Kinh Thành Về Đêm (Dạ Lan Kinh Hoa)

Chương 50: Chiều hôm sâu thẳm ở bắc bình (3)



“Về trả lại cho em”. Cô nhắc nhở anh.

Anh chỉ cười. Từ nhỏ đã quen sống trong doanh, nhiều năm làm giáo viên, muốn dùng tuổi niên thiếu đàn áp những học sinh còn lớn tuổi hơn mình, nhất định phải có thủ đoạn cao tay. Tướng quân có thể thuần phục ngựa chứng, lại cùng cô gái tranh giành một tấm ảnh chụp, nhưng lời lẽ chính đáng không thể chối từ.

“Tối nay em đến Quảng Đức Lâu xem kịch để quyên tiền cứu tế, anh thì sao?” Cô hỏi, nhân cơ hội luồn tay vào âu phục anh.

“Nghe nói Quảng Đức Lâu diễn kịch góp tiền cứu trợ, biết cô hai sẽ đến nên anh đã thay đổi lịch trình rồi”. Anh kéo âu phục lại chỉn chu.

Kinh ngạc như thế.

Cô nghe thấy Tạ Vụ Thanh muốn đến xem kịch tặng tiền cứu tế, quên mất phải đoạt lại ảnh chụp.

Ra khỏi thương xá, hai người tách ra, ai làm chuyện nấy.

Tạ Vụ Thanh phải về ngõ Đông Giao Dân, còn cô đến Quảng Đức Lâu trước.

Vì biểu diễn quyên góp tiền nên các đào hát nổi danh thành Bắc Bình đều kéo tới, ngay cả những vị ẩn cư trong tô giới Thiên Tân cũng có mặt. Trước cửa nhà hát lớn treo một tấm biển báo tên, khi cô trông thấy tên Chúc Tiểu Bồi cùng Chúc Khiêm Hoài, trong nháy mắt thoáng hoảng hốt, như đang quay về quá khứ.

Phòng riêng không đủ. Hai bên hành lang tầng một bố trí ghế dài, mỗi gian dùng một tấm bình phong chạm gỗ khắc hoa ngăn giữa. Vì theo thời đại, năm nay trong nhà hát bày ghế cho cả quan khách và đường khách [1], phía trước là ghế nam ngồi, phía sau dành cho nữ.

[1] Quan khách, dùng để chỉ khách nam, sau này được dùng với nghĩa rộng hơn. Đường khách mang nhiều nghĩa, một là chỉ khách đi đường, hai là khách nữ, phụ nữ đã kết hôn, phu nhân, hoặc gái làm nghề mại dâm.

Ông chủ Quảng Đức Lâu đưa cô tới chỗ thoáng phía sau lầu hai, mấy bàn bên cạnh đã có người ngồi, không ngừng luyên thuyên về đại chiến ở Trung Nguyên hiện nay.

“Ai cũng bảo đánh sắp xong rồi, quân Tây Bắc đã muốn thất bại”. Ông chủ Quảng Đức Lâu nhỏ giọng nói.

Ông chủ Quảng Đức Lâu thay cô vén rèm. Phòng bao cũ, chốn xưa.

“Bên dưới có không ít quân Tây Bắc”, ông chủ Quảng Đức Lâu nhắc cô, “Hôm nay nếu không có việc gì, không nên xuống dưới”.

Đối với dân bản địa ở Bắc Bình mà nói, nhìn lũ người này không khác gì đèn kéo quân cùng tiền giấy vàng mã. Mười mấy năm trôi qua, hai triều đại lên xuống, quân đội tới lui không ngừng, mỗi người đều tưởng mình khoác hoàng bào, cuối cùng lại bị kẻ khác mang pháo súng đánh đuổi ra khỏi Tứ Cửu Thành.

Sau hai màn kịch, Tạ Vụ Thanh mới đến. Anh vừa đặt chân vào phòng bao, âu phục ngoài vừa cởi, còn chưa kịp treo lên móc áo, bên ngoài ngõ Đông Giao Dân đã gửi đến một bức điện khẩn mới nhất.

Điện báo viết: Quân Đông Bắc muốn nhập quan, quyết định vào ngày 18 tháng Chín.

“Xem ra, chiến sự Trung Nguyên sắp kết thúc rồi”. Tạ Vụ Thanh gấp tờ điện báo. 

Vào ngày 18 tháng Chín năm đó, quân đội Đông Bắc tiến vào, ủng hộ chính phủ Nam Kinh, chấm dứt đại chiến Trung Nguyên. Đêm ấy, chẳng ai ngờ được những gì sẽ xảy ra vào ngày này một năm sau.

Trong ngày, người nhận được tin không chỉ riêng Tạ Vụ Thanh.

Diễn kịch quyên tiền kết thúc sớm, tất cả những người mặc quân phục đều bỏ đi. Vì quyên tiền cứu trợ nên huyện trưởng vùng Tây Bắc đang gặp hạn hán cũng được mời tới.

Huyện trưởng cố ý tắm gội sạch sẽ, mặc bộ âu phục không lớn không nhỏ, ngồi ngay ngắn trên hàng ghế dài đầu tiên trước sân khấu chờ phát biểu. Ban đầu ông ta nhìn quanh phòng riêng đều là thân sĩ xuất thân danh giá, trong mắt không nén được vui mừng, nửa chừng thấy phòng bao trống trải, khách khứa bên dưới cũng lục tục kéo về, nôn nóng nhìn trong Quảng Đức Lâu ngày càng vắng vẻ.

Người phụ trách quyên tiền trong buổi diễn đến hỏi Hà Vị góp bao nhiêu. Cô hỏi con số cao nhất, cộng thêm mười vạn tiền vào đó, lại bảo với người phụ trách: “Không cần giấu tên, cứ nói số tiền này lên, có thể kích thích người ta góp nhiều hơn một chút”.

Con người bản tính đua đòi, phàm là người càng có danh vọng lại càng so đo tính toán.

Cô nhờ người phụ trách mời vị huyện trưởng kia lên lầu hai, ngồi phòng bao của Hà gia.

Hà Vị bảo Quân Khương pha trà hoa cúc cho ông, hai người tán gẫu linh tinh, huyện trưởng trước khi nhậm chức từng trải qua thi cử công khai, là một người địa phương Tây Bắc ăn học đàng hoàng. Bài thi lúc trước nói đủ thứ chuyện, từ cách mạng đến tình hình thế giới. “Nói khó cũng khó, nhưng không bằng thiên tai hiện giờ”. Người nọ cười, đáy mắt mang theo bi thương.

Năm ngoái Tây Bắc hạn hán, không một giọt mưa, vụ mùa lương thực không thể thu hoạch, lương thực không thu hoạch thì không thể gieo trồng, đến mùa đông đã thấy tai hoạ tràn lan, người người ăn đất Quan Âm [2], rễ cây khắp nơi không bỏ. 92 huyện thành, không nơi nào không gặp hạn, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất, mười nhà đã có chín nhà bỏ không, ngàn dặm đất đai cằn cỗi, xác người chết đói la liệt, nhưng thị trường hàng dân sinh làm ăn phát đạt, giá cả đều được niêm yết rõ ràng…

[2] Đất Quan Âm (Kaolinit), bắt nguồn từ truyền thuyết cổ đại, khi người dân địa phương nhiễm một loại bệnh lạ gây nôn mửa, chán ăn, thầy thuốc khắp nơi không có biện pháp, sau đó dân chúng cầu xin trời cao, được Quan Âm Bồ Tát mang đất trên thiên đường xuống, xào cùng bột mì, cho bệnh nhân uống, không quá mấy ngày, tình hình chuyển biến tốt đẹp, nên người ta gọi đất đó là đất Quan Âm. Sau này, người ta gọi một loại đất sét trắng (cao lanh)  ở vùng Giang Tây, TQ là đất Quan Âm vì có dạng thức tương tự câu chuyện trong truyền thuyết.

“Còn thêm nạn sói”, huyện trưởng nói, “Từng bầy sói trên sườn núi đất vàng đi xuống, rất nhiều người sợ sói cắn cổ, nửa đêm ngủ đều đeo loại vòng gắn đầy gai sắt. Từ năm Quang Tự thứ ba chưa từng gặp qua nạn hạn hán nghiêm trọng như vậy”.

Phạm vi ảnh hưởng của thiên tai quá lớn, làm gì cũng như muối bỏ biển, chỉ cầu mong ông trời đổ mưa.

Hà Vị hứa quyên góp hai xe tải muối, giao cho huyện trưởng dùng để đổi lấy lương thực.

Tạ Vụ Thanh ngồi một bên từ đầu chí cuối không mở miệng.

Nhân gian hoang đường. Phần đông quan quân dưới lầu đến từ Tây Bắc đều vì chiến cuộc hoảng sợ bỏ đi, dân chúng gặp hoạ, bọn họ chỉ lo bản thân tranh quyền. 



Hôm nay, cô về Bách Hoa Thâm Xử. Vì trường học chuyển thành nội trú nên Tư Niên không thường ở nhà, trong sân im ắng.

Cô vội vàng tắm rửa, xoã mái tóc dài, lười kéo rèm ngủ, nằm thẳng xuống mép giường ngoài Tạ Vụ Thanh hay nằm, hít hà mùi thuốc đông y trên gối anh, nhắm mắt thiếp đi.

Trong mơ, chú hai sốt ruột bế cô, sợ xe kéo chậm chạp, còn bị đội lạc đà cản đường nên dứt khoát cõng cô vòng quanh con ngõ nhỏ chạy về phía Đồng Nhân Đường. Lúc đến cửa Đồng Nhân Đường, đầu chú hai toát đầy mồ hôi, người ta hỏi, cậu hai Hà, sức khoẻ ngài như vậy còn chạy mấy chuyến chắc không xuống giường nổi mất, chỉ là con thừa tự, hơn nữa còn là con gái, không đáng đâu.

Lúc đó Hà Tri Hành chưa tới ba mươi tuổi, mệt đến mức mặt trắng bệch, lo lắng nói: “Mau xem giúp con gái tôi, ngã từ mái nhà xuống”.



Cô nóng đến mồ hôi đầy người, hơi hé mắt, thấy trời sáng rồi.

Có người buông rèm, ánh sáng xuyên qua khe hở chui vào phòng, lảng vảng với tro bụi trong không khí, miêu tả từng đường nét khe gạch dưới sàn.

“Về rồi à?” Giọng cô khàn khàn.

Người đàn ông “ừm” một tiếng, vén rèm lên.

“Không thoáng gió”, cô lẩm bẩm, “Hơi ngột ngạt”.

Cánh tay Tạ Vụ Thanh vòng qua người cô.

Tiếng sấm chấn động cách một bức tường truyền tới.

“Sắp mưa sao?” Cô hỏi.

Người đàn ông đáp lần nữa. Sức lực rắn rỏi trên tay anh như chế ngự linh hồn cô, cô hơi nheo mắt, nhìn người cả đêm không về. Áo khoác âu phục sẫm màu treo trên móc áo cao ngang nửa người. Nụ hôn của anh rơi xuống cổ, cô không thấy nhột nên lười so đo, cũng không muốn tỉnh.

“Nói gì đi”.

Anh cười: “Lúc này nói gì chứ?”

Đồ lót bằng lụa tuyết thanh bao lấy cơ thể, cô hơi dịch người, lườm anh, bắt gặp khuôn mặt tuấn tú ngời ngời.

Khí nóng phả vào tai: “Chờ em thức, chờ suốt hai giờ rồi”.

“Anh vẫn ở trong phòng à?”

“Viết hai trang giáo án”.

Người đàn ông này sao có thể. Từ ngõ Đông Giao Dân, anh gặp mặt lãnh sự bàn cách cứu viện người phe mình, tay châm xì gà, trao đổi từng điều kiện sinh tử với người khác. Vừa quay về phòng ngủ bình dị trong nhà, ngồi cạnh cửa sổ, lại cầm bút hút đầy mực xanh, viết hết bản giáo án này đến giáo án khác, nào là cưỡi ngựa, đấu kiếm, bắn súng, dùng đao, dựng cầu, xây thành…

Cô lo anh cứ làm việc vất vả như thế, chân không thể lành nổi.

“Nếu từ chối được, không cần thiết xã giao thì đều từ chối đi”, cô bảo, “Ai cũng biết chuyện anh sống cùng em, chỉ cần viện cớ nói em không vui là được rồi”.

“Cô hai trói Vụ Thanh ở Bắc Bình, ép anh cởi bỏ quân phục, chuyện này từ lâu có ai không biết”.

“Bản lĩnh em lớn thế à?” Cô giả vờ kinh ngạc.

“Quả thật bản lĩnh cô hai rất lớn”. Anh bật cười.

Kể từ khi quân Đông Bắc tiến vào, Bắc Bình quay về dưới quyền kiểm soát của chính phủ Nam Kinh.

Không ít quan chức cấp cao từ Nam Kinh tới đây, muốn gặp Tạ Vụ Thanh nhưng đều bị từ chối. Anh giống hệt những tên cáo già năm mươi, sáu mươi tuổi, hay bảy tám chục tuổi gì đó, nói muốn dưỡng lão, không bàn chuyện chiến sự.

“Có một người bạn đang lẩn trốn trong văn phòng bác sĩ ở Bệnh viện Dung hợp”, anh nói, “Cần phải đưa lên tàu đến Thiên Tân”.

“Anh đưa người đến bệnh viện nước Pháp ở ngõ Đông Giao Dân đi”, cô híp mắt lại, “Hai ngày nữa có một bệnh nhân người Pháp muốn…”

Hai chữ “lên tàu” vẫn chậm chạp mắc kẹt trong cổ họng, thốt không nên lời.

Mưa trong tứ hợp viện không giống những nơi khác.

Giọt mưa rơi trên giàn nho, nước bắn tung toé lên lá nho xanh biếc, còn có khóm trúc, khe đá trắng bạc, theo từng miếng ngói đen dọc bên mái hiên rơi xuống đất. Trong lu nước to đặt ở góc đông bắc, ngày ngày được Lâm Kiêu múc đầy, nào chứa thêm được nước mưa trên trời, không ngừng tràn ra ngoài sân.

Hà Vị muốn quan sát khuôn mặt anh kỹ càng nhưng rất khó, mỗi lần đều như nửa mê nửa tỉnh.

Sau khi làm xong anh có thói quen châm một điếu thuốc, hoặc làm mấy việc lặt vặt, sau đó quay về bên giường cùng cô, nếu không có gì sẽ ngủ thêm một lát, khoảng hai canh giờ. Cũng lúc làm mấy chuyện này, cô mới thấy được bộ dáng xộc xệch của anh, nhưng chỉ cần anh bước xuống giường lấy đồ hay rót tách trà nhuận họng cho cô, đều mặc ít nhất một cái quần dài, thắt lưng để mở.

“Thầy Tạ không có việc gấp”, cô mỉm cười nũng nịu, “Cũng chẳng cho em xem”.

Tạ Vụ Thanh bật cười, nhận tách trà trên tay cô, đặt qua một bên ghế.

“Đàn ông già rồi, có gì đẹp mà xem chứ?” Anh cười hỏi.

Tay cô chạm vào bao súng dưới gối, ngón tay vân vê dây da trên bao súng. Từ khi anh về, lúc nào cũng kê thứ này dưới gối ngủ, cũng thành thói quen của cô. Anh cúi đầu nhìn cô chăm chú: “Từ lần đầu anh đã không hiểu, vì sao em lại để ý tới anh”.

Cô hơi bất ngờ, nhưng vẫn mạnh miệng: “Khi đó còn nhỏ, không hiểu chuyện. Lúc anh hôn em, em cũng không muốn tránh né”.

“Vậy à”, anh cười trêu cô, “Thật ra ý bảo anh ỷ mình lớn tuổi nên ép uổng em”.

Cô nằm sấp một bên đùi không bị thương của Tạ Vụ Thanh. Hương lan ngan ngát toả trong không khí.

Tạ Vụ Thanh bế cô dậy: “Ép thì ép vậy, hiện giờ cô hai chẳng còn đường lui nữa”.

Hai người nhìn nhau cười, cô choàng cổ Tạ Vụ Thanh, dán mặt lên nửa thân trên trần như nhộng của anh, im lặng nghe ngóng một lát, bỗng thấy lạ nói: “Tim anh đập nhanh quá. Thì ra trong sách viết, lúc nằm lên người sẽ nghe thấy nhịp tim, là sự thật”.

Tạ Vụ Thanh cười, bước xuống giường, dưỡng thương đến giờ đã chóng lành, không cần dùng gậy chống vẫn tự mình đi lại được.

Anh đến cạnh bàn sách, sửa lại giáo án viết tay vừa nãy.

Hà Vị cũng đi chân trần đến cạnh anh. Cô trông thấy những mục anh viết, đều thuộc lĩnh vực cô chưa từng nghe. Nét mực xanh của bút máy ngay ngắn in trên trang giấy trắng, mỗi chữ đều như “thiết hoạ ngân câu, dung dư phong lưu”. [3]

[3] Trích từ “Dụng bút luận” của Âu Dương Tuân – một nhà thư pháp lớn thời Đường sơ. Âu Dương Tuân để lại cho đời nhiều quy cách viết thư pháp tuyệt tác, đặc biệt là lối viết chữ Khải của ông rất được yêu thích, người sau gọi là “Âu thể”. Trong “Dụng bút luận”, ông viết: “Bổi hồi phủ ngưỡng, dung dư phong lưu, thiết hoạ vừa vặn, mị như ngân câu”. Hậu thế sau này dùng cụm “thiết hoạ ngân câu” để hình dung bút pháp uyển chuyển, trong cương có nhu, thanh thoát như nước chảy mây trôi (đại khái là khen chữ đẹp và đều ạ ^^)

Trên thanh chặn giấy thuỷ tinh trong suốt có khắc chữ, có sơn đỏ phết qua, nhưng vì anh dùng lâu nên màu sơn cũng phai bớt, chỉ còn sót lại chữ khắc.

Mở đầu là “Tặng thầy Tạ”, kết thúc bằng câu “Xưa nay công danh bạc như vôi, xem nhẹ kim quan như mây trôi” [4]

Hẳn là quà lưu niệm sau khi dạy học ở Bảo Định. Lời này, vừa đọc đã biết nói đến anh.

[4] Nguyên văn “bình sinh nhất mỏng công danh sự, khinh thường kim quan ngọc điệp tiếp”. Giải nghĩa, công danh từ xưa đến nay luôn bạc bẽo dễ thay đổi, chỉ nên xem ấn kim quan (cách gọi ẩn dụ chỉ người làm quan/chức quan) nhẹ nhàng như nước chảy mây trôi.

Hôm nay lúc Tạ Vụ Thanh về nhà tâm trạng không tệ, cô đoán, người đang ẩn náu trong Bệnh viện Dung hợp hẳn là bạn rất thân của anh. Lúc trước khi anh gặp nạn, đã nghĩ cách cứu không ít người, dù lần này ra Bắc không nói rõ nhưng hẳn cũng vì cứu viện phe mình, cô biết điều đó nên đã giúp anh sắp xếp đưa người trốn đi.

Cả hai không ra ngoài nữa.

Trên bệ cửa sổ nước đọng thành vũng, lu nước mưa nhỏ trong nhà không lúc nào vơi.

Ga giường trong phòng ngủ như mang theo hơi ẩm, mấy lần cô kéo phẳng lại bị làm rối tung, cô liền lười vuốt lại. Phòng ngủ này cũng chỉ có hai người họ ở, khi trời tối vẫn phải ngủ tiếp.

Tạ Vụ Thanh tóc ngắn nên dễ thấm mồ hôi, cô ôm cổ anh, vuốt mái tóc ngắn ra sau, che đi mấy sợi tóc bạc: “Sớm biết có ngày này, ngay lần đầu tiên gặp anh đã ở bên nhau”.

Anh cười: “Đạo lý rất đúng”.

Cô muốn ăn chân giò hun tương Thiên Phúc ở khu Tây Đơn, Tạ Vụ Thanh bèn đích thân ra ngoài mua về, bánh nướng vừng vừa bán hết, may mà Quân Khương tới đúng lúc, cùng cô nướng bánh vừng. Quân Khương cười nhạo Tạ Vụ Thanh chỉ biết mua chân giò, định làm mọi người ngán chết à, sau đó đứng trong phòng bếp rửa tay sạch sẽ rồi băm thịt, định nướng bánh nhân thịt cho họ.

Quân Khương còn mang theo một cái hộp gỗ, trước khi vào bếp đã đặt sẵn hộp lên bàn đá giữa sân, bảo: “Giám đốc Hồ nhờ người mang đến”.

Lúc đó, Tạ Vụ Thanh đang ngồi hút thuốc trên sô pha trong chính phòng.

Hà Vị khẽ gõ cửa kính, gọi anh ra ngoài, thấy anh định lấy gậy chống, cô lại khoát tay, tự mình ôm hộp gỗ vào trong: “Vốn định rủ mọi người cùng xem, thôi cho anh xem trước vậy”.

Cô mở khoá đồng, nhấc nắp gỗ, là một máy phát thanh kiểu dáng mới nhất. Không có loa ngoài.

“Hồ Thịnh Thu nói nhất định phải làm xong thứ này mới dám tới thăm anh, phải cho anh biết mấy năm qua hắn không uổng phí”, Cô mỉm cười bật máy, trong tiếng vang rè rè tìm kênh phát thanh. Chốc lát sau, tiếng kịch hát sàn sạt vang lên, chính là cái này.

“Biết thứ này có gì khác không? So với quá khứ ấy?” Cô như phát hiện kho báu, lập tức hỏi.

“Tinh xảo hơn nhiều”.

“Chính là loa thu âm, loại loa này trước đây đều nằm ở ngoài. Nên nó càng thuận tiện di chuyển, tiện mang theo bên người”.

Cô luôn thích chế tạo đồ cách tân hơn cả việc làm ăn buôn bán.

Lúc ở Thiên Tân, rất nhiều người thấy lạ vì sao cô không quan tâm việc kinh doanh muối, rõ ràng là làm ăn kiếm lợi. Nhưng với cô mà nói, đó chỉ thuần là buôn bán. Mà quá trình từ muối thô thành muối tinh luyện mới là thứ công nghiệp cô hằng theo đuổi.

Ban đầu khi chưa có kỹ thuật sản xuất muối tinh luyện, hàm lượng natri clorua có trong muối thô rất thấp, người tây dương cười chê dân trong nước ăn muối thô không khác gì cạp đất. Sau này khi bao muối tinh luyện đầu tiên xuất hiện, trên bao bì in dòng chữ Hải Vương. Đó trở thành sự lãng mạn của các nhà công nghiệp.

Cô cũng cảm nhận được sự lãng mạn ấy và muốn chế tạo những món đồ tân thời hơn.

Thời gian này, trên radio có phát một vở hí khúc, được các chuyên gia trong đài phát thanh sử dụng đĩa keo đen ghi âm lại rồi phát lên.

“Chờ khi nào anh đi tiếp thì mang theo thứ này, em sẽ đàn một khúc dương cầm phát trên radio cho anh nghe”. Cô nói, như thể đã quen với việc chiến sự cấp bách, anh thường phải xa nhà.

Ngoài cửa sổ, Quân Khương hỏi Khấu Thanh có mua hành không, nếu không có hành sao làm bánh nướng nhân thịt được, Khấu Thanh trả lời, Lâm đội trưởng đi mua rồi. Lần này vào kinh, chưa được mấy ngày Khấu Thanh đã thay đổi xưng hô với Lâm Kiêu, hiện tại hắn không còn gọi là phó quan nữa, là trở thành đội trưởng đội cảnh vệ, thế nên Khấu Thanh cũng sửa danh xưng cho đúng.

Quân Khương cười trách Khấu Thanh, sai ai không sai, lại sai một người không biết phân biệt hành lá [5] đi, lỡ như mua nhầm hành hương về, bánh nhân thịt sẽ hỏng mất. Khấu Thanh đáp, người ta là đại đội trưởng, không thể ngốc đến nỗi hành lá cũng không phân biệt được…

[5] Theo mình tra thì, hành lá Quân Khương muốn mua là loại hành thân to (hiện nay gọi là hành baro), còn hành hương sợ Lâm Kiêu nhầm là loại hành nhỏ bình thường mình hay ăn. 

Hai người cười khanh khách, hàn huyên về hành lá và Lâm Kiêu.

Tạ Vụ Thanh dập tắt đầu thuốc.

Hà Vị đang chỉnh máy phát, tóc dài chấm eo, vì ngồi xổm nên ngọn tóc chạm lên mắt cá chân cô.

“Vị Vị”.

Cô nhỏ nhẹ bảo: “Thầy Tạ nói đi”.

Anh vuốt ve tóc cô: “Anh hẳn đã tích rất nhiều công đức mới được em coi trọng như vậy”.

“Đúng là người già, lúc nào cũng tự ti”, cô trêu ghẹo anh, “Khi thiếu tướng quân mới vào kinh, lăn qua lộn lại trong mấy nơi son phấn, không phải dõng dạc tuyên bố — ‘nếu động tâm với tôi, chính là không có đường lui’ sao”.

Tạ Vụ Thanh bật cười, nhéo chóp mũi cô: “Đã nghe trộm người ta nói chuyện điện thoại, còn mạnh miệng thế à?”

Cô chun mũi, trả máy phát vào hộp gỗ, đây là sản phẩm đầu tiên nhà máy họ chế tạo thành công, có ý nghĩa rất lớn, không thể tuỳ tiện đặt lung tung: “Nói chuyện chẳng đứng đắn gì cả”. Đàn ông lớn tuổi đều nghĩ một đằng nói một nẻo.

Anh vừa dọn dẹp mấy đầu thuốc trong gạt tàn, ở đây không chỉ có anh mà hôm qua còn thêm mấy vị sĩ quan đến họp.

Có điều vừa nghe cô nói thế, anh đưa tay về phía hộp thuốc, gõ nhẹ một điếu: “Lời đứng đắn nói thế nào?” Anh quẹt que diêm, châm thuốc, toát ra khí chất phong lưu.

“Anh yêu em”, anh cười hỏi, “Lời này có tính không?”

Hay tay cô ôm hộp gỗ bỗng cứng đờ, cô đứng sững ở đó, như đã quên hết mọi ngôn ngữ trên đời.

Cô… chỉ đùa với anh, không ngờ anh lại nói lời này.

“Năm 1922, hai nơi Kinh Tân đều biết chuyện, Vụ Thanh cho rằng cô hai rõ ràng hơn ai hết”, anh nhìn thẳng vào cô, như phát hiện một cô gái trăm ngàn mong cầu mà không có được, anh nói tiếp, “Anh từ phương Nam đến, không biết người phương Bắc theo đuổi con gái thế nào. Năm ấy thật sự đã phí không ít công sức, lại không nắm được trọng điểm, sợ khi về Nam, cô gái ấy sẽ gả cho người khác”.

Cô bị trêu, buồn cười: “Lại nữa rồi, nói chuyện không nghiêm túc”.

Anh không rời mắt khỏi cô, cười nói: “Tất cả đều là những lời nghiêm túc”.

Tạ Vụ Thanh lấy áo sơ mi khoác trên tay vịn sô pha, mặc lên người, cài từng cúc áo ngay ngắn. Áo cổ đứng thẳng thớm, anh đỡ sô pha chầm chậm đứng dậy, nhàn nhã bước ra ngoài. Khi anh đến Tây Đơn mua chân giò cho cô, bảo xe vòng tới Tấn Bảo Trai mua thêm một hộp thức ăn.

Không nói cho cô biết, muốn tặng cô một bất ngờ.

Hà Vị nghĩ anh đến sương phòng có việc, chỗ đó có hai sĩ quan chuyên lo việc giấy tờ.

Khấu Thanh nhảy chân sáo đến trước mặt cô, ghé vào tai cô nói: “Vừa rồi Lâm Kiêu ở phòng bếp bảo với chúng em, trong lòng tiếu tướng quân rất thương cô hai, năm đó, khi cô hai gợi ý ngài dùng bạch thoại trong thư nhà, ngài liền mượn hết những bức thư từ người thân quan quân trong doanh đến trướng quan sát học hỏi”.

Gió thu thổi qua mặt, mưa phùn lộp bộp rơi trên má.

Cô đứng bên khung cửa, nhìn theo Tạ Vụ Thanh khuất sau màn mưa phùn, chậm rãi bước vào sương phòng phía đông. Anh luôn có kiêu ngạo của mình, từ lúc có thể tự đi đứng, liền không dùng gậy chống nữa.

Một vị tướng quân khắt khe với bản thân, nhưng lại dùng nhân nghĩa trị quân.

Lâm Kiêu kể, biên cảnh phương Nam lúc tiền triều gươm giáo sẵn sàng, nhưng vì người ẩn sâu núi rừng, nên khi nhà Thanh bị diệt, tin tức không kịp truyền đến. Đoàn binh bím tóc [6] vẫn ở đó đối đầu với quân địch, trấn thủ biên cương. Tạ Vụ Thanh dẫn người đến, giúp họ thay đổi quần áo mới, dạy họ cắt bỏ bím tóc cũ. Ngày đó anh đến trước mặt những binh lính già trẻ kia, dõng dạc tuyên bố, nếu có ai nguyện rời đi, anh vẫn sẽ biết ơn vì bao năm họ vất vả giữ gìn biên cương, dùng tiền tiếp tế của tiền triều phát quân lương, hộ tống họ một đường về quê an dưỡng, nếu có ai nguyện ở lại, ngay lập tức nhận huấn luyện quân đội kiểu mới.

[6] Đoàn binh bím tóc là cách gọi chỉ bộ phận binh lính cuối triều Thanh, đầu thời kỳ chuyển giao, họ vẫn để tóc dài, thắt thành bím thả sau đầu.

“Tôi tòng quân vì giữ gìn lãnh thổ quốc gia, cũng giống như các vị ở đây, không có gì khác biệt”, thiếu niên Tạ Vụ Thanh nói trước mọi người, “Nếu có một ngày Tạ Vụ Thanh mưu lợi cho bản thân, bất kỳ kẻ nào trong quân, bao gồm cả những người quyết định ở lại đây, đều có thể rút súng bắn chết tôi. Lời thề này, đến chết không đổi”.

Lâm Kiêu cũng nằm trong số những người đó, bắt đầu từ ngày ấy thề chết đi theo Tạ Vụ Thanh.

— HẾT CHƯƠNG 49 —
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.