Kinh Độ Vong

Chương 22



Edit: Một chiếc Cá xinh đẹp

Tết đến, khắp nơi giăng đèn kết hoa mừng năm mới. Bình thường, Thái Thượng thần cung không nhiều việc vặt, quốc sư ẩn cư ở Thần Hòa Nguyên, thần long thấy đầu mà không thấy đuôi. Nhưng dù sao vẫn là phận ăn bổng lộc triều đình, cuối năm vẫn phải ló mặt vào cung yết kiến hoàng đế bệ hạ, có thể coi là trong phận sự.

Hoàng đế bệnh nặng đã mấy tháng trời, không thể lâm triều mà nghỉ ngơi ở cung Đại Minh. Người có tuổi thường thích nhớ lại chuyện xưa, thấy quốc sư đến, hoàng đế chỉ hỏi han dăm ba câu về chiêm tinh, mùa màng rồi sai người dìu tới nằm lên ghế dựa trước cửa, nói liên miên về chuyện thuở trai trẻ.

Hôm nay nắng chan hòa, những sinh mệnh đã sắp lụi tàn luôn dạt dào cảm xúc khi trông thấy ánh dương. Thánh thượng híp mắt nhìn lên bầu trời, mặt mày thấp thoáng vẻ thương cảm, trống trải: “Lâm Uyên, khanh và trẫm quen nhau bao nhiêu năm rồi?”

Quốc sư cúi đầu: “Đến Tết Thượng nguyên là vừa tròn năm mươi năm.”

Thánh thượng rầu rĩ: “Năm mươi năm, chỉ chớp mắt đã qua rồi. Trẫm vẫn nhớ rõ cảnh tượng khi ấy. Trẫm đứng thứ ba, cũng chẳng được phụ hoàng thương yêu trong số các anh em. Là khanh có mắt huệ biết nhìn người, khẳng định trẫm nhất định sẽ cưỡi rồng đăng cơ. Quả nhiên, khanh nói không sai, trẫm đã ngự trên ngai đế, trị vì giang sơn hơn bốn mươi năm, không cầu có công, chỉ cầu không tội. May thay, trời cao chiếu cố, Đại Lịch những năm nay vẫn giàu có sung túc, dù trẫm có thác xuống cũng vẫn còn mặt mũi đối diện với liệt tổ liệt tông.”

Người càng có tuổi thì lòng dạ càng mềm yếu. Quốc sư chỉ ở cạnh lắng nghe, thấy hoàng thượng rưng rưng sắp khóc thì nhận tấm lụa từ tay thái giám, lau nước mắt cho ông, dịu giọng nói: “Bệ hạ đừng nói thế. Ai cũng có lúc không khỏe. Để lòng khoáng đạt, nghĩ về những điều tốt thì sức khỏe sẽ dần bình phục. Gần đây thần đang điều chế kim đan cho bệ hạ, cũng sắp luyện xong rồi, bệ hạ phải giữ tinh thần thư thái, thần không dám đảm bảo bệ hạ có thể trường sinh bất lão nhưng kéo dài tuổi thọ thì vẫn được.”

Thánh thượng thở dài nặng nề, tầm mắt nhìn về phía chàng ta, cười nói: “Trẫm không học Tần Thủy Hoàng, chưa bao giờ có hứng thú với đan dược. Khi xưa khanh khuyên trẫm bỏ ăn mặn, xa nữ sắc nhưng trẫm không làm được. Đến giờ thân xác đã già, không thể vãn hồi được nữa rồi. Khanh thì ngược lại, bao năm nay dung nhan vẫn không đổi, chí hữu kết giao năm mươi năm trước giờ lại trông như ông cháu, nghĩ mà buồn cười thay. Nhưng thần tiên há lại là điều người người làm được, phải xem cơ duyên, cũng phải xem số mệnh. Cả đời này, trẫm khiến Đại Lịch hưng thịnh vượt bậc, có gì không bằng người thường chứ? Chỉ là tới giờ vẫn còn chưa chọn được thái tử khiến lòng trẫm hơi bất an. Trẫm từng hòi khanh ai là người có tướng rồng thăng nhưng khanh lại giữ kín như bưng, hiện giờ thì sao? Vẫn thế ư?”

Chàng ta mỉm cười lắc đầu: “Bệ hạ quên rồi chăng, khi xưa thần cũng chưa bao giờ nói về số mệnh của bệ hạ với Cao Tông. Có một số chuyện là thiên cơ không thể tiết lộ, nói ra sẽ làm đảo loạn mọi thứ, cứ thuận theo tự nhiên thì tốt hơn. Thần chỉ mong bệ hạ bớt sầu, trong ba đời tới, Đại Lịch ta tất sinh minh quân, đến lúc đó sẽ dựng lên thịnh thế phồn vinh chưa từng có, Đại Lịch cũng sẽ trở thành triều đại huy hoàng nhất trong sử sách.”

Thánh thượng nghe xong cười hân hoan: “Nếu thật sự được thế thì trẫm có nằm dưới ba tấc đất cũng cảm thấy được an ủi. Trước có minh quân, sau có quốc sư, Đại Lịch sẽ thịnh vượng, thiên thu muôn đời.” Ông hài lòng thở dài: “Như thế rất tốt… Rất tốt…”

Người đã gần đất xa trời, khí nhược, chẳng gắng sức được bao lâu. Hôm nay cũng coi như khỏe nên mới có thể nói nhiều đến thế với chàng ta. Quốc sư đứng một lát, thấy hoàng thượng đã ngủ thì đi theo thái giám lui khỏi điện Tử Thần.

Mùa xuân năm nay đến trước cả Tết, có thể coi là xuân sớm. Dù thời tiết dù âm u lạnh lẽo song cảnh trí ở cung Đại Minh lại được dày công chăm chút, tùng bách biếc xanh cứng cáp làm nổi bật cung điện nối tiếp nhau, toát lên vẻ khoáng đạt khôn tả. Chàng ta chậm rãi bước ra khỏi cổng cung, đến dưới hành lang gọi Cửu Sắc. Hươu ta đang ngửi khắp nơi trên đồng cỏ lập tức nhảy tới, thân mật cọ lên đùi chàng ta hai cái. Quốc sư vỗ đầu nó, lẩm bẩm: “Phải về rồi… Nếu tao cũng bỏ mày lại đây thì mày có buồn không?”

Cửu Sắc là hươu tốt, trí khôn ngang với đứa trẻ bốn, năm tuổi. Nghe chàng ta nói vậy khiến nó nhớ tới một người từng rất thân thiết, vậy mà trước khi đi chẳng thèm chào tạm biệt nó. Cửu Sắc lập tức đau lòng, ngước đôi mắt to tròn, ngân ngấn nước nhìn chàng ta.

Lâm Uyên bật cười, cốc nhẹ lên trán nó: “Cô ấy không chạy xa đâu. Bữa nào nhớ cô ấy thì bổn tọa sẽ dẫn mày đi gặp.” Nói đoạn, chàng ta vẫy tay, dẫn nó đi về phía cổng Đan Phượng.

Cấm quân cầm mâu đứng nghiêm hai bên đường, quốc sư mặc triều phục hoa mỹ bước chậm rãi, Cửu Sắc cổ đeo chuông bạc theo sau, tiếng chuông lanh lảnh vang suốt đường đi.

Mấy cấm quân liếc nhìn, quốc sư trong mắt bọn họ là người cao thâm khó dò, trước giờ luôn tách biệt với mọi thứ chung quanh, thoạt nhìn có vẻ biếng nhác, không ham công danh lợi lộc. Sống hơn một trăm năm mà tướng mạo không thay đổi, lại có trái tim trẻ mãi không già. Chỉ là năm tháng dừng lại chưa chắc đã là chuyện tốt. Sống quá lâu cũng sẽ cô đơn! Vậy nên trước giờ, cạnh chàng ta chưa bao giờ thiếu thú cưng. Trước khi nuôi hươu, chàng ta từng nuôi báo, rắn. Sau này bọn chúng đều dần già đi rồi ch3t. Những lúc đó, chàng ta lại buồn bã một thời gian, rồi sau nữa chàng ta sẽ lại tìm kiếm, lại xuất hiện một sinh mệnh mới bầu bạn cùng chàng ta.

Dưới ánh mặt trời, giáp Minh Quang Khải phát ra sát khí đằng đằng, hươu ta còn non song lại chẳng lấy làm sợ hãi, chạy lăng xăng giữa rừng gươm kiếm. Quốc sư kiên nhẫn dừng lại chờ nó đang đi trên con đường lát gạch vàng dài trăm bước với vẻ nghênh ngang như chẳng có ai. Có lẽ trong mắt nó, những người phàm này có tồn tại hay không cũng vậy!

Cuối cùng cũng đi hết con đường, nhưng chờ mãi chờ mãi, lại chờ được Lương Vương.

Quốc sư thọ ngang Đại Lịch, vai vế rất cao. Mặc dù Lương Vương do hoàng hậu sinh ra nhưng trước khi đăng cơ thì vẫn phải hành lễ với quốc sư. Ông ta tiến lên, bái dài: “Trước đó tiểu vương còn nói muốn đến thần cung bái kiến quốc sư, không ngờ lại gặp được quốc sư ở đây. Khéo thật.”

Quốc sư là người khiêm tốn, ít ra thì người ngoài chưa từng thấy chàng ta tự đề cao bản thân. Chàng ta chắp tay đáp lễ: “Lâu rồi không gặp điện hạ, điện hạ vẫn khỏe chứ?”

Lương vương đáp khỏe, rồi ra dấu mời dẫn quốc sư đi tới dưới cổng cung, cười tươi nói: “Nghe nói sắp tới thọ đản quốc sư, tiểu vương có chuẩn bị chút quà mọn, đã cho trưởng sử đưa tới Thần Hòa Nguyên ba lần mà lần nào cũng không được vào cửa. Hôm nay nếu đã gặp quốc sư thì mong quốc sư nể mặt, để tiểu vương thiết yến, bày tỏ chút tình.”

Quốc sư kề cà đáp: “Ừm… Thọ đản sắp tới… may mà điện hạ có lòng, không là thần cũng sắp quên luôn thọ đản của mình là khi nào. Mỗi lần tổ chức sinh nhật lại nhắc thần già đã thêm một tuổi. Cảm giác này chẳng dễ chịu chút nào, thế nên thần đã bỏ tổ chức sinh nhật từ lâu rồi.” Dứt lời, thấy mặt mày Lương vương có vẻ lúng túng, chàng ta bèn mím môi cười: “Thần xin nhận tấm lòng của điện hạ, còn về yến hội, thần không uống rượu, có đi cũng mất hứng.” Thấy ông ta cầm tấu sớ, liền nói: “Điện hạ vào cung để dâng tấu ư?”

“Phải. Trước đó quốc sư đã gặp thánh thượng ư? Thánh thượng vẫn tỉnh táo chứ?”

Chàng ta chậm rãi lắc đầu: “Nói mấy câu là mệt, bây giờ đang ngủ rồi.”

Lương vương cầm tấu sớ, tiến thoát lưỡng nan, liền xin quốc sư chỉ bảo: “Quốc sư có nghe nói chuyện Gián nghị đại phu bị ám sát chứ? Tiểu vương tới vì chuyện này. Đáng ra đại thần trong triều ch3t oan thì phải bẩm báo với thánh thượng. Nhưng hiện giờ thánh thượng long thể bất an, lại phải nhọc tâm vì chuyện này, không biết thánh thượng có ác cảm hay không?”

Quốc sư nghe vậy thì nắm tay áo, rằng: “Thánh thượng coi trọng điện hạ, lệnh cho điện hạ giám quốc, điện hạ phải gánh vác trách nhiệm này. Gián nghị đại phu chỉ là tòng tứ phẩm, không được liệt vào Tam công Cửu khanh. Theo ý của thần, điện hạ hoàn toàn không cần làm phiền hoàng thượng. Hiện nay đương buổi rối loạn, văn võ cả triều đều đang nhìn vào điện hạ, nếu điện hạ có thể xử lí được vụ án thì sẽ dễ dàng khiến mọi người tâm phục khẩu phục.”

Quốc sư không nói thẳng ra nhưng đã chỉ điểm đầy đủ cho Lương vương. Thật ra tư chất của Lương vương không cao mà chỉ hoàn toàn là “con quý nhờ mẹ” nên được chiếu cố nhiều hơn. Bây giờ, ông ta cần cơ hội chứng minh bản thân nên đương nhiên lời của quốc sư cũng dễ vào tai.

“Vậy theo quốc sư, vụ án này nên điều tra từ đâu đây?”

Lâm Uyên nhớ tới bóng dáng lẻn vào dinh thự nhà người ta, khóe miệng trề xuống: “Thần không tinh thông điều tra phá án cho lắm, nhưng theo ngu kiến của thần, có thể làm rất nhiều thứ lên chiếc kiệu mà Trương Công dùng. Điện hạ là người thông minh tuyệt đỉnh, chắc không đến mức không nhìn ra đạo lí dễ hiểu như vậy đâu nhỉ? Thần múa rìu qua mắt thợ, để điện hạ chê cười rồi, hổ thẹn.”

Lương vương nghe mà chẳng hiểu mô tê gì, nhưng nếu hễ là người thông minh đều nhìn ra mà ông ta còn hỏi thêm nữa thì chẳng phải là ông ta trở thành kẻ ngu si hay sao? Vì vậy, ông ta chỉ cười “à ờ”, ra vẻ hiểu ý rồi.

Quốc sư cười tươi: “Thần còn bận điều chế đan dược cho bệ hạ, không tiện ở lâu, xin cáo từ.”

Lương vương ngơ ngác chắp tay cung kính tiễn quốc sư đi bình an, đoạn quay đầu suy ngẫm nhưng vẫn không thể nào nghĩ ra nguyên do.

Quốc sư chắp tay sau lưng rời đi, dáng vẻ dương dương tự đắc. Lời ban nãy, đừng nói là Lương vương không hiểu, đến chính chàng ta còn không hiểu, chỉ vì muốn mau chóng thoát khỏi phiền phức nên chàng ta mới bịa bừa ra cái cớ. Liên Đăng thoạt nhìn có vẻ không thông minh cho lắm nhưng sự can đảm của của cô lại được đặt trên lưỡi đao. Bây giờ, điểm đáng ngờ tập trung hết lên ngôi nhà riêng ấy, ai mà ngờ được kẻ thù đã ch3t mấy năm lại tìm Trương Bất Nghi đòi mạng chứ!

Xe kiệu của quốc sư đỗ trước cổng cung, gọng bạc mái vàng vô cùng xa hoa. Hai vị Thu quan, Đông quan đi theo tiến lên đỡ, quốc sư nhấc áo bào ngồi xuống, sau đó gõ vách xe, Cửu Sắc nhảy tới bên chân quốc sư, nằm lên trên nệm gấm.

Bánh xe xoay vòng, chuông gió kêu leng keng. Quốc sư tĩnh tâm nhắm mắt lại, mới đi được một lát, thân xe bỗng rung lắc. Chàng ta mờ mịt mở mắt ra, Đông quan bẩm báo qua lớp rèm xe, nói có cô gái cầu kiến tọa thượng.

Chàng ta cong ngón tay vén rèm lên, trông thấy người bên ngoài, khóe môi khẽ nhếch: “Hôm nay bổn tọa không rảnh, có chuyện gì thì bảo cô ấy ngày mai tới thần cung.”

Giọng nói âm trầm truyền tới từ trong xe, đương nhiên người ngoài xe cũng nghe thấy. Cô vội vàng giơ tay chặn đường: “Liên Đăng nóng lòng cầu kiến quốc sư, quốc sư gặp tôi một lần đi!”

Trong xe im ắng hồi lâu, mãi sau mới nói: “Lúc nào cũng toàn chuyện xấu… Rốt cuộc gấp đến mức nào?”

Liên Đăng ngẫm nghĩ, rất gấp hình như vẫn chưa đủ để diễn tả tâm trạng lúc này, bèn nói: “Gấp không thể chờ được nữa.”

Người trong xe cười xùy, may mà chàng ta vẫn còn nhân từ, nói với vẻ ban ơn: “Tới cục Thái Sử đi, trên đường không tiện nói chuyện.” Ngựa bắt đầu chầm chậm bước đi, Cửu Sắc ở trong xe nghe thấy tiếng Liên Đăng liền thò đầu ra khỏi rèm.

Mới đầu, Liên Đăng vẫn chưa để ý tới nó, lúc đến cục Thái Sử mới thấy nó chạy tới, đâm sầm vào người cô, làm rơi cả mạng che mặt xuống. Cô bật thốt “Ôi”, sau đó nhìn kĩ, kinh ngạc gọi “Vô Danh”.

Quốc sư nghênh ngang đi tới, nheo mắt nhìn cô: “Nó có tên, gọi là Cửu Sắc.”

Cửu Sắc hếch mặt lên, tỏ vẻ trước kia cô đã quá coi thường nó, Vô Danh ơi Vô Danh ời, khiến hươu cưng của quốc sư cảm thấy rất mất giá.

Liên Đăng lại không nghĩ thế, thảo nào con hươu này lại thông minh như thế, thì ra là do luôn được nuôi dưỡng ở bên cạnh quốc sư. Nhưng nếu nó khác với những con hươu khác thì tại sao nó lại phải tỏ ra thân thiết với cô chứ? Cô quan sát hươu ta, cảm thấy nó không hề đơn giản, thậm chí trông còn hơi mưu mô, quả nhiên là chủ nào hươu nấy.

Cô lén mắng nó: “Yêu thú!”

Cửu Sắc lập tức nổi quạu húc cô một cái, khiến cô lảo đảo suýt ngã. Cô bị quốc sư bắt nạt thì thôi, bây giờ lại còn bị hươu bắt nạt, công lý ở đâu? Liên Đăng tức tối giơ tay lên định dạy cho nó một bài học, nhưng nó lại không hề trốn tránh, đôi mắt tròn xoe bình tĩnh nhìn cô. Cô bỗng thấy không nỡ, với tay sờ sừng nó, chậc lưỡi.

“Mày tên Tửu Sắc à? Quốc sư nhiều chữ là thế, vậy mà lại đi hại mày. Sớm biết thế thì để tao đặt tên cho mày có phải tốt không? Tao tên Liên Đăng, mày tên Liên Lộc, nghe thân thiết biết bao.” (Tửu Sắc và Cửu Sắc trong tiếng Trung đọc giống nhau 100%)

Quả nhiên, Cửu Sắc hơi dao động, quay sang nhìn quốc sư. Chàng ta nhíu mày: “Không phải tửu sắc mà là Cửu Sắc! Cô từng nghe câu “Xuất hải vân hà cửu sắc mang, kim dung hoảng dạng thủy trung ương*” chưa?”

Liên Đăng lập tức câm nín, c4n môi không dám hé răng nửa lời.

Chàng ta cũng chẳng thèm để ý đến cô, chắp tay đi vào trong sảnh đường, xuyên qua mấy hàng lính gác mới đến biệt quán của Tư Thiên giám.

Tư thiên giám có thể coi là nơi quan trọng nhất trong cục Thái sử, bày biện ở nơi đây cũng khác với những nơi khác, có mấy đồ v4t t0 lớn đến kinh ngạc đứng sừng sững. Đây là lần đầu tiên Liên Đăng trông thấy món đồ có kết cấu phức tạp đến thế. Cô đứng bên dưới quan sát thật lâu. Phần chính của nó là mấy vòng tròn đan xen nhau, hai góc mỗi góc có một con Ngọc Cầu* nhả nước vào bình, chiếc lỗ dưới đáy bình làm vòng tròn chầm chậm chuyển động theo từng khắc, không ngừng nghỉ. (Cầu là rồng nhưng không có sừng)

Quốc sư thấy cô nhìn đến mức mê mẩn thì ngân nga nói: “Đây là Hỗn thiên nghi*, trời trăng sao, hai mươi bốn tiết, hai mươi tám chòm sao đều có trong đó.” Đoạn, chàng ta quay sang chỉ dụng cụ trông như bình rượu: “Đó là Địa động nghi, tám con Kim Long trên thân thùng quay về tám hướng, nơi nào có động thì kim châu trong miệng rồng hướng đó sẽ rơi vào miệng cóc.”

Lúc ở Đôn Hoàng, Liên Đăng cũng được đọc sách nhưng hoàn toàn không tiếp xúc với thiên văn lịch pháp. Do không hiểu nên cô cảm thấy kính sợ, ánh mắt nhìn quốc sư cũng có thêm vẻ sùng bái.

Quốc sư hắng giọng, ra vẻ khinh thường: “Chẳng phải vừa nãy cô còn nóng lòng muốn gặp bổn toạ đến mức không thể chờ được nữa hay sao? Có việc gì ư?”

Liên Đăng vội đáp phải: “Lọ máu lần trước quốc sư đưa tới đã cứu mạng Đàm Nô, tôi có lòng tới cảm ơn quốc sư.”

Lông mày chàng ta hơn nhướng lên, gật đầu: “Tốt. Nếu có tác dụng thì chứng tỏ cô ta vẫn chưa ch3t được.” Chàng ta dừng bước, quay người lại, nhìn cô với vẻ bễ nghễ, cao ngạo: “Còn gì nữa không? Cô tới chỉ để nói mấy chuyện này thôi ư?”

“Vẫn chưa hết.” Cô xoắn tay, nhìn chàng ta với vẻ e dè: “Tôi muốn hỏi quốc sư có được máu bằng cách nào vậy? Người cho máu đang ở đâu?”

Chàng ta không hiểu cho lắm: “Đã đưa máu cho cô rồi còn tìm người đó làm gì?”

Cô thoáng lưỡng lự rồi nhỏ giọng nói: “Độc trong người Đàm Nô cứ bảy ngày lại phát tác một lần, mỗi lần phát tác đều phải uống thuốc. Vậy nên tôi muốn tìm người đó để thương thảo xem phải lấy gì để trao đổi mới khiến người bằng lòng cho máu. Điều kiện không ngặt nghèo là tốt nhất, nhưng nếu người đó không chịu thì tôi tính bắt về, sau này thích lấy máu kiểu gì cũng được, không cần làm phiền quốc sư nữa.”

Ai ngờ nghe xong, chàng ta lạnh mặt, nghiến răng nghiến lợi: “Không có tình người, lấy oán trả ơn! Người ta không bằng lòng là cưỡng ép, lại còn thích lấy kiểu gì thì lấy. Cô định nuôi người như nuôi hươu đấy à?” —

*出海云霞九色芒, 金容滉漾水中央: Ra khơi mấy tía hào quang sặc rỡ nhiều màu, ánh vàng dập dềnh giữa làn nước cả. (Ai thơ văn lai láng thì cho Cá câu thơ ạ)

*Hỗn thiên nghi: máy định vị thiên thể. Địa động nghi: máy đo địa chấn.

- -----oOo------
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.