Quang cảnh trấn nhỏ hôm nay giống như một khối sa bàn mà tướng soái Đại Ly sai người chế tạo, chiến sự đã hạ màn nên không cần nó nữa, bèn dùng vải đen tùy ý che lại.
Trần Bình An thắp một ngọn đèn dầu trong nhà mình, bắt đầu kiểm kê gia sản. Ba túi tiền đồng kim tinh, bao gồm tiền cung dưỡng, tiền đón xuân và tiền trấn áp. Một túi là do hoàng tử Đại Tùy tặng, nói là cảm tạ vì khiến hắn gặp được con cá chép màu vàng kia. Hai túi khác do Cố Xán để lại, xem như là tiền mua cá chạch.
Còn về hai túi tiền mà Trần Đối đền đáp, trên đường rời núi Trần Bình An đã xin Trần Đối chuyển cho Lưu Tiện Dương. Trần Đối mặc dù nghi hoặc nhưng cũng không từ chối. Có lẽ vì ngạc nhiên trước lựa chọn của thiếu niên ngõ hẹp, cũng có thể là do sau khi tế tổ thành công tâm tình vui vẻ, lần đầu tiên Trần Đối lộ vẻ tươi cười, ôn hòa nói một vài lời tâm huyết. Cô bảo Trần Bình An cứ yên tâm, bởi vì lời hứa của con cháu dòng chính họ Trần Dĩnh Âm còn đáng giá hơn hai túi tiền đồng kim tinh. Trần Bình An nghe vậy thì nửa tin nửa ngờ, không dám tin hoàn toàn. Có điều sau khi Ninh Diêu nghe nói đến “con cháu dòng chính họ Trần Dĩnh Âm”, bèn lén bảo Trần Bình An cứ yên tâm.
Tề tiên sinh hai lần tặng con dấu, tổng cộng là bốn con. Hai con dấu đầu tiên là “Tĩnh Tâm Đắc Ý” và “Trần Thập Nhất”, được làm từ đá mật rắn do Tề tiên sinh cất riêng. Hai con dấu sau là Tề tiên sinh dùng đá mật rắn mà Trần Bình An tặng, khắc chữ theo hình, một chữ tiểu triện và một chữ lệ. Trùng hợp là hai con dấu có thể ghép lại thành một bức tranh non xanh nước biếc, một bên vững chắc còn một bên mềm mại. Tề tiên sinh phân biệt khắc lên hai chữ “Sơn” và “Thủy”, theo quan điểm của Ninh Diêu thì đại khái có thể gọi là một đôi “Sơn Thủy ấn”.
Trần Bình An đặt ba tờ giấy viết hai phương thuốc của Lục đạo trưởng lên bàn.
Ninh Diêu từng ghét chữ của Lục đạo trưởng tẻ nhạt vô vị, chẳng có cá tính, tài hoa, trần gian hay tiên phật gì cả. Giống như cử nhân tú tài của vương triều thế tục, vì khoa cử công danh mà chấp hành kiểu chữ tiêu chuẩn, quy quy củ củ, vô cùng thấp kém.
Trần Bình An dĩ nhiên không nhìn ra ý vị sâu cạn, trình độ cao thấp trong chữ viết của đạo trưởng trẻ tuổi, cũng sẽ không vì Ninh Diêu đánh giá không cao mà xem thường ba tờ giấy này. Hơn nữa trước khi đi Lục đạo trưởng đã chính miệng nói, ở trấn nhỏ rất khó mua sách đọc chữ, Trần Bình An muốn học chữ thì có thể bắt đầu từ phương thuốc của hắn.
Lúc này Trần Bình An cẩn thận cầm tờ giấy cuối cùng lên. Trước đó xem qua bốn chữ “Lục Trầm Sắc Lệnh” màu đỏ thẫm được con dấu in lên trang cuối, hắn cũng không có suy nghĩ sâu xa gì, nhưng hôm nay mình cũng có đến bốn con dấu, liền cảm thấy mấy chữ nhỏ kia rất thân thiết đáng yêu. Trần Bình An nghĩ đến sau này trong túi mình có tiền dư, sẽ mua sách cất riêng trong nhà, sau đó dùng con dấu “Trần Thập Nhất” nhẹ nhàng đóng một chữ đỏ vào trang tựa đề hoặc trang cuối. Nghĩ đến đây hắn lại không nhịn được nhếch miệng tươi cười.
Nhưng rất nhanh Trần Bình An lại cảm thấy khó xử, đã có con dấu nhưng còn cần mực đóng dấu. Tiệm Áp Tuế chuyên bán bánh ngọt ở ngõ Kỵ Long, kế bên nó có một cửa tiệm bán đủ mọi thứ linh tinh, treo bảng hiệu viết hai chữ “Thảo Đầu”. Tống Tập Tân và tỳ nữ Trĩ Khuê thường đến chiếu cố cửa tiệm này, những thứ như bút mực giấy nghiên, đồ trang trí trên bàn đều từ chỗ này mua về.
Trần Bình An do dự một lúc, cảm thấy đợi sau này biết chữ, nếu ngày nào đó gặp được cuốn sách vừa thấy đã thích, sẽ đi mua một hộp mực đóng dấu.
Ngoại trừ thứ này còn có một bao đá mật rắn chuyên tâm lựa chọn ra, bảy tám viên màu sắc khác nhau, dù đã rời khỏi nước thời gian dài nhưng màu sắc vẫn không phai. Miệng bao trên bàn mở ra, viên lớn thì như lòng bàn tay trai tráng, viên trung bình thì như nắm tay đứa trẻ, viên nhỏ thì như trứng bồ câu, các loại đá lẫn lộn với nhau, hình dáng khiến người ta ưa thích.
Trần Bình An vốn định tặng chúng cho Lưu Tiện Dương. Mặc dù Tống Tập Tân là một nhân tài đọc sách lời lẽ cay nghiệt, nhưng có một câu rất có đạo lý. Ý tứ đại khái là cùng một món đồ nhỏ, nằm trong tay người bán hàng rong ở ngoài ngõ Nê Bình thì chỉ bán được mấy đồng tiền, còn phải tốn nhiều công sức, nhưng nếu nằm trong ngăn kéo tiệm Thảo Đầu thì ít nhất phải ba bốn lượng bạc, khách hàng thích mua thì mua, không mua thì cút.
Người nói vô tình nhưng người nghe có ý, Trần Bình An cảm thấy lời này của Tống Tập Tân rất có đạo lý. Cho nên đá mật rắn để ở chỗ hắn trong trấn nhỏ, có lẽ không bán được giá cao gì, nhưng nếu đưa cho Lưu Tiện Dương cầm đến chỗ họ Trần Dĩnh Âm kia, cho dù bị người ta lừa gạt ép giá chắc chắn cũng được nhiều tiền hơn Trần Bình An.
Còn như mình sở hữu một căn nhà cỏ, hay là để bằng hữu lấy được một ngọn núi vàng núi bạc, cái nào tốt cái nào xấu, Trần Bình An vốn không cần suy nghĩ.
Nếu không vì sao phải làm bạn với Lưu Tiện Dương?
Cho nên đối với Lưu Bá Kiều của vườn Phong Lôi, Trần Bình An cảm thấy người này không xấu, nhưng bất kể Lưu Bá Kiều xưng huynh gọi đệ thế nào, Trần Bình An cũng sẽ không tin là thật, cũng không bao giờ hùa theo.
Cuối cùng Trần Bình An cầm cây trâm ngọc kia lên, Tề tiên sinh nói là năm xưa thầy giáo của ông tặng cho, chỉ là đồ vật tầm thường, không phải thứ quý hiếm gì cả.
Trên cây trâm ngọc bích có khắc tám chữ nhỏ.
Ninh Diêu đã từng giải thích về câu “ngôn niệm quân tử, ôn kỳ như ngọc” này.
Quân tử.
Mặc dù Trần Bình An chưa từng đọc sách, nhưng vẫn cảm thấy từ ngữ này nhất định là xưng hô có phân lượng rất nặng.
Nơi cửa vang lên giọng nói của Ninh Diêu: - Sao ngươi không cài cây trâm này lên? Người ta đã vui lòng tặng cho ngươi, dĩ nhiên là muốn ngươi tận dụng cho tốt.
Trần Bình An đang suy nghĩ xuất thần, ngẩng đầu nhìn lên, cười hỏi: - Sao cô lại tới đây?
Ninh Diêu ngồi xuống đối diện bàn với Trần Bình An, liếc nhìn cây trâm trong tay hắn: - Ta đã cẩn thận xem xét, chỉ là một cây trâm bình thường mà thôi, không hề ẩn giấu huyền cơ. Ban đầu ta còn tưởng nó là một động tiên nhỏ chứ.
Trần Bình An không hiểu: - Cái gì?
Ninh Diêu nhìn đống “bảo vật gia truyền” của Trần Bình An bên kia bàn, giải thích: - Trong động có một thế giới khác, đã từng nghe đến khái niệm này rồi chứ? Dân chúng chỉ cho rằng đó là cách nói tu từ của người đọc sách, không xem là thật, nhưng thực ra nó lại rất có kiến giải. Động tiên trên đời chia làm hai loại, một loại giống như động tiên Ly Châu mà chúng ta đang ở, thuộc về mười động tiên lớn, ba mươi sáu động tiên nhỏ. Chính là động tiên trong cụm từ “động tiên đất lành”, có một số lãnh thổ rộng lớn không biết đến mấy ngàn mấy vạn dặm. Trong truyền thuyết Đạo Tổ sở hữu một động tiên Liên Hoa, tuy là một trong ba mươi sáu động tiên nhỏ, nhưng bề mặt một chiếc lá sen trong đó còn lớn hơn kinh thành của vương triều Đại Ly các ngươi.
Trần Bình An vừa kinh ngạc vừa hoài nghi nói: - Không phải chứ?
Ninh Diêu cười giơ ngón cái ra, nhấc lên chỉ về phía mình, nói như đã tính trước: - Ta cũng không tin, cho nên sau này ta sẽ đi xem tận mắt, sau đó sẽ trở lại nói cho ngươi biết thật giả!
Trần Bình An nhẹ giọng hỏi: - Một nơi hiếm thấy kỳ lạ như vậy, không phải ai cũng vào được đúng không?
Ninh Diêu cười ha hả nói: - Ngươi cho rằng ta là ai?
Trần Bình An vội vàng đổi chủ đề: - Ninh cô nương tiếp tục nói về động tiên đi.
Ninh Diêu tiện tay cầm một viên đá mật rắn màu hoa đào xinh xắn lung linh, đặt trong lòng bàn tay vuốt nhẹ, nói: - Bất kỳ một động tiên lớn nào đều có thể nối liền trời đất, linh khí dồi dào, đó mới là phủ đệ tiên gia danh xứng với thực. Luyện khí sĩ tu hành trong đó làm ít hưởng nhiều. Chủ nhân của động tiên nếu không phải là người có khí vận lớn thì không thể chiếm giữ được, đã sớm bị những người nổi bật trong tam giáo các phái phân chia toàn bộ, không cho người khác nhúng tay vào. Ba mươi sáu động tiên nhỏ lại giống như khu vực thần bí che che giấu giấu, tựa như cô gái ôm đàn tỳ bà che nửa mặt. Trong đó động tiên Đào Nguyên phong cảnh xinh đẹp nhất, động tiên Cương Phong âm u hiểm trở nhất, động tiên Ly Châu...
Trần Bình An tò mò hỏi: - Chỗ này của chúng ta thì thế nào?
Khóe miệng Ninh Diêu nhếch lên, vươn hai ngón tay ra khẽ vân vê, nói: - Nhỏ nhất, chỉ có chút xíu như vậy, chật hẹp nhỏ bé không đáng nhắc tới.
Trần Bình An liền ngồi xếp bằng, uể oải nằm sấp xuống bàn, sau đó giơ một nắm tay lên, lần lượt vươn từng ngón tay ra, nhẹ giọng cười nói: - Thế nhưng ở đây tôi đã gặp được Tề tiên sinh, lão Dương, Lưu Tiện Dương, Cố Xán, đương nhiên còn có cô, Ninh cô nương.
Ninh Diêu cũng cười: - Còn có một loại động tiên nhỏ là nơi cất giấu vật phẩm. Phật gia có cách nói “hạt cải chứa núi Tu Di”, Đạo gia lại là “tay áo có càn khôn”, các phái còn lại cũng có cách nói riêng. Tôn chỉ của nó là “một tấc vuông chứa cả trời đất”, nói đơn giản là một đồ vật nhỏ có thể chứa rất nhiều thứ. Có điều so với động tiên thật sự, loại bảo bối liên quan tới “động tiên” này không chứa được vật sống. Một trong số của hồi môn đáng giá nhất của mẹ ta trước kia là một vòng ngọc, động tiên bên trong kích thước xấp xỉ với căn nhà này.
Thiếu niên giày cỏ không biết trời cao đất dày bên ngoài, liền tỏ ra thất vọng: - Nhỏ như vậy à, cô xem một chiếc lá sen của Đạo Tổ người ta đã lớn như một thành trì rồi.
Ninh Diêu thẹn quá hóa giận, nghiêng người tới trước, đưa tay muốn gõ đầu Trần Bình An. Trần Bình An vội vàng ngửa người về sau, tránh sang hai bên.
Ninh Diêu ra tay mấy lần đều không thành công, đầu óc chợt sáng lên, liền cầm lấy viên đá mật rắn có màu hồng phấn kia, ra vẻ muốn ném đi.
Trần Bình An luống cuống nói: - Đừng ném, đừng ném, nếu bị mẻ góc thì chắc chắn sẽ giảm giá rất nhiều!
Ninh Diêu bĩu môi, để đá mật rắn xuống, nhưng lại đột ngột giơ tay lên, khiến cho Trần Bình An vội vàng nhắm mắt lại, không đành lòng xem.
Một tiếng “bộp” vang lên, Ninh Diêu gõ đá xuống mặt bàn, sau đó ôm bụng cười lớn.
Trần Bình An mở mắt ra, bất đắc dĩ nói: - Ninh cô nương, cô có thể đừng ấu trĩ như vậy được không.
Ninh Diêu nhướng đôi lông mày hẹp dài, khuỷu tay quét qua, viên đá kia liền bị gạt xuống mặt bàn.
Hai tay Trần Bình An vò đầu, vẻ mặt đau khổ.
Nói đạo lý với Ninh cô nương đúng là không thông.
Ninh Diêu cười hì hì, tay còn lại từ dưới mặt bàn vươn ra, viên đá vốn phải rớt xuống đất lại nằm trong lòng bàn tay trắng nõn của nàng.
Hai tay Trần Bình An vẫn ôm đầu, dáng vẻ đáng thương.
Ninh Diêu không trêu chọc Trần Bình An nữa, nghiêm nghị hỏi: - Sau này ngươi định làm gì?
Trần Bình An ngẫm nghĩ, thành thật trả lời: - Giúp Nguyễn sư phụ làm xong những công việc nặng nhọc kia, sau đó tôi muốn tự mình vào núi đốt than, còn có thể thuận tiện hái thuốc bán cho tiệm Dương gia.
Ninh Diêu do dự một thoáng, hỏi: - Như vậy ngoại trừ con vượn Bàn Sơn núi Chính Dương, còn có phu nhân Hứa gia thành Thanh Phong, Tiệt Giang Chân Quân Lưu Chí Mậu, cùng với núi Vân Hà và thành Lão Long sau lưng Thái Kim Giản và Phù Nam Hoa, ngươi làm sao ứng phó? Lỡ may người ta muốn tìm ngươi gây phiền toái, ngươi sẽ trốn đi đâu?
Không đợi Trần Bình An trả lời, Ninh Diêu đã trầm giọng nói: - Cho nên lúc trước Lục đạo trưởng bảo ngươi, bất kể thế nào cũng phải mặt dày ở lại tiệm rèn, đó là một con đường đúng đắn.
Trần Bình An ưu sầu lo lắng nói: - Vậy nếu rước lấy nhiều phiền phức cho Nguyễn sư phụ thì phải làm sao?
Ninh Diêu cười lạnh nói: - Một vị thánh nhân quản lý động tiên nhỏ vận hành, còn sợ những phiền phức này à?
Trần Bình An gật đầu: - Vậy để tôi quay lại hỏi Nguyễn sư phụ, trước tiên nói tất cả tình hình thực tế cho ông ấy biết, xem ông ấy có bằng lòng nhận tôi làm học đồ dài hạn hay không.
Một tay Ninh Diêu chống cằm, tay kia lục lọi mấy viên đá mật rắn, nói: - Tại trấn nhỏ này, không có chuyện gì mà một túi tiền đồng kim tinh không giải quyết được, nếu có thì là hai túi.
Vẻ mặt Trần Bình An như đưa đám nói: - Tôi tiếc lắm.
Ninh Diêu liếc mắt nói: - Lúc ngươi định đưa hết cho Lưu Tiện Dương sao không tiếc?
Trần Bình An lắc đầu nói: - Hai chuyện khác nhau, không thể so sánh.
Ninh Diêu xem thường nói: - Sau này cô gái nào bất hạnh làm vợ của ngươi, ta đoán rằng mỗi ngày cô ấy đều hận không thể tát chết ngươi.
Trần Bình An nghiêm túc nói: - Nếu thật sự có vợ thì lại là chuyện khác. Tôi cũng không ngốc, sẽ không để cho vợ mình chịu uất ức.
Ninh Diêu giống như không tin, sắc mặt đầy vẻ châm chọc.
Thiếu niên đen như than hai tay ôm lấy ngực, ngồi xếp bằng, vẻ mặt tỏ ra ngang ngược hiếm thấy, nói lầm bầm: - Nếu vợ tôi bị uất ức, đừng nói là con vượn già núi Chính Dương, cho dù Đạo Tổ gì đó mà cô nói, tôi cũng muốn chém chết hắn. Không bàn đến có chém chết được hay không, dù sao cứ chém trước rồi tính sau!
Ninh Diêu rất kinh ngạc, trợn mắt há mồm.
Nàng vẫn luôn cảm thấy Trần Bình An không phải là người có tính khí cứng rắn. Đương nhiên ngoại trừ chuyện giết Thái Kim Giản, đấu vượn Bàn Sơn, bình thường khi ở chung Trần Bình An giống như vĩnh viễn sẽ không tức giận, tính tình cũng không cố chấp mà rất ôn hòa.
Lời này nếu do đám nhân tài xuất chúng như Phù Nam Hoa, Tống Tập Tân nói ra, Ninh Diêu sẽ cảm thấy là chuyện đương nhiên. Nhưng từ trong miệng Trần Bình An nói ra, nàng lại không dám tin, vì vậy không nhịn được hỏi: - Tại sao?
Trần Bình An nhếch miệng cười nói: - Đời này cha tôi chỉ đánh nhau với người khác một lần, đó là vì mẹ tôi. Bởi vì trong ngõ Kỵ Long có người mắng mẹ tôi, cha tôi giận không kìm được, bèn đi đánh nhau một trận. Lúc trở về bị mẹ tôi quở trách rất lâu, nhưng cha tôi lén nói với tôi, có đánh thắng hay không là một chuyện, có dám đánh hay không lại là một chuyện khác, người đàn ông không che chở vợ mình thì cưới vào cửa làm gì?
Ninh Diêu cảm thấy khó hiểu: - Hả?
Trần Bình An gãi gãi đầu, xấu hổ nói: - Cha tôi làm gốm rất giỏi nhưng đánh nhau thì không tốt lắm, khi về nhà mặt mũi bầm dập, bị người ta đánh rất thảm thương.
Ninh Diêu đưa tay ôm trán, không biết nói gì. Nàng im lặng một lúc, sau đó đứng dậy nói: - Ta về tiệm đây.
Trần Bình An hỏi: - Tôi tiễn cô đến đầu ngõ Nê Bình nhé?
Ninh Diêu bực bội nói: - Không cần.
Trần Bình An cũng không cưỡng cầu, chỉ tiễn Ninh Diêu đến cửa viện.
Ninh Diêu không quay đầu cũng biết thiếu niên vẫn đứng ở cửa.
Người tốt không cổ hủ, tấm lòng của bọn họ sẽ rất ấm áp rực rỡ, giống như hoa hướng dương. Bản thân chuyện này rất tốt đẹp.
Thiếu niên ngõ Nê Bình không nơi nương tựa, bị những người xứ khác mở miệng ra là “đồ quê mùa hèn mọn, giun dế trong ngõ hẹp ăn đất cát”. Nhưng thiếu niên cuối cùng vẫn có cuộc sống của riêng mình, hắn cũng rất muốn cuộc sống của mình tốt đẹp, đương nhiên không phải là thèm muốn hưởng thụ. Trên thực tế từ nhỏ thiếu niên đã là một đứa trẻ biết chịu khổ, hắn chỉ suy nghĩ đơn thuần, nếu cha mẹ dưới đất có biết thì nhất định sẽ yên tâm. Mặc dù Trần gia chỉ có một mình Trần Bình An nhưng vẫn có thể sống những ngày tháng tốt lành, nghĩa là nhà cửa do cha mẹ để lại cũng không tệ, cho dù cái nhà này chỉ còn lại một người.
Dù có tiền mua câu đối xuân thì thiếu niên cũng phải một mình dán lên, sẽ không ai nói cho Trần Bình An biết là nghiêng lệch hay ngay ngắn. Chữ “Phúc” dán trên đầu cửa cũng cần tự mình bắc thang, không có ai vịn cho.
Người sống một đời, sống chết tự lo, không muốn cầu xin thứ gì của ông trời. Cho nên loại người này nhìn như tính tình ôn hòa, thực ra xương cốt cứng cỏi, mạng cũng rất cứng.
Thiếu nữ đi ra khỏi ngõ Nê Bình, đột nhiên cảm thấy mất mát, cũng cảm thấy hổ thẹn, bởi vì mình không từ mà biệt.
Trần Bình An trở vào nhà, ngẩn người nhìn ngọn đèn dầu, mơ mơ màng màng, như ngủ mà không ngủ, như mộng mà không mộng.
Hắn giống như đi tới đầu phía nam cầu mái che một cách khó hiểu, chỉ nhớ mang máng trên đường tối đen, ngay cả hắn cũng không nhìn thấy cảnh tượng cách đó vài thước.
Nhưng khi hắn bước một chân lên bậc thềm, giữa trời đất đột nhiên bừng sáng.
Trần Bình An bất tri bất giác đi trong hành lang cầu mái che, đột nhiên trung tâm hành lang nở rộ ra ánh sáng trắng như tuyết, dường như còn chói mắt hơn trời đất sáng ngời trước đó, ẩn chứa đạo ý càng cao cả. Mắt của Trần Bình An đau nhói đến chảy nước mắt, nhưng chẳng biết vì sao lại có thể nhìn thấy rõ ràng quang cảnh kỳ lạ ở nơi đó.
Có một người cao lớn nét mặt mơ hồ đứng ở giữa cầu mái che, có điểm tương tự với Tề tiên sinh mà Trần Bình An gặp lần đầu trong ngõ nhỏ, tay áo rộng phất phơ, toàn thân trắng như tuyết, giống như một vị thần tiên.
Nhưng trong tiềm thức hỗn loạn như ngựa hoang thoát cương, Trần Bình An rất xác định, người trước mắt càng hư vô mờ mịt hơn Tề tiên sinh, giống như hắn hoặc nàng càng xa rời nhân gian.
Trần Bình An chậm rãi đi tới trước, bên tai giống như có cô gái quyến rũ nhỏ giọng nỉ non, mê hoặc lòng người: - Quỳ xuống đi, sẽ có vận may rơi đến.
Sau đó lại có người uy nghiêm quát lớn, chấn nhiếp lòng người: - Phàm phu tục tử, còn không mau quỳ xuống!
Lại có giọng nói chính trực ôn hoà hờ hững vang lên: - Người trong thế tục cần quỳ xuống trước trời đất, quân vương, cha mẹ, sư phụ, quỳ một lần thì có ngại gì, đổi lấy một con đường lên đỉnh.
Còn có giọng nói khàn khàn từng trải vang lên: - Cái quỳ này giống như đi qua cầu trường sinh, bước lên thang mây xanh, vượt qua rãnh trời đất, đừng chần chừ, mau quỳ xuống. Trời cho mà không lấy sẽ bị ngài khiển trách!
Một giọng nói quen thuộc cố sức cất lên: - Trần Bình An, mau dừng bước! Không nên đi tới trước, cũng không nên quay người lại, càng không thể quỳ xuống. Chỉ cần đứng yên tại chỗ kiên trì một nén nhang là được, thân thể phàm tục như ngươi có thể chịu được bao nhiêu ý nguyện của thần khí? Không nên làm việc nghịch thiên...
Có phần giống như tiếng răn dạy và cảnh cáo của lão Dương, chỉ là giọng nói của ông lão càng về sau càng thấp.
Cùng lúc đó lại có người ôn hòa cười nói: - Trần Bình An, đừng ngại đứng thẳng, đi tới trước mấy bước nhìn thử xem!
Đây giống như giọng của Tề tiên sinh.
Trần Bình An theo bản năng thẳng eo dừng bước, ánh mắt ngỡ ngàng nhìn chung quanh. Hắn chỉ biết mình có rất nhiều vấn đề muốn hỏi Tề tiên sinh.
Rất nhiều tiếng ồn ào liên tục không ngừng: - Đây là cơ duyên nên thuộc về Mã Khổ Huyền! Thằng nhóc ngươi mau cút ra ngoài!
- Cho dù Mã Khổ Huyền không lấy được, cũng nên thuận thế rơi vào tay hạt giống thần tiên là Ninh Diêu, ngươi là cái thá gì!
- Nhánh họ Trần của ngươi là một đống bùn nhão không bám víu được, nên sớm đoạn tuyệt hương khói. Lại dám thèm muốn thần vật, đúng là tiểu tạp chủng mặt dày vô sỉ!
- Trần Bình An, không phải ngươi rất quan tâm đến bọn Ninh Diêu và Lưu Tiện Dương à? Quay người trở về trấn nhỏ đi, để lại cơ duyên cho bằng hữu của ngươi không phải tốt hơn sao? Tề Tĩnh Xuân đã dùng cái chết của hắn để đổi lấy sự an ổn cho đám người phàm các ngươi, sau này cứ yên tâm làm phú ông lấy vợ sinh con, còn có kiếp sau, chẳng phải rất tốt sao?
- Còn dám đi tới trước một bước, sẽ khiến ngươi hóa thành tro bụi!
Trần Bình An bước ra một bước, cầu mái che ầm ầm chấn động.
Trời đất yên tĩnh, tạp âm đều dừng.
Có thở dài, có sợ hãi, có hoảng loạn, có kính sợ, có thổn thức, một đống lộn xộn.
Sau khi Trần Bình An bước ra một bước, lại tự nhiên bước ra bước thứ hai, lúc này hắn mới phát hiện Tề tiên sinh đang sánh vai đi cùng mình.
Cả cầu mái che và bên ngoài đột nhiên lại biến thành đưa tay không thấy năm ngón.
Trước đó khi thiếu niên dừng bước thì đã không còn bị ánh sáng làm chảy nước mắt, lúc này bỗng nhiên lại nghẹn ngào, đầu óc sáng suốt, hỏi: - Tề tiên sinh, ngài phải đi rồi sao?
- Ừ, phải đi rồi. Bên ngoài có quá nhiều người muốn ta chết, ta cũng không thể lựa chọn được.
- Tề tiên sinh, vậy chúng ta phải đi gặp ai?
- Không phải “chúng ta” mà là ngươi. Người mà ngươi phải gặp là một... cụ già?
Một tiếng sấm vang lên, Tề tiên sinh giống như bị người khác đánh bay, nhưng ông ta lại cười thoải mái, cuối cùng không quên trầm giọng nói: - Trần Bình An, đại đạo ở ngay dưới chân, đi!
Trần Bình An hít thở sâu một hơi, nhấc chân lên chuẩn bị bước ra bước thứ ba.
Có một giọng nói vang lên từ nơi rất xa, rất cao, trong nháy mắt xuyên qua tầng tầng trời đất, mỉm cười nói: - Quá tam ba bận, chạm đến thì dừng.
Theo đó ở trung tâm cầu mái che có người hừ lạnh một tiếng.
Trần Bình An đột nhiên thức tỉnh, phát hiện mình đang nằm sấp xuống bàn, đèn dầu vẫn đang cháy, thiếu niên bất giác quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ.