Hoàng Anh Minh đem tin thắng trận truyền về xuôi, bấy giờ vì để thuận tiện liên lạc, đã có các trạm truyền tin, nên tin này nhanh chóng chuyển tới tai những quan viên như Nguyễn Công Thì hay Lưu Từ. Lưu Từ lập tức khen Minh và đội quân trên đó không tiếc lời. Không phải lão đa nhân cách, mà tình hình hiện tại ở miền xuôi quá khó khăn, bọn phỉ lộng hành, quân Thượng đánh phá, người dân chạy nạn, tình hình tùy thời có thể sụp đổ. Giờ có tin thắng lợi từ trên kia xuống, có thể một công đôi việc. Thứ nhất trấn an lòng người, thứ hai là nhiễu địch. Đất Nam Bàn là căn cơ của người Thượng, một khi tin tức này lan ra, rồi lại thêm mắm dặm muối một tí, đối phương lại chả chạy vội về.
Tin tức lan ra, người Thượng xao động, dù Sri Bai khua môi múa mép giúp ổn định tình hình, không có chuyện người Thượng ồ ạt chạy về đất Nam Bàn, khiến chiến cục đại loạn, thì họ cũng rút dần về các thành trì, bàn bạc việc nên rút về hay không. Sri Bai biết nếu như đám người Thượng mà chạy, mọi công sức sẽ đổ sông đổ biển ngay. Nam Bàn không phải thứ hắn cần quan tâm bây giờ, cái cần quan tâm là khiến Nam Bàn và Tân Bình chọi nhau đổ máu tới chết. Hơn nữa, theo tin báo về, kế hoạch thứ hai đang diễn tiến, nếu như hai kế hoạch có thể liên kết, vậy thì có thể lật trời ấy chứ.
Sri Bai còn đang chưa biết làm sao để mà khiến đám người Thượng tiếp tục cuộc chiến, thì tên Vương Vĩnh lại xin yết kiến. Hắn đã thấy cảnh người Thượng rục rịch muốn về. Người Thượng mà về thì là lúc ngày chết của Vương Vĩnh đã điểm. Bởi thế công của người Thượng mà tan, các quan tướng Nam Giao Đô Ty nhất định truy đuổi, tiêu diệt người Thượng, thậm chí còn hạch tội hắn. Lúc này, con đường sống của hắn chỉ có thể là người Chiêm, chạy qua Chiêm thì còn cơ hội sống lay lắt.
Sri Bai nghe Vương Vĩnh van nài, liền biết cơ hội đã tới, lão ta muốn giữ đám người Thượng ở đây, có Vương Vĩnh hỗ trợ, thì còn gì bằng. Vương Vĩnh nghe kế hoạch của Sri Bai, mặt lập tức vui mừng, còn được người ta dùng tức là bản thân còn giá trị, sẽ không dễ bị vứt bỏ. Kế hoạch của Sri Bai chính là để Vương Vĩnh đem việc quân Thượng rút lui lan rộng trong đám thổ phỉ, thể nào quan quân cũng nghe ngóng được. Biết tin quân Thượng lui binh, ắt chúng muốn chiếm chút lợi thế, chắc sẽ đuổi đánh. Khi đó, tự nhiên là rơi vào bẫy của Sri Bai.
Vương Vĩnh y theo kế, đi mời một vài tên thủ lĩnh thổ phỉ lại, tố khổ với bọn chúng việc đại nạn sắp tới: quân Thượng rút chạy. Quân Thượng mà bỏ chạy thì họ cũng toi hết, giờ hắn đang phải đem hết những đồ giá trị đi lo lót kiếm đường sang Chiêm Thành các kiểu. Đám thủ lĩnh thổ phỉ nghe xong, đều toát mồ hôi lạnh. Việc quân Thượng sắp rút họ cũng đã nghe phong thanh, cũng nghĩ tới từ lúc bên Lưu Từ lan truyền tin về thắng lợi của Hoàng Anh Minh trên Nam Bàn, nhưng nay bị Vương Vĩnh diễn trò kể khổ, ai nấy cũng tâm tư hơn.
Nếu thực sự ngày quân Thượng rút lui kề cận, chúng phải làm gì, đi theo, hiến tài sản để sang Chiêm Thành hay làm gì khác. Một vài kẻ đã có câu trả lời. Chúng ngấm ngầm liên lạc với quan quân, báo tin cho họ, thề làm nội gián giúp họ diệt quân Thượng, coi như lấy công chuộc tội. Lưu Từ biết chuyện, hết sức vui mừng, cho là thời cơ đã tới. Ông ta tập trung quân lực, lại cử người đi bắt liên lạc với Hà Văn Huy. Giờ này bên thành An Hòa của Bắc Bình, quân Thượng không còn vây chặt nổi nữa, vì đa số quân Thượng mất tinh thần chiến đấu khi hay tin Minh đang đánh phá Nam Bàn, rồi các tộc trưởng cũng đang rút người đi,
Hà Văn Huy đồng ý là địch đang hoang mang mất tích thần nhưng cũng đề nghị phải cẩn thận, phòng trường hợp truy kích chúng quá chúng sẽ cắn ngược lại. Lưu Từ hoàn toàn đồng thuận, hắn chỉ muốn lập công chứ đâu có dại mà mạo hiểm. Lưu Từ sẽ dùng bọn phỉ làm dẫn đường, khi quân Thượng rút kha khá, bọn phỉ cùng họ nội ứngn goại hợp diệt gọn những tên Thượng còn sót lại. Như thế coi như dễ ăn dễ nói với dân chúng và quan trên.
- Bọn phỉ có thể tin tưởng được chăng?
- Thưa đại nhân, bọn phỉ hiện tại như bèo nổi trên sông, không có gốc rễ, sao dám tính chuyện mưu hại quân ta. Chúng còn mong lập công chuộc tội để khỏi bị ta diệt sạch sau khi người Thượng rút lui nữa ấy.
- Như vậy cũng có lý.
Hà Văn Huy đem chuyện này ra bàn luận, ông ta hiện tại chỉ là tạm quyền chỉ huy quân đội thành An hòa và Bắc Bình, nhiệm vụ chính là giữ thành, giờ đi truy kích kẻ địch, vậy thì phải hỏi ý kiến những người có quyền ở Bắc Bình này. Khi nghe kế của Lưu Từ, ai cũng mặt đỏ bừng bừng, khoa chân múa tay đòi theo kế ấy. Họ là các thương nhân, địa chủ, chủ mỏ ở Bắc Bình này, dân Thượng làm loạn nên tài sản của họ (cửa tiệm, ruộng vườn, mỏ,...) bị tàn phá, thiệt hại như thế làm sao mà họ không căm. Ai cũng muốn giết vài tên cho hả giận. Chưa kể, họ cũng tính là nếu bắt được một đám, đem bán làm nô lệ thì có khi thu hồi được chút tiền, bù vào thiệt hại phải chịu.
Vậy là cuộc phản công được thông qua, Hà Văn Huy nhắn cho Lưu Từ là nên thiện đãi binh sĩ một phen, để tăng thêm sĩ khí. Thời gian vừa qua binh sĩ miền xuôi bị đánh cho tơi bời, lòng tin suy giảm, giờ bảo họ chuẩn bị phản kích, e rằng có sự run sợ. Phải cho ăn cho uống, đối đãi tốt một phen, để đám lính lấy lại tinh thần. Chưa kể lần này truy kích kẻ địch, nhất định phải có công lao, hoặc diệt gọn, hoặc bắt sống, đối phương bị ép tới đường cùng sẽ cắn lại, nếu binh sĩ không đủ tinh thần, vẫn có thể có chuyện. Đặc biệt, việc này phải giữ cho kín, nếu bọn người Thượng biết, chúng có thể tương kế tựu kế, bởi lần này không chỉ có người Thượng, còn có người Chiêm. Người Chiêm chế được máy bắn đá, thì cũng có thể tính kế bên ta.
...................................
Miền xuôi đang chuẩn bị cho trận phản công, phải huy động rất nhiều sức người sức của, một số thương nhân đang ở đây cũng được gọi tới, nhắc nhở việc đóng góp. Tất nhiên, một hai lần còn đỡ, nhưng họ đã phải đóng góp từ lúc quân Thượng tới, giờ lại góp nữa thì sao chịu nổi. Còn không đóng góp bị làm khó dễ đủ điều, đúng kiểu quan lại phong kiến đối xử thương nhân thời này, coi họ như túi tiền vậy. Hai họ Bùi, Hoàng khôn hơn cả, quyết định đóng góp một khoản, rồi lập tức đi lên miền ngược đóng góp tiếp. Minh và Kiệt cũng từ thương nhân mà ra, phần nào đó sẽ có qua có lại.
- Hoan nghênh hoan nghênh.- Kiệt, Minh ra tận nơi chào hỏi khi hai thương hội của hai họ Bùi, Hoàng đi tới. Đại diện cho họ Hoàng thì chỉ có Chử Bành, trong khi họ Bùi thì Mã Văn Phong lẫn Bùi Khả Ái đều lên đây.
- Hai người giờ đã là những viên tướng có chiến công hiển hách, con đường sau này nhất định rộng mở.- Mã Văn Phong vốn thân với Kiệt từ lâu, làm ăn với làng hồng Bàng mấy năm rồi, đứng lên mở lời chúc tụng trước. Họ Bùi cảm thấy Kiệt vẫn rất đáng đầu tư, hơn nữa họ Bùi gia tài nhiều hơn, có thể đầu tư rộng, không như họ Hoàng sau khi Hoàng Tư Trịnh chết, liền bất ổn, bây giờ vốn liếng kém nhiều, phải tập trung đầu như những mối làm ăn chắc chắn.
- Vậy mượn lời may mắn của ông chú!- Kiệt tươi cười đáp lễ, sau đó chủ khách cùng ngồi uống rượu.
Hai bên hàn huyên một phen, bên họ Bùi lộ ra ý tưởng. Họ định viện trợ lên đây một lượng lớn lương thực và hàng hóa, giúp quân của Minh và Kiệt có thêm chút sức lực. Trên các xe hàng chất khá nhiều thứ mà họ cần: lương thực, vải vóc, thịt khô, cá khô, muối rồi còn mấy thứ mà Kiệt đặc biệt nhờ vả như các loại hạt giống, cây trồng, vật nuôi và quan trọng nhất là quặng kim loại. Để trao đổi lại những hàng hóa này, bên Kiệt có những mặt hàng thổ sản của đất Nam Bàn mà dân trong vùng này tích cóp, phần có được khi họ qua trao đổi hàng hóa, phần có được sau những trận cướp phá vừa qua.
- Chúng tôi đã nói là lên đây hỗ trợ cho quân của hai cậu, giờ lại thành trao đổi sòng phẳng, vậy tức là sao chứ?- Mã Văn Phong lắc đầu quầy quậy, nhất định không chịu nhận lời trao đổi hàng hóa, bắt Kiệt, Minh nhận hết.
- Không ngờ đám người họ Bùi lại chơi lớn như vậy!- Người thuộc thương đoàn họ Hoàng gãi đầu gãi tai báo chuyện cho Chử Bành.
- Hừ, đúng là cáo già!- Chử Bành than nhẹ. Hắn biết họ Bùi định làm gì, chúng định mở thị trường mới đây mà. Chi viện cho Hoàng Anh Minh thì Hoàng Anh Minh có sức mà đóng giữ lâu dài trên này, chúng sẽ có cửa làm ăn mới, không phải đi qua Bắc Bình lên Nam Bàn làm ăn, chịu đủ mọi loại thuế má, đòi hỏi, vòi vĩnh. Giờ chúng bỏ ra trước, về sau Minh không thể không đáp lễ. Chử Bành ngẫm một lúc, cũng quyết định chia một phần hàng hóa ra biếu tặng, dù sao hắn chỉ là người làm thuê, không thể quyết mạnh tay được.
Minh vẫn còn phải lo liệu việc binh, Kiệt thì giỏi việc làm ăn, nên để Kiệt ở lại. Kiệt tỏ ra rộng rãi, không phân biệt hai nhà, cùng mời họ tham quan qua đại bản doanh, xem qua việc làm ăn tạm thời ở đây và định hướng phát triển tương lai. Theo đó, đất trên Nam Bàn rất thích hợp trồng cây công nghiệp như chè, mía, hồ tiêu,... sau đó từ trên đây đi xuống Nam Bàn sơ chế, chở đến các cảng ở Tân Bình, nơi các thương nhân ở Nam Dương đang dần tụ tập mà buôn bán thì tuyệt cú mèo, thương nhân tranh nhau mua là cái chắc.
Hai bên bàn luận qua lại về cái mối làm ăn trong tương lai, Kiệt lại mời họ xem thử đại quân đang huấn luyện. Không như hồi Lưu Kiệm lên, tân quân giờ đã có sức hơn, nên việc huấn luyện đã chuyển sang đấu đối kháng. Không phải hai bên đánh nhau, mà là lập các đội nhỏ tầm 10 người, dàn hàng chiến đấu bằng gẫy gỗ bịt vải, kiếm gỗ,... để thực hành chiến đấu. Còn trận pháp các thứ, vẫn quá phức tạp để dạy tân binh. Thông qua việc chứng tỏ sức mạnh của tân binh, Kiệt cho hai họ thấy năng lực bên mình trong việc bảo vệ nơi này trước quân Thượng. Tất nhiên, cũng ngầm nói với họ rằng đây là mối làm ăn đáng đầu tư, nên việc vận động để Kiệt hoặc Minh đóng giữ nơi đây lâu dài, phiền họ vậy.