Khánh Hi Kỷ Sự

Chương 18: 18




Ngày hai mươi chín tháng Chín năm Khánh Hi thứ mười hai, điệp báo của Đại Lý truyền tới kinh.
Chim bồ câu bay ngàn dặm chỉ mang tới có mấy chữ: “Việc đã định”.
Nét bút của Tống Biệt không hề vội vàng hay kiêu ngạo mà thanh đạm đến mức không giống như đang tổng kết một trận giết chóc máu tanh.
Ngày hai mươi sáu tháng Chín, gần nghìn nhân khẩu từ trên xuống dưới trong phủ Đoàn Thừa bị năm trăm tinh binh của Đoàn Bỉnh tràn vào lúc đêm khuya giết cho không chừa một mống.

Đoàn Bỉnh nghe tin thì kinh hãi, dù hai mắt vẫn chưa thể nhìn được vì độc chưa tiêu hết vẫn lần mò đến phủ của anh cả để dập đầu tạ tội.

Đại tướng Mã Tự – thuộc hạ cầm đầu chính biến của Đoàn Bỉnh – khóc lớn ba tiếng, chỉ nói: “Không ngờ lại hại chúa công vào tội bất nghĩa, lấy cái chết để tạ tội” rồi rút kiếm tự vẫn dưới chân Đoàn Bỉnh.

Đoàn Bỉnh ôm xác khóc lóc thảm thiết một hồi bèn mang đầu người này đến trước linh cữu Đoàn Thừa.

Đợi lúc sáng sớm Đoàn Bỉnh vào cung nhận tội với hoàng đế Đại Lý đã có một chiếc kiệu lớn gấm xanh lá đỗ ở trước cửa hoàng cung từ trước.

Miêu Hạ Linh cầm quốc thư hòa thân của hoàng đế Khánh Hi trung nguyên, cúi đầu đi ra từ sau rèm, vừa lúc gặp ánh mắt của Đoàn Bỉnh.

Hai mắt mù vì bị vương trưởng tử Đoạn Thừa đầu độc trong lời đồn mà lúc này lại sáng, phản chiếu mặt trời mới mọc, hăm hở, sặc sỡ loá mắt.
Bởi vậy, Miêu Hạ Linh viết trong tấu chương ngày đó rằng: “Đoàn Bỉnh đã lộ tài năng, chí không nhỏ, nay trộm được ngôi vị hoàng đế Đại Lý, thần sợ sẽ được voi đòi tiên, không cam lòng ở dưới người khác, trở thành tai hoạ ngầm của trung nguyên”.
Mười ngày sau, lúc tấu chương của hắn ta đến kinh, hoàng đế lại cố ý xem nhẹ những lời này, khép sổ gấp lại, nói với Cát Tường: “Đến cung của Dương thái phi”.
Loan giá vừa mới dừng ở trước cửa cung Thọ Ninh, chợt nghe góc sau có tiếng bước chân dồn dập.

Cát Tường liếc nhìn rồi cười nói: “Công chúa điện hạ vội vã làm gì thế?”.
Trên trán công chúa Cảnh Ưu lấm tấm mồ hôi, có vẻ đã chạy tới, thấy ngự giá ở trước mặt thì dừng bước ngây ra, căng áo kép bào trên người: “Hoàng thượng vạn phúc kim an”.
“Đúng là thiếu lễ nghĩa, không có quy củ”.

Dương thái phi được tin nên đi ra đón chào từ trong cung, thấy thế bèn mắng công chúa Cảnh Ưu một câu.
“Mẹ…” Công chúa Cảnh Ưu gấp đến mức mặt đỏ lên, nhìn hoàng đế muốn nói lại thôi.
“Đừng bướng bỉnh”.

Dương thái phi kéo nàng ra sau mình, mời hoàng đế ngồi trong chính điện: “Gần đây hoàng đế bận rộn việc triều chính, sao lại rảnh rỗi tới đây? Hôm qua còn nghe nói thế cục Đại Lý rung chuyển, hoàng đế hết sức lo âu, nay đều êm thấm rồi à?”.
Trong cung, tin tức truyền đi rất nhanh, e là Dương thái phi và công chúa Cảnh Ưu đều đã biết chuyện hòa thân rồi.

Hoàng đế không khỏi nở nụ cười, nói với Dương thái phi: “Chẳng những êm thấm mà còn có thêm một việc vui.

Trẫm tới để chúc mừng thái phi đấy.

Hai năm trước vương tử Đoàn Bỉnh của Đại Lý đã đề cập tới việc hôn nhân với trẫm.

Trẫm từng nghe người ta nói, vương tử này tuấn tú lịch sự, làm việc quyết đoán, là một nhân tài vốn quý.

Bây giờ hắn đã là vương trữ của Đại Lý, trẫm muốn gả công chúa qua thì sau này sẽ là vương hậu Đại Lý, hai nước nên duyên Tần Tấn[1], với đất nước, với gia đình, với công chúa và thái phi đều là chuyện may mắn”.
Dường như Dương thái phi rất là thoả mãn với cuộc hôn nhân này, đặc biệt là khi nghe thấy hai chữ “vương hậu”, trên mặt lập tức có vẻ vui mừng, cuối cùng vẫn than thở: “Hoàng đế nghĩ không sai, chỉ là Cảnh Ưu lấy chồng xa, không có lúc về thăm viếng như công chúa Cảnh Giai, từ nay về sau, mẹ con ta không được gặp nhau nữa”.
“Cảnh Ưu, em thấy có được không?” Hoàng đế thấy Dương thái phi không có ý kiến khác thì quay sang hỏi công chúa Cảnh Ưu.
Công chúa Cảnh Ưu vẫn luôn cúi đầu, lúc này mới chậm rãi nói: “Bẩm hoàng thượng, Cảnh Ưu không muốn lấy”.
“Cái gì?” Hoàng đế và Dương thái phi đều kinh ngạc.
“Không muốn lấy ạ!” Công chúa Cảnh Ưu đứng lên nói: “Đoàn Bỉnh này giết anh đoạt quyền, không có trung hiếu cương thường, sao lại bắt em lấy người như thế?”.
Hoàng đế cười nói: “Em thì hiểu gì? Nếu mọi chuyện đều theo khuôn phép cũ, nhìn trước ngó sau thì còn coi là hành động của bậc đại trượng phu thế nào được?”.
“Nước mọi rợ bọn chúng đều như vậy cả…”
“Câm miệng!” Dương thái phi cả giận nói: “Trước mặt hoàng đế mà con thế này thì còn thể thống gì?”.
Công chúa Cảnh Ưu cười khẩy một tiếng: “Thì ra mẹ cũng không hướng về con.

Con nói không lấy chồng thì đừng ai mong ép được con”.
“Tạo phản rồi!” Dương thái phi nhìn nàng xoay người lao ra ngoài cửa thì thở dài: “Sao lại sinh ra thứ oan nghiệt như vậy?”.
Hoàng đế cười nói với Dương thái phi: “Em gái lưu luyến thái phi, không muốn lấy chồng ở xa, hai ngày nữa suy nghĩ ra thì sẽ tốt thôi ạ”.
Toàn bộ chuyện này đều do Dương thái phi làm chủ, hoàng đế đã yên tâm, lúc trở lại thì đến cung Khôn Ninh một chuyến.

Khi hoàng hậu ra đón, trên mặt thậm chí còn có chút kinh ngạc.
“Lâu không tới, chỗ nàng vẫn trắng trong mộc mạc như vậy, sao không mua sắm thêm?” Sợ rằng chỉ có cung Khôn Ninh còn giữ loại ghế cứng rắn này để dùng, hoàng đế rất không quen, mất tự nhiên xoay người.
Hoàng hậu gầy hơn rồi, ngón tay như cành trúc yên lặng đặt trên đầu gối, tiếng nói lạnh nhạt đến mức không trộn lẫn chút tình cảm nào: “Nô tì cảm thấy như vậy lại an nhàn, làm phiền hoàng thượng nhớ mong rồi”.
Hoàng đế lại đánh giá chung quanh trong chốc lát, cảm thấy hơi lúng túng và buồn chán, cười nói: “Trẫm có chuyện mời nàng đứng ra”.
“Không dám”.

Hoàng hậu cũng là người cực kỳ thông minh, chỉ nói: “Hoàng thượng muốn thần thiếp khuyên nhủ công chúa Cảnh Ưu thì nô tì sẽ làm theo”.
Hoàng đế hơi đỏ mặt, ngượng ngùng nói: “Vậy là tốt rồi.

Trẫm đi đây, nàng cũng hãy giữ gìn cơ thể.

Nhìn nàng đi, gầy đến mức nào rồi, chính nàng không đau lòng, trẫm còn đau lòng đây”.
Hoàng hậu vẫn tỉnh bơ: “Vâng.

Cung tiễn thánh giá”.
Hoàng đế đi ra từ trong điện u ám của cung Khôn Ninh, bị ánh mặt trời chiếu lên mới thấy hậm hực.

“Không hợp nhau tới vậy cơ à?” Hoàng đế hỏi Cát Tường.
“Hì hì”.

Cát Tường vô cùng khó xử, miễn cưỡng cười làm lành một tiếng, không dám tiếp lời.
Đến đêm, hoàng hậu lại tự mình tới cung Càn Thanh.

Hoàng đế đang định đến cung Tiêu Cát, chỉ đành thôi, cho phép hoàng hậu ngồi trên giường, nghe nàng nói: “Thần thiếp không hoàn thành được chuyện này”.
“Không sao, hôm nay không thuyết phục được nó thì ngày mai lại khuyên bảo tiếp.

Chẳng qua là nó còn nhỏ, mặt mỏng nhát gan…” Hoàng đế thấy hoàng hậu từ từ lắc đầu thì hỏi: “Sao thế?”.
“Theo thần thiếp thấy, công chúa đã quyết tâm không đến Đại Lý lấy chồng, chỉ sợ thần thiếp không thể khuyên được.

Thần thiếp thấy công chúa như đinh đóng cột, chỉ sợ ép quá sẽ mất mạng người.

Bởi vậy mới tới xin hoàng thượng bảo cho biết”.
Hoàng đế không cho là đúng: “Ngày mai nàng thử lại lần nữa đi”.
Đột nhiên hoàng hậu nở nụ cười: “Hoàng thượng đúng là không hiểu con gái”.
“Cái gì?” Hoàng đế sửng sốt.
Hoàng hậu đã đứng lên khom người: “Thần thiếp xin cáo lui”.
“Có ý gì vậy?” Hoàng đế nhìn bóng lưng của nàng, hỏi Cát Tường.
“Nô tỳ không biết”.
“Không biết?” Cuối cùng hoàng đế cảm thấy hơi khó chịu: “Trong cung này từ trên xuống dưới không có gì là khanh không biết cả, nói!”.
Cát Tường cười tâu: “Quả thực không biết ạ”.

Thấy hoàng đế giận tái mặt, vội bảo: “Nô tỳ quả thực không biết tình hình bên trong.

Hoàng thượng quên trong cung này, người được xưng là không gì không biết chỉ có…”.
“Tịch Tà, gọi Tịch Tà!” Hoàng đế đứng lên.
Tiểu Hợp Tử truyền lời tới viện Cư Dưỡng.

Tịch Tà nghe xong thì ho một trận dữ dội không ngừng được, cuộn tròn ở trên giường gần như tắt thở mất một lúc.
Minh Châu vẫy tay bảo Tiểu Hợp Tử lui xuống, bưng thuốc tới trước mắt Tịch Tà lại bị hắn lấy tay đẩy ra.
“Lôi Kỳ Phong!” Tịch Tà che ngực thở hổn hển, hung tợn nói: “Lần tới gặp được y nhất định phải lấy mạng y”.
Minh Châu lại phì cười: “Lục gia muốn lấy mạng người khác, chớ giận chó đánh mèo sang Lôi Kỳ Phong.

Uống thuốc trước rồi nói”.
Tịch Tà cau mày nhận lấy thuốc, uống một hơi cạn rồi chỉ vào hũ đường phèn đặt trên bàn, nói không ra lời.
“Đắng à?” Minh Châu cười bảo: “Gần đây thuốc của thầy Trần càng ngày càng ghê gớm”.
Tịch Tà xoay mặt lại hỏi: “Hiện giờ hoàng thượng đang ở nơi nào?”.
Tiểu Hợp Tử bước lên phía trước nói: “Trước khi cháu đi ra, vạn tuế gia đang muốn đến cung Tiêu Cát”.
“Cậu bẩm lại với hoàng thượng, bệnh tình của Tịch Tà thực sự rất nặng, không dậy nổi”.
“Sư thúc, cháu sẽ khó xử…”

“Đi đi, đi đi”.

Minh Châu đẩy Tiểu Hợp Tử ra khỏi cửa: “Nói một tiếng với thầy cậu là không sao đâu”.
Tiểu Hợp Tử xoay người lại hỏi: “Chị Minh Châu, anh em tôi vẫn ổn chứ? Sao không nhìn thấy vậy?”
“Vẫn khỏe”.

Minh Châu dịu dàng nói: “Không phải là bốc thuốc đấy sao? Lát về ngay thôi, tôi sẽ nói cho cậu ấy biết là cậu đã tới”.
“Này”.

Minh Châu nhìn Tiểu Hợp Tử ra khỏi cửa viện, nghe thấy tiếng soàn soạt trong bóng tối sau hành lang: “Đi rồi”.
Tiểu Thuận Tử nhô đầu ra: “Đi thật rồi ạ?”
“Cậu cũng biết làm việc cẩn thận đấy, xem như đã tiến bộ rồi.

Anh cậu đi thật rồi.

Thầy cậu đang chờ đấy, mau vào đi thôi”.
Tiểu Thuận Tử cười nói: “Có một số việc, anh ấy không biết thì tốt hơn.

Gặp rồi có thể tôi sẽ nói lung tung”.
Tịch Tà đã khoác quần áo ngồi dậy, Tiểu Thuận Tử tiến đến bên cạnh hắn nói: “Con đã hỏi rồi, chính là đêm nay, vẫn là canh ba”.
“Khương Thống lĩnh sắp xếp xong chưa?”
“Nói là tuyệt không sai sót”.
Tịch Tà lại từ từ nằm xuống, bảo: “Ta nghỉ thêm một lát, con chuẩn bị đi”.
Loan giá của hoàng đế đã đến cung Tiêu Cát.

Tiểu Hợp Tử đi vào trong lặng lẽ gọi một tiếng, thấy Cát Tường chạy ra ngoài thì lặp lại lời của Tịch Tà một lần.

Cát Tường cười nói: “Không tới cũng không sao.

Hoàng thượng đang bận đấy, lúc này đã quên mất rồi”.
Cách bức rèm châu, quả nhiên thấy hoàng đế tươi cười nhìn Mộ Từ Tư bận trước bận sau rót rượu gắp thức ăn.

Mới uống một chén rượu mà đã như say túy lúy.
“Hoàng thượng nếm thử món này đi”.

Mộ Từ Tư đẩy đĩa đến trước mặt hoàng đế.
Mặt trên có dưa và trái cây bốn mùa như cà, bí đỏ các loại góp lại, sấy đến vàng óng.
Hoàng đế cười nói: “Thứ gì vậy? Mới mẻ đấy.

Đáng tiếc không phải lúc ăn lót dạ”.
Mộ Từ Tư chống cằm, dường như đang cười trộm rồi bĩu môi nói: “Có sao đâu, ăn rồi sẽ biết thôi”.
Hoàng đế nếm một miếng, cười hỏi: “Bên trong gói gì mà ngọt thơm thế?”.
“Đương nhiên là ngọt rồi!” Mộ Từ Tư đáp: “Là khoai lang ạ”.
“Khoai lang?”
“Tiểu thái giám trong cung thần thiếp nói, trước kia nhà anh ta không được ăn cơm, chỉ đào khoai lang trong đất lên ăn.

Nhưng không ngờ trong cung, ngay cả khoai cũng có thể làm độc đáo như thế”.
Cát Tường không nhịn được rùng mình, mà hoàng đế lại không hề tức giận chút nào, cười nói: “Nàng đang khuyên trẫm thương xót cho trăm họ à?”.
“Không ạ”.

Mộ Từ Tư lắc đầu: “Nô tì chỉ nghĩ bình thường hoàng thượng đều ăn sơn hào hải vị, đổi khẩu vị cũng tốt”.
Hoàng đế hỏi: “Rượu này cũng như ngày thường thì đổi khẩu vị thế nào?”.
“Hay là thần thiếp chơi đố số[2] với hoàng thượng!” Mộ Từ Tư cười vén tay áo lên, nắm tay lại đưa tới trước mặt hoàng đế, dưới tay áo đỏ lộ ra nửa cánh tay ngọc trắng như tuyết, bị hoàng đế đưa tay tóm được.
“Hoàng thượng!” Mộ Từ Tư xấu hổ đến đỏ cả mặt.
Hoàng đế nhẹ nhàng uốn ngón tay nàng ra, hôn lên lòng bàn tay mềm mại ấm áp của nàng.
Mộ Từ Tư nhìn gò má hoàng đế đưa tình, nói: “Thần thiếp… rất thích ở cùng hoàng thượng”.
Hoàng đế nghe vậy, sự vui sướng vô hạn lại làm trái tim hơi đau đớn: “Trẫm cũng thích tới chỗ nàng”.
Cát Tường thức thời, âm thầm phất tay với cung nữ.

Tiếng vạt áo lướt đất của nọi người như lá rụng trong đình viện mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua, cửa đóng “két” một tiếng trong trẻo, Mộ Từ Tư đỏ mặt, cả hai nhìn nhau cười.

Hoàng đế kéo nàng ngồi lên đầu gối, vùi trong cổ nàng híp mùi thơm ngọt ngào của cơ thể nàng.
“Phù”.
Mộ Từ Tư cong đôi môi đỏ mọng lên, thổi tắt nến đỏ trên bàn.
Nửa đêm vốn nên vắng người, ngoài cửa lại truyền đến tiếng bước chân sàn sạt.

Hoàng đế rất dễ tỉnh giấc, chợt mở mắt ra.
“Vạn tuế gia”.

Cát Tường thấp giọng, khẽ gõ cửa.
Hoàng đế thở phào nhẹ nhõm, thấy Mộ Từ Tư bên cạnh vẫn đang mỉm cười trong mộng, chỉ nhẹ nhàng dịch cánh tay nàng ra, khoác quần áo đứng dậy.
“Chuyện gì?” Mở rộng cửa nhìn thấy Cát Tường quỳ trên mặt đất, hoàng đế vẫn tức giận: “Nửa đêm canh ba”.
“Nô tỳ tội đáng muôn chết”.

Cát Tường dập đầu nói: “Tịch Tà xin gặp ạ”.
Hoàng đế giận quá hóa cười: “Trẫm quên mất, cho đòi hắn mấy canh giờ rồi mà giờ lại đến”.
Cát Tường nâng áo choàng tới, nói: “Hoàng thượng, bên ngoài lạnh lắm”.
“Làm gì thế không biết?” Hoàng đế xua tay bước ra cửa, Tịch Tà đã quỳ chờ ở hành lang, tuy đã quấn kỹ không lọt gió mã vẫn đang khẽ rùng mình.

Hoàng đế vốn muốn trách móc một câu, thấy thế thì không nỡ mở miệng.
“Nô tỳ quấy rầy vạn tuế gia yên gối, tội đáng chết vạn lần, mong hoàng thượng thứ tội”.

Tịch Tà nói: “Đêm khuya gió lạnh, xin vạn tuế gia mặc thêm áo”.
Cát Tường hầu hạ hoàng đế mặc vào áo bào kép vào, hoàng đế ngờ vực hỏi: “Đi đâu đấy?”.
“Sự việc quan trọng, nô tỳ cả gan xin vạn tuế gia đi theo”.

Tịch Tà đứng lên nghiêng người dẫn đường.
Đêm lạnh như nước, sương trắng đầy đất, dọc đường Đông đại thiên sáng đèn cũng có vẻ khá ảm đạm, chỉ có tiếng bước chân của hoàng đế vọng lại, Tịch Tà theo sát phía sau hắn ta mà như không tồn tại.

Hoàng đế hít một hơi thật sâu: “Thì ra trong cung vẫn có thể yên tĩnh như vậy”.
Tịch Tà mỉm cười đến mức thậm chí hơi kỳ ảo, hoàng đế bỗng cho rằng đây chẳng qua chỉ là hồn phách của hắn.
“Nếu vạn tuế gia muốn yên tĩnh thì ai dám thở mạnh chứ?” Lúc hắn nói chuyện, bên môi im ắng, trong không khí lạnh lẽo như vậy mà chẳng phun ra chút hơi trắng nào.
Hoàng đế kéo hắn lên trước một bước, chạm vào cánh tay hắn mới thấy hơi an lòng.

“Nói như vậy mệt lắm, khanh đi bên cạnh trẫm đi”.
“Vâng”.

Tịch Tà đồng ý rất nhanh nhưng vẫn đi sau hoàng đế nửa bước, không dám sánh vai.
Trước mắt chính là điện Phụng Tiên, đèn trong phòng trực vẫn sáng, hoàng đế nghỉ chân và hành lễ với chính điện, Tịch Tà cũng hết sức cung kính, lặng lẽ cầu khấn.
“Nghĩ gì thế?”
“Tổ tiên phù hộ triều ta hưng thịnh ạ”.

Tịch Tà cười nói.
Hoàng đế cũng cười.

Có vẻ người trong phòng trực nghe được tiếng động, ho hai tiếng rồi đứng dậy.

Tịch Tà dựng thẳng ngón tay ở bên môi, nắm ống tay hoàng đế lặng lẽ xuyên qua cửa của tường xây làm bình phong ở cổng khuất trong bóng tối.

Bỏ lại đèn dầu trong thâm cung lại đằng sau, ánh sáng nhẹ nhàng chợt chiếu vào mặt.

Trên biển tùng nơi này, sao dày như dệt cửi, phía chân trời như nước sông lững lờ, phản chiếu chúng sinh cõi phàm.
Mà bấy giờ Tịch Tà lại dùng sức kéo tay áo hoàng đế vào trong bóng cây.


“Vạn tuế gia, xin di giá và chờ một lát ở đây”.
“Chỗ này không phải vườn Minh Tri à?” Hoàng đế đưa tay đẩy cành cây trước mắt ra, buồn cười: “Tại sao trẫm phải thậm thà thậm thụt?”
Tịch Tà thở dài một tiếng.

“Canh ba”.

Hắn đột ngột nói.
“Hả?”
Chuông tuần trên tường thành phía xa nhẹ nhàng đi tới, tiếng canh trong thâm cung cũng phụ xướng theo.

Hoàng đế thấy Tịch Tà cố chấp lắc đầu ý bảo chớ lên tiếng, mặc dù trong lòng rất nhiều nghi hoặc hiếu kỳ cũng chỉ đành đứng im.

Chẳng bao lâu sau, quần áo sàn sạt lướt đất vườn Minh Tri, trong lúc ngẩn ra, hoàng đế đã thấy một cô cung nữ hai mươi lăm hai mươi sáu đi vào, nhìn quanh bên trong vườn rồi lại liên tục vỗ tay, cuối cùng thở dài nói: “Ngay thời điểm quan trọng mà hắn lại muộn”.
“Chờ cũng không sao”.

Lại có một thiếu nữ mặc đồ cung nữ đi đến, dựa ở trên cành cây, nhìn lên vì sao xa xa.

Hoàng đế nghe giọng nàng rất quen nhưng không nhớ có quen một cung nữ như vậy, xoay mặt trông Tịch Tà mà hỏi dò.

Tịch Tà lại chỉ khẽ cười nhạt, cắn chặt răng không nói nửa lời.
“Lẽ nào tối nay thị vệ trong cung đều có việc gì gấp?” Cô gái kia im lặng một lát, cuối cùng thở dài.
Hoàng đế nghe vậy thì nổi trận lôi đình.

Lấy chức thị vệ mà dám tự tiện vào hoàng cung vụng trộm gặp cung nữ, khi quân phạm thượng, không biết liêm sỉ, thật đáng chém.

Hoàng đế tức đến run lên, chỉ còn chờ thị vệ kia đến thì sẽ bảo Tịch Tà bắt lấy.

Ai ngờ cô gái kia dần mất kiên nhẫn, chậm rãi đi lại trong đình, lúc quay người lại, khuôn mặt bị anh sao phản chiếu rõ ràng, chính là công chúa Cảnh Ưu.
Hoàng đế nào đoán được là công chúa tư thông với kẻ khác, giận đến nỗi máu dồn lên trán, người thoáng giãy giụa lại bị Tịch Tà nắm chặt tay, lắc đầu với hoàng đế.

Ngón tay hắn lạnh đến tận xương, hoàng đế chùn lại, rút tay về phía sau, Tịch Tà lại vẫn không thôi, kéo hắn lặng lẽ rút khỏi vườn Minh Tri.
“Láo xược!” Hoàng đế hất tay hắn ra, cả giận nói: “Sao lại ngăn trẫm?”.
“Vạn tuế gia bớt giận”.

Tịch Tà khuyên nhủ: “Chung quy công chúa phải lấy chồng xa, trời tối người yên, giờ mà hoàng thượng làm loạn ra ngoài thì không còn cách nào ăn nói với bên Đại Lý”.
Hoàng đế gật đầu cười nhạt: “Được được được! Cứ giữ thể diện cho nó.

Khanh nói cho trẫm biết, thị vệ nó lén gặp là ai? Ngày mai trẫm sẽ lấy đầu hắn”.
“Nô tỳ không biết”.
“Không biết?” Hoàng đế tức đến lạnh cả tay chân, chỉ vào Tịch Tà nói: “Sư huynh đệ các khanh hỏi gì cũng không biết à? Khanh không nói, được, giờ trẫm sẽ về vườn Minh Tri, chờ tên súc sinh kia lộ diện”.
Tịch Tà đuổi theo cười nói: “Hoàng thượng, hoàng thượng dừng chân, đêm nay người đó sẽ không tới đâu.

Hiện nay tất cả thị vệ đang trực đều ở dưới mí mắt của thống lĩnh thị vệ, không ai có thể tự ý đi lại, chắc chắn hắn sẽ không thoát thân mà đến chỗ hẹn được”.
“Khanh đang bảo trẫm nhân nhượng kẻ gian à?”
“Tên thị vệ to gan lớn mật này quả thật đáng băm thành trăm mảnh, hắn mà chết thì sẽ đầu xuôi đuôi lọt.

Nhưng xin hoàng thượng nghĩ lại, với tính cách của công chúa Cảnh Ưu, nếu ép buộc thì liệu công chúa còn có thể yên bình, vui vẻ lấy chồng đến Đại Lý ư?”
Hoàng đế bị hắn nói cho sững sờ chốc lát, mới nói: “Có bao nhiêu người biết chuyện này?”
Tịch Tà nói: “Ngoại trừ người trong cung công chúa thì chỉ có nô tỳ thôi”.
“Trẫm biết rồi”.

Hoàng đế nhếch môi.
“Vâng”.

Tịch Tà khom người như thể đã hiểu ra điều gì.

Cứ như vậy im lặng không nói trở lại cung Tiêu Cát, Cát Tường ra đón, đỡ hoàng đế bước lên bậc thang.
“Người khanh đã khá hơn chút nào chưa?” Hoàng đế vào nhà trước hỏi.
“Vẫn vậy ạ”.

Tịch Tà nói.
“Trẫm thấy không ho nữa, ngày mai đến cung Càn Thanh trực”.
Tịch Tà cười, chỉ thở dài.

Khi trở về Tiểu Thuận Tử đã ngủ, chỉ có Minh Châu vẫn chờ.

Nàng nghe Tịch Tà nói xong thì sẵng giọng: “Khó khăn lắm lục gia mới có thời gian dưỡng bệnh lại phải khổ cực vì tên Úc Tri Thu này gây họa.

Gia thật là nhẫn nại mới để cho gã càn quấy”.
Tịch Tà ho một hồi, cười nhạt nói: “Sao tôi lại không muốn giết gã? Là vì Khương Phóng khuyên tôi, không nói đến chuyện Úc Tri Thu chết thì sự vất vả tổ chức ở cửa Tử Nam mấy tháng qua sẽ thành công dã tràng, chỉ nói tới việc gã là thám hoa mà tôi chọn ra, vô duyên vô cớ bỏ mạng thì tôi thoát khỏi liên can thế nào được? Ôi!” Tịch Tà than thở: “Lúc ở Thượng Giang đã thấy họ không an phận, chỉ nói sau khi về kinh có cung tường ngăn cách, sẽ chẳng có gì.

Ai ngờ gã háo sắc đến liều, tự tiện vào màn cấm, còn không khống chế được như thế?”.
Minh Châu sợ hắn tức giận, vội vàng khuyên hắn đi ngủ.

Tịch Tà cố khép mắt một lát, sáng sớm đã tìm đến cung Càn Thanh mà đợi.

Chẳng bao lâu, hoàng đế đã về từ cung Tiêu Cát, vào cửa nhân tiện nói: “Tịch Tà ở lại, những người khác tránh đi”.

Hắn ta ngồi bên bàn cờ, đánh cờ rồi cân nhắc trong yên tĩnh.
“Công chúa Cảnh Ưu đến rồi ạ”.

Như Ý ở ngoài đẩy cửa ra, công chúa Cảnh Ưu đi vào với sắc mặt tái nhợt, cung nữ theo phía sau bị Như Ý ngăn lại hết từ xa.
“Hoàng thượng vạn phúc kim an”.
“Sắc mặt em không tốt, vành mắt cũng đỏ, ngủ không ngon à?” Hoàng đế mềm giọng ân cần hỏi, chỉ vào ghế bảo nàng ngồi.
Công chúa Cảnh Ưu cười gượng nói: “Vẫn ổn ạ”.
“Em đã nghĩ xong việc hôn nhân hôm qua nói chưa?”
“Cảnh Ưu không muốn lấy chồng đến Đại Lý”.
“Đừng nói lời trẻ con nữa, con gái đều phải lập gia đình.

Em đến Đại Lý rồi thì sẽ là vương hậu, dù là Cảnh Giai cũng kém em đấy”.
“Vương hậu thì đã sao chứ?” Công chúa Cảnh Ưu nói: “Các đời hoàng hậu triều ta tổng cộng cũng có mười lăm mười sáu vị, nào ai được trước sau vẹn toàn? Hoàng huynh dựa vào lương tâm mà nói xem, gả em đến Đại Lý liệu có một phần là vì nghĩ cho em không?”.
Hoàng đế cười nói: “Không sai, em đến Đại Lý là để dẹp yên tây nam.

Bây giờ xã tắc rung chuyển, bốn bề là địch, em không thể vì trẫm, vì giang sơn tổ tông truyền tới hôm nay mà ngẫm lại hay sao?”.
“Đó là chuyện của hoàng huynh”.

Công chúa Cảnh Ưu nổi giận nói.
“Sai rồi!” Hoàng đế vẫn mỉm cười: “Mấy trăm triệu nhân dân trung nguyên nuôi em cơm ngon áo đẹp hơn chục năm, nay họ trong cơn nước sôi lửa bỏng, đừng nói bắt em đến Đại Lý làm hoàng hậu để đảm bảo cho họ mấy năm thái bình mà lấy tính mạng của em ngay lúc này cũng chẳng có gì quá đáng”.
Sau khi cả kinh, công chúa Cảnh Ưu giận dữ nói: “Dựa vào đâu chứ?”
“Dựa vào đâu?” Hoàng đế bảo: “Con cái hoàng thất chúng ta sống vì giang sơn, chết vì xã tắc.

Công chúa các đời lấy chồng ở man di xa xôi nhiều vô số kể, hoàng tử chết trận sa trường cũng không biết bao nhiêu, đang được thờ cúng trong điện Phụng Tiên đấy.

Không nói đâu xa, chẳng phải thái tử Tĩnh Đức cũng quên mình vì nước đó sao?”.
Công chúa Cảnh Ưu cười khẩy nói: “Hoàng thượng không nhắc tới thái tử Tĩnh Đức thì thôi, trong cung này từ trên xuống dưới có ai mà không biết thái tử của tiên đế chết như thế nào?”.
Một câu của nàng đã đâm trúng chỗ đau của hoàng đế, hắn ta nắm chặt quân cờ trong tay, nhịn một lát mới bảo: “Thái phi đã đồng ý với việc hôn nhân này rồi, em tiếp tục khăng khăng thì mặt mũi thái phi cũng không còn đâu”.
“Mặc dù thái phi là mẹ đẻ em nhưng chưa bao giờ cho em một ngụm sữa, em cũng chưa bao giờ ở bên thái phi một ngày.


Hoàng thượng lấy thái phi ra ép em, không có tác dụng đâu”.
Hoàng đế cười to nói: “Chưa từng thấy kẻ bất trung bất hiếu như vậy.

Rốt cuộc là thứ gì đã mê hoặc tâm trí em?”.
Công chúa Cảnh Ưu sửng sốt, hỏi: “Gì cơ?”
“Trẫm đang hỏi em là cái gì mê hoặc tâm trí em!” Hoàng đế ném bốp quân cờ xuống bàn: “Lúc nào trẫm cũng giữ thể diện cho em, lúc nào cũng nhắm một mắt mở một mắt với em, em lại điên cuồng ngang ngược à? Chẳng lẽ muốn trẫm lật tung cả cung Thanh Hòa lên, tìm ra tên khốn nạt gan to tày trời à?”.
Công chúa Cảnh Ưu đỏ mặt, đột ngột đứng dậy định đi ra phía ngoài.

Tịch Tà tiến lên một bước, khẽ ngăn cản: “Công chúa điện hạ, vạn tuế gia còn chưa nói hết đâu”.
Công chúa Cảnh Ưu lau giọt lệ nóng, quát: “Rốt cuộc các người muốn thế nào?”.
“Chỉ cần em vui vẻ hòa thân với Đại Lý, trẫm cam đoan không truy xét chuyện của em, tất cả mọi người đều giữ thể mặt, có được không?”
“Không được!” Công chúa Cảnh Ưu dậm chân khóc lớn tiếng, đưa tay giáng một bạt tai vào Tịch Tà: “Cút ngay!” Nàng đẩy Tịch Tà, muốn tông cửa xông ra.
Hoàng đế giận tím mặt, vỗ bàn, tiến lên mấy bước nói: “Hỗn xược!”
Công chúa Cảnh Ưu chưa từng thấy hoàng đế giận đến thế, sợ đến ngừng khóc, nhìn chằm chằm khuôn mặt xanh mét của hắn ta.
Hoàng đế chậm rãi buông nắm tay đang siết chặt ra, than rằng: “Trẫm xin lỗi em.

Trẫm cũng có con gái, sau này cũng sẽ đưa từng đứa vào trong trong miệng hùm, không biết còn phải nói hai chữ ‘xin lỗi’ này bao nhiêu lần.

Em cứ coi như thông cảm cho anh cả, được không? Em đừng ở cung Thanh Tri nữa, hãy đến cung Thọ Ninh của thái phi ấy”.
Hắn ta nhìn công chúa Cảnh Ưu che mặt khóc lóc đi xa rồi gọi Như Ý vào, bảo: “Tất cả người trong cung công chúa không được di chuyển, không được nói chuyện với người cung khác.

Hai cung nữ theo đến cung Thọ Ninh cũng phải gọi về cung Thanh Tri, khanh tự mình giám sát, không được để một ai chạy thoát”.
“Tuân chỉ”.

Như Ý đáp.
Hoàng đế nhìn mấy dấu tay màu máu trên mặt Tịch Tà, hỏi: “Đau không?”
“Hơi hơi ạ”.

Tịch Tà đưa tay xoa xoa lại làm cả khuôn mặt đỏ bừng lên.
Hoàng đế cười nói: “Được rồi được rồi, như thể bị nấu chín vậy”.

Đoạn chuyển đề tài, hỏi: “Khanh thấy liệu Cảnh Ưu có chịu không?”.
“Chắc là có ạ”.

Tịch Tà nói: “Nô tỳ không rõ lắm”.
“Trẫm cũng không rõ”.

Hoàng đế không khỏi nhíu mày: “Chỉ mong lúc người Đại Lý đến đưa sính lễ không có chuyện gì xảy ra”.
Đối với Tịch Tà mà nói, chuyện cần lo lúc ấy lại chẳng phải công chúa Cảnh Ưu nữa.

Bấy giờ sứ giả đưa sính lễ của Đại Lý đã khởi hành ngược sông Hàn.

Trong đoàn người không chỉ có quan viễn bộ lễ của Đại Lý mà còn có Tống Biệt – mưu sĩ tâm phúc của Đoàn Bỉnh, do anh ta sợ những người này làm hỏng việc nên mới sai riêng tới để giám sát.
Tuy trước mắt Tống Biệt nghe mình sai bảo nhưng đã là cha của Minh Châu lại là bạn cũ tri giao của Nhan vương, năm đó ở Đại Lý còn là hậu duệ quý tộc Túc Hải Công cha truyền con nối, bất kể bàn từ đâu thì cũng đều là bề trên của Tịch Tà.

Ông ta đã cố chấp để con gái ở bên mình, nếu lúc này coi thường mặt mũi và ý tốt của ông ta, xin ông ta rút lời, đưa Minh Châu về Đại Lý thì Tịch Tà cũng không biết mở miệng ngay thế nào được.
Đảo mắt đã là hai mươi mốt tháng Mười, sứ giả Đại Lý dâng quốc thư đến kinh, ngoại trừ chùa Hồng Lư sai người chăm sóc ra thì hoàng đế còn phái Tịch Tà trong phòng sách đến chào hỏi.

Tịch Tà thừa dịp Minh Châu không ở đó, muốn lén lút dẫn Tiểu Thuận Tử chuồn ra khỏi cung.

Đến trước cửa cung, bày thủ dụ của hoàng đế ra, bọn thị vệ chỉ cười hì hì gật đầu, không ai kiểm tra.

Đợi lúc ra khỏi cửa, Tịch Tà đã không nén được tiếng thở dài, nói: “Trong ngoài cửa cung chỉ vài chục bước đường, trong chốc lát lại thêm một cái đuôi.

Tiểu Thuận Tử, con nói xem đã có chuyện gì?”.
Tiểu Thuận Tử rụt cổ, nói: “Thầy…”
Bên cạnh cậu, Minh Châu mặc quần áo của quan hoạn tiến lên cười nói: “Đừng trách cậu ấy, tôi nhớ cha, lục gia dẫn tôi đi với”.
Tiểu Thuận Tử bỗng phấn chấn tinh thần, thưa: “Thầy đi gặp thầy Tống lại giấu chị không nói, khiến cho ruột rà bọn họ không được gặp nhau, thầy đúng nhẫn tâm”.
Tịch Tà lờ đi, lắc đầu không nói, cảm thán mình nhẫn tẫm ở đâu, hôm nay gặp Tống Biệt, giả sử Minh Châu ở đó thì mình mở miệng nói mấy lời trong lòng thế nào được?
Tống Biệt không phải chính sứ, Tịch Tà chỉ đành hàn huyên với hai sứ sỉa một lúc trước rồi đi ra nói tên giả của Tống Biệt với dịch quán để hỏi rõ chỗ, mới dẫn hai người tìm đến chái nhà sau dịch quán.

Minh Châu nhanh chóng đi vài bước, đẩy cửa cười nói: “Cha”.

Tịch Tà và Tiểu Thuận Tử cũng đi vào theo, chỉ thấy ngón tay gầy đét của Tống Biệt lấy mũ mão của Minh Châu xuống, xoa búi tóc nàng, hỏi: “Đang yên đang lành, mặc nam trang làm gì?”.
“Thầy Trần?” Bên cạnh có một lão già khác đang vuốt râu mỉm cười, Tịch Tà liếc thấy thì hết sức bất ngờ.
Trần Tương cười bảo: “Anh sáu không biết lão hủ và thầy Tống đã thân nhau từ hai mươi năm trước rồi, lần này bạn cũ gặp lại đã sắp hết đời”.
Tống Biệt ôm quyền: “Từ khi chia tay, công công vẫn khỏe chứ?”.
“Thầy Tống”.

Tịch Tà vội vàng khom người thi lễ.
Trần Tương cười rằng: “Tống hiền đệ nói thế sai rồi, vừa nãy còn đang bàn về nội thương của anh Sáu, bệnh ho quấn lấy anh ta, sao có thể nói vẫn khỏe chứ?” Rồi nói với Tịch Tà: “‘Tay thêu điệu nghệ’ Tống Biệt không phải là hư danh.

Phép châm ngải của ông ấy đã đến trình độ thần tiên.

Năm đó ông ấy dừng chân ở Ly đô đã đàm luận về việc chữa bệnh với lão hủ, đều thấy vô cùng hợp ý, hận gặp nhau quá muộn.

Tiếc nỗi xa cách hai mươi năm ròng, chỉ có thư từ qua lại, hôm nay gặp lại mới biết giai công tử nhanh nhẹn trong buổi hỗn loạn năm đó, nay đã thành lão già rồi”.
Tống Biệt nhìn Minh Châu: “Con gái cũng lớn như vậy rồi, hai ta còn xưng thiếu niên anh hùng gì nữa? Lần này anh Trần tới không phải để gặp tôi”.

Ông ta cười nói: “Mới nói hai câu tán gẫu đã hỏi đến chứng bệnh của công công, nói suốt một canh giờ.

Nếu công công đã tới, có thể để lão hủ bắt mạch không?”.
Tịch Tà vốn có mấy chuyện lớn bàn với Tống Biệt, thấy Trần Tương ở đây chỉ đành thôi, đành vươn cổ tay ra.

Tống Biệt đặt ngón tay xuống, chăm chú suy tư.

Minh Châu nhìn chằm chằm vẻ mặt ông ta, Tống Biệt lại khẽ liếc nhìn khí sắc của Tịch Tà, hỏi hắn chuyện ăn uống sinh hoạt, cuối cùng bảo: “Hiện giờ vẫn không sao không sao”.
Minh Châu cả mừng, hỏi: “Cha định chữa bệnh thế nào?”.
Tống Biệt trả lời: “Dựa vào nội lực của ta, mượn châm ngải đuổi thẳng ổ bệnh, châm cứu phổi Phế Du, Thái Uyên, Thái Khê, Chiếu Hải.

Anh Trần nghĩ như thế nào?”.
“Cùng chung suy nghĩ”.

Trần Tương gật đầu.
Tống Biệt cũng là một người không hề câu nệ, đứng lên nói: “Vậy thì mời công công vào bên trong”.
Tịch Tà được cơ hội nói riêng với Tống Biệt, đúng với ý nguyện bèn định đi theo vào, Minh Châu lại xông lên thì thầm vài câu với Tống Biệt trước.

Tống Biệt khẽ nhíu mày, gật đầu rồi mới lấy một chiếc hộp gỗ lim từ trong cái tủ bên cạnh, đặt lên trên bàn, lấy mười hai kim châm cứu từ đó, nói ‘mời’ xong thì đi vào gian trong cùng Tịch Tà.
Tiểu Thuận Tử đang rỗi rãi vô cùng buồn chán, chuyển tới bên cạnh bàn, rụt rè đưa tay nắm lấy một cây kim từ hộp gỗ, hí hoáy trong tay.
Trần Tương nói: “Tiểu Thuận Tử, ‘tay thêu điệu nghệ’ có một người kế thừa sẵn ngay trước mắt đấy, cậu cũng rỗi rãi, chi bằng theo Minh Châu học một ít”.
Tiểu Thuận Tử vui vẻ đáp: “Chỉ sợ chị Minh Châu chê tôi đần thôi”.
“Trình độ của tôi còn kém xa lắm”.

Minh Châu nói: “Nhưng dạy cậu thì e là cao quá”.
“Chị bằng lòng ư?”
“Khẽ thôi, chớ nói cho thầy của cậu”.

Minh Châu nói thật khẽ nhưng lại đứng ngồi không yên.

Qua chừng thời gian ăn một bữa cơm, chợt nghe Tịch Tà ho mạnh một tiếng, lại im ắng một lát, Tống Biệt và Tịch Tà lần lượt đi ra.
“Thế nào rồi ạ?” Minh Châu tiến lên hỏi.
Tống Biệt cười trả lời: “Rất tốt.

Anh Trần, phiền anh kê đơn thuốc bổ ích”.
Trần Tương là người cẩn thận, kéo Tịch Tà sang một bên, lại bát mạch chẩn đoán lần nữa, sau một lúc lâu mới gật đầu khen: “Suy cho cũng vẫn là Tống hiền đệ”.
“Vậy là khỏi rồi?”
Tống Biệt, Trần Tương đều nói: “Gần như thế, điều dưỡng một thời gian là khỏe hẳn”.
“Không nói đến chuyện này nữa”.

Tống Biệt lại nắm tay Minh Châu, ngồi xuống bên cạnh hỏi nàng: “Hai năm qua ở trong cung thế nào, có người bắt nạt Minh châu trên tay Tống Biệt này không?”.
Tiểu Thuận Tử thấy Minh Châu lia mắt về phía Tịch Tà và mình, lại càng hoảng sợ, vội đáp: “Không có không có”.
“Không có thì tốt, tôi mới yên tâm để Minh Châu ở lại kinh thành”.
“Thầy Tống”.

Tịch Tà nói: “Vãn bối xin thầy Tống nghĩ lại”.
“Không cần, con gái của tôi chắc chắn có thể chăm sóc tốt cho mình”.

Tống Biệt mỉm cười nhìn Minh Châu, hai cha con lại nói chuyện phiếm một lúc.

Tịch Tà thấy thời gian không còn sớm bèn đứng dậy cáo từ.
Minh Châu kéo tay Tống Biệt, lưu luyến chào tạm biệt.


Trần Tương cũng đứng ở dưới hiên, tiễn họ ra khỏi cửa, hỏi: “Anh Sáu vẫn muốn hiền đệ đưa Minh Châu về Đại Lý à?”.
“Đúng vậy”.

Tống Biệt gật đầu nói: “Song mặc dù Ly đô nguy hiểm nhưng vẫn còn hơn, tôi ở trong đầm rồng hang hổ của Đại Lý, ốc còn không mang nổi mình ốc, nào còn có sức trông nom con gái”.
Trần Tương cười bảo: “Không phải, không phải.

Hiền đệ là người không sợ trời đất, chẳng kính quỷ thần, là hào kiệt đương thời một nói là một, sao lại sợ mấy tên hề nhảy nhót ở Đại Lý chứ? Nhất định là có ẩn tình khác”.
“Ẩn tình thì cũng có.

Đầu óc của thằng nhãi Đoàn Bỉnh này quả thực chưa bị hỏng, cưới công chúa trung nguyên đã đành, nghe nói tôi có cô con gái, lại tới cửa cầu thân.

Lần này hắn lôi kéo như thế, Minh Châu theo tôi trở về thì chẳng phải là dê vào miệng cọp ư?” Tống Biệt cười nhạt: “Hắn lại không biết Tống Biệt tôi có thù hận sâu nặng với Đại Lý, hận không thể học Ngũ Tử Tư[3], đào mộ lên rồi lấy roi đánh thi thể hoàng đế Đại Lý…” Đột nhiên ông ta với Trần Tương đều ngẩn người, mới thở dài nói: “Chỉ tiếc lão già kia vẫn chưa chết thôi”.
Trần Tương cất tiếng cười to, cuối cùng thở dài một tiếng: “Ông đã canh cánh trong lòng mà chỗ đó lại gần trong gang tấc, cớ sao không đi gặp?”.
Tống Biệt đưa hai tay ra, nói: “Chỉ dựa vào cái ‘tay thêu điệu nghệ’ trước kia của tôi nay đã gầy như cành trúc ư? Chỉ dựa vào chỗ máu nóng trước kia của tôi đã loãng, đã nguội lạnh ư? Gang tấc này chính là chân trời, gặp lại thì tức là vĩnh biệt, lại thêm phiền não vô hạn, quay đầu lại là bờ thôi”.
Hai người nhìn mặt trời lặn bên ngoài thành, đều thấy hứng thú nhiều năm qua đã vắng lặng, lòng dạ còn mênh mông quạnh quẽ hơn cả bầu trời.
Lúc này sông Ly đỏ tươi cả vạn dặm, Tịch Tà nghỉ chân ở cầu Phụng Thiên, quay đầu lại trỏ vào cầu bờ nam Song Thu, nói với Minh Châu: “Nhìn thấy lá đỏ của cầu Song Thu chưa? Xuân năm ngoái còn nói phải trở lại, giờ chỉ được nhìn liếc qua một lát.

Cô ở trong cung săn sóc tôi hai năm, còn tôi lại chẳng thể giúp cô thỏa mãn một cái nguyện vọng như vậy”.
Trong nắng chiều, áo xanh tắm máu, môi thơm nhuộm thắm, Minh Châu đẹp đến mức chẳng lành.

“Tôi đã quên rồi”.

Nàng trông con sông màu thu nồng như máu xa xa, cười rằng: “Lục gia đúng là một người rườm rà”.
“Thật à?” Tiếng Tịch Tà hiu quạnh, cụp mắt xuống.
“Phía trước là lục gia ạ?” Một thằng nhóc cài hoa đã chờ cạnh cửa Bạch Hổ từ lâu, tay cầm thiếp mời đỏ thẫm, thấy Tịch Tà đã sắp đến cửa cung, thị vệ cửa Tử Nam đi lên định ngăn cản nên không dám đi lên phía trước nữa.
Tịch Tà nhận ra cậu ta là người của viện Tê Hà bèn đi mấy bước, nhận lấy thiếp mời và nói: “Ma ma anh có khỏe không?”.
“Rất khỏe ạ, nói là lâu rồi lục gia chưa tới, mời lục gia chừng nào rảnh rỗi hãy tới uống rượu”.

Thằng nhóc kia là một người khéo ăn khéo nói, lời nói lanh lảnh vang dội, thị vệ chung quanh đều nở nụ cười.
“Tôi biết rồi”.

Tịch Tà gật đầu, móc ra một ít bạc thưởng cho cậu ta rồi lại nhìn Minh Châu đã qua cửa cung: “Tối nay tôi sẽ đến”.

Hắn vội vã vào cung, báo cáo công việc với hoàng đế rồi cáo lui, ra khỏi cung Thanh Hòa trước khi cửa cung khóa lại.
Tê Hà chờ đã lâu, vẫn mời hắn tới lầu Hồi Mâu, rót trà nói: “Vốn không muốn quấy rầy lục gia, chỉ là điệp báo phía tây đột nhiên đứt đoạn, Khương Phóng cũng đã hỏi hai lần nhưng không có hồi âm.

Anh ta nói lục gia nhiễm bệnh, không dám quấy rầy.

Tôi chỉ cảm thấy trong đó có điểm kỳ quặc, vẫn nên báo cáo cho lục gia mới được”.
“Quả thực đã nửa tháng rồi”.

Tịch Tà gật đầu nói: “Đúng là cần thiết, chị phái người đáng tin đi một chuyến, xem rốt cuộc thầy hai đang làm gì”.

Hắn cười bảo Tê Hà: “Không phải là không thể tin Khương Phóng, chỉ là anh ta ra sống vào chết với thầy hai nhiều năm như vậy, đánh hơn mười trận như thế, khó tránh khỏi có tình nghĩa cá nhân ở bên trong, dù không cố ý nhưng trong lòng vẫn sẽ gỡ tội thay thầy hai, chẳng bằng người ngoài cuộc tỉnh táo như chị”.
“Vâng”.

Tê Hà mỉm cười nói: “Đã như vậy thì ngày mai tôi sẽ lén phái người lên đường”.

Nàng nói câu cáo lui rồi xuống lầu, chẳng bao lâu Hải Lâm đã dẫn hầu gái bưng rượu và thức ăn tiến đến.
“Không cần rượu nữa”.

Tịch Tà nói: “Hôm nay thầy thuốc bắt mạch, khuyên tôi bớt uống lại”.

Hắn ăn đại chút đồ ăn rồi ngả lên trên giường.
Hải Lâm ngồi ở bên hắn chải đầu, cười nói: “Hôm nay vị thần y nào xem cho lục gia thế? Từ lúc tới chưa từng ho tiếng nào”.
Tịch Tà vuốt tóc nàng, mỉm cười thờ ơ, nói: “Thần y? Không phải đâu, chẳng qua là biết nói thật thôi…”
Hải Lâm để lược xuống, tựa vào trong lòng Tịch Tà, bảo: “Tôi cũng muốn nghe lời thật lòng của lục gia”.
“Cái gì?”
Hải Lâm nắm ngón tay sáng long lanh của Tịch Tà nhìn kỹ dưới ngọn đèn: “Vì sao lục gia thích tới chỗ này?”.
Tịch Tà cười to đáp: “Bởi vì trong cung lạnh, cóng đến nỗi tôi không ngủ nổi”.
“Quả nhiên”.

Hải Lâm thở dài: “Lục gia chính là khối băng, bất kể là ai cũng không hắt được cái bóng trong lòng lục gia”.

Nàng đột nhiên xoay người lại ôm lấy eo Tịch Tà: “Như vậy đã ấm chưa?”.
“Ấm rồi”.

Tịch Tà ở dưới người nàng thở hổn hển và cười, lúc nụ cười vẫn còn đọng trên mặt thì đã ngủ mất.
Hải Lâm che ấm hai chân cho hắn, thời gian vẫn còn sớm, nàng mở mắt ra nằm im hơn một canh giờ mới mơ màng ngủ.

Trong mơ còn nghe thấy tiếng canh ở mấy chỗ, chợt có tiếng kim loại “xoạt” một tiếng hết sức lạnh lẽo chen vào trong gió thu.

Hải Lâm mở mắt ra, trước mặt chính là một đoạn mũi nhọn sáng như tuyết, đang bị kẹp giữa hai ngón tay trắng ngần của Tịch Tà.

Nàng chưa kịp kêu thành tiếng, tay trái của Tịch Tà đã che môi nàng lại.
Ngoài màn đỏ có người buồn bực hét lên, dốc sức rút thanh trường kiếm kia ra.

Tịch Tà khẽ cười, hai ngón tay hơi rung, mũi kiếm đã bị bẻ gãy đánh keng.

Người ngoài màn bỗng mất lực, ngã về phía sau, đập vào bàn ghế kêu loảng xoảng.

Cổ tay Tịch Tà vừa định phát lực, bỗng nhiên suy nghĩ xoay chuyển, tay vuốt màn tơ cười rộ lên.

Chỉ nghe chấn song vang “kẹt” một tiếng, trong phòng đã im bặt.
“Chuyện gì thế?” Tê Hà ở sát vách nghe thấy tiếng động, sai người đá cửa đi vào.
Hải Lâm run rẩy vén màn lên, nói: “Không có gì, không có gì.

Tôi đứng lên rót trà làm lật bàn thôi”.
“Sao không biết cẩn thận thế hả?” Tê Hà sẵng giọng, nàng thấy cả phòng lộn xộn, Tịch Tà vẫn kẹp mũi nhọn ấy, đã hiểu ra bảy tám phần: “Toàn là người tinh nghịch”.

Nàng che miệng cười, lại đưa mắt ra hiệu với thanh niên bên cạnh, thanh niên đó gật đầu, đẩy ra cửa sổ nhảy ra.[1] Câu thành ngữ này có xuất xứ từ “Tả truyện”.

Thời Xuân Thu, nhằm tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với nước Tần, Tấn Hiến Công đã đem con gái của mình gả cho Tần Mục Công.

Về sau, Tấn Hiến Công khi tuổi về già rất ân sủng Hoàng phi Ly Cơ, bức chết Thái tử Thân Sinh.

Ly Cơ lại còn muốn bức hại hai vị công tử là Di Ngô và Trùng Nhĩ, khiến hai người đành phải trốn khỏi nước Tấn.

Sau khi Tấn Hiến Công qua đời, con trai của Ly Cơ lên làm vua, nhưng ít lâu sau bị hai vị đại phu trung thành với công tử Di Ngô giết chết.

Họ còn cử người đi đón công tử Di Ngô đang sống lưu vong ở nước Lương về làm vua.

Công tử Di Ngô được Tần Mục Công cử quân hộ tống trở về nước Tấn.

Mấy năm sau, nước Tấn xảy ra nạn đói phải cầu cứu với nước Tần, được Tần Mục Công giúp cho khá nhiều lương thực.

Nhưng mặc dù nước Tấn nhiều lần nuốt lời hứa và nói nước Tần những lời dị nghị, Tần Mục Công vẫn rất khoan dung độ lượng, giữ mối bang giao với nước Tấn.

Bấy giờ, công tử Trùng Nhĩ đang sống lưu vong tại các nước chư hầu, cuối cùng lưu lạc đến nước Tần.

Tần Mục Công rất mến mộ và gả Công chúa Hoài Doanh cho chàng.

Công chúa Hoài Doanh thấy Trùng Nhĩ rất coi thường mình liền nói: “Hai nước Tần Tấn địa vị ngang nhau, tại sao chàng lại khinh rẻ tôi?”.

Trùng Nhĩ biết mình đã sai, bèn lập tức xin lỗi nàng.

Về sau, Tần Mục Công cử người hộ tống Trùng Nhĩ về nước.

Cuối cùng Trùng Nhĩ trở thành vua nước Tấn, rồi cũng cho con trai mình lấy con gái vua nước Tần làm vợ.

Hai cha con đều thông gia với nước Tần.

Câu thành ngữ này vốn nói về hai nước thông gia hữu hảo.

Nhưng ngày nay người ta vẫn thường dùng nó để chỉ về hôn nhân nam nữ.
[2] Khi uống rượu, hai người cùng giơ ngón tay ra một lúc rồi đoán số, ai nói đúng là được, nói sai bị phạt uống rượu, cả hai người đều nói sai thi hoà.
[3] Là một đại phu nước Sở, sau trở thành tướng quốc nước Ngô thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc.

Sở Bình vương nghe lời gièm pha giết cha ông là Ngũ Xa – thái phó của thái tử.

Sau đánh Sở báo thù, lúc về quê nhớ đến thù cha bèn đào mộ Bình vương, tự mình đem thi thể ra đánh 300 roi..


— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.