Giữa hè, trời nắng chói chang, trên núi cỏ cây rập rạp, cỏ dại mọc tràn lan, trời xanh trong vắt, gió núi thổi qua hết đợt này đến đợt khác, những tầng lá từ xanh đậm đến xanh nhạt lay động như những đợt sóng.
Trên núi, trời ẩm oi bức, giữa hè nóng bức mà phải đi liên tục mấy ngày đường, mọi người vừa nóng vừa mệt, không thể chịu đựng nổi nữa. Nghe thấy tiếng hô của người dẫn đầu đoàn là Kiều Gia, họ vội ghìm ngựa dừng lại.
Đám tùy tùng đi múc nước. Mấy người Phó Vân Anh, Phó Vân Chương, Tô Đồng xuống ngựa, đi tới một gốc cây hòe lớn, ngồi nghỉ dưới tán cây rộng.
Gốc hòe to phải mấy người ôm mới hết, cành lá tốt tươi, tỏa bóng mát lạnh.
Phó Vân Anh ngồi trên thảm rải dưới đất, dựa lưng vào thân cây, quần áo bên trong đã mướt mồ hôi, nóng tới mức đau đầu chóng mặt, gương mặt tuấn tú đỏ bừng như sắp chảy máu ra tới nơi.
"Uống nước đi, ta lấy ở trạm dịch, nước suối sạch đấy."
Phó Vân Chương bảo tùy tùng dắt ngựa của mình đi, tới trước mặt nàng, tháo túi nước bên hông xuống, đưa cho nàng.
Nàng nhận túi nước, nước suối mát lạnh trôi xuống cổ họng khiến cả người cũng cảm thấy khoan khoái, mát mẻ hơn.
"Nhị ca, huynh thì sao?"
Nàng đưa lại túi nước cho y.
Phó Vân Chương lắc đầu, "Ta uống rồi."
Phó Vân Anh không tin, nhét túi nước vào tay y, nói: "Thế cứ cầm đi đã, chờ lát nữa huynh lại uống thêm một chút."
Phó Vân Chương mỉm cười, cầm túi nước về, khom người ngồi xuống cạnh nàng, vỗ lên vai mình, "Dựa vào ta ngủ một lát đi."
Phó Vân Anh lắc đầu.
Y nhìn khuôn mặt đỏ bừng của nàng, khe khẽ nói: "Đừng lo, ta trông cho muội."
Không biết là vì nóng hay là vì mệt, mí mắt Phó Vân Anh đã nặng trĩu, gần như không mở ra được nữa nhưng vẫn khăng khăng không chịu ngủ, triệu tập mấy người Tô Đồng tới đây bàn bạc chính sự.
Tô Đồng nói: "Đã vào đến địa giới Kinh Tương rồi. Dọc đường tới đây, chúng ta nhìn thấy đồng ruộng xanh lúa, đất trên núi cũng được khai khẩn để trồng rau, còn có những thôn làng mới được dựng lên, điều này có nghĩa là lưu dân cũng mong muốn có cuộc sống yên bình."
Lưu dân khác với giặc cỏ.
Giặc cỏ cần phải trấn áp nhưng lưu dân đa phần là những người nông dân cùng đường do bị người quyền quý cướp mất ruộng đất, hoặc bị quan phủ địa phương áp bức bằng đủ thứ sưu cao thuế nặng, bọn họ chạy trốn tới vùng rừng núi ở Kinh Tương này, chỉ mong muốn được tiếp tục sống mà thôi. Họ không muốn chống lại triều đình.
Với trường hợp này, cần phải nghĩ cách thuyết phục họ đầu hàng chứ không phải trấn áp bằng vũ lực.
Từ khi vào vùng rừng núi này, Phó Vân Anh và mọi người đã có thể nhìn thấy dấu vết của việc canh tác ở khắp mọi nơi. Những lưu dân đó sinh sống ở đây, một nắng hai sương chăm chỉ làm lụng, nào có khác gì những người dân bình thường.
Đương nhiên, trong số lưu dân cũng có những kẻ không ra gì nhưng đó thường chỉ là một bộ phận nhỏ, đại đa số họ đã sống ở Kinh Tương nhiều năm, thậm chí còn tạo thành thị trấn.
Chỉ cần trấn an được bộ phận lớn lưu dân này, bọn họ nhất định sẽ không đi theo Miêu Bát Cân làm loạn.
Người từ trước đến nay vẫn không thích Phó Vân Anh là Lại Bộ chủ sự Trương Gia Trinh cầm trong tay một cành cây, vạch tới vạch lui trên mặt đất, nói: "Chỗ này cách sông Hán Thủy không xa lắm, Hán Thủy có nhiều bãi cạn và hẻm núi hiểm trở. Nhánh sông này chảy qua Thiểm Tây, Hồ Quảng rồi chảy tới phủ Võ Xương, nhập vào Trường Giang, thuận lợi cho việc vận chuyển bằng thuyền. Dân chúng gọi đoạn sông này là Tương Giang. Tào tổng đốc có thể dùng tàu thuyền để vận chuyển binh lính."
Từ khi vào vùng rừng núi này, bọn họ thấy trong núi không có dân cư, trống trải hoang tàn.
Thôn làng đều đã bị thiêu rụi nhưng bọn họ lại không thấy bóng dáng đám binh lính của Tào tổng đốc và những lưu dân bị ông ta xua đuổi đâu cả.
Nhiều người như vậy chẳng thể nào biến mất vào trong hư không được. Bởi vậy, họ đoán rằng Tào tổng đốc dùng đường thủy.
Kiều Gia nói: "Chúng ta đã phái người đi lên phía trước dò đường, không lâu nữa sẽ tìm được chỗ đóng quân của Tào tổng đốc."
Phó Vân Anh gật đầu, thấy mọi người đều biểu hiện sự mệt mỏi trên khuôn mặt, nàng nói: "Không nên đi đường vào buổi trưa, mọi người nghỉ ngơi nửa canh giờ trước đi đã."
Suốt dọc được, mọi người đã quen với cảnh màn trời chiếu đất, không để ý nhiều, tự tản đi tìm chỗ râm mát, trải chiếu ra, vừa đặt lưng xuống đã ngủ.
Phó Vân Chương và Phó Vân Anh tiếp tục khe khẽ bàn luận xem tiếp theo phải sắp xếp chỗ ở cho lưu dân thế nào.
Nói được một lúc, y cảm thấy vai mình trĩu xuống.
Cúi đầu nhìn sang, Phó Vân Anh đã dựa vào bờ vai y, mí mắt chớp chớp, dường như vẫn còn đang cố gắng chống đỡ, không muốn để mình ngủ thiếp đi nhưng đầu óc đã không còn tỉnh táo nữa.
Đôi mắt đầy tơ máu vẫn chưa khép lại hoàn toàn đã ngủ mất rồi.
Tô Đồng đi tới báo cáo công việc, thấy Phó Vân Anh đã khép mắt ngủ yên bình, vội vàng ngậm miệng lại.
Hắn biết Anh tỷ nhi là nữ giới, bởi vậy suốt dọc đường đi vẫn luôn lo lắng cho nàng. Nàng là nữ giới mảnh mai mà lại phải giống như mấy người đàn ông bọn họ, cưỡi ngựa lên đường, bôn ba cả ngày lẫn đêm nhưng không kêu than tiếng nào. Tùy tùng của nàng lo rằng thân thể của nàng không chịu nổi, định sửa đổi hành trình mấy lần, nàng không đồng ý.
Thấy nàng đã ngủ, hắn yên lặng tránh đi.
Kiều Gia cưỡi ngựa đi ra ngoài tuần tra một vòng, lúc về hái được khá nhiều quả dại đỏ rực, mang tới cho Phó Vân Anh.
Thấy nàng gối đầu lên vai Phó Vân Chương mà ngủ, hắn cau mày.
Phó Vân Chương đối mặt với ánh mắt của hắn, lắc đầu.
Trước đây vẫn biết Anh tỷ nhi phải đối mặt với rất nhiều rủi ro nhưng lần này ra ngoài, y mới thực sự cảm nhận rõ ràng được sự bất tiện của nàng. Nếu như không có y ở bên cạnh, có khi đến ngủ nàng cũng không dám ngủ, phải cố chịu đựng tới nửa đêm mới có thể thả lỏng để ngủ được một giấc.
Kiều Gia thả nhẹ bước chân, đưa quả dại đã được rửa sạch cho Phó Vân Chương.
"Đại nhân thích ăn cái này."
Hắn thì thầm.
Đây là loại quả chua chua ngọt ngọt thường thấy ở những vùng rừng núi phía nam, có tác dụng giải phát. Lúc Phó Vân Anh còn đi học ở thư viện, nàng thường bảo Vương Đại Lang lên núi hái quả dại, từ khi lên phía bắc, lâu lắm nàng không được ăn loại quả này nữa.
Phó Vân Chương cảm ơn hắn, đặt quả dại sang một bên, tiếp tục quạt.
Phó Vân Anh rất cảnh giác, chỉ ngủ một khắc đã dụi mắt tỉnh lại.
Thấy nàng tỉnh, Phó Vân Chương đưa túi nước cho nàng để nàng dùng nước rửa mặt rồi nhét quạt vào tay nàng.
"Nào, ca ca mỏi hết cả tay rồi, giờ đến phiên muội quạt cho ca ca. Không được lười biếng đâu đấy."
Phó Vân Anh bật cười.
Quả nhiên, Phó Vân Chương nằm dựa vào thân cây, nhắm mắt lại ngủ mất.
Phó Vân Anh vừa ăn quả dại vừa phe phẩy quạt cho y, cảm thấy cảnh này hơi giống với khi còn nhỏ, Phó Vân Chương nằm trên lan can dưới hành lang hóng mát, dỗ dành nàng, bảo nàng quạt cho y. Nàng chép sách xong, kê một chiếc ghế đẩu ngồi trước lan can, ngoan ngoãn chăm chỉ quạt cho y. Chỉ quạt một lát, Phó Vân Chương đã thưởng cho nàng một thỏi bạc.
Khi đó nàng nghĩ nhị ca đúng là giàu thật, chi tiêu thật hào phóng.
Sau này nàng mới biết y nghe mấy người Liên Xác nói Đại Ngô thị thường xuyên quở trách nàng trên bàn cơm, sợ nàng ở nhà phải chịu thiệt thòi, cố ý dùng cách này để cho nàng bạc làm tiền tiêu vặt.
Một tháng, một nhà ba người chỉ mới tiêu hết tầm một lượng bạc, mỗi lần y tiện tay đưa bạc cho nàng lại cho hẳn một thỏi bạc năm lượng, không sợ chiều hư nàng hay sao.
Nàng mỉm cười, ăn một quả dại, tiếp tục quạt cho y.
...
Nửa canh giờ sau, mọi người thu dọn hành lý, tiếp tục đi sâu vào vùng rừng núi mênh mông.
Trên núi không có những con đường lớn bằng phẳng, đường xá gập ghềnh khó đi, cưỡi ngựa hơn một canh giờ, mấy hộ vệ được phái ra vội vàng chạy về báo cáo, "Đại nhân, có rất nhiều thi thể dạt vào bờ sông phía trước."
Mọi người cau mày.
Đi theo hộ vệ tới thung lũng sông mà bọn họ nhắc đến, mọi người nhìn thấy rất nhiều xác chết dạt vào bãi đá bên bờ sông, ngoài ra còn có nhiều xác chết đã trương lên, trôi lềnh phềnh. Nhìn quần áo, đây đều là dân chúng bình thường.
Trời nóng, mùi hôi thối theo gió núi thổi tới, Trương Gia Trinh không nhị được, lùi ngựa về sau mấy bước, ọe một tiếng nôn ra.
Phó Vân Anh thở dài, nói: "Lần ngược dòng nước đi lên trên đi."
Bọn họ xuyên qua rừng rậm, cỏ cây rậm rạp sâu thẳm, cây cao che kín bầu trời, nóng tới mức ngột ngạt, khó thở, những phiến lá lớn vẫn còn ướt đẫm sương. Chỉ chốc lát sau, áo ngoài trên người đã bị sương ngấm vào ướt rượt.
Giờ thì áo ướt từ trong ra ngoài.
Đến đoạn cuối, mọi người chỉ có thể xuống ngựa đi bộ.
Đi bộ hơn nửa canh giờ, họ đã nghe thấy tiếng ồn ào vọng lại từ cách đó không xa, thi thoảng lại có tiếng gào thét thê lương và tiếng khóc thảm thiết.
Phó Vân Anh rùng mình, đẩy bụi cỏ ra, đi nhanh hơn.
Bọn họ vừa đi tới một bờ sông đã nhìn thấy ngay ở hẻm núi phía trước, một đám binh lính mặc áo giáp, tay cầm đao dài đang xua một đám toàn người già, phụ nữ và trẻ em tay không tấc sắt tới ra lòng sông.
Nhánh sông nơi hẻm núi chảy siết, sâu không thấy đáy. Dân chúng áo rách quần manh dìu nhau đi, không dám xuống sông. Binh lính vung đao chém xuống, dân chúng sợ tới mức thét lên, lui về phía sau là chết, đi về phía trước cũng là chết, những người phụ nữ tuyệt vọng ôm chặt lấy con gào khóc. Những người già cả dường như đã buông xuôi, còng lưng đi về chỗ sâu trong lòng sông, nhanh chóng bị dòng nước xiết cuốn đi, ào ào mấy tiếng đã chìm vào đáy nước không thấy đâu nữa.
Có thể nhìn thấy dân chúng giữa lòng sông tuyệt vọng tới chừng nào.
Mặt mọi người biến sắc, đồng loạt lên ngựa, khẽ hô lên một tiếng, chạy về phía đó.
Tiếng vó ngựa rầm rập như sấm, đám quân lính quay đầu nhìn lại, thấy đoàn người lao từ trong rừng rậm ra, vô cùng cảnh giác, giơ đao bước tới ngăn họ lại: "Các người là ai?"
Kiều Gia nói: "Giám quân ở đây! Các ngươi là bộ hạ của ai?"
Đám lính đưa mắt nhìn nhau, bách hộ cầm đầu tiến lên vài bước, ôm quyền với Phó Vân Anh đang được mọi người vây quanh, nói: "Hóa ra giám quân tới rồi."
Thái độ của hắn rất qua quýt nhưng Phó Vân Anh cũng không thèm để ý, chỉ tay về phía những người già, phụ nữ và trẻ em đang quỳ xuống cầu xin binh lính thương tình nhưng vẫn bị xua đuổi về phía lòng sông một cách lạnh lùng: "Các ngươi đang làm cái gì thế?"
Bách hộ nói: "Giám quân đại nhân, chúng tiểu nhân phụng mệnh tổng đốc đại nhân tới đây truy sát giặc cỏ."
Trương Gia Trinh nóng tính, gầm lên: "Các ngươi đang tàn sát người vô tội thì có! Bọn họ sao có thể là giặc cỏ?!"
Bách hộ nói thẳng thừng: "Đại nhân, các ngài từ kinh sư mới tới nên không biết tình hình dân cư ở vùng Kinh Tương này. Ở đây già trẻ trai gái ai cũng là giặc cỏ, quan phủ lệnh cho bọn họ rời núi, bọn họ ngoan cố không chịu xuống, rõ ràng là định làm nội ứng cho giặc cỏ! Muốn dẹp loạn một cách triệt để thì phải nhổ cỏ tận gốc!"
Mọi người như ngạt thở.
Ấy vậy mà đám binh lính đó có thể xua những người già, phụ nữ và trẻ em không có năng lực phản kháng ra lòng sông cho chết đuổi. Chỉ riêng hành vi này cũng đủ để khiến người ta giận sôi máu!
Ngay cả lúc hai nước giao chiến với nhau, có bắt được tù binh đi chăng nữa thì cũng sẽ không giết chết bọn họ, và cũng chắc chắn không dùng tới phương thức tàn nhẫn như vậy để đối xử với tù binh! Huống hồ những người già, phụ nữ và trẻ em đang run bần bật trước mặt bọn họ chỉ là những người dân cùng đường, còn là người một nước!
Phó Vân Anh bật cười lạnh lẽo, thúc ngựa tiến về phía trước, đi tới bờ sông.
Binh lính nắm chặt đao trong tay, vây quanh nàng, không cho nàng lại gần thêm.
Mặt nàng sa sầm, nàng nhìn quanh một lượt rồi nói: "Cứ coi như những người này là nội ứng của giặc cỏ đi thì cũng nên thẩm vấn kỹ càng rồi mới xử trí chứ không phải bị các ngươi ép vào chỗ chết!"
Đám lính nhìn nhau, tiến thoái lưỡng nan.
Phó Vân Anh căm tức nhìn bách hộ, nhấn mạnh từng câu từng chữ: "Bản quan phụng mệnh Thiên tử tới đâu thuyết phục lưu dân đầu hàng, dân chúng lưu vong tại đây đều là con dân của triều ta, bất kỳ kẻ nào cũng không được lạm sát, ai vi phạm xử trí theo quân pháp, ngươi còn chờ gì nữa mà không lui lại!"
Kiều Gia tiến lại phía sau nàng, giơ chiếc hộp quý lên.
Phó Vân Anh nhận hộp, lấy ngự kiếm ra, giục ngựa phi tới thẳng lòng sông, vó ngựa đạp tới đâu, nước bắn cao tới đó.
Mặt nàng lạnh lùng nghiêm túc, đứng dưới lòng sông, quần áo bay phần phật, tay giương cao ngự kiếm.
Mặt trời chiếu vào ngự kiếm, hắt ra ánh sáng chói lòa.
"Thượng Phương Bảo Kiếm ở đây, có thể chém gian nịnh trong thiên hạ, ai dám không theo?!"
Nhìn thấy Thượng Phương Bảo Kiếm, bách hộ sững sờ một lúc.
Trên bờ, Phó Vân Chương là người đầu tiên xuống ngựa khom lưng quỳ xuống. Mấy người Tô Đồng cũng đồng loạt xuống ngựa lễ bái.
Bách hộ hoảng sợ, vội vàng quỳ theo.
Binh lính thấy trưởng quan cũng quỳ, đương nhiên không dám ngăn cản Phó Vân Anh nữa, đồng loạt thu vũ khí, quỳ xuống.
Phó Vân Anh giục ngựa chạy thẳng về hướng lòng sông, nước càng lúc càng sâu, con ngựa gặp dòng nước xiết thì vô cùng sợ hãi, dừng lại trong nước, không dám động đậy. Nàng xoay người xuống ngựa, lội qua dòng nước đi về phía trước, giữ chặt những người phụ nữ đang ngây ra như phỗng, "Hoàng thượng sẽ không giết các ngươi, về đi!"
Mấy người già và phụ nữ ngây ra đó hồi lâu, nhìn nàng ngơ ngác.
Gió núi gào thét, nước chảy ào ào, người chết đuổi bị cuốn phăng xuống hạ lưu, trên bờ bên kia cũng có binh lính canh giữ, không cho phép những người này đào tẩu.
Bọn họ biết rõ càng đi về phía trước, cái chết lại càng cận kề nhưng lại không thể phản kháng, chỉ có thể đỡ cha mẹ già, ôm con nhỏ, đi từng bước từng bước một vào chỗ chết dưới sự đe dọa của những thanh đao đồ tể.
Mấy ngày này, vô số người không có năng lực trốn chạy đã chết trong lòng sông như vậy.
Bọn họ không phản kháng quan phủ, không tham dự khởi nghĩa, chỉ trốn lên núi, chăm chỉ trồng trọt, cuối cùng lại bị quan phủ lừa ra ngoài ép đi vào chỗ chết, đúng là chết cũng không nhắm mắt!
Giữa thời loạn lạc, mạng người như cỏ giác, nhưng giờ nào phải thời loạn cơ chứ!
Xung quanh im phăng phắc, chỉ có tiếng dòng nước xiết quét qua ào ào như nhắc nhở mọi người những thảm kịch vừa rồi ở đây không phải ảo giác của bọn họ.
Cuối cùng cũng có người có phản ứng.
Giám quân đại nhân tới cứu bọn họ, những tên lính kia không dám cầm đao đuổi bọn họ ra chỗ chết nữa, bọn họ vẫn có thể sống sót!
Một người phụ nữ ôm chặt con mình vào ngực, ngã ngồi xuống dòng nước, khóc òa lên.
Tiếng khóc thê lương này vừa vang lên, những người khác cũng bừng tỉnh từ trong cơn khiếp sợ đến cứng người, như vừa được sống lại, cũng khóc òa.
Phó Vân Anh đứng trong dòng nước, nước đã ngập đến eo, quần áo ướt đẫm bị mấy người già tóc trắng xóa nắm chặt.
Mấy người già cả run lẩy bẩy, những ngón tay níu lấy quần áo nàng co rút lại, ngước mắt lên nhìn nàng, trong mắt lấp lánh ánh sáng của sự cuồng nhiệt.
Nàng đứng trong dòng nước, đưa mắt nhìn quay một lượt, nói: "Không phải sợ, theo bản quan về thôi."
Tất cả già trẻ trai gái xung quanh e dè sợ hãi, run rẩy, nhìn nàng chằm chằm không chớp mắt, không dám động đậy.
Nàng nhấc chân đi về phía bờ sông.
Những người đó vội vàng theo kịp bước chân nàng, cắm cúi theo đuôi nàng, ánh mắt khóa chặt trên người nàng, sợ chỉ cần chớp mắt một cái thôi, vị cứu tinh sẽ biến mất không thấy tăm hơi.
Càng lúc càng có nhiều người lội nước đi tới, chạy theo Phó Vân Anh.
Tiếng khua nước vang lên vội vã.
Gió núi xua tan mây mù, ánh nắng rọi từ trên không xuống, chiếu lên người Phó Vân Anh, mặt nàng bình tĩnh, quần áo trên người ướt đẫm, đôi mắt trong trẻo, mím môi nhìn xung quanh, sự uy nghiêm toát ra từ nàng khiến người khác không dám nhìn thẳng.
Bách hộ vốn đang định ngăn cản nhưng lại bị khí thế lạnh buốt như người trời của nàng làm cho hoảng sợ, đến nhúc nhích còn không thể nhúc nhích nổi, nói gì tới chuyện nhảy lên cản nàng cứu người.
Trên bờ, Phó Vân Chương và những người khác đã đứng dậy, dặn dò tùy tùng tìm chỗ râm mát nhóm lửa nấu nước. Tuy là mùa hè nóng bức, nước sông cũng bị đun nóng nhưng lớp nước bên dưới vẫn lạnh lẽo, người già, phụ nữ và trẻ em ngâm mình trong nước hồi lâu, quần áo ướt sũng, cũng cần phải nấu ít nước gừng cho bọn họ uống.
Phó Vân Anh lên bờ, gọi bách hộ tới, "Các ngươi xuống hạ du xem có ai còn sống không, nhặt thi thể, an táng tử tế."
Nói rồi nàng gọi Trương Gia Trinh lại, bảo hắn đi giám sát bách hộ.
Trương Gia Trinh là người nóng tính hay cáu gắt nhưng cũng ngay thẳng. Để hắn giám sát bách hộ, bách hộ không dám làm qua loa cho xong chuyện.
Bách hộ không cam tâm tình nguyện nhưng vẫn phải đồng ý, dẫn quan binh rời đi.
...
Sâu trong rừng rậm, cỏ mọc cao tươi tốt, mấy trăm cây cung đã kéo căng đang chĩa về phía bờ sông, chỉ chờ được bung ra.
Trong rừng vừa nóng vừa ẩm, bọn họ đã mai phục ở đây lâu lắm rồi. Chính mắt nhìn thấy bọn lính ép người già, phụ nữ và trẻ em vào chỗ chết, bọn họ tức sùi bọt mép, tức đỏ cả mắt, đã không nén giận nổi nữa rồi. Chỉ cần đại ca ra lệnh một tiếng, bọn họ sẽ lao ra, chém chết lũ binh lính cùng hung cực ác kia, khiến bọn chúng biết thế nào là nợ máu phải trả bằng máu!
Đột nhiên lại có một đoàn người cưỡi ngựa lao xuống triền núi, quấy phá kế hoạch của bọn họ.
Vô số đôi mắt đang ấn giấu trong rừng rậm đã nhìn thấy cảnh vị giám quân đại nhân trẻ tuổi tuấn tú kia đuổi bọn lính đi, cưỡi ngựa phi xuống sông, cứu những người già, phụ nữ và trẻ em kia.
Nhiều năm qua, bọn họ lớn lên ở vùng rừng núi này, vất vả canh tác, chưa thấy việc đời, nào đã có cơ hội gặp được một người có phong tư tiêu sái, khí chất xuất trần đến chừng này!
Vị giám quân đại nhân bừng bừng khí thế kia tới đây để cứu lưu dân dấy!
Trong nháy mắt, đội ngũ mai phục trong rừng rối loạn, những đôi tay đang siết chặt cánh cung run lên, họ đồng loạt nhìn về phía người đàn ông đang đứng ở nơi cao nhất.
Người đàn ông kia cao lớn, để râu quai nón, trên má có một vết sẹo mới khép lại chưa lâu, đôi mắt sắc bén tựa chim ưng.
Một người chạy tới cạnh người đàn ông, khẽ hỏi: "Đại ca, làm sao bây giờ?"
Người đàn ông cầm cung lên, giương cung cài tên, cơ vai siết chặt, bắp thịt phồng lên, nheo mắt, mũi tên chỉ thẳng về hướng giám quân mặc mãng bào màu xanh sẫm thêu hoa văn bằng chỉ vàng.
Giám quân đại nhân còn trẻ, tuy cách khá xa nhưng vẫn có thể thấy vẻ ngoài của "y" không tầm thường, tuấn tú vô song. Đặt mình giữa đám dân chúng quần áo tả tơi, trông "y" lại càng nổi bật, dễ thấy vô cùng.
Đầu mũi tên của người đàn ông nhằm thẳng về hướng giám quân, theo dõi cử động của đối phương.
Giám quân đi đi lại lại, trấn an những người dân đã hồn xiêu phách lạc, lệnh cho tùy tùng lấy lương khô và nước sạch ra cho người già và trẻ nhỏ.
Có người phụ nữ níu chặt lấy vạt áo bào của "y", quỳ xuống đất khóc òa lên, tùy tùng vội tiến lên định tách người nọ ra, "y" phất tay ngăn cản tùy tùng, kiên nhẫn nghe người phụ nữ khóc lóc kể lể, an ủi người đó mấy câu, mãi tới khi người phụ nữ lấy lại được bình tĩnh mới thôi.
Trong mắt người đàn ông hiện lên một bóng đen khó hiểu.
Người bên cạnh thì thầm: "Đại ca, đám quan binh đó rất đông, người của chúng ta căn bản không biết đánh trận, không phải đối thủ của bọn chúng. Giờ lại có thêm một giám quân nữa, đệ thấy bên cạnh hắn ai cũng là cao thủ cả, chúng ta cứ xông bừa lên không chỉ không gây tổn hại gì cho giám quân kia mà còn có thể bị lộ chỗ nấp, không thể rút về được nữa. Nếu giám quân đã cứu những người kia, còn có thể quản thúc đám quan binh, không cho bọn chúng giết người bừa bãi nữa thì hay là chúng ta lặng lẽ rút lui đi?"
Người đàn ông không nói gì, mũi tên vẫn hướng thẳng về khuôn mặt đẹp như tranh vẽ của giám quân.
Hắn không mở miệng, không ai dám hé răng. Trong rừng im phăng phắc, dường như đến tiếng ve ngân cũng đã dừng lại.
Một lát sau, người đàn ông liếm đôi môi khô khốc, từ từ thu cung tên về, trầm giọng nói: "Đi."
Tiếng nói cất lên, mấy trăm cây cung trong bụi cỏ cũng đồng loạt hạ xuống.
Tiếng sột soạt khe khẽ vang lên, đám người này lặng lẽ rút lui, không để lại một chút dấu vết nào, tựa như chưa từng tới.
...
Một bà cụ già níu chặt ống tay áo ướt đẫm của Phó Vân Anh, dập đầu với nàng.
"Đại nhân, ngài là Bồ Tát sống cứu khổ cứu nạn..."
Nàng khom lưng đỡ cụ già lên.
"Các ngươi không phải sợ, triều đình sẽ nghĩ cách sắp xếp chỗ ở cho các ngươi. Hoàng thượng quan tâm tới dân chúng ở Kinh Tương, hiểu nỗi khổ của các ngươi nên phái bản quan tới đây để cho các ngươi có đồng ruộng để trồng trọt, có nhà cửa để che mưa che nắng, về sau không cần phải lo lắng hãi hùng, trốn chui trốn lủi nữa."
Môi bà cụ run lên, vẻ mặt như thể không thể tin nổi.
Quan phủ sẽ thực sự không truy cứu bọn họ nữa sao? Bọn họ không sống nổi nữa nên phải trốn khỏi quê nhà. Theo luật pháp, họ sẽ bị bắt về, ép đi lưu đầy. Giám quân đại nhân lại nói sẽ cho bọn họ đồng ruộng, để bọn họ được an cư lạc nghiệp, đây có phải là thật không?
Hay là bọn họ đã chết rồi, tất thảy những điều này chỉ là một giấc mộng đẹp của bọn họ mà thôi?
Càng lúc càng có nhiều lưu dân tụ tập xung quanh Phó Vân Anh, ngồi dưới đất, ngửa đầu lên nhìn nàng, ánh mắt đầy vẻ sùng bái.
Tiếng địa phương vùng Kinh Tương tương đối giống Hồ Quảng, nàng dùng ngôn ngữ địa phương mà những lưu dân này có thể nghe hiểu được, chậm rãi nói: "Các ngươi có gì muốn nói đều có thể nói cho bản quan nghe, bản quan sẽ dâng tấu lên triều đình, Hoàng thượng nhất định sẽ có sắp xếp thỏa đáng cho các ngươi."
Tuy mọi người không tin một việc tốt như vậy sẽ rơi xuống đầu mình nhưng cũng không thể kìm nén nổi mong chờ, dỏng tai lên nghe từng câu, từng chữ của nàng, dường như chỉ cần nghe nàng nói thôi, bọn họ đã cảm thấy ấm lòng, con đường phía trước mở rộng ra trước mắt.
Phó Vân Chương xuyên qua đám đông, tới bên cạnh Phó Vân Anh, bảo y sẽ tới nói thay nàng, ghé vào tai nàng nói: "Đi thay quần áo trước đã."
Nàng bôn ba suốt dọc đường đi, lúc nãy đã mồ hôi đầy người, sau đó lại lội xuống sông, quần áo ướt sũng, rồi lại bị mấy người lưu dân giữ chặt hỏi cái nọ cái kia, không thể nào dứt ra được. Dù sao cũng là phụ nữ, thân thể yếu ớt làm sao chịu đựng nổi.
Phó Vân Anh khẽ ừm một tiếng, xoay người đi khỏi.
Thấy nàng sắp đi, đám lưu dân kinh hoàng hoảng hốt, đồng loạt đứng dậy đi theo.
Phó Vân Chương đứng chặn trước đám người, xua tay.
Mọi người thấy y đẹp đẽ, tuấn tú, thái độ ôn hòa, trong lòng cũng hơi an tâm một chút, nhưng ánh mắt vẫn dán chặt vào người Phó Vân Anh.
Kiều Gia đuổi theo Phó Vân Anh, đưa nàng tới lều trại mới được dựng tạm, vén rèm lên, "Công tử, nước ấm đã được chuẩn bị bên trong rồi."
Nàng cảm ơn Kiều Gia, đi vào trong lều trại, cởi quần áo ướt đẫm ra, dùng nước ấm lau mình, thay một bộ áo bào đỏ thẫm.
Mãng phục bị ngấm nước sông, chắc chắn không dùng được nữa, mấy vị ngự sử chân chính kia có thể sẽ lấy vụ này để buộc tội nàng không tôn trọng đồ vật được Hoàng thượng ban cho. Nàng phải viết một tấu chương thỉnh tội trước mới được.
Trời tối dần, Tô Đồng đã tìm được người dẫn đường, bảo người nọ đưa những người dân đó tới thôn xóm gần nhất, nhiều người như thế mà ăn ngủ ngoài trời sẽ rất dễ bị bệnh.
Đoàn người lục tục rời bờ sông, tìm thấy một thôn xóm mới bị thiêu hủy một nửa để ngủ.
Cũng may hiện giờ đang là mủa hè, chỉ cần nhà nào có mái che để rắn độc, côn trùng độc không vào được, trải chiếu ra thì dù có ngủ dưới đất cũng không sao.
Mấy người Phó Vân Anh không ngủ, để hai tùy tùng lại rồi lại lên đường đi suốt đêm.
Bách hộ nói Tào tổng đốc ở cách đó không xa, đi tầm ba mươi dặm về phía trước là sẽ tới nơi ông ta dựng trại đóng quân.
Nàng muốn tới đó nhanh một chút, ngăn Tào tổng đốc lạm sát dân chúng.
Đến càng sớm thì càng cứu được nhiều người.
Trong bóng đêm đặc sệt, ánh sáng của những cây đuốc cũng trở nên mỏng manh chẳng khác gì ánh sáng đom đóm.
Thi thoảng lại có tiếng sói tru đáng sợ vọng lại từ trong rừng núi.
Mấy người tùy tùng từng trải qua hàng trăm trận chiến, đương nhiên sẽ không sợ những điều này, đi đường núi mà chẳng khác gì giẫm lên đất bằng.
Những tiếng sói tru làm người khác sởn cả tóc gáy càng lúc càng gần, bọn họ cũng không hề hoang mang.
Mấy người quan văn thì khác hẳn. Đa số bọn họ là những thư sinh yếu ớt trói gà không chặt, là loại đi đường núi cũng cần có thư đồng, gã sai vặt đỡ đi. Mấy ngày nay, bọn họ trèo đèo lội suối với Phó Vân Anh thật cũng đã vất vả lắm rồi, giờ lại còn phải đi đường ban đêm, nghe dã thú bám theo tru lên liên tục, tim gan cũng run lên bần bật, có thể bị dọa cho sợ chết khiếp bất cứ lúc nào.
Trương Gia Trinh không nhìn rõ đường, ngã oạch một cái, người xung quanh cười ồ lên.
Hắn cúi đầu, để tùy tùng đỡ dậy, phủi nhẹ vạt áo.
Ngẩng đầu lên nhìn Phó Vân Anh đang đi đằng trước, mặt hắn lúc xanh lúc trắng, không có thời gian xem có bị thương chỗ nào hay không, cắn răng đi tiếp.
Không bao lâu sau, bọn họ tới doanh trại. Nhìn từ xa, họ đã thấy một mảnh đèn đuốc sáng trưng.
Phó Vân Anh đã phái mấy người tùy tùng đi thông báo cho Tào tổng đốc từ trước.
Ai ngờ tới khi bọn họ tới bên ngoài doanh trại vẫn chẳng có ai ra nghênh đón.
Cuối cùng cũng ra khỏi vùng rừng núi, Lễ Bộ chủ sự vẫn còn sợ hãi trong lòng, lau mồ hôi, kiễng chân nhìn về phía ánh đèn sáng rực trong doanh trại, đầy vẻ trông mong, khẽ hỏi: "Chúng ta đi vào cầu kiến Tào tổng đốc trước được không?"
Phó Vân Anh lắc đầu.
Nàng mang theo bức thư do Chu Hòa Sưởng tự tay viết, Tào tổng đốc cần phải mở rộng cửa doanh trại ra trước để nghênh đón thánh chỉ mới đúng.
Tùy tùng nhanh chóng đi ra, chắp tay nói: "Đại nhân, thân binh của Tào tổng đốc nói tổng đốc đã ngủ rồi, bảo ngài cứ nghỉ ngơi trong doanh trại trước đã, chờ ngày mai sẽ sắp xếp nghi thức tiếp chỉ sau."
Phó Vân Anh bật cười lạnh lùng: "Không cần chờ tới ngày mai, dẫn ta tới thẳng lều trại của Tào tổng đốc đi."
Tùy tùng thưa vâng, dẫn nàng vào trong.
Đám thân binh vội chạy ra ngăn cản, Phó Vân Anh giơ Thượng Phương Bảo Kiếm lên, "Ngự kiếm ở đây, như bệ hạ đích thân tới, các ngươi muốn tạo phản à?"
Phó Vân Anh mím chặt môi, sải bước vào trong. Phó Vân Chương và những người khác theo sát gót nàng.
Đoàn người ùn ùn kéo tới trước lều trại của Tào tổng đốc. Bên trong, ánh đèn lay động, bóng người đong đưa, tiếng nói oang oang, trong đó còn lẫn cả tiếng cười sang sảng.
Lễ Bộ chủ sự đi lên phía trước, áp tai vào lều trại lắng nghe, gật đầu, "Tào tổng đốc ở trong đó, bọn họ đang uống rượu."
Phó Vân Anh đưa mắt ra hiệu cho Kiều Gia.
Kiều Gia hiểu ý, rút đao bổ lên lều trại.
Bên trong, tiếng kêu sợ hãi vang lên khắp nơi, mấy người tạp dịch rót rượu bưng đồ ăn cách lều trại gần nhất còn tưởng địch tới tập kích, sợ tới mức gào thét.
Những người đang ngồi đồng loạt đứng dật, cầm vũ khí gần mình nhất che trước người.
Chỉ có một người vẫn rất bình tĩnh, tay vẫn cầm bát rượu, nhướn mày, nhìn ra cửa.
Người này tai to, mặt chữ điền, mũi khoằm, râu ngắn. Đó chính là người trấn thủ khu vực Kinh Tương, Tào tổng đốc.
Đôi mắt thâm thúy của ông ta nhìn chằm chằm vào Phó Vân Anh, hừ lạnh một tiếng.
Không khí trong lều trại căng thẳng, binh khí trong tay các tướng sĩ lóe lên thứ ánh sáng lạnh lẽo.
Phó Vân Anh không hề sợ hãi, đi thẳng lên phía trước.
"Tào tổng đốc, bản quan phụng chiếu tới đây, vì cớ gì ngươi từ chối không chịu gặp?"
Tào tổng đốc nửa đầu uống hết rượu ngon trong bát, lên tiếng, giọng điệu lười nhác, "Hóa ra Phó giám quân đã tới rồi, không tiếp đón từ xa."
Phó Vân Anh lườm ông ta một cái, nhận hộp đựng thánh chỉ Kiều Gia bưng tới: "Thánh chỉ ở đây, Tào tổng đốc nghe chỉ."
Tào tổng đốc nhướn mày, hừ nhẹ một tiếng, vén vạt áo, đứng dậy lễ bái.
Nghe Phó Vân Anh đọc hết thánh chỉ, gân xanh trên trán ông ta nổi lên, hai nắm tay siết chặt, không cần nghĩ ngợi gì đã nhảy dựng lên.
Thế mà Hoàng thượng lại muốn ông ta đình chỉ việc bao vây diệt trừ lưu dân ở Kinh Tương, chỉ cần giải quyết mấy ngàn người do Miêu Bát Cân cầm đầu là được, phải tìm cách thuyết phục bọn lũ còn lại đầu hàng, hơn nữa yêu cầu ông ta nghe theo mệnh lệnh của Phó giám quân để làm việc. Ông ta đường đường là tổng đốc mà còn bị một thằng nhãi con vắt mũi chưa sạch đè đầu cưỡi cổ?!
Phụ tá bên cạnh vội vàng kéo Tào tổng đốc, khuyên ông ta không được lỗ mãng, "Phó giám quân có Thượng Phương Bảo Kiếm, có thể tiền trảm hậu tấu, tổng đốc bình tĩnh."
Tào tổng đốc cố kiềm chế cơn giận, nhận thánh chỉ.
Phó Vân Anh ra oai phủ đầu xong, Tào tổng đốc mới miễn cưỡng sai người sửa soạn lều trại sạch sẽ cho bọn họ ở.
Ra khỏi lều trại, Phó Vân Chương khẽ nhíu mày, "Tào tổng đốc là người dữ dằn, táo bạo, nếu như chọc giận ông ta sợ là không ổn."
Phó Vân Anh lắc đầu, khẽ nói: "Nhị ca, không sao đâu. Cái tên Tào tổng đốc kia chỉ thích bắt nạt kẻ yếu, nếu muội tỏ ra mình ở vào thế yếu, ông ta sẽ được voi đòi tiên, không coi muội ra gì. Chỉ có thể dùng khí thế để ra đòn phủ đầu trước, ông ta mới có thể chịu thua."
Nàng từng nghe Hoắc Minh Cẩm nói về Tào tổng đốc. Người này đúng là năng chinh thiện chiến thật nhưng kiệt ngạo khó thuần, thích bắt nạt kẻ yếu, nếu gặp được người mềm yếu thì ông ta sẽ khinh thường, nhục mạ kẻ đó, nếu gặp người mạnh mẽ hơn ông ta, ông ta mới biết kiềm chế. Tính cách ông ta táo bạo thì táo bạo thật nhưng không ngu ngốc, trước đây còn từng tặng quà cho mấy vị các lão. Biết nàng là người do Chu Hòa Sưởng phái tới, ông ta chắc chắn không dám làm gì nàng.
Nghe nàng nói vậy, Phó Vân Chương gật đầu.
Mọi người ai về chỗ người đấy nghỉ ngơi.
Sáng sớm hôm sau, Phó Vân Anh mời Tào tổng đốc tới bàn bạc việc bao vây diệt trừ Miêu Bát Cân.
Tào tổng đốc kìm nén cơn giận mà đến.
Phó Vân Anh không hiểu về quân sự, không chỉ huy bừa. Đầu tiên, nàng nói: "Không dối gạt tổng đốc, hiện giờ trong triều tấu chương buộc tội ông chẳng khác gì măng mọc sau mưa, đào được một đợt (măng) lại đã thấy một đợt mới trồi lên. Hoàng thượng vốn định ém việc này xuống nhưng cũng chẳng còn cách nào bởi quần thần cùng nhau kí tên buộc tội ông, nói ông lạm sát người vô tội, tội ác tày trời, muốn triệu ông về kinh trị tội."
Tào tổng đốc trợn trừng mắt, khóe mắt như nứt ra tới nơi, tay ấn vào chuôi đao bên hông, giận dữ nói: "Kẻ nào dám đổ oan cho người tốt? Ta trung thành với Hoàng thượng, tận tâm làm việc, trời đất chứng giám!"
Phó Vân Anh trầm mặc trong chốc lát, mỉm cười nói: "Hoàng thượng đương nhiên tin tưởng hoàn toàn vào lòng trung thành của Tào tổng đốc, vậy nên mới phái bản quan tới đây giúp tổng đốc một tay."
Tào tổng đốc nheo nheo mắt.
Phó Vân Anh nói: "Tổng đốc lãnh binh tiêu diệt quân khởi nghĩa, ta thuyết phục lưu dân đầu hàng, sắp xếp chỗ ở cho họ, chấm dứt cuộc nổi loạn này càng nhanh càng tốt, thế mới khiến Hoàng thượng an tâm."
Tào tổng đốc cười nhạt. Gã giám quân này kể ra cũng thức thời phết, không hề có ý định nhúng tay vào việc bao vây diệt trừ giặc cỏ của ông ta, tuy nói cho cùng vẫn rất phiền phức nhưng nói thế nào cũng là thần tử được Hoàng thượng tin tưởng nhất, cứ nhịn "y" mấy ngày rồi nói sau.
Chuyện đám quan văn ở kinh sư kia buộc tội ông ta mới khiến ông ta đau đầu đây. Đám quan văn đó giả nhân giả nghĩa, chỉ biết nói mồm, hơi một tý là đòi buộc tội cái này, buộc tội cái kia. Hoàng thượng nhân hậu, dung túng quan văn, về sau ông ta phải cẩn thận một chút mới được, nếu không danh tiếng cả đời lại mất trong tay đám quan văn.
Trước đây người rong ruổi trên lưng ngựa cả đời như tổng đốc Thiểm Tây cũng từng bị tiên đế nghi kỵ vì lãnh binh bên ngoài hết năm này qua năm khác, rồi bị hại chết bởi mấy lời gièm pha đưa đẩy của mấy gã quan văn trong kinh đấy còn gì.
Tào tổng đốc suy nghĩ lung lắm. Sau khi đi ra khỏi lều trại, ông ta bèn gọi phụ tá tới bàn bạc.
Tối hôm qua, phụ tá mới nhận một ngàn lượng bạc và hai viên dạ minh châu từ Kiều Gia, lúc này nghĩ ngợi một hồi rồi chắp tay nói: "Đại nhân, Phó đại nhân được Hoàng thượng tin tưởng vô cùng, nghe nói chẳng bao lâu nữa sẽ thăng quan tiến chức. Lần này Hoàng thượng phái hắn tới làm giám quân chính là để cho hắn tích lũy thêm kinh nghiệm. Hiện giờ, trong số các vị các lão, có hơn một nửa là do Phó đại nhân giới thiệu cho Hoàng thượng. Như vậy có thể thấy được Hoàng thượng rất tôn trọng ý kiến của Phó đại nhân. Chỉ cần Phó đại nhân nói tốt cho đại nhân mấy câu trước mặt Hoàng thượng, những ý kiến của đám quan văn gió chiều nào che chiều ấy kia chẳng phải chỉ còn là gió thoảng bên tai hay sao?"
Xung đột với Phó giám quân chẳng có lợi gì cho tổng đốc đại nhân cả, hắn một lòng suy nghĩ cho tổng đốc đại nhân nên mới khuyên tổng đốc như vậy đấy, hoàn toàn không phải bởi bạc của Phó giám quân đâu!
Gió thổi bên tai, vừa thổi đã tan.
Tào tổng đốc hừ lạnh một tiếng, miễn cưỡng chấp nhận.
Nếu như Phó giám quân giống những viên quan văn lên chiến trường trước kia, là kẻ sợ phiền phức thì căn bản ông ta cũng chẳng thèm để ý tới "y", chỉ cần rút đao ra là đảm bảo đối phương sẽ sợ tới mức tè ra quần ngay.
Nhưng mà cái gã giám quân này rõ ràng chẳng sợ sệt gì, ông ta không thể không đối đãi cho cẩn thận.
Sự kiêng dè của Tào tổng đốc với Phó Vân Anh khiến cho mấy người Tô Đồng thở phào nhẹ nhõm. Họ đã lo lắng suốt cả đêm qua, còn tưởng hôm nay có thể hai người sẽ lao vào đánh nhau, không ngờ người có tiếng hung dữ như Tào tổng đốc, mới hôm qua còn trưng bộ mặt hung thần ác sát, ngang ngược ngạo mạn mà hôm nay đã lại rón rén rào trước đón sau như thế!
...
Sau khi cảnh cáo Tào tổng đốc để ông ta không dám lạm sát lưu dân, Phó Vân Anh không hề nghỉ ngơi, dẫn mấy người tùy tùng tới thăm tất cả những thôn xóm ven đường.
Ban đầu, dân chúng vừa nghe thấy tiếng vó ngựa đã đưa cả gia đình trốn vào trong núi, nàng không cho tùy tùng đuổi theo, kiên nhẫn trình bày lý do mình đến đây với những người già còn chưa kịp chạy trốn trong thôn, để lại mấy túi thóc gạo, đi tới thôn tiếp theo.
Nàng kiên nhẫn nghe lưu dân kể khổ, hỏi rõ nguồn gốc của bọn họ. Nàng dẫn cả quan viên phụ trách việc đăng ký dân cư, quan viên phụ trách thống kê số liệu đi theo. Phó Vân Chương và Tô Đồng quan sát địa chất thủy văn trên đường đi để xem chỗ nào thích hợp để xây thành trấn, chỗ nào thích hợp trồng trọt, những thung lũng sông nào có thể làm bến tàu, ghi chép chi tiết, vẽ thành bản đồ.
Nửa tháng sau, thanh danh của Phó giám quân đã được loan truyền rộng rãi trong đám lưu dân.
Ai cũng bảo Phó giám quân là một vị quan tốt có tấm lòng Bồ Tát, ngài ấy cầm Thượng Phương Bảo Kiếm, giết hết cẩu quan trong thiên hạ, tới đây để giải cứu lưu dân.
Bảy tám ngày sau đó, lúc Phó Vân Anh đi vào sâu trong núi thăm thôn làng, cuối cùng cũng có một thôn mà toàn bộ người trong đó lấy hết can đảm ở lại, mở cổng, mời nàng vào nhà dùng trà.
Những lưu dân gầy đét của cả thôn xúm lại quanh nàng, nàng hỏi bọn họ: "Các ngươi có muốn quay lại quê cũ không?"
Đám lưu dân lắc đầu.
Bọn họ cũng trốn vào vùng rừng núi nhưng không giống như đám giặc cỏ, kẻ cướp. Ban đầu bọn họ là những người trong sạch cần cù chăm chỉ, nhưng bởi ruộng đất của bọn họ bị cường hào ác bá cướp đoạt, bẩm báo lên quan phủ nhưng cũng không có ai lấy lại công bằng cho bọn họ. Bọn họ đã mất ruộng đồng lại còn phải nộp rất nhiều thuế má cho quan phủ, thật sự không sống nổi nữa nhưng lại không nỡ bán con cái mình đi, chỉ có cách chạy trốn. Nếu như quay về quê cũ, bọn họ vẫn sẽ chết đói mất thôi!
Phó Vân Anh nhìn xung quanh một lượt, "Nếu như triều đình cho các ngươi đồng ruộng để trồng trọt, để các ngươi trở lại thành những người dân bình thường như cũ, không còn là lưu dân nữa, các ngươi vẫn sẽ đi theo đám giặc cỏ kia để làm loạn sao?"
Đám lưu dân vội vàng quỳ xuống đất dập đầu nói: "Chúng tiểu nhân chỉ mong có được cuộc sống yên bình."
"Tốt lắm." Phó Vân Anh gật đầu, "Triều đình quyết định xây dựng phủ châu quận huyện ở Kinh Tương này, giao đồng ruộng cho các ngươi, để các ngươi khôi phục thân phận cũ. Đất đai mà các ngươi khai khẩn được trong mấy năm nay sẽ thuộc về sở hữu của các ngươi. Nhà mà các ngươi xây, cũng là tài sản riêng của các ngươi. Ngay bây giờ, tư liệu về hộ tịch của các ngươi sẽ được ghi chép lại, từ nay về sau, các ngươi chính là những người dân lương thiện. Sau này, triều đình sẽ mở học đường, trị trấn, bến tàu ở đây, cho phép thuyền buôn tới đây buôn bán. Các ngươi có thể đưa con cái tới học đường học hành, làm ruộng, cũng có thể nuôi tằm dệt vải mang lên thị trấn bán."
Mấy ngày này, bọn họ vẫn liên tục thảo luận nên sắp xếp cụ thể như thế nào, viết thành "Sớ sắp xếp cuộc sống cho lưu dân" để gửi về kinh sư. Chu Hòa Sưởng tự tay viết châu phê, đồng ý xây dựng quận huyện nha phủ ở Kinh Tương, miễn giảm thuế má, cấp hộ tịch mới cho lương dân.
Nàng dứt lời, mọi người im lặng hồi lâu không nói được tiếng nào.
Có nằm mơ cũng không dám tưởng tượng niềm vui bất ngờ to lớn nhường này có thể rơi xuống đầu bọn họ, bọn họ căn bản không thể tin vào tai mình.
Một lát sau, những người già khóc òa lên, những người trẻ tuổi hoan hô nhảy nhót.
Bọn họ đã là những người dân bình thường rồi! Bọn họ đã có thể ra những thị trấn bên ngoài một cách quang minh chính đại, con cháu của bọn họ có thể đi học, thậm chí còn có thể tham gia khoa cử!
Mấy năm nay, bọn họ đã sống một cuộc đời người không ra người, ma không ra ma, thân phận của bọn họ không được thừa nhận, chỉ cần nhìn thấy người sống là phải chui tọt vào sơn động trốn chui trốn lủi. Cuối cùng bọn họ cũng có thể làm người một cách đường đường chính chính rồi!
Những người phụ nữ ôm con đứng bên cạnh khóc như mưa.
Người trong thôn quỳ xuống, vừa khóc vừa nói: "Hoàng thượng nhân từ! Đại nhân nhân từ! Kiếp sau chúng tiểu nhân nguyện làm trâu làm ngựa báo đáp ân đức của đại nhân, nguyện đời đời kiếp kiếp đều làm con dân của Hoàng thượng!"
Tô Đồng và những người khác đứng bên cạnh, nhìn thấy cảnh tượng này, sống mũi cay cay, đủ cảm giác cay đắng ngọt bùi tràn ra trong lòng.
Trương Gia Trinh ho khan mấy tiếng để che giấu cảm xúc, xoa mũi. Thấy Phó Vân Anh không so đo việc những người dân kia hôi hám ra sao, vẫn mỉm cười nói chuyện với bọn họ, hắn nheo mắt, trong mắt như có gì đó không giải thích được.
...
Phó Vân Anh và đoàn người đi được một quãng xa, quay đầu lại vẫn thấy người trong thôn vẫn đang đi theo họ.
Nàng bảo Kiều Gia tới khuyên những người đó về nhà sớm, trời tối rồi, ban đêm trên núi thường có dã thú.
Những người trong thôn cười hề hề ngây ngô, nói: "Trên núi loạn lắm, chúng tiểu nhân tiễn Phó đại nhân xong sẽ lập tức quay về. Chúng tiểu nhân chân cẳng nhanh nhẹn, đi một lát là về đến nhà ấy mà."
Miêu Bát Cân mở đầu khởi nghĩa vũ trang, lưu dân khắp nơi vùng lên khởi nghĩa. Bọn họ có số lượng lớn, náu mình trong núi cao rừng sâu, tính sơ sơ cũng đã có mười mấy cánh quân khởi nghĩa.
Tháng này, Tào tổng đốc đã tiêu diệt ba cánh trong số đó, quân khởi nghĩa còn sót lại len lỏi khắp nơi, vẫn tiếp tục phản kháng.
Cũng may Phó Vân Anh đi thăm khắp nơi, dân chúng từng bị quan phủ lừa gạt một lần trước kia cũng cảm động vì thành ý của nàng, chấp nhận lại tin tưởng quan phủ một lần nữa chứ không phải gia nhập vào đội quân khởi nghĩa. Bởi vậy trước mắt số lượng quân khởi nghĩa không biến động lớn.
Năm đó, triều đại của Thái Tổ cũng được dựng lên như thế, không thể khinh thường khởi nghĩa lưu dân được. Nếu như nàng tới muộn thêm một chút, toàn bộ mấy trăm vạn lưu dân ở Kinh Tương sẽ bị nghĩa khởi nghĩa kích động làm loạn, thế thì Tào tổng đốc cũng chưa chắc đã có thể chống đỡ nổi.
Những người dân kia cũng có tư tâm, nhát gan, gió chiều nào che chiều ấy nhưng nếu quan phủ có thể đảm bảo cho họ một cuộc sống bình yên, bọn họ cũng rất trung thành.
Phó giám quân là Bồ Tát sống trong cảm nhận của bọn họ, bọn họ phải bảo vệ thật tốt cho Phó giám quân.
Bọn họ vẫn tiếp tục tiễn Phó Vân Anh ra tận đường lớn, nhìn thấy nàng cưỡi ngựa đi vào doanh trại mới quay về nhà.
Trong doanh trại, Phó Vân Chương quay đầu lại nhìn những người dân kia cầm đuốc ra về, xoay người xuống ngựa, cảm khái một câu, "Khéo đoàn kết dân tâm, thống nhất dân ý mới là khéo dùng binh."
Điểm quan trọng của việc dùng binh là thống nhất được dân chúng để họ đứng về phía mình.
Phó Vân Anh vừa mới xuống ngựa, đang cúi đầu cho ngựa ăn, nghe thấy vậy, môi cũng hơi cong lên, vỗ nhẹ lên lưng ngựa nói: "Không đúng! Dùng binh quý hồ thừa cái thế, tranh cái lợi và phép dùng binh là biến hóa khôn lường."
Không đúng, dùng binh là phải biết lợi dụng tình thế, lúc hành động phải biết tùy cơ ứng biến, đánh lừa đối thủ.
Lễ Bộ chủ sự đi tới, cũng chen vào nói câu tiếp theo: "Gặp người giỏi dùng binh, không biết binh lính từ đâu mà ra!"
Người giỏi về dùng binh xuất quỷ nhập thần, không biết binh lính của bọn họ từ chỗ nào chui ra.
Người này nói một câu, người kia tiếp một câu, một chủ sự khác của Công Bộ đi tới, cười ha hả, "Được rồi, một đám quan văn như chúng ta không có việc gì làm ở đây thảo luận binh pháp làm cái gì chứ? Không sợ mấy ông quan võ kia cười cho thối mũi hay sao?"
Mọi người nhìn nhau cười.
Vào trong lều trại rửa mặt tắm rửa, ăn cơm xong, Phó Vân Anh ngả lưng đi ngủ.
Hôm nay đã mệt mỏi cả một ngày, vốn tưởng là sẽ ngủ say, nhưng nàng lại lăn qua lăn lại trên gối, mãi không ngủ được.
Lúc bàn luận về binh pháp, nàng không khỏi nghĩ tới Hoắc Minh Cẩm. Chàng đi lên phía bắc, trở lại kinh sư, nàng lại đi xuống phía nam, tới Kinh Tương. Đã lâu không gặp, không biết chàng có phơi nắng đen như than đá giống Tô Đồng hay không.
Lúc xa nhau, hai người vẫn thư từ qua lại, chàng thực sự quá sến súa, viết thư quá lâm ly triền miên, những lời về chuyện chàng nhớ nàng thế nào thôi cũng có thể lặp đi lặp lại nhấn mạnh tới một xấp giấy, đến nàng cũng xấu hổ không muốn đọc tiếp.
Tới nửa đêm, bên ngoài lều trại bỗng có tiếng sột soạt nho nhỏ vang lên, tựa như tiếng mưa rơi.
Phó Vân Anh trở mình, ánh mắt dừng trên chiếc bình phong thêu hình trúc ngoài cửa lều, bỗng nàng mở bừng mắt.
Trong lều không đèn không nến, tối om, nhưng bên ngoài doanh trại lại đốt đuốc chiếu sáng. Tại thời khắc nửa đêm này, bốn bề im ắng lại có một cái bóng cao lớn bất thình lình hắt vào trong lều!
Nàng cắn môi, lập tức tỉnh táo lại.
Lều trại của Phó Vân Chương và những người khác ở ngay cạnh lều trại của nàng, Kiều Gia và mấy hộ vệ khác hẳn phải thay ca tuần tra từ trước, chắc chắn sẽ không cách lều trại của nàng hơn mấy trượng, tại sao lại có người có thể tiếp cận lều trại của nàng, lại còn đứng ngoài nhìn trộm?
Lông tơ trên người nàng dựng đứng cả lên, cố gắng hết sức để không tạo ra tiếng động gì, cẩn thận lần mò cái còi trúc bên mép giường, đó là vật nàng dùng để cảnh báo.
Nhưng nàng còn chưa kịp chạm vào còi trúc, có tiếng vài nhát dao sắc lẹp xẹt qua lều đã vang lên. Nhanh như chớp, bóng đen kia bước nhanh tới cạnh giường nàng, túm chặt lấy tay nàng, cũng đồng thời che miệng nàng lại, không cho nàng kêu cứu.
Trong bóng tối, người đàn ông cúi sát người xuống.
Gần trong gang tấc, nàng có thể nhìn rõ đôi mắt trong như nước của người đàn ông, xương mày cao và một vết sẹo do đao chém thật dài trên má phải.
"Phó giám quân, đắc tội."
Tác giả có lời muốn nói:
Mấy câu binh pháp mà Vân ca nhi, nhị ca và mấy người khác thảo luận trích nguyên văn từ "Tuân Tử"
Editor: Mấy câu này edit lao lực chết người. Đại loại là PVC nhìn thấy cảnh người dân đi theo thì cảm khán một câu trong chương "Nghị binh" của "Tuân Tử", những người khác chỉ đọc những câu tiếp theo thôi, không liên quan gì hết nhưng tại đọc xong không hiểu gì nên mình phải đi tra, tra xong mới biết không liên quan hahaaaa. Những câu trong ngoặc kép là trích từ "Tuân Tử", mình lấy từ bản dịch của Nguyễn Hiến Lê (trừ câu cuối cùng, bản dịch cắt câu này, mình edit). Sau mỗi câu trích là câu giải thích của tác giả. Túm lại mình vẫn cú vì chương này làm rất lao lực, lao lực xong phát hiện ra không liên quan. Hơ... :P Nhg căn bản không bỏ được nên thôi. Tác giả vẫn chơi mình như xưa :v