Kim Đồng

Chương 17



Tết Nguyên đán là một sự kiện trọng đại trong dòng họ Văn, anh em họ hàng của Văn Tâm Lan dành cả tháng trời để tất bận cho công tác dọn dẹp, đánh bóng nhà cửa chuẩn bị đón Tết.

Ngôi nhà tổ của nhà họ Văn là một ngôi nhà tứ hợp viện kiểu cổ, nơi gia đình đã sinh sống nhiều năm về trước. Sau này khi anh chị em Văn Tâm Lan trưởng thành, kết hôn và dần dọn ra ngoài, ngôi nhà chỉ còn hai ông bà già sống nương tựa nhau, và khi tuổi tác cao dần không còn tiện sinh hoạt trong khoảnh sân quá ư rộng lớn nữa thì hai ông bà chuyển vào ở chung cư. Từ đó nhà tổ chỉ còn được trưng dụng vào những dịp trọng đại, vì thế mà cứ sắp Tết là con cháu lại trở về quét tước và dọn dẹp.

Bố mẹ Văn Tâm Lan đều đã gần chín mươi tuổi, độ tuổi chẳng còn bao tâm nguyện lớn lao. Một là những mong đôi bạn già có thể cùng nhau mừng đại thọ chín mươi ở trong nhà tổ, hai là mong con cháu quây quần sum vầy bên nhau mỗi độ Tết đến xuân về.

Văn Tâm Lan có sáu anh chị em, bà là út. Đến lứa Tô Bùi, con cháu sinh sôi, cùng thế hệ với anh có mười ba người, Tô Bùi vẫn là út, thế rồi lứa Tô Bùi kết hôn, sinh con, nhân số cứ tăng dần, con đàn cháu đống, cháu chắt cũng đã lên tới gần bốn chục người.

Mọi người sum họp thì vui đấy, mà ngặt nỗi là lắm người thì cũng sinh nhiều chuyện.

Trên đường trở về nhà tổ, Văn Tâm Lan thao thao cằn nhằn, “Mợ cả con chỉ giỏi sai, cứ cái gì không vừa mắt là lại sai mẹ.” – người chăm chút tỉ mẩn như bà cũng có lúc phải than phiền về mọi thứ và chỉ thoải mái khi được xả ra bằng hết.

Tô Bùi vừa lái xe vừa nghe vào tai nọ xọ tai kia, “Biết thế thì thuê lấy mấy người dọn dẹp theo giờ có phải nhàn hơn không.”

Văn Tâm Lan càu nhàu, “Ối zời, bác anh lại đồng ý ấy. Bảo gì mà nhà toàn đồ cổ, người ngoài không để ý nhỡ làm vỡ thì sao. Anh biết tính bác anh rồi đấy, có nhổ cọng hành trong vườn cũng tiếc đổ máu mắt.”

Cứ huyên thuyên hết chuyện nhà cửa, chuyện họ hàng hang hốc rồi cũng tới nơi, Tô Bùi dừng xe bên ngoài ngõ, ba người xách giỏ quà đi vào nhà tổ.

Vừa vào sân, bao cảm xúc thân thuộc dâng trào lên trong lòng anh, hai năm rồi Tô Bùi không trở về nơi chốn đây, vẫn giếng nước ấy và cây tử đằng già cỗi ấy, có chăng lớp mái ngói đã xỉn màu hơn trước.

Tô Bùi vừa đi tới bên cửa sổ, người trong nhà đã reo hò, “Tiểu Bùi đã về!” – mọi người ùa ra kéo anh và Bích Quy vào trong, “Mau mau ra chào ông! Năm ngoái không về đấy nhé!”

Tô Bùi là cháu ngoại, nhưng là đứa cháu được ông bà cưng nhất nhà. Vì Văn Tâm Lan là con gái út nên được ông bà hết mực yêu thương, ngày xưa chẳng muốn gả đi đâu xa mà chỉ muốn giữ ở gần để chăm chút quan tâm, còn nhờ người ta tìm chàng rể tử tế ưng ý đâu ra đấy rồi, thế mà cuối cùng Văn Tâm Lan phải lòng bố Tô Bùi rồi bỏ đi mất.

Hai ông bà giận đến nỗi cấm không cho vợ chồng cô bén mảng về nhà. Sau đó thì Tô Bùi chào đời, hai ông bà cũng mắt nhắm mắt mở cho qua. Bởi Tô Bùi nhặt hết ưu điểm của cha mẹ, hồi nhỏ xinh xẻo như búp bê, cháu chắt trong dòng họ chẳng có ai xinh bằng, các cụ mừng rơi nước mắt.

Ai ai cũng biết Tô Bùi là bảo bối quý báu của cụ.

*

Bữa cơm tất niên bắt đầu cũng là lúc mọi người cùng nhau quây quần và những câu chuyện muôn thuở được khai quật lên. Con cháu trong nhà công tác ở tứ xứ khắp nơi, cả năm trời có mấy ngày tề tựu đông đủ, đề tài chuyện trò chẳng được nhiêu, nên chỉ mang những câu chuyện xưa cũ ra làm quà cho hai cụ mừng.

Nào là mợ cả rủ bác hai đi bơi sông về bị trận đòn no, hay mợ ba dắt cháu ra chợ chơi để lạc, khóc lóc ủm tỏi, may mà sau đó được anh công an tìm về rồi sau này nên nghĩa vợ chồng. Nhắc đến Văn Tâm Lan và Tô Bùi, ai cũng bảo hồi bé Tô Bùi giống Văn Tâm Lan như tạc, xinh đáo để.

“Lúc ấy Tiểu Bùi mới hai, ba tuổi nhể, em bế thằng bé ra ngoài mà ai cũng tưởng là con gái, có đứa học trò của em làm thợ chụp ảnh cứ nằng nặc xin chụp làm quảng cáo cơ mà.”

Câu chuyện cũ xỉ cũ xì được tua đi tua lại cả trăm lần mà cả nhà vẫn rũ người cười ngật ngưỡng.

Sau chương hồi tưởng ký ức thì đề tài được chuyển sang hôn nhân và gia đình, ai độc thân chưa chịu lập gia đình thì chẳng tránh khỏi bị giục giã, “Cha bố nhà chị, con gái Tiểu Bùi sắp mười tuổi tới nơi rồi mà chị còn chưa lấy chồng! Tiểu Bùi kém chị ba tuổi đấy nhé!”

Và chuyện ly hôn cũng chẳng bị bỏ ngơ.

“Tiểu Bùi à, cháu ly hôn cũng lâu lâu rồi ấy nhỉ… giờ chuyện này nhan nhản ấy mà, như trường bác đây này, mấy tháng cuối năm rồi có ba đôi ly dị, giờ chuyện này cũng bình thường cả rồi. Cháu còn trẻ, công việc ổn định, đâu thể cứ gà trống nuôi con vậy được, Bích Quy cũng cần người chăm sóc chứ. Trường bác có cô giáo vừa ly hôn, ngoan ngoãn hiền lành…”

Tô Bùi không uống rượu nên cứ như bị tra tấn sống, anh cười trừ, “Mãi mới tự do đời nào cháu vào tròng ngay thế được, như giờ an nhàn hơn nhiều.” – anh thủng thẳng đáp làm họ hàng lại tưởng anh khấm khá lắm, ai cũng bóng gió hỏi biên kịch kiếm được bao nhiêu? Rồi thì làm về showbiz chắc kiếm chác lắm? Hay có phải các nữ diễn viên được bao nuôi thật hay không?

Tô Bùi trong mắt mọi người là một đứa bé được chiều chuộng nhất nhà, hồi nhỏ dễ thương, lớn lên trổ mã, học trường danh giá, tốt nghiệp xuất bản sách bán chạy, cưới vợ đẹp, sinh con ngoan, giờ đổi nghề làm biên kịch được tiếp xúc với toàn các văn nghệ sĩ và người nổi tiếng.

Chỉ Tô Bùi biết hiện thực kệch cỡm cỡ nào.

Anh nhớ một câu nói nổi tiếng thế này – “Cuộc sống là một tấm áo choàng lộng lẫy được bao phủ bởi lũ chấy”, quả là không thể chính xác hơn.

Sau đó mọi người bắt đầu khoe khoang thành tích của mình, tuy ai cũng than thở rằng “năm nay kinh tế buồn” hay “công ty đãi ngộ chả ra sao” nhưng rồi lại âm thầm khoe nhà mới, xe mới và thành tích của con cái.

Vào cuối bữa cơm tất niên, ông cụ Văn từ tốn nói, “Tôi có mấy câu muốn nói.”

Cụ đã ngoài tám mươi, nói năng chậm chạp, nhưng chữ nghĩa vẫn rành mạch, cả nhà trật tự tức thì.

“Gia đình ta tụ họp được bốn thế hệ dưới một mái nhà thế này là rất đáng quý…”

Mọi người hùa theo đồng ý.

“Được về nhà tổ, tôi cũng mừng, đây là nhà mình. Nhưng tôi biết, sau khi tôi với mẹ các anh chị đi rồi, mọi người sẽ khó tề tựu về đây nữa.”

Con trai con gái trong nhà vội vàng động viên cụ, “Bố à, năm mới mà bố nói chi vậy ạ!”

Ông cụ vẫn tiếp tục dặn dò, “Sau này anh chị muốn bán căn nhà, tôi không can thiệp, nhưng tôi không muốn thấy anh em trong nhà đấu đá nhau, nên hôm nay tôi nói thẳng, tiền bán nhà được bao nhiêu, sáu anh chị chia đều, không ai hơn, không ai kém.”

Cả nhà im phắc, thì ra hôm nay nhân dịp có mặt đông đủ, ông cụ còn minh mẫn nên phân chia gia sản rõ ràng. Tô Bùi cũng không ngờ mọi chuyện lại như thế, anh quan sát những gương mặt với nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau, một số người không vui ra mặt, nhưng mợ cả nhanh nhảu vâng lời, “Vâng thưa bố, chúng con nghe theo bố hết ạ.”

Mợ cả lên tiếng, mọi người cũng đồng thanh vâng lời.

Ông cụ nói tiếp, “Còn ít tranh thư pháp cổ, tôi định quyên tặng cho bảo tàng, có bấy nhiêu đấy thôi.” – lời vừa dứt, cả nhà lặng ngắt như tờ, bác cả sa sầm mặt mũi, suýt thì nhảy dựng lên nếu không được mợ cả túm chặt lại.

Tô Bùi giơ chén rượu lên giải vây, “Nâng ly nào!”

“Nâng ly nâng ly” – mọi người búa xua cho qua chuyện.

Sau bữa cơm, người xem TV, người chơi mạt chược đợi đến giao thừa, Tô Bùi bị mợ cả kéo ra một góc nói nhỏ.

“Cháu đi khuyên cụ, là không thể quyên tặng tranh cổ được.” – bà nói thẳng.

Tô Bùi hỏi, “Tại sao?”

Bà nhìn Tô Bùi như thể anh từ trên giời rơi xuống, “Tại sao á hả? Cái thằng này, ông cụ nhà ta sưu tầm toàn tranh thật, có một bức là của Tề Bạch Thạch[1]! Theo mày thì có tặng được không hả?”

Tô Bùi nhớ hồi nhỏ anh từng nghe nói nhà ông ngoại có tranh của Tề Bạch Thạch, cũng nhớ mang máng trước đây hình như được treo trên tường, song đều chỉ là những ký ức không rõ ràng lắm. Ông ngoại anh là người vui tính, cũng hay thích “nổ”, nên thật giả thế nào chả ai biết được. Vậy nên ngay từ ngày xưa, anh đã không coi việc đó là hàng thật hay hàng giả có gì to tát. Nếu là thật thì mừng, nhỡ mà không phải thì cũng coi là thật rồi vui vẻ, có sao đâu.

Song anh hiểu được tâm trạng của mợ cả hiện giờ – nếu đó thực sự là bút tích của Tề Bạch Thạch thì rất có giá trị.

Nhưng nếu không bán, tranh mãi mãi chỉ là tranh, tiền tài không thể đong đếm, treo trong nhà ngắm nghía vui mắt vui tai.

Thế nên anh cũng hiểu suy nghĩ của ông mình – nếu bị con cháu bán đi để rồi chẳng biết lưu lạc phương trời nào thì thà quyên tặng vào bảo tàng nhà nước còn hơn.

Anh không muốn nhúng tay vào chuyện này nên uyển chuyển từ chối, “Mợ à, người lớn chưa lên tiếng, nào đến lượt cháu chứ.”

Bà nói, “Chuyện này cháu chắt nói mới dễ, cụ quý mày nhất nhà, mày cũng là nhà văn, nhà biên kịch, văn hay chữ tốt, nói đi kiểu gì cũng thuyết phục được cụ.”

Tô Bùi cảm thấy mợ mình hiểu nhầm nghề biên kịch rồi thì phải, anh nói, “Mợ à, cháu không làm được đâu. Đấy mợ xem, đến mợ mà cháu còn chẳng thuyết phục được việc mợ đừng ép cháu đi khuyên cụ nữa là, cháu làm sao mà đi thuyết phục cụ được cơ chứ?”

Thế là bà tức giận bỏ đi.

Tô Bùi ra sân hít thở không khí, anh quen tay mò vào túi tìm bật lửa trước khi sực nhớ ra mình đang cai thuốc. Anh đành chuyển sang lôi chiếc điện thoại ra.

Đủ các loại tin nhắn nhấp nháy trên màn hình, từ hội bạn học, đồng nghiệp, bạn bè và hàng tá những lời chúc năm mới và lì xì may mắn.

Anh mở điện thoại, lướt tìm trên danh bạ liên lạc.

Đáng nhẽ năm mới tết đến quây quần bên gia đình họ hàng phải hạnh phúc sum vầy lắm, vậy mà Tô Bùi cảm thấy lạc lõng khôn tả, anh muốn tìm một ai đó, chẳng cần là người yêu, chỉ cần là người có thể thấu hiểu được cảm xúc của nhau là đủ…

Tô Bùi cứ lướt miết cho tới khi thấy tên Hạ Nhất Minh mới ngừng, anh bấm gọi, hai hồi chuông vang lên rồi nhanh chóng được thông máy.

“Anh à?” – giọng cậu ta vẫn đầm ấm thân thuộc, có chăng là thêm chút ngạc nhiên và vồn vã, vậy mà lại ấm áp lạ thường trong đêm nay.

Anh chẳng nhịn nổi bật cười, “Giám đốc Hạ có khỏe không?”

Hạ Nhất Minh ngừng mất một giây mới đáp, “Anh biết thừa rồi mà, năm nào mà chả có mình em với mẹ.”

Anh biết chứ.

Từ sau khi bố Hạ Nhất Minh qua đời, họ hàng đôi bên mâu thuẫn rồi trở mặt, chung quy cũng vì một chữ “tiền”. Sau này, khi Hạ Nhất Minh thành công và trả được hết các khoản nợ, họ hàng cậu ta có đến nối lại tình thân nhưng đều bị cậu ta gạt phắt đi, nói chung là ân oán rõ ràng.

Kể từ đó, mỗi dịp xuân về, lúc nào nhà cậu ta cũng chỉ còn độc hai mẹ con, thi thoảng cậu ta đưa mẹ đi du lịch giải khuây.

“Đang ở đâu đấy?” – Tô Bùi hỏi.

“Chiều nay em về một huyện nghèo ở quê làm từ thiện, thăm hỏi các bà mẹ liệt sỹ và trẻ mồ côi, tối cũng dùng bữa luôn ở đây.”

Tô Bùi cảm thán, “Tết nhất rồi vẫn phải đi làm, vất vả quá, vất vả quá.”

Tổ chức từ thiện cũng là một hình thức quảng bá hình ảnh công ty, huyện nghèo khó hẳn điều kiện cũng không tốt là nhiêu.

Hạ Nhất Minh bật cười, “Quen rồi ấy mà, với lại mẹ em cũng vui, bà còn bảo sẽ tài trợ cho mấy đứa trẻ mồ côi đi học. Thế anh thì sao? Thái tử điện hạ thị sát nhà tổ vui chứ?”

Tô Bùi thở dài.

Hạ Nhất Minh vội nói, “Đừng thở dài, thở dài thổi hết vận may đi đấy.” – rồi cậu nhẹ giọng như đang thí trẻ con, “Làm sao thế? Họ hàng trong nhà bắt nạt anh hả?”

Tô Bùi uể oải đáp, “Không… còn gì khác ngoài khuyên anh tái hôn và làm mối đâu.”

Hạ Nhất Minh ho sặc sụa.

Tô Bùi nói, “Kỳ thực ra cũng không có gì, số là về bức tranh của Tề Bạch Thạch trong nhà anh thôi.”

Hạ Nhất Minh chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, “Cái gì cơ?”

Tô Bùi than thở, “Anh muốn gặp mặt nói chuyện trực tiếp với cậu, muốn cậu cho anh lời khuyên quá.”

“Em cũng m…” – âm thanh bị nuốt mất như bị mất sóng, rồi bị thay thế bằng một câu – “Anh chờ em, hai hôm nữa em về rồi mình nhâm nhi tâm sự,” – Hạ Nhất Minh vội vã nói, “Hứa thế nhé.”

*

Hạ Nhất Minh cúp máy, mà lòng vẫn cứ xốn xang.

“Nhất Minh!” – tiếng mẹ anh gọi bên trong nhà, “Vào đây!”

Hạ Nhất Minh trở vào nhà, mẹ anh và một vài nhân viên đang gói sủi cảo, anh nhẹ nhàng nói, “Nhiêu đó là đủ rồi đó mẹ.”

Mẹ anh là một người phụ nữ giản dị, mặc dù hiện tại anh hoàn toàn có thể cho bà nhà lầu xe hơi và những món đồ hàng hiệu xa xỉ, thế nhưng bà vẫn mặc chiếc áo bông bình dân và giày trong siêu thị, không trang điểm, món trang sức duy nhất trên người là chiếc nhẫn vàng.

Khi nhân viên bê sủi cảo vào trong bếp và chỉ còn hai mẹ con họ, bà mới thì thầm vào tai cậu con trai, “Con thấy Tiểu Ngô thế nào? Con bé hoạt bát năng động lắm, làm việc cho con lâu chưa?”

Hạ Nhất Minh chẳng nói lên lời, trước nay anh không có mấy ấn tượng với cô nhân viên này, chỉ là một nhân viên bình thường nên hơi đâu mà để ý.

Nhưng mẹ anh thì chỉ thích mai mối tứ tung.

“Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan, con không muốn động đến những đối tượng này đâu.” – Hạ Nhất Minh nói.

Mẹ anh thất vọng ra trò, “Con thì, suốt ngày chỉ gặp gỡ mấy cô người mẫu diễn viên thôi, ngữ ấy không an phận đâu…”

Hạ Nhất Minh chán chường thở dài.

Rồi anh sực nhớ mình vừa mới dặn Tô Bùi là đừng thở dài thổi mất may mắn xong.

________
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.