Kiếm Lai

Chương 106: Vàng thau lẫn lộn



Dịch thừa nói cho mọi người biết trấn Hồng Chúc không cấm đi lại ban đêm, ở phía tây trấn nhỏ có khu buôn bán, chim sẻ tuy nhỏ nhưng ngũ tạng đều đủ, hàng hóa đa dạng, thứ gì cũng có. Biết được nhóm người Trần Bình An muốn mua sắm vật phẩm cần thiết để du học, Trình Thăng chủ động làm người dẫn đường, nói là có thể tránh được rất nhiều phiền phức, ít nhất đám thương gia kia sẽ không dám hét giá quá cao. Trần Bình An nhìn về A Lương đã đến trấn Hồng Chúc một lần. Người đàn ông đội nón gật đầu, nói rằng ông ta chỉ quen thuộc cảnh tượng hai bên bờ sông, chưa đi qua khu buôn bán.

Dịch thừa nhìn về phía A Lương, hai gã đàn ông đều hiểu ngầm cười.

Vịnh Phu Thủy có gần trăm chiếc thuyền hoa lớn nhỏ, mỗi đêm đều khởi hành theo dòng sông tiến vào trấn Hồng Chúc, đi một vòng sau đó trở về vịnh Phu Thủy. Trong thời gian đó sẽ không ngừng có đàn ông đi lên những thuyền hoa kia, vừa mua cơn say vừa mua nụ cười.

Tại trấn Hồng Chúc, mặc dù nữ nhân trên thuyền hoa vịnh Phu Thủy và nữ nhân lầu xanh khác đều thuộc tầng lớp hạ lưu của Đại Ly, nhưng nhóm trước lại do sở Giáo Phường kinh thành trực tiếp quản lý. Ngay cả huyện lệnh thân là quan phụ mẫu một phương, cũng không có tư cách chuyển đổi thân phận những cô gái thuyền hoa này từ thấp hèn thành lương thiện. Cho nên trấn Hồng Chúc vẫn luôn có lời đồn, tổ tiên của năm dòng họ ở vịnh Phu Thủy, đều từng là con cháu hoàng thất và thế gia vọng tộc của vương triều Thần Thủy.

Được dịch thừa Trình Thăng dẫn đường, đám người Trần Bình An đi đến khu chợ búa ở phía tây trấn nhỏ, càng đi thì tiếng người càng huyên náo. Sau khi biết từ trấn Hồng Chúc đi thuyền xuôi nam hơn hai trăm dặm, dọc đường đều có thành trấn trạm dịch để tiếp tế, Trần Bình An đã bỏ đi một số dự định. Hắn không mua quá nhiều thực phẩm như gạo, thịt muối... lại đến một tiệm thuốc mua thêm rất nhiều dược liệu thuốc thoa, dùng để ứng phó với những vấn đề nhỏ như phong hàn cảm nắng, té ngã bị thương. Đến lúc trả tiền, Trần Bình An mới biết nơi này cũng giống như trấn nhỏ quê nhà, một nén bạc hoàn chỉnh là của hiếm, cho nên đã dùng hai nén bạc ròng đổi thành tiền đồng thông dụng ở Đại Ly. Bởi vì trên tay là bạc phẩm chất tốt nhất, cho dù chiết khấu cũng cao đến hai trăm đồng tiền, chuyện này khiến Trần Bình An rất cảm kích vị Tú Tú cô nương ở tiệm rèn kia.

Nhờ có dịch thừa Trình Thăng bên cạnh nên tất cả đều thuận buồm xuôi gió. Tại quận huyện trấn nhỏ, đừng coi thường quan lại nhỏ không có phẩm cấp, nhất là loại người như Trình Thăng, quanh năm suốt tháng thường xuyên giao tiếp với thân hào thương nhân và quan viên nơi đất khách. Trong mắt dân chúng trấn nhỏ, bọn họ chính là đại nhân vật thủ đoạn phi thường. Cho nên khi đám người Trần Bình An đi vào các cửa tiệm, tất cả đều luôn miệng ân cần gọi “Trình đại nhân”, chỉ hận không thể cung phụng vị dịch thừa đại nhân này như Bồ Tát.

Trên đường đi Lý Hòe rất thận trọng, gần như chỉ dám nấp sau lưng A Lương ló đầu ra nhìn. A Lương trêu chọc hắn nhát gan, chỉ dám ra oai với người nhà. Lý Hòe vừa sửng cổ muốn cãi nhau ba trăm hiệp, lại thấy những ánh mắt hiếu kỳ từ xung quanh nhìn tới, lập tức cúi đầu ủ rũ đi theo sau lưng A Lương. A Lương thấy vậy rất vui vẻ, thỉnh thoảng lại vỗ đầu Lý Hòe. Đứa trẻ giận mà không dám nói gì, dáng vẻ rất ấm ức.

Lâm Thủ Nhất vẫn lãnh đạm giống như chuyện không liên quan đến mình, đoán rằng dù có đi trên đường dành cho đế vương ở kinh thành thì hắn vẫn sẽ như vậy.

Chỉ có Lý Bảo Bình vác hòm trúc xanh biếc, đi ngang như con cua, ngẩng đầu ưỡn ngực, giống như muốn kéo một người ven đường nói cho hắn biết, hòm sách nhỏ của mình là do tiểu sư thúc tự tay làm.

Khu buôn bán do hai con đường lớn nam bắc tạo thành, đi dạo hết đường Quan Sơn, đám người Trần Bình An phải băng qua một con ngõ để đến đường Quan Thủy. Khi đi qua một tiệm sách vắng vẻ trong ngõ, dịch thừa Trình Thăng dẫn đường đi thẳng về phía trước. Trần Bình An lại dừng bước, gọi dịch thừa một tiếng, sau đó cười nói với ba người Lý Bảo Bình: - Một người có thể mua một quyển sách, đắt cũng không sao, chỉ cần chúng ta đủ sức mua.

Tiệm rất nhỏ, cửa tiệm chỉ rộng hai trượng. Sau khi đi vào, trái phải là hai hàng kệ sách cao cao. Phía trong cùng có một người trẻ tuổi mặc áo dài đen ngồi trên ghế trúc nhỏ, hai chân gác chéo nhắm mắt nghỉ ngơi, tay cầm một cây quạt xếp khẽ gõ vào lòng bàn tay, ngâm nga khúc ca đơn giản.

Chủ tiệm trẻ tuổi có một gương mặt anh tuấn ôn hòa, không có mùi tiền như những thương nhân ở cửa hàng trước đó.

Thiếu nữ Chu Lộc vừa nhìn thấy người này liền sững sốt, có lẽ là không ngờ trong tiệm sách quê mùa ở trấn Hồng Chúc lại gặp được một nhân vật phong lưu khí chất thoát tục như vậy.

Vị thổ địa núi Kỳ Đôn kia sau khi thoát khỏi trói buộc, khôi phục thân phận thần linh, đã từ ông lão áo trắng thấp bé biến thành công tử tuấn tú tiêu sái. Nhưng trong lòng thiếu nữ, phần nhiều vẫn xem Ngụy Bách như một kẻ lôi thôi lếch thếch. Còn vị công tử trước mắt này, ấn tượng đầu tiên gây cho người ta thật sự là quá tươi sáng.

Ngay cả Chu Hà cũng cảm thấy hoài nghi, người này không phải là con cháu hào phiệt gia cảnh sa sút đấy chứ? Không hề kém hơn hai vị công tử nhà mình chút nào.

Người trẻ tuổi không mở mắt ra, uể oải nói: - Sách trong tiệm đều không trả giá, mua lời hay lỗ đều tùy thuộc vào ánh mắt của các vị khách.

Dịch thừa Trình Thăng thấp giọng nói với Chu Hà: - Tiệm này khá nổi tiếng ở trấn Hồng Chúc chúng ta, người đọc sách đi qua nơi này phần lớn đều thích ghé đến một lần. Có điều vị chủ tiệm này tính tình quái gở, sách đều bán giá cao hơn ngoài chợ, hơn nữa ai dám trả giá thì hắn sẽ đuổi người ngay tại chỗ. Đã từng có một vị quan lão gia Hộ bộ cải trang vi hành, trú ngụ ở trạm Chẩm Đầu của tiểu nhân. Vị lão gia kia nhìn trúng một quyển sách bản duy nhất gì đó có giá ba trăm lượng bạc, vừa trả giá năm mươi lượng bạc liền bị đuổi ra khỏi tiệm, không chừa một chút mặt mũi nào. Vị quan lão gia kia trở lại trạm dịch vẫn chưa hết giận, thiếu chút nữa đã bảo huyện nha đóng cửa tiệm nhỏ này. Sau đó có lẽ cảm thấy làm như vậy thanh danh truyền ra không tốt, mới khiến tiệm này tránh được một kiếp.

Trong lòng Chu Hà đã hiểu rõ, người này có lẽ một hủ nho không rành thế sự, là loại người mà nhị công tử nhà mình thích châm chọc nhất, gọi bọn họ là “ngày thường khoanh tay bàn đạo đức, lâm nguy dùng chết báo quân vương”. Nhị công tử còn cười nói không tới hai trăm năm, Đại Ly chúng ta cũng sẽ như vậy. Cho nên Chu Hà luôn có cách nhìn không tốt với người đọc sách bên ngoài.

Con đường đi qua trấn Hồng Chúc này là một trong ba đường chuyển thư chính từ biên cảnh phía nam Đại Ly thông đến kinh thành. Thương nhân và quan lại nhỏ nếu muốn đi đến trấn to thành lớn ở phía bắc, kể cả kinh thành Đại Ly, phần lớn đều chọn con đường này. Bởi vì hai con đường chuyển thư khác mặc dù rộng rãi hơn, nhưng gần như mỗi trạm dịch dọc đường đều rất chật chội. Nếu không có giấy tờ quan phủ hay ấn tín binh gia đủ sức nặng, đừng nói là trú ngụ, ngay cả cửa lớn cũng không vào được. Hàng năm đều có rất nhiều quan viên thân hào không biết chuyện này nên mất hết thể diện.

Sĩ tử phương nam vào kinh dự thi, bởi vì chưa có chức quan nên phần lớn đều chọn con đường chuyển thư này. Bọn họ thường tụm năm tụm ba kết bạn mà đi, có thể chiếu cố lẫn nhau, cũng có thể thưởng thức cảnh đẹp dọc đường.

Còn quan viên bị giáng chức đến phương nam, uất ức chán nản, thường đề thơ lên bức tường trạm dịch lữ quán, cũng thích đi con đường xuôi nam này. Nhiều người qua lại thường xuyên, trên bức tường trạm Chẩm Đầu trấn Hồng Chúc đã viết đầy thơ từ oán trách của văn nhân thi sĩ.

Lý Bảo Bình ngẩng mặt bắt đầu tìm sách, nhìn bên này liếc bên kia, hoàn toàn dựa vào tâm tình. Thỉnh thoảng cô rút ra một quyển sách, tùy ý lật vài trang, không có hứng thú thì trả lại. Cuối cùng tiểu cô nương tìm được một quyển du ký núi sông có giá ba trăm đồng. Cô hơi tiếc của, nhưng lại thật sự thích, liền quay đầu nhìn về tiểu sư thúc, thấy Trần Bình An mỉm cười gật đầu.

Ánh mắt Lâm Thủ Nhất chậm rãi lướt qua kệ sách, ngay ngắn có thứ tự, từ phải đến trái, từ trên xuống dưới, mỗi lần rút sách đều lật xem từ trang bìa. Cuối cùng thiếu niên nhìn trúng một quyển sách phong thủy không đề tên người viết, có giá bốn trăm đồng. Hắn nhìn về phía Trần Bình An, thấy đối phương cũng gật đầu.

Sau khi vào tiệm, không còn tiếng ồn ào trên đường, Lý Hòe lập tức khôi phục bản tính ương bướng, giống như một con ngựa hoang thoát cương. Hắn nhỏ tuổi nhất, vóc dáng cũng thấp nhất, cho nên nhất quyết muốn ngồi trên vai A Lương để chọn sách. A Lương đồng ý, nhưng tuyên bố nếu Lý Hòe không chọn được quyển nào, lát nữa rời khỏi tiệm sẽ ném hắn xuống đường lớn. Kết quả Lý Hòe kiên trì chọn một quyển sách mới tinh ở nơi cao nhất, có giá chín lượng hai. Vừa nhìn thấy cái giá, Lý Hòe liền sợ đến mức muốn lén lút ném sách trở về, nhưng vì luống cuống tay chân, không nhét được quyển sách kia lên kệ mà lại để rơi xuống đất.

Chủ tiệm trẻ tuổi gõ nhẹ quạt xếp mở mắt ra, nhìn quyển sách rơi dưới đất kia, bực bội nói: - Mua rồi thì bỏ tay, một quyển “Đoạn Thủy Đại Nhai” bản mới nhất, chín lượng hai.

Lý Hòe không dám tranh cãi với người lạ, vẻ mặt như đưa đám, đành phải cẩn thận nhìn về phía Trần Bình An. Trần Bình An hỏi: - Mua rồi có đọc không?

Lý Hòe gật đầu. Trần Bình An cũng cười gật đầu nói: - Vậy thì mua.

A Lương hỏi: - Trần Bình An, ngươi không mua một quyển sao?

Trần Bình An đang móc tiền vội vàng lắc đầu nói: - Tôi còn chưa biết hết chữ, mua sách làm gì.

Chu Hà quay đầu hỏi con gái mình: - Có muốn quyển sách nào không?

Chu Lộc vẫn luôn đứng ở cửa tiệm không dời bước, liếc xéo kệ sách một cái, lắc đầu.

Chủ tiệm trẻ tuổi đứng lên chuẩn bị thu tiền, dùng một cây trâm bằng gỗ mun buộc tóc, cầm quạt xếp nan trắng như tuyết. Ánh mắt của hắn lướt qua tiểu cô nương mặc áo bông đỏ và thiếu niên lạnh lùng, cuối cùng nhìn về phía đứa trẻ đang rụt rè cầm “Đoạn Thủy Đại Nhai”, tươi cười nghiền ngẫm.

A Lương cũng nhếch miệng cười.

Rời khỏi tiệm sách đi về hướng đường Quan Thủy, tâm thần Chu Hà khẽ động, quay đầu nhìn lại, phát hiện người trẻ tuổi tướng mạo không tầm thường kia đang dựa nghiêng vào cột cửa, đưa mắt nhìn bọn họ rời đi. Sau khi nhìn thấy Chu Hà, người nọ còn mỉm cười gật đầu chào hỏi.

Chu Hà nhíu mày quay đầu đi, sau khi ra khỏi ngõ nhỏ liền bước nhanh đến bên cạnh người đàn ông đội nón: - A Lương tiền bối, có phải chủ tiệm sách kia hơi khác thường không?

A Lương nhấc nón, nói một câu kỳ quái: - So với người này thì phiền phức thật sự còn ở phía sau, nhưng không liên quan gì đến các ngươi.

---------

Sông Xung Đạm có dòng nước chảy xiết nhất, nhiều bãi đá ngầm nguy hiểm, cảnh tượng đặc sắc nổi tiếng trong ngoài triều đình. Trong đó có một đoạn sông nhiều cột đá lớn nhỏ nhô lên khỏi mặt nước, được gọi là măng mọc sau mưa. Chỉ thuyền nhỏ mới có thể qua lại giữa khe hở của rừng đá, còn thuyền lớn thì rất khó khăn. Cho dù là người chèo thuyền lớn lên ở bờ sông, quen thuộc thủy tính, cũng không dám tùy tiện ngồi thuyền xuống nước. Trừ khi có văn nhân nho sĩ mộ danh mà đến bỏ nhiều tiền ra thuê, bọn họ mới sẽ khởi hành, cho nên có câu nói là “giấy trắng thuyền nhỏ người lái vững”. Hàng năm đều có người chèo thuyền và người xứ khác mất mạng trong rừng đá của sông Xung Đạm này.

Nhưng tối nay sông Xung Đạm lại có không ít du khách.

Nước sông cuộn trào đánh thẳng vào từng cây cột đá nổi lên mặt nước. Có một người đàn ông phanh ngực lộ bụng ngồi trên đỉnh một cây cột đá, nhẹ nhàng ném một bầu rượu trống rỗng vào nước sông, bên cạnh vẫn còn ba bầu rượu chưa mở ra.

Nơi xa có ánh sáng đỏ càng lúc càng gần, hóa ra là một ông lão lom khom cầm một chiếc đèn lồng đỏ chót, dùng cột đá làm bậc thang, giống như chuồn chuồn chạm nước lướt nhanh đến.

Đột nhiên có một bóng hình to lớn từ trên trời giáng xuống, giẫm lên đỉnh một cây cột đá. Đá cứng dưới chân không chịu nổi áp lực trong nháy mắt hóa thành bột mịn, hắn lại thuận thế đứng giữa dòng sông.

Trong nước sông có một vị phu nhân tướng mạo bình thường đi ngược dòng lên, giống như dạo chơi trong sân. Trên đỉnh đầu bà ta ba thước có một hạt châu trắng như tuyết lớn chừng nắm tay lơ lửng, chiếu rọi đến đáy sông sáng như ban ngày.

Phu nhân lười nhác nói: - Đi hơn một trăm dặm đường thủy, nửa món bảo bối cũng không nhặt được. Ai nói với ta là dưới sông Xung Đạm có điều kỳ diệu ấy nhỉ?

Người đàn ông ngồi trên đỉnh cột đá uống rượu nhìn xuống đáy nước, hờ hững nói: - Đại nhân đã đến trấn Hồng Chúc rồi.

Ông lão lom khom lắc đèn lồng đỏ tươi, cười nói với giọng khàn khàn: - Đại nhân lại tự mình ra trận? Vậy còn cần bốn chúng ta làm gì, bắc ghế ngồi xem à?

Người đàn ông kia uống một hớp rượu, trầm giọng nói: - Hi vọng là như thế.

---------

Chú thích:

(1) Sở Giáo Phường: cơ quan quản lý âm nhạc xuất hiện từ thời Đường, đến thời Minh đổi tên thành sở Giáo Phường. Cơ quan này thuộc Lễ bộ, phụ trách trình diễn âm nhạc tại lễ mừng và nghênh đón khách quý, đồng thời còn là kỹ viện của quan lại, sở hữu rất nhiều nhạc công và nữ nhân ca múa. Đến đời Thanh thì khai trừ nữ nhân, đổi thành thái giám diễn tấu. Thời Ung Chính thì xóa bỏ sở Giáo Phường, thành lập sở Hòa Thanh.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.