Mùa mưa sắp kết thúc, mặt trời đã khuất từ lâu nay lại lộ diện, kéo theo nhiệt độ đột ngột tăng cao, chiếu lên mi mắt có chút nong nóng và chói mắt. Chúng tôi đứng ở sảnh chung cư, Phó Dư Dã đột nhiên hỏi tôi: "Anh, anh nghĩ em nên cài cúc lại hay là không cài?"
Hôm nay cậu ấy mặc một áo sơ mi trắng, tay áo xắn đến tận cổ tay, thật giống giới thượng lưu trong văn phòng, tôi hỏi: "Em không nóng à?"
Tôi chỉ mặc một chiếc áo phông đơn giản, nhìn cậu ấy ăn mặc trịnh trọng như đang đi phỏng vấn, tôi vỗ vai cậu ấy, "Em đừng lo lắng quá, không phải đi phỏng vấn xin việc đâu mà."
Cậu khẽ thở dài, nói: "Đi phỏng vấn còn dễ hơn."
Cậu ấy nói như thể đi gặp mặt ba mẹ tôi là đi đối mặt với đại hồng thủy vậy.
Tôi bế Tiểu Sư ra khỏi xe, dặn dò thằng bé khi gặp ba mẹ tôi thì phải gọi ông gọi bà, nhớ phải ngoan.
Thằng bé ngoan ngoãn đồng ý. Sau đó đi nhìn Phó Dư Dã đang bưng quà cáp ở phía sau, nói: "Ba đi chậm một xíu, chờ ba Tiêu Dã."
Phó Dư Dã đi theo sau vài bước, khuôn mặt vô cùng bình tĩnh.
Tôi thấy cậu ấy mỉm cười với tôi, một nụ cười như đã tập luyện từ trước rất lâu.
Cuối cùng tôi buồn cười đi đến xoa mặt nắn má cậu ấy một hồi.
Sau khi để tôi tùy ý nhéo nhéo xoa xoa khuôn mặt, da mặt cậu ấy hơi ửng đỏ, bất lực nhìn tôi.
"Em yên tâm, khuôn mặt đẹp trai của em không bị lãng phí đâu, mẹ anh có ấn tượng rất tốt với em. Còn ba anh, dù là nhà khảo cổ chuyên nghiên cứu về những thứ không còn sự sống nữa, nhưng dù sao cũng là con người, cũng biết phân biệt người tốt người xấu mà, phải không nè?"
Cậu khẽ mỉm cười, nói, "Em vẫn nên cài cúc lại thì hơn."
Tôi:......
Tôi gõ cửa hai cái, mẹ tôi ra mở cửa, máy hút khói trong bếp đang bật, trong phòng có thể ngửi thấy mùi thức ăn.
Mẹ tôi thấy chúng tôi đến, bảo chúng tôi mau vào nhà.
"Con chào bác."
Phó Dư Dã khom lưng, đặt mấy món quà sang một bên.
Mẹ tôi mang dép đến cho cậu ấy: "Bác mới mua hai ngày trước, không biết có vừa với con không."
Phó Dư Dã lễ phép nhận lấy, mang vào, rất vừa vặn. Mẹ tôi lại hỏi qua tôi.
Thấy mình bị phớt lờ, Tiểu Sư hỏi: "Bà ơi, có dép cho con hông ạ?"
Khuôn mặt mẹ tôi hiện rõ vẻ vui vẻ khi được Tiểu Sư gọi là bà, nói: "Có chứ, con xem có vừa không?"
Mẹ tôi đưa đôi dép cho tôi: "Lăng Lăng, con thay dép cho thằng bé đi, mẹ đi gọi ba con."
Mẹ nháy mắt với tôi rồi đi vào.
Mặc dù tôi không hiểu cái nháy mắt đó có ý nghĩa gì.
Chúng tôi ngồi trong phòng khách, tôi rót hai ly nước.
Mẹ tôi đi gọi ba tôi, rồi lại đi vào bếp, chuẩn bị một đ ĩa trái cây, bưng ra cho Tiểu Sư. Tôi cũng hỏi thằng bé có muốn xem phim hoạt hình không.
Tiểu Sư rất ngoan ngoãn trả lời, sau đó nói: "Con cảm ơn bà ạ."
Ba tôi cũng đi ra ngoài, Tiểu Sư đang xem phim hoạt hình, tôi chào ba tôi một tiếng, sau đó Phó Dư Dã cũng đứng dậy, chào ba tôi một tiếng bác trai.
Ba tôi nhìn qua tôi, lại nhìn Phó Dư Dã, ánh mắt cuối cùng dừng lại trên người Tiểu Sư đang mải mê xem hoạt hình.
Tôi kéo Tiểu Sư để thằng bé nhìn qua, dặn dò: "Chào ông đi con."
Tiểu Sư phản ứng lại rất nhanh, lập tức nhìn qua chỗ ba tôi đang đứng, nhanh nhảu lớn tiếng chào ba tôi: "Con chào ông ạ!"
Giọng nói trẻ con của thằng bé làm mẹ tôi đang ở trong bếp cũng nghe thấy, bà nghiêng người ra, nói: "Ông đứng đây làm gì, lại đây giúp tôi rửa đồ ăn."
"Mẹ, để con làm cho." Tôi định đi tới.
Mẹ tôi liếc tôi một cái rồi nói: "Ngồi đó tiếp khách đi."
Sau đó tự bà đi ra kéo ba tôi vào.
Tôi có chút hơi lo lắng nên đi theo, muốn xem trong bếp trong đang có chuyện gì thì nghe thấy mẹ tôi mắng ba tôi: "Ông không được làm gì sai nữa đâu đấy, khó lắm Lăng Lăng mới về, không cho ông lại đuổi thằng bé đi."
"Biết rồi, biết rồi, bà chưa cho muối vào bông cải này." Ba tôi nhắc mẹ tôi.
Tay mẹ tôi hơi run, bỏ vào nửa muỗng muối, rồi lại vội vàng vớt bớt muối ra.
Nói: "Cậu bạn kia của Lăng Lăng còn điều bác sĩ qua làm phẫu thuật cho ông, ông đừng làm khó người ta đấy. Mặc dù người ta không nhắc đến chuyện người ta đã làm nhưng chúng ta cũng không thể được hưởng lợi mà giả vờ như không biết."
"Được rồi được rồi, tôi biết rồi, nhưng mà được lợi gì chứ, con trai tôi bị người ta lấy đi mất rồi, tôi thấy người ta mới chính người là được lợi... "
Nghe đến đây, mẹ tôi hơi khựng lại, dọn đồ ăn ra bàn rồi lấy ngón tay chọc chọc ba tôi, giọng nói mang theo chút ý đùa: "Ông nói ông là giáo sư đại học mà sao ăn nói nghe quê mùa thế, được rồi, ông dọn đồ ăn ra đi."
Tôi vội vàng giẫm hai lần xuống đất, làm bộ như vừa mới đi tới, nói: "Mẹ, để con giúp mẹ."
Ba tôi nhìn thấy tôi liền đưa cho tôi bát bông cải xanh: "Ở đây không cần con phải lo, ra ngoài ngồi đi."
"Ba con nói đúng đó, lát nữa con muốn uống gì? Trong nhà có sữa, có nước cam, con muốn uống gì khác thì đi mua, siêu thị ở ngay tầng trệt, con có nhớ rõ không..."
"Nước cam là được rồi mẹ. Con với cậu ấy không uống."
Mẹ tôi nhìn tôi trách móc: "Sao mà được? Vậy hai đứa uống rượu không? Ở nhà có vang đỏ, vang trắng..."
"Cậu ấy còn phải lái xe nữa mẹ, bọn con thật sự không uống rượu."
Khi tôi nhìn thấy con cá trên thớt, tôi vội chuyển chủ đề: "Lát nữa mẹ nấu món cá ạ?"
"Ừ, mẹ nấu món cá kho mà con thích."
"Dạ, lâu rồi con chưa được ăn."
Chưa nói được mấy câu, tôi đã bị mẹ đuổi ra khỏi bếp. Sau khi tất cả các món ăn được dọn ra, mọi người cùng vào bàn dùng bữa.
Mẹ tôi rất chăm sóc cho Tiểu Sư, có lẽ người lớn nào khi nhìn thấy trẻ con cũng đều như vậy cả.
Ăn món nào cũng phải chú ý một chút, tự nhiên cũng bao gồm Phó Dư Dã đang ngồi ở bên cạnh.
Mẹ tôi khách khí bảo cậu ấy ăn nhiều lên, nhưng bà không thể cầm đũa gắp thức ăn vào bát cậu ấy, Phó Dư Dã luôn gật đầu, rồi lại ăn hết miếng này đến miếng khác.
Động tác ăn uống của cậu ấy rất ưu nhã, cũng rất sạch sẽ. Cậu ấy cũng ưa nhìn, tôi cảm thấy độ hảo cảm của mẹ tôi dành cho cậu cũng tăng lên nhờ vào khuôn mặt đẹp cùng sự lễ phép của cậu ấy.
Tôi gắp một miếng cá cho ba, ba tôi nói: "Mẹ con làm món này cho con, ba chỉ được ăn miếng mà mẹ con gắp cho..."
Mẹ tôi nghe vậy liền nói: "Con trai gắp cho ông thì ông ăn đi, nói nhiều vậy làm gì, không sợ bị hóc xương cá à."
Thấy bầu không khí như sắp bùng cháy, Tiểu Sư rất đúng lúc xen vào: "Ông lợi hại lắm, sẽ hông bị hóc xương cá đâu."
Mẹ tôi nghe xong liền cười nói: "Ông con không lợi hại chút nào."
Tiểu Sư nhìn mẹ tôi với đôi mắt to chân thành, rồi nhìn ba: "Ông là giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực khảo cổ học, con đọc được trong sách đó, ông thật tuyệt vời. Ông đã khai quật được rất nhiều thứ."
Mẹ tôi bật cười chỉ với những lời của trẻ con, nhưng ba tôi lại nghiêm túc lắng nghe, hỏi: "Con đọc cuốn sách nào?"
Tiểu Sư suy nghĩ một lúc,nói, "Phân tích, xác định và bảo vệ khoa học các di tích văn hóa Trung Quốc."
Tôi chưa từng nghe thấy tên sách này bao giờ nên nghi ngờ nhìn Phó Dư Dã.
Ba tôi hỏi: "Sao con lại chọn đọc cuốn sách này?"
Tiểu Sư ngây ngô cười đáp: "Cọn cảm thấy thú vị lắm ạ, những bình hoa kia thật đẹp."
Ba tôi muốn tiếp tục hỏi, nhưng mẹ ngăn lại: "Được rồi, mau ăn cơm đi, con ăn thử món thịt bò bà làm xem."
Tôi vừa định nhắc nhở mẹ tôi rằng Tiểu Sư không thích ăn thịt bò, đút thịt bò cho thằng bé thằng bé sẽ nhè ra không ăn.
Nhưng không ngờ thằng bé lại ngoan ngoãn ăn miếng thịt bò mẹ tôi gắp cho, miệng nhai nhai, sau đó dừng lại một chút, tôi còn tưởng thằng bé muốn nhè ra, suýt nữa đưa tay ra trước miệng thằng bé, không ngờ thằng bé lại nuốt xuống rồi nói: "Dạ thịt bò ngon lắm ạ."
...
Tôi làm bộ như không biết thằng bé đang diễn sâu trước mặt mẹ tôi.
Mẹ tôi thì lại vui vẻ đến mức rạng rỡ hẳn lên.
Sau khi ăn xong, Tiểu Sư lại chủ động hỏi ba tôi tại sao chiếc bình lại mất đi dáng vẻ ban đầu khi nó được đào lên.
Sau đó, ba tôi liền cố gắng giải thích cho thằng bé một cách dễ hiểu nhất nhưng vẫn đứng trên góc độ chuyên môn.
Phó Dư Dã và tôi lên ban công hóng gió.
Tôi hỏi cậu ấy: "Quyển sách phân tích, xác định gì đó, em cho thằng bé đọc à?"
Cậu ấy chỉ cười không nói gì.
Tôi bỗng có cảm giác mình đang bị lừa đến xoay vòng vòng.
"Em cười gì? Sao anh cứ có cảm giác hai cha con em giấu anh làm cái gì đó thế?"
Cậu ấy lắc đầu, tôi nghe tiếng mẹ gọi tôi.
Mẹ tôi đưa tôi vào phòng, hỏi: "Đêm nay con có ở lại rồi mai về không?"
Tôi lắc đầu, "Bọn con thuê khách sạn."
"Sao lại ở khách sạn? Mẹ giặt giũ gối mền cho con hết rồi."
Mẹ cho tôi xem hai chiếc chăn và hai chiếc gối nằm được xếp gọn gàng trên giường.
"Dạ không phải đâu mẹ, tại giường nhỏ quá nên bọn con không ngủ được."
"Phòng làm việc của ba con có một chiếc giường gấp, con đem qua cho thằng bé nằm."
"...Con cảm thấy hơi phiền, không cần đâu mẹ, để bọn con đi ở khách sạn."
"Ngày mai con không phải đi làm nhưng cậu ấy thì sao?"
"Ngày mai cậu ấy cũng không có việc." Tôi nói.
Mẹ tôi nghiêm túc nhìn tôi, hỏi: "Vậy chuyện công việc của con con định tính thế nào? Về thành phố S làm việc sao? Tiểu Phó thì sao, chỗ làm của cậu ấy đâu phải ở đây?"
"Bọn con nói chuyện này với nhau rồi mẹ, con muốn quay về đây, cậu ấy cũng ủng hộ con ở lại, nhưng về công ty của cậu ấy chắc chắn không thể dời đi được, bọn con đành thông cảm cho nhau, chịu khó đi đi lại lại."
Mẹ tôi nghe vậy thì khuôn mặt hơi trầm xuống, lo lắng hỏi: "Cậu ấy đẹp trai như vậy, lại còn là ông chủ, xung quanh cậu ấy hẳn là có rất nhiều người đẹp phải không?"
...
Tôi thực sự... không thể tưởng tượng có một ngày mẹ tôi lại nói chuyện này với tôi.
"Con đừng cười, hai người con trai ở bên nhau thì cũng phải sống như bao người thôi, hai đứa con không kết hôn mà cứ ở bên cạnh nhau, hiện tại cũng đỡ hơn trước, chứ năm đó người ta làm um xùm lên, hơn nữa còn có nhiều người nhìn không vừa mắt..."
Tôi hiểu những lo lắng của mẹ, tôi cũng đã nghĩ đến. Nhưng con đường còn lại tôi chỉ có thể tiếp tục đi làm việc trong văn phòng tạp chí.
"Mẹ, chuyện sau này cứ để sau này tính. Hiện tại con chỉ muốn chăm sóc cho ba mẹ thật tốt. Con với cậu ấy cũng không có vấn đề gì. Mối quan hệ giữa hai bọn con cũng rất tốt, nếu một ngày nào đó tụi con chia tay vì bất đồng, chỉ có thể nói là do nhân duyên của bọn con không đủ."
"Nhân duyên không đủ gì chứ!" Mẹ tôi làm động tác như khạc nhổ hai cái, "Cái miệng ăn mắm ăn muối, mẹ chỉ sợ, hai đứa con trai bọn con, còn có một đứa con, không biết sẽ sống thế nào, mẹ sợ hai đứa sẽ cãi nhau rồi chia tay với nhau. Nhưng hôm nay mẹ thấy, Tiểu Phó cũng rất ổn, Tiểu Sư cũng rất đáng yêu, lúc đầu mẹ cứ nghĩ mãi câu "làm mẹ kế không dễ dàng gì", con có hiểu không"... "
Tôi không nhịn được mà bật cười, vội an ủi mẹ: "Dạ thôi mà mẹ, hôm nay mẹ cũng thấy Tiểu Sư rất ngoan mà, mấy cái món đồ cổ của ba cũng bị thằng bé hỏi đến choáng váng, mẹ cũng đừng lo quá."
Mẹ tôi nghe tôi nói vậy cũng cười rộ lên.
"Đừng để ba con nghe thấy. Ông ấy nghe được sẽ giận dỗi bỏ vào phòng đó."
Ở đây chúng tôi có một phong tục, khi con cháu đến nhà thì người lớn trong nhà phải cho mấy đứa nhỏ một bao lì xì, mang ý như một lời chúc.
Lúc chúng tôi rời đi, mẹ tôi lấy ra mấy cái bao lì xì màu đỏ, Phó Dư Dã ngây ra một lúc, không hiểu nó có nghĩa là gì.
Tôi cầm lấy đưa cho cậu ấy, thì thầm: "Cái này có nghĩa là mẹ anh thích em."
Mặt mẹ tôi thoáng chốc rất phúc tạp, muôn vàn cảm xúc hiện lên, ngạc nhiên xen lẫn ngượng ngùng rồi có cả nhẹ nhõm và vui sướng.
Mẹ tôi đáp lại, rồi đưa một phong bì màu đỏ khác cho Tiểu Sư, nói: "Mấy đứa con sống tốt, làm ba làm mẹ cũng an tâm rồi."
Thấy ba tôi vẫn còn ở trong phòng, mẹ tôi gọi ba tôi vài tiếng, bảo ba ra tiễn chúng tôi.
Lúc ba tôi đi ra, ông mang theo vài cuốn sách dày cộm, nói "Hối cái gì, tôi bận tìm sách."
Sau đó ba đưa cho tôi những cuốn sách đó, thực sự rất nặng.
Tôi xem qua thì thấy toàn là sách khảo cổ học và nghiên cứu di tích văn hóa.
Ý của ba tôi là gì?
Ba tôi nói: "Mấy cuốn sách này rất hay, đọc chữ không hiểu thì coi hình trong đó cũng rất tốt."
Sau này tôi mới biết những cuốn sách tranh ba cho đều là sách không còn tái bản hoặc là sách hiếm, rất khó để mua được.
Tiểu Sư vui vẻ cười: "Con cảm ơn ông, nhất định ngày nào con cũng sẽ đọc. Chỗ nào không hiểu con sẽ nói ba giảng lại cho con."
Ba tôi nghe xong, trên khuôn mặt đầy nếp nhăn cuối cùng cũng có một nụ cười: "Ba con cũng không hiểu đâu, sau này tới nhà ông, ông giảng cho con."
Tiểu Sư lớn tiếng đáp: "Dạ!"
Tôi không để ba mẹ tôi đi xuống tận cổng chung cư, sau khi lên xe, Phó Dư Dã lái xe được một đoạn thì tôi nghe thấy có một tiếng thở dài.
Là của Tiểu Sư đang ngồi trên ghế trẻ em.
Thằng bé ưu sầu nói: "Ba ơi, con cảm thấy thật mệt mỏi.".
Khuôn mặt non nớt mà nói mấy lời như ông cụ non, một tay chống cằm, nghiêng đầu nhìn ánh nắng ngoài cửa sổ.
Tôi hỏi: "Sao con lại mệt?".
Thằng bé nhìn tôi, trong mắt lại có chút bất đắc dĩ, thằng bé lắc đầu, nói: "Ba, ba không hiểu được đâu."
...
Tôi hỏi cậu Phó đang lái xe: "Em có biết con trai em đang u buồn chuyện gì không?"
Cậu ấy khẽ lắc đầu.
Hai cha con cứ tỏ ra thần bí, như là họ đang giấu tôi một bí mật lớn. Tôi thấy có hơi bực mình, cảm giác này làm cho tôi bỗng cảm thấy buồn nôn.
"Oẹ..." Tôi vội bịt miệng lại.
"Dừng xe......"
Phó Dư Dã vội tấp xe vào lề.
Tôi mở cửa xe, đi sâu vào trong lề đường.
"Oẹ..."
Cảm giác buồn nôn dâng lên rồi tôi lại ráng kiềm xuống.
Không khí trong lành ngay tức khắc tràn vào mũi tôi. Tôi một tay che miệng, một tay xoa bụng.
"Lăng Lăng." Phó Dư Dã cầm chai nước đi tới xem tình trạng của tôi, tôi lắc đầu, muốn nói rằng tôi không sao. Nhưng nhịp tim đập nhanh khiến tôi hơi chóng mặt.
Phó Dư Dã vỗ nhẹ vào lưng tôi, sau đó vòng tay qua người tôi, để tôi dựa vào cậu ấy.
Phản ứng đầu tiên của tôi là muốn che mắt cậu ấy lại...
Tôi im lặng quay đầu đi, bảo cậu ấy đừng nhìn vào những thứ tôi vừa nôn ra.
"Anh bị say xe sao? Hay là ăn trúng cái gì rồi?" Cậu ấy hỏi tôi, sau đó lấy khăn lau miệng cho tôi.
"Chắc là... anh ăn nhiều."
Bình thường tôi không bị say xe, có lẽ là do bữa trưa ăn nhiều hơn bình thường, trên đường cứ phải dừng đèn đỏ liên tục nên mới cảm thấy chóng mặt buồn nôn.
Tôi xoa bụng, nhận ra trên đó hình như lớn ra thêm một chút.
Mềm mềm lại cưng cứng.
Nếu mà tôi mặc áo thun bó sát thì nhất định rất dễ nhận ra, nhìn cứ như đang có thai ba tháng vậy.
Tôi bị chính những suy nghĩ của mình làm cho buồn cười, vừa định nói ra, trong đầu chợt lóe lên một tia sét, rầm rầm bổ xuống người tôi.
Khoan đã......
Mang... Mang thai...
Chờ đã, đúng là gần đây tôi hình như hay bị buồn ngủ, hay có cảm giác buồn nôn, ở công ty cũng không ăn được bao nhiêu, hơn nữa, sờ vào cái bụng đã hơi to lên này cũng không giống như sờ vào bụng to do bị mập lên.
Mà lại giống... lúc tôi mang thai Tiểu Sư
"Lăng Lăng?"
Giọng nói mờ mịt của Phó Dư Dã dần dần lọt vào tai tôi, đôi mắt mông lung vì những suy nghĩ miên man cuối cùng cũng nhìn rõ khuôn mặt ở bên cạnh, như ngã trên cánh đồng lúa mì vàng óng.