Không Có Người Như Anh

Chương 11: “Tấm ảnh” đầu tiên của cô và Trần Ngật



Cuộc thi Sinh học mà Nguyễn Miên tham gia không quá khó, giải thưởng cũng không to lắm. Cuối tháng 10, danh sách giải thưởng được công bố, có hơn chục giải Nhất và Nguyễn Miên cũng nằm trong số đó.

Ngày giấy chứng nhận giải được gửi đến trường học, ban lãnh đạo nhà trường thông báo cho tất cả giáo viên chủ nhiệm có học sinh được giải, bảo họ dẫn học sinh của mình đến trước cửa tòa nhà Tư Chính để chụp ảnh. Khi đó vẫn là giờ nghỉ trưa, Nguyễn Miên đang gục đầu xuống bàn ngủ, lúc bất chợt bị Chu Hải gọi đến chụp ảnh tập thể cùng với ban lãnh đạo nhà trường và các học sinh được giải khác, cả người vẫn đang trong trạng thái mơ hồ.

Ánh mặt trời ban trưa của mùa thu vẫn còn chói chang và ấm áp, thợ chụp ảnh nhấn chụp liên tục vài cái rồi dừng lại nhìn ảnh chụp, cười nói với chủ nhiệm giáo dục Ngô Nghiêm bên cạnh: “Cô bé đứng ở hàng đầu tiên bên phải trắng quá nên ảnh bị cháy sáng không thể nhìn rõ được.”

Ngô Nghiêm tiến lên nhìn ảnh trong máy, trên tấm ảnh, nửa khuôn mặt của Nguyễn Miên bị trắng xóa. Ông ngẩng đầu, đưa tay ra hiệu, “Nguyễn Miên ơi, em đứng sang bên trái đi.”

“Dạ được.” Nguyễn Miên đi đến chỗ ngoài cùng bên trái, ánh sáng chỗ đó không quá chói, lúc này mới chụp được một bức ảnh ra hồn.

Chụp ảnh tập thể xong còn có phần chụp ảnh riêng cho mỗi học sinh để dán lên bảng thông báo của nhà trường.

Các thầy cô ban lãnh đạo lần lượt trở về văn phòng, những học sinh còn lại thì đứng dưới bóng cây, chờ thợ chụp ảnh gọi tên.

Lớp 10 chụp xong rồi mới đến lớp 11, theo trình tự, Nguyễn Miên là người đầu tiên. Cô đang cầm giấy chứng nhận đứng trên bậc thềm trước cửa tòa nhà, nhìn máy ảnh cười gượng một cái.

Trưa ngày hôm sau, ảnh chụp được dán lên bảng thông báo ngay trước cổng trường học. Mạnh Tinh Lan và Lương Dập Nhiên ăn cơm bên ngoài trường xong quay về trường, lúc đi qua chỗ bảng thông báo thì lấy điện thoại ra chụp lại ảnh của Nguyễn Miên cách một tấm kính.

Trở về lớp, cô nàng đưa điện thoại cho Nguyễn Miên xem, cười như được mùa, “Lúc đấy trông cậu ngốc thế.”

Nguyễn Miên: “…..”

Mạnh Tinh Lan cười ngặt nghẽo, bả vai run lên bần bật, Nguyễn Miên ngại thật sự, nhưng không thể không liếc điện thoại xem thử.

Ngày ấy, hầu hết mọi người đều sử dụng điện thoại di động có bàn phím bấm như Nokia, màn hình nhỏ, độ phân giải không cao nhưng vẫn không ảnh hưởng đến việc xem ảnh.

Nguyễn Miên nhìn thấy phía bên trái bức ảnh kia có dòng chữ nhỏ màu đen, cô phóng lên xem, là một cái tên quen thuộc.

Trần Ngật.

Lớp 10-1.

Nhật khán tận Trường An hoa.

Câu cuối cùng không chụp được hết, đáng lẽ cả câu là “Xuân phong đắc ý mã đề tật, nhất nhật khán tận Trường An hoa” [1], trích từ bài “Đăng khoa hậu” của thi sĩ Mạnh Giao thời Đường.

[1] Nguyên văn: 

登科後

昔日齷齪不足誇,

今朝放蕩思無涯。

春風得意馬蹄疾,

一日看盡長安花。

Dịch nghĩa:

Ngày trước biết bao cay đắng không sao nói hết,

Sáng nay ưu phiền tan biến, tâm tư không còn gì câu thúc.

Ngọn gió xuân mát rượi, leo lên ngựa phóng đi,

Trong ngày đi xem tất cả các vườn hoa trong Trường An.

Dịch thơ (Bản của Khương Hữu Dụng):

Eo hẹp ngày xưa khỏi kể ra

Sớm nay thoả chí nức lòng ta

Gió xuân thả sức cho phi ngựa

Ngày trọn Trường An xem hết hoa

Khi đó mới khai giảng chưa được bao lâu, cuộc thi Vật lý Trần Ngật tham gia lúc nghỉ hè đã công bố danh sách giải thưởng, anh giành được giải Nhất. Khi đó nhà trường cũng chụp cho anh một tấm ảnh dán trên bảng thông báo, sau đó Nguyễn Miên từng chụp lại bức ảnh đó.

Từ hồi ấy đến giờ chỉ mới được vài tháng, Nguyễn Miên không ngờ có một ngày bản thân lại dùng cách đó để xuất hiện ở cùng một chỗ với anh.

Ngẫm lại, điều ấy còn vui hơn cả lúc cô được nhận giải.

Trong tiết tự học cuối cùng của chiều hôm đó, Nguyễn Miên đến văn phòng của thầy Chu. Trên đường quay về lớp, cô đứng trên hàng lang tầng ba nhìn đến cổng trường đằng xa, bước chân dần chậm lại.

Vài giây sau, Nguyễn Miên quay đầu lại, chạy xuống dưới tầng bằng một cái cầu thang khác ở bên kia dãy nhà, nhanh chóng chạy về phía trước, đến bảng thông báo gần cổng trường thì dừng bước.

Bức ảnh của Trần Ngật trong bảng kính đã hơi ngả vàng chỗ nền xanh dương. Chàng trai có khuôn mặt anh tuấn, đôi mắt đen nhánh, trên mặt không có biểu cảm gì, hoàn toàn trái ngược với cô gái cười khờ khạo và ngốc nghếch bên cạnh.

Xung quanh ngoài bảo vệ ở trong phòng bảo vệ ra thì chẳng có ai khác. Nguyễn Miên lấy di động ra, cẩn thật chụp “tấm ảnh chung” đầu tiên của mình và Trần Ngật.

Dáng vẻ rất chi là nghiêm túc, như đang chụp món đồ quý giá nào đó. Bảo vệ gác cổng thấy cô rời đi mới chắp tay sau lưng đi đến, mắt nhìn trái nhìn phải.

Trong bảng kính toàn là ảnh của học sinh ưu tú, chàng trai nét mặt vô cảm và cô gái mỉm cười ngốc nghếch cũng ở trong số đó, nhưng trong mắt người khác lại chẳng có gì nổi bật.

***

Cuối tuần, Nguyễn Miên đến hiệu sách Tân Hoa ở trung tâm thành phố, mua một đống sách theo yêu cầu của Trần Ngật, ngoài ra còn mua thêm hai cuốn <Làm sao để đọc một cuốn sách> và <1000 bài cảm nhận hay>, đề phòng không thể mua lại những cuốn sách này được.

Ra khỏi hiệu sách, Nguyễn Miên tìm thấy một quán in ở gần đó, bảo người ta in tấm ảnh chụp lần trước ra, sau đó lại không biết nên cất vào đâu, cô đành kẹp vào trong cuốn sổ nhật ký.

Nguyễn Miên không giỏi viết lách cho nên không viết nhật ký mỗi ngày, thi thoảng nhớ ra mới viết, cũng chỉ viết vài câu ngắn ngủn nhưng chẳng câu nào không nhắc đến anh. Cũng chỉ ở nơi này, cô mới có thể thẳng thắn viết ra lòng mình.

Đã được Trần Ngật giúp, Nguyễn Miên không đến lớp phụ đạo Văn kia nữa, đàn em lần trước cô kết bạn trên QQ hỏi cô tại sao không đến học nữa.

Nguyễn Miên chỉ nói đã tìm được lớp phụ đạo khác rồi, ngoài ra còn gửi cho đàn em xem danh sách sách cần học Trần Ngật đưa cho mình, nói đó là sách giáo viên đề nghị nên đọc.

Đàn em bày tỏ biết ơn sâu sắc, hôm sau gặp nhau trên trường còn cho cô mấy chiếc kẹo mút, Nguyễn Miên không kịp từ chối người đã chạy đi mất rồi.

Cô nhìn chằm chằm bóng người đang chạy đi kia rồi bật cười, tiện tay nhét kẹo vào cặp sách, lúc về mới lên QQ cảm ơn em ấy.

Thứ sáu cuối tháng 11, trường Trung học số Tám không có tiết tự học buổi tối như thường lệ. Hết tiết tự học cuối cùng, Nguyễn Miên đã viết xong bài cảm nhận phải nộp trong tuần này, định tan học thì đưa cho Trần Ngật. Kết quả Chu Hải nói bận họp, trong lớp không có ai quản, Trần Ngật và mấy cậu bạn chạy đi chơi bóng, tan học vẫn chưa thấy về.

Cô ở lại lớp chờ Mạnh Tinh Lan làm trực nhật xong, ra ngoài cổng trường ăn bữa xế rồi mới về nhà. Lúc đi ngang qua siêu thị nhà họ Lý, chợt thấy Trần Ngật mặc áo bóng rổ màu đen đứng trước cửa siêu thị.

Khi ấy đã vào đông, hàng ngày, nhiệt độ cao nhất ở Bình Thành cùng lắm là 8, 9 độ C, đến tối lại càng thấp kinh khủng. Nguyễn Miên sợ lạnh, đã sớm khoác áo khoác mỏng bên ngoài. Dường như chàng trai không sợ lạnh, cánh tay và bắp chân lộ hết ra ngoài.

Lý Chấp đang ngồi xổm trên bậc thềm trông thấy Nguyễn Miên trước Trần Ngật vốn đang quay lưng với đường cái. Anh vẫn ngồi yên tại chỗ, khi nói chuyện miệng thở ra sương trắng, “Nghe nói em giành được giải Nhất cuộc thi Sinh học, chúc mừng nha.”

Đấy là chuyện từ đời nào rồi, mệt anh còn nhớ, Nguyễn Miên vươn cằm ra khỏi cổ áo, khẽ nói cảm ơn.

Lý Chấp mỉm cười, từ dưới đất đứng dậy.

Từ lúc Lý Chấp lên tiếng, Trần Ngật đã quay người lại rồi. Tóc trên trán ướt đẫm, dưới thời tiết lạnh thế này kết lại thành từng hàng từng hàng.

Anh đưa tay lên vò đầu, vò xong thuận tay gãi gãi cổ, hỏi: “Cảm nhận tuần này cậu viết xong chưa?”

“Xong rồi.” Nguyễn Miên nắm chặt quai cặp, “Giờ cậu lấy luôn không?”

Trần Ngật gật đầu, “Có, đưa cho tôi.”

Lý Chấp xoay người đi vào trong, “Vào trong rồi nói, bên ngoài lạnh lắm.”

Ba người một trước một sau đi vào siêu thị. Lý Chấp đi ra sân sau, Trần Ngật thì nhặt áo khoác đồng phục đặt trên ghế lên rồi mặc vào.

Tuần này Nguyễn Miên mang khá nhiều sách giáo khoa về nhà, cặp sách có hơi nặng, cô bèn đặt lên quầy bên cạnh. Cô lật sách Sinh học ra, bút, bài văn và đủ thứ linh tinh khác được kẹp trong sách.

Lúc lấy sách ra, một vật gì đó bị kẹt ở bên dưới quyển sách rơi xuống mặt bàn bằng kính phát ra một tiếng “Cạch”.

Nguyễn Miên nghiêng đầu nhìn sang, là cây kẹo mút lúc trước đàn em cho, vẫn cất trong cặp mà không nhớ ra để ăn.

Trần Ngật đang cúi đầu nghe tin tức bên cạnh nghe thấy tiếng động thì ngẩng đầu nhìn qua, “Sao thế?”

“À, không có gì, rơi đồ thôi.” Nguyễn Miên tìm thấy bài văn đưa qua, tay kia vô thức cầm chiếc kẹo mút rơi trên bàn lên.

Trần Ngật liếc nhìn hành động của cô, nhận lấy cuốn vở đọc ngẫu nhiên hai trang, nói: “Tuần sau đi học sẽ trả cho cậu.”

“Được.” Nộp bài văn xong thì chẳng còn chuyện gì nữa, Nguyễn Miên không giỏi việc ở một mình với Trần Ngật, Lý Chấp thì mãi không về, cô do dự nhưng không định về.

Trần Ngật nhìn ra sự bất an và căng thẳng của cô, đặt cuốn vở lên bàn, vẫn là câu nói đó: “Về nhà sớm một chút.”

Nguyễn Miên khá nhạy cảm với câu này, vừa nghe thấy người đã cứng đờ, mắt chớp chớp hai cái rồi vươn tay đưa kẹo ra, “Lúc trước tôi từng gửi danh sách sách cần học cậu đưa cho một đàn em khóa dưới cùng tham gia lớp phụ đạo Văn, đây là kẹo em ấy cho, cho cậu một cái này.”

Trần Ngật nhận lấy kẹo, “Cảm ơn.”

“Không có gì. Tôi về trước đây.”

“Ừ.”

Nguyễn Miên đi đến cửa, như chợt nghĩ ra điều gì, cô quay đầu lại. Ánh đèn sáng rõ, khuôn mặt dưới ánh đèn của chàng trai đặc biệt rõ ràng.

Cô mím môi, chậm rãi nói: “Trần Ngật, cám ơn cậu.”

Chàng trai ngạc nhiên một lúc rồi mới ngẩng đầu đáp: “Không có gì.”

Nguyễn Miên nở một nụ cười nhàn nhạt, thu lại tầm mắt rồi bước ra khỏi siêu thị. Bóng đêm hòa lẫn với ánh sáng mờ ảo, bóng dáng cô gái nhanh chóng biến mất trong đám đông.

Trần Ngật nhìn chằm chằm bóng đêm ngập trong sương mù một lúc rồi mới thản nhiên nhìn sang hướng khác.

Thực ra chuyện viết văn này anh chỉ được xem là người trung gian, người thật sự dạy Nguyễn Miên chính là bà nội anh – Bà Trầm Vân Mạc.

Hồi học đại học, bà cụ theo học khoa Nhân Văn học của Đại học Bình Giang, sau khi tốt nghiệp vẫn ở lại trường làm giảng viên. Hai năm trước được trường Đại học Bình Giang mời về dạy tiếp, giờ đang là giảng viên khoa Văn của trường (xưa là khoa Nhân Văn học). Bà đã dạy học hơn nửa đời người, học trò từng dạy giờ đều đạt được thành tựu to lớn trong ngành, có thể nói câu “Đào mận khắp thiên hạ, xuân về khắp muôn nơi” [2] chính là lời miêu tả chính xác nhất.

[2] Câu này thường được sử dụng để chúc giáo viên.

Hôm đó thầy Triệu kêu Trần Ngật dạy Nguyễn Miên, Trần Ngật về nhà lại giao việc này cho bà cụ Trầm, xin bà nhận một học trò ngoại môn, cũng không cần phải giỏi quá làm gì, chỉ cần lúc viết văn không bị lạc đề là được.

Bản danh sách và việc viết bài cảm nhận cũng chính là bài tập bà cụ Trầm giao cho Nguyễn Miên. Trần Ngật sợ Nguyễn Miên thấy áp lực nên không nói sự thật cho cô biết. Mỗi lần viết lời phê cũng là bà cụ Trầm viết vào một chỗ khác rồi anh sẽ phê lại vào bài viết.

Nguyễn Miên theo học một thời gian dài, mặc dù thay đổi không quá lớn nhưng vẫn có tiến bộ, ít nhất trong kỳ thi giữa kỳ mới kết thúc không lâu cô đã không còn viết lạc đề nữa.

Nghĩ đến đấy, Trần Ngật bóc kẹo mút trên tay ra, cắn một miếng, vị hoa quả ngọt ngấy ngập trong khoang miệng. Anh khẽ nhíu mày, nhai mấy cái rồi nuốt xuống.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.