Kiếm Động Trung Châu

Chương 23: Truyền tuyệt học định danh phong tước đất giang nguyên rèn luyện công phu









Lại nói, nghe Bạch Thiếu Lăng bảo hãy nhận lấy tước vị Ngọc hầu, Giang Hoài Ngọc ngần ngừ giây lát rồi phục xuống vái lại, cung kính nói :



- Thần xin cảm tạ ân đức chúa thượng.



Bạch Thiếu Lăng cúi xuống đỡ chàng dậy, mỉm cười nói tiếp :



- Uy quyền của Đại Mạc Bá chủ rất lớn, khác hẳn với chút ít quyền vị nhỏ bé của Bách Hợp Cung. Chỉ riêng với Thái Chính Cung thôi là cũng đã hùng mạnh hơn Bách Hợp Cung rất nhiều rồi. Vả chăng, Thừa Phong là người trung hậu, hài tử khỏi phải lo xảy ra chuyện tranh đoạt quyền vị trong gia tộc. Những việc tương lai của hài tử trẫm sẽ lo liệu cho. Ngọc hầu chỉ là tước hiệu. Hài tử cần phải có thêm thực lực. Giờ trẫm cho hài tử làm Đại Giáo chủ của Thần Giáo, và được phép lập Văn Đức Cung.



Giang Hoài Ngọc giật mình, vội nói :



- Chúa thượng. Thần tuổi còn trẻ, giữ ngôi cao e không tiện.



Bạch Thiếu Lăng cười nói :



- Có chi là không tiện. Khi trẫm bằng tuổi hài tử hiện giờ thì đã làm Tứ Hải Quân chủ rồi. Có sao đâu ? Hài tử hãy tin tưởng vào năng lực của bản thân. Trẫm tin rằng hài tử sẽ làm rạng danh Giang gia.



Giang Hoài Ngọc đành chắp tay cung kính nói :



- Thần xin cảm tạ ân đức chúa thượng.



Bạch Thiếu Lăng gật đầu cười nói :



- Hài tử hãy ngồi xuống đi nào.



Giang Hoài Ngọc vâng dạ ngồi xuống. Chàng chỉ mới mười sáu tuổi mà đã được phong nhất đẳng hầu và được làm Đại Giáo chủ thì quả là một ân điển đặc biệt. Đúng ra thì chỉ có hàng vương tước trở lên mới được thiết lập cung điện, còn chàng chỉ là Ngọc hầu thì chỉ được lập Ngọc hầu phủ đệ. Nhưng chàng được ân tứ cho lập Văn Đức Cung nên xem như là trường hợp ngoại lệ. Địa vị của chàng hơn hẳn những người cùng phẩm tước, chẳng kém Trường Hận Minh Vương ở Bách Hợp Cung bao nhiêu, và còn cao hơn Lam Hận Minh mấy bậc.



Thế là chàng nhân họa mà đắc phúc.



Những chuyện ấy đã khiến Giang Hoài Ngọc ngẩn ngơ giây lát, mãi hồi lâu sau mới chợt tỉnh, vòng tay hỏi :



- Chúa thượng. Thần Giáo là gì thế. Thần chưa có tiếng tăm hay danh phận gì trên giang hồ, chỉ sợ không thể cai quản được một thế lực lớn.



Bạch Thiếu Lăng mỉm cười nói :



- Hài tử hãy yên tâm đi. Môn hạ của Thần Giáo nguyên là thuộc hạ của hài tử. Bọn họ rất kính phục hài tử, tất sẽ hết lòng tuân phục, vì hài tử mà ra sức.




Giang Hoài Ngọc ngơ ngác hỏi :



- Thần … thần làm gì có thuộc hạ ạ.



Bạch Thiếu Lăng cười nói :



- Sao lại không. Trên đường hài tử đi đến Giang Nguyên đã xảy ra những sự gì. Những kẻ được hài tử tha mạng cho hiện đã trở thành thuộc hạ của hài tử đó. Trẫm đã phái người đến tổ chức bọn họ lại, xây dựng thành cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, rèn luyện thêm công phu và lập ra Thần Giáo. Ngoài ra còn thu thêm giáo chúng để tăng cường thực lực. Bọn Quan Thiên Hữu, Uông Triều, Bách Lý Hạc cũng nguyện theo giúp đỡ hài tử dương danh lập nghiệp.



Trong lúc Giang Hoài Ngọc vẫn hãy còn đang ngơ ngẩn, Bạch Thiếu Lăng lại nói thêm :



- Hài tử thiên tư linh tú, khí độ cao khiết, thông minh đĩnh ngộ, tư chất phi phàm. Chắc rằng sau này mức thành tựu sẽ còn hơn cả trẫm.



Giang Hoài Ngọc nghe mấy lời này mà không khỏi giật mình kinh hãi, vội đứng bật dậy, vòng tay cung kính vái dài, nói :



- Chúa thượng. Thần … thần không dám …



Bạch Thiếu Lăng nghiêm giọng nói :



- Hài tử bất tất phải kinh hãi. Trẫm nói thật lòng đó. Nội thể trẫm tiên thiên bất túc, hậu thiên không vững, từ khi mới ra đời đã yếu đuối bạc nhược, bệnh tật liên miên, đúng ra là khó sống được quá hai mươi tuổi. May mà gặp được điện hạ nên mới còn sống được đến giờ. Luận về tư chất, hài tử hơn trẫm rất nhiều.



Giang Hoài Ngọc ấp úng nói :



- Chúa thượng … thần …



Bạch Thiếu Lăng xua tay nói :



- Hài tử hãy ngồi xuống đi. Nếu hài tử mà chịu nhận tứ tính thì sẽ là Ngọc vương chứ không chỉ là Ngọc hầu đâu. Giờ … Tuy hài tử không nhận, nhưng trẫm vẫn xem hài tử là truyền nhân. Địa vị, bối phận của trẫm ra sao hài tử cũng đã biết rồi. Hài tử hãy cố gắng, đừng phụ lòng kỳ vọng của trẫm đấy nhé.



Giang Hoài Ngọc cung kính chắp tay vâng dạ, rồi ngồi xuống, sắc diện hãy còn lộ vẻ bâng khuâng. Bạch Thiếu Lăng lại nói :



- Trẫm đã khai thông kinh mạch và truyền Tiên Thiên chân khí vào nội thể hài tử. À. Mà hài tử có biết Tiên Thiên chân khí là gì không.



Giang Hoài Ngọc chỉ mới nghe nói đến Tiên Thiên chân khí lần đầu tiên nên lộ vẻ ngơ ngác. Bạch Thiếu Lăng giải thích :



- Tiên Thiên chân khí chính là nguyên khí của điện hạ, là thứ quý báu nhất trong hoàn vũ. Năm xưa, khi định gia phong cho trẫm làm Tứ Hải Quân chủ, điện hạ đã mang hết nguyên khí truyền cho trẫm. Nay trẫm cũng làm tương tự. Vậy hài tử hãy cố gắng, đừng phụ lòng trẫm nhé.



Giang Hoài Ngọc giật mình thất sắc, ấp úng nói :



- Vậy … vậy … chúa thượng …



Bạch Thiếu Lăng mỉm cười nói :



- Hài tử bất tất phải lo cho trẫm. Trẫm đã là Tứ Hải Quân chủ, đứng đầu thiên địa bách thần, còn gì có thể phạm đến trẫm được.



Tuy nghe nói vậy, nhưng Giang Hoài Ngọc cũng vẫn còn cảm thấy bâng khuâng trong dạ. Và chàng cũng cảm nhận được lòng thương yêu vô hạn của chúa thượng đã dành cho chàng. Chàng vô cùng cảm động, khóe mắt rưng rưng, phải vội cúi mặt nhìn xuống để chúa thượng khỏi thấy chàng đang ứa lệ. Nhưng Bạch Thiếu Lăng cũng đã nhìn thấy, thoáng mỉm cười, nói :



- Hài tử đừng nên để tâm đến việc ấy làm gì. Điện hạ đã ưu ái trẫm thế nào thì trẫm cũng ưu ái hài tử như vậy mà thôi.



Trầm ngâm giây lát, Bạch Thiếu Lăng mới lại nói tiếp :



- Hiện giờ chân lực của hài tử đã đạt đến mức rất cao rồi, cả Thừa Phong cũng không bằng được. Còn về võ học, ngoài môn Ngự kiếm thuật, hài tử không có môn công phu gì đặc sắc. Vậy tạm thời hài tử hãy ở lại Giang Nguyên một thời gian, học các môn tạp học của Giang Nguyên Bát Hữu. Trẫm cũng sẽ mang hết sở học để đào tạo hài tử thành một lương tài đệ nhất trong thiên hạ.



Giang Hoài Ngọc trong lòng hết sức cảm động, cung kính chắp tay cảm tạ, rồi cúi đầu khẽ nói :



- Thần … Được chúa thượng hết lòng thương yêu, thần thật vô cùng cảm kích. Nhưng mà … Thần vốn không thích học võ … chỉ sợ … sợ rồi sẽ phụ lòng kỳ vọng của chúa thượng thôi.



Bạch Thiếu Lăng mỉm cười nói :



- Điều ấy thì hài tử không cần phải lo. Hài tử hiếu văn không hiếu võ, không thích theo đuổi võ nghiệp, rất hợp ý trẫm và điện hạ. Năm xưa điện hạ đã truyền văn đạo cho trẫm. Nay trẫm cũng định sẽ truyền văn đạo lại cho hài tử. Hài tử nên biết, trong thiên hạ đâu đâu cũng đầy dẫy những sự gian manh xảo trá, đâu đâu cũng có cạm bẫy, nếu thiếu thận trọng thì sẽ ngộ hại ngay. Võ công cao tuyệt nào có thể là phương tiện để thực hiện mọi điều mình mong muốn. Minh thương dễ tránh, nhưng ám tiễn khó phòng. Kẻ chỉ biết dùng sức mạnh, cho dù sức mạnh đó có thể xô bạt cả núi đồi, nhưng nếu thiếu mưu trí thì cũng vẫn chỉ là một thứ võ lực mù quáng của kẻ mãng phu. Bậc lương tài chân chính là người có thể ngồi yên trong trướng phủ mà có thể định đoạt mọi sự ngoài nghìn dặm. Do đó, lập thân trong thiên hạ, tài trí mưu lược mới thực sự quan trọng, còn võ công chỉ đứng vào hàng thứ yếu mà thôi.



Giang Hoài Ngọc cung kính chắp tay nghiêm trang lắng nghe. Chàng nhận thấy những lời nói của chúa thượng tựa như châu ngọc, khiến tâm tư chàng được cởi mở hoàn toàn, như vừa từ chỗ tăm tối bước ra nơi sáng sủa. Bạch Thiếu Lăng lại khẽ vỗ vài chàng, tươi cười nói :



- Hài tử có còn điều gì nói với trẫm nữa không.



Giang Hoài Ngọc suy nghĩ hồi lâu mới ngập ngừng nói :



- Sắp tới, phải chăng chúa thượng muốn thần xuất đạo lần nữa.



Bạch Thiếu Lăng khẽ gật đầu nói :



- Trẫm đã giao trách nhiệm an định võ lâm cho Thừa Phong. Hài tử cũng nên trợ giúp để đỡ cho Thừa Phong một phần trách nhiệm.



Giang Hoài Ngọc hỏi :



- Biểu ca đã nhận trọng trách an định võ lâm. Mà sao thần nhận thấy võ lâm càng lúc càng hỗn loạn thêm. Chẳng lẽ biểu ca tài giỏi đến thế mà vẫn không đủ khả năng làm tròn trách nhiệm.




Bạch Thiếu Lăng nói :



- Không phải vậy đâu. Đấy gọi là đập cỏ đuổi rắn. Trong võ lâm vẫn còn nhiều thế lực hùng mạnh chưa lộ diện. Thừa Phong muốn thả một miếng mồi nhỏ để câu mấy con cá lớn đấy thôi.



Giang Hoài Ngọc gật đầu nói :



- Vậy là thần hiểu rồi. Miếng mồi câu đó chính là pho “Vô Tự Huyền Kinh”. Bọn quần tà sẽ vì tranh giành pho kinh này mà sẽ lần lượt lộ diện, và thậm chí lại còn nảy sinh xung đột với nhau nữa. Bọn quần tà càng đánh nhau kịch liệt thì việc thu phục bọn chúng sẽ càng dễ dàng hơn.



Bạch Thiếu Lăng khẽ mỉm cười :



- Chỉ vì pho kinh đó mà võ lâm sẽ náo loạn một thời gian. Đấy sẽ là cơ hội để Thái Chính Cung thu hoạch những nguồn lợi to lớn. Bọn thủ hạ của Thừa Phong rất giỏi việc kinh thương. Nếu không có cơ hội làm ăn thì tự bọn họ sẽ tạo ra cơ hội. Như vừa rồi bọn họ đã huy động nhân mã rầm rộ tiến hành càn quét võ lâm, khuấy động cả giang hồ. Để rồi hiện giờ đang ngồi yên để làm ngư ông đắc lợi. Sau này hài tử thống lĩnh Thần Giáo, cũng nên học theo lối đó.



Giang Hoài Ngọc hỏi :



- Mọi việc biểu ca đã có sắp đặt cả rồi. Trọng trách an định võ lâm biểu ca dư sức đảm đương. Chúa thượng muốn thần phải làm gì ạ.



Bạch Thiếu Lăng nói :



- Lực lượng của Thừa Phong là Võ lâm Tam cung, do vị thế hiện tại, có nhiều việc không tiện ra mặt tranh chấp với bọn quần tà. Mà nếu điều động nhân mã của Trường Thanh Cung thì lại càng không tiện. Khi đó thì Thần Giáo của hài tử sẽ thay thế mà đảm nhận trọng trách.



Giang Hoài Ngọc lại hỏi :



- Muốn an định võ lâm, chúa thượng chỉ cần truyền lệnh xuống cho các phương Bá chủ là được, đâu cần phải đi đường vòng phiền phức như vậy ạ.



Bạch Thiếu Lăng nói :



- Đúng là chỉ cần trẫm truyền lệnh xuống là được. Nhưng việc này đâu đến nỗi khiến cho các vị Bá chủ phải lao sư động chúng. Hơn nữa, nếu để cho một phương tiến nhập võ lâm thì các phương các cũng sẽ tuần tự làm theo. Khi đó, toàn cõi thiên hạ sẽ lâm vào cảnh đại loạn.



Giang Hoài Ngọc chắp tay vâng dạ, nói :



- Thần thật ngu muội.



Bạch Thiếu Lăng lại nói :



- Hiện giờ hài tử đã là truyền nhân của trẫm, tức là thuộc Thánh cung đệ tam đại, từ nay vấn đề giao thiệp với mọi người cần phải chú ý mới được. Hiện thời, thuộc đệ nhị đại chỉ có một số ít người là trẫm, Tam Đại Tài Thần, Tam Thiên Thánh Đế, Tứ Ác Ma chủ, và các vị Quân chủ như : Diệu Thủ Thánh Quân, Đế Lộ Thiên Quân, Linh Xà Ma Quân, Hận Thế Thần Quân, Cửu Nghi Linh Quân, … Một số nhân vật đặc biệt dù đang ở trong cõi thiên hạ nhưng vẫn thuộc Thiên giới như Linh Huyền thượng nhân, Đại Mạc Bá chủ cũng thuộc đệ nhị đại. Còn kỳ dư đều thuộc đệ tam đại trở xuống. Nhóm Giang Nguyên Bát Hữu cũng chỉ thuộc đệ tam đại. Bảy vị Bá chủ còn lại, Thừa Phong, và ngay cả Trường Hận Minh Vương ở Bách Hợp Cung đều cũng chỉ thuộc đệ tam đại mà thôi. Bọn họ đối với hài tử là ngang hàng với nhau, có thể cùng xưng huynh gọi đệ.



Giang Ngoài Ngọc ngập ngừng :



- Thế còn … Lam thế tử thì sao ạ.



Bạch Thiếu Lăng mỉm cười :



- Phụ vương của y là Trường Hận Minh Vương đã thuộc đệ tam đại thì đương nhiên y thuộc đệ tứ đại.



Giang Hoài Ngọc ngẩn người :



- Vậy … vậy …



Bạch Thiếu Lăng nghiêm giọng nói :



- Hài tử nên nhớ, hiện giờ hài tử ở họ Giang, và là biểu đệ của Nghi vương. Hài tử không được phép tự hạ thấp mình để khỏi làm hổ danh Giang gia.



Giang Hoài Ngọc mặt có sắc thẹn, đôi má ửng hồng, cúi đầu chắp tay vâng dạ. Bạch Thiếu Lăng lại bảo :



- Tạm thời hài tử hãy ở lại Giang Nguyên học tập. Mọi việc bên ngoài cứ giao cho bọn Quan Thiên Hữu giải quyết là được. Trong thời gian này, trẫm sẽ phái người xây dựng cho hài tử tòa Văn Đức Cung ở Linh Châu Đảo ngoài Đông hải. Như thế mới có thể cách biệt được bọn thế nhân nhiễu sự. Còn Tổng đàn Thần Giáo đã được thiết lập ở dãy Kiếm Môn trong đất Xuyên. Nơi này địa thế hiểm trở, lại án ngữ ngay con đường dẫn vào đất Thục, rất thuận lợi cho hài tử. Trẫm cũng sẽ tuyển cho hài tử tám đội thị vệ theo đúng nghi vệ của một vị Bá chủ.



Nguyên theo điển lệ từ Thánh cung đưa xuống, chỉ có Tam Thiên Thánh Đế và Tứ Hải Quân chủ là được đặc ân cho phép lập mười hai đội thị vệ. Bát phương Bá chủ và Cửu thiên Đại đế thì chỉ được lập tám đội thị vệ, nhất đẳng vương sáu đội, nhị đẳng vương năm đội, và tam đẳng vương bốn đội. Còn các hầu tước chỉ được lập thân vệ đội chứ không được gọi là thị vệ.



Giang Hoài Ngọc chỉ là Ngọc hầu mà được lập cung điện, được phép có tám đội thị vệ, quả là đã được ân sủng đặc biệt. Chắc hẳn Bạch Thiếu Lăng nghĩ đến những sự đau thương, bất hạnh mà Giang Hoài Ngọc đã phải chịu đựng bấy lâu nay mà muốn đền bù cho chàng. Chàng vội đứng dậy vái lạy tạ ân.



Bạch Thiếu Lăng cũng đứng dậy, cúi xuống đỡ Giang Hoài Ngọc, nhẹ nhàng nắm tay dắt chàng bước ra khỏi tiểu đình, cùng đứng sát mé nước, ngắm nhìn cảnh trời mây bát ngát, cảnh sóng nước mênh mông.



Bạch Thiếu Lăng dõi mắt nhìn ra phía xa xa, nơi sương khói mịt mờ, khẽ hỏi :



- Nhìn cảnh mây nước bao la, hài tử nghĩ đến chuyện gì.



Giang Hoài Ngọc đáp :



- Thần nghĩ … con người giữa dòng đời thật nhỏ bé, giống như cánh bèo lững lờ giữa dòng sông rộng, chẳng biết rồi sẽ trôi giạt về đâu nữa.



Bạch Thiếu Lăng khẽ mỉm cười, ngâm :



“Tạo hóa đương sơ khổ dụng công,



Khước tương hổ huyệt sấn long cung,




Chư vương phong vực quy ô hữu



Quần đế tinh kỳ quải thái không,



Tinh thụ thê cầm thương dục lão



Nộ đào hý ngạc bạch thành ông,



Vô cùng kim cổ phù âu sự



Phân hợp du du hạc mộng trung.”



Giang Hoài Ngọc sinh hứng khởi, cũng cất tiếng ngâm nga :



“Thiên địa hữu chính khí



Tạp nhiên phú lưu hình,



Hạ tắc vi hà nhạc,



Thượng tắc vị nhật tinh.



Ư nhân viết hạo nhiên



Bái hồ tắc thương minh



Hoàng lộ đương thanh di



Hàm hòa thổ minh đình …”



Hai dáng người thanh tú đứng cạnh nhau, gió thổi phất phơ tà áo, phong thái thật phi phàm tuyệt mỹ.



Bắt đầu từ hôm đó, Giang Hoài Ngọc ở lại Giang Nguyên học tập. Bạch Thiếu Lăng cũng ở lại đó, đem những môn tuyệt học cổ kim truyền dạy cho chàng. Môn đầu tiên chàng phải học là Thuyết Sách của Quỷ Cốc Tử thời Xuân Thu Chiến Quốc, ghi chép những thuật đối nhân xử thế, những mưu lược cao sâu, binh thư trận pháp, cùng những phép ứng biến tài tình.



Tiếp theo đó, chàng lại được học cầm, kỳ, thi, họa, binh thư, trận pháp, … Vì Bạch Thiếu Lăng muốn đào tạo chàng thành một lương tài đệ nhất thiên hạ nên đã dốc hết sở học truyền dạy cho chàng.



Giang Hoài Ngọc có căn bản văn học vững chắc, lại thông minh đĩnh ngộ nên việc học tập rất mau thành tựu. Chỉ sau bốn tháng là chàng đã hoàn thành phần văn học, bắt đầu chuyển sang học võ.



Bạch Thiếu Lăng không truyền dạy những môn võ công thông thường dùng để so kiếm quá chiêu mà là những tuyệt học thời thượng cổ, chủ yếu để điều nguyên dưỡng khí như : Hoàng Đế Nội Kinh, Hiên Viên chân giải, Tứ thế Diễm sinh thập bát giải, Tam Nguyên thần công, … Đấy là những tuyệt học được lưu trữ ở Thánh cung, người đời ít ai biết tới, dù chỉ là tên gọi.



Giang Nguyên Bát Hữu cũng đem tuyệt kỹ của mỗi người ra truyền thụ cho Giang Hoài Ngọc.



Hoa Nguyên Sô Lão dạy chàng các bí thuật của phép điểm huyệt, đặc sắc nhất là môn cách không điểm huyệt.



Cô Sơn Liệp Ông dạy chàng cách chiến đấu bằng dây thừng, nhưng dây thừng là do Liệp lão sử dụng, còn Giang Hoài Ngọc lại thay bằng một sợi lụa trắng, đương nhiên việc điều động sẽ khó hơn, đòi hỏi phải có công lực cao hơn.



Dao Tuyền Ngư Phủ có một tuyệt kỹ khinh công độc bộ giang hồ là Đạp Ba Quá Hải. Môn này còn cao siêu hơn Đăng Bình Độ Thủy, có thể đi trên mặt nước mà không lấm ướt giày, đạp sóng qua sông như đi trên cạn.



Bích Lâm Tiều Tẩu dạy chàng các môn quyền chưởng là tuyệt kỹ kiếm cơm của lão. Nhất Chưởng Khai Thiên, Nhất Quyền Đoạn Nhạc là hai môn công phu cực kỳ bá đạo, lão chỉ đánh ra một quyền là cây đại thụ to lớn cũng bị đốn ngã, lão khỏi cần sử dụng tới búa rìu. Nếu dùng để cự địch thì địch nhân chắc sẽ thịt nát xương tan.



Nữ nhân thường thích dụng ám khí hơn động thủ quá chiêu. Tằm Tang Mỗ Mỗ đã dạy chàng thuật sử dụng ám khí, chỉ bằng một cánh hoa hay một chiếc lá cây cũng có thể đả thương người. Môn này tuy không tiện dụng bằng thuật cách không điểm huyệt của Sô lão, nhưng ít hao tổn chân nguyên hơn, và có thể sử dụng ở những khoảng cách thật xa hay có thể cùng lúc đả thương được nhiều người.



Tịch Điền Nông Phu truyền dạy môn nội công tâm pháp thật kỳ diệu, có thể đứng dưới mưa mà không ướt áo, đi đường không để lấm bụi. Nhờ có môn này, lão làm việc ngoài đồng mà lúc nào y phục cũng sạch sẽ, không hề lấm bẩn.



Lãn Y Trượng Nhân dĩ nhiên giỏi y thuật, đã dạy chàng thuật sử dụng kim châm và các cách sử dụng thảo dược, luyện đan. Và để đền bù lại việc lão đã làm khó dễ chàng lúc trước, lão đã truyền cho chàng bí thuật đắc ý nhất của lão, dụng kim châm để đả thông kinh mạch, giúp gia tăng nội lực.



Thảo Đường Bốc Sư dạy về thuật kỳ hoàng và kỳ môn trận pháp, và đương nhiên không thể thiếu thuật bói toán.



Giang Hoài Ngọc ở Giang Nguyên chuyên cần học tập, sở học tăng tiến rất nhiều, so với lúc mới đến đây quả là đã khác một trời một vực.



Thời gian thấm thoát, cũng đã một năm trôi qua …


— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.