Ngưu y bình thường trong dân gian là một nghề thấp kém trong triều đại này, mà học sinh muốn tham gia khoa khảo phải là ba đời trong sạch, không được phép làm những nghề thấp kém. Nếu nhi tử của Miêu thị thật sự ở trong thư viện của kinh thành, một khi đã nhận thân rồi thì đồng nghĩa với việc công danh của người này sẽ bị mất hết.
Là muốn chấm dứt tiếc nuối hay là giả ngu giả ngơ, từ bỏ vì tiền đồ của nhi tử, đó là lựa chọn rất khó khăn.
“Hai mươi năm…đã hai mươi năm rồi! Ta đã lạc mất hắn hai mươi năm, ngày ngày trong lòng như bị lửa đốt…Ta nhớ nhi tử ta, ta muốn gặp hắn…”
Miêu thị không hiểu cái gì gọi là đại cục, cũng không hiểu rằng tiền đồ càng quan trọng hơn so với huyết thống.
Bà ta chỉ là một phụ nhân bình thường.
Từ ngày gả chồng kia, tất cả những gì bà ấy phải làm chính là làm việc cho nhà chồng, cùng với nối dõi tông đường.
Ban đầu bà ấy cũng tốt số, nhanh chóng mang thai sinh được nhi tử. Mà nhi tử thông minh và đáng tin cậy, cha nương của tướng công cũng rất hài lòng.
Cẩn thận nuôi nấng nhi tử cho tới sáu tuổi. Hôm đó là sinh nhật của nhi tử bà ta, bà ta vui vẻ dẫn hài tử đi dạo phố trong thành, nhưng vừa xoay người thì không thấy nhi tử ở đâu nữa. Kể từ đó về sau, cuộc sống của bà ta không còn một ngày nào là được yên ổn.
Nam nhân của bà ta là người thành thật, không hề trách móc bà ta. Nhưng cha mẹ chồng lại không hài lòng, các trưởng bối trong tộc cũng chỉ thẳng vào mặt bà ta mà mắng chửi, nói rằng bà ta là đồ sao chổi, là đồ phế vật, ngay cả hài tử cũng giữ không xong. Bọn họ đuổi bà ta ra ngoài, bắt bà ta phải tìm được nhi tử mới cho về nhà. Bà ta tìm kiếm suốt bao nhiêu ngày, ngất xỉu ở bên ngoài, trượng phu khóc lóc cầu xin cha nương mới cho phép bà ta vào cửa.
Cha mẹ chồng oán hận, nhà mẹ đẻ cũng không tha thứ, cả thế giới của bà ta sụp đổ.
Bọn họ vừa bắt bà ta tìm hài tử, vừa tiếp tục ép bà ta sinh thêm con.
Bà ta uống rất nhiều phương thuốc, lại sinh được Yên Chi.
Nhưng ngày nào bà ta cũng lấy nước mắt rửa mặt, sức khỏe không tốt, mà khi quá trình sinh con cũng không thuận lợi. Tuy rằng đã sinh được Yên Chi nhưng sau đó bà ta không thể sinh thêm con được nữa.
Từ đó về sau, bà ta mới biết được cha mẹ chồng còn có thể ác độc được như thế.
Cả ngày tra tấn, không đánh thì lại mắng, lúc trượng phu ở nhà thì còn có thể bảo vệ được bà ta, nhưng chỉ cần khi nào ông ta không ở nhà thì cả gia đình kia không còn nhân tính.
Bà ta đã phải chịu đựng như thế bao nhiêu năm rồi?
Mỗi ngày bà ta đều suy nghĩ, nếu như ngày đó bà ta không dẫn hài tử đi vào thành thì tốt rồi, nếu bà ta nắm chặt tay nhi tử thì tốt rồi, nếu đột nhiên hài tử có thể quay về thì cho dù bà ta có chết ngay lập tức bà ta cũng bằng lòng…
Trước khi cha mẹ chồng qua đời, bọn họ vẫn mắng bà ta là đồ xui xẻo.
Hài tử bị mất tích hai mươi năm, trong hai mươi năm đó cuộc sống của bà ta còn tệ hơn cả một con vật.
Bà ta thật sự không cam lòng, thậm chí bà ta còn không có cả tư cách oán hận cha mẹ chồng, chỉ có thể tự trách chính mình.
Cho nên bà ta muốn hài tử, cho dù có biến thành lệ quỷ thì bà ta cũng phải tìm lại được nhi tử của mình!
Lúc này Miêu thị đã chết, tác dụng “chăm sóc cha mẹ khi tuổi già đến tận khi qua đời” của nhi tử đương nhiên cũng chỉ còn là lời nói suông, nhưng chấp niệm bao nhiêu năm nay khiến bà ta không thể buông bỏ được. Bà ta chỉ muốn tìm lại thứ mà mình để mất, như thể sau khi tìm được nhi tử rồi thì hai mươi năm bị tra tấn đó cũng có thể tan thành mây khói vậy.
Tiêu Vân Chước không hỏi thêm nữa.
Nàng bảo Quách Sài Nữ giúp nàng cầm hương, mùi hương này có thể làm cho Miêu thị bình tĩnh lại, nàng thực sự không muốn nghe Miêu thị khóc lóc nữa.
Sau khi đã xác nhận ý kiến của Miêu thị, Tiêu Vân Chước bắt đầu nhìn về phía ban chữ Đinh và ban chữ Mậu.
Nàng vừa xuất hiện liền thu hút sự chú ý của mọi người.
Rất nhiều người tò mò nhìn nàng.
Cuối cùng ánh mắt Tiêu Vân Chước dừng lại trên người một nam tử. Người này dáng vẻ khoảng hai mươi sáu hai mươi bảy tuổi, thân hình cao gầy, bộ dáng tuấn lãng, miệng rất giống Miêu thị, môi mỏng.
Mà phản ứng của Miêu thị thì còn nhanh hơn cả nàng.