Nhiệt độ trong hành lang thấp hơn bên ngoài một chút, lẩn khuất mùi ẩm mốc đặc trưng của những tòa nhà cũ hòa với không khí bụi bặm mùa hè.
Tiếng chuông điện thoại vang lên trong hành lang chật hẹp của tòa nhà cũ, Trần Lâm Hổ cầm lên nhìn, tên Trần Hưng Nghiệp đang hiển thị ở mục người gọi đến.
Ý muốn nói chuyện của cậu nhanh chóng rơi xuống dưới mức nước biển, nhưng cậu vẫn bấm nút nghe.
"Đến rồi hả?" Giọng Trần Hưng Nghiệp vọng ra từ điện thoại, "Đến rồi không biết chủ động nói một tiếng à? Có hiểu chuyện tí nào không hả?"
Khu nhà tập thể cũ vào giờ này vẫn còn khá yên tĩnh, Trương Huấn nghe được bảy tám phần nội dung cuộc gọi. Dù Trần Lâm Hổ vẫn giữ vẻ mặt bất động như pho tượng, nhưng anh vẫn nhận ra chút cảm xúc lộ ra từ đôi vai hơi căng của cậu.
Trần Lâm Hổ mặc kệ bố cậu lải nhải bên kia, cúi xuống xách vali của mình, nhưng Trương Huấn nhanh tay hơn, lấy chiếc vali từ chỗ để chân.
"Cậu đi mở cửa đi." Trương Huấn nói khẽ.
Trần Lâm Hổ liếc nhìn anh, Trương Huấn vẫn tự nhiên, không biết có nghe thấy nội dung cuộc gọi hay không.
Dùng chìa khóa xin được từ lão Trần mở cửa chống trộm, Trần Lâm Hổ gật đầu với Trương Huấn đang giúp đưa vali vào trong: "Cảm ơn nhé."
"Chuyện nhỏ," Trương Huấn quay lại chỗ xe điện mini, móc từ cái giỏ xe rách nát ra hai cuốn sách, vẫy tay chào Trần Lâm Hổ, "Tôi về đây, cậu cũng nghỉ ngơi đi, trông mệt lắm rồi đấy."
Nói xong anh bước những bước chân khoan thai như người dưỡng sinh lên lầu.
"Nói chuyện với ai đấy?" Trần Hưng Nghiệp hỏi trong điện thoại, "Nam hay nữ? Tao nói với mày lần nữa, bớt giao du với mấy thằng chẳng ra gì đi, mày đi học chứ không phải đi chơi, biết chưa?"
Trần Lâm Hổ đóng cửa chống trộm, nghe đến câu "chẳng ra gì" thì khóe miệng giật giật.
Bao nhiêu năm nay, Trần Lâm Hổ cảm thấy Trần Hưng Nghiệp luôn cố gắng đặt ra những câu hỏi không cần trả lời, và tất cả những câu hỏi đó Trần Lâm Hổ đều có thể dùng một tiếng "ừ" để khiến ông tức đến nhảy dựng.
"Câm rồi à? Biết nói không?" Trần Hưng Nghiệp lại nói, "Mày mà dám như hồi lớp 12 nữa... tao sẽ đánh gãy chân mày đấy biết không? Nghe thấy không?"
Lần này Trần Lâm Hổ đổi câu trả lời: "Gâu."
Trần Hưng Nghiệp tức đến nghẹn họng: "Mày thấy vui lắm hả?" Nhớ ra chuyện khác, ông mở miệng, "À phải rồi, mẹ mày có đi tiễn mày không?"
"Mẹ phải đi công tác." Trần Lâm Hổ đẩy vali vào phòng ngủ nhỏ, bật điều hòa.
Cái điều hòa cũ trong phòng đã phục vụ gần mười năm, khi hoạt động phát ra tiếng "ù ù" như muốn làm rung tróc cả vôi tường, giọng Trần Hưng Nghiệp trong tiếng ù ù đó cũng bớt chói tai đi.
"Bận trời bận đất, không có bà ấy trái đất không quay nữa à?" Giọng Trần Hưng Nghiệp lạnh tanh, "Thôi, nói nhiều vô ích, tự lo lấy thân mày đi. Mày đã trưởng thành rồi, đừng có suốt ngày lông bông nữa, chăm sóc ông nội mày tốt một chút."
Ngừng một lát, ông lại thêm một câu: "Tiền không đủ thì tao cho thêm."
Trần Lâm Hổ đợi một lúc, không nghe thấy Trần Hưng Nghiệp nói gì kiểu "Nếu mẹ mày không tiễn thì tao qua" hay giải pháp gì tương tự, chỉ nghe thấy tiếng "tách" khi điện thoại cúp máy.
Bây giờ là thời đại điện thoại thông minh rồi, cúp máy còn chẳng có tiếng tút tút nữa.
Loài người đã tiến hóa đến mức ngay cả câu "Tao bận" cũng không cần phải nói ra.
Vài phút sau, Trần Lâm Hổ nhận được một khoản chuyển khoản một nghìn tệ từ Trần Hưng Nghiệp trên WeChat.
Chỉ trong một buổi chiều ngắn ngủi, Trần Lâm Hổ đã kiếm được hai nghìn tệ.
Cậu nằm trên giường, trước tiên chuyển số tiền bố mẹ gửi vào một tài khoản riêng, rồi đăng một bài trên Moments có chặn bố mẹ: Đã nhận.
Trên Moments tràn ngập không khí cuồng nhiệt sau kỳ thi đại học, người vui mừng thì hát karaoke uống rượu tụ tập, người buồn bã thì im lặng không một tiếng động.
Chỉ có Trần Lâm Hổ kẹt giữa, có nhiều tiếng động hơn người buồn bã một chút, nhưng lại không nhiệt liệt như người vui mừng, ở trong một vùng rất phá mood.
Vài người bạn cấp ba đăng ảnh ngập trang, tất cả đều cùng một cảnh, Trần Lâm Hổ nhìn nửa ngày mới nhận ra hóa ra lớp tổ chức họp mặt, đã có hai phần ba số người đến, và đã tiến hành đến cuối buổi rồi, nếu không lướt Moments thì cậu hoàn toàn không biết chuyện này.
Cuộc sống lớp 12 của Trần Lâm Hổ trải qua trong binh đao loạn lạc, ngoài đánh nhau ra chỉ còn lại cơn đau đầu khi học toán nửa đêm, cùng với vị cà phê hòa tan trong phòng vẽ dường như vẫn còn đọng lại trên đầu lưỡi đến tận bây giờ.
Bắt đầu thì vội vàng, quá trình thì hỗn loạn, kết thúc thì... Trần Lâm Hổ ngẫm nghĩ một lúc, không nghĩ ra được một tính từ thích hợp.
Trên màn hình hiện thông báo, có người thả tim cho bài đăng Trần Lâm Hổ vừa đăng.
Chưa đầy nửa phút sau, tin nhắn riêng của người thả tim đã gửi đến.
[Đầu Trọc Tiệm Tạp Hóa: Ở đâu thế Hổ con! Ngày kia mời cô chủ nhiệm ăn cơm, đi không?]
[Đầu Trọc Tiệm Tạp Hóa: Mày thi vô đâu rồi? Bạn ngồi sau bàn ba năm trời, vậy mà một lời chẳng thèm để lại!]
Trần Lâm Hổ cuối cùng cũng nhoẻn miệng cười, ngón tay cậu khẽ chạm vào màn hình, bấm một dấu chấm vào ô nhắn tin.
Điện thoại rung lên, thằng bạn ngồi sau lưng gửi thêm mấy tin nhắn mới.
[Đầu Trọc Tiệm Tạp Hóa: Tao nghe ngóng rồi, thằng Chước Văn Tinh thi cũng tàm tạm, bình thường thôi.]
[Đầu Trọc Tiệm Tạp Hóa: Có đứa thấy nó về ký túc xý thu dọn đồ đạc, còn chào hỏi nữa chứ.]
[Đầu Trọc Tiệm Tạp Hóa: Mày đừng để bụng chuyện đó nữa. Tốt nghiệp rồi, sống tốt nhé.]
"Sống tốt nhé" là câu cửa miệng của thằng Đầu Trọc. Ba năm nay Trần Lâm Hổ nghe không biết bao nhiêu lần, chỉ nhìn ba chữ đó thôi mà như đã nghe thấy giọng nói quen thuộc vang lên sau lưng.
Thằng bạn ngồi sau chả quen thân gì với Chước Văn Tinh, vậy mà vì cậu mà nó còn đi dò la tin tức.
Trần Lâm Hổ ngần ngừ một giây, rồi gửi đi cái dấu chấm.
[Con Trùng Lớn:.]
[Con Trùng Lớn: Cảm ơn.]
Bên kia lập tức "teng teng teng" gửi tới hàng tá tin nhắn, phấn khích như thể muốn nhảy qua màn hình mà cắn Trần Lâm Hổ hai cái, hỏi cậu đang ở đâu rồi, rủ tối đi nhậu nướng, tuy đã tốt nghiệp nhưng đối phương vẫn lắm miệng như thường.
Trần Lâm Hổ kiên nhẫn đọc hết từng tin một, chẳng có cái nào cậu muốn trả lời, đành tắt màn hình ném điện thoại sang một bên.
Cái điện thoại rơi tõm vào chăn điều hòa trên giường, cái chăn mới cóng mà lão Trần mua cho cháu đích tôn mình, màu vàng non mơn mởn. Trần Lâm Hổ lúc này mới phát hiện trên chăn còn in hình một con hổ hoạt hình trông có vẻ không được thông minh cho lắm.
Không biết lúc mua ông có cố tình không nữa.
Cậu nắn nắn cái chăn một lúc, rồi quay đầu ngắm nghía căn phòng.
Cái bàn học trong phòng ngủ nhỏ là chuyển từ tầng hai xuống, đồ gỗ cũ kỹ, mua hồi Trần Lâm Hổ học lớp hai về nhà ông nội nghỉ hè, cậu từng gục mặt lên đó làm bài tập hai ba kỳ nghỉ đông và nghỉ hè.
Mặt bàn sơn màu nâu đỏ in đầy vết bút không tẩy được, góc bàn còn dán một miếng dán hình mèo vàng, trên đầu con mèo bị cậu hồi bé viết chữ "chúa tể" to đùng.
Trần Lâm Hổ ngày xưa mê mẩn cái tên siêu oách của mình, đến nỗi muốn nhận họ hàng với mấy chú hổ trong sở thú. Viết tên thì cố tình phóng to chữ "Hổ" lên, như thể muốn khoe khoang "Ta đây là chúa tể muôn loài". Mãi đến khi xảy ra vụ "Thú vương sa cơ" trong giờ học thành ngữ hồi tiểu học, cậu mới tỉnh ngộ, rồi bắt đầu cố che đậy quá khứ hổ thẹn đó.
Nào ngờ ông nội vẫn còn giữ mấy "tang chứng" của cậu trong phòng. Cảm giác xấu hổ lúc này chẳng khác gì hồi 30 tuổi lôi ra đọc trước đám đông cuốn tiểu thuyết mình viết năm 13 tuổi.
Đồ đạc trong phòng là do ba mẹ dẫn cậu và ông nội đi mua. Tranh dán tường là mẹ dỗ cậu mua. Còn cái trò viết chữ "chúa tể" lên đầu mèo là do ba cậu xúi.
Căn phòng này lưu giữ nguyên xi một góc ký ức của Trần Lâm Hổ, dù đã chuyển từ tầng hai xuống tầng một vẫn không thể xóa sạch.
Quá khứ không đáng nhớ lại, Trần quyết định hướng về tương lai.
Vừa đứng trước cửa sổ có dây leo bám nửa chừng, cậu đã thấy một sợi dây đang đung đưa bên ngoài, dưới treo một giỏ tre nhỏ, đang được kéo lên từ mảnh đất nhỏ dưới bệ cửa sổ.
Những "kỷ niệm đau thương" của Trần Lâm Hổ lập tức bị đẩy ra sau đầu, cậu ngơ ngác nhìn giỏ tre từ từ nhích lên trước mắt, thỉnh thoảng còn va vào thanh chắn cửa sổ. Cậu thậm chí còn nhìn rõ mấy hạt màu nâu bên trong.
Cậu từng thấy người ta cho mèo ăn ở gần phòng vẽ, trông cũng giống như thứ trong giỏ tre này.
Áp sát cửa sổ nhìn quanh, chẳng thấy bóng dáng mèo chó đâu, chỉ có cái giỏ tre vẫn đung đưa kéo lên, ngang nhiên lướt qua mặt cậu.
Tốc độ lười biếng này toát lên vẻ "Ông Khương Thái Công cho thú hoang ăn, thích thì ăn không thì thôi".
Không những thế, vị Khương Thái Công này còn lười đến mức cho ăn mà chẳng thèm ra ngoài, chỉ dùng mỗi sợi dây.
"Cầu kỳ nhỉ." Trần Lâm Hổ cười, ngồi lại giường nhìn cái giỏ tre.
Bầu trời ngoài cửa sổ dần chuyển sang màu cam ấm áp, cậu nhớ lại câu nói của Trương Huấn trước khi đi "Cậu cũng nghỉ ngơi đi, trông mệt lắm rồi đấy". Toàn thân cậu như bị xì hơi, đổ xuống giường, chỉ hai giây đã ngủ thiếp đi.
Khi mở mắt ra lần nữa, bên ngoài đã tối om.
Đèn bếp sáng lên, tiếng xào nấu cùng mùi cơm thơm phức xua tan chút buồn ngủ còn sót lại của Trần Lâm Hổ.
Lão Trần đang cầm chảo xào cơm, thấy Trần Lâm Hổ tỉnh dậy đi tới, liền gọi to: "Dậy rồi à? Đúng lúc, rửa mặt đi rồi bưng cơm!"
"Để con múc cho," Trần Lâm Hổ liếc nhìn cái chảo sắt trong tay ông, chỉ nhìn thôi đã thấy nặng, "Ông ngồi đó đợi một chút."
"Gì cơ? Nói to lên!" Lão Trần không nghe rõ, gạt tay cháu mình ra, "Vướng víu quá, tránh ra coi."
Nói xong không đợi Trần Lâm Hổ tiếp tay, ông đã nhanh nhẹn tắt bếp, xoay người bưng chảo, chia đều vào đĩa, rồi mới vứt chảo vào bồn rửa, vừa lau tay vừa quay đầu hỏi: "Nãy mày nói gì?"
Lão Trần xua Trần Lâm Hổ đi rửa mặt: "Thằng này ngủ đến mụ mẫm rồi, ông còn trẻ trung sung sức lắm, chỉ là trông già thôi."
""Trẻ trung" của ông cũng hơi lâu rồi đấy." Trần Lâm Hổ ở trong nhà vệ sinh vọng ra.
"Mày biết cái gì," ông nội cũng gọi to, "Người ta chưa chết thì chưa già!"
Tài "nói một đằng đáp một nẻo" của ông nội chẳng những không thoái trào theo tuổi tác mà còn tiến bộ vượt bậc. Trần Lâm Hổ như cái bình hồ lô bị cưa mất miệng, chỉ biết nghe ông nội thao thao bất tuyệt về chuyện dưỡng sinh.
"Lấy cơm chiên làm ví dụ nhé, chỉ chiên mỗi trứng thì làm gì có dinh dưỡng, làm gì có sức khỏe," ông nội xúc một muỗng cơm, đắc ý nói, "Phải kết hợp rau củ chứ, nhìn cà chua này này, vừa bổ vừa ngon, ông còn thêm dưa chuột xắt hạt lựu chiên cùng, tuy gạo là cơm nguội hôm qua, nhưng chiên xong mùi vị ngon tuyệt."
Trần Lâm Hổ dưới ánh mắt thúc giục của ông nội, xúc một miếng cơm.
Cơm nguội nên hạt rời, trứng chiên rất mềm, dưa chuột giòn tan, cà chua chiên thành dạng sốt, vị chua ngọt làm tan biến độ ngấy của cơm chiên, ăn xong miếng đầu liền xúc ngay miếng thứ hai.
"Thế nào?" Lão Trần ngóng cổ nhìn cậu.
Trần Lâm Hổ "dạ" một tiếng, nhớ ra ông nội nghe không rõ, cái đầu đang cúi xuống bát cơm lại gật gật thêm mấy cái.
"Ngon chứ?" Lão Trần cười toe toét, xúc một muỗng ớt đỏ bỏ vào bát cơm của mình. "Biết mày thích ăn cà chua xào mềm nên đặc biệt xào kỹ đấy."
Trần Lâm Hổ không kén ăn, thích hay không thích gì cũng nuốt trôi. Cũng chẳng biết từ bao giờ lão Trần nhặt nhạnh được mấy cái sở thích lặt vặt của cậu, ngay cả Lâm Hồng Ngọc và Trần Hưng Nghiệp chưa chắc đã biết.
"Không phải nhà mình có thuê người nấu ăn dọn dẹp sao?" Trần Lâm Hổ gắp một hạt cơm rơi trên bàn bỏ lại vào bát, ăn cẩn thận hơn chút. "Sao ông phải tự làm?"
Lão Trần khinh khỉnh: "Bố mày toàn phí tiền. Quét nhà nấu cơm có gì đâu mà cần phải nhờ người hầu hạ?"
"Ông 71 tuổi rồi," Trần Lâm Hổ lần này không xuôi theo lời lão Trần, khóe miệng cụp xuống, "Đun nước còn không nghe tiếng ấm sôi, ông bảo cần hay không cần?"
Lão Trần bị chọc đúng điểm yếu, định nổi cáu, nhưng thấy vẻ mặt Trần Lâm Hổ có vẻ nghiêm nghị, vội vàng nói: "Cũng không phải đuổi việc người ta đâu, ông chỉ bảo người ta thứ Hai - Tư - Sáu mới đến thôi, người ta cũng cần nghỉ ngơi chứ? Phải biết dùng người khoa học! Hơn nữa ông cũng phải làm việc chứ, có tiền rồi đâu thể ngồi không như bọn địa chủ tư bản được?"
Vẻ mặt Trần Lâm Hổ dịu đi một chút.
"Nhìn cái mặt mày kìa, y hệt bố mày, đổi sắc mặt nhanh như chớp," lão Trần lải nhải không ngừng, "Đều là mặt giống chó cả."
Trần Lâm Hổ chưa kịp đáp lời, ông đã đổi giọng: "Không đúng, ba mày mặt chó, còn mày là tướng hổ!"
May mà Trần Hưng Nghiệp lúc này không có mặt, không thì hai cha con đã cãi nhau um tỏi rồi.
Trần Hưng Nghiệp và lão Trần không phải tình cảm không tốt, bình thường cũng nhớ nhung nhau, chỉ là nói chuyện không hợp, hai ba câu là có thể chửi nhau, chủ yếu là Trần Hưng Nghiệp còn cãi không lại, chỉ có thể bị mắng một chiều, tức đến nỗi tay cầm thuốc run bần bật, suýt nữa bị Parkinson trước cả lão Trần.
Nghe ông nội chửi ba mình, Trần Lâm Hổ không những không thấy khó chịu, ngược lại còn gật đầu, còn gắp một đũa rau cải bỏ vào bát lão Trần để tỏ ý đồng tình.
"Sao lần này bố mày không đến?" Lão Trần lại hỏi, "Mẹ mày cũng không đến, để mày tự đi xe một mình à?"
Trần Lâm Hổ gật đầu: "Bận."
"Bận?" Lão Trần nhướn mày, cao giọng: "Bận mà có thấy hai người họ bớt cãi nhau đâu, con cái đi học đại học mà bận đến mức không có thời gian tiễn à? Hay là hai người lại cãi nhau xem ai đưa ai không đưa rồi?"
"Không, mẹ con phải đi công tác," Trần Lâm Hổ nhạt nhẽo cất lời, "Ba con thì không rảnh, Trần Đồng bị cảm, mấy ngày nay ba con với cô Dương thay phiên nhau đưa đi bệnh viện."
Lão Trần ngừng động tác ăn, liếc nhanh Trần Lâm Hổ một cái.
Trần Hưng Nghiệp và Lâm Hồng Ngọc ly hôn năm Trần Lâm Hổ học lớp 7. Hai năm sau khi tái hôn, Trần Đồng được sinh ra, là em trai cùng cha khác mẹ của Trần Lâm Hổ, còn nhỏ tuổi, hơi yếu ớt, thường hay ốm, lão Trần chưa gặp mấy lần, chỉ thường nghe Trần Hưng Nghiệp nhắc đến.
"Trẻ con bị cảm phải chú ý, thôi để ba mày bận đi." Lão Trần ho một tiếng, "Chứ không lại tưởng đứa nào cũng như mày, khỏe re, cho ăn gì cũng ăn, từ bé đã không phải nhọc lòng."
Trần Lâm Hổ cười cười không nói gì, nhưng trong lòng lại nghĩ hồi cậu đánh nhau ở mẫu giáo, Trần Hưng Nghiệp với Lâm Hồng Ngọc cũng lo lắng đâu ít.
Ăn xong bữa cơm, Trần Lâm Hổ rửa bát xong, dưới sự thúc giục của lão Trần, lấy ra cái radio bluetooth mua cho lão Trần.
Lão Trần tuổi không nhỏ, nhưng cái tâm thích đuổi theo mốt chẳng hề thay đổi. Hồi trẻ ông thường mặc quần ống loe áo da, tóc đánh keo bóng lộn, điểm thứ hai cũng chẳng thay đổi, đầu ông lão bây giờ vẫn sáng bóng.
Năm điện thoại thông minh ra đời, lão Trần đã bắt kịp bước tiến của thời đại, mấy cái khó quá thì chịu, nhưng WeChat đánh bài, lướt video vẫn được, không ít lần gửi mấy cái bài viết rác kiểu "Trẻ tuổi đã hói đầu, chỉ vì ăn thứ này" cho Trần Hưng Nghiệp, chuyên chọc tức con trai mình.
Trần Lâm Hổ giải thích kỹ cho lão Trần cách dùng radio, ông cũng hiểu được đại khái, vừa đeo kính lão vừa kết nối bluetooth với điện thoại vừa lải nhải: "À phải rồi, trước khi mày đến, ba mày có gọi điện, đặc biệt dặn ông phải để ý mày nhiều hơn, nói mày lớp 12 lông bông lắm, bảo để ý xem mày có bạn gái chưa, có thì nói cho nó biết, còn không cho ông nói với mày. Rốt cuộc hai cha con xảy ra chuyện gì thế?"
Trần Lâm Hổ nhướn mày: "Không phải không cho ông nói với con à?" Sao ông đã khai hết ra rồi?
"Xùy, ông không thân với nó," Lão Trần xua tay, "Nó chán ngắt, ông thân với mày hơn."
Trần Lâm Hổ biết Trần Hưng Nghiệp có ý gì. Từ khi lớp 12 cậu bị đánh trúng đuôi mày, hiếm khi Trần Hưng Nghiệp lái xe đón cậu về nhà, có vài chuyện cứ như cái xương cá mắc trong cổ họng Trần Hưng Nghiệp vậy.
"Không có gì," giọng Trần Lâm Hổ bình thản, "Chỉ là không đỗ mấy trường đại học ông ấy định sẵn, làm ông ấy mất mặt thôi."
Thấy lão Trần có vẻ không nghe rõ, Trần Lâm Hổ bỗng hét lớn một tiếng: "Con thi trượt rồi!"
Cậu đã muốn nói từ lúc chiều, khi lão Trần khoe với người khác về thành tích của cậu, nhưng vẫn không nói ra được.
Bốn chữ nói lên sự thật này sẽ khiến Trần Hưng Nghiệp nổi giận đùng đùng, khiến Lâm Hồng Ngọc lo lắng sốt ruột, còn Trần Lâm Hổ vẫn chưa nghĩ ra nó sẽ ảnh hưởng đến mình thế nào.
Chỉ đến khi nhận được giấy báo nhập học, cậu mới nhận ra đây có lẽ là bản tổng kết cho hơn chục năm học hành của mình.
Bản tổng kết là, cậu khiến Trần Hưng Nghiệp nổi giận đùng đùng, khiến Lâm Hồng Ngọc lo lắng sốt ruột, tạm thời chưa biết sẽ khiến lão Trần thế nào.
Lão Trần sửng sốt một lúc, vỗ "bốp" một cái vào lưng Trần Lâm Hổ: "Ông mày chưa có điếc!"
Trần Lâm Hổ há hốc mồm, nửa ngày mới ú ớ được mấy chữ: "Vậy để con nói nhỏ lại."
Chút cảm xúc vừa mới nhen nhóm trong lòng chưa kịp nắm bắt để thưởng thức kỹ, đã bị một cái vỗ của lão Trần đánh tan tác.
Cái radio tuy nhỏ xinh nhưng âm lượng lại siêu to, lão Trần vỗ xong cháu mình, tiện tay bấm nút phát, một tiếng "Đậu Nhĩ Đôn mặt xanh trộm ngựa" suýt nữa thổi tung cả mái nhà, ông cháu vội vàng hợp lực tắt nó đi.
"Tiếng to khiếp. Đêm hôm ông đừng mở rùm beng vậy." Trần Lâm Hổ nói.
"Âm lượng này đủ cho ông nghe rồi," lão Trần cười không khép được miệng, "Ban ngày ông sẽ dùng để nghe nhạc! Ông mày không chỉ nghe kịch đâu, ông thời thượng hơn mấy lão già hàng xóm nhiều, ông thường nghe nhạc pop!"
Trần Lâm Hổ thật sự không ngờ tới: "Nhạc pop gì cơ?"
"Thứ mà tụi mày thường nghe đấy," Lão Trần ôm cái radio quý như vàng, vỗ đùi đứng dậy, "Thôi không nói nhảm nữa, tối nay ông còn hẹn đánh bài chắn. Mày nhìn cái phòng lộn xộn này đi, mau dọn dẹp ngay."
Vali mở toang hoác, quần áo, mấy cuốn sách với cái laptop nằm ngổn ngang bên cạnh.
Lão Trần liếc qua vài cái, cúi xuống nhặt cái áo len dày: "Sao mày nhét đủ thứ quần áo bốn mùa vào vali thế? Cái này nữa, năm lớp 9 mày về đây ăn Tết mặc cái này phải không? Còn vừa à?"
Ông cầm cái áo so với người Trần Lâm Hổ, chỉ riêng cái tay áo đã ngắn cũn cỡn.
"Vẫn còn tâm hồn trẻ thơ à? Sao không mang cả cái ti giả đi?" Lão Trần cười ha hả, "Mày thu dọn hành lý kiểu gì thế?"
Trần Lâm Hổ ngồi trên giường im thin thít, lôi ra hai cái áo sơ mi cũ mèm để sang một bên, rồi móc ra chai nước hoa bưởi, cuối cùng lục lọi tận đáy vali ra được hộp phấn rôm.
Nhìn hộp phấn rôm trên tay, Trần Lâm Hổ ngạc nhiên vì Lâm Hồng Ngọc còn nhớ nhà có người hay bị mẩn ngứa, chỉ có điều nhớ nhầm người, Trần Lâm Hổ chưa bao giờ bị mẩn ngứa cả, từ bé đến lớn cậu đã rắn rỏi, bố mẹ chẳng cần lo lắng nhiều.
"Mày mang theo mấy thứ đồ linh tinh gì không vậy?" Lão Trần cũng nhận ra có gì đó không ổn, "Ai thu dọn cho mày thế? Tưởng nhà ông mày là trại cải tạo à, nước hoa bưởi cũng phải tự mang theo."
"Cho ông này," Trần Lâm Hổ nhét chai nước hoa bưởi vào tay Lão Trần, "Ông dùng làm nước hoa đi."
"Cút ngay." Lão Trần vỗ một cái vào trán cậu.
Trần Lâm Hổ nghiêng đầu, không để ông chạm vào thái dương, cái vỗ đập vào vai.
"Cứ dùng đi," Trần Lâm Hổ tiếp tục thu dọn hành lý với vẻ mặt vô cảm, "Lúc nhảy đầm ngoài quảng trường thì xịt vào, mấy bà già thích lắm đấy."
"Mấy bà già còn có gu hơn mày." Lão Trần ôm cái radio quý báu đi ra khỏi phòng ngủ nhỏ, đứng ở cửa nhìn Trần Lâm Hổ một lúc, rồi mới lên tiếng, "Hổ à, phải vui vẻ lên nhé, mày đã đỗ đại học rồi đấy."
Trần Lâm Hổ không biết mình nên có biểu cảm gì, chỉ "dạ" một tiếng.
"Ngày mai đừng có ngủ nướng nhé, ông đã gọi bữa sáng rồi, có người mang đến," Lão Trần vui vẻ ôm cái radio, vứt lại một câu, "Dám ngủ nướng, ông sẽ lấy loa điện oanh tạc mày."
Trần Lâm Hổ tắm xong nằm lại trên giường, mới ngẫm ra "loa điện" mà ông nói chính là cái radio.
Lão Trần quả nhiên là người khó hiểu nhất nhà cậu.
Ngày hôm nay trôi qua lộn xộn, vết thương Trần Lâm Hổ bị xước khi bắt tên móc túi sưng phồng lên khi tắm, nhói nhói đau đau. Cậu không ngủ được, lôi laptop ra định lên mạng chơi game một lúc, bật máy mới nhớ ra nhà lão Trần không có mạng.
Cái điều hòa cũ kỹ trên đầu kêu o o như cái loa rè, nhiệt độ cũng chẳng hạ được bao nhiêu, Trần Lâm Hổ bực bội click lung tung, vô thức tìm kiếm WiFi xung quanh.
Cái đầu tiên hiện ra là một hàng chữ to đùng: Bé Hổ không tắm.
Trần Lâm Hổ giật mình, sờ mái tóc vừa gội xong còn đang nhỏ nước của mình.
Nói bậy.
..
"Ông bớt nói bậy đi," Giọng Đoạn Kiều vang lên từ điện thoại, la toáng lên, "Làm gì có chuyện trùng hợp đến thế!"
Trương Huấn nghiêng đầu kẹp điện thoại bằng vai, tay vẫn không ngừng pha cà phê, cười nói: "Đúng là trùng hợp thế đấy, bây giờ tôi giậm chân ở tầng trên một cái, đầu vị ân nhân nhỏ của ông sẽ có thêm mảnh vôi rơi xuống từ trần nhà đấy."
"Thôi đi, thế thì thiếu đức quá." Đoạn Kiều vội ngăn cản, cảm thán, "Duyên số quả thật huyền diệu khó lường nha, ông nói xem ân nhân nhỏ với lão Trần trông chả giống nhau tí nào, làm sao lại là ông cháu được nhỉ?"
Trần Lâm Hổ đẹp trai chuẩn men, còn lão Trần thì cười híp mắt, lại còn mặt tròn vo.
"Chuyện ngoại hình ai mà nói trước được," Cổ chân Trương Huấn bị một thứ xù xì cọ qua cọ lại, cúi đầu nhìn, con mèo tam thể to đùng anh nuôi đang sốt ruột dùng thân hình tròn vo húc anh, "Cúp máy đây, không cho nhóc Hổ ăn lát nó sẽ gặm chân tôi mất."
Đầu dây bên kia Đoạn Kiều "khoan khoan khoan" vài tiếng, ấp úng nửa ngày, mới lấp bấp nói: "Ông có liên lạc với gia đình không?"
Tay Trương Huấn vuốt ve đầu mèo khựng lại: "Sao thế?"
"À thì, không biết Trương Thành lấy số điện thoại của tôi ở đâu." Đoạn Kiều hơi ngượng ngùng, nhưng kiên quyết tỏ ra nghe lệnh, "Tôi không có nói gì đâu nhé, tôi còn chưa nói ông ở đây nữa, anh ta tưởng tôi biết nên mới hỏi tôi. Nên tôi mới hỏi xem tình hình thế nào?"
Trương Huấn chuyển đến thành phố Bảo Tượng cũng gần nửa năm rồi, Đoạn Kiều chưa bao giờ hỏi kỹ lý do anh đến đây như chạy nạn.
Hai người là bạn từ cấp hai, không đến mức "tiểu chung một hố", nhưng "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" thì vẫn có thể lột tả hết tình bạn cách mạng của họ. Chính vì điểm này, Đoạn Kiều đã thu nhận con chó lạc đàn Trương Huấn, chưa từng hỏi anh lăn lộn ở đâu mà dính một thân bùn như thế.
"Anh ta có việc gì?" Trương Huấn ra khỏi bếp, ngồi xổm trước thùng thức ăn cho mèo, xúc một muỗng đổ vào bát, con mèo nhảy đến trước bát ăn như một quả bóng thép nhỏ.
"Năm ngoái Tết ông không về mà," Đoạn Kiều nói khẽ, "Biết hai đứa mình chơi thân, tưởng ông đang ở chỗ tôi, hỏi xem năm nay ông có về không... Nói bố ông bảo, chỉ cần ông chịu sửa cái tật đó, cả nhà vẫn chào đón ông."
Trương Huấn vớ cái bật lửa trên bàn, bật lên châm thuốc, ậm ừ: "Được, tôi biết rồi, ông đừng để ý là được, cứ bảo là không biết tôi ở đâu."
"Tôi là người kín như bưng!" Đoạn Kiều cam đoan, không hỏi "cái tật" cụ thể là gì, chỉ ngập ngừng một lúc, "Này, có chuyện gì cứ nói, đừng nén nhé, lỡ nén ra bệnh tôi còn phải chăm sóc ông... Hút ít thuốc thôi, sao cứ nhắc đến anh của ông với gia đình là hút thuốc vậy, có phải thứ tốt gì đâu? Ông xem, vừa nói ông vài câu đã im re, bất hợp tác bất bạo động là không được đâu-"
Trương Huấn cười, kẹp điếu thuốc hút được hai hơi giữa hai ngón tay, ngắt lời bài diễn thuyết vô nghĩa của Đoạn Kiều để xoa dịu sự ngượng ngùng của anh: "Để hôm khác tôi giải thích cho ông chuyện gì đã xảy ra nhé? Tối nay tôi phải chia bài rồi."
Tiếng lải nhải của Đoạn Kiều ngừng lại, vài giây sau, dứt khoát nói: "Được." Lại thêm một câu, "Nói trước nhé, để xem nên vừa ăn đồ nướng vừa nói hay vừa lẩu vừa nói."
"Không có gì bỏ mồm nên thấy miệng rảnh chứ gì." Trương Huấn thở dài ngao ngán.
Anh biết Đoạn Kiều lo lắng cho mình, nhưng lại sợ anh khó xử, nên nhịn không hỏi han gì, nhịn suốt nửa năm, một tay lắm chuyện mà nhịn đến đầu to cổ phình, nửa năm lại tăng bảy tám cân.
Trương Huấn nhe răng cười: "Thôi được rồi, nhóc Hổ sắp ăn xong cơm rồi, tôi cúp máy đây."
"Nhắn giúp tôi lời cảm ơn đến cậu chủ nhà trẻ tuổi của ông nhé," Đoạn Kiều nghe đến "nhóc Hổ" liền nhớ đến chàng trai trẻ măng đầy sức sống hồi chiều, "Lúc nào rảnh tôi sẽ đến tận nơi cảm ơn."
Trong đầu Trương Huấn hiện lên gương mặt có vết sẹo ở đuôi mày của Trần Lâm Hổ, nhớ lại vẻ mặt khó chịu của đối phương khi nghe người bên kia đầu dây mắng mỏ, vậy mà chẳng giải thích hay than vãn lời nào. Bình tĩnh, lạnh nhạt, chẳng hợp với tuổi chút nào.
"Thôi bỏ đi," Trương Huấn nói, "Ông đối phó không nổi với kiểu người như ân nhân nhỏ của ông đâu."
Đoạn Kiều tò mò: "Sao thế? Kiểu người gì?"
"Già trước tuổi," Trương Huấn nói, nhớ lại vẻ mặt căng thẳng của Trần Lâm Hổ khi bị lão Trần vỗ lưng, bèn cười khẩy, thêm một câu đểu giả, "Ông cụ non."
"Nói bậy, người ta đẹp trai như sao nhí ấy," Đoạn Kiều kiên quyết không cho phép Trương Huấn dùng mấy từ đó để miêu tả ân nhân của mình, "Ông nhớ chuyển lời hộ đấy."
"Ngày mai tôi chuyển cho," Trương Huấn đứng dậy, dụi tắt điếu thuốc vào gạt tàn, "Ngày mai tôi còn phải chịu thua trận, đi cống nạp cho chủ nhà đây."