Cùng với tin tức Phó Vân Anh bị bắt vào tù, những lời này nhanh chóng được truyền đi khắp Kinh Sư.
Trong triều ngoài triều ồ hết cả lên.
Tin chuyến thắng từ Liên Đông liên tiếp truyền về cũng không ai quan tâm nữa. Từ các vị các lão cho đến người buôn bán nhỏ, từ các vị lão gia đứng đầu gia đình cho đến các phu nhân, tiểu nương tử trong nội trạch, cứ có thời gian rảnh là lại bàn tán về việc Phó Vân Anh bị nhốt vào tù.
Dân chúng bình luận sôi nổi, ngày nào cũng tự tụ tập ngoài Đại Lý Tự cầu xin cho Phó Vân Anh.
Câu chuyện về Hoa Mộc Lan vốn đã được lưu truyền rộng rãi, đại bộ phận dân chúng chưa từng đọc sách, chẳng hiểu nổi đạo lý lớn gì, chỉ thích nghe những câu chuyện truyền kỳ như thế này, giờ truyền kỳ đã ở ngay bên cạnh, còn là người mà họ biết, thanh thiên lão gia Phó đại nhân. Sao triều đình có thể giết Phó đại nhân cơ chứ?
Con người ai chẳng thích hóng chuyện, dân chúng kinh sư không cần biết Phó Vân Anh làm thế nào mới lên được chức tuần phủ, dù sao đi nữa bọn họ cũng không thể trơ mắt ra nhìn Phó đại nhân bị chém đầu được!
Những người dân từng chịu ơn Phó Vân Anh nhất quyết dìu già dắt trẻ chạy lên tận kinh sư, đổ tới những con đường mà vị đại thần nào vào cung lên triều nhất định phải đi qua, kêu oan cho nàng.
Hiệu sách Phó gia lập tức chớp thời cơ, tung bộ tiểu thuyết đã được viết và khắc bản từ trước ra bán, nhân vật chính trong sách không nói rõ là ai nhưng mọi người ai cũng đoán được nữ khâm sai kia chính là Phó đại nhân đương triều.
Ngay ngày đầu tiên được bày bán, bộ sách đã được bán sạch.
Ngày hôm sau, những người dân bình thường, dù có biết Phó Vân Anh hay không, cũng ùa tới hiệu sách như ong vỡ tổ, yêu cầu in thêm, bọn họ muốn mua sách!
Hiệu sách nhanh chóng in thêm, in bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, cung chẳng đủ cầu.
Cùng lúc đó, Hồ Quảng, Quảng Đông, Chiết Giang, còn có cả khu vực Kinh Tương cũng đồng loạt bán bộ tiểu thuyết miêu tả nữ khâm sai trừ hung diệt ác.
Bộ tiểu thuyết này chưa kết thúc, cuốn sách cuối cùng viết đúng đến đoạn thân phận của nữ khâm sai bị phát hiện, những kẻ xấu xa trong triều nhân cơ hội này để làm hại nữ khâm sai.
Đọc xong tiểu thuyết, dân chúng không thể nào hiểu nổi. Nữ khâm sai tốt như vậy, làm sao có thể giết được cơ chứ?
Đặt tiểu thuyết và hiện thực lại cạnh nhau, sự nhiệt tình của dân chúng tăng vọt, tích cực tham dự vào câu chuyện, cảm thấy dường như mình cũng đã trở thành đại hiệp can đảm, hăng hái làm việc nghĩa như trong sách.
Bọn họ cùng ký tên dâng thư, yêu cầu thả Phó Vân Anh ra.
Không thể giết được!
Là các lão đi đầu trong việc phản đối Phó Vân Anh trong buổi tiệc hôm đó, danh tiếng của Diêu Văn Đạt đã lan truyền rộng rãi khắp nơi, giờ đến trẻ con ba tuổi cũng từng nghe tên của ông ta, biết ông ta là ông già "bắt nhạt Phó đại nhân".
Trong sách, nhân vật xấu thường là những kẻ ăn hối lộ, làm trái pháp luật, hãm hại người hiền tài, độc giả ai mà chẳng ghét những kẻ xấu đó. Diêu Văn Đạt rất xui xẻo, bị dân chúng đối xử như nhân vật xấu.
Trong vở kịch Dương gia tướng mà gánh hát thường diễn, người Dương gia bị Phan gia làm hại, dân chúng đi xem vô cùng căm phẫn, chửi mắng Phan gia dù rằng trên thực tế đa phần cốt truyện đều là hư cấu.
Nhưng dân chúng không phân biệt được đâu là lịch sử, đâu là kịch bản, cho rằng Phó Vân Anh chính là Dương gia tướng, Hoa Mộc Lan, còn Diêu Văn Đạt chính là Phan Nhân Mỹ tái thế!
Chẳng bao lâu sau đó, đã có kẻ tiết lộ về nơi ở của Diêu Văn Đạt cho mọi người cùng biết. Liên tục mấy ngày tiếp theo, ngày nào cũng có người mang cải nát trứng thối đến trước cửa Diêu gia, vừa chửi mắng Diêu Văn Đạt vừa ném rau cải nát.
Lúc Diêu Văn Đạt đi ra ngoài, những người đàn bà chờ bên phố đã lâu lập tức nhảy ra trước mặt ông ta, "Kẻ này là gian thần! Lão ta hãm hại Phó đại nhân!"
Những người xung quanh cũng vung rau cải nát trong tay lên, ném vào người Diêu Văn Đạt.
Diêu Văn Đạt tức điên người.
Có Chu Hòa Sưởng đứng sau làm chỗ dựa, hiệu sách vẫn ngang nhiên bán sách, sau đó lại còn bỏ tiền nhờ gánh hát chuyển tiểu thuyết thành kịch bản, truyền đi khắp nơi.
Câu chuyện về nữ khâm sai chẳng khác gì một mồi lửa đốt cháy cả thảo nguyên, từ nam chí bắc, nhà nào cũng biết.
...
Thấy chuyện này càng ngày càng ầm ĩ, Vương các lão suy xét rất lâu. Hôm nay, lúc tan triều, ông ta không đi luôn mà ở lại cầu xin cho Phó Vân Anh.
"Tuy nàng ấy mà nữ tử nhưng mấy năm nay thật sự đã làm được rất nhiều việc, có công với xã tắc, xin Hoàng thượng khoan dung, tha thứ cho cái sai của nàng ấy."
Chu Hòa Sưởng vẫn không hề dao động, nói: "Nếu các khanh không tán thành việc nàng ấy ra làm quan, thì sẽ lấy tội giả mạo thân phận để ban chết."
Vương các lão biết với sự yêu quý và tôn trọng của Chu Hòa Sưởng dành cho Phó Vân Anh, hắn chắc chắn sẽ không cứ ban chết cho nàng như thế, lần này nhốt nàng vào tử lao cùng lắm cũng chỉ là để lùi một bước để tiến hai bước mà thôi. Nhưng ông ta cũng đã cầu xin thế rồi, sao Hoàng thượng vẫn chưa chịu buông tha ra chứ?
Mấy vị các lão nhìn nhau đầy ẩn ý rồi ra khỏi noãn các.
Uông Mân là người đi cuối cùng, ông ta nói: "Đã hỏi thái giám rồi, họ nói hôm trước Hoàng thượng sai người quét dọn toàn bộ cung Vạn An."
Nghe xong lời này, mặt Vương các lão và Diêu Văn Đạt đột nhiên biến sắc.
Hai bên cung Càn Thanh thông với điện Giao Thái, phía bắc điện Giao Thái là cung Khôn Ninh, nơi ở của Hoàng Hậu. Trong mười hai cung, cung Càn Thanh là cung điện lớn và quan trọng nhất trong khu cung điện phía đông, cung Vạn An ở hướng đông bắc của khu cung điện phía tây, là cung lớn thứ hai chỉ sau cung Khôn Ninh.
Khi tiên đế còn sống, chủ nhân của cung Vạn An chính là người được sủng ái nhất, Tôn quý phi.
Chẳng lẽ việc Hoàng thượng ban chết cho Phó Vân Anh chỉ là giả, thực ra là định đi một nước bất ngờ, tới đưa nàng vào hậu cung, sắc phong thành quý phi?
Chuyện này còn đáng sợ hơn đúng không?!
Uông Mân khẽ nói: "Với tài trí của Phó Vân Anh, nếu nàng ấy trở thành phi tử, Khổng Hoàng hậu hoàn toàn không phải đối thủ của nàng ấy."
Vương các lão và Diêu Văn Đạt cau mày.
Đừng nói Khổng Hoàng hậu, toàn bộ phi tử trong cung làm gì có ai thắng được Phó Vân Anh? Nếu nàng trở thành quý phi thì chắc chỉ mấy năm đã có thể giống Tôn quý phi năm đó, bức tử Khổng Hoàng hậu rồi thay thế.
Không phải chỉ thế thôi đâu, Phó Vân Anh ở chốn quan trường một thời gian, tầm nhìn rộng mở, Hoàng thượng thường xuyên hỏi nàng về đối sách, tham vọng của nàng sẽ không chỉ dừng ở việc độc sủng hậu cung...
Nói không chừng lại có thêm một Võ Chiếu nữa đấy!
Hoàng thượng hiền lành, ôn hòa, cực kỳ giống với Đường Cao Tông năm đó nữa chứ!
Mà hiện giờ vùng Đông Bắc đã lấy lại được đất đai đã mất, phía Tây Nam đã dẹp được nổi loạn, phía Đông Nam đã diệt được giặc Oa, trở nên giàu có, sung túc và phồn vinh, đất nước phát triển không ngừng, các đảng phái kiềm chế lẫn nhau, không có ai nắm được toàn bộ quyền lực, triều đình cân bằng. Hoàng thượng không còn là phiên vương trẻ tuổi căn cơ nông cạn như trước nữa, giống hệt như Đường Cao Tông, sau vài năm ẩn nhẫn, lấy việc phế hậu để phá hủy hệ thống quý tộc Quan Lũng, đánh dấu chấm hết cho giai đoạn mấy trăm năm các thế gia kiểm soát toàn bộ chuyện triều chính, cắt giảm quyền lực trong tay tể tướng, củng cố quyền lực của Hoàng đế, nâng đỡ sĩ tử xuất thân từ hàn môn thứ tộc. Thế cục này tương đồng quá mà!
Vương các lão nhìn về cung Càn Thanh nguy nga tráng lệ trên thềm đá bằng bạch ngọc, thở dài thườn thượt.
Hay là Hoàng thượng cố tình lựa chọn thời điểm này, lấy thân phận của Phó Vân Anh làm cái cớ để đạt được mục đích cắt giảm quyền lực của Nội Các, gia tăng quyền lực cho chính mình?
Nội Các kiềm chế hoàng quyền. Tư Lễ Giám vốn có thể đối đầu với Nội Các nhưng Tư Lễ Giám đã bị xóa bỏ. Hoàng thượng chắc chắn không cam lòng chịu sự khống chế của Nội Các như thế, sớm muộn gì cũng sẽ nghĩ cách chèn ép Nội Các.
Phạm Duy Bình là người được Hoàng thượng đề bạt, thể nào ông ta cũng biết Hoàng thượng đang nghĩ gì.
Trước cổng nhà, người nói ồn ào, chen chúc chật cứng như nêm.
Phó Vân Chương về nhà, ngồi xe ngựa mất nửa canh giờ, cuối cùng mới luồn lách được qua dòng người đông đúc để về đến nhà.
Trước khi nào nhà, y vén màn xe lên nhìn quanh ngõ, xung quanh toàn người là người, đông nghìn nghịt.
Già trẻ trai gái, có người già tóc bạc, có trẻ con tóc trái đào, có người ăn mặc đẹp đẽ sang trọng, cũng có người mặc áo ngắn rách nát nhiều vá chằng vá đụp, mặt ai cũng đầy cảm xúc.
Liên Xác đứng bên cạnh nói: "Gia, những đồ này đều được tặng cho nhà chúng ta!"
Hắn đã hỏi thăm rõ ràng rồi. Mấy ngày nay, dân chúng từ khắp các nơi lên kinh sư cầu xin cho Phó Vân Anh, đầu tiên sẽ tới canh ở Diêu gia, chờ Diêu Văn Đạt ra ngoài, ném trứng thối be bét lên người ông ta. Sau đó, họ sẽ đổ ra mấy con đường lớn mà các vị quan lão gia bắt buộc phải đi qua lúc lên triều. Rồi họ lại đi Đại Lý Tự trình thư mà họ cùng ký tên, tiện đường đi Tây Thành xem gánh hát diễn vở diễn về nữ khâm sai. Xem kịch xong, mọi người đem đặc sản quê nhà tới Phó gia, sau đó rủ đồng hương cùng nhau về nhà, hôm sau lại đến tiếp.
Hiện giờ dân chúng trong kinh sư mà nhàn rỗi không có việc gì làm sẽ đi theo những người từ khắp các nơi đổ về ấy để xem cho vui.
Thế là tạo thành phong trào mỗi ngày dạo một vòng kinh sư. Vì vậy phu xe ngựa vừa nhìn thấy người đến thuê xe đã hỏi: "Ngài muốn đi nhà Phó đại nhân hay nhà Diêu đại nhân nhỉ?"
Cầu xin cho Phó Vân Anh đương nhiên cũng trở thành một việc rất chi là thời thượng, mọi người làm không biết mệt.
Mặt mày Phó Vân Chương vẫn bình tĩnh, vừa nghe Liên Xác kể vừa đi vào chính đường.
Mấy người Đỗ Gia Trinh, Triệu Kỳ, Viên Tam đang ở đó cả, họ chờ y đã lâu.
"Nhị ca."
Thấy y đi vào, tất cả bọn họ đứng dậy chắp tay với y.
Y vẫy tay, ngồi xuống, nhận chén trà người hầu bưng đến, uống một ngụm rồi hỏi Đỗ Gia Trinh, "Đã niêm phong mấy cuốn sách ở hiệu sách Phúc Kiến kia chưa?"
Đỗ Gia Trinh đáp: "Niêm phong rồi ạ."
Phó Vân Chương gật đầu, nói: "Điều tra xem người sai khiến phía sau là ai, nếu có thêm một cuốn sách như thế truyền ra ngoài, niêm phong hết tất cả các tiệm bán cuốn sách đó."
Đỗ Gia Trinh rùng mình thưa vâng.
Phó Vân Anh là nữ giới lại từ đi học ở thư viện. Có một số người nhân cơ hội lấy đây làm bối cảnh, viết mấy cuốn tiểu thuyết diễm tình chẳng ra đâu vào đâu.
Ác ý của kẻ xấu là điều mà những người tốt không thể nào tưởng tượng ra nổi.
Phó Vân Chương đã dự đoán sẵn rằng sẽ có chuyện như thế, bởi vậy trước đó, y đã lệnh cho hiệu sách Phó gia chuẩn bị xong xuôi "Nữ khâm sai", hơn nữa đồng thời khắc bản bán ra trong cả nước. Sau khi hình thành quy mô nhất định, nó sẽ chiếm lĩnh thị trường chủ đạo, khiến những thứ sách vở ô uế kia không có chỗ đứng trên thị trường.
Từ nhỏ y đã biết muốn để cho thanh danh của mình đi vào lòng người, đầu tiên cần phải ngăn chặn hết tất cả những thứ có khả năng gây bất lợi cho bản thân mình. Sau khi thanh danh đã được tạo dựng, dù có bao nhiêu nghi ngờ đi chăng nữa thì chỉ cần nền tảng không bị phá hủy thì vẫn sẽ vững vàng không thay đổi được.
Hiện giờ ở đâu cũng có người của bọn họ, nếu thấy đâu đó có lời đồn đại có hại cho Phó Vân Anh thì phải lập tức nghĩ cách xoay luồng dư luận, khống chế toàn bộ dòng dư luận chính, vậy nên trước mắt trong dân chúng chưa xuất hiện hiện tượng người người chửi rủa Phó Vân Anh khắp nơi, đa số mọi người đều coi câu chuyện truyền kỳ này là chuyện giải trí lúc nhàn rỗi.
Tất thảy những thứ này thoạt nhìn thì cực kỳ đơn giản nhưng chỉ có bọn họ mới biết phía sau khó khăn thế nào.
Trước hết cần phải lẳng lặng dẫn lối cho quan niệm của dân chúng, khiến bọn họ có một cái nhìn tích cực về Phó Vân Anh, sau đó nếu có ai nhảy ra sỉ nhục Phó Vân Anh, dân chúng sẽ là những người phản đối đầu tiên.
Nam tôn nữ ti, đại bộ phận nam giới đều coi thường nữ giới nhưng sau khi những câu chuyện về Dương gia tướng, Hoa Mộc Lan đã thấm nhuần vào lòng người, thì địa vị của những người phụ nữ đó lại trở nên vững chắc, khó mà lay động được.
Việc Phó Vân Chương muốn làm là khiến cho Phó Vân Anh trở thành Hoa Mộc Lan của triều đại này.
Y rất giỏi khống chế dư luận.
Ngón tay y hơi cong lại, khẽ vuốt ve chén trà, phân công công việc rõ ràng.
Mấy người Đỗ Gia Trinh, Triệu Kỳ nghiêm túc lắng nghe y dặn dò.
Bọn họ biết sự thật này sớm hơn các vị các lão. Lúc nỗi kinh hoàng sửng sốt ban đầu còn chưa nguôi, vẫn còn chưa nghĩ ra được mình nên làm gì bây giờ, họ đã bị Phó Vân Chương phái đến các nơi làm việc, làm một hồi tự nhiên cũng chấp nhận được hiện thực rằng Phó Vân Anh là nữ.
Là những người cùng hội cùng thuyền với nhau, dù Phó Vân Anh mắc phải sai lầm gì, vướng vào chuyện lớn như thế nào thì, chỉ cần nàng không mưu phản, bọn họ cũng quyết bảo vệ cho nàng.
Phó Vân Chương dặn dò xong, mấy người Đỗ Gia Trinh xin phép về nhà.
Ra khỏi Phó trạch, Đỗ Gia Trinh nhìn con ngõ chen chúc toàn người là người trước mắt với vẻ mặt phức tạp.
"Triệu huynh, trước kia huynh có từng nghi ngờ về thân phận của Phó Vân Anh không?"
Triệu Kỳ hồi tưởng một chút, ho khan mấy tiếng.
Đúng là hắn chưa từng nghi ngờ gì.
Thậm chí là nhờ công của Phó Vân Anh, hắn từng suýt nữa cho rằng mình là kẻ đoạn tụ!
Ai bảo Phó Vân Anh đẹp thế chứ!
Thiếu niên bồng bột, đúng vào lúc dễ rung động nhất, lại ngày ngày phải đối mặt với một người bạn cùng trường phong độ xuất chúng lại còn tài năng hơn người, đôi khi không thể tránh khỏi việc suy nghĩ linh tinh.
Lúc ấy, Triệu Kỳ vô cùng sợ hãi, biết gia đình đã đính hôn cho mình, hắn nhanh chóng chạy về nhà cưới vợ. Ôm vợ đẹp trong lòng, cuối cùng hắn cũng xác định được mình không thích Long Dương.
Nhưng mà cái chuyện mất mặt thế này làm sao nói ra miệng được, đánh chết cũng không nói!
Triệu Kỳ nghiêm mặt đáp: "Không, huynh cũng biết Vân ca nhi là người thế nào mà, ai mà có thể nghi ngờ nàng ấy là nữ cơ chứ?"
Đỗ Gia Trinh lắc đầu cười gượng gạo.
Hắn từng chĩa mũi dùi vào Phó Vân Anh, ra oai phủ đầu với nàng. Trên lớp, hắn từng tranh cãi với nàng rất nhiều lần, suốt ngày gây phiền phức cho nàng.
Không ngờ cuối cùng bọn họ lại giải hòa với nhau.
Lại không ngờ Phó Vân Anh hóa ra là một cô gái.
Vốn là con gái, vào thư viện đi học, nhất định lo lắng bất an, lúc nào cũng phải thấp thỏm đề phòng, hắn lại cứ gây khó dễ cho nàng suốt, không biết hồi đó nàng từng gặp bao nhiêu khó khăn nữa.
Hắn hối hận vì đã làm những việc như thế.
Nhưng mà chắc Phó Vân Anh cũng chẳng để bụng mấy chuyện đó thì phải?
Đối với nàng mà nói, những phiền phức mà hắn tạo ra căn bản cũng chẳng có gì đáng nói.
...
Tiễn mấy người Đỗ Gia Trinh ra về, Viên Tam xoa xoa nắm tay, thấy Phó Vân Chương định về phòng thay quần áo thì lên tiếng giữ y lại.
"Nhị ca... Lão đại nàng ấy... thành thân thật rồi à?"
Phó Vân Chương quay lại nhìn hắn.
Viên Tam nắm chặt hai tay, nhìn y, vừa chờ mong lại vừa lo lắng.
"Lần thành thân đó là giả thôi đúng không?"
Phó Vân Chương hỏi lại: "Khi đó muội ấy nói gì với đệ?"
Viên Tam sững sờ.
Hắn nhớ lại một cách cẩn thận, khi đó lão đại nói với hắn một cách cực kỳ nghiêm túc, nàng sắp thành thân, còn nói có một chuyện chưa thể nói cho hắn được...
Viên Tam hiểu rồi.
Lão đại không lừa hắn, nàng thành thân thật rồi.
Mặt hắn đầy vẻ buồn nản.
Lão đại vốn có thể nói thật với hắn, hắn sẽ không coi thường nàng vì nàng là con gái, hắn cũng sẽ không nhân cơ hội này để ép buộc, bắt nạt nàng. Hắn làm sao có thể làm những việc có lỗi với lão đại như thế cơ chứ?
Hắn biết bản thân mình không xứng với lão đại, chỉ có điều... chỉ có điều nếu hắn nỗ lực hơn một chút...
Nếu hắn biết từ trước, ít nhất cũng có cơ hội cạnh tranh.
Hiện giờ nói gì thì cũng muộn cả rồi, lão đại thành thân rồi.
Hắn có cảm giác mình vừa bỏ qua một thứ gì đó vô cùng quan trọng.
Suy nghĩ trong đầu Viên Tam rối như tơ vò, hắn đấm thật mạnh vào cột trụ hành lang "Uỳnh" một tiếng, ngón tay cũng tím bầm.
Chỉ nhìn thôi Phó Vân Chương cũng có thể hiểu được sự hụt hẫng của Viên Tam.
Nhưng mà y biết Viên Tam sẽ hiểu ra sớm thôi.
Giống như khi Phó Dung cho y biết Anh tỷ nhi không phải em họ của y vậy.
Y từng nghĩ bản thân mình là kẻ không màng đạo đức, luân lý, đâm đầu vào ngõ cụt, không ngờ lại có lúc liễu ám hoa minh [1].
[1] Thành ngữ này nghĩa là tình huống không còn lối thoát nữa bỗng đột nhiên xuất hiện chuyển biến và hy vọng. Thành ngữ này xuất hiện trong bài "Du Sơn Tây thôn" của Lục Du, trong đó có hai câu "Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ, Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn". Nghĩa là: Núi lại núi khe lại khe ngỡ là không có đường, Liễu rậm hoa tươi lại có làng. (Bản dịch từ thivien.net). Ý là núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, cứ ngỡ là không còn đường đi nữa thì lại thấy trước mắt có rặng liễu xanh, khóm hoa thắm, gặp được một thôn làng.
Nhưng mà hoa cũng đã hết mùa rồi.
Hãy cứ đi về phía trước đi, làm khó nàng cũng là làm khó chính mình mà thôi.
Chẳng thà lui một bước, trời cao biển rộng.
Y mỉm cười, nhấc chân bước qua hành lang bơi bóng hoa và bóng nắng giao hòa với nhau, gió thổi phồng tay áo, tự do phóng khoáng, nhẹ nhàng, chẳng vướng bụi trần.
...
Diêu gia.
Diêu Văn Đạt tuổi đã cao, trời còn chưa sáng đã tỉnh ngủ, trằn trọc, không thể nào ngủ tiếp được.
Ông ta khoác áo lên người, cất cao giọng gọi tên lão bộc, lão bộc mãi không trả lời.
Ông ta đành phải tự mò mẫn ra sau tấm bình phong, châm đèn đọc sách.
Dưới ánh đèn dầu nhạt nhòa, ông ta đọc sách nửa canh giờ, trời cũng sáng dần.
"Trà."
Diên Văn Đạt đứng dậy, mở cửa phòng ra, nói.
Không ai trả lời.
"Nước!"
Vẫn không ai lên tiếng.
Diêu Văn Đạt nghèo khó, bao nhiêu năm nay cũng chỉ có mấy lão bộc hầu hạ bên người.
Ông ta nén giận, tự xuống bếp lấy nước rửa mặt.
Tuy nghèo khổ nửa đời người nhưng ông ta lại chưa từng phải động tay làm việc nhà bao giờ. Trước kia, lúc lão bà tử còn sống, chuyện gì cũng đến tay lão bà tử, lão bà tử thương ông ta, nói ông ta là người đọc sách, sợ tay ông ta bị thương, không cho ông ta làm gì cả. Sau này lão bà tử đi rồi, lại đến lượt lão bộc hầu hạ ông ta.
Ông ta lấy một chậu nước lạnh, cố gắng chịu đựng cái lạnh thấu xương, rửa mặt xong, ngồi bên cạnh bàn, chờ đồ ăn sáng.
Hôm nay mà lão bộc dám để cho ông ta bị đói, ông ta sẽ đuổi lão bộc đi!
Sau nhiều lần thúc giục, lão bộc mới uể oải đáp lời, đặt một bát cơm cũ trước mặt ông ta đánh cạch một tiếng.
"Đây, ăn cái này ạ."
Diêu Văn Đạt cầm đũa chọc chọc mấy cái, một bát cơm vừa khô vừa cứng, chẳng có tí thức ăn nào, thế này thì làm sao mà nuốt nổi!
Ông ta còn chưa phàn nàn gì, lão bộc đã hừ một tiếng, "Quan nhân, giờ trong nhà không có gạo cũng chẳng có đồ ăn, đây dù sao cũng là do ta cố ý để dành cho ngài đấy, ngài ăn tạm đi vậy!"
Diêu Văn Đạt tức giận nói: "Hôm trước vừa mới phát bổng lộc, ta đã đưa hết cho ngươi rồi cơ mà, sao mà lại không có tiền mua gạo được?"
Lão bộc tựa vào cửa, lấy chiếc trâm ra ngoáy lỗ tai, "Có tiền mua nhưng có ai chịu bán đâu cơ chứ! Ngài hãm hại trung lương, muốn Hoàng thượng xử tử Phó đại nhân, người bán gạo kia nghe nói ta là người hầu của Diêu gia còn nhổ nước bọt vào mặt ta! Muốn vay của người ta thì người trong ngõ có ai thèm nói chuyện với ta đâu, nói gì đến việc cho nhà chúng ta vay gạo!"
Nói xong, lão bộc trừng mắt nhìn Diêu Văn Đạt đầy vẻ u oán.
"Nếu ngài không kén chọn thì ta sẽ nhặt đám rau cải nát ngoài kia về, được cả mấy sọt to, có khi còn làm được mấy món nữa ấy chứ!"
Diêu Văn Đạt chán nản, cầm đũa lên lùa cơm.
Dùng bữa xong, ông ta ra ngoài, vừa tới cửa đã bị ném cải nát đầy người.
"Kẻ xấu ra kìa! Kẻ xấu ra kìa!"
Đám người hét lên rào rào, lá cải nát rơi xuống người ông ta như mưa.
Mặt Diêu Văn Đạt xanh mét.
Ông ta lúc nào cũng quạu cọ, ngang bướng, lên các lão cũng vẫn chẳng có tiền để mua nhà cao cửa rộng, hộ vệ đi theo ông ta cũng phải sống nghèo sống khổ, tìm mọi cách để được điều đi nơi khác, thà giữ cổng thành còn hơn đi theo ông ta.
Hôm qua đúng là ngày đầu tiên hộ vệ mới được điều tới đây làm việc. Hộ vệ mới không biết tính ông ta, bị ông ta chửi mắng một chặp, hôm nay không dám đứng trước cổng nhà, ra tận ngoài phố lớn chờ.
Diêu Văn Đạt run run, phủi hết rau cỏ trên vai xuống, ngẩng đầu ưỡn ngực đi về phía trước.
Đi được một đoạn, bỗng phía sau vang lên một tiếng bịch nặng nề tựa như có gì đó đổ trên mặt đất. Ngay sau đó, tiếng cười nhạo rộ lên.
Ông ta không thèm quan tâm.
"Lão gia..."
Nghe thấy tiếng rên rỉ của lão bộc, Diêu Văn Đạt sửng sốt, xoay người lại.
Lão bộc nằm trên mặt đất trước cửa, mặt đầy vẻ đau đớn, miệng kêu ai ui liên tục.
Diêu Văn Đạt quay lại tới cạnh lão bộc, "Ngươi làm sao thế này?"
Lão bộc nhăn nhó nói: "Ta ra nhặt rau cải cho lão gia... lại bị vướng bậc cửa ngã một cái, ai da..."
Ông ta đau đớn đến mức mặt cũng méo xệch.
"Lão gia, có khi ta ngã gẫy xương rồi, không dậy nổi, ngài kéo ta một cái với."
Diêu Văn Đạt bức bối, ai muốn ăn cải nát cơ chứ!
Ông ta khom lưng định đỡ lão bộc dậy, kết quả là vừa cúi xuống một chút đã nghe thấy tiếng răng rắc vang lên, tuổi lớn rồi, xương cốt giòn, căn bản không cúi xuống được.
Lão bộc vẫn đang kêu than.
Diêu Văn Đạt ngẩng đầu, nhìn quanh một lượt.
Những người xung quanh lập tức né tránh, Diêu đại nhân là kẻ xấu, thế thì người hầu nhà ông ta cũng là kẻ xấu, bọn họ còn lâu mới giúp kẻ xấu nhé!
Diêu Văn Đạt khẽ cắn răng, tập tễnh đi về phòng, lấy bạc vụn lão bộc giấu trong lu gạo, ra ngoài tìm phu xe.
Phu xe nhận ra ông ta, lắc đầu quầy quậy.
Diêu Văn Đạt tức giận đến mức đầu sắp bốc khói đến nơi.
Lão bộc vẫn đang nằm giữa một đống rau cải nát, đau đớn rên rỉ.
Diêu Văn Đạt định kéo ông ta lên, dìu ông ta về phòng.
Lão bộc đau tới mức chảy cả nước mắt, không chịu cho ông ta chạm vào, "Lão gia, ta gãy xương rồi! Không kéo thế được đâu!"
Diêu Văn Đạt bó tay không biết làm thế nào.
Những người xung quanh bàn tán sôi nồi, có người mắng Diêu Văn Đạt: "Đáng đời, cẩu quan!"
Lão bộc đau tới mức nhe răng trợn mắt, nghe thấy câu này, mặt lập tức đanh lại, tức tối cãi: "Đại nhân nhà chúng ta là quan thanh liêm! Quan tốt!"
Những người xung quanh bĩu môi, không tin.
Lão bộc nằm trên mặt đất phân trần với bọn họ: "Đại nhân nhà chúng ta là quan tốt mà, thật đấy!"
Những nếp nhăn trên mặt Diêu Văn Đạt cũng hơi run run.
Lúc này, những người tới xem trò vui bỗng tách ra thành một con đường, một thanh niên tuấn tú mặc đạo bào cổ chéo màu nguyệt bạch bằng lụa Hàng Châu bước ra.
Người này có phong thái xuất chúng, những người đang chụm đầu ghé tai bàn tán vừa nhìn thấy đã im bặt.
Thanh niên đi tới trước mặt Diêu Văn Đạt.
Diêu Văn Đạt khẽ hừ một tiếng, mím môi không nói.
Phó Vân Chương không nhìn ông ta, nhìn về phía đám người, vẫy tay.
Mấy tùy tùng mặc quần ống hẹp lập tức đi tới, hợp sức khiêng lão bộc đã không thể nhúc nhích lên lên một chiếc xe thồ lừa kéo.
Phó Vân Chương sai người đưa lão bộc tới y quán gần nhất.
Thầy thuốc khám bệnh, nẹp xương, khai đơn thuốc cho lão bộc.
Dược đồng bốc thuốc đưa tới, Diêu Văn Đạt lấy bạc vun ra trả, dược đồng nói Phó Vân Chương đã thanh toán cả rồi.
Diêu Văn Đạt không nói gì.
Khám vết thương xong, tùy tùng đưa lão bộc về Diêu gia, khiêng lão bộc về phòng, đặt ngay ngắn lên giường.
Lão bộc vô cùng cảm kích, cảm ơn mấy lần liền.
Diêu Văn Đạt lấy hết bạc vụn trong nhà ra, định trả cho Phó Vân Chương.
Lão bộc đi theo ông ta đã nhiều năm, tuy ngoài miệng ông ta không nói gì nhưng trong lòng đã coi lão bộc như người thân của mình. Hai ông già sống nương tựa lẫn nhau. Nếu không cứu chữa kịp thời, chân của lão bộc thật sự có thể sẽ gãy hẳn.
Phó Vân Chương bật cười, "Sao thầy phải khách sáo với con như thế làm gì?"
Diêu Văn Đạt lườm y một cái, "Ngươi vẫn còn gọi ta một tiếng thầy à? Ta còn buộc tội em ngươi trên triều đấy."
Phó Vân Chương mỉm cười nói: "Con biết thầy cũng rất yêu quý Vân ca nhi, nhất định thầy không định hại muội ấy."
Diêu Văn Đạt trầm mặc không nói.
Phó Vân Chương nói: "Thầy sợ chuyện này vỡ lở, không còn cách nào cứu vãn nổi nữa nên đã đứng ra phản đối việc này trước, tạo cho Vân ca nhi một đường lui. Vương các lão và những người khác không có bao nhiêu tình cảm với Vân ca nhi, thầy thì khác, thầy đã chứng kiến quá trình trưởng thành của muội ấy."
Thời tiết dần trở nên ấm áp, mấy cây cổ thụ trụi lủi trong vườn vẫn còn chưa nảy chồi xanh, cành khô trơ trọi.
Ngồi đối diện một lúc lâu, Diêu Văn Đạt bỗng nhiên cầm một cuốn sách lên, ném nó về phía Phó Vân Chương.
"Đồ không ra gì! Chuyện lớn như thế làm sao các ngươi có thể che giấu như vậy được chứ?! Vân ca nhi là con gái, ngươi có biết con bé sẽ phải gánh chịu bao nhiêu hiểm nguy không?! Trong ngoài triều đình, có bao nhiêu người sẽ chĩa mũi dùi vào con bé, giễu cợt nó, bắt nạt nó. Con bé làm gì có ba đầu sáu tay, làm sao mà xử lý được đây?"
Diêu Văn Đạt càng nói càng tức giận, đứng dậy, tiếp tục lấy sách trên bàn ném Phó Vân Chương.
"Con bé là con gái, giờ thì làm quan cũng làm rồi, danh tiếng cũng có rồi, đáng lẽ ra phải để cho con bé rút lui an toàn, để con bé tiếp tục ở trong triều thì chẳng phải là đẩy nó vào hố lửa hay sao? Còn chẳng bằng để con bé vào cung làm quý phi, ít ra sau này còn có chốn dung thân."
Phó Vân Chương cứ ngồi đó không hề nhúc nhích, để yên cho Diêu Văn Đạt trút giận.
Một lúc lâu sau, mặt Phó Vân Chương vẫn không đổi sắc, Diêu Văn Đạt đánh mãi cũng mệt, chống tay vào hông thở hổn hển.
"Thầy ạ."
Phó Vân Chương ngẩng đầu, ánh mắt bình tĩnh nhưng thâm thúy.
"Vân ca nhi đã đi tới bước này rồi, cứ để muội ấy đi tiếp thôi. Đã có thể có một nữ tướng quân cân quắc không nhường tu mi, tại sao lại không thể có một nữ tuần phủ chứ?"
Diêu Văn Đạt vứt sách trong tay xuống, đấm nhẹ lên hông, chẳng nói lời nào.
Phó Vân Chương biết Diêu Văn Đạt nhiều năm, hiểu rõ tính cách của ông ta.
Mấy ngày nay nếu không phải y vẫn âm thần khống chế tình thế thì đã có người xông vào Diêu gia làm ầm lên từ lâu rồi. Như thế, những người tới xem trò vui đương nhiên sẽ được hả giận nhưng lại không có lợi cho Anh tỷ nhi.
Y khống chế dư luận nhưng không thể khống chế được tất cả mọi người tham gia dư luận.
Đã đến lúc làm rõ mọi chuyện.
Cứ để như thế này, mọi chuyện có thể vượt ra ngoài sự khống chế của bọn họ bất cứ lúc nào.
Phó Vân Chương đứng dậy, rót một chén trà, đưa về phía Diêu Văn Đạt, khẽ nói: "Thầy à, nếu sư mẫu còn trên đời, thầy có nghĩ sư mẫu sẽ ủng hộ Vân ca nhi không?"
Biểu cảm trên khuôn mặt Diêu Văn Đạt cứng đờ.
Lão bà tử không được học hành, không hiểu lời hát và lời kịch trong kinh kịch, nhưng mà những câu chuyện quen thuộc như Hoa Mộc Lan, Dương gia tướng, bà ấy xem nhiều rồi cũng hiểu được.
Bà ấy thích Hoa Mộc Lan sao?
Diêu Văn Đạt không biết, lão bà tử chưa bao giờ nói với ông ta.
Ông ta chỉ biết ngày nào lão bà tử cũng bận rộn từ sáng sớm đến tối muộn, việc đồng áng bà ấy cũng lo, việc nhà bà ấy cũng làm.
Ngày nào bà ấy cũng vất vả, ông ta cảm thấy áy náy, kéo tay lão bà tử hứa với bà ấy mình nhất định sẽ cho bà ấy một cuộc sống tốt đẹp.
Lão bà tử cười nói, chỉ cần ông ta có chí tiến thủ, bà ấy không sợ vất vả. So với những chị em khác trong nhà, suốt ngày phải lo lắng đủ điều, bà ấy đã sống hạnh phúc lắm rồi.
Có một lần, lão bà tử về nhà mẹ đẻ ở mấy ngày, đến khi về nhà lại than thở với ông ta.
"Làm đàn bà khổ quá! Giá mà tôi được làm đàn ông thì tốt."
Chỉ có một lần đó thôi.
Nếu lão bà tử còn sống trên đời...
Tuy bà ấy chưa từng nói gì, nhưng Diêu Văn Đạt biết bà ấy nhất định sẽ ủng hộ Vân ca nhi.
Cả cuộc đời này, người khiến ông ta cảm thấy có lỗi nhất chính là lão bà tử.
Diêu Văn Đạt ngồi trước bàn sách, nước mắt rơi lã chã.
...
Phạm trạch.
Các lão Phạm Duy Bình về đến nhà, cởi quan phục, nằm trên giường La Hán nghỉ ngơi, nha hoàn quỳ bên cạnh đấm chân cho ông ta.
Bỗng người hầu đi vào, "Các lão, lão phu nhân mời ngài sang bên đó nói chuyện."
Phạm Duy Bình ừ một tiếng, đứng dậy, tới chính viện nhưng lại không thấy mẹ mình là Triệu Thiện đâu cả.
Nha hoàn dẫn ông ta sang thư phòng, "Lão phu nhân đang vẽ tranh ạ."
Triệu Thiện vẽ rất đẹp, là nữ họa gia trong chốn khuê phòng nổi tiếng ở đất Hồ Quảng. Năm đó, sau khi lão gia nhà họ Phạm qua đời, mẹ góa con côi sống trong cảnh khốn khó, nhà chỉ có bốn bức tường, tiền để Phạm Duy Bình học hành, thi cử đều được đổi từ những bức tranh của mẹ mình. Ông ta biết ơn người mẹ đã sinh ra, nuôi dưỡng, dạy dỗ mình nên người nên rất có hiếu.
Trong thư phòng, Triệu Thiện đầu tóc bạc phơ đang đứng trước bàn sách, cầm một chiếc bút trong tay, đưa từng nét bút vẽ một bụi hoa lan.
Phạm Duy Bình không dám lên tiếng, đứng bên cạnh chờ đợi.
Triệu Thiện vẽ xong những nét cuối cùng, bình thản nói: "Mẹ đã sai người thu dọn hành lý, mấy ngày nữa mẹ sẽ xuôi nam."
Phạm Duy Bình kinh ngạc, dò hỏi: "Mẹ, người định về quê ạ?"
Triệu Thiện lắc đầu, gác bút xuống, đi tới giá để bồn nước, rửa tay. Nha hoàn bên cạnh giúp bà lau khô tay một cách cẩn thận.
Tay bà được chăm sóc rất tốt, ngón tay thon dài mềm mại, móng tay đầy dặn.
Tuy tuổi đã cao nhưng tinh thần của bà vẫn quắc thước như cũ, đôi mắt sáng ngời.
Triệu Thiện ngồi xuống chiếc ghế bành trước bàn sách, uống một ngụm trà, "Không, mẹ muốn đi Kinh Tương."
Phạm Duy Bình ngẩn người.
"Kinh Tương ạ?"
"Đúng thế. Mẹ nghe Uyển tỷ nhi bảo ở Kinh Tương có mở học đường, chuyên nhận con gái vào học, dạy kỹ năng, tài nghệ cho bọn họ, dạy dệt vải thêu thùa, dạy nuôi tằm, dạy tính toán sổ sách, dạy y thuật, dạy việc bếp núc... Mẹ có thể dạy hội họa cho mấy đứa trẻ đó."
Phạm Duy Bình nhíu mày, hiện giờ mẹ ông ta con cháu đầy đàn, đáng lẽ ra phải ở nhà dưỡng lão, vui vầy cùng con cháu mới phải. Ông ta biết mẹ mình thích vẽ tranh nhưng giờ ông ta đã là các lão rồi, mẹ ông ta không cần phải vất vả lo lắng việc trong nhà, muốn nhận đồ đệ thì có thể ở nhà dạy mấy học sinh nữ là giống như trước đây được rồi, sao lại nhất định phải đi Kinh Tương chứ?
Chỗ kia vừa nghèo nàn vừa rách nát, dân chúng thì dữ dằn, thô thiển. Phó Vân Anh đã thuyết phục lưu dân đầu hàng, dựng thị trấn nhưng dù sao cũng mới chỉ là bước khởi đầu. Sao mẹ ông ta lại có thể đến một nơi như vậy chứ?
"Mẹ à, Uyển tỷ nhi và Cầm tỷ nhi thành hôn cả rồi, mẹ có thể nhận những học sinh nữ khác mà, đâu cần phải đi xa như thế."
"Con à, người Hồ Quảng ai cũng biết thời mẹ còn con gái, nhà mẹ rất nghèo, không có của đồ cưới, chẳng có ai dám cưới. Sau đó, mẹ vẽ liền một tháng được một rương tranh, Phạm gia vô cùng mừng rỡ, cưới mẹ về nhà..."
Triệu Thiện kể lại chuyện cũ, hai mắt hơi nheo lại, nếp nhăn hằn sâu.
Phạm Duy Bình nghiêm túc lắng nghe.
Triệu Thiện cười chế nhạo, "Người đời ai chẳng thích nghe những câu chuyện hay... Một tháng mà có thể vẽ được cả một rương tranh sao?"
Bà cúi đầu nhìn xuống đôi tay mình.
"Con à, khi mẹ còn nhỏ, nhà vẫn giàu có lắm. Triệu gia là tộc lớn, tuy nhà mẹ đẻ của mẹ chỉ là một chi xa thứ xuất nhưng làm gì đến mức ăn không đủ no. Nhưng mà không may mẹ lại có một người anh trai thích đánh bạc, hắn đánh thua hết gia sản của cả nhà, bao gồm cả đồ cưới mà ông nội mẹ để lại cho mẹ."
Nói đến đây, Triệu Thiện cười lạnh. Dù sau bao nhiêu năm đi chăng nữa, bà vẫn không thể quên nổi được cảm giác tuyệt vọng và bất lực của bản thân mình năm đó.
"Mẹ mẹ thiên vị người anh kia, bởi mẹ là con gái, anh trai mẹ là con trai, chuyện gì mẹ cũng phải nhường một bước. Anh trai mẹ dùng hết của đồ cưới của mẹ, mẹ mẹ không thương mẹ thì thôi, lại còn tiếp tục bán của cải, ruộng đất để anh trai mẹ trả nợ, ép mẹ phải bán tranh. Tuy khi ấy mẹ còn nhỏ tuổi nhưng mẹ theo học một người thầy có tiếng, một bức họa có thể bán được mười lượng bạc. Mẹ mẹ, anh trai mẹ, chị dâu mẹ, tất cả bọn họ đều ép mẹ, nếu như mẹ không vẽ, bọn họ sẽ đánh mẹ, mắng mẹ, không cho mẹ ăn cơm, phạt mẹ quỳ trên nền gạch giữa ngày đông lạnh giá..."
"Mẹ!" Nghe đến đó, mắt Phạm Duy Bình đỏ hoe, đứng bật dậy, "Sao từ trước đến nay người chưa từng kể cho con nghe những chuyện này!"
Triệu Thiện mỉm cười nhàn nhạt.
"Toàn là chuyện đã qua, có gì hay đâu mà kể."
Phạm Duy Bình thở dài.
Triệu Thiện nói tiếp: "Sau này những bức họa của mẹ dần nổi danh, giá cả càng ngày càng lên cao, anh trai và chị dâu mẹ sợ sau này mẹ lấy chồng sẽ bỏ mặc nhà mẹ đẻ nên vừa bán tranh lại vừa giả nghèo giả khổ, cứ có ai tới cầu hôn lại thi triển công phu sư tử ngoạm, đòi tới mấy vạn lượng sính lễ. Anh trai mẹ muốn gả mẹ cho em trai của chị dâu mẹ, như thế cả đời này mẹ sẽ phải nghe lời hắn. Ban đầu Phạm gia và nhà mẹ đẻ của mẹ vốn đã có hôn ước nhưng thấy mẹ mẹ quá tham lam, lão thái thái tức giận đến mức định hối hôn."
"Mẹ biết, nếu mẹ không gả ra ngoài thì cả đời này sẽ không thoát được sự khống chế của anh trai và chị dâu. Anh trai mẹ vẫn thích đánh bạc, thường xuyên không ở nhà. Mẹ và chị dâu của mẹ luôn trông chừng mẹ, không cho mẹ ra ngoài. Mẹ vừa vẽ tranh theo đơn đặt hàng của người ta vừa lén vẽ thêm những bức tranh khác cho mình, sau đó giấu tranh đi... Vì thế, mắt mẹ gần như mù tới nơi... Đến khi mẹ tích cóp được cả một rương tranh thì người Phạm gia lại tới bàn chuyện chuyện hôn nhân, mẹ lừa nha hoàn đi chỗ khác, xông vào chính đường, đem rương tranh kia ra cho họ xem, nói với Phạm gia đây là đồ cưới của mẹ."
Mãi tới ngày hôm nay, Triệu thị vẫn còn nhớ như in cảnh mình xông vào chính đường hôm đó.
Cạnh một tiếng, trước mặt tất cả mọi người, bà mở chiếc rương gỗ sơn đen mà mình vẫn giấu dưới gầm giường, lấy tất cả tranh trong đó ra.
Bà biết, đó là cơ hội duy nhất của bà, nếu hành động chậm một chút, rất có thể bà sẽ bị kéo vào nhà trong rồi từ đó về sau bà thật sự sẽ không trốn thoát được nữa.
Người Phạm gia nhìn thấy cả một rương tranh như thế, vô cùng vui mừng còn mẹ và anh bà thì kinh ngạc tới mức trợn mắt há mồm.
Nỗi đớn đau và cay đắng năm đó nặng nề biết chừng nào nhưng giờ nhắc đến thì cũng lắm cũng chỉ là mấy câu nói mà thôi.
Khi đó Triệu Thiện mới có mười mấy tuổi, chỉ biết ru rú trong nhà, chẳng có kiến thức gì, nhát gan, ngoan ngoãn nghe lời.
Đối với bà mà nói, phải khó khăn lắm bà mới có thể lấy hết can đảm để phản kháng lại người nhà.
Mãi tới khi thật sự thoát khỏi mẹ và anh trai của mình, gả vào Phạm gia, nhớ lại, bà mới cảm giác được sự sợ hãi.
Người đời không biết nỗi vất vả của bà, họ ca ngợi rương tranh kia như một câu chuyện gì đó tao nhã lắm, nói nhà bà nghèo khó, bà lao đầu vào việc vẽ tranh, chỉ cần một tháng đã gom góp đủ đồ cưới.
Chị em dâu nhà họ Phạm hỏi bà về chuyện này, bà chỉ cười mà không nói.
Nói ra thì có ích lợi gì chứ? Các chị em dâu có lẽ sẽ thông cảm cho bà, thương hại bà, rồi chẳng bao lâu sau sẽ đem chuyện này đi kể khắp mọi nơi.
Sau khi gả vào Phạm gia, bà sợ người Phạm gia cũng sẽ tham lam giống người nhà mẹ đẻ, lấy cớ bận việc nhà, không vẽ tranh nữa.
Bà sợ vẽ, nhìn thấy bút vẽ đã buồn nôn.
Mãi tới lúc chồng bà qua đời, để nuôi gia đình sống qua ngày, lấy tiền cho con trai đi học, bà mới cầm bút vẽ lần thứ hai.
Không phải cho nhà mẹ đẻ, không phải cho nhà chồng, bà tự vẽ cho chính mình và con trai, bà dựa vào đôi bàn tay của mình, nuôi sống cả nhà. Lần này bà mới thực sự yêu những bức họa của mình.
Triệu Thiện nói dứt lời, Phạm Duy Bình đã khóc không thành tiếng.
Ông ta đứng dậy, quỳ rạp xuống chân mẹ mình, nức nở nói, "Mẹ, con bất hiếu, không biết năm đó người từng đau khổ như vậy..."
Vành mắt Triệu Thiện cũng đỏ hoe, bà đưa tay vuốt nhẹ lên mặt con.
"Con của mẹ, cuộc đời này của mẹ, có thể nuôi con khôn lớn, thấy con ra làm quan, nhìn con thành gia lập nghiệp, mẹ đã thỏa mãn lắm rồi, nhưng mẹ sẽ không dừng lại ở đó. Trước kia tam thúc từng muốn mẹ nhận Vân ca nhi làm học sinh, mẹ từ chối. Khi đó mẹ không biết con bé là con gái. Nếu biết, mẹ đã nhận con bé làm đồ đệ."
Bà thở dài thườn thượt, vẻ mặt thẫn thờ.
Một lúc sau, bà lại cười.
"Nhưng mà bây giờ chưa phải là muộn, Phó Vân Anh có thể lấy thân phận nữ tử ra làm quan, Dương Ngọc Nương có thể lấy thân phận nữ tử rong ruổi sa trường. Tuy là mẹ đã lớn tuổi nhưng mẹ không chịu già! Không thể thua hai người trẻ tuổi ấy được. Hơn một nửa số học sinh nữ được nhận vào học đường ở Kinh Tương là những đứa trẻ mồ côi không ai nhận, mẹ muốn tới dạy những cô bé ấy vẽ tranh. Nếu tìm được hạt giống tốt, mẹ sẽ nhận cô bé ấy làm học sinh, truyền thụ cho cô bé ấy toàn bộ tài nghệ của mẹ."
Bà đứng dậy, nhìn bức tranh hoa lan trên bàn mà mình vừa vẽ xong.
"Mẹ là mẹ của con, mẹ biết con có hiếu, muốn mẹ ở nhà dưỡng lão... Nhưng mẹ cũng là Triệu Thiện, mẹ là nữ họa gia. Cả đời này, thế nào mẹ cũng phải sống vì chính mình một lần."
Không phải là con gái của ai, em gái của ai, vợ của ai, mẹ của ai, bà chỉ là bản thân bà, Triệu Thiện.
Đôi mắt Phạm Duy Bình nhòe đi trong nước mắt, ông ta quỳ trên mặt đất, ngước nhìn mẹ mình.
Đây là lần đầu tiên ông ta nhìn thấy mẹ mình có những biểu cảm như thế.
Kiêu hãnh, tự hào, thần thái sáng láng.
...
Hôm nay, Vương các lão chủ trì, mở tiệc chiêu đãi quan viên Lục Bộ.
Để thể hiện sự thanh liêm, buổi tiệc được tổ chức ở một tửu lâu bình thường trên phố.
Đám quan viên đều uể oải ủ rũ, Phó Vân Anh bị nhốt vào tử lao, bọn họ không thể không tiếp nhận công việc nàng để lại, tuy cũng chẳng phải là việc to tát gì nhưng lại rất rườm rà. Ngày nào Hoàng thượng cũng thúc giục, bọn họ không dám lơ là, bận tới mức vắt chân lên cổ.
Rượu được ba tuần, Uông Mân nói ra một tin xấu làm tâm trạng mọi người càng tồi tệ hơn.
"Nghe thái giám trong cung bảo thánh chỉ sắc phong Phó Vân Anh làm quý phi đã viết rồi rồi, cũng đã đóng dấu, cung Vạn An đã được trang hoàng lại theo quy cách cung Khôn Ninh của Hoàng hậu, thậm chí còn xa hoa hơn."
Vương các lão cảm thấy ngụm rượu vừa uống xong hình như đắng ngắt.
Bọn họ chỉ định đuổi Phó Vân Anh ra khỏi triều đình, nhưng mà nói không chừng lại vừa hay phù hợp với mong muốn của Hoàng thượng.
Hoàng thượng còn trẻ, thích mỹ nhân, Phó Vân Anh thanh tú động lòng người, trước đây mặc đồ nam đã đẹp có tiếng, giờ nếu mặc đồ nữ, trang điểm kỹ càng, nhất định sẽ xinh đẹp quyến rũ. Hơn nữa nàng còn hiểu rõ tính cách của Hoàng thượng. Người như vậy mà làm quý phi thì cả triều văn võ sẽ chỉ biết đứng nhìn mà thôi.
Đúng lúc mọi người đang rầu rĩ, Diêu Văn Đạt bỗng nhiên lên tiếng: "Đâu chỉ tướng quân ắt trượng phu, Dương Ngọc Nương có thể lãnh binh đánh giặc, Phó Vân Anh chưa chắc đã không thể làm tuần phủ."
Cả phòng kinh ngạc.
Diêu các lão làm sao thế?
Có phải bị kích thích quá phát điên rồi không?
Phạm Duy Bình ngồi bên cạnh cũng nhướn mày, nhìn sang Diêu Văn Đạt, nhớ tới mẹ mình mấy ngày nữa sẽ xuôi nam đi Kinh Tương, thở dài một hơi, "Lão Diêu nói đúng, chỉ là một chức tuần phủ thôi mà."
Mọi người nhìn nhau.
Lúc này, dưới tửu lâu bỗng có tiếng ồn ào truyền tới.
Hộ vệ đẩy cửa vào phòng, tới bên cạnh Vương các lão, ôm quyền khẽ nói: "Lão tiên sinh, ngài nhìn ra bên ngoài mà xem."
Vương các lão nhíu mày, đứng dậy đi tới cạnh cửa sổ.
Hộ vệ mở rộng cửa sổ ra.
Dưới tầng đang rất ồn ào.
Dân chúng đứng hai bên đường, đang chỉ trỏ người nào đó.
Vương các lão nhìn theo ánh mắt của bọn họ, ở hướng cửa thành, một đoàn người cuồn cuộn kéo tới, bước chân dồn dập nện trên nền đất.
Những người đó đều mặc áo tang, đi giày rơm, đeo khăn tang, mặt mày nghiêm túc, nặng nề.
Bên ngoài quá ồn ào, đám quan viên đang ngồi cũng phải đứng dậy, đi đến bên cửa sổ ngó ra ngoài.
Những người mặc đồ tang có nam có nữ, có già có trẻ, bọn họ trầm mặc bước qua phố dài, đi về hướng hoàng thành.
Tất cả mọi người dù đang làm gì đi chăng nữa cũng ngừng tay lại, đi ra ngoài cổng, tới bên đường xem đoàn người này.
Những người đó mặt mũi đen xì, quần áo rách nát, vừa nhìn đã biết đây là những người dân bần cùng nhất nhưng khuôn mặt lại kiên nghị, vẻ mặt bình tĩnh, cứ trầm mặc, từng người từng người một cứ đi qua như thế.
Tuy rằng họ im lặng không nói năng gì nhưng khí thế vẫn rất hùng tráng.
Người dân đứng xem xung quanh ban đầu còn khoa tay múa chân, thi thoảng còn bàn tán, cười cợt một hai câu, sau đó tự nhiên bị ảnh hưởng bởi sự nghiêm túc của bọn họ, lui về hai bên đường, nhìn đoàn người đi xa dần.
"Sao lại thế này?"
Vương các lão nhíu mày.
Tùy tùng đáp: "Lão tiên sinh, những người này đi từ Kinh Tương lên đây. Bọn họ biết chuyện Phó đại nhân bị nhốt vào tù, đi bộ lên kinh, mặc áo tang cho Phó đại nhân. Nghe nói phía sau còn có rất nhiều người nữa cũng đang lên kinh... Nếu không nghĩ cách ngăn chặn, sợ sẽ có bạo loạn mất."
Mặt mày Vương các lão sa sầm.
"Còn bên Quảng Đông, Chiết Giang nữa, thương nhân trên biển liên hợp lại với nhau, đi lên phía bắc bằng đường thủy, vào kinh kêu oan cho Phó đại nhân, đã bị người của Vệ Sở cản lại."
"Thủ lĩnh giặc cỏ Miêu Bát Cân được Phó đại nhân khuyên hàng, lần này có công bảo vệ kinh thành, được phong chức thiên hộ. Hắn tình nguyện chết thay cho Phó đại nhân. Dân chúng khu vực Kinh Tương chỉ tin tưởng Miêu Bát Cân và Phó đại nhân, nhất định phải có sự có mặt của Phó đại nhân mới có thể khuyên những người dân này đi về."
Trong tửu lâu, đám quan viên đều trở nên trầm mặc.
Làm việc vì người dân, nói thì rất dễ nhưng làm thì thật sự quá khó.
Lúc còn trẻ, bọn họ cũng từng hưng phấn kích động vì lòng biết ơn của dân chúng, nhưng chức quan càng lớn, họ càng trở nên thờ ơ, lãnh đạm. Trong mắt bọn họ, từ con dân, dân chúng đã từ từ trở thành một đám người đại diện cho thuế má.
Nhưng hiện giờ, chứng kiến vô số người tự đến đây cầu xin cho Phó Vân Anh, nguyện hy sinh vì nàng... bọn họ tự nhiên lại cảm thấy cảm động.
...
Uông Mân vào cung, cầu kiến Chu Hòa Sưởng.
Chu Hòa Sưởng đang đánh chủy hoàn với đám nội quan, mặc đồ chơi bóng, đội mũ sa, cười tươi roi rói. Hắn tươi cười vẫy tay bảo Uông Mân tới gần chỗ mình.
Uông Mân đi tới, "Hoàng thượng, lưu dân Kinh Tương vào kinh, dâng vạn dân thư để cầu xin cho Phó Vân Anh, không thể giết người này được!"
Chu Hòa Sưởng cầm gậy đánh bóng trong tay, nhẹ nhàng gạt một cái, quả bóng lăn từ từ.
Ánh mắt mọi người đều tập trung vào quả bóng tròn trước mắt.
Tạch một tiếng, quả bóng rơi vào lỗ.
Đám nội quan đồng loạt hoan hô, trầm trồ khen ngợi, lời khen vang lên khắp nơi.
Chu Hòa Sưởng cười ha hả, bỏ gậy đánh bóng xuống, quay sang Uông Mân vẫn đang chờ bên cạnh, nói: "Thế thì không giết."
Uông Mân không còn gì để nói, im lặng trong chốc lát, nghĩ ngợi rồi nhân lúc Chu Hòa Sưởng đang vui, ông ta mỉm cười hỏi: "Gần đây Hoàng thượng rất hay cười, phải chăng sắp có chuyện vui?"
Chu Hòa Sưởng gật đầu, cười lộ cả răng, "Đúng rồi, trẫm đã nghĩ chỉ, định cuối tháng nạp phi."
Uông Mân giật mình, "Hoàng thượng, phi tử ngài định sắc phong chẳng lẽ chính là Phó Vân Anh sao?"
Chu Hòa Sưởng không đáp, nhận nước mà nội quan dâng lên, uống mấy ngụm.
Uông Mân toát mồ hôi.
Một lúc lâu sau, Chu Hòa Sưởng mới cười nói, "Đây là việc nhà của Trẫm."
Tuy không trả lời trực tiếp nhưng sự ám chỉ này đã rất rõ ràng.
Không chỉ ám chỉ thôi đâu, còn có cảnh cáo và uy hiếp, tuy Phó Vân Anh bị hạch tội nhưng Hoàng thượng muốn cưới nàng, dù văn võ bá quan có phản đối đi chăng nữa, Hoàng thượng vẫn sẽ không dao động!
Quả nhiên Hoàng thượng định sắc phong Phó Vân Anh làm quý phi thật!
Người này đã từng là phiên vương, giờ lại là Thiên tử. Làm gì có ai có thể ngăn cản Thiên tử cưới người phụ nữ mà ngài ấy muốn cơ chứ.
Uông Mân lo lắng sốt ruột. Sau khi ra khỏi cung, ông ta tới thẳng phủ của Vương các lão, báo tin này cho ông ta.
Lòng mọi người nóng như lửa đốt, bọn họ đã đắc tội với Phó Vân Anh, vậy nếu Phó Vân Anh lên làm quý phi, triều đình ắt không yên ổn nổi một ngày!
Có người thì thào một câu, "Chẳng thà để Phó Vân Anh làm tuần phủ còn hơn!"
Mọi người nhìn nhau im lặng.
...
Địa lao,
Do ở dưới lòng đất, từ năm này qua năm khác, địa lao lúc nào cũng âm u ẩm ướt, dù có đốt đồng loạt mười mấy ngọn nến, chiếu sáng quang như ban ngày thì cũng là ban ngày của một ngày ảm đạm.
Ngục tốt đi dẫn đường phía trước.
Người đàn ông tuấn tú mặc áo bào đỏ thẫm đi từng bước một vào phía trong.
Ngục tốt cúi đầu khom lưng, "Các lão, ngài đi chậm một chút, chú ý dưới chân."
Người đàn ông không biểu hiện cảm xúc gì trên mặt. Dưới ánh nến, khuôn mặt như tranh vẽ dường như trở nên hiền hòa hơn một chút. Lúc đi, ống tay áo hơi phất lên.
Họ nhanh chóng bước tới gian trong cùng, ngục tốt dừng lại, mở xiềng xích bên ngoài ra, "Phó đại nhân ở bên trong ạ."
Nghe thấy tiếng nói chuyện, người bên trong quay đầu lại.
Nhìn thấy người vừa tới, nàng giật mình.
Thôi Nam Hiên nhìn nàng, trên mặt đầy vẻ kìm nén, đuổi ngục tốt nịnh nọt đi, nhấc chân bước vào buồng giam.