Kiếm Lai

Chương 433: Tháng giêng



Sau khi Lý Nhị đến, tình hình ở thành Lão Long đã thật sự có chiều hướng rõ ràng. Mặc dù vị võ phu cảnh giới thứ mười này chỉ lộ mặt ở tiệm thuốc Khôi Trần một chút, nhưng có thể nói là đã định đoạt mọi chuyện.

Có lẽ các họ lớn gồm cả Tôn gia vẫn còn chưa biết, nhưng tình hình phát triển tiếp theo chỉ là bốn chữ “tiến dần từng bước” mà thôi. Từng chiếc bàn tính và từng quyển sổ sách của thành Lão Long sẽ không ngừng đưa lên hướng bắc, càng ngày càng gần kỵ binh họ Tống Đại Ly đã đóng quân ở trung bộ Bảo Bình châu.

Đối với chuyện này, Phù gia, Phạm gia và tiệm thuốc Khôi Trần là biết đáp án sớm nhất.

Vào ngày Lý Nhị rời đi, một nhóm người Phạm gia nghênh ngang tới chúc tết, đều là người quen của Trần Bình An. Ngoại trừ đôi chị em Phạm Tuấn Mậu và Phạm Nhị, còn có dì Quế của đảo Quế Hoa, cùng với đệ tử đích truyền duy nhất của bà ta là Kim Túc, cô gái phục vụ lúc trước từng hầu hạ Trần Bình An đến núi Đảo Huyền. Cuối cùng là lão kiếm tu Mã Trí cảnh giới Kim Đan, từng luyện kiếm với Trần Bình An một đoạn thời gian.

Dì Quế gần như không bao giờ lên bờ, hàng năm đảo Quế Hoa chỉ hai lần lui tới thành Lão Long và núi Đảo Huyền. Mà trong từ đường Phạm gia, rất nhiều người già cả đời cũng chưa từng thấy mặt bà.

Ông lão xứ khác có “công phu đọc sách rất sâu” trong mắt Chu Liễm, vốn cho rằng hôm nay lại là một ngày nhàm chán, ngay cả cô gái họ Tùy kia cũng không gặp được, không ngờ trong thoáng chốc lại nhìn thấy nhiều nữ nhân rộn ràng như vậy. Ông ta rất ân cần cao hứng, chỉ thiếu điều nói mình là người phục vụ của tiệm thuốc Khôi Trần.

Sau khi bước qua ngưỡng cửa tiệm thuốc, dì Quế nhìn ông lão xứ khác một cái, ông lão cũng vừa lúc nhìn bà. Dì Quế kìm nén nghi hoặc trong lòng, chỉ khẽ mỉm cười.

Ông lão nghĩ thầm, vị phu nhân này mặc dù dung mạo bình thường, nhưng tính tình ôn nhu, đúng là lựa chọn hàng đầu để đàn ông lấy về nhà giúp chồng dạy con. Chẳng trách đứa con trai trưởng mà Khương Thượng Chân chỉ sinh ra không nuôi dưỡng, lại định dùng danh tiếng tông môn áp bức bà ta, muốn mua chiếc thuyền đảo Quế Hoa này của Phạm gia, mở ra một con đường thủy đến núi Đảo Huyền.

Dì Quế lại không thể nhìn ra nội tình sâu cạn của ông lão, chỉ loáng thoáng cảm thấy ông ta “thân sạch sẽ, khí nhẹ nhàng, thần sung mãn”. Nếu hôm nay tạm thời là tu vi địa tiên, sau này nhất định là thiên tư năm cảnh giới cao.

Dù sao trong địa tiên cũng có cao thấp, cũng phân trời đất.

Trần Bình An chạy chầm chậm ra nghênh đón dì Quế. Hắn vẫn luôn biết ơn vị trường bối này, không liên quan gì đến thân phận và tu vi của bà ta.

Lần đó ngồi thuyền đảo Quế Hoa tới núi Đảo Huyền, khi băng qua khe Giao Long đã gặp phải một kiếp nạn lớn. Có một khoảnh khắc Trần Bình An đã tiến vào cảnh giới không minh (thông suốt và sáng tỏ), giống như Phật gia quan sát tâm tính của chúng sinh. Chuyện này khiến hắn không kịp trở tay, chỉ cảm thấy giống như thế gian đều là ác ý, sau đó ủ rũ một thời gian ở viện nhỏ.

Sau này Trần Bình An nhớ tới đảo Quế Hoa, chỉ có hai thứ ấm áp. Một là họa sĩ Phạm gia đã giúp hắn vẽ ba bức tranh, hai là dì Quế đã nhìn hết muôn vẻ thế gian nhưng tâm cảnh vẫn luôn ôn hòa.

Trần Bình An và đám người dì Quế ngồi tán gẫu ở sảnh chính bên ngoài.

Phạm Nhị làm bộ làm tịch đi tới phòng của Trịnh Đại Phong một chuyến, kết quả phát hiện trên tường không treo bức tranh chân dung bút lực tinh xảo mà hắn tặng.

Trịnh Đại Phong trong phòng hắng giọng một tiếng, không biến sắc nói:

- Nghỉ ngơi lấy sức, tu thân dưỡng tính mà... Chuyện thiếu đạo đức như vậy, sau này nên ít làm.

Phạm Nhị vừa nghe, lập tức giả vờ tức giận, hối hận nói:

- Chỉ trách họa sĩ kia đã xuyên tạc ý tứ của con. Chủ ý của con vốn là “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”. Tiên sinh đã một lòng ngưỡng mộ phong thái của Tùy tiên tử, đệ tử như con dù sao cũng nên làm chút gì đó. Vì vậy mới kể với họa sĩ kia về dung nhan thần tiên của Tùy tiên tử, muốn hắn vẽ một bức tranh vẩy mực truyền thần...

Trịnh Đại Phong trong lòng vui vẻ yên tâm, tên đệ tử này xem như đã thành tài rồi.

Chẳng biết từ lúc nào Tùy Hữu Biên đã đứng ở cửa, vẻ mặt cười nhạo, nói:

- Vị họa sĩ Phạm gia này đúng là một đại sư hội họa, chỉ dựa vào mấy câu của Phạm công tử, lại có thể vẽ giống hệt như vậy.

Hậu viện nước ngầm dâng trào, tiền viện trò chuyện rất vui.

Hôm nay đến chúc tết, không có phần cho Kim Túc nói chuyện. Trong lòng cô biết rõ chuyện này, cho dù cô là đệ tử duy nhất của Quế phu nhân, một trong số địa tiên ở thành Lão Long. Cô gái võ phu đeo kiếm này, nói dễ nghe một chút là cung phụng khách khanh của gia tộc, còn nói khó nghe một chút là thị vệ tùy tùng. Phần lớn sự chú ý của Kim Túc vẫn đặt vào Trần Bình An kia.

Kẻ sĩ ba ngày không gặp đã phải nhìn bằng con mắt khác, có lẽ là nói người này. Không còn là thiếu niên năm đó thích uống rượu, sự quê mùa và ngây thơ đều đã biến mất, thay vào đó là một loại... ung dung.

Trên búi tóc cài một cây trâm bạch ngọc, mặc một bộ trường bào trắng như tuyết, bên hông đeo bầu rượu đỏ thẫm khiến người ta quen thuộc. Thân hình đã cao hơn không ít, tư thế ngồi rất ngay ngắn, lúc nói chuyện thích nhìn thẳng vào người khác, trong mắt mang theo một nụ cười chân thành không hề miễn cưỡng.

Kim Túc còn phát hiện một cục than đen nhỏ bên cạnh Trần Bình An. Cô bé gầy gò này có một đôi mắt lớn, xoay chuyển rất nhanh, lén lén lút lút, khi thì nhìn cái này, khi thì nhìn cái kia.

Kim Túc giãn mặt cười với cô bé.

Bùi Tiền cũng nhếch miệng cười với cô.

Trong mắt của Bùi Tiền, những tỷ tỷ xinh đẹp lung linh này, từ Diêu Cận Chi đến Tùy Hữu Biên, rồi đến cô gái trước mắt, đều là túi tiền thật lớn. Nghe Trịnh Đại Phong nói, trên thế gian có một loại yêu tinh quỷ quái gọi là tiểu quỷ mang tiền, Bùi Tiền cảm thấy rất giống mình.

Quả nhiên, mặc dù Kim Túc đến vội vàng, trên người không mang theo tiền mừng tuổi, cũng không nghĩ tới sẽ gặp một tiểu nha đầu như vậy, nhưng Quế phu nhân đã sớm chuẩn bị một cái túi thơm nhỏ được thêu tinh xảo, vừa nhìn đã biết là không tầm thường. Túi thơm phát ra từng tia linh khí trắng như tuyết, bên trong còn tỏa ra những đốm sáng màu xanh nhạt, hương thơm sảng khoái.

Trần Bình An đại khái đoán ra, đó là lá quế bản mệnh của cây quế tổ tông trên đảo Quế Hoa, cho nên nào dám nhận. Hôm nay Bùi Tiền đã biết đoán ý qua lời nói và sắc mặt, thấy Trần Bình An không muốn nhận phần tiền mừng tuổi này, đành phải lắc đầu cười ngây thơ.

Quế phu nhân vẫn kiên trì muốn tặng quà gặp mặt cho Bùi Tiền, Trần Bình An không lay chuyển được, đành phải bảo Bùi Tiền nhận lấy, dĩ nhiên vẫn do hắn bảo quản giúp. Không cần Trần Bình An lên tiếng, Bùi Tiền đã lễ độ cung kính dùng hai tay cầm lấy túi thơm. Sau đó cô bé cúi người cảm ơn, còn nói vài lời chúc lành, chẳng hạn như chúc Quế phu nhân phúc thọ an khang, vĩnh viễn thanh xuân gì đó.

Quế phu nhân nghe rất dễ chịu, xoa đầu nhỏ của Bùi Tiền, nói rằng sư phụ Trần Bình An của ngươi đã có một ngôi nhà đứng tên mình trên đảo Quế Hoa. Trên thuyền còn có một biệt viện nhỏ tên là “Thiềm Cung” (cung trăng), vậy dứt khoát tặng cho ngươi là được.

Bùi Tiền mở to mắt, là thật sự bị dọa. Thế nào, phu nhân trên đời tặng quà đều rộng rãi như vậy sao? Vừa gặp mặt đã muốn tặng người khác một ngôi nhà? Chẳng lẽ các cô gái tuổi tác lớn một chút, sẽ càng ngày càng ra tay hào phóng?

Trần Bình An cười khổ nói:

- Dì Quế, thật sự không thể nhận ngôi nhà này, không được.

Quế phu nhân trừng mắt nhìn Trần Bình An, nói:

- Ta tặng nhà cho Bùi Tiền, liên quan gì đến ngươi?

Trần Bình An hắng giọng một tiếng, ra hiệu nói:

- Bùi Tiền.

Bùi Tiền lập tức thẳng lưng, cất giọng ngây thơ nói:

- Một ngày là sư phụ, cả đời là sư phụ, sư mệnh không dám làm trái, nếu không sẽ là bất nghĩa bất hiếu.

Quế phu nhân cảm thấy thú vị, liếc nhìn Trần Bình An, cười hỏi:

- Ngươi dạy à?

Trần Bình An xấu hổ nói:

- Đại khái là mỗi ngày bảo con bé đọc sách viết chữ, con bé đã học được từ trong sách.

Bùi Tiền nịnh nọt nói:

- Là sư phụ dạy tốt.

Trần Bình An mỉm cười gõ đầu cô bé một cái.

Bùi Tiền ôm đầu, vẻ mặt oan ức và ngỡ ngàng.

Lúc tiễn nhóm người Quế phu nhân rời khỏi ngõ nhỏ, Trần Bình An đi kề vai với lão kiếm tu Mã Trí cảnh giới Kim Đan, xin vị cung phụng Phạm gia này chỉ bảo một chút phương pháp nuôi kiếm rèn kiếm, Mã Trí dĩ nhiên thẳng thắn trả lời.

Mùng chín tháng giêng.

Thành Lão Long có một tập tục gọi là “Thiên Công Sinh” (ngày sinh của Ngọc Hoàng), mọi nhà cần chuẩn bị đèn hoa và đồ chay, ở những nơi không bị che đầu như đình viện sân nhà, ngã rẽ đường xá, vái trời cầu phúc.

Mặc dù tiệm thuốc Khôi Trần không có người của thành Lão Long, nhưng Trịnh Đại Phong còn coi trọng chuyện này hơn dân chúng trong thành. Gã đàn ông này ngay cả tết cũng không quan tâm lắm, lại tự mình chuẩn bị đèn hoa trái cây và đồ chay, đặt ba chiếc bàn hương cao thấp trong trong sân nhà phía sau, thắp ba nén nhang, làm lễ ba quỳ chín lạy.

Quy cách như vậy nhỏ hơn quân chủ vương triều thế tục tế trời, nhưng lớn hơn không ít so với dân chúng bình thường quỳ bái trời xanh.

Âm thần họ Triệu cũng khoanh tay đứng ở một bên, thần thái kính cẩn. Ông ta không thắp hương dâng hương, nhưng vẫn làm đại lễ quỳ bái rất cẩn thận tỉ mỉ.

Bùi Tiền ngồi dưới mái hiên nhìn rất hứng thú, Trần Bình An chỉ nhìn một cái rồi không nhìn nữa. Thực ra chuyện này đã liên quan tới bí mật của Trịnh Đại Phong và âm thần, chỉ là Trịnh Đại Phong cũng không che giấu, Trần Bình An cứ làm như không thấy là được.

Trần Bình An đi tới quầy thuốc, tiếp tục làm ông chủ kiêm nhân viên sổ sách tạm thời. Hắn cảm thấy mình đã chuẩn bị ổn thỏa, rất nhanh sẽ có thể đi lên biển mây chính thức luyện chế ấn chữ “Thủy” kia.

Còn như Phù Huề sẽ lấy ra món nửa tiên binh nào, đáng để mong đợi.

Nói đến cùng, lần này là Đỗ Mậu và Đồng Diệp tông đã liên lụy tới hoàng đế Đại Ly. Đại Ly vốn chỉ tập trung vào thế lực các phương từ thành Lão Long đi lên hướng bắc, sẽ không chủ động trêu chọc Trần Bình An hắn và Trịnh Đại Phong,.

Có điều vương triều Đại Ly rõ ràng đã xem thường tiền vốn bỏ ra để một vị đại tu sĩ cảnh giới Phi Thăng trái lệ rời khỏi ngọn núi. Hoàng đế Đại Ly có cho bao nhiêu tiền đồng kim tinh, Trần Bình An cũng sẽ chê ít chứ không chê nhiều.

Túi tiền đồng kim tinh lúc trước Trịnh Đại Phong tặng cho, đều đã bị pháp bào Kim Lễ “ăn vào bụng”. Viên “ly châu” trong miệng rồng vàng thêu giữa pháp bào, không biết làm bằng chất liệu gì, linh khí ẩn chứa càng ngày càng dồi dào. Pháp bào chẳng những được tu sửa như mới, cấp bậc còn được nâng cao.

Theo như âm thần họ Triệu nói, chỉ cần vẫn luôn ăn tiền đồng kim tinh, pháp bào Kim Lễ này chắc chắn có thể trở thành một món nửa tiên binh.

Trần Bình An lại không vui lắm. Một mặt là xót ruột tiền đồng kim tinh kiếm được không dễ, mặt khác là Trịnh Đại Phong đã sớm nói, một khi bước vào ba cảnh giới luyện thần của võ phu, bao gồm Kim Thân, Viễn Du, Sơn Điên, vật ngoài thân của tiên gia trên núi sẽ càng ngày càng giống như gân gà, thậm chí biến thành phiền phức.

Mùng mười tháng giêng, thành Lão Long lại có một tập tục gọi là “Thạch Bất Động” (ngày sinh của đá), còn có điển tích đám cưới chuột.

Mặc dù Bùi Tiền rất sợ ma quỷ, nhưng vẫn thích nghe những chuyện này.

Cô bé đã đổi thành mỗi ngày chép sách sớm một chút, không trì hoãn tới trước khi ngủ nữa. Chuyện này một phần là do Trần Bình An hàng ngày đều trông chừng cô chép sách.

Hôm nay chép sách, nhân lúc gác bút nghỉ ngơi, Bùi Tiền đột nhiên hỏi Trần Bình An một vấn đề. Trong sách nói “khuyên người đừng ăn cá tháng ba, khuyên người đừng bắn chim mùa xuân”, vậy sau này có phải mùa xuân không thể câu cá nữa không?

Khi đó Trần Bình An không đưa ra đáp án, chỉ cười bảo Bùi Tiền chép sách trước. Đợi đến khi Bùi Tiền viết xong chữ cuối cùng, Trần Bình An đã yên lặng tìm từ rất lâu mới nói với cô bé, đây là một câu khuyên người ta hướng thiện. Nhưng khi một người phải cố gắng để sống, không thể quan tâm tới những chuyện này nữa, cũng đừng suy nghĩ về nó. Còn khi một người không cần lo cơm áo, lại tin vào Phật, có lòng dạ từ bi thì có thể làm theo.

Nếu thấy người khác bụng đói ùng ục, bắt chim cá vào mùa xuân để ăn no, lại chạy đến nói với người ta đạo lý này, vậy thì không đúng nữa. Ngay cả lòng trắc ẩn với người khác cũng không có, còn nói gì đến thương hại vạn vật trong trời đất? Cho nên suy cho cùng, đạo lý vẫn là đạo lý, nhưng chuyện có phân trước sau.

Bùi Tiền gật đầu, nói cô đại khái đã hiểu rồi.

Trần Bình An cười nói:

- Không hiểu thì là không hiểu, trước tiên cứ nhớ ở trong lòng, từ từ suy nghĩ.

Bùi Tiền cười thành tiếng, nói:

- Vừa rồi là ta gạt người, thực ra không hiểu gì cả.

Thế là trong tháng giêng, Bùi Tiền lại bị gõ đầu một cái.

Ngày hôm nay, tiệm thuốc Khôi Trần vẫn trời quang mây tạnh, Bùi Tiền nhìn Trần Bình An luyện tập sáu bước đi thế trong sân.

Trần Bình An đột nhiên dừng lại, bảo Bùi Tiền đến tiệm thuốc phía trước, hơn nữa còn nhờ âm thần họ Triệu giúp ngăn cách một vùng thế giới nhỏ. Lúc này hắn mới bắt đầu truyền thụ cho Bùi Tiền khẩu quyết kiếm khí Thập Bát Đình, đường lối vận hành và phương pháp chuyển đổi nhanh chậm tinh diệu nhất. Sau đó hắn lấy ra một bức tranh, phía trên vẽ chi chít những kinh mạch khiếu huyệt trong thân thể, lần lượt chỉ cho Bùi Tiền xem.

Đây là khẩu quyết kiếm khí mà A Lương đã chỉnh sửa. Những kiếm tu trẻ tuổi đồng lứa ở Kiếm Khí trường thành, chỉ có một phần nhỏ bao gồm Ninh Diêu, mới được học kiếm khí Thập Bát Đình do A Lương sửa đổi hoàn thiện.

Bùi Tiền đã không chịu nổi đau khổ khi tập võ, vậy thì thử cho cô bé đi theo con đường này, không cần quá chịu khổ, chỉ xem thiên phú kiếm đạo cao hay thấp. Còn như có thể đi được bao xa, Trần Bình An cũng không hi vọng quá cao.

Bùi Tiền trí nhớ tốt, chỉ hơn chứ không kém Trần Bình An, điểm này bốn người trong tranh cuộn đã sớm lĩnh giáo. Cho nên sau khi Trần Bình An dạy hai lần, nói tất cả hạng mục cần chú ý, bèn bảo Bùi Tiền cầm bức tranh kia tự mình nghiên cứu học tập.

Hoàng hôn ngày đó, Bùi Tiền rất áy náy tìm đến Trần Bình An, nói mình đúng là ngốc, chuyện nhỏ như hạt vừng hạt đậu, nhưng cô luyện lâu như vậy mới hoàn thành đình thứ ba của kiếm khí, muốn tiến tới lại không được nữa.

Trần Bình An lại gõ đầu một cái, nghiêm túc dạy dỗ:

- Chuyện học không nên đặt mục tiêu quá xa, phải tiến dần từng bước.

Bùi Tiền “à” một tiếng, tung tăng chạy về phòng mình, tiếp tục “chơi lửa”. Cô đã có thể nắm giữ một luồng lửa nhỏ, muốn nó đi chỗ nào thì nó sẽ đi chỗ nấy, chạy thật nhanh trong những cái gọi là khiếu huyệt kinh mạch kia, hơn nữa còn rất khôn khéo. Tạm thời không làm được đình thứ tư của kiếm khí, nhưng nơi này không giữ ngài thì sẽ có nơi khác giữ, vậy thì tới nơi khác chơi đùa.

Cô cũng không biết trong tiệm thuốc phía trước, Trần Bình An một thân một mình, lẩm bẩm cả buổi.

Mười một tháng giêng.

Tiệm thuốc Khôi Trần nghênh đón một vị khách hiếm từ xa đến đây, đó là nữ đạo sĩ Hoàng Đình của núi Thái Bình.

Sau khi nhìn thấy ông lão xứ khác ngồi xổm ở cửa tiệm thuốc, cùng với hai kẻ trác táng khác đang cắn hạt dưa, cô liền ngẩn ra tại chỗ.

Ông lão cố gắng nháy mắt với cô.

Hoàng Đình đưa tay dụi dụi ấn đường. Ông là tông chủ cảnh giới Tiên Nhân của Ngọc Khuê tông, chạy tới đây tham gia náo nhiệt cái gì? Cô đành phải giả vờ không biết lão già này.

Xét về vai vế, ông lão ngồi xổm ở cửa này còn cao hơn nửa bậc so với lão thiên quân núi Thái Bình của cô, xấp xỉ với Đỗ Mậu cảnh giới Phi Thăng của Đồng Diệp tông.

Xét về tu vi, hôm nay Đỗ Mậu hài cốt không còn, đại đạo sụp đổ, có còn hồn phách hay không cũng khó nói. Mà Ngọc Khuê tông chẳng phải làm gì, lại đột nhiên trở thành tiên gia số một Đồng Diệp châu. Hiện giờ lão già này là cảnh giới Tiên Nhân chiến lực đứng đầu Đồng Diệp châu, thân phận càng là nước lên thuyền lên.

Đúng là một lão già nằm yên hưởng phúc.

Ấn tượng của Hoàng Đình đối với vị tiền bối Tuân Uyên trên núi này không xấu, nhưng cũng không tốt bao nhiêu, dù sao tính tình khác nhau mười vạn tám ngàn dặm.

Thấy Trần Bình An có vẻ bất ngờ, Hoàng Đình thẳng thắn nói:

- Dựa vào dấu vết và một chút trực giác, ta đã tìm được một cung điện thượng cổ sâu trong lòng đất, men theo tuyến đường đến một đài khóa rồng. Nhưng vẫn không tìm thấy con vượn trắng khi sư diệt tổ kia, giống như nó đã hoàn toàn biến mất khỏi thế giới Hạo Nhiên. Sau đó tông chủ dùng phi kiếm truyền tin, nói không cần tìm nữa, ta đành phải nhanh chóng trở về sư môn.

- Tiếp đó nhận được miếng ngọc bài đích truyền tổ sư đường mà ngươi nói, lão thiên quân và người của thư viện Đại Phục, cùng với một vị tu sĩ Âm Dương gia đã đưa ra kết luận. Hỗn loạn ở trung bộ Đồng Diệp châu lần này, chính là bắt nguồn từ vị tu sĩ cảnh giới Nguyên Anh của núi Thái Bình năm xưa, đã mang theo mũ đạo qua đời. Vì chuyện này mà núi Thái Bình chúng ta rất xấu hổ. Lão thiên quân không có mặt mũi gặp người, bèn bảo ta đi tới thành Lão Long một chuyến, hi vọng đuổi kịp ngươi. Không có gì khác, chỉ là muốn xin lỗi ngươi một tiếng.

- Hôm nay núi Thái Bình nguyên khí đại thương, thật sự không có bản lĩnh giả làm hảo hán bồi thường cho ngươi. Ừm, thực ra lão thiên quân định bồi thường một chút để thể hiện tấm lòng, nhưng bị ta cản lại. Trần Bình An, ngươi muốn mắng thì mắng ta, đừng trách núi Thái Bình không trượng nghĩa, không phóng khoáng. Nếu là trước đây, phong cách hành sự của chúng ta tuyệt đối sẽ không như vậy.

Nói đến đây, Hoàng Đình hiếm hoi có vẻ chua xót, nói:

- Yêu ma dưới giếng giam chạy trốn khắp nơi, đồng môn phải xuống núi hàng yêu trừ ma. Trận này thật sự hơi thảm một chút.

Tâm tình Trần Bình An nặng nề, gật đầu nói:

- Đoán được.

Hoàng Đình đột nhiên cười nói:

- Đồng Diệp tông xem như xui xẻo tám đời rồi, chọc phải một vị kiếm tiên, đã cắt đứt đường phi thăng của Đỗ Mậu. Yên tĩnh chưa được mấy ngày, lại có một võ phu cảnh giới thứ mười, từ chân núi đánh tới đỉnh núi tổ tông của Đồng Diệp tông, phá bỏ tổ sư đường của người ta. Từ đầu đến cuối, người này chỉ hơi tránh né thế công của mấy tu sĩ cảnh giới Ngọc Phác. Còn lại tất cả tu sĩ năm cảnh giới trung, ông ta kia đều đứng yên bất động, mặc cho bọn họ dùng pháp bảo đánh vào người, chỉ giống như gãi ngứa.

- Ta thấy vậy rất vui. Khương Thượng Chân của Ngọc Khuê tông còn vui hơn, đã tìm một con thuyền có lầu các, lơ lửng phía trên Đồng Diệp tông, bày một bữa tiệc lớn, thịnh tình chiêu đãi khách tám phương.

Trần Bình An vội vàng uống một hớp rượu an ủi.

Trịnh Đại Phong, Chu Liễm và ông lão xứ khác ngồi một bên, trong tai nghe những tin tức này, ánh mắt đều liếc trộm Hoàng Đình.

Chỉ luận về tư sắc, nữ đạo sĩ Hoàng Đình dùng thân xác trích tiên nhân đất lành Ngẫu Hoa trở lại thế giới Hạo Nhiên, còn xuất sắc hơn Tùy Hữu Biên, Phạm Tuấn Mậu và Kim Túc.

Trần Bình An hỏi thăm dự định sau này của Hoàng Đình, cô nói rằng vốn muốn đi Trung Thổ Thần Châu du lịch một chút, nhưng lão thiên quân nhất quyết không chịu, nói là nếu cô dám đi thì ông ấy cũng dám treo cổ. Ông ta chỉ cho cô chọn giữa Bảo Bình châu và Câu Lô châu.

Hoàng Đình nói thẳng với Trần Bình An, cô cảm thấy Bảo Bình châu quá nhỏ, còn Câu Lô châu kiếm tu vô số. Cô vừa lúc muốn đi mài kiếm, không chừng có thể bước vào cảnh giới Ngọc Phác. Cũng không thể để cho kiếm tu Ngụy Tấn xuất thân từ một địa phương nhỏ như Bảo Bình châu, khiến tất cả kiếm tu Đồng Diệp châu mất hết mặt mũi.

Hoàng Đình giống như sấm rền gió cuốn, sau khi nói chuyện xong, liền chuẩn bị ngự kiếm đi về phía bắc. Chỉ là nghĩ tới còn mắc nợ Trần Bình An, tâm lý của cô không được thoải mái lắm. Trong lúc vô tình nhìn thấy Bùi Tiền đang luyện tập tuyệt thế kiếm pháp giữa sân, sau khi biết được Bùi Tiền là “đại đệ tử khai sơn” của Trần Bình An, liền hỏi cô bé có muốn học kiếm thuật và đao pháp nhanh nhất Đồng Diệp châu hay không.

Bùi Tiền hỏi ngược lại, có đau hay không.

Hoàng Đình cười lớn, nói là không đau.

Bùi Tiền quay đầu nhìn Trần Bình An. Trần Bình An cười gật đầu.

Hoàng Đình liền ở lại thêm một ngày, truyền thụ cho Bùi Tiền một bộ kiếm thuật và một chiêu đao pháp, Bạch Viên Bối kiếm thuật, thức Vượn Trắng Kéo Đao.

Trước khi đi, Hoàng Đình xoa đầu nhỏ của Bùi Tiền, sau đó vươn ngón tay véo má tiểu nha đầu đen nhẻm, vừa lắc đầu vừa tiếc nuối nói:

- Một đứa trẻ thật thông minh, sao lại không được đẹp như vậy?

Kết quả khiến Bùi Tiền rất thương tâm, cả ngày phiền muộn không vui, ngay cả dán lá bùa giấy vàng kia lên trán vẫn mặt ủ mày chau.

Trần Bình An thấy Bùi Tiền như vậy, lại nhớ tới tiểu cô nương mặc áo bông đỏ thích gọi mình là “tiểu sư thúc”.

- --------

Trong mắt mọi người ở thư viện Sơn Nhai, tiểu cô nương mặc áo bông đỏ kia hơi kỳ lạ. Mỗi ngày đều sôi động, thích đeo một cái hòm trúc nhỏ một mình tới trường học, cũng một mình rời khỏi trường, leo núi, leo cây, leo nóc nhà, trèo lên trèo xuống. Nếu không thì cũng một mình ngồi bên hồ xem cá, ánh mắt ngơ ngác nhìn bọn chúng quẫy đuôi bơi qua bơi lại.

Một khi có cơ hội, cô lại rời khỏi thư viện, lang thang trên đường lớn ngõ nhỏ ở kinh thành. Trong thư viện và ngoài thư viện, tiểu cô nương luôn chỉ có một mình. Người khác nhìn cô lâu rồi, dường như cảm thấy mình cũng cô đơn.

Nhưng kỳ lạ thì kỳ lạ, tiểu cô nương vẫn rất lễ nghĩa. Trên đường chỉ cần nhìn thấy các phu tử tiên sinh của thư viện, cô đều sẽ đột ngột dừng lại, chắp tay thi lễ chào hỏi, sau đó dùng thế sét đánh không kịp bưng tai chạy đi xa.

Lúc đầu những phu tử tiên sinh kia còn dừng bước, vừa tươi cười muốn nói mấy câu ân cần, đã không thấy bóng dáng màu đỏ kia nữa. Sau đó quen rồi, chỉ cười đáp lại một tiếng. Đến cuối cùng thì cười lắc đầu, không dừng bước tiếp tục đi tới.

Lý Bảo Bình cảm thấy mình sống ở thư viện Sơn Nhai cũng tạm được, cho dù rất ít khi nhìn thấy Lý Hòe và Lâm Thủ Nhất. Cô cũng rất ít gặp Vu Lộc và Tạ Tạ, cho dù gặp dường như cũng không có gì để nói.

Sau lần trò chuyện với Thôi Đông Sơn trên cành cây ở đỉnh núi, cô đã không quá xem trọng những chuyện này nữa.

Bọn họ đã không còn nhớ tiểu sư thúc của cô như trước. Không sao, mấy phần tư niệm của bọn họ, cô bù vào là được, cô sẽ một mình nghĩ đến tiểu sư thúc nhiều hơn.

Cuộc sống cứ trôi qua từng ngày như vậy, đã hết năm, rất nhanh sẽ là tết nguyên tiêu đèn lồng đỏ treo cao. Sau đó ngay cả tháng giêng cũng sắp qua rồi.

Tiểu cô nương cảm thấy hơi nhớ nhà, nhớ cha mẹ và ông nội, nhớ đại ca và nhị ca.

Đương nhiên còn có tiểu sư thúc.

Tiểu sư thúc đã lâu không gởi thư đến đây rồi, chuyện này khiến Lý Bảo Bình rất thương tâm. 
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.