Dận Trinh đáp xuống.
Không chậm trễ, hắn đạp chân lấy đà, tung mình lên lần nữa, vọt theo đại hán, phóng một ngọn cước vào bụng gã.
Đại hán hự lên một tiếng, phun máu miệng thành vòi, chập chờn lùi lại mấy bước, rồi ngã xuống bất động.
Dận Trinh lướt lên cầm lấy trường kiếm và chủy thủ, đoạn quay sang tiếp trợ Nột Lan Minh Đức.
Nột Lan Minh Đức gọi to :
- Tứ điện hạ! Bảo giá là việc trọng, đừng bận tâm về nô tài!
Dận Trinh lạnh lùng đáp :
- Bảo giá là trách vụ của ngươi. Giết thích khách là phần việc của ta. Nếu ngươi tròn trách vụ, thì phụ vương không phải một phen kinh hoàng!
Hắn xuất phát một chiêu thần tốc, bức thoái hán tử.
Hắn tiến lên luôn, giành vị trí của Minh Đức, thay y nghinh chiến.
Nột Lan Minh Đức lùi lại cạnh Khang Hy, tâu :
- Nơi đây không an tịnh, xin Hoàng thượng trở lại.
Khang Hy cười nhẹ :
- Trẫm đường đường là một Hoàng đế, cai trị vạn dân, lại đi trốn tránh một tên thích khách, như vậy còn thể thống gì? Huống chi, trẫm từng trải quan những tao ngộ như thế này, chẳng những trẫm không sợ sệt, trái lại còn cao hứng nữa là khác! Ngươi không nên lo lắng, cứ để trẫm xem cho vui mắt!
Có thanh Cự Khuyết kiếm trong tay, như rồng gặp gió, Dận Trinh hiển lộng tuyệt kỹ, bức thích khách luôn luôn lùi.
Khang Hy buột miệng khen :
- Kiếm pháp của tứ nhi quả thật khá lắm!
Nột Lan Minh Đức hết sức lấy làm lạ, về kiếm pháp, Dận Trinh còn kém y một bậc, đánh với thích khách, y tận dụng sở năng, thế mà vẫn không làm gì nổi đối phương.
Tại sao đánh với Dận Trinh, thích khách có vẻ lúng túng, như sắp bại đến nơi.
Tuy nhiên, y thốt :
- Kiếm thuật của Tứ điện hạ cao siêu thật, nô tài còn kém xa!
Dận Trinh và thích khách trao đổi nhau luôn hai mươi chiêu, bỗng Dận Trinh đâm một phát kiếm trúng vai thích khách.
Thích khách rú lên một tiếng khủng khiếp, âm lanh lảnh, chứng tỏ đó chính là một nữ nhân.
Khang Hy giật mình.
Chợt thấy Dận Trinh vung kiếm chuẩn bị hạ sát nàng, nhà vua gọi to :
- Tứ nhi! Bắt sống cho trẫm, trẫm cần hỏi mấy điều.
Dận Trinh dừng tay liền.
Dừng tay, là thu ngay chiêu tuyệt mạng, hắn biến thế, ngọn kiếm chém ngang đầu thích khách.
Thích khách nhào xuống đất, né tránh.
Dận Trinh liền theo, nhấc chân đạp lên mình thích khách, tay vươn ra, giật chiếc da hổ khoát bên ngoài.
Thích khách, là một nữ nhân dưới hai mươi tuổi.
Hắn sững sờ một lúc, rồi gọi vọng về phía hậu :
- Đem dây đến, trói nàng lại!
Mấy tên thị vệ chạy lên, toan động thủ, nữ nhân hét lên :
- Bất tất thôi! Bổn cô nương là dân của nhà Đại Minh còn lại, hành thích Thanh đế không xong thì chỉ có chết mà thôi. Ta không để các ngươi làm nhục đâu!
Dận Trinh do dự một lúc, rồi đỡ nàng lên, đưa đến trước mặt nhà vua.
Nột Lan Minh Đức kêu lên :
- Tâu Hoàng thượng! Nguy hiểm lắm!
Khang Hy đáp :
- Không sao đâu. Ở trong tay trẫm liệu nàng chẳng dám làm gì!
Dận Trinh đẩy nàng tới gần hơn ấn nàng quỳ xuống.
Nàng vùng vẫy, kháng cự.
Khang Hy mỉm cười :
- Đừng làm khó nàng, tứ nhi, hãy để mặc nàng thong thả. Ngươi cũng tránh ra xa, để cho trẫm hỏi nàng!
Nhà vua tiếp :
- Cô nương tên họ chi?
Nữ nhân cao giọng :
- Huyền Huy! Ngươi bất tất phải tìm hiểu gia thế của ta! Đừng hỏi vô ích, ta chẳng nói đâu! Hôm nay, kẻ như ngươi phước lớn lắm đó! Nhưng ngày mai, ngày kia, chưa chắc gì ngươi được may mắn nữa! Trừ ra ngươi giết hết bọn người Đại Minh còn lại! Ngươi nên nhớ, chúng ta còn người nào là người đó có nhiệm vụ hành thích ngươi!
Huyền Huy, là danh hiệu của Khang Hy.
Nàng vô lễ, gọi ngay danh hiệu, Khang Hy không giận, mà lại cười thốt :
- Cô nương tự xưng là người Đại Minh còn lại, thì trẫm cũng chẳng vì mình là bậc chí tôn, cô nương cứ cho biết tên đi, rồi chúng ta cùng đàm đạo bình dị.
Nữ lang không đáp.
Khang Hy cười, tiếp :
- Tiểu cô nương, đừng sợ gì cả, trẫm không hề bắt tội gia tộc của cô nương. Với trẫm, nếu cần, trẫm chỉ đặt vấn đề ngay đương sự, chứ không khi nào kết án cả những kẻ vô cớ, những luật lệ hà khắc của ngày xưa, trẫm đã hủy bỏ từ ngày bắt đầu triều đại Khang Hy! Cô nương hãy yên tâm!
Nữ lang không tưởng là Khang Hy có tâm tính cởi mở cách giản đơn như vậy.
Nàng trầm ngâm một lúc lâu, đoạn đáp :
- Ta họ Mạnh, tên Lệ Ty, không thân phận, họ hàng, sống cuộc đời đơn độc giữa nhân loại!
Khang Hy cười nhẹ :
- Dù có người thân, cô nương cũng không nên lo ngại ta làm liên lụy đến họ, bởi trẫm đã nói không bao giờ đề cập đến kẻ vô cớ. Không phải vì có dòng máu của cô nương, hay có giao tình với cô nương, mà họ chịu liên can, trừ chính họ có tham gia mưu đồ bất chánh. Bây giờ trẫm hỏi Mạnh cô nương, vậy chứ hành động này, vì công hay vì tư?
Mạnh Lệ Ty đáp :
- Có cả công lẫn tư! Công là quốc cừu, tư là gia hận.
Khang Hy gật đầu :
- Thế là cô nương có lý do chính đáng để hành thích trẫm. Tuy nhiên, cô nương phải hiểu, dù hành thích trẫm mà cô nương thành công đi nữa, thì nhà Đại Minh cũng đã mất rồi, cục diện không thể cải biến được. Còn như tư thù, thì từ ngày đăng cơ lưu vị đến nay, trẫm chưa hề vọng sát một ai, không tạo oan uổng cho một ai, riêng về họ Mạnh của cô nương thì trẫm nhớ kỹ chẳng hề có việc cừu thù, hận oán.
Mạnh Lệ Ty cao giọng :
- Nước mất nhà tan, là mối thù trọng đại, ngươi đâu có thể chối bỏ tội ác gây nên một cách dễ dàng như vậy được, chỉ có máu của ngươi mới rửa sạch bàn tay tội lỗi của ngươi thôi!
Khang Hy vẫn bình tịnh tiếp :
- Cô nương còn nhỏ quá, chưa thông suốt cái đạo lý của biến chuyển dòng đời trong cơn quốc biến, làm sao tránh khỏi họa tai cho một số người? Thì binh lửa có hủy diệt gia cư, tài sản của cô nương, đó là sự thường vậy. Chiến tranh là tàn nhẫn, nào chỉ có người Hán mới lâm tai ngộ họa mà người Mãn Châu lại chẳng thương vong? Nếu cố chấp như cô nương thì trẫm phải tận diệt người Hán để báo thù cho bao nhiêu người Mãn táng thân tại sa trường sao? Và như vậy thì biết đến bao giờ mới dứt oan oan tương báo triền miên? Trẫm nghĩ, chiến cuộc tàn rồi thì cừu hận phải đều kết.
Mạnh Lệ Ty trầm lặng, chưa nói gì.
Khang Hy tiếp :
- Đề cập đến quốc cừu, trẫm thấy người Hán của cô nương có quan niệm rất nông cạn.
Tại sao lại cho rằng chỉ có người Hán mới có tư cách chủ trì đất địa Trung Hoa? Mà đất đai Trung Hoa, đâu phải có một ranh giới bất dịch, ngày nay gian san rộng lớn, là do ngày xưa đông chinh bắc phạt, xâm chiếm tước đoạt của lân bang, thì những gì của trần gian, không phải là của riêng của ai cả!
Nhà vua hơi trầm giọng tiếp :
- Cô nương muốn tranh luận thiên hạ sự, lại đứng trong cương vị thần tử nhà Minh, thì trẫm thấy cô nương chưa thông suốt lẽ tuần hoàn biến chuyển.
Mạnh Lệ Ty sững sờ.
Khang Hy tiếp :
- Vấn đề, không phải là phân biệt Hán, Mãn. Điều tối trọng là hãy nhìn qua người nắm giữ quyền uy tối thượng, có tạo được công bằng xã hội hay không, có mang lại ấm no an ninh cho toàn dân hay không. Luận người, nên luận trách vụ, hành vi, xem người đó có vì tư lợi hay vì công ích. Trẫm luôn luôn tự kiểm thảo ngày đêm, và nhận thấy mình chưa bao giờ nuôi dưỡng ý đồ hưởng thụ trên sức cần lao của đại đồng quần chúng!
Mạnh Lệ Ty cúi đầu.
Sanh sau, đẻ muộn, nàng không chứng kiến chế độ Đại Minh, song tiền nhân thường ta thán về ly loạn triền miên của các triều đại nhà Minh do chính trị hà khắc, bất công.
Đem sự “không ro” tai nghe của ngày xưa, với mặt thấy của ngày nay, nàng phải công nhận là ngày nay có thái bình, thạnh trị thật sự.
Thấy nàng mường tượng phục thiện, Khang Hy lại tiếp :
- Trẫm hy vọng cô nương hãy nghĩ lại, cân nhắc đắn đo, xem có còn đáng nuôi cái mộng phục Minh, diệt Thanh nữa không?
Rồi nhà vua gọi :
- Tứ nhi! Cho nàng ra đi thong thả!
Dận Trinh hết sức lạ lùng trước thái độ của phụ hoàng.
Hắn nhìn Mạnh Lệ Ty, nhận ra ánh mắt của nàng rất kỳ quái. Ánh mắt đó chăm chú hướng về Khang Hy, chừng như nàng chỉ thấy nhà vua thôi, tại cục trường, chẳng có người nào khác ngoài nhà vua.
Tại sao thế?
Bên trong ánh mắt đó, có ẩn chứa những gì?
Khang Hy trầm giọng :
- Tứ nhi! Trẫm bảo, có nghe không? Đưa nàng ly khai nơi này, không một ai được làm khó khăn chi cho nàng. Kẻ nào vi phạm ý chỉ của trẫm sẽ bị nghiêm phạt.